Tạp Ghi “I-Meo”

(Những Mẩu Chuyện Vui Buồn Thường Ngày Của Một Vài Thân Hữu Trao Đổi Qua Vi Thư)

 


12/2003 – T1-Z1 :

Mời các bạn vào đọc bài tiểu luận mới nhất của Nguyễn Hưng Quốc rất thú vị: “Con C.”:

http://www.tienve.org/home/literature/viewLiterature.do?action=viewArtwork&artworkId=1484

12/2003 –  N1-Z1 :

... Đọc bài "Con C." nhớ tối thứ bảy vừa rồi ăn đám cưới con trai HV Sáu... Đám cưới có mấy THĐL [NT D1, NH Tiên, v.v... ] là "bà con" quen biết cả hai họ. Rượu vào lời ra, PL Thượng nhắc vụ NT Cảnh và B Kỷ, B Đôn bị lạc đạn vì V Cổn với mấy câu... (kiểm duyệt bỏ!) Tửu nhập tâm như hổ nhập lâm, cả đám cười như ong vỡ ổ mạnh ai nấy nói, biểu đi biểu lại là tui phải viết vô bản tin. Tui nói đã có rồi, khi nào trống chỗ ông Trùm sẽ cho vô.

Kỳ nầy bà con không bàn chuyện "Con C." có lẽ vì ai cũng rành về các linh đơn diệu dược tràn lan trên thị trường, mà chỉ đề cập tới an khương trường thọ. Bài "Ai muốn sống lâu” ăn khách lắm nghe, bà con hỏi về thế danh và pháp danh (Thầy F, “Thượng Ép, hạ ... cũng Ép” chắc chuyên trị phòng the!) Tui bèn khai ngộ cho bà con : Thầy giáng sanh ở Âu lạc quốc, do cơ duyên mà hành pháp tại “Làng Chồn...”, Mỹ gọi là Foxboro. Bà con còn hỏi tui có biết gì về vụ con PNT đục con TH HTP và Saketeabono chắc là tay nặng cân ở DL thời xưa? Tui nói có nghe vụ đục do TH PXH kể, còn tên tác giả thì rán “đì cốt” sake (rượu) tea (trà), còn bono thì đoán đại: chắc là cái "làng chàng...” tương tợ như  “Làng Chồn...” của Thầy F. ở trên.

Có mấy người hỏi năm nay sao không viết tạp ghi i-meo, tui trả lời đại lần nầy đổi đề tài để các trưởng lão bàn chuyện về hưu mà thôi. Sẵn dịp đó tui cũng “đính chánh” về câu niệm Phật trong mục thư từ liên lạc: "Nam Mô Tiểu Tài Kiết Tường" ... (xin được hên trúng số lotto chút chút) phải đọc lại là "Nam Mô Tiêu Tai Kiết Tường" mới đúng ... Đám nhậu kéo dài tới khuya, tan hàng. TT Tính chỉ đường vô ... bếp để tới chỗ đậu xe, cả đám nghe lời vã, chân thấp chân cao chửi thề lia chia. Tội nghiệp PL Thượng sợ tui lạc đường chạy theo căn dặn kỹ lưỡng từng ngõ quẹo. Về tới nhà cũng gần nửa đêm.

... Nhơn dịp Tết Tây xin chúc quý Thầy và thân bằng quyến thuộc năm mới Tiêu Tai Kiết Tường Vạn Sự Như Ý.

12/2003 – H2-T1 :

Cám ơn anh T1 đã gửi cho chúng tôi bài này. Anh có nghĩ tới việc viết bài phản bác lại không? Nghĩa là cái “hùng dũng“ lại nằm ở phía bên kia. Cái thế đứng của bên kia nó mang tính nhu mà thắng cương, nó có cái bề thế của tự tại, bền vững, mưu lược, thâm trầm. Cái hùng của chúng ta, cứ nói như thế, chẳng qua nó lại chỉ là mặt nổi. Cái thực trạng vẫn là cái non nớt, cuống cuồng để tự đó phát sinh ra một thứ tâm lý lo sợ, yếu đuối, đau khổ. Cái nhược điểm của nó là bị lộ tung tích ra ngoài, đối phương dễ bẻ gẫỵ Những cuộc chiến đấu lại chỉ có tính giai đoạn nhất thời, hữu dõng vô mưu, bao giờ cũng dành phần bại về mình. Sự chiến bại của mình đã được chấp nhận một cách tự nhiên đến nỗi chỉ mong được kéo dài thêm sự sống trước đối phương.

Ấy chính cái tính chủ bại tất nẩy sinh ra tâm lý tự ti mặc cảm, và chính cái mặc cảm ấy đưa đến chỗ mâu thuẫn với chính mình, tự vùng vẫy, tự cao ngạo, tự cho mình một thứ hùng dũng giả tạo để khoả lấp. Tự khỏa lấp lấy mình chưa đủ, phải nhờ đến tha nhân, nẩy sinh ra tính khoe khoang cường điệu, nghênh ngang, như anh “dốt lại hay khoe chữ“ vậỵ Càng khoe lại càng để đối phương thấy cái thế đứng của mình, thấy cái sức mạnh cao điểm nhất của mình, để đối phương chặc lưỡi nhủ thầm sức mạnh đáng hãnh diện đáng khoe khoang chỉ có thế thôi à. Chẳng khác gì có một người tự khoe mình là cái này cái nọ trong xã hội, thật dại.

Cái sức mạnh của đối phương vẫn là cái mạnh của mưu lược. Họ biết dùng cái vũ khí ưu việt của họ đến chỗ tuyệt đỉnh. Họ biết sử dụng vũõ khí ấy một cách đúng lúc, đúng chỗ, đúng ”thiên thời địa lợi nhân hòa”, đúng với binh thư Tôn Tử “Biết mình biết người trăm trận trăm thắng“. Khi đã ra chiêu là họ phải thắng, cái thắng của họ là sự tất yếu, là chân lý.

Thôi tạm ngừng ở đây, hẹn anh lúc khác sẽ bàn tiếp. Tôi phải đi làm những công việc dành cho tôi hàng ngày. Anh thấy cái hùng của tôi chưa? Tôi đang là người hùng dũng như cái hùng dũng mà tôi đang có và rất tự hào. Chưa chắc gì tôi dám “văng“ đâu nhé.

Phải công nhận bài anh gửi cho tôi rất hay, đọc rất thích thú. Ít ra nó là một đề tài có thể tranh luận được.

12/2003 – T1-H2 :

Anh H2, ... Anh chị T3 và tôi chắc là sẽ sơ khởi hẹn nhau sáng thứ sáu ... Tuy nhiên, chắc phải ăn phở gà (đúng phở bắc kỳ) vì bò đang ... có vấn đề!!! Bài về phở của anh có đoạn anh tả hai cô bé vào ăn phở ngầu pín hay quá, thật sống động. Có “cô hàng xóm” của anh trong hai cô này không? ...

12/2003 – H2-T1 :

Anh T1, ... Còn chuyện bức thư “PHỞ“ gửi các anh, như tôi đã nói, là tôi viết lúc ngẫu hứng khi đọc email của các anh. Tôi không nhớ trong hai cô ăn phở “ngầu pín“ hôm ấy có cô nào là “hàng xóm” của tôi không nữa. Theo tử vi, tôi có cung “di“ chiếu mệnh, hiểu theo nghĩa là “di chuyển” nhiều, lúc nào cũng lang thang như chó “thiến“ ngoài đường, và cuộc đời cứ lưu động triền miên trên khắp “bốn vùng chiến thuật“. Nay bất chợt anh hỏi, tôi không biết anh hỏi cô “hàng xóm“ nào. “Hàng xóm“ của tôi thì khối, khối ra đấy anh ạ. Cứ chất các cô ấy vào với nhau thì có lẽ to bằng “Gò Đống đa” chứ không nho nhỏ như cái mả “Đạm Tiên“ đâu để cho hai nàng Kiều có thể “sè sè“ được (Sè sè nắm đất bên đường - thơ cụ Nguyễn Du.) Cười. Chắc không phải anh ạ. Vì nếu phải hai cô ấy, dù chỉ một cô là “hàng xóm” của tôi thôi, họ đã bắt tôi ăn đến mấy tô phở loại ấy rồi. Chịu! Chạy thôi! Bỏ của chạy lấy người! ...

1/2004 – N1-Z1 :

Hôm nay 22 tháng Chạp, ngày mai đưa Ông Táo về trời báo cáo cuối năm nên tui cũng lai rai trình quý Thầy.

Hai tuần trước ăn đám cưới cuối năm của con PLT,  gặp đầy đủ bá quan văn võ. "Hoàng thượng" tới hỏi "Sao không thấy chơi i-meo trong Bản Tin?" Có vài “Quan” tới tâm sự là già rồi, đọc mấy lời bàn đạo đời nghe thấm lắm và “sách tấn” là quý Thầy hãy tiếp tục.

(Sẵn đây xin bàn thêm: Người VN mình bẩm tấu với vua "Muôn tâu bệ hạ" v.v... nhưng tui coi TV phim Tàu lúc nào họ cũng kêu có hai chữ “hoàng xà”, đọc phụ đề chữ ... Tàu thì ra là Hoàng thượng, không có muôn tâu bẩm bái thưa gởi gì ráo. Trong kinh, với Ông Phật cũng chỉ kêu hai chữ Thế tôn! Rồi tiếp theo là đặt câu hỏi cho Ông Phật. Còn người mình thì ôi thôi “nâng bi“ người cao hơn mình bằng đủ thứ  chữ nghĩa có thể có được ở trên đời. Có lần tui nghe một Ông Thầy “chịu chơi” phê bình : Cứ “Kính mời quý Thầy lên Chánh điện hành lễ” là đủ rồi, cái gì mà ông Thầy ban tổ chức lại nói “Chúng con xin đê đầu cung thỉnh chư tôn đức quan lâm chánh điện!!!” )

Trở lại vụ đám cưới. Sau khi "Hoàng thượng" giá lâm hai lần thì "Chánh hậu" tới bàn lai rai, tui hỏi “Dượng” thứ mấy thì nghe trả lời Ổng thứ 6... Tui xen vô Vậy là "chú Sáu Nhà Đèn”... Rồi nghe kể tiếp Người ta kêu là Sáu Phát! Mà đó (may ra) là chuyện đời xưa, Bây giờ già rồi phải theo Cô, Cô thứ Một (Mười một) Ổng là Dượng Một: Một Phát! Một phát còn ứ hơi, nói gì tới 6 phát ... Tiếp theo là tràng cười của cả đám vui rất là vui.

2/2004 – H2-T1 :

Anh T1, ... Tôi mới hỏi thăm anh D1 và T3 anh đã về chưa, thì được biết anh chị đã trở về sau một chuyến “ngao du“ một tháng ở xứ Kanguru. Hôm thứ bẩy vừa rồi tôi ghé lại anh T3 và có cuộc họp mặt của đủ các “nhân bang“ trong nhóm mình, chỉ thiếu có anh chị thôi. Khi anh nói chuyện với các anh kia hôm đó thì tôi đang thụ huấn bài học về cách sử dụng font tiếng Việt của ông thầy D1 (xin đọc là ông “Dê số một“ hay đọc theo Hán tự là ông “Dê nhất“).

Sau những bài học, bây giờ tôi mới thấy cụ Phan Khôi nói là đúng, tôi nay cứ như “Ông bình vôi“ ấy, càng già càng tồi. Tôi thua ông bình vôi vì chẳng có ai thờ cúng gì để mình có tí xôi tí oản, nay có muốn ăn thì cứ phải đưa lưng ra để “chịu đấm ăn xôi“ mà thôi. Học có một tí mà quên lên quên xuống, nhắc đi nhắc lại mà cứ như “nước đổ lá khoai“ hay “nước đổ đầu vịt“, ông thầy D1 thì cứ thao thao bất tuyệt phô diễn những tuyệt chiêu về những cái mà tôi mù tịt, thờ thẫn. Không phải là tôi không “cố gắng“ học, cố gắng lắm chứ, nhưng mà lại là loại “cố gắng tan hàng“ thành ra khi ra về lòng tôi nặng trĩu một nỗi u hoài, mênh mông, bồng bềnh ... buồn vui lẫn lộn. Vui vì tìm được “minh sư“, buồn vì lá khoai lại hoàn lá khoai, đầu vịt thì vẫn hoàn đầu vịt, chẳng dính được ... hột nước nào. Dốt thì còn dậy thành giỏi, ngu thì còn dậy thành khôn, đần thì chịu. Tôi xin tường trình với anh như thế về cái chuyện của “thằng tôi“...

2/2004 – T3-Z1 :

Các anh, ... Sáng nay tôi dậy sớm như thường lệ, tí nữa sẽ đi học lớp Traffic. Mở email thấy bài chửi tục của anh H2 chưa đọc cứ tưởng chuyến này sẽ được đọc một đoạn văn XXX. Nhưng ông thầy mới giáo đầu còn tài liệu bảo học trò tự đi kiếm lấy.

Tôi đồng ý với anh H2 là nghề chửi của miền Bắc phong phú hơn miền Nam hay Trung nhiều (tôi cũng đi khắp các vùng chiến thuật rồi nhưng có thể là chưa được dự kiến những màn dạy dỗ tương tự ở miền Nam hay Trung ) có lẽ hai miền Nam và Trung con người thực tế hơn nên vắn gọn hơn, còn ở xứ Bắc kỳ thì văn hoa hơn, dù tục hay thanh cũng có bài bản.

Đọc bài của anh H2 tôi lại nhớ đến chuyện Ba Giai Tú Xuất, hai nhân vật TẾU và hay chọc ghẹo của văn học dân gian VN. Một trong những giai thoại về hai ông này là đối thoại với một bà nổi tiếng về chửi. Đại khái câu chuyện như sau: Ở một khu phố nọ ngoài Bắc có một bà chủ tiệm nổi tiếng về chửi không ai dám đụng đến. Nghe tiếng bà này hai chàng BG và TX bèn đến "thọ giáo", hai chàng đến mướn căn nhà trước cửa tiệm của bà ta gây sự để bà này chửi, bà chửi suốt ngày đầu rất hăng, mỗi khi bà ngưng chửi thì hai chàng lại lên tiếng để cho bà tiếp tục, ròng rã nhiều ngày cứ sáng sớm là BG TX lên tiếng, khi bà ấy bắt đầu mở máy thì rút lui vào nhà ngồi uống ruợu coi như không có sự gì xảy ra. Bà này chửi ngày này qua ngày khác không buôn bán gì, thua lỗ, lại bị sức khỏe sa sút, cuối cùng người nhà bà ta phải sang xin BG TX ngưng.

Nói về diễn tả trong khi chửi tôi đã được chứng kiến một hoạt cảnh sau: mấy thằng nhỏ khoảng 10, 11 tuổi đánh bi đánh đáo cãi nhau rồi chửi thề liên tục Đ mẹ, Đ bà ... làm một bà sồn sồn chồng vắng nhà (đi lính) nóng mặt chạy ra chửi “tổ cha tụi bay, đồ con nít bằng quả ớt mà bày đặt Đ này Đ nọ, này, tao là mẹ nó đây đứa nào Đ thì Đ đi“ vừa nói bà vừa làm động tác làm mấy thằng nhỏ ngơ ngác chẳng hiểu gì cả.

Anh H2 quên nói đến một môn chửi nữa là CHỬI THỀ, thực ra người chửi thề chẳng có ý gì mà chỉ quen miệng làm cho câu nói được đậm đà thêm. Xem tape họp mặt của Úc châu tôi chợt thấy thiếu thiếu một cái gì, sau nghĩ ra là không có tiếng chửi thề của NgThNg ...

2/2004 – H2-D1 :

Anh D1 thân, xin lỗi anh, tôi nhớ nhầm, chữ chửi thề tôi cứ tưởng là chửi tục. Thôi thì “tục“ cũng được phải không? Có cái tục mà lại không tục đấy nhé. Anh còn nhớ truyền thuyết Thái Tử LộcTục khi đi kinh lý phía nam, qua Động đình hồ, gặp Tiên lấy làm vợ đẻ ra Lạc Long Quân, Lạc Long Quân lấy Âu Cơ đẻ ra trăm trứng, tổ tiên bọn mình. Lộc Tục có tục chút nào đâu, hay mình tục từ hồi đó nhỉ. Đẻ ra trứng kể như cũng bất thường rồi...

2/2004 – T1-H2 :

Anh H2 ơi, ... Tôi rất muốn anh sửa các bài viết, sửa đi sửa lại sao cho hoàn chỉnh, vừa ý tác giả, trước khi tôi phổ biến... Từ hồi nào tới giờ, mấy cái email của anh (và nhiều bạn khác) tôi thấy hay hay thì tôi save lại, lúc nào rảnh thì gom lại rồi edit rồi format thành bài để sẽ xài cho bản tin THĐL, nhưng tôi làm âm thầm, đâu có cho tác giả biết đâu. Anh xem lại các bản tin mới đây thì anh thấy.

Bây giờ anh biết cái cách tôi làm ... “báo” rồi, anh sửa bài (tức là edit đó) thì tôi đỡ mất thì giờ và anh đỡ ... hồi hộp (vì sợ tôi edit không đúng ý anh). Do đó mà từ nay tôi sẽ không edit bài sẵn nữa mà chờ đến giờ chót, đợi anh sửa cho đã rồi tôi mới (có thể edit phụ thêm và) format. Anh chịu không? ...

2/2004 – H2-T1 :

Anh T1, ... À ra thế, tôi “sáng dạ“ ra rồi, tôi cứ tưởng anh edit làm format vừa xong tôi lại đòi thêm thắt hay cắt xén đi, anh lại phải lôi ra làm lại, làm các anh cực như thế thì tôi “chả vào“, nghĩa là thôi thế là được rồi. Nay anh nói vậy thì tôi cảm thấy bớt guilty hơn. Anh dành thì giờ cho cả trăm người, ai cũng giống tôi, nay đòi thế này, mai đòi thế khác thì anh chịu sao thấu. Đó là lý do tôi hứa với anh là không quấy rầy anh như vậy thôi. Thú thật, khi tôi viết, tôi cứ viết ào ào, viết xong gửi đi, gửi đi xong giật mình, bỏ bố thật, hỏng quá, viết cái gì thế này, láo! Ấy, cứ gửi đi xong mới giật mình thì đã muộn rồi. Nay anh cho tôi cơ hội đọc lại để hiệu chính lại thì thật tuyệt.

Không phải tôi hiệu chính lại là luôn làm cho nó được hoàn hảo đâu, có khi lợn lành sửa thành lợn queø, càng thêm nhiều chi tiết thành tham, mà tham thì thâm, rút cục bài thành ra đầu Ngô mình Sở, tẩu hỏa nhập ma, lạc đề. Nhưng khi đã viết xong mà không gửi ngay đi thì ấm ức lắm, cứ như mấy cô ngồi cả giờ điểm trang xong lại leo lên giường đi ngủ vậy. Viết xong, có các anh để tôi gửi đi, tôi thấy cũng hạnh phuc lắm rồi. Có bài được các anh khen “được“ là tôi cũng thấy phấn khởi lắm. Tôi có viết bao giờ đâu mà biết mình viết hay hay dở. Tôi cứ làm tưới. Ngửi không được các anh phải la toáng lên dùm tôi. Cứ bịt mũi mãi thì tôi chẳng biết đâu mà rờ. Tôi như hiệp sĩ mù nghe gió kiếm, các anh cứ bịt mũi đứng cười thì tôi không thể ra chiêu được. Vài lời tâm sự với các anh như thế ...

2/2004 –D1-L2:

(Nhân thảo luận về 2 từ ngữ  “nhũ danh” hay “khuê danh”)

Anh L2, Một anh bạn tôi nêu thắc mắc mong được anh giải đáp :

Nếu : ”Khuê” là 1) cái phòng nhỏ; 2) cái phòng hay chỗ người con gái ở;

Thì : ”khuê phòng” có trùng lắp chăng?

2/2004 – L2-D1 :

Anh D1, Thắc mắc này rất hay và rất đúng, vì nhìn kỹ thì quả có sự trùng lắp. Tôi xin đưa lại định nghĩa của Từ Hải:

Khuê: 1) Tiểu môn (cửa nhỏ); 2) Nữ tử sở trụ đích nội thất (phòng trong chỗ đàn bà ở)

Khuê phòng: Nữ tử trụ đích phòng gian (phòng đàn bà ở).

Ngoài ra còn có chữ Khuê Các nữa, cũng được Từ  Hải định nghĩa như khuê phòng (Nữ tử sở trụ đích phòng gian ).

Thiều Chửu lại cho 3 định nghĩa cho chữ Khuê: 1) Cửa tò vò; 2) Cửa nách trong cung; 3) Chỗ con gái ở.

Như thế, 1 chữ Khuê đã đủ để chỉ chỗ ở của người đàn bà rồi. Chẳng hạn như trong câu 1 của bài Khuê Oán của Vương Xương Linh: Khuê trung thiếu phụ bất tri sầu.

Do đó trong chữ khuê phòng quả có sự trùng lắp.

Theo ý riêng, sự trùng điệp trong ngôn ngữ nhiều khi được dùng để tạo sự lưu loát cho câu văn (thơ) hay dể dễ nghe khi đọc lên, chứ không hoàn toàn dựa trên lý luận thuần túy. Điều này chắc phải thỉnh ý các chuyên gia ngữ học nghiên cứu về nguồn gốc của ngôn ngữ thì mới có câu trả lời thỏa đáng...

3/2004 –D1-H2 :

Anh H2 ơi, ... Bắt đầu đọc thư của anh, thấy cô hàng xóm của anh xuất hiện bất ngờ với những nét e lệ nhưng không kém phần oai vệ như thế tôi lo cho anh quá. Anh lại cầu cứu chúng tôi. Bạn bè thì phải hết lòng với nhau chứ. Chưa biết phải giúp anh thế nào thì may quá, trong vài dòng cuối anh cho biết là anh còn một cô hàng xóm cuối ngõ nữa. Thế thì xong ngay thôi! (Chắc tôi phải đăng ký lấy bản quyền từ ngữ “xong ngay thôi” mới được.)

Tôi có giải pháp cho anh rồi : Một ngày cuối tuần đẹp trời nắng ấm như ở Bắc Cali mình mấy hôm nay, anh rủ cả hai cô đi San Francisco chơi, đưa họ đến trước Civic Center (cái gọi là Ủy ban Nhân dân thành phố ấy mà). Nhưng mà chính anh phải là tài xế lái xe mới được đấy nhé. Anh để họ xuống trước, rồi anh đi kiếm chỗ đậu xe. Tôi dám bảo đảm với anh tới 62% là khi anh đi bộ ra tới nơi, 2 cô kia sẽ không còn cần tới anh nữa.

Anh hỏi tôi do đâu mà dám bảo đảm 62%? Tại sao không 60%, hay 70%, mà lại ra lưng chừng con số 62%. Thưa anh đó à tỷ lệ dân Bắc Cali tán thành same sex marriage.

Chúc anh đêm nay ngủ ngon. Hy vọng nhờ anh ngủ ngon tụi tôi sẽ được đọc những bài viết của anh, mà không phải vò đầu bứt tai tìm giải pháp cho anh. Bởi vì tôi biết trong vấn đề giao thiệp với các cô hàng xóm, đầu ngõ, cuối ngõ, ngõ trên ngõ dưới, anh mà bị kẹt thì còn ai thoát ra được nữa để mà nói chuyện giúp anh.Cái giải pháp tôi đưa ra ở trên chỉ là do tôi “chó ngáp”, đọc thư anh trong lúc TV đang chiếu thời sự ở San Francisco thôi.

3/2004 – H2-Z1 :

Các anh ơi, theo ý kiến của anh D1 thì như thế, các anh có đồng ý không?

Ừ nhỉ, khỉ thật, có thế mà tôi không nghĩ ra. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, tôi thấy nó làm sao ấy. Bỏ thì thương, vương thì tội. Đành rằng đem hai nàng lên đó thì dễ thôi, nhưng tôi lại sợ cô hàng xóm bên cạnh lại trách tôi là “mang em bỏ ... city“ thì cũng chẳng khác nào “mang con bỏ chợ“ mặc dù đó là ý muốn của hai cô em. Tình ngay mà lý nó cứ gian, khỉ thế đấy.

Thế hôm đó anh có đi với tôi không, chẳng nhẽ anh để tôi lái xe về một mình? Lạc chết! Tôi bảo đảm với anh 38% là như thế. Anh có biết tại sao là 38% không, sao không phải là 30 hay 40 mà là 38, vì 38 % là con số 100% - 62% = 38% đấy. Giải pháp này hình như tôi lỗ quá, mất cả chì lẫn chài. Lại thêm, hai nàng xáp lại với nhau, hai ả cứ chạy qua chạy lại thăm nhau, ngõ nhà tôi thành chòng chành như thuyền vượt biên ấy à, chóng mặt chết. Không được đâu. Thôi tôi hãy nấn ná đợi anh suy nghĩ thêm xem có giải pháp nào hay hơn không. Nhưng anh đừng tìm idea trong những trận Football nhé, tôi thấy toàn là “húc“ với “ủi“ không à. Sợ lắm! Tôi ném banh không giỏi, bị đè chết. Hai người đè thì tôi chịu không thấu. Anh cứ tưởng tượng xem tôi lúc ấy ra sao. Trọng tài phải “bóc“ tôi lên khỏi sân cỏ đấy. Hãi lắm!

Còn chuyện chữ “xong ngay thôi“ thì tôi chẳng có cơ hội dùng, và cũng chẳng dám dùng, vì tôi có “cứu bồ“ được ai đâu, mà có ai nhờ đâu mà cứu mà “xong ngay thôi“. Nhường anh chữ này, tôi pha, anh đi tiền. Anh cho tôi suy nghĩ lại về cái idea của anh nhé. Nếu không có ai cho ý kiến thêm thì cũng đành như nàng Kiều “Cũng đành nhắm mắt đưa chân“.  Chẳng biết đưa chân hay đưa thân đây nữa, thật khổ ...

... Vừa đi chơi Half Moon Bay (xin tạm dịch là Vịnh Nửa Vành Trăng) về thì được đọc thư anh. Khoái quá (chữ khoái của anh TCM). Việc thứ nhất là cám ơn anh đã đọc thư của tôi một cách kĩ càng mà lại còn nhớ chi tiết hơn cả người viết nữa. Bây giờ thì thú thật, tôi quên luôn cả cô đầu ngõ với cô cuối ngõ, cô nào tên “Tượng“ cô nào tên “Liễu“ mất rồi. Tuy nhiên nếu tôi còn nhớ những điều tôi viết thì chuyện tôi tiếc rẻ chẳng qua là tập làm quảng cáo cho bộ phim “Chị tôi“ sắp ra đời đó thôi. Đâu đến nỗi “hư thối“ thế. Xin mời các anh nhào vô. Bảo đảm tôi chưa khui.

Thôi thế này cho fair, tôi nhận tuyển anh làm tài tử trong phim “Chị tôi“. Phim này có nhạc đệm hai bản nhạc “Chị tôi“, một của Trọng Đài và một của Trần Tiến, tài tử D1 thủ vai chính, đạo diễn Hai Không. Nữ tài tử là “Tường Bộ“ và “gì Liễu“ nhỉ, chẳng lẽ là “Hoa Liễu“. Quay tại phim trường của ông tên LEE, họ Sandwiches. Cứ đọc thư anh không thôi là tôi đã thấy ngứa ngáy lắm rồi, huống chi lại được xem anh đóng nữa. Nhưng có điều tôi còn hơi thắc mắc là hết ngủ dọc rồi lại ngủ ngang, anh chịu nổi không?

Viết đến đây tôi lại nhớ cách đây mấy chục năm về trước, trong tạp chí Bách khoa ở Sài gòn, ông Võ Phiến có tả một anh, tạm goi là “bộ đội“ đi. Trong một chuyến công tác, anh ta phải lên một chuyến đò dọc ban đêm. Vì trong thuyền có đông người ngủ ngang ngủ dọc trên sàn, đêm lại tối như mực, nên anh phải mò mẫm mãi mới tìm được chỗ nằm. May mắn sao anh lại vớ ngay được chỗ nằm bên cạnh một phụ nữ. Đêm đó, anh cũng ngủ dọc, ngủ ngang với phụ nữ đó. Sáng dậy té ra là vợ anh đi buôn bán đò dọc đò ngang đã lâu ngày. Tôi thích nhất là chỗ ông Võ Phiến tả lúc khởi động, cái điểm sáng trên đồng hồ dạ quang đeo trên cổ tay anh, nó cứ di chuyển dọc ngang trên cái thân hình nằm bên cạnh đang co rúm lại (bốn chữ sau cùng này là của tôi).

Đấy là chuyện của người, còn đây là chuyện của tôi. Ngoài cái chuyện sandwich nằm dọc nằm ngang, anh còn sáng tác ra thêm được cách ngủ nào khác hay hơn không, hay ta lại phải nhờ đến hình ảnh của hãng phim Kodak loại khổ dài (36 bô). Mỗi sáng tác của anh, tôi xin trả thêm tiền “bồi dưỡng“, vừa bổ chiều ngang bổ cả chiều dài. Rán “động não” nhé, trước mua vui sau là “phải phải“. OK!

3/2004 – H2-Z1 :

Thân gửi anh T1 và toàn thể các anh, ... Hôm nọ tôi đề nghị với anh D1 là tôi muốn viết bài “bóp“ các anh như tôi “bóp“ hai ngài trong số báo trước. Nhưng lần này không phải chỉ là hai mà là bốn, hay tôi bóp luôn cả tôi nữa cho trọn bộ.

Về anh T1 thì tôi sẽ vẽ ra một hình ảnh lúc nào cũng như ngủ mà hỏi ra cái gì cũng biết. Cái này tôi thấy tả anh hãi hùng quá nên ngại. Anh T3 thì cái tính anh tự nhận là “ruột ngựa“, không phải ruột tượng của mấy cô thôn nữ miền Bắc. Ruột tượng là ruột voi đấy nhưng lại được các bà cứ xoắn bó lại từng khoanh để đựng tiền xu, mỗi khi mở ra mua bánh đúc chấm tương thì lâu lắm. Ông D1 nhà mình thì cứ  như một ông cụ nghiêm khắc. Tôi sẽ luận bàn về hai ông D1 và T3 về cái khôn, mà tôi thì dại, cái khôn mà khôn dại, cái dại mà lại là dại khôn. Còn ông Chính thì với tâm hồn ăn uống sành điệu, chẳng có món nào mà ông ấy chẳng chê thiếu cái này hay thiếu cái kia. Ngay cả món ông ý chưa ăn bao giờ như món “gan rồng“ chẳng hạn, mà ông ấy cũng chê là con rồng ấy còn non nên chưa biết ... lộn, không ngon. Ông ấy chê bậy, rồng mà đã biết lộn thì già quá còn ai muốn làm gì nữa. Ấy thế mà ông ấy cứ đòi đấy. Lạ thật!

Tôi định viết nghịch các anh một bài gọi là “tóe lửa“ là chạy tọt hết lên cổ. May hôm qua nhận được thư anh D1, anh ấy bị bóp, tôi mới giật mình thôi không viết nữa. Bóp đau quá các anh nghẹn hết. Thôi để tôi bóp những cái gì không có “hột“ vậy. Chắc lại mấy cô hàng xóm của tôi. Biết đâu các cô ấy lại chẳng mời tôi đi ăn phở, đâu như các anh...

3/2004 – T1-H2 :

Anh H2 ơi! ... Anh viết giống như Lê Xuyên (Chú Tư Cầu) rồi đấy: cứ cho chàng và nàng "xàng qua xàng lại", đăng báo kéo dài cả tháng rồi mà chưa "xơ múi" gì hết"...

3/2004 – H2-T1 :

Anh T1 ơi, Anh quả thật có óc khôi hài. Anh ví tôi với nhà văn Lê Xuyên về cái “bệnh câu giờ”. Chỉ tiếc là nhà văn này đã qua đời mấy tuần nay, nếu không, tôi đã hỏi ông ấy câu ví von của anh có đúng hay không.

Hồi xưa tôi cũng đọc truyện của ông Lê Xuyên và tôi cũng sốt ruột như anh vậy. Tôi nhớ có một lần, nhưng không nhớ rõ trong truyện nào của Lê Xuyên, ông ấy đề nghị “đối tượng” cởi nút áo ra cho ông ấy xem một tí. Cởi có mấy cái nút áo mà ông ấy kéo dài tới một tháng, nghĩa là phải đọc tới 30 số báo của ông ấy. Ngứa ngáy, khó chịu, hồi hộp đến đứng cả tim vì đợi vì chờ để rồi kết cục chẳng thấy cái gì cả. Đấy chỉ là mấy cái nút áo thôi đấy nhé, còn ông Lê Xuyên mà đòi cởi thêm cái gì khác nữa thì chắc ông ấy bắt chúng ta đợi cả năm và cũng để rồi chẳng thấy cái gì. Chỉ có tức mà chết. Chết tức tưởi.

Ngược lại, đọc văn của ông D1 nhà mình, tôi lại thấy ngứa ngáy một cách khác, cường độ của nó mạnh gấp đôi cái ngứa ngáy của ông Lê Xuyên đem đến. Ông D1 này thì không câu giờ mà ông ấy “đốn” nhanh quá, ông ấy làm cái “sột” một cái đến giật mình. Tôi chưa kịp chuẩn bị tinh thần để chờ đón sự việc nó diễn tiến ra sao thì ông ấy đã làm xong cái chuyện “xoay dọc rồi lại xoay ngang” với hai cô hàng xóm nhà tôi rồi. Đúng là ngứa ngáy nó cũng có nhiều kiểu khác nhau và cái mức độ ngứa ngáy cũng có cao thấp khác nhau tùy theo người viết và người thưởng ngoạn.

Đấy là truyện của ông Lê Xuyên và ông D1, còn truyện của tôi thì cũng làm anh sốt ruột và ngứa ngáy khó chịu lắm hả? Ừ nhỉ , tôi viết cả hơn hai chục trang dầy đặc rồi mà chàng và nàng vẫn cứ “xàng qua xàng lại”, kể ra thì cũng hơi câu giờ đấy, làm anh ngứa ngáy khó chịu cũng là phải thôi. Tôi thông cảm.

Tôi xin giải thich với anh vì sao tôi không cho cái nhân vật “TÔI” tiến nhanh, tiến mạnh và tiến hùng hục đến “đích” của nhân vật nữ vì tôi thấy làm như thế tôi có cái gì “tiêng tiếc” làm sao ấy.

Thật ra nàng Thi của tôi cũng chẳng còn ngây thơ gì nữa, 15 tuổi rồi. Nàng chỉ cần thêm hai tuổi nữa là nàng sẽ trở thành “Con gái mười bẩy bẻ gẫy sừng trâu” rồi. Ở cái tuổi 15, hơi non một tí đấy, nhưng chắc nàng cũng đủ sức để bẻ gẫy được vài thứ bé bé hơn sừng con trâu như “sừng” của anh chàng “TÔI” trong truyện và của các vị về hưu như các anh vậy.

Anh đọc bài thơ “Chùa Hương” của Nguyễn Nhược Pháp thì rõ, thì anh thấy ngay ở cái tuổi 15, các cô ấy cũng chẳng phải vừa gì.

Em tuy mới  mười lăm

Mà đã lắm người thăm...

Ngun ngút khói hương vàng

Say trong giấc mơ màng

Em cầu xin Trời Phật

Sao cho em lấy chàng .

Anh đã nghe bài hát “Đi Chùa Hương” mới sáng tác sau này chưa nhỉ, cô ấy õng ẹo “em mới chỉ mười lăm” và cô ấy “phang” thêm cho một câu xanh rờn : “Em còn bé lắm các anh ơi”. Ở đấy mà bé, các anh mà xáp vào là em chấp hết đấy. Các cô bây giờ thì gớm lắm, chẳng thế mà một nhạc sĩ trẻ đã phải ra bản nhạc “Con gái bây giờ” để nói về các cô ấy đấy thôi, chắc các cô cũng cỡ tuổi 15 nhỉ. Cô Thi của tôi thì cũng chẳng hiền gì đâu, anh đọc rồi thì đã rõ.

Nàng biết lõi cả ra đấy nhưng còn “vờ theo kiểu con gái nhà lành” đấy thôi. Còn nhân vật “TÔI” thì quá quắt lắm rồi, không hở một cơ hội nào mà anh ta không “rỏ dãi” ra, lúc nào cũng chỉ rình rình làm chuyện “liều” nhưng mà lại nhát quá. Đúng là "tình trong như đã, mặt ngoài còn e", e thiên hạ trông thấy.

Từ từ anh T1 ơi, chịu khó chịu đựng cái ngứa ngáy một tí. Cho họ “xáp” vào sớm quá tôi thấy “tiêng tiếc” làm sao ấy. Tôi định để chàng và nàng đi thêm vài nơi nữa, để còn có dịp tôi giới thiệu những thắng cảnh đất Bắc với các anh nữa chứ. Cho “xáp vào” nàng lại “phưỡn” cái bụng ra, làm sao nàng có thể trèo lên Hang Cắc cớ ở Chùa Thầy để nghe thi sĩ Hồ Xuân Hương vịnh thơ về cái hang này. Mà nếu may mắn, chẳng có “tai nạn” gì xẩy ra, nàng lại sinh chứng, quen ăn mà không quen nhịn, cứ đòi ở nhà nằm trên giường  “nhìn trần nhà” trân trân, không chịu đi đâu nữa thì tôi còn viết lách được cái gì đây. Hết truyện, tôi bị lay off  à?

Thôi, anh đồng ý với tôi nhé. Hưỡn hưỡn một tí cho nhau nhờ. Trước sau gì cũng có ngày nàng bị ông Lê Xuyên đề nghị đòi cởi nút áo xem một tí cho mà coi. Tôi chỉ sợ ông Lê Xuyên câu giờ quá, đến khi gà gáy sáng mà vẫn chưa viết xong, nàng lại chồm dậy tát cho một cái nổ đom đóm mắt rồi vùng vằng giận dỗi úp mặt xuống gối mà khóc rưng rức, ấy mới là cái chết đấy. Đến nước này chắc phải mách cho ông Lê Xuyên đến gặp ông D1 nhà mình mới xong.

Tôi thú thật, tôi cho họ “xáp lá cà” thì cũng dễ thôi. Các cụ ta có câu “Khôn ba năm dại một giờ” (dại một giờ thì hơi lâu đấy), tôi chỉ cần viết sao cho nàng dại một tí là “xong” ngay thôi, nhưng sao thấy “tiêng tiếc” thế nào ấy.

Tôi dùng chữ thấy “tiêng tiếc” là lý do thế này. Tôi nhớ ngày còn nhỏ, sống trên đất Bắc, tôi không biết rõ là vào mùa thu hay mùa đông gì đó, có loại quả trông rất đẹp gọi là quả NHÓT. Quả nhót thì giống như quả trám. Nếu anh hỏi tôi quả trám nó ra làm sao thì tôi cũng đành phải trả lời anh là nó giống như quả ... nhót vậy thôi. Nhưng quả nhót thì trông nó xinh xắn, thanh tao hơn quả trám nhiều, đẹp cả về hình dáng lẫn mầu sắc. Ngoài Bắc, người ta có câu “trông em xinh cứ như quả nhót ấy” và “em cứ thơm như múi mít” thì đủ biết quả nhót nó xinh xắn làm sao. Quả nhót mềm mại và có mầu đỏ như quả hồng mềm khi chín. Nếu anh không biết quả hồng mềm khi chín ra sao thì tôi cũng đành phải nói là nó giống quả nhót khi chín vậy thôi. Khó tả quá. (Bắt chuớc Lê Xuyên câu giờ.) Nói tóm lại là trái nhót thì rất xinh, rất mỏng manh, cầm trên tay thì phải nâng niu chứ không ai nỡ cầm quả nhót mà nắn mà bóp bao giờ. Nó thuộc loại “quân tử” có thương thì bỏ vào túi hay bỏ vào mồm chứ không như trái mít xin đừng ... "mó máy nhưạ ra tay". Quả nhót có những hạt trắng nhỏ như hạt vừng bám vào vỏ ngoài. Khi ăn người ta thường chà quả nhót vào áo len cho những hạt trắng lấm tấm ấy bay đi khỏi vỏ. Khi những hạt trắng đó bay đi thì da quả nhót đã bóng bẩy thì nay nó trở nên bóng bẩy hơn và đã mềm mại thì nay nó lại càng mềm mại mỏng manh hơn.

Tôi hay cầm quả nhót soi lên ánh sáng mặt trời để nhìn được thấy thịt mầu hồng đỏ bên trong của nó. Quả nhót còn để nguyên thì chẳng có mùi có vị gì cả. Nhưng vì nó quá xinh nên tôi lại thường hay đưa lên mũi ngửi hay cho nó vào mồm để mút nghịch thôi chứ không ăn. Nhưng khi đã có quyết định ăn thì phải chuẩn bị tinh thần để đón nhận cái vị của nó. Chuẩn bị như trước khi ta nhẩy xuống hồ bơi (swimming pool) vào buổi sáng sớm, ta thò chân xuống nước khoắng khoắng vài cái xem nó lạnh ấm thế nào trước khi liều mình nhẩy ùm xuống nước.

Ăn quả nhót cũng thế, ta phải chuẩn bị tư tưởng như thế vì quả nhót vị nó rất chua. Nói theo kiểu “văn hoá bình dân học vụ” thì chua đến “vãi đái” ra. Có nhiều loại quả chua như chanh, me, và sấu, chẳng hạn, nhưng cái chua của chanh còn có thể pha đường làm nước chanh đường uống giải khát hay chua như sấu thì cũng đợi cho sấu chín, ngào với đường với cam thảo thì ăn lại rất ngon. Riêng quả nhót thì chỉ ăn được với nhót mà thôi. Chua lắm!

Anh T1 thấy chưa, tôi cứ nghĩ tới cho nhân vật “TÔI” cận chiến với nàng Thi thì tôi có cảm tưởng như tôi sắp nhai quả nhót trong mồm, tiếc vì phải phá vỡ một vật thể xinh đẹp của Trời Đất và tiếc vì lại còn bị “vãi” ra nữa. Hột quả nhót thì cũng giống hột quả trám nhưng trơn, coi chừng lại tọt xuống cổ bị hóc. Mình hóc thì đi nhà thương, mà nàng Thi hóc thì chỉ còn “vác chiếu ra toà". Chua lắm, và thật cũng năm bẩy đường chua.

Thôi thế thì ta đồng ý với nhau là “hưỡn hưỡn” lại nhé. Cho họ “xàng qua xàng lại” được rồi. Cho họ “xơ múi” làm chi cho mệt .

Tái bút : Anh T1 thấy tôi câu giờ ngang Lê Xuyên chưa? Rút cục lại, sau khi viết xong bài này tôi chỉ có một ý một thôi “không cho họ xáp vào vội” và xin anh đừng sốt ruột và ngứa ngáy nữa ...

3/2004 –D1-B1 :

Anh B1 thân, Đây là một câu trả lời trên NET cho một trường hợp tương tự như câu hỏi của anh : tại sao Unicode lúc vô là chữ quốc ngữ lúc ra là chữ lèo.

Tóm tắt câu hỏi :

1) Email được viết ở Website Tiscali gửi đến Yahoo hay Web.de thì bị thay đổi đi, không đọc được.

2) Ngược lại Mail được viết và gửi từ địa chỉ của tôi ở Yahoo hay Web (được viết cùng với một PC cho cả 3 Websites) thì không bị gì.

3) Trường hợp ngộ nghĩnh hơn : trong Email đã bị thay đổi, đọc được ở Yahoo hay Web.de nếu tui viết trả lời dến Tiscali thì lại đọc được.

Trả lời :

Với các mail gởi và nhận bằng Unicode, bạn cần lưu ý các điều sau:

- Với mail của hotmail và yahoo và một số mail server khác việc trao đổi mail với Unicode không bị trở ngại với người gởi và nhận, bởi vì 2 thằng này gởi và nhận theo kiểu html (có nghĩa là nó bỏ nội dung thơ của bạn vào trong một trang html). Ngoài ra với hotmail và yahoo còn cho phép bạn gởi thơ mà nội dung được "pho mát" theo các kiểu chữ nữa.

- Còn dối với các mail server khác thì chỉ cho gởi theo kiểu plain-text mà thôi, do dó sẽ trở ngại khi trong thơ các bạn nhận và gởi có các ký tự Unicode

- Muốn gởi các thơ cho các người nhận có mail server là loại này bạn phải đưa nội dung thơ của bạn có các kýù tự Unicode vào trong một đoạn code html.

- Bạn có thể thử ở hotmail và yahoo bằng cách gởi một thơ Unicode với dạng plain-text (khi dánh thơ vào chọn cách gởi là plain-text) đến đầu kia bạn sẽ không đọc được thơ Unicode này.

... Riêng tôi có câu trả lời cho anh B1 dựa trên những nhận xét trong Yahoo Mail Server thôi, các server khác như AOL, Hotmail, v.v... tôi không rành.

 Hiện tượng : một email viết bằng Unicode, nếu người nhận setup đúng để đọc được rồi, khi người này reply hay forward cái email đó trở lại cho người gửi hay cho người thứ ba, thì bản văn bị biến dạng không còn đọc ra chữ quốc ngữ có dấu bình thường nữa.

Nguyên nhân :

* Trong Yahoo Mail, khi viết email compose, reply hay forward, nếu để ýù ở phía trên, ngay bên trên "Save as a Draft" có hàng có 2 nhóm chữ "Plain" và "Color and Graphics", trong đó 1 trong 2 nhóm được tô đậm hilighted, nhóm còn lại underligned.

* Nếu thấy tô đậm nhóm "Color and Graphics" có nghĩa là Yahoo sẽ chuyển thư đi dưới format "HTML" với đầy đủ mầu sắc, font size, font type, font style giống y như nguyên bản.

 * Nếu chữ "Plain" được tô đậm, có nghĩa là Yahoo sẽ chuyển thư đi dưới format "Plain Text". Khi đến tay người nhận tất cả mầu sắc, hình dáng, kiểu chữ font type, style, size sẽ không giống như nguyên bản mà người viết thư đã chọn nữa, nó được chuyển sang default setting của người nhận thư.

Do đó muốn cho thư Reply hay Forward không bị biến dạng, khi reply hay forward người gửi phải chọn option "Color and Graphics". Xin lưu ý ở đây là người gửi chọn option, chứ người nhận không có lựa chọn ...

3/2004 – T1-B1 :

B1 ơi, ... Không phải chỉ có một loại Unicode mà có nhiều loại, 7 bit 8 bit gì đó, tớ cũng không rành lắm đâu. Rồi còn tùy các server dùng các encoding & decoding systems khác nhau, do đó nhiều khi tớ gởi đi một email viết bằng Unicode rồi người nhận reply lại cho tớ mà chính tớ đọc lại không được cái email đầu tiên của mình.

Chỉ cần biết là Unicode bây giờ có nhiều người (máy) đọc được. Khi nhận email viết bằng Unicode mà thấy chữ lèo thì thử vào đổi encoding system, đổi qua các thứ như Unicode UTF-8, Windows Western, Windows Vietnamese, User-defined, ...

Nếu vẫn không đọc được thì trở về lại cái email đầu tiên, save nó ra hard disk dưới dạng htm nhưng dùng filename extension là doc. Sau đó, trở ra hard disk, dùng Word mở cái doc file này ra, edit xóa bỏ các rác rưởi lăng nhăng, rồi select all và đổi font qua Unicode.

Nếu vẫn không đọc được nữa thì thử convert (dùng VPS hay nhiều thứ software khác) cái doc file này qua font Unicode (hay các font VN có trong máy).

Tới đây mà vẫn không đọc được thì ... tớ cũng chịu thua luôn! Chắc là cái email này xài font và encoding system của ... lèo rồi!

3/2004 –D1-H2 :

Anh H2 ơi, ... Tôi bóp trán nguyên cả một buổi chiều, sau cùng thì cũng tìm ra nguyên nhân và cách sửa chữa để  hoán chuyển bài của anh sang Unicode. Tôi gửi kèm theo đây bài hoán chuyển và bài original để dễ giải thích nguyên nhân nào anh không chuyển sang Unicode được.

Thoạt nhìn thì thấy bản original bằng VIQR rất bình thường, nhưng để ý kỹ các anh sẽ thấy có mấy cái bất thường :

 (1) Đoạn thư anh T1 viết bằng Unicode

 (2) Trong bài anh H2 viết tất cả đều dùng VIQR, nhưng riêng chữ “đ” thì viết theo Unicode, ie. ”d có gạch ngang trên đầu” chứ không phải “dd” theo lối VIQR.

Với sự pha trộn vừa VIQR vừa Unicode trong bài viết như thế, nếu anh “Select All” rồi “Copy” đưa  vào clipboard, để dùng “Hoán chuyển clipboard” trong VPSKey, VPSKey sẽ không hiểu được anh muốn gì vì nó detect thấy bài viết đã dùng Unicode rồi vậy tại sao còn muốn convert qua Unicode nữa. Rút cục là nó không làm gì cả.

Tôi phát giác ra điều này khi thử hoán chuyển riêng một câu ngắn hoàn toàn VIQR thì được ngay.  Nhưng phải thêm một step nữa tôi mới phát giác ra là ngoài đoạn thư anh T1 đã sẵn Unicode còn cái chữ “d có gạch ngang” cũng là Unicode khiến cho VPSKey bị confused. Tôi phải dùng “Find” then “Replace”  tất cả những chữ “d có gạnh ngang” đó thành ra ”dd” rồi mới hoán chuyển clipboard được.

Làm sao để tránh tái diễn :

(1) Nếu anh định viết theo lối VIQR nghĩa là với các dấu  ' ` ? ~ . thì anh đừng bật VPSKey lên, mà  cứ để như khi anh viết một văn bản bằng tiếng Anh vậy. Lý do : nếu anh bật VPSKey mỗi khi anh type  ”dd", nó sẽ biến thành “d có gạnh ngang” theo Unicode

(2) Nếu anh turn on VPSKey thì anh viết theo lối Unicode nghĩa là các số 1, 2, 3, 4,5 v.v... cho các  dầu sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng.

Bài học rút ra : phải trung thành, theo VIQR thì phải nương VIQR, xài Unicode với VPSKey thì phải tuân thủ theo VPSKey. Chạy qua chạy lại là anh chỉ có nước ngồi ngó. Lần sau anh không chịu theo cái luật ”trung thành” này thì tôi cũng “bỏ anh một mình” đấy...

3/2004 –TH1-D1 :

(Vi thư gửi D1, 22 th.3, 2004)  ... Tôi vừa đọc bài viết của Yên Hà và bài thơ "Đêm Tân Cương", tất cả đã gợi cho tôi nhớ lại những năm tháng còn sống nơi quê nhà. Tất cả những điều mắt thấy tai nghe đã luôn uẩn ức, chất chứa trong lòng, thấy mà không dám nhìn, nghe mà không dám nói. Đó là nỗi lòng của một con người và có thể cũng là của cả một dạn tộc, có còn nỗi đau nào hơn khi cứ mỗi ngày là mỗi chạm mặt với thực tế đau lòng, xé ruột của xã hội mà lúc nào cũng đầy rẫy sự đói khổ, nghèo nàn, lạc hậu, thất học, thiếu ăn ... mỗi ngày muốn kiếm được một đồng bạc hết sức khó khăn, cam go, có khi phải đổi cả ngày công cực nhọc, đổi hết sức lao động cần cù, mồ hôi, nước mắt và cả tính mạng nữa ... Đau lòng lắm Anh ạ.

Nhân đọc bài thơ viết về nỗi lòng của cô gái bị bán thân nơi xứ lạ quê người, tôi chợt nhớ lại bài thơ mà tôi đã "xúc cảm thành lời" cách đây không lâu, khi nhớ lại những cảnh đói khổ bần hàn của đồng bào mình nơi quê nhà, xin chép lại gởi đến anh xem như một chút tình quê hương trong lòng người xa xứ vậy.

Mơ Một Ngày Về

Bao năm sinh sống xứ người,

Vẫn luôn mơ ước về nơi cội nguồn.

Thiên tai bao trận soi mòn,

Thương cho dải đất, con đường, dòng sông.

Trong lòng vẫn cứ ước mong,

Một ngày thăm lại ruộng đồng quê tôi.

Tha phương cầu thực xứ người,

Trong tôi còn đó những lời Mẹ ru :

"Cái ngủ mày ngủ cho lâu,

"Mẹ mày đi cấy ruộng sâu chưa về!"

Giấy rách phải giữ lấy lề,

Quê Cha đất Tổ, làng quê riêng mình.

Về đây ngồi dưới mái tranh

Nhìn trăng xẻ lá xuyên mành vào sân

Tiếng chày giã gạo vang rân.

Cụp, cum, cum, cụp, tiếng gần tiếng xa.

Hương cau trong gió thoảng qua,

Hoa cau rụng trắng sân nhà đấy thôi .

Về đây lòng những bồi hồi,

Nhìn đàn con trẻ chưa rồi tuổi thơ,

Tấm thân gầy guộc bơ phờ,

Đầu làng, cuối chợ chực chờ xin ăn.

Đâu đây những gánh hàng rong,

Bỏ quê bỏ xứ vào trong Sài gòn <1>

Mưu sinh bằng cách bán buôn,

Hang cùng, ngõ hẹp, khắp đường rảo chân

Dưới trời nắng, dưới mưa giông,

Xe thồ một chiếc gánh gồng khạp, lu <2>

Nhìn qua chẳng thấy người đâu,

Lu to, lu bé, khạp sâu, khạp tròn,

Lao lực đạp suốt chặng đường,

Từ Bình Dương xuống Saigon xa xôi,

Đồng tiền đổi giọt mồ hôi,

Sức người vất vả, hỏi Trời có thương ?

Đêm đêm trên các nẻo đường,

Tiếng xe "mì gõ" nhún nhường mời rao,

Cắt cụp, cắt cụp, đêm thâu,

Vẳng trong khu phố sang giầu ai hay ?

Đứa bé đâu dám ngừng tay

Gió mưa vẫn phải đi hoài trong đêm  <3>

Người ta chăn ấm, nệm êm,

Tấm thân nhỏ bé lấm lem bụi đời,

Dân mình nghèo lắm ai ơi !!! (TH1)

<1> Những phụ nữ miền Trung đất cày lên sỏi đá, rời quê vô Sài gòn nấu chè, làm bánh để gánh đi bán rong khắp phố kiếm tiền gởi về nuôi gia đình.

<2> Những thanh niên hoặc trung niên dùng xe đạp gắn thêm mấy tấm ván phía sau xe rồi đạp lên Bình dương mua lu, hũ, khạp hoặc chậu trồng hoa bằng đất nung, rồi chất lên xe, cái xe đạp bé tẹo, lu, hũ chất cao chót vót, nhìn vào chẳng thấy người đâu, vậy mà vẫn đạp xe tít xuống tận Sài gòn, rồi đi vòng các ngõ hẻm, khu phố để bán rong. Có khi đang đi bị xe quẹt, té, coi như lu hũ bể hết, có hôm đạp đi bán suốt cả ngày không ai mua, vừa đói vừa khát, lại đạp xe chất đầy lu, hũ trở về, vì không bán được, không có tiền ăn uống dọc đường .

<3> Mấy chủ xe "mì gõ" thường mướn trẻ em miền Trung vô Sài gòn để ban đêm đi vòng vòng dùng miếng gỗ gõ "lóc cóc" rao bán mì, hủ tiếu khắp phố phường, mấy trẻ này ăn nhờ ở đậu nhà chủ. Do đó luôn bị hành hạ, nếu đêm nào bán được ít hoặc không có ai ăn, thì hôm sau bị chủ bỏ đói vì cho là lười biếng không chịu đi rong gõ rao bán mì.

3/2004 –D1-TH1 :

(Vi thư gửi TH1, 22 th.3, 2004)  ... Đọc thư này của chị, thú thực tôi đã không cầm được nước mắt, cũng như tuần trước tôi khóc ròng khi đọc bài thơ "Đêm Tân Cương".

Tôi không phải là người biết thưởng thức thơ văn. Do đó nếu chị hỏi tôi thơ chị hay chỗ nào thì tôi không biết phân tích thế nào, vần thơ ra sao. Tôi chỉ trả lời được là tôi thấy hay vì những hình ảnh chị tả tôi đã từng thấy, những xúc động chị giải bày tôi cảm nhận được. Hình ảnh và âm thanh của quê nhà hiện lên trong trí tôi. Tôi thương nhớ lắm, nhưng tôi đã hứa là chừng nào còn CS thì tôi không về. Cho nên tôi lại càng thấy xót xa hơn...

5/2004 – H2-Z1 :

Thân gửi các anh, ... Chúng tôi vừa đi Panama về, sáng nay mới có dịp mở email. Gặp thư các anh thật mừng. Tuần tới nếu các anh chị có rảnh, chúng tôi xin mời các anh chị ghé chúng tôi ăn cơm rồi cùng coi vài hình ảnh về con kinh đào Panama nổi tiếng này.

Cách đây gần 100 năm tụi Mỹ đã làm được công trình này thật đáng phục. Khởi đầu là ông Ferdinand (?) de "Lép Sép" gì đó, tôi không nhớ rõ về spelling cho đúng tên, người đã từng xây dựng  con kinh đào Suez ở Ai cập trước đó. Ông ta bị thất bại ở kinh đào Panama, chết tới hai chục nghìn người vì bệnh tật (sốt rét), lai thiếu kinh phí, phải bán lại cho MỸ với giá có 40 triệu đô la sau khi đã chi ra 300 triệu. Người Mỹ take over và quyết tâm hoàn thành, năm 1914 thì xong. Tổng thống Rosevelt (thời đó) đã đến đây để khuyến khích cho công trình được hoàn thành. Người kiến trúc sư của Mỹ đến đầu tiên sắp xếp lại công việc, khi công việc run smooth rồi, công việc trở nên nhàm chán đối với ông ta nên quit, sau đó phải dùng tới quân đội thay thế để khỏi dở trò bỏ ngang.

Chiếc Cruise Princess mà chúng tôi đi, đúng là nó leo thang và xuống thang để băng ngang qua từ biển Đại tây dương sang Thái bình dương. (Từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều vì tầu phải chạy rất chậm và chờ đợi bơ nước và xả nước trong các đập.  Khi ở trong các đập, tầu chạy có 3 miles một giờ và được 8 "máy kéo", mỗi bên 4 máy để hướng dẫn tàu đi chính xác trong đập. Sau khi đi qua đập chính có 3 cấp lên xuống, tầu vào một hồ (lake) lớn, sau đó phải băng qua thêm hai đập nữa mới vào được biển Thái bình dương). Chi phí cho chiếc cruise để đi qua kinh đào Panama là 217 nghìn dô la.

Thủ đô Panama  là một thành phố Mỹ ở vào cỡ giữa của nhỏ và trung của Hoa kỳ. Thành phố nhiều xe cộ, trật tự và khang trang khác với những thành phố khác trong vùng. Thành phố nằm ven biển nên nó cũng có bóng dáng của thành phố Hồng kông thu nhỏ. Thành phố này còn giữ nguyên thành phố cổ xây dựng từ thế kỉ thứ 16-7 vào thời kì thuộc địa, trông cổ kính và dẹp. Mức thu nhập đầu người / năm  trên 10,000 đô la.

Ngoài kinh đào Panama, chúng tôi đi thăm vài nước Trung Mỹ và Mễ Tây Cợ Nói chung thì tôi cũng có được cái nhìn tổng quát về vùng này. Có một điều là đi ngang qua có mấy thành phố lớn thì đã có hai thành phố mang tên là San Jose rồi, một là thủ đô của Costa Rica và một của Mễ. Ngành du lịch của Mễ phát triển rất cao, thu ngoại tệ rất mạnh. Riêng Costa Rica, theo người hướng dẫn viên và du khách, thì sản phẩm nổi tiếng nhất thế giới của nó là cafe. Tôi có order về làm quà biếu các anh chị để các anh chị dùng thử xem có ngon hơn cafe VN hay không. Cafe VN đứng hàng thứ ba về số lượng xuất cảng nhưng tôi không biết về thứ hạng về phẩm chất của nó. Nói đến cafe tôi chỉ biết đến sản phẩm của Colombia thôi vì nó quảng cáo trên TV.

Ở Costa Rica, người dân thu nhập khoảng 250 đô la / tháng được xếp vào thành phần nghèo và được chính phủ trợ cấp. Trung tâm thủ đô San Jose của Costa Rica có vẻ không an ninh vì tôi thấy nhà                   thường có chấn song sắt có khi có cả dây kẽm gai bao trên bờ rào. Đặc biệt thành phố này không có                   tên đường và số nhà. Thành phố này không thể sánh được với Panama. Costa Rica không có quân đội. Có một đảo tôi ghé thăm, đảo Aruba còn là thuộc địa của Hòa lan, đặc biệt 100 % nước ngot dùng là biến từ nước biển ra nước ngọt. Mưa rất ít. Kỹ nghệ chính của đảo là một nhà máy lọc dầu của Mỹ. Lợi tức bình quân đầu người khoảng 6000 đô la/ năm. Sống nhờ du khách. Dân trên đảo ai cũng có nhà. Người nghèo được chính phủ xây nhà low income cho ở, trông cũng khang trang lắm. Có phi trường. Dân số đâu khoảng 30,000 người.

Các nước khác trong vùng như Honduras, Colombia, Nicaragua, El Salvador thì nghèo hơn vì có chiến tranh, còn có ăn xin ngoài đường. Tầu có đi ngang qua vùng biển giữa CubaHaiti. (Chúng tôi không được vào các nước này.) ...

5/2004 – H2-T1 :

Anh T1, ... Được anh D1 và T3 nói anh chị ở bên bờ sông Columbia, biên giới của Oregon và Washington, phía WA, như vậy thì nơi anh chị ở đẹp vô cùng và thật lý tưởng cho những ngày về hưu của anh chị.

Chúng tôi đã có dịp lên vùng đó vài lần. Năm ngoái chúng tôi có qua bên ấy, có người bạn đưa đi thăm trại sâm mua ít sâm về làm quà. Cứ vào mùa thu, lá đỏ lá vàng làm cả một vùng trở nên rực rỡ. Sáng sớm tinh sương ngồi trên bờ sông nhìn sương mờ phủ mặt nước, hay buổi chiều tối ngồi nhìn mặt trời lặn thì đẹp và nên thơ làm sao. Có hôm gió mạnh, thiên hạ đi wind surfing rất vui.

Nếu có thì giờ ta có thể ghé vào những thành phố nhỏ ngồi ăn hay đi tầu dọc theo sông Columbia để nhìn cảnh trí thiên nhiên. Trên sông có những hòn đảo nhỏ chim chóc đậu đầy, mỗi khi tầu trên sông chạy ngang mấy hòn đảo nhỏ đó thì từng đàn chim bay lên rồi lại bay trở lại rất vui mắt. Tôi biết trước đây, vào thời xa xưa lắm, khi người da đỏ còn sinh sống ở đây, có một chiếc cầu thiên nhiên băng qua eo sông, nhưng nay cầu thiên nhiên ấy bị sập và đã được phá đi thay thế bằng chiếc cầu sắt thật đẹp.

Mỗi lần chúng tôi đi lên vùng ấy chơi lại không thể không lái một vòng bên hai bờ sông Columbia này. Dừng xe lại bên đèo, phía anh chị ở, nhìn thung lũng mầu đỏ vàng phía dưới sát ngay sông, đẹp như tranh vẽ. Những giải đất đá hai bên thành núi thật lạ, càng ngắm nhìn càng thấy cái kì bí của tạo hóa, và thấy mình bé nhỏ trước cái bao la hùng vĩ của cảnh vật chung quanh. Dọc theo bờ sông, thỉnh thoảng có Rest area hay Park để ta dừng xe nghỉ ngơi và ngắm cảnh. Có một lần hai vợ chồng tôi ngồi trên bờ sông nhìn mặt trời lặn cho đến khi mặt trời khuất hẳn và bóng đêm từ từ hạ xuống. Trên đường lái trở lại thành phố, sương mờ phủ ngang những ngọn núi cao, thấy lòng mình có chút gì buồn man mác, buồn nhè nhẹ vì cảnh vật thanh bình, tĩnh lặng.

Vùng anh ở cũng có một cái hết sức đặc biệt là xe lửa chạy rất nhộn nhịp, cả hai bên bờ sông, chuyến nào cũng dài cả cây số.

Tôi nhớ cách đây đã lâu, cuối tuần hai vợ chồng không có việc gì làm, 9 giờ sáng lái xe ra xa lộ, không biết đi đâu, cứ nhắm hướng bắc mà lái đi, vui chân, làm một mạch lên tới Portland, thành phố chúng tôi chưa hề đặt chân tới. Đến Portland vào tối, hai vợ chồng đi bộ vòng vòng bên bờ sông của thành phố tới thật khuya rồi mới tìm hotel hay motel ở. Không tìm được chỗ ngủ phải lái xe ngược về phía Salem, lái cách Portland hơn hai chục miles mới tìm được hotel để ngủ. Sáng dậy hai vợ chồng lái về Portland, lái dọc theo bờ sông Columbia, phía Oregon, rồi theo Highway 1 lái về San Jose. Mải vui với cảnh vật của HW1 nên vợ chồng hay ngừng xe lại. Về đến Red Wood National Park thì trời tối mịt. Lái qua khoảng một trăm cây số đường rừng, đường lại vòng vèo nguy hiểm nên trong lòng hơi sợ, sợ hư xe vì đi xe cũ, sợ gặp bear giữa đường. Đường vắng, lâu lắm mới gặp được chiếc xe chay ngược chiều. Nhưng hôm đó trời sáng trăng vằng vặc, hai vợ chồng ngồi lái xe băng qua rừng thật tình làm sao, tuy nhiên trong lòng cũng hơi sờ sợ khi lái xe vào vùng tối đen của khu rừng. Chúng tôi chỉ mong có chiếc xe nào đồng hành với mình cho an tâm hơn. Tới sáng mới về tới nhà, vợ chồng chỉ đủ thời giờ đánh răng rồi chạy đi làm. Đấy là kỉ niệm đầu tiên tôi lên vùng anh chị ở bây giờ...

7/2004 – D2-Z1 :

Thưa các TH, Nếu nước Mỹ hoàn tất được chương trình thay đổi đơn vị đo lường như dự định cách đây khoảng bốn chục năm thì bài nầy không được viết ra. ”Nhưng than ơi! có một chiều thu lá thu rơi ..! ..! ...” (Làng Tôi của Chung Quân) cho đến bây giờ và biết đến bao giờ nước Mỹ mới bỏ được hệ thống English (!) để chuyển qua hệ thống Metric. Do đó, trong chuyến Âu du sắp tới, xin mách các TH trong hệ thống English (Phần lớn từ Mỹ và không biết có TH nào ở Phi châu hay không, xin nhờ ông trùm cho biết - vì tình cờ đọc được một bài báo cho biết hiện nay trên thế giới chỉ còn có nước Mỹ và một nước nữa rất nhỏ ở Phi châu mà tôi quên tên còn xài hệ thống English) một cách đổi vừa nhanh vừa đủ chính xác từ kilometre ra mile để gọi là giúp cho các vi thể trong mạch máu não được chu lưu thông suốt. Bài nầy viết để giúp quý TH exercise bộ não. Do đó máy tính không được dùøng đến.

Cách đổi như sau : Xin nhớ cho đây là đổi từ Kilometre ra Mile.

Chia hai, chia hai, chia hai (ba lần)

Cộng kết quả lần đầu và lần chót. Đó là kết quả mà ta muốn có.

Ví dụ : Muốn biết coi vận tốc xe đang chạy 120 Km/giờ là bao nhiêu Mile/giờ?

Lấy120 chia cho 2 ta có 60. Lấy 60 chia cho 2 ta có 30 (Lót đường cho dễ tính – không kể vào kết quả). Lấy 30 chia cho 2 ta có 15. Cộng 60 với 15 ta có 75 Miles/giờ.

Cách nầy nhanh và dễ vì chỉ có chia cho hai. Nếu TH nào không tin thì xem phần chứng minh sau đây. Còn nếu TH nào trót đã tin tôi thì cũng yêu cầu nên xem luôn để thấy cái ”tài nghệ“ của tôi nó cao siêu tới độ nào! (Rõ xấc xược!!)

Đây nhé :1.6 Km=1.0 Mile. Muốn đổi từ Km ra Mile thì lấy số Km chia cho 1.6. (Đối với tôi thì nó rắc rối quá.) Chia cho 1.6 có nghĩa là nhơn cho 1/1.6 (1 phần 1.6). Phân số 1/1.6 được viết dưới hình dạng khác như sau:

1/1.6=10/16 = 5/8 = ( 4/8 + 1/8 ) = 1/2 + 1/8

1/2 là số chia cho 2 của lần đầu (sẽ dùng );

Lấy1/2 của lần đầu chia cho 2 ta có1/4 (lần nầy để lót đường nên không kể );

1/4 chia cho 2 ta có 1/8 là lần chót;

Cộng lần đầu và lần chót ta có :

1/2+1/8=1/1.6 là như vậy.

Thật ra không có gì mới dưới ánh mặt trời nầy. Chẳng qua khi tôi nghe trên TV trong chương trình du lịch Âu châu, họ chỉ cách đổi bằng cách chia hai như trên mà không chứng minh.Tôi áp dụng và thử lại bằng máy tính thì thấy đúng quá, bèn thắc mắc và cố trình bày lại dưới hình thức toán học mà thôi.  Chứng minh được mới khỏi trằn trọc giữa đêm thâu.

 

 

8/2004 – LMT-T1 :

(Vi thư gửi T1 & PHT, 26 th.8, 2004)  ... Mời hai anh vào các trang web sau nghe nhạc của cố nhân:

http://phanchautrinhdanang.com/

http://www.phanchautrinhdanang.com/TGTP/lemanhtruỵhtml

8/2004 – T1-LMT :

(Vi thư gửi LMT, 28 th.8, 2004)  ... “Cố nhân” tài hoa quá mà lâu nay vắng tiếng trong chốn giang hồ THĐL. Moa không có high-speed internet thành ra không download xuống đĩa mà chỉ nghe thẳng từ web. Tất cả nhạc LMT đều là nhạc không lời (không có người hát) phải không? Nét nhạc lạ lắm. Moa chưa nghe hết, mới vài bài cậu phổ thơ. Hay lắm. Cậu có cho phép moa phổ biến hai cái URL này để các bạn THĐL vào nghe nhạc của một THĐL không? ...

8/2004 – LMT-T1 :

(Vi thư gửi T1, 28 th.8, 2004)  ... Anh đã nghe thử rồi,và trả lời ngay. Cám ơn Anh.

Đúng là tất cả đều là nhạc không lời. Tôi mới tham dự với web PCT từ tháng 6 -2004, từ đó mới có hứng viết nhạc. Vì mới quá nên không nhờ kịp ca sĩ hát. Có lẽ tháng 9 sẽ có giọng ca sĩ với nhạc từ 2 bài thơ cô Kim Thành. Rồi từ từ sẽ nhờ ca sĩ hát một số bài sau này. Kể ra chỉ nghe nhạc hòa tấu thì khó mà cảm nhận hết cái đẹp của ca khúc. Hy vọng là nhạc của LMT có nét lạ riêng, không đi theo những khuôn mẫu đã có sẵn...

Nhiều Thân Hữu