Sổ Tay Sinh Hoạt ... 24

 


Úc châu

Trần Thái Lợi (Melbourne, Victoria) :

 (Vi thư gửi NC Thuần, 28 th.9, 2004) :  Đại Hội THĐL Úc Châu tại Melbourne năm 2004

Đại Hội THĐL Úc Châu đã được tổ chức vào ba ngày 24, 25 và 26 tháng 1 năm 2004.

Khai mạc Đại hội bắt đầu vào ngày 24 tháng 1 và kết thúc bằng buổi tiệc chia tay tại nhà hàng Thiên Nga, Footscray, lúc 6:00 giờ chiều ngày 26 tháng 1 năm 2004.

Mở đầu chương trình, Trưởng ban Tổ chức Đại hội, TH Trần Thái Lợi đã chân thành gởi đến tất cả thân hữu lời chào mừng trân trọng và nồng nhiệt nhất, cám ơn quý thân hữu khách đến từ  phương xa, đặc biệt từ Hoa kỳ, thủ đô Canberra (ACT), tiểu bang New South Wales (NSW), tiểu bang Queensland (QLD) và toàn thể thân hữu Victoria (VIC) đã dành nhiều thì giờ quí báu trong những ngày đầu xuân Giáp Thân, đến tham dự Đại hội tại Melbourne, điều này đã nói lên tinh thần THĐL là xây dựng, giữ gìn, phát huy tình nghĩa và kỷ niệm giữa các thân hữu đã từng làm việc, hoặc có liên hệ với Cty ĐL VN, nhất là để có nhau và cùng nhau chia sẻ những vui buồn nơi hải ngoại.

Tiếp theo là phần chia sẻ cảm nghĩ của Thân hữu cao niên Nguyễn Thạch Ngọc (VIC); các Thân hữu đến từ Hoa kỳ, TH Nguyễn Công Thuần; từ NSW, TH Trần Đan Thanh; từ  ACT, TH Huỳnh Văn Thiết; và  từ QLD, TH Đinh Văn Quí.

Nối tiếp là hợp ca của THĐL VIC - Ly Rượu Mừng - và mở rượu champagne khai mạc, chào mừng các quan khách và phần tự giớI thiệu của các THĐL cùng các mẩu chuyện buồn vui điện lực. Tiệc mừng thân mật đã được các nội tướng THĐL VIC chiêu đãi với nhiều món ăn thịnh soạn, với chương trình sinh hoạt văn nghệ giúp vui gồm có các tiết mục vọng cổ, đơn ca, kể chuyện, và karaoké. Phần cụng ly của các TH NT Ngọc (VIC), Nguyễn Xuân Thông và Nguyễn Khắc Mẫn (NSW) thật là vui nhộn.

Xen vào giữa là hai ngày đi ngoạn cảnh. Ngày 25 các thân hữu đi du ngoạn khu vực Sovereign Hill - Ballarat (khoảng trên 100km về phía tây Melbourne), nơi "tìm vàng" lịch sử của nước Úc và các thắng cảnh thiên nhiên tiểu bang Victoria, tiêu biểu cho xứ Úc đại lợi: "kangaroo", dưới sự hướng dẫn của TH Ủ Văn Tạo. Ngày 26 du ngoạn trung tâm thành phố Melbourne, World Trade Centre, Convention Centre, Crown Casino, Royal Botanic Gardens, Olympic Park, và du thuyền trên sông Yarra ngắm cảnh Melbourne với sự hướng dẫn của TH Trần Thái Lợi và Nguyễn thị Song Hương.

Tiệc chia tay được tổ chức tại nhà hàng Thiên Nga, Footscray, lúc 6:00 giờ chiều ngày 26 trong không khí ấm cúng tình thân hữu. Các anh chị đã trổ trài ca hát rất hay và đầy ý nghĩa trong buổi tiệc chia ly bịn rịn. Trước khi chia tay, Ban tổ chức chúc toàn thể quý thân hữu và gia đình một năm mới nhiều an lành, dồi dào sức khỏe, hạnh phúc, an khang, thịnh vượng, may mắn và như ý. Và để tiếp tục truyền thống can đảm "điếc không sợ súng" của THĐL Úc châu, Ban tổ chức đã trân trọng tuyên bố bế mạc đại hội 2004 và trao cờ "Olympic - điếc không sợ súng" cho THĐL Queensland để chuẩn bị tổ chức Đại hội THĐL 2005 tại Brisbane, Queensland.  

Trần Văn Dần (Melbourne, Victoria) :

 (Thư gửi NC Thuần, 1 th.7, 2004) :  ... Đại hội THĐL Úc châu (Victoria) đã qua mà dư âm vẫn còn lưu luyến mãi. Cám ơn anh chị và quý thân hữu đã cho chúng tôi những ngày rất là vui vẻ và cũng đã gợi lại những kỷ niệm xa xưa, những ngày làm việc ban đầu với CDV cùng với bạn bè thân hữu và quý thân hữu đàn anh. Tất cả những hình ảnh đó như lần luọt quay lại, đã gần 40 năm mà cứ ngỡ như là vừa qua.

...Đại hội THĐL Úc châu / Melbourne vào những ngày 24-25-26 tháng 1/2004 đã được quý thân hữu từ các tiểu bang Queensland, New South Wales, Canberra, và anh chị (coi như) đại diện từ Mỹ đến tham dự, thật là quý hóa với tình "thân hữu điện lực" và mọi yếu tố đều thuận lợi, có "thiên thời, địa lợi, nhân hòa". Trong ba ngày đại hội khí trời ấm áp mát mẻ, không nắng không mưa không gió mạnh, mà thời tiết tiểu bang Victoria nổi tiếng là khắc nghiệt, đôi khi trong một ngày khí trời có thể thay đổi bốn mùa, nên đi đâu xa cũng phải kẹp theo một áo ấm dù là mùa hè, nhất là các vị đã "pension".

Địa điểm ngày họp mặt, khai mạc đại hội là tư gia của TH Nguyễn Thạch Ngọc, khang trang, tiện nghi, ấm cúng, với lòng nhiệt tình và vui vẻ của gia chủ, và cùng bạn bè thân hữu được gặp nhau rất là vui vẻ và náo nhiệt. Những giây phút gặp gỡ chuyện trò thăm hỏi đủ thứ, bạn bè sau bao năm trời cách biệt, nỗi vui nào tả xiết, mọi công việc tạm ngưng cho tình thân hữu.

Rồi đến giờ khai mạc  đại hội, TH Trưởng ban tổ chức Trần Thái Lợi, một trong những người trẻ của THĐL VIC, rất năng động nhiệt tình, đã rất là "bài bản" trong ngày khai mạc, cũng như ngày bế mạc tại nhà hàng. (Hết nhiệm kỳ bầu bán lại nhưng vẫn là TH TT Lợi đại diện, thơ ký vẫn là Song Hương, mà trước đây TH Lê Trực đã đảm trách cũng rất tích cực và vui vẻ với nhiệm vụ, và nay bác đã ra đi để lại thương tiếc cho chúng ta.) Kế đến là TH Ủ Văn Tạo rất đa dạng, vừa "em xi" vừa "hướng dẫn viên" vừa "ca sỡi", món nào cũng ngon lành cả. Và quý ca sĩ phu nhân cũng không kém phần chuyên nghiệp, những cây cười và tiếu lâm rất là duyên dáng và sôi động ... Về ẩm thực quý nội tướng rất vui vẻ nhiệt tình tự đóng góp công sức, tổng cọng trên mấy chục món mà món nào cũng "cao cấp" cả.

Rồi những buổi du ngoạn Ballarat, nơi có dòng nước để đãi vàng ngày xưa, cách thành phố Melbourne khoảng hơn 100 km; rồi thăm viếng trung tâm thành phố Melbourne, Crown Casino,  đi du thuyền ngắm cảnh thành phố. Chương trình còn viếng thăm vài nơi nữa nhưng không kịp thì giờ. Và cuối cùng là tiệc tạm biệt ở nhà hàng. Những cảm tình vui vẻ thắm thiết, những cái bắt tay, chúc mừng sức khỏe, lưu luyến hẹn ngày tái ngộ. Thật là những kỷ niệm khó quên.

Thân hữu điện lực Victoria vỏn vẹn không hơn một chục nhưng tất cả đề vui vẻ và nhiệt tình, đề nuôi dưỡng và vun tưới tình THĐL, và cũng nhờ sự đóng góp công sức nhiệt tình của quý thân hữu từ phương xa đến tham dự, tất cả đều mong ước cho những ngày đại hội được thành công tốt đẹp và cũng may mắn, tuy nhiên cũng có một vài sơ sót ngoài ý muốn nhưng nói chung đều trôi chảy và thuận lợi. Trong ba ngày đại hội mọi người đều vui vẻ phấn khởi đậm tình thân hữu, tất cả đều ước mong gặp lại đầy đủ hơn vào năm tới: đại hội Úc châu tại tiểu bang Queensland 2005 do TH TT Lợi đại diện THĐL Victoria trao bảng luân lưu cho TH Đinh Văn Quí và TH Bùi Trọng Cường đại diện cho quý thân hữu ở Queensland...

Âu châu

Phạm Hữu Bình (Noisiel, France) :

 (Vi thư gửi NCT & ..., 21 th.12, 2003) ... Để đáp lại tấm thạnh tình của các anh chị, tôi xin được kể năm 2003 của PH Bình: Việt tài chí đến cuối năm 2003 thì được 5 năm, cho nên "bịp bợm" được đồng nghiệp, xếp trên, nữ  thư ký, rằng mình chưa đầy 60. Khai ra mình là 68 tuổi có người không chịu tin! Bớt tuổi thì thiên hạ tin ào ào. Cho nên tiếp tục "múa kiếm trên sân khấu" vẫn còn nhiều khán giả ngưỡng mộ.

Ví dụ: tuần qua 8 to 12 Dec làm việc cho hãng ở thành phố Laredo, TX, USA, trên sông Rio                   Grande; Hãng gởi qua Mỹ vì hãng muốn mua một transformateur cũ 60 MVA bán trên internet délai de livraison 0 ngày. Mua mới thì phải 5 tháng. Cogénération 11/90 kV mà mất transfo élévateur thì hết kw để  bán rồi!  Nhiệm vụ của tôi là kiểm lại coi đúng đặc tính mình muốn không. 60 Hz đổi qua 50 Hz phải kỹ lưỡng lắm mới được. Nếu được thì ship luôn và ký tên vào certificate of acceptance. Một pièce 650 000 US$ đâu dám hời hợt.

Nhiệm vụ hoàn thành, tôi có dịp đi bộ qua Mexique một phen. Sau đó đi viếng San Antonio, rồi viếng Houston. Mướn một Pontiac midsize car chạy trên Interstate 35, I10, rồi Houston trở lại Laredo bằng US59 (311 miles). Khoái lắm các anh chị ơi! Một giấc mơ nho nhỏ trở  thành sự  thật!!!

Tối thứ bảy 13/12 được các anh chị THĐL cư ngụ ở Houston thết đãi cho một bữa tiệc vừa thịnh soạnlại vừa thân  mặt. Gặp được hầu hết các anh chị trước kia có dịp làm việc chung hoặc chưa có dịp làm việc chung. Chị Đoàn Thị Phương Nam sau 40 năm phải giây phút tôi mới nhìn ra được!  Còn chị Phương Nam cho rằng tôi không có thay đổi nhiều. Nhưng mà tôi chưa có dịp thú thật cho chị Phương Nam biết là tôi có luyện khi công! Tối chúa nhựt 14/12 được anh NX Mỹ dẫn đi xem Houston by night. Phục anh Mỹ quá. Sư thổ địa đó!

Trên đây là một mẫu sinh hoạt của tôi trong năm qua. Tiếp tục cái nghề T&D, hưu trí từ 1999, rồi đi làm trở lại từ đó. Lãnh được 2 lương. Nhưng mà lương Tây thì thấp, cho nên còn nghèo lắm!

Nhờ có Yoga và khí công cho nên tự cảm thấy còn nhiều nghị lực: Còn khỏe cho nên còn ham đủ thứ : ham trẻ, cho nên mỗi sáng dậy sớm, luyện khí công ít nhứt 1 giờ; ham tiền, cho nên cứ muốn đi làm mãi  chưa chịu thôi; ham vui, cho nên hãng hỏi có chịu đi tới cái hốc đùng của xứ cow boy không, thì tình nguyện ngay, không đòi living allowance để được đi; ham con cái thành công: Karine, con gái út của tôi năm nay 23 tuổi đang đi học Sup de Co (Ecole Superieure de Commerce) còn 2 năm nữa mới ra Bac + 5; ham vợ,  để được yêu đương nhiều hơn.

Còn ham đi đó đi đây,

Còn ham gặp lại vui vầy bạn xưa ...

(Vi thư gửi NCT & ..., 27 th.12, 2003) ... Có nhận được parcel post Bản tin THDL với 19 enveloppes pré-adressées và 10 số extra ngày 26 Dec. Hôm nay 27 Dec đã gởi xong 18 phong bì;  phong bì thứ 19 đề tên PH Bình cho nên không gởi. Bưu điện nói là thứ hai 29/12 sẽ tới nơi: 17 phong bì Pháp và 1 phong bì Anh. Cước phí tớ sẽ tính vào đóng góp của THĐL bên Tây nầy.

 

Gia nã đại

Nguyễn Thị Thảo (Laval, Quebec) :

(Vi thư gửi NCT, 24 th. 6, 2004) ... Chiều hôm qua, thứ tư 23-06-04, nhóm THĐL Montreal họp nhau đi ăn Buffet Palace Oriental nhân dịp có anh chị Huỳnh Vân đến từ Belgique, anh chị mới tới Montreal ngày thứ ba, hôm sau đã họp mặt liền vì thứ  sáu anh chị sẽ đi Toronto rồi ở lại đó tới 07-07-04 thì trở về Belgique luôn. Hôm qua có mặt anh chị HM Cần, anh chị NV Thích, anh chị PV Quan, anh chị NM Nhựt, anh chi NH Nhơn, ông NV Rong, ông KT Khải, anh chị H Vân, và hai vợ chồng em, tổng cọng là 16 người, ăn xong đã 9 giờ 30 tối, anh Cần mời tất cả về nhà anh để thưởng thức trà do chính tay anh pha. Thế là cả đám kéo về nhà anh Cần, trong lúc anh Cần pha trà đặc biệt, tất cả các chị rủ nhau đi ngắm bông hồng đằng sau nhà, trời tối đen có thấy gì đâu, có vài cây đèn mờ đặt chung quanh dọc theo cây, mấy chị phải lại thật gần để xem bông, bông hồng rất to, mấy chị hỏi anh Cần sao bông tốt quá vậy, anh Cần trả lời đâu có khó gì, thay vì tưới nước không, mình tưới phân vô hoại là cây ra bông nhiều hà, mấy chị kéo mấy anh ra sân ngắm nữa mặc dù trời tối thui, lúc trở vô mấy chị hỏi chị Cần chứ cái vườn đằng sau nhà ai trồng vậy, chị Cần nói do hai đứa trồng, cả đám cười rần lên, trời ơi mùi quá vậy, hai đứa em bé nhỏ đó hả, chị Cần nói thì anh đào một cái lỗ sâu, rồi tui để cái cây vô, rồi ảnh lấp đất lại, mấy chị lại nói trời ơi sao mà sướng quá vậy, hai người rủ nhau trồng cây thật là hạnh phúc, rồi mấy anh họp nhau một bàn, mấy chị ngồi một bàn uống trà cho tới 11 giờ khuya mới chia tay về, lúc về có vài chị đem được vài lá cây về trồng nữa chứ! Em báo cáo chút xíu tình hình Montreal cho các biết cho vui!

(Vi thư gửi NTLP, 31 th. 10, 2004) ... Riêng Mông Lệ An (Montreal) của tui "ăn nhậu" hơi nhiều. Nhân dịp Tết VN anh HM Cần mời các thân hữu họp mặt ăn mừng Tất niên ở nhà hàng được hơn 20 người, tháng 05-2004 anh Dũng và chị Kim Thanh viếng thăm Montreal, lại họp mặt nhau ở nhà anh chi Cần cũng hơn 15 thân hữu, tháng 06-2004 anh chị H Vân đến từ Belgique, cả đám kéo nhau họp mặt ở Buffet Palace Oriental, tháng 08-2004 anh ĐV Tùng đi công tác ở Montreal, lại rủ nhau ăn nhậu ở Buffet Palace Oriental, lần này họp mặt được 14 người. Bồ thấy không Phương, Montreal của tui mặc dù xứ lạnh nhưng tình nồng ấm lắm đó!

Bắc Cali, Hoa kỳ

Nguyễn Trọng Dũng (Livermore, California)

(Vi thư gửi NCT, 16 th. 10, 2004)  ... Tường trình sinh hoạt THĐL Bắc Cali.

Ngày 13/6/2004 THĐL Bắc Cali đã có buổi họp mặt tại nhà thân hữu Nguyễn Giụ Hùng ở San Jose. Đây là buổi họp mặt duy nhất tính từ đầu năm 2004 của thân hữu Bắc Cali (!!!) nhưng là một buổi họp mặt đặc biệt với sự tham dự của nhiều thân hữu mới. Ngoài những thân hữu thường xuyên có mặt, lần này còn có hiện diện của nhiều thân hữu, cả mới lẫn cũ, lần đầu tiên tham dự họp mặt chung, chị Đinh Thị Bạch Liên, chị Nguyễn Thị Thu Tâm và phu quân, chị Nguyễn Bạch Vân, các anh Cung Giác Lộ, Đinh Vinh Phong và Nguyễn Thành Trung. Anh Nguyễn Huy Tiên nhận xét :Bắc Cali của mình hay thiệt, lần nào đến dự họp mặt tôi cũng thấy có thêm thân hữu mới”.

Đã hơn 20 năm kể từ ngày THĐL-VNHN thành hình nhưng cảnh tay mắt mặt mừng của những cuộc tái ngộ vẫn luôn luôn là hình ảnh dễ gây xúc động. Hôm đó hai chị Trần Mỹ Thành và Nguyễn Thị Thu Tâm (hình bên) lần đầu tiên gặp nhau kể từ khi hai chị đều rời khỏi Việt nam. Phần tôi, NT Dũng, cũng trong dịp này lần đầu tiên gặp lại chị ĐB Liên. Chị ĐB Liên, chị TT Nhiên, anh CG Lộ và tôi đã từng ngồi chung với nhau trên tầng lầu của Nha Khai thác Địa phương (ĐLV) ở số 278 Hiền Vương, trong những năm 1964 và 1965.

Nhân số hiện diện hôm đó trên dưới 40 người, nhưng có một ngườiï vắng mặt mà ai cũng hỏi thăm. Đó là anh Trần Quốc Thái. Trong tất cả những buổi họp từ hồi nào tới giờ, anh Thái không những không bao giờ vắng mặt, còn luôn luôn là người đầu tiên xuất hiện. Lần này vì lý do sức khỏe anh không đến được. Vắng anh với những câu chuyện của anh khiến mọi người đều cảm thấy một sự thiếu vắng rõ rệt.

Năm qua, việc phát hành gửi Bản tin 23 do thân hữu Bắc Cali phụ trách đã được sự tiếp tay của các thân hữu Phạm Hữu Bình, Nguyễn Quang Hữu, Đinh Văn Quí, Trần Đan Thanh, và Nguyễn Thạch Ngọc, giúp cho các thân hữu ở Âu châu và Úc châu nhận được bản tin nhanh hơn rất nhiều mà giá cước phí chỉ cao hơn chút đỉnh so với cách gửi tầu thủy (surface mail). Hoan hô tinh thần phục vụ của các thân hữu kể trên.

Nguyễn Giụ Hùng (San Jose, California) :

(Vi thư gửi NCT, 19 th. 6, 2004)  Họp  Mặt  THĐL Bắc Cali Năm 2004

... San Jose đang chuyển mình từ mùa xuân sang mùa hạ. Thời tiết chưa được gọi là nóng lắm nhưng không còn cái mát dễ chịu của muà xuân nữa. Các học sinh trung và tiểu học đang chuẩn bị cho những ngày nghỉ hè đã cận kề và một số con em của THĐL ở đây cũng vừa tốt nghiệp xong đại học.

Trong cái không khí và thời tiết ấy, ngày 13 tháng 6 năm 2004 vừa qua, anh Dzũng và Thụy, hai con chim đầu đàn bay hoài không mỏi, đứng ra tổ chức buổi họp mặt để anh em THĐL vùng này có dip gặp nhau và hàn huyên tâm sự.

Buổi họp mặt được diễn ra một cách thân mật, chân tình, ồn ào náo nhiệt với khoảng trên 40 thân hữu tới tham dự, trong đó có các anh chị kỳ cựu và một số anh chị mới gia nhập. Danh sách các anh chị THĐL mới nhập hội này chắc sẽ được hai anh Dzũng và Thụy báo cáo trong phần tường trình sinh hoạt của THĐL miền Bắc Cali một cách chính thức sau. Về phần tôi, với tư cách chủ nhà, nơi được chọn làm địa điểm họp mặt kỳ này, chỉ xin có vài hàng kể lể riêng tư để các bạn nghe chơi.

Công việc của chủ nhà thì đơn giản đến độ thật giản đơn: dọn nhà.

Như các bạn đã biết, cái công việc dọn nhà dọn cửa, làm vườn làm tược của tôi thì cũng chỉ là lập đi lập lại cái công việc trở thành máy móc mỗi khi có khách, nghĩa là cái gì dấu được vào gầm giường thì bỏ vào gầm giường, cái gì dấu được vào closet  thì bỏ vào closet và khi hai nơi ấy đầy thì đem ra ngoài garage để. Những thứ gì không dấu được vào ba nơi ấy thì lấy chăn phủ lên để ngụy trang.

Vườn tược thì cắt cỏ, tỉa cây và quét sạch lá rụng rồi lén vứt sang nhà hàng xóm. Còn công việc đi chợ đi búa để chuẩn bị cho vài món ăn được yêu cầu  thì thuộc việc làm của nhà tôi. Tất cả những công việc này đã được "kể lể" cùng các bạn vào bức thư năm ngoái.

Tuy nhiên năm nay, ngoài những công việc bình thường ấy cũng có vài công việc bất bình thường làm tôi cũng điên đầu không it cần được giải bầy với các bạn đây. Số là thế này, cũng như lần trước, trước khi nhà tôi rời khỏi nhà để đi chợ, nàng không quên dặn dò tôi mọi thứ phải làm ở nhà. Nàng dặn tôi nhiều thứ quá đến nỗi tôi phải ghi xuống giấy. Cứ theo danh sách dài dằng dặc này thì kể như ngày thứ bẩy cuả tôi "đi toi" mất rồi. Thế cũng còn chưa đủ đâu đấy nhé, ngồi trong xe, trước khi lái xe ra chợ, nhà tôi còn dặn với theo:

- Dọn nhà dọn cửa, quét tước cho sạch sẽ đấy nhé. Ở nhà làm lụng cho tốt, em mua quà về thưởng. Thôi em đi, tí nữa em về.

Nghe nàng nói một hơi làm tôi chóng mặt, nhưng như chợt nhớ ra điều gì tôi hốt hoảng chạy theo hỏi với :

- Quét tước là quét cái gì? Làm lụng là làm cái gì nữa mà phải tốt với xấu?

Nhà tôi cười cười nói vọng lại :

- Quét tước là quét hết, quét tuốt tuồn tuột.

Chưa giải thích thêm về hai chữ làm lụng là gì thì nàng đã rú ga chạy thẳng để lại phía sau tiếng rít của bánh xe trên mặt đường với làn khói khét cùng với anh chồng đang ngớ ngẩn nhìn theo.

Cứ theo lời vợ giải thích,  quét tước là quét hết, là quét tuốt tuồn tuột, nghĩa là chỗ nào có thể để lọt cái chổi vào là phải quét. Thế này thì cứ gọi là quét đến mai. Họp xong rồi vẫn còn phải quét. Tôi biết đây là cái định nghĩa rất "bách khoa tự điển" của người đàn bà có uy quyền, nhất là uy quyền dành cho ông chồng đã về hưu, không cho ông có nhiều thì giờ rảnh rỗi để ngồi hàng giờ viết thư tán nhảm hay lén nhẩy hàng rào sang nhà hàng xóm ngồi nghe các cô ngâm Kiều theo điệu Huế: 

Khi tựa gối khi cúi đầu,

Khi vò chín khúc khi chau đôi mày.

(xin đọc chữ khi thành khỉ)

Nếu ai không biết truyện Kiều thì cứ tưởng là hai câu thơ tả về bốn con khỉ mất rồi.

Nghĩ đến thân mình, tôi chợt nhớ đến bốn câu thơ của vị đại trượng phu hảo hán nào đó :

Sung sướng thay phận đàn bà,

Đi đâu cũng được người ta làm chồng.

Đau đớn thay phận đàn ông,

Đi đâu cũng bị làm chồng người ta.

Cái kiếp làm chồng "người ta" quả thật không dễ dàng gì. Vợ đã nói thế nào thì nó phải là như thế, nó là một thứ chân lý bất biến, các ông chồng chỉ việc nghe và nhắm mắt thi hành. Thắc mắc là manh nha có tư tưởng xét lại, là phản động, phản cách mạng, là đi ngược với trào lưu tiến hoá của loài người và ... là ... là ... con bú dù (con khỉ) của cụ Nguyễn Du.

Tôi thất thểu bước vào nhà lòng đầy bâng khuâng. Tôi cứ tự trách mình tại sao lại ngớ ngẩn đi hỏi quét tước là gì cho mệt cái thân thế này. Có gì đâu, cứ cho quét tước là quét mặt bàn, bao nhiêu mặt bàn trong nhà là ta, tiện tay khi quét nhà, quét cho bằng hết. Nàng có hỏi  thì cứ cắt nghĩa là chữ "tước" có nghĩa là "bàn" theo tự điển tiếng Nga thời Nga hoàng là xong.

Con mèo nhà tôi quấn vào chân kêu "meo meo" vài tiếng thân thiện làm tôi thoải mái. Tôi  khẽ vuốt đầu nó rồi xắn áo bắt tay vào việc. Tôi làm việc hăng say như cái máy mới được rebuilt engine và chẳng mấy chốc, căn nhà đã trở nên quang đãng hẳn lên. Mọi thứ ngổn ngang lúc trước nay đã có chỗ yên vị của nó trong gầm giường, trong closet và ngoài garage. Đến phần quét tước thì cũng dễ thôi, cứ lùa rác vào những nơi nào ta có thể lùa vào được như gầm giường, gầm tủ, gầm bàn chẳng hạn, vừa tiện lợi lại vừa có vẻ  khoa học, còn kỳ dư chút ít thì hốt bỏ vào thùng rác. Chỉ có mỗi một nơi mà tôi cho là đáng ngại hơn cả, đó là cái nóc nhà. Đã gọi là quét tuốt tuồn tuột thì không thể không kể đến cái nóc nhà được. Thú thật, khi tôi còn trẻ thì tôi đâu có coi ra gì ba cái lẻ tẻ này, nhưng kể từ ngày về hưu, tôi thấy cái vườn sao như cứ rộng ra, cái nóc nhà sao như cứ cao lên và đặc biệt cái thang để trèo lên nóc nhà sao như cứ mỏng manh đi.  Hễ trèo lên được mấy nấc là tôi thấy chân tôi có cảm giác lành lạnh, tê tê, buồn buồn như bị ai cù dưới lòng bàn chân vậy. Thôi vợ đã bảo làm thì ta cứ phải làm, dù có phải làm Lê Lai thì cũng liều mình cứu Chúa. Chỉ có điều tôi sợ nhất là biết đâu "cô hàng xóm" lại đứng nhìn mình run rẩy trên cao rồi mỉm cười hóm hỉnh quay đi.

Thế còn làm lụng là làm gì đây? Làm vườn, làm nhà, làm cửa thì tôi đã biết, ngay cả làm bếp thì nay tôi đã biết rành rõi cả rồi. Còn nào là :

- đi làm đi ăn  là đi làm rồi đi ăn ;

- đi làm ăn là vừa đi, vừa làm, lại vừa ăn;

- đi làm ăn xa là vừa đi, vừa làm, vừa ăn trên một quãng đường xa vì phải cần có một quãng đường dài như thế mới ăn hết được.

Vân vân và vân vân, dễ hiểu quá mà.

Thế còn làm lụng là cái gì mà khi làm tốt thì lại được vợ thưởng quà. Cả cái cô hàng xóm vô duyên kia nữa, vừa nghe thấy nhà tôi hứa cho quà, cô ấy cũng đứng trước sân nhà mình cong cớn gào vọng sang "Anh làm lụng tốt cho em, em cũng thưởng". Cứ nhìn nét mặt của cô hàng xóm, tôi cũng biết nếu tôi không đứng cách xa cô ấy mấy cái sân thì cô ấy đã xỉa xói, dí ngón tay vào trán tôi khi nói câu ấy rồi. Với tấm thâm "to lớn đẫy đà làm sao" của cô thì chỉ cần cái dí trán nhẹ thôi cũng đủ làm cho tôi bị bẹp dí, dính vào tường, phải đợi vợ bóc ra đem về.

Làm lụng là làm cái gì mà ghê thế nhỉ ? Thôi thì cứ để hạ hồi phân giải.

Tối đến, không biết cái đêm hôm ấy đêm gì mà tôi cứ trằn trọc không sao ngủ được. Tôi nằm chờ đợi mãi mà không thấy nhà tôi hỏi han gì về điều tốt xấu của việc làm lụng đó và cũng chẳng thấy nhắc nhở gì về món quà định thưởng cho tôi. Nửa định hỏi nửa lại thôi. Mùi thịt bò kho thơm phức đang sôi trong nồi slow cooker trong bếp đưa tôi vào giấc ngủ, chập chờn lúc tỉnh lúc mơ. Có lúc tôi mơ thấy mình lò mò đi lục nồi thịt bò kho ăn vụng, lén lén lút lút vì nhớ lại có lần giận vợ, dỗi cơm, bị vợ bắt quả tang khi đang lục nồi cơm nguội. Có lúc tôi mơ thấy mấy cô hàng xóm cúi xuống nhìn mình cười sằng sặc, văng cả nước miếng vào mặt, sợ quá tỉnh dậy. Tỉnh dậy rồi lại thiếp đi vào những cơn ác mộng .

Rồi chuyện gì mong đến đã đến: Ngày họp mặt.

Sáng chủ nhật đẹp trời, bầu trời xanh ngắt không một bóng mây. Những bông hoa quỳnh (loại Mỹ) xen lẫn với những bông hoa hồng đang nở rộ ngoài sân.

Tôi tỉnh dậy khi đồng hồ đủng đỉnh gõ 8 tiếng thảnh thơi. Nhà tôi đã đi đâu và vẫn còn để vương lại trên bếp vài thứ còn đương nấu dở dang. Tôi tự pha cho mình một cốc nước trà sâm bột uống cho lại sức. Tôi vừa nhâm nhi cốc trà vừa ngắm nhìn những con ong nhỏ đang bay lượn quanh cái tổ chúng xây bên thành cửa sổ. Tôi thả hồn theo mấy vần thơ lãng mạn và nhớ tới vài câu ca dao của các cụ để lại cho con cháu hậu thế mà mỗi  khi nhớ lại ta không thể nhịn cười :

Vô duyên, vô phúc !

Múc phải anh chồng già.

Ra đường người hỏi rằng cha hay chồng ?

Nói ra đau đớn trong lòng,

Ấy cái nợ truyền kiếp, có phải chồng em đâu !

Bữa cơm múc nước rửa râu,

Hầu cơm, hầu rượu, hầu trầu, hầu tăm.

Đêm đêm dắt cụ đi nằm,

Than thân phận gái ôm lưng lão già.

Ông ơi, ông buông tôi ra,

Kẻo ai trông thấy, người ta chê cười.

Lấy chồng chẳng biết mặt chồng,

Đêm nằm tơ tưởng ngỡ ông láng giềng.

Đang lâng lâng với những bài ca dao mộc mạc chân quê thì tôi chợt nghe thấy ngoài cửa :

- "Mu" sang bên phải, "mu" sang bên trái một tí, tí nữa, tí nữa, được rồi, đâm thẳng vào, lọt rồi !

Rồi những tiếng ì ạch, hổn hển vang lên lẫn với tiếng vui mừng. Té ra đó là tiếng của hai ngài Dũng và Thụy đang khuân chiếc "ngà voi" vào nhà. Tôi lớ xớ chạy ra thấy hai ngài đang chân nam đá chân xiêu, lạng quạng, ngả nghiêng, từng bước xiêu vẹo, chậm chạp tiến từng bước một như người xuống tấn. Thấy hai ngài vất vả, lòng chợt từ bi bất ngờ,  tôi muốn thò tay giúp sức, nhưng phân vân không biết phải giúp đầu nào nhẹ hơn, hình như  đầu nào cũng nặng như nhau thì phải. Lại còn sợ mất lòng nhau, tôi giúp ngài này thì lại sợ mất lòng ngài kia nên tôi cứ chạy luẩn quẩn vòng ngoài hỗ trợ tinh thần :

- Cố lên các anh ơi ! Tới đến nơi rồi ! Sắp tới rồi! ...

Và một điều tôi không thể quên dặn hai ngài. Tôi luôn nhắc nhở :

- Coi chừng trầy! Trầy! Trầy, trầy hết bây giờ!

Ngài Thụy điên tiết :

- Trầy cái gì ?

Sợ ngài Thụy hiểu nhầm là tôi sợ trầy cái "ngà voi" nên tôi liền chỉ vội xuống chân :

- Sàn! cái sàn! sàn gỗ!

Tôi chưa kịp dứt lời thì ngài Dũng thét lên :

- Mẹ!

Rầm! Thế là ngài ngã lăn đùng, hai vó chổng lên trời, nhưng hai tay vẫn kịp nâng cái "ngà voi" lên trời. Tôi cứ phân vân trong lòng chữ "Mẹ" ngài dùng là dành cho ai, cho tôi vì sợ trầy sàn gỗ hay cho cái "ngà voi" quá nặng so với tuổi tác của ngài. Cuối cùng thì chiếc "ngà voi" cũng được an vị nơi dành riêng cho nó: giữa nhà.

Hai ngài ngồi thở. Sau khi lấy lại sức, trên nét mặt hai ngài vẫn thấy có nét buồn buồn. Lại một tiếng "Mẹ" được phát ra. Hai ngài lầm bầm thều thào, phải lắng nghe lắm mới rõ:

- Nó chơi như thế thì chơi với ai.

- Chơi như "xê" ấy.

Vân vân và vân vân... À ra hai ngài đang nói về trận bóng rổ của Laker và Detroit hôm qua. Nay thì tôi đã biết chữ "Mẹ" của ngài Dũng đã dành cho ai và hiểu tại sao bỗng nhiên ngài ngã bổ chổng, bổ nhào : Laker thua.

Câu chuyện rủ rỉ rù rì ấy chẳng kéo được bao lâu thì thấy ngài Thụy đã bắt đầu "kéo gỗ". Kỳ này ngài Thụy kéo một mình nên ngài có thua cũng vẫn được ăn cơm vua. Ngài Dũng thì thảnh thơi ra đùa nghịch với mấy con mèo con mới đẻ ngoài vườn.

Thời giờ thấm thoắt trôi nhanh. Các anh các chị đã lục tục  kẻ trước người sau kéo đến họp mặt. Ai cũng mang nhiều thức ăn quá. "Mâm cỗ" đã đầy ăm ắp. Anh Sáu, anh chị Chính Ngân lo phần ẩm thực được mọi chị xúm vào bầy biện trang hoàng. Ôi mâm cỗ và cái "ngà voi" rực rỡ làm sao. Trong khi đó mọi người quên cả nóng nực, ai nấy tay bắt mặt mừng hàn huyên trò chuyện vang cả góc trời, rung cả góc nhà.

Các anh chị mới nói chuyện làm quen với các anh chị , các anh chị nồng nhiệt đón mừng các anh chị mới. Ôi thật cảm động biết bao! Kỳ này có sự hiện diện bất ngờ của anh Cung Giác Lộ, đã "trốn" chúng ta đến cả thập niên. Nay anh trở lại, trông vẫn như ngày nào, hiền lành, hào hoa. Anh trông còn trẻ lắm nhưng chỉ có một điều là mái tóc anh, dù đã cố nhuộm mầu đen, nhưng vì tóc quá bạc nên nó chỉ đổi nổi được thành mầu nâu nâu nên trông anh cứ như anh Mễ đẹp trai. Anh Thiệp có vẻ trầm ngâm hơn mọi khi vì anh còn đang mải suy nghĩ về cuốn sách thứ hai mà anh dự định ra mắt vào cuối năm nay. Văn anh hay quá. Ba tờ báo vùng này đã viết bài để ca ngợi văn tài của anh. Thơ anh Thiệp đã được đăng trong tập thơ mang tựa đề "Những bài thơ bất huû" của nhà thơ Kim Vũ sưu tầm và dịch sang Anh ngữ. Ôi thôi và ôi thôi, nếu tôi phải kể hết đầy đủ về tất cả các anh các chị hôm ấy thì cần đến biết bao giấy mực.

Hôm đó, tôi vui lắm, vui trong cái tình bạn thắm thiết với nhau hàng chục năm qua, cái tình cảm mà chúng ta chẳng bao giờ tìm được từ nơi những người ngoại quốc trên mảnh đất tạm dung này. Vui thì tất là vui lắm rồi, nhưng sao tôi thấy có cái gì thiếu vắng: vắng bóng anh Trần Quốc Thái. Anh Thái không đến tham dự được kỳ này vì lý do sức khỏe. Cầu mong anh sớm được bình phục để đến được với chúng ta trong kỳ họp mặt tới. Thiếu anh nên tôi không được thấy anh luôn đến sớm để "múa gậy vườn hoang", không được nghe anh cầm ba toong chỉ điều này dậy điều kia và tôi không có dịp trêu cái  tác phong "oai như cậu ông trời" của anh.

Con cóc là cậu ông trời,

Ai mà đánh nó thì trời đánh cho.

Hay ít ra cũng được như vua Lê Thánh Tông tự ví mình trong bài  thơ "con cóc" của ngài :

Bác mẹ sinh ra vốn áo xồi,

Chốn nghiêm thăm thẳm một mình ngồi.

Tép miệng năm ba con kiến gió,

Nghiến răng chuyển động bốn phương trời.

Các bạn ơi, cũng còn có thêm một điều nằm ngoài "chương trình nghị sự" của buổi họp mặt hôm đó, đó là cái bệnh "quên tên" của tôi. Bệnh này càng ngày càng nặng theo cái tuổi đè nặng trên vai của mình. Bệnh quên tên ấy lại dễ lây sang những bệnh hay quên tai hại khác làm cho các anh các chị cứ phải cười lăn, cười lóc với một tấm lòng đại lượng tha thứ. Hai anh Dũng và Thụy đã phải đỡ đòn dùm : "Anh này nhớ mới là điều lạ, chứ quên là chuyện bình thường". Cái bệnh hay quên của tôi có phải luôn luôn là bệnh của những người thông thái và của những bậc vĩ nhân hay của những tổng thống Hoa Kỳ như ông Reagan chẳng hạn không nhỉ ? Các anh nhớ nhé, nếu quả như thế, thì các anh hãy chờ đợi ngày nổi tiếng của tôi và khi ấy nhất định tôi sẽ mời các anh một chầu phở dù là phở ngẩu pín quý giá khó tìm.

Tới giờ phá cỗ.

Thủ tục phá cỗ thì cũng theo thông lệ được hai anh Dũng và Thụy tuyên bố lý do một cách ngắn gọn. Sau đó các anh chị lần lượt xếp hàng lần lượt ăn hương ăn hoa một chút "sơn hào hải vị" do mọi người đem tới. Đứng về mặt ăn uống, không ai qua mặt được cái lưỡi cuả ông Chính nhà mình. Cái lưỡi ngàn vàng. Ông đã chọn món ăn nào để order thì món ấy phải là ngon hết sẩy. Sướng cái miệng của mình, nhưng khổ những nhà hàng nào được ông chiếu cố. Ông đòi cái này ông hỏi cái kia, ông chỉ dậy cái này đúng cái kia sai, món này phải đi với món kia, món kia phải đi với món nọ. Ông đòi cả những thứ không đào đâu ra được. Cái hoạt cảnh xẩy ra thường xuyên là ông Chính luôn luôn lắc đầu chê dở, ông chủ nhà hàng thì luôn luôn gật đầu khen ngon, ông nào lắc mạnh và nhanh là ông ấy thắng. Theo kinh nghiệm của tôi, với bản tính hiền lành, thắng thua gì ông Chính nhà mình cũng cứ bưng về, trả tiền sòng phẳng, chẳng bao giờ ông  thực hiện được câu bớt một thêm hai bao giờ. Ông nói mặc cả là chuyện của đàn bà.

Sau phần ăn uống, các chị xúm vào mỗi người một tay thanh toán dọn dẹp. Bếp núc sạch bóng, bóng hơn cả lúc nguyên thủy của nó.

Các vị trượng phu hảo hán thì tụ tập nói chuyện phòng ngoài, toàn chuyện trên trời tới chuyện dưới đất, hết chuyện dưới đất lại tới chuyện trên trời, rồi chuyển sang chuyện mười phương tám hướng, tám hướng mười phương lẫn mười hai con giáp. Ấy thế mà các vị trượng phu nhà mình có giỏi gấp mấy cũng không bằng các cụ ta xưa. Các cụ nói "đánh đĩ mười phương còn dành một phương lấy chồng", các vị cứ ngồi bàn tính mãi mà tìm  không ra được cái phương thứ mười một của các cụ nó nằm ở đâu. Hay là các cụ "cheating" mình nhỉ. Rồi lại nghe các vị nói chuyện địa cầu sắp cạn hết nước bởi những hiện tượng "nhí nha nhí nhô" gì đó làm tôi cũng lo lo trong bụng. Các vị đang bàn chuyện lớn: làm sao mang nước dự trữ lên cung trăng cho chị Hằng tắm:

Ô kìa bóng nguyệt trần truồng tắm,

Lộ cái khuôn vàng dưới đáy khe.

(Hàn Mạc Tử)

Ôi thôi thì cũng đủ chuyện đấy. Tôi thì chỉ xin được ngớ ngẩn ngồi nghe chứ không dám chõ mồm vào.

Sau phần chuyện trò là phần xem video "cười" do anh chị Thụy đem tới. Tôi được một phen cười nghiêng ngả. Anh chị em THĐL cũng có dịp được xem video đám cưới hai cháu con chị Đặng Ngọc Liên (và anh chị Lê Văn Lợi ở Toronto, Canada) do chị mang tới. Đám cưới vui quá và dân THĐL ta thì thật đông.

Thế rồi cuộc vui nào cũng phải có lúc tàn. Sau vài giờ họp mặt, các anh chị cũng bắt đầu từ từ ra về, chỉ còn ít cặp ở lại tới muộn chiều. Những bịch rác lớn, mối ưu tư nhất của gia chủ, đã được anh Nguyễn Cuòng Việt đem đi thanh toán, còn hai bịch được anh Dũng thầu. Mọi người ra về, gia chủ nhặt nhạnh được thêm ít bịch nữa. Thế là đêm nay tôi lại có dịp làm công tác ngoại giao với những ông, những bà và những cô hàng xóm để thanh toán đám rác còn lại này.

Ông bà hàng xóm kế bên nhà tôi, kể từ ngày biết nhau là người Việt nên đối xử với nhau thật là thân thiện theo đúng tinh thần đồng hương, môi hở răng lạnh. Khi tôi ngỏ ý muốn gửi tạm bao rác thì ông bà vui vẻ chấp thuận ngay. Ông niềm nở :

- Xin ông cứ tự nhiên, hàng xóm với nhau cả mà, nếu thùng rác nhà tôi đầy rồi thì ông cứ tự tiện đổ rác vào thùng recycle, mà thùng recycle có đầy nữa thì đổ sang thùng "cây xanh", hai thùng ấy lớn đựng được nhiều rác lắm.

Ông hăng hái nói một hơi. À ra thế, các anh ơi,  ra thế đấy. Tinh thần thực dụng của ông hàng xóm nhà tôi thật đầy sáng tạo, dám nghĩ dám làm, dám làm vì ông không sợ bị phạt. Phải chi ông còn ở VN, tổ dân phố đã bình bầu cho ông được bằng "tiên tiến" về sáng kiến này rồi.

Còn các cô hàng xóm nhà tôi thì sao ? Thôi thì cũng đủ loại cả đấy. Cô béo tròn ở đầu ngõ, cô gầy teo ở cuối ngõ, còn ba cô sống chung nhà ở quãng giữa đối diện nhà tôi thì thon thả làm sao. Tôi đã nói với các anh năm ngoái là tôi khám phá ra sự hiện diện của văn hoá trong thùng rác thì năm nay tôi cũng lại tìm được một khám phá mới trong ấy : chế độ ăn uống. Nhìn vào thùng rác của cô "đẫy đà" đầu ngõ thì thùng rác lúc nào cũng đầy ăm ắp không còn chỗ nào mà ních; Cô cuối ngõ gầy teo thì thùng rác chỉ toàn thấy rau với cỏ lại trống tuếch trống toác tha hồ mà nhồi, mà nhét, mà tống rác vào; còn ba cô thon thả  thì thùng rác lúc nào cũng ở bậc trung trung, nó cũng thon thả như ba cô ấy nên tôi có thể dump được một mớ (đọc là đâm, nghĩa tự điển là đổ rác), ba cô lúc nào cũng hớn hở welcome. Vì nhà tôi thường có khách đông nên tôi cứ phải chạy sang hỏi ba cô ấy cho tôi dump nhờ, do đó tôi có biệt hiệu là "dumpter" hay "dumptor" do 3  đặt cho. Theo nghĩa riêng của các cô thì "dumpter"  hay "dumptor" là ám chỉ người hay dump mà lại còn dump nhiều (không phải chữ "dumpster" tiếng Anh là chỉ cái thùng rác lớn được chế tạo bởi hãng Dumpster đâu nhé). Tôi nghĩ dù phải mang tên "dump-tơ" hay "dump-to"  "dump-nhỏ" gì cũng được, miễn là các cô cho tôi dump khi cần, nhất là khi có khách đông, rác lắm.

Các anh thấy không, tôi thật vất vả với những ngôn từ rắc rối của cuộc đời.

Thôi tôi xin ngừng câu chuyện kể lể lòng vòng ở đây với những sự việc đầy hư cấu viết cho vui theo đúng tinh thần tưởng tượng của nhà văn JULIUS  VERNE và theo đúng tinh thần của cụ Nguyễn Du :

Lời quê chắp nhặt dông dài

Mua vui cũng được một vài trống canh.

(Một trống canh thôi thì cũng bị coi như đọc thư quá chậm rồi đấy nhé!)

Để chấm dứt bức thư, xin các anh chuyển cho tôi một lời nhắn gửi:

Nói trước nói sau, nói tới nói lui chẳng qua nói thật là cám ơn hai anh Dũng và Thụy cùng các anh chị đã cho tôi một ngày vui.

Vui là vui, chúng mình vui nhiều,

Vui là vui, chúng mình quá vui.

Cái vui của một cuộc gặp gỡ chân tình. Mong hai anh Dũng và Thụy cứ tiếp tục vác "ngà voi" để hâm nóng những ngày vui ấy được tồn tại mãi mãi và lòng mọi người luôn luôn rộng mở để cùng nhau đón nhận sự thương yêu của THĐL chúng ta đến từ năm châu bốn bể.

 

Tây Bắc Hoa kỳ

Nguyễn Công Thuần (Vancouver, Washington) :

1) Trước hết, xin đính chính một chi tiết trong bản tin THĐL số 23:  Phần Hình ảnh, trang 96, H.17: Họp mặt tân niên 2003 tại Liège, Vương quốc Bỉ: Từ trái: Các TH LD Trường, NQ Hữu, HV Thọ, PV Khắn, ĐT Khanh, ?, LV Quyên, TK Cảnh, NN Quế, PH Bình. (Không biết bằng cách nào và vào lúc nào mà cái ghi chú của Hình 20 lại nhảy sang Hình 17 này. Xin tạ lỗi cùng các thân hữu trong Hình 17.)

2) Đại hội họp mặt THĐL mùa thu 2004 tại Paris-Bruxelles, Âu châu, đã diễn ra một cách thân mật và ấm cúng. Gần 100 người tham dự, phá kỷ lục của 2 lần họp mặt trước của Âu châu (1988: Bruxelles; 1996: Paris-Aix). Kỳ này cũng phá kỷ lục về các thân hữu mới "xuất hiện" và tham dự họp mặt: Các TH và gia đình Trần Hữu Chí, Đồng Thị Hân, Trần Quang Khảo, Nguyễn Thanh Ngọc, Nguyễn Thái Trung.  Chỉ có hai điều đáng tiếc cho kỳ họp mặt này: a) Giá sinh hoạt ở Âu châu bây giờ, từ sau khi có đồng Euro, quá cao, làm các bạn từ Mỹ và các nước khác chới với (1 chai nước lạnh cỡ nửa lít giá 2.8 Euro$, tương đương cỡ 3.5 US$, xăng hơn 1 Euro$ / 1 lít (cỡ 4 US$ / gallon); b) cách thức làm việc của Trung tâm Fiap (khách sạn, phòng họp, nhà hàng) quá luộm thuộm, gây khó khăn cho nhiều người và ngay cả ban tổ chức. 

Đại hội THĐL Paris-Bruxelles 2004 coi như đã được xen kẽ bằng một buổi họp mặt tại nhà riêng TH NQ Hữu ở Bruxelles. Có lẽ buổi sinh hoạt này là thoải mái nhất, ăn uống ngon lành và no nê, được uống rượu thả dàn, cười nói không phải e ngại, đi tới đi lui thong thả, v.v... Nhưng bù lại, chủ nhà và ban tổ chức rất cực nhọc (Mọi người đều nhìn thấy). Không biết nói gì hơn, xin đa tạ tấm lòng gia chủ và ban tổ chức.

Ngược lại, ban tổ chức cũng đã có lời trình bày các khó khăn và trở ngại của kỳ họp mặt này và xin mọi người thông cảm.

3) Đầu năm nay, tháng 1/2004, tôi đã làm một chuyến viễn du về "Miệt dưới". Đi tham dự họp mặt THĐL Úc châu tổ chức ở Melbourne, Victoria, Australia. Đi thăm "sui gia". Đi thăm anh em bạn bè. Đi chơi một chuyến sau khi về hưu ... Sau đúng 32 năm tôi trở lại Úc châu, Sydney, Canberra và Melbourne, nói chung tôi chỉ nhận ra chừng 20% thành phố và phong cảnh. Nhưng cái mới và lạ lần này là ... lòng mình. Năm xưa là công việc, là học hành, không có bạn bè. Bây giờ thì đi chơi, sách vở trách nhiệm gì bỏ qua một bên. Chỉ có bạn bè thôi! Và cũng nhờ có nhiều bạn bè thương mến mà lần này tôi được dắt đi chơi nhiều nơi, được ăn ở nhiều nhà, được gặp lần đầu cũng như gặp lại nhiều bạn có đến hơn 30 năm rồi không gặp.

Đáng lẽ tôi phải viết một bài dài về chuyến đi này để tạ lòng thương mến của các bạn "Miệt dưới", nhưng có nhiều chuyện không ngờ trước đã xảy ra làm cho tôi không còn thì giờ và đầu óc ngồi xuống viết bài . Xin mượn đôi dòng này để tạ tội và để gởi lời cám ơn đến các anh chị NT Ngọc, UV Tạo, TV Dần, Song Hương, TT Lợi, NĐ Quí, NK Loan, TQ Tuyến, ... và các con cháu gia đình anh

chị NT Ngọc ở Melbourne; các anh chị ĐV Quí, ĐN Hùng, ... và con trai và con dâu lớn của anh chị ĐV Quí ở Brisbane; anh chị HV Thiết ở Canberra; các anh chị NH Thu, TĐ Thanh, TB Lân, V Cổn, NX Thông, LT Tố, LT Châm Khanh, ... ở Sydney, đặc biệt nhất là anh chị NH Thu, người đã "cưu mang" vợ chồng tôi suốt cả tuần lễ, dắt đi chơi và thăm viếng nhiều nơi nhiều chỗ

rất thú vị và có nhiều ý nghĩa ở quanh vùng Sydney. Cầu mong các anh chị và gia đình luôn luôn có nhiều sức khỏe và hạnh phúc. Thế nào tôi cũng sẽ có dịp trở lại thăm các anh chị. (Miễn là các anh chị vẫn giữ lòng thương mến, và đặc biệt là anh chị NT Ngọc vẫn còn "đưa tiền" cho tụi này đi chơi nữa!)

4) Trong một năm qua, những người thân đã ra đi vĩnh viễn, ngoài “tứ thân phụ mẫu”, còn có 2 THĐL, 2 nội tướng THĐL, 1 bào huynh, 1 bào muội, và 1 quý tử. Một trong hai thân hữu đã mất là TH TB Sách (Miami, FL), anh tương đối còn trẻ (mới ngoài 60) nhưng bị bịnh nặng không chữa được.  Nội tướng TH PM Tâm (San Francisco, CA) bị tai nạn xe. Nội tướng TH HT Phát (Portland, OR) bị tai biến mạch máu não (stroke) đến lần thứ 3 thì không cứu được nữa. THĐL có phân ưu trên trang Phân Ưu trong bản tin này.

Một số thân hữu khác sức khỏe cũng bắt đầu có triệu chứng không tốt nhưng nhờ chữa chạy kịp thời đã khỏe lại được: TH T Đinh (Herndon, VA), TH NV Mãnh (Santa Ana, CA), ... Xin gửi lời thăm và chúc các thân hữu chóng hồi phục hoàn toàn sức khỏe để còn vui chơi với anh em bè bạn thêm ít lâu và nhìn những hạnh phúc của các con cháu.

5) Trong khi đó thì cũng trong một năm qua, rất nhiều tin vui đến với các gia đình THĐL, tin cưới hỏi đã đành, mà còn thêm tin nhiều người lên chức ông bà nội ngoại, ông bà cố nữa. Tôi không liệt kê ra hết được vì phần tin tôi biết, dù không thể đầy đủ, cũng rất là nhiều. Thêm vào đó, rất nhiều thân hữu cũng đã về hưu trong năm rồi hoặc đang sửa soạn về hưu trong năm tới. Xin gửi lời thăm và chúc mừng các thân hữu.

6) Ban phụ trách bản tin này có chương trình lập một gia trang cho THĐL, bao gồm các tin tức, hình ảnh, ... để trong tương lai sẽ ngưng phát hành bản tin này. Nói cách khác, bản tin THĐL này sẽ được phát hành trên liên mạng chứ không in ra và gửi đến tận nhà nữa. Chắc các thân hữu cũng thấy là làm bản tin trên gia trang có rất nhiều tiện lợi: thời đại tin học, kỹ thuật hiện đại; một năm có thể ra nhiều kỳ; tin tức sốt dẻo; chi phí tối thiểu; nhiều người có thể hợp tác mà không cần gặp nhau; v.v... Mấy năm nay chúng tôi đã nghĩ đến điều này, nhưng vì thấy số thân hữu có phương tiện và biết xài internet còn ít quá, có thể nói là dưới  50%,  nhiều người tha thiết muốn nhận bản in ra, thành ra chúng tôi còn chần chừ. Bây giờ, phương tiện computer và internet càng ngày càng nhiều, càng rẻ, số thân hữu có phương tiện và biết xài cũng càng ngày càng tăng, có lẽ chúng ta nên xúc tiến ngay việc làm gia trang tổng quát cho THĐL . Thêm vào đó, thế hệ các THĐL chúng ta cũng đang ... càng ngày càng già, đã hay sắp về hưu, tiền bạc và sức khỏe ngày càng kém đi, ...

Xin các thân hữu liên lạc góp ý với chúng tôi về vụ này, nhất là các thân hữu có "tay nghề cao" trong lãnh vực web design.

Trong khi chờ đợi gia trang THĐL mới, các bản tin THĐL cũ hiện được tồn trữ tại gia trang sau đây, do TH MC Khanh làm giúp mấy năm nay:  "http://home.comcast.net/~thdl/THDL.html". Mời các thân hữu vào xem.

Quê nhàø

Nguyễn Mậu Bàng (Sài gòn, Việt nam): 

(Vi thư gửi NCT và nhiều người khác, 13 th. 3, 2004) ... Thành thật xin lỗi trước vì sự trả lời chậm trễ này. Lý do: mấy hôm nay không có thì giờ check mail.

Nay xin tin để anh Tý và các bạn được rõ: Hiền thê của anh Lê Văn Phúc đã ra đi vì bệnh tim kéo dài đã hơn hai năm nay. Hôm tang lễ chúng tôi gồm: Quan Văn Năm, Đặng Phùng Viễn (mới về VN), Lê Minh Quân (lúc đó còn ở VN) và tôi có đến phúng điếu và chia buồn cùng anh LVP và gia đình. Anh chị LVP có 3 người con (2 trai, 1 gái) nay đã trưởng thành và đều có công ăn việc làm. Anh LVP hiện nay vẫn còn đi làm cho một công ty xây dựng điện,  cuộc sống cũng tương đối ổn định.

Tôi có chuyển lời chia buồn của anh và các bạn đến anh Phúc rồi, hiện anh Phúc đang về Huế để xây mồ mả cho gia đình, khi nào về anh Phúc sẽ xin eMail của các bạn để liên lạc. Anh Phúc không có địa chỉ eMail, vì vậy tôi xin gởi địa chỉ nhà của anh Phúc để các bạn liên lạc nếu cần: ...


 

Trần Thái Lợi,  Trần Văn Dần, Phạm Hữu Bình, Nguyễn Thị Thảo,

Nguyễn Trọng Dũng, Nguyễn Giụ Hùng, Nguyễn Công Thuần,

Nguyễn Mậu Bàng