![]() |
Những Năm Tháng Ấy
ĐI THĂM CỐ ĐÔ HOA LƯ
Truyện của NGUYỄN GIỤ HÙNG
CHƯƠNG III
TAM CỐC - THÁI VI - BÍCH ĐỘNG
***
Phần 1
Vé vào thăm khu Tam Cốc và Đền Thái Vi (ngày nay)
Sáng sớm hôm nay, trời còn chưa sáng rõ, chúng tôi đã sẵn sàng rời nhà trọ để lên đường vào thăm khu Tam Cốc-Bích Động của Hoa Lư.
Khi chúng tôi xuống nhà dưới thì gặp ông bà chủ nhà trọ đã có mặt ở phòng ăn đang chuẩn bị sẵn cho chúng tôi những phần ăn đựng trong hộp, mỗi người một phần và một chai nước nhỏ dùng cho trưa nay. Ông chủ cũng cho biết là xe khách sẽ ghé đón chúng tôi thay vì phải ra bến ngồi chờ đợi. Chúng tôi ngỏ lời hết sức cám ơn về sự chu đáo này và cũng không quên đề nghị ông bà cho thưởng thức những món ăn đặc sản của Hoa Lư trong bữa cơm chiều nay sau khi đi chơi về.
Tôi cho phần ăn của Thi và của tôi vào ba lô mình. Uyên nhìn tôi tủm tỉm cười.
Hội cũng nhìn tôi rồi lại nhìn Thi, bô bô nói:
- Có chồng như thằng này kể ra cũng sướng thật!
Thi đưa mắt nhìn chị. Uyên cũng chỉ tủm tỉm cười không nói. Thư “nẹt” ông anh ngay:
- Anh này! Muốn nói gì là nói thôi!
Tôi vội lên tiếng ngay:
- Không sao! Anh cô nói đúng đấy! Âu cũng là tại tôi chỉ sợ “mất” Thi đó thôi!
Thư nguýt tôi một cái rồi quay sang Thi:
- Khiếp quá! Ông đàn ông nào cũng khéo nói cả. Trừ ông anh mình.
Thi chỉ bẽn lẽn tủm tỉm cười. Uyên nghiêng người nhìn vào mặt cô em mình, ý muốn nói “Cô em thích nhé!” Như hiểu ý chị, Thi đánh nhẹ vào tay Uyên rồi lảng ra chỗ khác.
Trong khi chờ cụ Từ tới, chúng tôi đứng nói chuyện vãn với nhau. Mơ ngồi một mình bên góc bàn bên kia tủm tỉm “cười góp” với những câu chuyện của mọi người. Thấy thế, Hội bước lại ngồi bên cạnh thủ thỉ nói chuyện với Mơ. Một lúc sau hai người cùng đứng dậy tới góp chuyện chung. Tôi nhìn Mơ, tự nghĩ, cô có cặp mắt hơi xếch, sáng, đa tình, lại có cặp môi dầy mọng trên khuôn mặt xinh xắn với nước da ”nâu ròn” đồng quê khỏe mạnh như thế kia thì hỏi làm sao anh chàng Hội này không mê cho được. Mê gái đẹp mà lại cứ chống chế đổ lỗi cho tại cái “duyên tiền kiếp”. Nghĩ thế nên tôi tủm tỉm cười. Thi hỏi tôi:
- Anh đang cười tủm tỉm cái gì vậy?
Tôi đánh lảng sang chuyện khác:
- Không! Anh đang nghĩ chút nữa cô Mơ có chèo thuyền cho anh Hội ngồi ngắm cảnh không đây!
Mơ nghe nói thế vội dẫy nẩy lên:
- Ai lại làm thế được! Đàn ông phải chèo chứ! Anh Hội biết chèo thuyền rồi mà!
Hội dơ cả hai tay lên cao:
- Thôi! Thôi! Được rồi, để tôi chèo! Chìm thuyền thì rán mà bơi đó. Mặc váy thế kia mà bơi thì trông cũng buồn cười đấy chứ nhỉ?
Mơ nghe thế, cứ hồn nhiên cười làm chúng tôi nhìn nhau rồi mới dám cười theo. Tôi lại nghĩ bụng, cái anh chàng này đúng là loại người “muốn nói gì thì nói”. Có lẽ vì cái tính này nên Hội được bạn bè trong trường thương mến và thích gần gũi chăng? Được cái anh dễ tính, ai đả kích sao cũng được, chỉ cười trừ. Bà mẹ ở nhà gọi anh là “Tây con” quả cũng không sai. Mặc dù tôi không biết “Tây con” nó có như thế hay không? Thư thì chẳng khác ông anh là mấy, chỉ khác một tý vì cô là con gái. Và cũng có điều, ở nhà chẳng ai gọi cô là “đầm con” cả.
Ngồi nói chuyện vãn với nhau một chút thì cụ Từ tới. Chúng tôi khen cụ đã trên sáu mươi tuổi rồi mà vẫn còn khỏe mạnh và nhanh nhẹn lắm. Mỗi lần được khen như thế, cụ lại tươi cười với bộ mặt đầy hài lòng, sung sướng. Tôi tự nghĩ bốn mươi năm sau, mình có được như cụ hay không?
Tôi xin bà chủ cốc nước trà nóng cho cụ uống trong khi chờ đợi xe tới. Cụ xua tay:
- Khỏi lấy nước trà, bà cho tôi chút rượu Kim Sơn uống cho tỉnh người!
Tôi mua thêm cái “bánh khúc” mời cụ. Cụ bỏ vào túi áo mà không ăn. Tôi cho cụ biết là chúng tôi đã chuẩn bị thức ăn trưa và nước uống cho cụ trưa nay.
Hội nhìn cụ Từ nhâm nhi cốc rượu, quay sang hỏi Thi:
- Thi! Cô em có cho thằng này (Hội chỉ vào tôi) uống rượu nữa không?
Thi vội khua khua hai tay:
- Không được! Không được! Anh ý say thêm lần nữa là em “nghỉ chơi” liền!
Hội nhắc lại với Thi:
- Hôm đó nó say, anh khuân nó vào giường, thấy cô cứ cuống cả lên, đứng khóc như là nó sắp chết đến nơi ấy. Cô em cứ chạy lên chạy xuống cầu thang gác kêu cứu ông bà chủ nhà trọ, trông đến thật buồn cười.
Thi nhìn tôi nói:
- Hôm đó anh làm em sợ quá!
Hội cười rồi nói tiếp với Thi:
- Anh đã nói là nó không có sao đâu, tý nữa nó tỉnh lại. Em không nghe cứ đứng bên cạnh mà vừa khóc sụt sùi vừa bóp tay bóp chân cho hắn làm anh sốt cả ruột.
Thi chỉ đứng cười gượng. Tôi lảng ra chỗ khác nói chuyện với Uyên. Thư “nẹt” ông anh:
- Làm “người đẹp” xấu hổ rồi kia kìa! Anh có xin lỗi không!
Mọi người cười. Hội đến vỗ tay nhẹ vào lưng tôi rồi bỏ ra ngoài cửa ngóng xe đến.
Cụ Từ thấy chúng tôi cười đùa vui vẻ, cũng xen tiếng phân bua:
- Tôi quen rồi. Cứ sáng ngày ra phải uống một cốc rượu nhỏ, người mới tỉnh ra được. Chiều một cữ nữa thì thôi, chứ tôi không say sưa gì đâu. Tối hôm qua vui nên tôi mới uống hơi nhiều đấy thôi!
Chúng tôi chỉ dám mỉm cười với những lời phân bua của cụ.
Xe cũng đã tới. Tôi và Thi ra thanh toán tiền nong với bà chủ cho buổi sáng nay. Tối qua Hội nhận khao nên đã trả hết cả rồi. Tôi chào và cám ơn ông chủ đang từ trong bếp chạy ra. Tôi bắt tay ông và cúi đầu chào bà chủ. Thi cũng sẽ cúi đầu chào hai người. Bà chủ khen Thi:
- Cô xinh gái quá!
Ông chủ nhà lại nói thêm:
- Hai người sẽ kết hôn khi cậu ấy ra trường đấy!
Chúng tôi vội quay đi nhanh ra cửa. Tôi và Thi còn nghe thấy tiếng bà chủ nói với chồng ở sau lưng.
- Cặp này trông đẹp đôi nhỉ!
Tôi nhìn Thi mỉm cười. Nàng cúi xuống tránh cặp mắt của tôi nhưng cũng bẽn lẽn mỉm cười với nét mặt thật hân hoan rạng rỡ. Còn tôi thì hớn hở khi nghe những lời khen như thế trước mặt nàng.
Vì là chiếc xe ô tô nhỏ cỡ trung bình nên ngoài số khách đã có sẵn, xe chỉ còn vừa đủ chỗ ngồi dành riêng cho nhóm chúng tôi. Cụ Từ ngồi ghế trên với anh tài xế trẻ tuổi. Chúng tôi ngồi phía sau, tất nhiên là Hội ngồi cạnh Mơ và tôi ngồi cạnh Thi. Chiếc xe chạy phom phom trên đường. Hội khoác vai và ôm Mơ chầm chập cứ như sợ ai cướp cô đi mất.
Tam Cốc chỉ cách thành phố Ninh Bình có 12 cây số nên chẳng bao lâu xe đã đến bến đò Tam Cốc. Chúng tôi vừa xuống xe thì xe lại tiếp tục đi Phát Diệm đón khách, rồi vào Thanh Hóa.
Trên bến đò có cây đa cổ thụ, tàn lá che cả một khu đất rộng. Bên dưới tàn cây là một quán nước nhỏ. Ngọn đèn dầu leo lét với vài ba thứ còn bầy lỏng chỏng trên chiếc chõng tre vì quán hàng còn mới đang được dọn ra. Dưới bến, vài chiếc thuyền nan được cột vào cọc nằm im lìm chờ khách. Chưa thấy bóng ai.
Chúng tôi còn đang ngơ ngác ngó quanh thì bất chợt, ba cô thiếu nữ từ trong căn lều lá gần đó bước ra. Khi đến gần, các cô nhận ra cụ Từ, vội cúi đầu chào:
- Lậy cụ ạ! Sao cụ đến sớm thế ạ! Chắc cụ đưa các anh chị đây đi chơi Tam Cốc? Đã lâu lắm chúng cháu mới lại gặp cụ ghé đây!
Cụ Từ trả lời:
- Đúng rồi! Mấy người này từ Hà Nội về thăm Hoa Lư, tôi rảnh nên đưa đi chơi.
Một cô hỏi:
- Thế, thưa cụ cần mấy thuyền ạ?
Cụ đáp:
- Cho tôi hai thuyền được không. Một thuyền chở ba người, một thuyền chở bốn người. Được chứ các cô? Chúng tôi muốn ngồi chung để dễ nói chuyện.
Ba cô đồng thanh trả lời:
- Thưa cụ vâng ạ! Xin mời cụ và các anh chị xuống thuyền.
Một cô quay trở lại chòi tranh, nói với theo hai cô kia:
- Hai chị đi chuyến này đi! Em đi chuyến sau cũng được. Ngày mai chúng mình gặp lại nhau kể tiếp chuyện ấy nhé...!
Hai cô lái đò còn lại tất tửi bước nhanh ra thuyền.
Trước khi xuống bến, cụ Từ tập trung chúng tôi lại để giảng giải vài lời về khu Tam Cốc này.
Cụ cho biết Tam Cốc có diện tích khoảng 350 mẫu (ha), cách Thành phố Ninh Bình khoảng 12 cây số. Sở dĩ có tên Tam Cốc vì dòng sông Ngô Đồng trước mặt chúng tôi đây chảy xuyên qua chân một dẫy núi đá vôi để tạo thành ba hang động, còn gọi là “xuyên thủy động”. Lần lượt kể từ ngoài này đi thuyền vào phía bên trong, chúng tôi sẽ phải đi ngang qua ba hang “xuyên thủy động” như thế, gồm hang Cả, hang Hai và hang Ba.
Hang Cả có chiều dài 127 mét, xuyên qua một quả núi lớn, cửa hang rộng trên 20 mét. Trong hang khí hậu khá mát và có nhiều thạch nhũ rũ xuống. Hang Hai, cách hang Cả gần một cây số, có chiều dài 60 mét, trần hang cũng có nhiều nhũ thạch rũ xuống. Hang Ba, gần hang Hai, có chiều dài 50 mét, trần hang như một vòm đá, thấp hơn so với hai hang kia.
Còn tên ghép Tam Cốc-Bích Động là vì khu Tam Cốc có chùa Bích Động nổi tiếng. Chùa nằm trong động Bích Động, nó thuộc loại “chùa hang” (chùa xây ở trong hang). Động Bích Động được mệnh danh là “Nam thiên đệ nhị động”, đẹp đứng hàng thứ nhì sau động Hương Tích.
Cụ Từ hứa sáng nay sẽ đưa chúng tôi đi chơi Tam Cốc rồi vào thăm đền Thái Vi và viếng cảnh chùa Bích Động. Đền Thái Vi là nơi di tích lịch sử thờ ba vị vua đầu tiên của nhà Trần. Đền được xây trên nền cung Thái Vi hay là am Thái Vi. Am Thái Vi là nơi vua nhà Trần tu hành và cũng là nơi các quan từ triều đình về đây cùng lập kế sách chuẩn bị chống lại quân Mông Cổ lần thứ hai (1285).
Chúng tôi lần lượt xuống thuyền. Mới còn tờ mờ sáng nên sương mù còn phủ là là trên mặt nước sông Ngô Đồng. Hai cô lái đò cho biết hôm nay trời có nhiều sương mù hơn mọi hôm.
Sau khi mọi người đã an vị trên thuyền, chúng tôi lần lượt giới thiệu từng người để hai cô lái đò dễ gọi. Được biết, cô lái đò thuyền bên tôi tên Phấn, cô lái đò thuyền bên kia tên Lan. Hai cô trạc tuổi trên dưới hai mươi, người khỏe mạnh và nhanh nhẩu, tính tình lại vui vẻ. Nhìn hai cô tôi lại liên tưởng tới hình ảnh của Mơ mà chúng tôi gặp trên suối Yến ở chùa Hương. Tôi tự nghĩ đùa một mình, không biết có anh chàng Hội thứ hai, thứ ba nào sẽ tới với hai cô lái đò này không đây. Trên thuyền tôi, Uyên và cụ Từ ngồi hàng ghế đầu, phía trước mũi, tôi và Thi ngồi bên nhau ở hàng ghế giữa rồi đến cô lái đò ngồi chèo lái ở phía sau. Thuyền bên kia thì Hội và Mơ ngồi hàng đầu, Thư hàng giữa và cuối cùng là cô lái đò.
Ngồi trên thuyền, chúng tôi cố giữ yên lặng, không ai nói một lời nào để tận hưởng cảnh đẹp thiên nhiên, cái không gian tĩnh mịch và chỉ còn nghe tiếng mái chèo khua nước.
Tôi đặt tay nhẹ lên vai Thi nói nhỏ chỉ đủ nàng nghe:
- Thích quá em nhỉ! Cứ như ở trên tiên cảnh ấy!
Thi ngửng lên nhìn tôi mỉm cười rồi quay mặt đi ngắm cảnh. Mỗi khi nàng xúc động trước cảnh đẹp nàng lại siết nhẹ tay tôi khen nhỏ: “Đẹp quá!”
Những rặng núi cao còn lẫn trong sương mờ. Mọi cảnh vật như lúc ẩn lúc hiện. Thuyền nhẹ lướt trong không gian huyền ảo, trong cái yên tĩnh nên thơ mà không buồn tẻ, trầm mặc. Xen lẫn trong tiếng chèo khua nước, trong tiếng sóng vỗ nhẹ trên mũi thuyền, thỉnh thoảng vài tiếng chim kêu rời rạc trên không trung hay tiếng vượn hú từ trong rừng núi vang ra.
Trời sáng tỏ dần. Những ngọn núi mầu xám đậm đã chuyển sang mầu xám nhạt. Mầu xanh tươi mát của cây rừng cũng dần hiện ra. Và cũng chẳng bao lâu sau, ánh sáng ban mai đã lần lần ló dạng làm cảnh vật trở nên lung linh trong vùng nước ruộng chiêm mênh mông. Từ những rừng cây chung quanh, xào xạc với những đàn vạc trắng tung cánh bay đi kiếm ăn. Lác đác ở đây đó vài ốc đảo nhỏ với những cây si cổ thụ mọc chen chúc nhau. Hàng trăm rễ phụ mọc chằng chịt, cành lá phủ che một khoảng mặt đất khá rộng. Có những cành đưa ra xa khỏi ốc đảo soi mình xuống mặt nước gợn sóng lăn tăn thơ mộng.
Thuyền có khi đi sát vào chân núi để chúng tôi nhận ra những khoảng chân núi bị xoi mòn, những hang nhỏ ăn sâu vào trong vách núi hay những chỏm đá nhô ra với muôn hình thể, đẹp đẽ đến trở nên kỳ diệu dưới bàn tay tạo hóa. Những hiện tượng trên đã chứng tỏ vùng đất này đã một thời bị ngập trong biển cả hàng nhiều ngàn năm. Rồi mực nước biển rút xuống thấp như ngày nay để còn lưu lại khu đồng chiêm, với con sông Ngô Đồng uốn khúc. Khi nước biển rút đi như thế, người ta ví vùng núi non trùng điệp này như một “vịnh Hạ Long trên cạn”. Một thắng cảnh thiên nhiên kỳ thú, có một không hai, không phải chỉ của riêng Hoa Lư, mà là của cả tỉnh Ninh Bình, của cả đất nước ta.
Đàn vịt bơi lờ lững, nhàn tản bên nhau. Có khi chúng bơi băng qua trước mũi thuyền mà vẫn thanh thản như bơi ở chỗ không người. Thỉnh thoảng vang lên vài ba tiếng “cạp! cạp!” như để gọi nhau, rồi chúng lại nhởn nhơ bơi lội. Cụ Từ cho biết những đàn vịt này được những gia đình sống quanh đây nuôi để lấy trứng.
Hai bên dòng sông Ngô Đồng là đồng lúa chiêm mênh mông, len lỏi cả vào vùng chân núi chung quanh. “Cỏ nước” chồi cao bên hai bờ sông, và cũng nhờ đó mà chúng tôi mới phân biệt được ranh giới của dòng sông, dù là ranh giới ấy cũng thật mơ hồ. Có những vách núi đá với những đường cắt ngang dọc khá đều đặn. Nó mang hình ảnh ngôi đền hay tháp khổng lồ được xây dựng bởi những khối đá lớn vuông vức chồng chất ngay ngắn lên nhau. Và nó cũng làm tôi liên tưởng tới khu đền Đế Thiên Đế Thích bên xứ Cao Miên mà tôi được học. Cụ Từ cũng cho biết là vào mùa lúa chín, cả khu vực này trở nên rực rỡ trong mầu vàng óng ả như những tấm lụa vàng bồng bềnh theo từng cơn gió.
Hang Cả đã thấp thoáng hiện ra xa xa. Tôi có cảm tường là hang thấp quá, thuyền của chúng tôi khó mà qua lọt. Nhưng khi tới gần thì tôi thấy miệng hang cũng không đến nỗi thấp lắm như tôi tưởng. Thuyền vào bên trong, ánh sáng trở nên tối hơn. Chúng tôi vẫn phải cúi khom người xuống vì cảm giác sợ đụng đầu vào những thạch nhũ từ trên nóc hang rũ xuống. Thuyền đi từ từ, tiếng mái chèo khua nước lẫn với tiếng tý tách của những giọt nước nhỏ xuống mặt sông. Bóng mờ tối và những giọt nước mát lạnh rơi vào người Thi làm nàng cứ bám chặt lấy cánh tay tôi như muốn đu lên. Tôi biết Thi chưa quen với sự âm u và ẩm thấp này.
Khi thuyền ra gần tới cửa hang bên kia thì một khoảng ánh sáng hắt vào làm chúng tôi nhận rõ những nét đẹp của thạch nhũ hơn. Những tia nắng mhẹ ban mai phản chiếu từ mặt nước sông, loang loáng hắt lên nóc cửa hang tạo thành những mảng “hoa nắng” lung linh. Trước cảnh đẹp thiên nhiên, tôi và Thi cùng tay trong tay, nhìn nhau mỉm cười trong niềm hạnh phúc vô biên. Không gian lại chợt mở rộng ra.
Qua hang Cả, thuyền chúng tôi lại tiếp tục lướt nhẹ trên sông Ngô Đồng để đến hang Hai. Cảnh vật chung quanh, cũng với núi, với sông với cảnh thiên nhiên hoang dã, nhưng không phải vì thế mà nó trở nên buồn tẻ. Chúng tôi vẫn được hưởng những cảnh đẹp làm mê mẩn lòng người vì sự thay đổi cảnh trí liên tục của chúng. Dòng sông Ngô Đồng uốn khúc, lúc thẳng lúc cong, lúc thu nhỏ lại, lúc lại nở phình ra, bao quanh bởi nhửng dẫy núi lúc gần, lúc xa, lúc sát gần ngay bên cạnh. Đôi khi, chúng tôi phải giật mình vì đàn chim trắng thấy tiếng động vội bay vụt lên từ những cây cổ thụ gần bên.
Dăm ba nhóm ngư dân, đàn ông có, đàn bà cũng có, thả lưới bắt cá trên cánh đồng chiêm. Bên cạnh mỗi nhóm là chiếc thuyền nan nho nhỏ. Vùng này có nhiều cá rô sống trong đồng và trong những hốc đá.
Chúng tôi đã tới hang Hai, hang này chỉ dài bằng nửa hang Cả nên cũng ít tối hơn. Thi đã quen với khung cảnh trong hang nên không còn ôm chặt cứng lấy cánh tay tôi như trước nữa. Tôi nhẹ vuốt tóc Thi nói nhỏ:
- Cảnh đẹp quá em nhỉ!
Tôi và Thi ngồi bên nhau. Tuy không nói với nhau nhiều, nhưng cả hai chúng tôi đều hiểu sự im lặng ấy là để cùng tận hưởng trọn vẹn cảnh đẹp và những niềm vui hạnh phúc trong lòng. Đôi lúc, tôi siết nhẹ bàn tay nhỏ bé, mềm mại và ấm áp của Thi. Cái siết nhẹ ấy đã nói lên tất cả, hơn cả những lời yêu thương nhất mà tôi muốn nói với nàng. Tôi biết Thi cũng hiểu như thế. Nàng thường đáp lại tôi bằng một nụ cười rất nhẹ, nhẹ nhàng trong sự e ấp dịu dàng, trong ánh mắt dạt dào yêu thương.
Ra khỏi hang Hai, tôi cao hứng khẽ hát đủ để Thi nghe:
Anh còn son, em cũng còn son! Anh về thưa với mẹ cha để đôi ta được làm con một nhà. . . Để đôi ta được làm con một nhà. . .
Thi biết tôi trêu nàng nên cứ ngoảnh mặt đi chỗ khác mỉm cười. Không ngờ dù tôi chỉ hát đủ nhỏ cho Thi nghe thôi nhưng mọi người trong thuyền cũng đều nghe thấy cả. Uyên quay lại nhìn tôi và Thi, cười nói:
- Anh hát hay quá! Hai người đang du dương quá nhỉ!
Cô lái đò ngồi phía sau tôi cũng lên tiếng:
- Anh hát thêm nữa đi! Anh hát hay quá! Tôi quay lại nhìn cô lái đò:
- Không dám nhận lời khen của cô. Cô Phấn hát cho chúng tôi nghe đi!
Không đợi tôi mời lần thứ hai, cô đề nghị:
- Để em hát tặng anh chị bài hát quê mùa này nhé. Em hát bài dân ca điệu “cò lả”. Vùng này có nhiều cò trắng lắm.
Nói xong cô cất tiếng hát.
Con cò cò bay lả lả bay la.
Bay từ từ cửa phủ,
bay ra là ra cánh đồng.
Tình tính tang là tang tính tình.
Anh chàng rằng ới anh chàng ơi,
rằng có biết là biết hay không?
Rằng có nhớ là nhớ hay không? . . . . .
Rằng có nhớ là nhớ em chăng?
Xin mời nghe bài hát Cò Lả.
Giọng cô thật trong trẻo làm sao. Tiếng hát của cô vang xa, vang trong vách núi, vang trong không gian tĩnh mịch, lẫn trong tiếng nước vỗ mạn thuyền cùng với tiếng chèo khua nước, hòa quyện với cảnh thiên nhiên thơ mộng của buổi sớm mai. Tiếng hát ấy trở nên như vừa quyến rũ, vừa mầu nhiệm làm ngơ ngẩn lòng người. Lời hát chỉ mộc mạc thế thôi, như tiếng nói của đời thường, nhưng sao nó vẫn tình tứ và đi sâu vào lòng người đến thế. Cái hay của dân ca có lẽ là ở từ chỗ ấy chăng, để nó sống mãi trong cái đậm đà văn hóa dân tộc đã tự bao đời.
Cô vừa hát xong, chúng tôi vỗ tay tán thưởng. Mọi người bên thuyền của Hội đi sát phía sau cũng góp tiếng vỗ tay khen làm cô lái đò phải cúi rạp người xuống cám ơn đôi lần và cô tỏ ra sung sướng, hớn hở với những tràng pháo tay rất nhiệt tình dành cho cô.
Thuyền lại tiếp tục qua hang Ba. Hang này thấp hơn hai hang trước nên chúng tôi phải rạp cúi đầu xuống nhiều hơn. Thật ra thì trần hang cũng đủ cao để chúng tôi không cần phải làm như thế. Chúng tôi cúi xuống âu cũng chỉ là phản ứng tự nhiên gây ra bởi cái cảm giác thâm thấp của trần hang.
Thuyền chúng tôi vừa qua khỏi hang Ba, đi thêm một quãng ngắn nữa thì cụ Từ đề nghị “đổ bến” lên một khoảnh đất cao, có ngôi hàng nước nho nhỏ ở đó. Chúng tôi theo cụ lên bờ. Hai cô lái đò cũng cột thuyền rồi cùng bước lên theo sau. Cảnh trí ở đây thật yên tĩnh làm sao. Cánh đồng chiêm như mở rộng ra hơn ở trước mặt chúng tôi. Tôi hơi ngạc nhiên vì ở nơi vắng vẻ này sao lại có cái quán nước nho nhỏ như thế. Bán cho ai nhỉ?
Chúng tôi tạm ngồi uống bát chè nóng và ăn vài ba chiếc kẹo vừng. Hai cô lái đò, vừa uống nước vừa ăn kẹo do chúng tôi mời, vừa nhìn Mơ ra vẻ ngạc nhiên vì cách ăn mặc của cô không giống ai trong bọn. Mơ bước tới nói chuyện. Chẳng mấy câu xã giao qua lại, cả ba đã có vẻ thân thiện và cởi mở với nhau lắm.
Sau khi mọi người đã cạn bát nước chè xanh, cụ Từ gọi chúng tôi tới gần rồi nói:
- Đây là khu Tam Cốc, hay còn gọi là khu “ba hang” mà chúng ta vừa đi qua. Nay chúng ta sẽ nhờ hai cô đưa chúng ta đi thăm đền Thái Vi trong khu vực này. Sau đó chúng ta vào thăm chùa Bích Động nhé.
Cụ quay lại hỏi hai cô lái đò:
- Hai cô còn có thì giờ và nhớ đường để đưa chúng tôi tới thăm đền Thái Vi chứ?
Hai cô chèo đò vui vẻ đáp:
- Thưa nhớ ạ! Chúng cháu sinh đẻ ở đây mà!
Cụ Từ ra lệnh:
- Thế thì tốt quá! Chúng ta lên đường đi cho kịp sáng nay. Ta sẽ còn phải đi vài nơi nữa vào chiều nay.
Chúng tôi theo chân cụ xuống thuyền hướng về đền Thái Vi.
* * *