Trở về trang chính

TẠP GHI

Mùa Thu Cuộc Đời

Cao Đắc Vinh

Phóng tác theo lá thư của người bạn cũ từ Paris

Anh yêu dấu,

Lâu lắm rồi không gặp lại nhưng vẫn nhớ anh.

Nhớ để lòng mà không viết thư... vì tuổi già thấy thời gian qua nhanh! Dạo này chậm chạp, không còn năng nổ như xưa nên em thúc thủ chẳng còn ôm đồm được nhiều việc. Buổi sáng vừa thức dậy với ánh nắng bình minh, trang điểm qua loa rồi thu dọn công việc nhà, quanh quẩn đã đến bữa cơm chiều rồi đi ngủ sớm.

Paris đang vào thu, chỉ mấy hôm thôi mà lá trên cây ngả hết sang mầu vàng. Vườn Luxembourg mùa này có những pho tượng trắng lặng yên nhìn lá rụng chung quanh. Tội nghiệp quá vì phải đứng khỏa thân suốt ngày trong tiết thu giá lạnh! Mặt trời thường dậy trễ, có khi ngủ quên nên coi như nắng nóng mùa hè đã qua. Từ sáng đến chiều, thành phố một mầu xám, lúc nào cũng mơ màng trong sương khói. Dân Parisien bắt đầu mang áo len ra mặc cùng với khăn quàng cổ để tránh cảm lạnh. Chắc anh chẳng còn hình dung nổi trời mùa thu Paris ảm đạm như thế nào vì xa cách đã lâu? Nhớ lại khi xưa đã nói với anh, trong năm có hai mùa mà em thích nhất là xuân và thu, anh còn nhớ không?

Em vẫn thế... Anh ơi! Tuy bề ngoài có thay đổi nhưng tình cảm bên trong vẫn là cô em gái anh ngày xưa. Đôi khi ngồi một mình, em nhớ lại quãng đời đã qua từ khi biết yêu lần đầu đến bây giờ lên chức bà ngoại... Em kể anh nghe chuyện bốn mùa trong năm so với hai mùa trong đời người con gái, anh xem có đúng không?

Hai thời điểm nhiều hiện tượng nhất của người phụ nữ tựa như dấu ấn trên đường đời... Theo em, đó là mùa xuân vào đời và tuổi già vào thu. Mùa xuân của tuổi trẻ lúc nào cũng linh hoạt, yêu đương chan hòa để hương đồng hoa nở ngập chân trời; chợt đến lúc tuổi vào thu thì cuộc sống trở nên tĩnh lặng trước cảnh “lá rụng về cội” của một ngày mai không xa. Từ xưa, con người chỉ mong mỏi chờ đợi mùa xuân và lạnh lùng nhìn thu đi không chút lưu luyến nhưng riêng em nhận thấy: “Có phải giữa cảnh thu cô liêu ấy, luôn luôn chất chứa hương xuân muộn màng mà người đời vô tình hay cố tình thờ ơ?”

Người con gái lúc còn trẻ ví như hoa xuân. Hoa đẹp nên dễ cảm lòng người giống chân dung cô thiếu nữ tuổi xuân thì. Em không nhớ hết tên của những chàng trai theo đuổi dạo đó vì nhiều lắm... nhưng rồi cũng chỉ chọn và sống với một người như anh thấy! Cuộc đời làm vợ, chăn gối với một người dù gian nan bất hạnh hay sung sướng hạnh phúc, tất cả cũng đều quy vào cái mối duyên nợ đồng lần.

Đến tháng mười là gần cuối năm, mùa thu đang về trong cảnh vật u buồn... Lá đổi mầu vàng rồi la đà lìa cành chẳng khác gì hình bóng an phận của người đàn bà lúc tuổi vào thu và em cũng chẳng nghĩ rằng dịch vụ thẩm mỹ là một giải pháp níu kéo thời gian hữu hiệu. Luật vô thường của tạo hóa, thay xác đổi hình là định đề chung cho cả con người và thiên nhiên nhưng tiếc thay trên thế gian ít có kẻ cảm nhận được vẻ đẹp nâu sòng... thiền tịch của mùa thu.

Thu đang về nên đường phố ngập lá vàng. Đi trong vườn Luxembourg, mỗi bước chân đi, đạp trên lá khô... xào xạc nghe như tiếng mưa rơi! Những cặp tình nhân không còn ngồi ôm nhau trên ghế đá mà hẹn hò trong các quán cà phê sưởi ấm. Hình ảnh công viên với hàng cây trơ trụi, lá lìa cành lướt trên vai những pho tượng. Anh ơi! Hình như tình yêu con người ta cũng thế! Họ hoàn toàn vô cảm và bất động trước cảnh thu cho nên thường mang tâm trạng chán nản đi tìm mùa xuân ở nơi khác. Thỉnh thoảng nghe tin có người bạn cũ ly dị vợ, trở về quê hương cưới cô gái trẻ mà thấy buồn cho tình đời anh ạ!

Tóm lại, nghe em kể chuyện chắc anh cũng đồng ý về nét đẹp diễm lệ của mùa thu. Nó không rực rỡ như lúc xuân về! Cái đẹp kín đáo phải để tâm vào mới thấy... trầm lắng, thơ thẩn như nai vàng ngơ ngác đạp trên lá khô, như trái chín trên cây nứt lớp vỏ bọc ngoài, như lúa chín trên đồng nở rộ giữa mùa gặt ngạt ngào hương quê... Người nghệ sĩ thường cảm nhận mùa thu dễ dàng là vì thế phải không anh?

Nói đến tình yêu thì bao la vô cùng. Chuyện của ai cũng duy nhất, cũng đẹp và thơ mộng ở thuở ban đầu nhưng khi bước vào mùa thu cuộc đời mà trái tim vẫn tha thiết rộn ràng với tình yêu ấy thì mới thật là điều đáng kể! Lúc đó, không nhất thiết họ còn nhìn vẻ đẹp người tình trăm năm qua đôi mắt mà tất cả đều phát ra từ tiếng đập của con tim... Âm thanh này tựa như hơi thở sẽ theo họ đến giây phút lưu luyến cuối cùng để cùng sống, cùng chết và cùng mãn nguyện khi lìa trần. Người ấy quả thật may mắn... anh đồng ý không?

Đời người con gái cũng trải qua bốn mùa. Xuân là tuổi dậy thì, hè yêu đương đến thu thì trời đã chiều và khi đông về, mọi vật cô đọng để sửa soạn giã từ trong chuyến đi một chiều và lẽ dĩ nhiên, anh sẽ không bao giờ còn nhận được thư em nữa!

Anh ơi! Tất cả đều âm thầm trôi nhanh và mùa xuân con gái luôn luôn vội vàng... Vội vàng quá đến nỗi em cứ ngỡ mọi dư âm của dòng đời vừa qua mang ít nhiều xao xuyến lỡ làng anh ạ! Không nói nhưng chắc anh cũng biết: Em đang thấy những tàn phai trong mùa thu đời mình...

Cuối thư, chúc anh một ngày vui vì... không vui cũng mất một ngày và nguyện cầu anh sẽ là: “người đàn ông may mắn” trong câu chuyện em vừa kể!

Em của anh,

Cao Đắc Vinh

* * *

Hà Nội Những Ngày Cuối Thu

Tôi xa Hà Nội năm lên bẩy.

Cái tuổi vừa chớm biết yêu thiên nhiên bốn mùa!

Căn nhà tôi ở khi xưa nằm trên phố Hàng Đào. Con đường này là thiên đàng tuổi thơ, mỗi ngày tôi thức dậy chờ mẹ gọi quà sáng của những bà bán hàng rong rồi thập thò trước cửa nhìn khách bộ hành qua lại. Nhiều lần lòng tôi thôi thúc... tò mò muốn đi về chốn trai thanh nữ tú có trời xanh mây trắng và mầu nước cẩm thạch Hồ Gươm! Thuở ấy, vừa bước ra cổng là đã ngại ngùng, nơi nào cũng xa xôi dù nhà chỉ cách hồ khoảng trăm thước; mỗi khi trốn mẹ một mình thơ thẩn tạt qua hồ Hoàn Kiếm, bao giờ tôi cũng lo âu như chuyến phiêu lưu dài đầy bất trắc.

Mùa đông đến, tôi vui được khoác chiếc áo len mẹ đan, cảm thấy thi vị từ cái ấm áp lãng mạn tuổi đầu đời và thích đi phố để cơn gió lạnh biến làn hơi thành làn khói cuốn dài theo từng bước chân đi... Thế nhưng mùa thu vẫn là mùa quyến rũ nhất vì lòng tôi xôn xao như trò chuyện, tỏ được nỗi niềm riêng của mình với không gian bàng bạc đó! Xa Hà Nội chính là xa cả mùa thu mỗi năm trở lại vào độ tháng mười! Khi yêu mà thất tình thì đối tượng trở thành thiên thu và mong chờ mòn mỏi. Thu trong tôi cũng thế! Niềm hoài cảm ấy khôn nguôi...

Thế rồi tôi lớn lên ở miền Nam, giản dị có hai mùa mưa nắng nhưng mùa thu Hà Nội vẫn mãi vây quanh mỗi khi trời trở gió hay thời tiết lạnh lẽo bất thường. Sau này, buồn nghe những bản nhạc như “Nhớ mùa thu Hà Nội” của Trịnh Công Sơn hay “Hà Nội ngày tháng cũ” mà nhạc sĩ Song Ngọc tưởng tượng sáng tác lên, tôi biết cảnh thu mưa phùn gió bấc Hà Nội vẫn âm thầm đi bên cạnh cuộc đời và hơn bao giờ hết, tôi mong có ngày được trở về để nghe thu vàng thổn thức giống như lời ca quyến rũ trong âm nhạc.

Yêu là biết đợi chờ rồi cố gắng chờ đợi để thu xếp công việc... Cuối cùng thì tôi cũng đến phi trường Nội Bài giữa tháng 11 năm nay. Chẳng may những cây hoa sữa đã tàn bông vì nơi đây đang độ cuối thu, cành lá còn sum sê mà hương thơm đầu mùa đã tan hết. Biết mình gần như lỡ hẹn với “nàng thu” nhưng muộn vẫn còn hơn không vì trải qua thời gian dài mong đợi nên lòng nhủ lòng, sẵn sàng chấp nhận mọi hoàn cảnh... và như thế, tôi hân hoan sống giữa thành phố cổ vào những ngày cuối thu.

Nhìn mùa thu đi, lòng người ngẫu nhiên trùng thấp vì cảnh vật khắp nơi sẵn một mầu xám tro nhọc nhằn. Hơn nữa, ở thời điểm giao mùa Thu Đông, Hà Nội khô cằn xác xơ vì là “mùa vắng những cơn mưa” nên cây cỏ hai bên đường kể cả gốc bàng lá đỏ và cây hoa sữa trắng, lá đổi mầu vàng nâu trên cành chưa kịp rơi đều phủ một lớp áo ngoài mầu đất bụi tang thương.

Hà Nội ví như cô gái quê ở ngay trung tâm là phố cổ với bờ hồ và cầu Thê Húc mầu huyết dụ... Gái quê lam lũ, khói xe bụi bậm, quên tắm rửa vì trời không mưa nhiều ngày qua thì còn đâu vẻ đẹp quyến rũ của hương đồng cỏ nội? Xe cộ như nước chẩy, nhiều phố trải đất nâu không tráng nhựa nên bụi bay trong không gian mịt mờ.

Khắp nẻo đường trong thành phố, hai vỉa hè đều có những hàng quán. Khách bộ hành chỉ còn biết chọn lựa, hoặc lách qua mặt những thực khách đang gục đầu vào tô bún ăn uống hay là bước xuống lòng đường mà đi! Cái nào cũng khổ vì xe pháo như mắc cửi, tai nạn dễ dàng xẩy ra chẳng thấy lúc nào yên ổn.

Cô gái quê đã bẩn lại còn luộm thuộm, rác rưởi vứt khắp nơi theo tiện nghi và nước dơ với đồ ăn đổ ra đường, may thì mới có quán ăn ở ngay gần miệng cống! Tôi tự hỏi từng đó hàng ăn gánh thêm vào buôn bán trên lề đường nhưng cầu vệ sinh, vòi nước sạch không thêm một cái nào! Thế thì cô gái quê Hà Nội giải quyết ra sao? Hình như nghe có tiếng ai hát vọng ra từ căn nhà nhỏ: “Sẽ có một ngày từng con đường nhỏ trả lời cho tôi...

Vấn đề di chuyển ở Hà Nội chắc chắn phải là một vấn đề cấp bách. Giữa đô thị, tâm hồn du khách không còn thảnh thơi để tận hưởng âm điệu thanh vắng và vẻ đẹp nếu có của mùa thu nữa cho dù là vào lúc cuối mùa... Tất cả vang lên tiếng còi xe hơi, kèn xe máy, xe đạp, xích lô... chen lẫn lời bực dọc của khách bộ hành giữa quang cảnh khói xe ô nhiễm nhưng hai bên lề, hàng quán vẫn tấp nập, người ta ăn uống với cả bụi đưòng và ngồi nghỉ ngơi hít thở không khí thải ra từ đủ loại động cơ cộng thêm với khói thuốc lá! Cái lãng mạn không thiết thực trong bài hát “Hà Nội mùa vắng những cơn mưa” chỉ còn là hình ảnh mỹ miều trong thơ văn. “Quán cóc nào liêu xiêu một câu thơ” khi mà lề đường chật ních hàng quán ăn... tự hỏi làm sao “chầm chậm bước ta về”?

Lên xe, dạo xem cho biết sự tình, vừa đi vừa chụp ảnh bất ngờ chụp cả chàng thanh niên Hà Nội, dáng dấp bảnh bao đang đứng phun vòi nước của mình ngay thanh thiên bạch nhật. Còn đâu tác phong và hình ảnh êm đềm những ngày cuối thu? Quán nhậu đông đúc kẻ ra người vào, vỏ bia ngổn ngang giữa tiếng cười nói ngả nghiêng. Cùng lúc đó, những cô gái trẻ từ quê lên tỉnh đi bán rong, một tay ôm thúng, một tay xách con thơ mời chào. Những đứa trẻ cũng sớm ra đời tranh đua, tuổi thơ đáng lẽ phải đến trường thì lang thang bán vé số và tôi thấy cả vợ chồng người ăn mày, đi hát dạo kiếm cơm trong khung cảnh xã hội ấy.

Tôi yêu Hà Nội bao nhiêu cũng không thể ngậm ngùi khi nhìn thấy một nhóm người ngồi trên vỉa hè quanh tấm vải nylon trải dưới đất, họ buôn bán, cắt phần một con vật vừa mới làm thịt, máu me còn vương vãi với cả bộ lòng, tim, gan, phổi… Rồi lát nữa đây, thịt con vật ấy sẽ đi khắp phố phường, cũng lại bầy bán lẻ tênh hênh trên lề đường không một miếng vải che.

Sự kiện này làm tôi liên tưởng đến con nai ngơ ngác giữa trời thu, bao lâu nay sống hồn nhiên bên cạnh hồn thơ của tôi... nay vô tình đã chết! Người ta đã làm thịt nó... Còn đâu hình ảnh thơ ngây tuyệt vời khi nai vàng đạp trên lá khô làm hồn ta ngây ngất vào mỗi độ thu về? Hình ảnh đời thường chết chóc này đáng lẽ phải đặt phía sau cửa hàng, bây giờ không hiểu có thể vì quá đông đúc mà phải trải cả ra mặt đường? Hẹn mai đây, cũng những còn đường nhỏ vô tri giác ấy sẽ “trả lời cho tôi”?

Tôi đi trong nắng thu, dù vào lúc cuối mùa nhưng vẫn ấm áp, ánh sáng dọi qua khu phố cổ những tia nắng lung linh. Phố cổ thì dĩ nhiên phải cũ nhưng cũ không phải là rách nát. Có nhiều căn nhà bề ngoài chắp vá mảnh tôn, tấm thiếc hay tầng gác xiêu vẹo đóng thêm vài ba miếng gỗ ọp ẹp cần tu sửa. Hà Nội nghìn năm Thăng Long nếu muốn giữ mãi được vẻ đẹp cổ kính khi xưa dù bóng thời gian có tàn phai thì tất cả khu phố này phải được chăm sóc bảo trì theo chu kỳ, trồng nhiều cây để khi mùa thu về, lá đổi mầu tạo nên cảnh đẹp và nhất là thảo chương trình di dân vì khắp nơi mật độ dân cư đã quá đông. Tài xế taxi tôi gặp, 8/10 ở tỉnh lên Hà Nội làm việc, hỏi sao Hà Nội không mất đi cái hồn thanh tịnh êm đềm thuở xưa? Thỉnh thoảng một đoàn xe xích lô chở du khách đi quanh phố cổ, nệm và yên xe bọc mầu đỏ chói, sặc sỡ đến đối nghịch với nét cổ kính của cả khu phố lịch sử này.

Tản mạn đến cầu Thê Húc, tôi thấy khách thập phương viếng thăm rất đông nhưng phó nhòm nhiều hơn số cầu nên đa số đều hút thuốc đứng chờ. Bước qua cầu Thê Húc, ai cũng thấy một con cá chép to, nằm ngửa trên mặt hồ, du khách nhìn nó rồi chỉ chỏ than thở nhưng người mình thì chẳng ai bận tâm đến cái xác ươn thối đó! Tiếc thay, ở nơi thanh lịch này có những chi tiết nhỏ thiếu sót chỉ vì dễ dãi hay lười biếng mà làm mất đi cái đẹp của toàn thể.

Tản bộ về lại khách sạn ở đường Nguyễn Hữu Huân, đang suy tư với nỗi buồn khi nhìn mùa thu đi qua thành phố Hà Nội hôm nay... Bất chợt, tôi giật mình khi nghe tiếng sẹt bập bùng tí tách trên đầu, nhiều tia sáng tóe lửa từ trên cao rớt xuống lề đường! Thoáng vài giây, tôi nghĩ dây điện ở cột đèn chạm nổ nhưng khi ngó lên thì mới hiểu, chủ nhà của căn lầu năm tầng đang hàn sì cái lan can sân thượng. Ngậm ngùi với “tiếng thu” Hà Nội tân thời ấy và nếu chẳng may, sắt và lửa có rớt trúng đầu khách bộ hành nào qua lại thì có lẽ cũng chẳng phải là chuyện lớn đáng quan tâm? Nơi đây, con người đã quen làm việc một cách vô trách nhiệm, xuề xòa dễ dãi! May cho tôi vì tai nạn đã không xẩy ra …

Đến đây, biết rõ mùa thu Hà Nội mới, tôi đi về để hết mơ tưởng nhưng chẳng hiểu sao vẫn hy vọng Hà Nội sẽ được quản trị đứng đắn hơn với một ông thị trưởng tài ba liêm chính trong tương lai vì cũng yêu mùa thu Hà Nội như tôi.

Giấc mơ mùa thu Hà Nội êm đềm của thằng bé khi xưa vô tình đã trở thành cơn ác mộng! Phải chăng con người chẳng bao giờ nên tìm lại những ân tình một thời đã mất? Tôi tự hỏi nếu trước ngày về đây, tựa đề của hai bài hát vừa kể ở trên được đúc kết lại thành một ý khi viết về mùa thu Hà Nội chẳng hạn như “Nhớ mùa thu Hà Nội... ngày tháng cũ” thì có lẽ tôi không bị thất vọng và ngỡ ngàng như bây giờ!

Hà Nội đang sửa soạn đón cái rét đầu đông. Đường Cổ Ngư hay Tràng Thi nơi có những cây hoa sữa mang mầu bụi trần ở rất xa nơi này thế mà tôi vẫn ngửi thấy mùi hoa ấy thoang thoảng quanh đây... Giã từ mùa thu Hà Nội, tôi đang đi đến ga Hàng Cỏ lấy chuyến tầu tốc hành xuôi Nam và không hẹn ngày về...

Cao Đắc Vinh (11/11)

Trở về đầu trang