Trở về trang chính

Lên Chùa Nhớ Mẹ

Sương Lam

Đây là bài thứ hai trăm ba mươi sáu (236) của người viết về chủ đề Thiền Nhàn trong khu vườn Một Cõi Thiền Nhàn của trang văn nghệ Oregon Thời Báo. Ngày xưa và ngay cả bây giờ vẫn còn nhiều người thích nghe hát bàì hát "Bà Mẹ Quê" của Phạm Duy, trong đó có người viết, vì đầy tình tự dân tộc nói lên tình cảm thương yêu đáng quý của các bà mẹ Việt Nam.

“Vườn rau, vườn rau xanh ngắt một mầu
Có đàn, có đàn gà con nương náu
Mẹ quê, mẹ quê vất vất vả trăm chiều
Nuôi đàn, nuôi một đàn con chắt chiu
Bà bà mẹ quê !
Gà gáy trên đầu ngọn tre
Bà bà mẹ quê !
Chợ sớm đi chưa thấy về
Chờ nụ cười con, và đồng quà ngon ”

Những bà mẹ quê Việt Nam hiền lành, chân chất đó vất vả trăm chiều chỉ biết yêu thương chồng con mà thôi. Hết thương con rồi lại thương cháu, suốt cuộc đời những bà mẹ Việt Nam đã hy sinh, lo lắng từ miếng ăn giấc ngủ cho những người thân yêu trong gia đình mình, khi gia đình hoặc tổ quốc trải qua bao lúc hưng thịnh hay suy vong.

Trong văn chương nghệ thuật và trong đờì sống thực tế hình như chúng ta thương Mẹ nhiều hơn. Chúng ta đã đọc, đã nghe, đã xem nhiều tác phẩm ca tụng công ơn và bày tỏ sự quý yêu Mẹ nhiều hơn là Cha. Có thể là vì mẹ gần gủi, bao dung, dịu dàng, hy sinh chăm sóc con cái nhiều hơn người cha lúc nào cũng nghiêm khắc, lạnh lùng, không biểu lộ tình cảm thương yêu con cái nhiều bằng người mẹ hay chăng? Nhất là trong thời gian chiến tranh, người cha là những chiến sĩ can trường phải rờì bỏ gia đình xông pha nơi trân mạc để bảo vệ đất nước hay phải sống khổ cực trong các trại học tập cải tạo cho nên đàn con chỉ biết trông cậy vào sự bảo bọc, vào đôi tay yếu gầy đầy tình yêu thương của người mẹ mà thôi:

Có lẻ vì thế mà Ngày Của Mẹ được con cháu chú ý, tổ chức long trọng hơn là Ngày Của Cha. Và trong ngày Lễ Vu Lan, chúng ta nhớ đến Mẹ nhiều hơn Cha là thế chăng?

Mẹ của chúng tôi tuy không phải là bà mẹ quê như trong bài hát của Phạm Duy nói trên nhưng mẹ tôi cũng đã vất vả trăm chiều để nuôi đàn con khôn lớn.

Mẹ tôi không phải là người học rộng tài cao nên không truyền đạt lại cho tôi những tinh hoa văn học nhưng tôi đã học ở mẹ tôi đức tính nhẫn nại, hy sinh, lòng thương người và vật của bà.

Trong những lúc gia đình tôi gặp hoàn cảnh khốn khổ nhất, chính Mẹ tôi là người là người chịu thương chịu khó “thân cò lặn lội bờ ao” tìm cách mưu sinh cho cả gia đình chúng tôi mà không một lời than thở.

Mẹ tôi cũng đã nhịn ăn nhịn mặc tìm đường cho con cái vượt biên đi tìm tự do và đi thăm nuôi chồng con nơi chốn lao tù sau cuộc đổi đời. Bao nhiêu gánh nặng gia đình chồng chất trên đôi vai gầy của mẹ tôi.

Hình như người phụ nữ Việt Nam, nhất là phụ nữ các thế hệ trước đa số chỉ biết thương chồng, hy sinh cho con mà thôi. Xin mời quý bạn đọc những mẫu chuyện ngắn dưới đây. Rất đơn sơ, rất giản dị nhưng đã nói lên tình thương yêu của Mẹ dành cho con như thế nào:

Cua rang muối

Khi xưa nhà còn nghèo, mẹ hay mua cua đồng giả làm cua rang muối. Cua đồng cứng nhưng mẹ khéo tay chiên giòn, đủ gia vị nên thật ngon. Thấy các con tranh nhau ăn, mẹ nhường. Các con hỏi, mẹ bảo: răng yếu. Giờ, các con đã lớn, nhà khá hơn, chúng mua cua biển gạch son về rang muối mời mẹ. Các con nói vui:
- Cua rang muối thật đó mẹ.

Rồi chúng ăn rất ngon. Riêng mẹ không hề gắp. Các con hỏi, mẹ cười móm mém:
- Còn răng đâu mà ăn?!

Vòng Cẩm Thạch (Jang My)

Cha kể, cha chỉ ao ước tặng mẹ chiếc vòng cẩm thạch. Tay mẹ trắng nõn nà đeo vòng cẩm thạch rất đẹp. Mỗi khi cha định mua, mẹ cứ tìm mọi cách nói thôi, lúc mua sữa, lúc sách vở, lúc tiền trường… Đến khi tay mẹ đen sạm, nhăn nheo, mẹ vẫn chưa một lần có để đeo.

Chị em hùn tiền mua tặng mẹ một chiếc thật đẹp. Mẹ cất kỹ, thỉnh thoảng lại ngắm nghía , cười :
– Mẹ già rồi, tay nhăn nheo, chỉ nhìn thôi cũng thấy vui !

Chị em rưng rưng…
(Nguồn: sưu tầm trên internet)

Bây giờ là Mùa Vu Lan. Các chùa đang tổ chức ngày đại lễ Vu Lan để tưởng nhớ mẹ đã mất và thương yêu mẹ còn đang tại thế với nghi lễ hoa hồng cài áo. Bạn sẽ được cài một đóa hoa hồng đỏ trên áo, nếu mẹ còn sống hay đoá hoa hồng trắng, nếu mẹ đã mất.

“Một bông Hồng cho em
Một bông Hồng cho anh
Và một bông Hồng cho những ai
Cho những ai đang còn Mẹ
Đang còn Mẹ để lòng vui sướng hơn
Rủi mai này Mẹ hiền có mất đi
Như đóa hoa không mặt trời
Như trẻ thơ không nụ cười
ngỡ đời mình không lớn khôn thêm
Như bầu trời thiếu ánh sao đêm”
(Nguồn: Trích trong nhạc phẩm Bông Hồng Cái Áo của Phạm Thế Mỹ)

Riêng người viết, trong dịp lễ Vu Lan tháng Bảy, tôi nhận bông hồng màu trắng vì Mẹ tôi đã qua đời. Mỗi lần đi chùa vào dịp lễ Vu Lan là tôi lại nhớ đến ngày xưa tôi theo Mẹ đến chùa.

Xin được chia sẻ tâm tình của người viết với các bạn nhân mùa Vu Lan đến qua bài thơ dưới đây:

Lên Chùa Nhớ Mẹ

Kính tặng Mẹ tôi.
Kính tặng những ai đã mất mẹ để cùng cảm thông.

Đường dẫn đến chùa xa thật xa
Quanh co muôn nẻo cõi Ta Bà
Chiều nay gió nhẹ, mây lờ lững
Nhẹ bước tìm về dấu vết xa

Nhớ thuở Mẹ còn, mẹ dắt con
Ngày Rằm Tháng Bảy lúc trăng tròn
Đến chùa lạy Phật, Vu Lan lễ
Cúng lễ cầu siêu, đạo hiếu tròn

Thuở ấy con thơ chẳng biết gì
Lên chùa vui lắm! Cứ theo đi
Mẹ cha quỳ lạy, con quỳ lạy
Mà thật trong lòng chẳng biết chi

Phật Tổ Trên cao ngó xuống cười
Nhìn con bé bỏng tuổi xuân tươi
Cũng ngồi kính cẩn hai tay chấp
Cũng niệm Nam Mô! Phật mỉm cười!

Mẹ bảo: "Hôm nay có cúng chay
Thức ăn thức uống Lễ Rằm này
Tương rau mọi thứ đều thanh đạm
Con được ăn chay! Phước lắm thay!"

Đậu hủ canh chua, chùa nấu ngon
Món kho, bì cuốn, chả giò dòn
Thức ăn hương vị! Ôi! Ngon lạ!
Thuở bé ăn chay! Con thấy ngon

Bây giờ Mẹ đã khuất ngàn xa
An nghỉ rời xa cõi Ta Bà
Con đã lớn khôn, đầu đã bạc
Mẹ còn đâu nữa! Ôi! Xót xa!

Lên chùa con nhớ chuyện ngày qua
Dáng Mẹ thân yêu nét dịu hòa
Nhắc nhở đàn con Rằm Tháng Bảy:
"Đi chùa lễ Phật gia đình ta!"

Bông hồng cài áo! Hoa màu trắng
Nhắc nhở con đây mất Mẹ rồi
Lại đến Vu Lan, Mùa Đại Lễ
Lên chùa nhớ Mẹ thuở xa xôi!

SƯƠNG LAM

Và cũng xin mượn đoạn văn dưới đây của tác giả Nguyễn Quang Thiều để làm kết luận cho bài viết hôm nay:

“Hai bộ phim hành động Mỹ nổi tiếng mà tôi xem đi xem lại nhiều lần là Godfather American Gangster. Và trong cả hai bộ phim đầy cảnh bắn giết này có một câu chuyện luôn luôn làm tôi thực sự xúc động. Đó là tình yêu của hai ông trùm Mafia Mỹ đối với người mẹ của mình. Lòng hiếu thảo là một chiếc thước đo đạo đức có giá trị nhất. Đó cũng là phần nhân tính cuối cùng của con người mà nếu đánh mất thì con người không còn gì để nói nữa. Có lẽ vì ý nghĩa ấy mà những nhà làm phim Hollywood đã cố níu giữ lại cho xã hội một niềm tin cuối cùng về nhân tính con người. Bởi phần nhân tính này với nhiều yếu tố là phần nhân tính khó bị suy đồi nhất.
(Nguồn: Đạo Phật Ngày Nay daophatngaynay.com/vn)

Chúc các bạn một ngày vui, nhiều sức khoẻ và mọi sự an lành đến với các bạn nhé.

Người giữ vườn Một Cõi Thiền Nhàn
Sương Lam

(Hình ảnh và tài liệu sưu tầm trên internet, qua email bạn gửi - MCTN 236-OR TB số 637-73114)