Trở về trang chính

Tôi đi Úc

Hương Cao

Người bạn nhỏ nói sẽ gởi vé, mời tôi sang Úc chơi. Hình như lâu nay vì cuộc sống quá khó khăn, tôi lăn mình làm việc không nghỉ, chỉ vài dòng ngắn ngủi của người bạn nhỏ, trí tôi lần lượt hiện ra, nào Châu, nào Khanh, gia đình Khanh … những người bạn ngày xưa, một thời tôi ăn dầm ở dề tại nhà các bạn ấy.

Vì Úc quá xa nên tôi không có ý nghĩ đến đó với thời gian nghỉ quá ít ỏi của mình. Tôi tính 25 tiếng đi (cọng luôn thời gian chầu chực ở sân bay) rồi 25 tiếng về vị chi mất đi 50 tiếng, hơn 2 ngày đường so với 2 tuần nghỉ, thời gian đi ngốn quá nhiều! Đó là chưa nói đến sức chịu đựng 16-17 tiếng đồng hồ trên máy bay!!! Thế là Úc luôn được bỏ qua trong lịch trình nghỉ của tôi. Nay người bạn nhỏ gợi ý, tôi có dịp nghĩ lại những người bạn xưa và đầu chớm ý nghĩ : Tại sao mình không đi Úc 1 chuyến?

Tất cả đều do duyên. Thêm một duyên nữa đến với tôi, đó là em trai tôi báo tin sẽ đi Úc vào tháng 02-2016. Sao mình không nhân dịp này đi Úc 1 lần?

Vào hãng máy bay xem giá vé, sau đó báo tin cho em trai tôi ý định đi Úc của mình. Em nói để em lấy vé cho tôi, rẻ hơn.

Ngày nhận vé em gởi qua, giấc mộng đi Úc của tôi thành hình. Còn một năm nữa mới lên đường nhưng tôi cũng báo tin cho Châu. Châu thư cho tôi, hỏi tôi vạch chương trình ra sao? Còn những một năm nữa, biết bao vật đổi sao dời mà chương với trình. Châu nói tao nôn nóng lắm.

Vài tháng sau, em tôi gởi vé upgrade lên hạng business, nói, để tôi thấy đi đường xa mà ngồi hạng business thoải mái thế nào. Với tài chánh của tôi, mua được vé máy bay là đã may lắm rồi, mơ màng chi chuyện business với first class. Thôi thì em làm cái gì tôi nhận cái đó.

Một năm trôi qua thật nhanh. Tôi không sửa soạn, mua sắm gì cả vì nghĩ bây giờ là thời đại toàn cầu, ở đâu cũng tiệm, cũng hàng như nhau, xách khiêng lễ mễ chỉ là vác củi về rừng mà thôi, đó là lý do đi đâu tôi cũng rất gọn nhẹ.

Nói với Châu ý nghĩ đó, Châu nói, tao chỉ cần mi vác được cái thân mi qua là đủ rồi. Cám ơn Châu nhiều.

Gần ngày đi tôi mới báo tin cho Khanh vì sợ sẽ có thay đổi, có thể không đi, làm bạn chuẩn bị hụt.

Một năm qua rất nhanh. Vậy mà đã tới ngày lên đường. Dự định gọn nhẹ nhưng cuối cùng tôi cũng mang theo 1 thùng nhỏ ngoài chiếc vali và túi xách vai.

Số là em tôi và các bạn đồng môn của em sẽ ghé nhà Châu chơi, họ định rủ nhau đi tiệm nhưng vì Châu ở chỗ xa xôi hẻo lánh, cách Sydney ít nhất là 2 tiếng rưỡi …. xe lửa. Lúc ấy tôi đâu đã có chút ý niệm gì về cái xứ Sydney xa xôi kia! Huống gì là tưởng tượng thêm cái xứ Wollongong hẻo lánh! Vì vậy chỉ … xuôi theo ý trời.

Cuối cùng, các em quyết định ăn bún bò Mụ Rớt do tay đầu bếp Liên Châu nấu. Tạm ổn. Nhưng tôi lại thắc mắc, bún bò mụ rớt mà không có ớt bột đỏ thắm của xứ Calgary sao? Anh em tôi ở Mỹ luôn nhờ tôi đem ớt bột qua cho họ, rồi tới nhà bạn ở Cali, thấy bạn dùng ớt khô toàn hột, không phải loại để nấu bún bò, làm mặt bún bò (tôi chê mặt bún bò làm bằng hột điều, không phải Huế, dùng hột điều làm mặt, dưới mắt tôi ít nhất 80% … rớt)! Nên tôi có ý nghĩ vác theo 1 gói ớt bột, vậy mà khi đến Úc số lượng ớt bột tôi mang theo là 6 gói, vì nghĩ một lần đi một lần khó, số dư Châu có thể biếu bạn bè … Huế. Chỉ người Huế mới thấy quý ớt bột đỏ au, nhuyễn nhừ này.

Hành lý tôi mang theo không dừng lại ở đó. Châu viết thư nói, sẵn … qua phi trường mua cho chị Bích (chị của Châu) 1 hộp nước hoa hiệu Coco Channel. Chà, có order hiệu hẳn hoi. Tôi có nhiều nước hoa nhưng không có hiệu này, thôi thì đi mua vậy. Vì hay ghé phi trường Mỹ, vào các shop không thuế nhiều lần, nên tôi biết, riêng về nước hoa, mình mua ở ngoài rẻ hơn trong phi trường nên tôi ra tiệm mua liền 1 chai nước hoa cho chắc ăn.

Châu lại nói, sẵn đó, mi mua cho tao ít hộp kem đánh răng hiệu (lại hiệu) Aqua Fresh. Ui trời ơi, từ đây đi vạn dặm để chỉ mang theo Aqua Fresh?! Tôi đề nghị mua Pronamel, một loại kem đánh răng mới ra của Sensodyne, xem ra có vẻ khá hơn là lễ mễ tay xách nách mang … Aqua Fresh. Châu bằng lòng. Chắc phải đóng thùng rồi, vì ớt bột và nước hoa tôi có thể nhét đại vào vali, nay thêm 2 lố kem đánh răng thì vô phương. Em tôi nghe tôi phải đóng thùng nên gởi thêm 1 chai rượu. Em đã đem 2 chai, mỗi chai 1lít rưỡi, nhưng gặp bạn bè đôi khi cao hứng, 2 chai không đủ. Cái xứ Úc quá chặc chẽ, chỉ cho đưa vào 50 điếu thuốc lá!!! Và 2 lít 25 alcohol, bất cứ loại gì có alcohol, tổng cộng chỉ được 2 lít 25!!!

Thế là cái thùng nhỏ của tôi đầy dần, phải thay thùng. Nhìn thùng còn rộng, tôi bỏ vào thêm ít thứ, thấy bình đường mua ở Tevana bên cạnh, tôi nghĩ, đem cái này biếu Khanh chắc Khanh khó tìm trong tiệm ở Úc. Khi đóng thùng xong, cân thấy 13kg, hơi giật mình, nhưng không sao, hàng gởi ở Canada, nhận ở Úc chắc không có vấn đề phải khiêng lễ mễ.

May mà Châu báo cho biết Úc đang vào mùa hè, rất nóng, máy bay Air Qantas chỉ cho mang theo 2 hành lý xách tay, mỗi cái 7 kg (Air Canada cho 10kgx2=20kg) nên tôi chọn những áo quần mùa hè nhẹ nhàng cho đủ số kg xách tay họ cho phép. Biết mình được đem 2 vali và một xách tay nhỏ nhưng khi về ghé Mỹ, luộm thuộm, nên tôi quyết định càng ít hành lý càng tốt.

Một năm qua nhanh, đến giờ ra phi trường. Gởi xong hành lý, báo tin cho em vì em rất lo không biết tôi ra phi trường có suôn sẻ không. Tôi nói tôi sẽ báo tin chi tiết cho em khỏi lo.

Trước khi lên phi cơ, tôi tắt hết data trong điện thoại nên không còn liên lạc được nữa. Không sao, em tôi đã bày tôi mở viber, chỉ cần nơi nào có wifi là có thể text hay gọi điện thoại.

Đúng như em tôi từng nói, đi đường gần thì hạng business và hạng thường không chênh lệch nhiều, nên mua hạng thường mà đi. Còn đi đường xa, nếu đi hạng business sẽ thấy chênh lệch nhiều với hạng thường. Nhận xét này rất đúng. Từ Calgary đi Dallas ghế business có rộng hơn nhưng tôi thấy không khác với hạng thường mấy.

Tôi đi American airline qua Dallas chuyển máy bay. Vừa yên vị, nhân viên phục vụ tới hỏi uống gì? Uống chưa xong, họ dọn thức ăn trưa, rượu rót liên miên! Đúng là hạng business.

Ăn vừa xong, lại đưa nước, thức ăn chơi, làm mình cảm thấy đoạn đường khoảng 4 tiếng đồng hồ hơi ngắn và cái bụng no căng.

Xuống phi trường, tôi hỏi nhân viên đứng ở quầy ngay cửa ra đường đến Air Qantas, anh ta rất lịch sự, sốt sắng, mở computer, nói cho tôi số cửa của Air Qantas, chợt anh nhìn thấy 1 chiếc xe có 3 toa kéo đậu trước mặt, anh ta chỉ tôi lên xe để đi. Lớ ngớ, không nghĩ phi trường Dallas rộng vậy, tôi cứ leo lên xe, ông lái xe đưa hành lý lên xe dùm tôi rồi lái đi. Tôi có dịp du hành phi trường Dallas bằng xe kéo 3 toa.

Cám ơn trời đất, nếu tôi đi bộ, vừa đi vừa hỏi đường chắc trễ máy bay, vì tôi chỉ có 1giờ chuyển máy bay! Nhờ máy bay đến sớm ½ tiếng nên giờ chuyển phi cơ là 1 tiếng rưỡi, có vẻ rộng hơn. Chở đi một đoạn đường, anh tài xế dừng lại, đổi xe. Thấy đoạn đường đổi xe không xa, anh giúp tôi kéo hành lý đi qua thang kéo đi bộ, hết đoạn thang đi bộ, anh từ giã, chúc tôi đi chơi vui vẻ, vì anh chỉ được phép đưa đến đó. Không sao, đến phi trường Dallas rồi, không lạc đâu mà sợ.

Tôi cứ xem cửa để đi. Air Qantas cửa số 17, bảng số cửa hiện ra dài dài, tôi cứ theo đó, đi, đi hoài, đi hoài vẫn thấy bảng chỉ cửa, chà phi trường Dallas rộng quá ta! Bảng chỉ đường dừng lại ở đường xe lửa! Lại bối rối, hỏi nhân viên, họ chỉ lên xe lửa, nhìn bảng chỉ đường. Xe lửa dừng, tôi lại thấy bảng chỉ đường, tiếp tục đi, một lát nhìn hai bên thấy các quầy với số cửa hiện ra, à, mình đi đúng đường rồi. Tìm ra quầy 17, hỏi nhân viên ở đó, họ nói sắp boarding. Thở phào. May quá mình vừa kịp giờ.

Đường vào máy bay chia làm hai ngã nên thoải mái hơn. Đến cửa máy bay đã nhìn thấy các tiếp viên đứng chào đón, xem số ghế, chỉ dẫn hành khách phiá phải vào. Vào bên trong, đường đi rộng rãi, tiếp viên đứng rải 2 bên, tay bưng mâm nước uống trên có các ly champagne và nước cam xếp ngay ngắn, đẹp mắt. Chưa kịp ngồi xuống, tiếp viên đã đem khay đến hỏi chọn thứ nước uống nào. Liếc quanh, thấy hầu hết lấy ly champagne, tôi cũng chọn champagne.

Đoạn đường từ Calgary đến đây, tôi nhắp wine mệt nghỉ!!! Vì vậy khi em tôi hỏi, lên máy bay có ngủ được không? Tôi cười trả lời, với số wine tôi cho vào bao tử thì không thể làm tôi mất ngủ được, huống hồ ghế nằm rất thoải mái.

Cám ơn em, đứa em trai khi nào cũng rất chu đáo. Nhờ em tôi mới có một chuyến đi thoải mái, thích thú vì toàn điều mới lạ đến với tôi, như em vẫn thường nói suốt thời gian 1 năm, từ khi mua vé rằng, đi business class đường xa một lần cho biết, để hưởng thụ những giây phút thoải mái, quên đi những vất vả trải qua trong đời.

Cất hành lý vào khoang, thoải mái ngồi xuống ghế, nhắp ly champagne, thấy lâng lâng nhẹ nhỏm vì biết chắc chắn mình sẽ tới Úc. Máy bay không có wifi nên tôi không báo tin cho em được để em biết là tôi không trễ tàu. Chỉ 1giờ đổi máy bay, hơi căng với 1 phi trường rộng như Dallas. Nay thì êm rồi.

Ghế ngồi thật thoải mái, không biết là ly rượu thứ mấy từ khi bước lên máy bay đã đưa tôi chìm vào giấc ngủ.

Thức dậy, máy bay đã cất cánh, tiếp viên tới lấy tờ giấy order ăn sáng và ghi thức ăn tối. Lại hỏi uống gì? Ăn thêm gì? Đến lúc này tôi ngộp thở vì thức ăn và nước uống nên lắc đầu, lấy sách ra đọc để quên đường còn xa, 16 tiếng rưỡi không phải ít!!!

Một lát sau, nhân viên phục vụ tới mời đứng dậy, trải ra vào ghế, sau đó hỏi muốn uống gì trong buổi ăn tối. Mỗi nhân viên phục vụ vài ba hàng ghế, cứ đứng bên, ly nào hết thì rót đầy. Cảm giác mình là ông hoàng chắc không khác mấy. Món ăn này vừa xong, họ dọn lên món khác ngay, thức uống vẫn cứ rót đều, đến nỗi tôi phải ngăn lại. Không khéo mình say trên máy bay này. Tuy chỉ là rượu đỏ và champagne nhưng uống nhiều cũng phải say chứ.

Ăn xong, nhìn mọi người lần lượt đi thay áo quần ngủ. Ồ, sao họ ăn bận giống nhau vậy? Tôi chợt nhớ gói giấy nhân viên phục vụ đưa khi mới an vị. À ra đó là đồ ngủ mặc trên máy bay. Mới đi lần đầu, tôi hơi không quen nên không thay áo quần. Lại không quen nằm dài ở chỗ đông người nên đêm hôm đó tôi chỉ mở ghế hơi ngả ra sau, đẩy miếng gác chân lên, duỗi chân ra là cảm thấy thoải mái chìm vào giấc ngủ.

2g sáng thức dậy theo thói quen, tôi bật đèn xem sách. Một lát, nhân viên phục vụ đến hỏi tôi có muốn uống chút gì? Tôi xin ly café. Café đưa đến kèm 1 thỏi chocolat với lời dặn cần gì thêm cứ gọi anh. Tôi còn cần gì hơn khi cái bụng bị nhồi bởi 2 bữa ăn trưa và tối hôm trước trên máy bay?!

Thích nhất là cái xoa bóp ở lưng ghế. Tôi cứ bấm máy cho nó nhè nhẹ đi lên đi xuống thật thoải mái. Như thế này thì đừng nói bay 16 tiếng rưỡi, bay lâu hơn cũng được.

 

6g sáng máy bay hạ cánh. Nhìn đồng hồ thấy đã 4g sáng, thiên hạ còn ngủ, mình vào toilette là hay hơn cả.

Vệ sinh xong, mọi người lục tục thức dậy, thấy toilette xếp hàng dài dài, tôi tự thấy mình thức dậy sớm thật hay.

Khoảng 4g30 sáng, tiếp viên bắt đầu dọn thức ăn sáng, bụng còn đầy nên tôi chỉ uống tách café, ăn bánh croissant là xong. Buổi ăn sáng qua thật nhanh, máy bay chuẩn bị hạ cánh. Có lẽ nhờ máy bay lớn nên đáp xuống êm ái. Em tôi nói chuyến đi này tôi hên vì khi đi thì ngồi trên máy bay airbus lớn nhất thế giới, khi về lại bay trên chuyến boeing cũng lớn nhất thế giới (chẳng là em tôi làm ở hãng máy bay boeing nên chắc không nói sai).

Ra khỏi máy bay, đến quầy làm thủ tục thuế quan rất nhanh. Khi ra chỗ line hành lý thì vali đầu tiên vừa rớt ra, chờ cho đến vali li cuối, chừng cả ngàn mà không thấy thùng nhỏ của mình, tôi bèn tới hỏi nhân viên đang lúi húi lấy những va li chưa có người nhận ra khỏi đường line, nghe anh ta nói đây là những vali cuối cùng, tôi diễn tả thùng hàng của tôi thì anh cười nói như vậy hành lý của tôi ở line 17. Lật đật tới line 17, thấy nó đã ở đó từ lúc nào rồi.

Đẩy hành lý qua cửa, trình giấy tờ, được chỉ qua cửa số 4. Chờ những xe hành lý đến trước kiểm soát bằng cách cho chó ngửi, rồi cũng đến phiên hành lý của tôi, cho qua. Thế là tôi bước chân vào đất Úc.

May mà trước khi đi, em tôi nhắc làm visa, nếu không có em chắc tôi không lên được máy bay vì cứ đinh ninh passport Canada qua Úc không cần visa.

Ra cửa, ngó quanh không thấy người bạn nhỏ. Tôi đẩy xe ra khỏi rào người đến đón, chú ý những khuôn mặt Châu Á để tìm người Việt. Gì chớ người Việt dễ nhận ra, nhưng không thấy, tôi từ từ cởi áo khoác, áo len vắt lên xe. Canada tuyết rơi mịt trời, áo trong, áo ngoài mà vẫn lạnh run, mới tới Úc, còn đứng trong phi trường đã thấy nóng, áo trong, áo ngoài chẳng những trở nên vô dụng mà còn vướng víu! Vậy mới biết đứng ở thế giới này không thể hiểu được tường tận thế giới khác!

Chợt thấy một chàng thanh niên trẻ, có vẻ dáo dác, tuy chỉ nhìn sau lưng, tôi đã nhận ra là người bạn nhỏ, gọi thử, chính xác. Tay bắt mặt mừng, ra xe về nhà. Anh bạn nhỏ nói ghé nhà hái ít ớt, chả là Úc châu nắng ráo, ớt mọc dễ dàng. Nhìn những cây ớt trĩu trái, mọng đỏ mà thèm vì ở cái xứ lạnh lẽo của tôi muốn trồng ớt phải trồng trong nhà! Sau đó chúng tôi trực chỉ về Wollongong, nhà Châu. Nếu không đích mắt thấy, tôi không thể tưởng tượng nhà Châu xa phi trường đến vậy. Khi nghe nói Châu phải lái xe 2 tiếng mới đến phi trường, tôi giật mình, nghĩ, như vậy Châu phải dậy từ 2-3g sáng!!! Thế là tôi đành đổi chương trình để người bạn nhỏ đón rồi đưa đến nhà Châu.

Đường xa nhưng chuyện trò suốt đoạn đường nên ít thấy xa.

Vợ chồng Châu ra đón tận cửa. Lâu quá, dễ chừng mười mấy năm kể từ ngày gặp nhau lần cuối ở Santa Ana. Giờ Châu ốm hơn, còn Alex, phu quân của Châu tôi không nhận ra vì hơn 25 năm rồi còn gì, bao nhiêu vật đổi sao dời. Châu vẫn còn những nét cũ nhưng thay đổi rất nhiều. Phải chép miệng nói 2 chữ vô thường.

Châu nói sẽ đãi tôi món mì quảng Hội an chính tông, tôi vốn thích mì quảng từ thuở bé, từ quán mì quảng ở chợ Nha trang đến quán mì quảng gần trường đại học Vạn Hạnh, chỗ nào có bán mì quảng là tôi lết đến ăn. Gắp miếng thịt gà từ tô mì, tôi nói, hình như không phải món mì quảng phảng phất trong trí tôi. Mì quảng mà tôi được ăn khắp nơi từ Nha trang vào đến Saigon không có thịt gà. Lại nghĩ, miền Trung “đất cày lên sỏi đá”, dân nghèo, lấy đâu ra gà mà ăn!!! Vừa ăn vừa nói chuyện rôm rả. Ăn xong, người bạn nhỏ ra về vì còn buổi tiệc tối ở Sydney.

Trước chùa Nan Tien

Còn lại tôi với Châu nói chuyện không ngưng.

Hôm sau Châu dẫn đi quanh vùng. Nghe diễn tả tôi cứ tưởng biển gần nhà Châu nên đem áo tắm theo, nghĩ rằng, sáng dậy sớm tản bộ ra biển, tắm biển, phơi nắng, hóng gió biển như ngày xưa ở Nha trang, sáng mùa hè nào cũng ra biển tắm thật sớm, lúc mặt trời chưa lên, hoá ra biển xa ngút ngàn, đi bộ sao tới! Ở đây chỉ lên đỉnh núi ngắm biển, nhìn người ta đi … bay, vì ở đây nhìn đâu cũng thấy vách đá cheo leo.

Wollongong còn có chùa Đài Loan nổi tiếng gọi là Nan Tien. Alex và Châu đưa tôi đến xem. Chùa Đài Loan này hao hao giống chùa Đài Loan ở Cali. Ai đi du lịch Sydney cũng được giới thiệu đến xem chùa này. Chùa to nhưng với tôi chùa không cần to mà cần chân tu!!! Kiếm đỏ mắt không ra một vị chân tu.

Trước chùa Nan Tien

Ngày hôm sau, vợ chồng Châu dẫn tôi đi Sydney bằng xe lửa, vào ga, định mua vé nhưng khi người bán vé hỏi đi đâu thì tôi … ngọng, vậy là phải chờ Châu tới lấy vé. Bước qua năm 2016, đường xe công cọng của Úc đã đổi thể thức bán vé mà Châu không biết nên thay vì 2 vợ chồng Châu chỉ phải trả mỗi người 2$50 cho một ngày đi, mà vì không mua thẻ Opal nên Châu phải mua 8$50 cho mỗi người, riêng tôi vé một ngày trả 17$50.

Lên xe lửa thật thoải mái nhưng Alex chịu không nổi, cứ đổi toa liên miên. Tôi thì cứ như Mán về thành phố, chẳng biết ga nào ra ga nào, Châu nói thấy ga Redfern là sắp tới vì vậy khi thấy ga Redfern tôi rất mừng , biết là sắp tới. Tới ga Central, Châu bảo xuống tàu, đi tìm Alex. Mặt Alex lúc này mệt nhừ, không đi nổi. Nhìn qua Châu thấy Châu đẩy xe đẩy để tựa, tôi không muốn đi tiếp, nhưng lúc đó Alex cũng không thể tiếp tục ngồi xe lửa về nên chúng tôi phải quyết định để Alex ở lại ga rồi đi quanh phố 1 lát.

Châu tuy ở Úc cả 25 năm nhưng chắc biết Sydney nhiều hơn tôi 1 chút thôi nên đi một lúc lại dừng hỏi đường, cuối cùng cũng mò ra chỗ hình con sò, biểu tượng của Sydney. Đi quanh, chụp hình rồi kiếm chỗ ăn trưa.

Trời ạ, tôi không thể nghĩ ra ở Úc 1 cái pizza 12” mà tính giá đến 31$50!!! Thôi, đi du lịch, lại ăn ở nơi mà mọi du khách đổ về thì phải chịu.

Ăn xong về lại ga tìm Alex. Lượn tới lượn lui không biết bao nhiêu vòng, bao nhiêu giờ, vẫn không tìm ra Alex. Tôi đã thấm mệt. May quá, vào đại sảnh, Châu kiếm ra Alex, chúng tôi đi tìm chỗ cho Alex ăn trưa. Cũng ở quanh đó mà giá cả khác hẳn. Ở đây 1 ly café chỉ khoảng 4$50, miếng bánh sandwich 8.50$, giá dễ chịu hơn các tiệm ở quanh con sò. Chúng tôi lấy bàn ngồi uống café, Alex ăn trưa.

Hôm sau đi quanh thị xã mua thức ăn về để Châu trổ tài nấu bún bò… mụ Rớt.

Ngày 04-02, người bạn nhỏ đưa em tôi và Lam đến nhà Châu. Bún bò được dọn ra, rượu mạnh khui rót cho mấy người đàn ông uống, tôi và Châu nhắp rượu chát. Chuyện trò không ngưng, cứ nổ dòn như pháo nổ. Anh em có đến hơn 40 năm không gặp nhau nên chuyện lớn chuyện nhỏ nối nhau tuôn ra. Nhìn Lam nói lia miệng, tôi rất ngạc nhiên vì ngày xưa má tôi gọi em tôi và Lam là hai con hến vì ít mở miệng, vậy mà bây giờ Lam nói như con sáo sậu. Hóa ra google có thể huấn luyện người đến vậy. Em tôi thì vẫn ít nói. Ăn uống xong, chuyện trò đến khuya rồi đi ngủ để dành sức khoẻ cho những ngày sắp tới.

Sáng sớm tất cả đã dậy, vệ sinh, ăn sáng. Alex pha café rất ngon. Ai bảo café Việt nam ngon? Tôi không nghĩ café Việt nam ngon mà nghĩ do cách rang và cách pha chế café. Tới tiệm café Việt nam, ở bất cứ đâu, tôi phải dặn ít sữa vì với tôi, hầu hết các tiệm café Việt nam cho uống chè-café. Café ngọt như chè làm sao còn nhận được vị đắng nhẹ nhàng của café, chỉ nếm được vị ngọt quắn lưỡi của sữa đặc. Alex cùng gu với tôi, đó là chỉ thêm chút sữa bột, không đường. Sữa bột làm dịu cái đắng của café, nhấp vào lưỡi, vị café đăng đắng, hương cà phê thoang thoảng, thật đúng là cái thú trên đời. Alex pha café bằng lọc café của Ý, nước café có hơi đục nhưng không sao, để lắng rồi uống. Buổi sáng tôi chỉ cần có vậy thôi, một ly café ngon, 1 hay 2 miếng toast là xong.

Ăn sáng xong mọi người chuẩn bị đi quanh Wollongong thưởng thức cảnh đẹp của miền biển. Alex dẫn chúng tôi đến vùng biển có nước phun lên từ 1 lỗ lớn, cứ vài giây lại thấy nước biển phụt lên, khi cao khi thấp tùy sức nước ép vào.

Alex đưa đến một số hồ ở Wollongong để ngắm cảnh đẹp Úc Châu, sau đó chúng tôi trực chỉ về Sydney ăn trưa.

Nếu là người Việt mà chưa đến Cabramatta là chưa biết Úc, vì vậy người bạn nào cũng đưa tôi đến khu Cabramatta cả. Châu cũng không ngoại lệ vì vậy, lái xe đưa chúng tôi đi loanh quanh phố, rồi giới thiệu chúng tôi quán Làng Nướng ở Canley Vale (một khu phố VN) gần khu Cabramatta. Nhìn tên tiệm đoán được nơi đây bán toàn đồ nướng. Người bạn nhỏ giới thiệu món gà nướng nhưng chúng tôi không có duyên với món này vì người làm món gà nướng chưa tới!

Món ăn rất ngon, mọi người vừa ăn vừa nói chuyện. Quán Việt nam ở Sydney giá cả dễ chịu, em tôi trả tiền, khen rẻ, khi về lại Mỹ, em xem bill visa gởi tới, thấy giá tiền đổi qua tiền Mỹ rất hợp lý, không như đổi tiền tại phi trường Sydney, họ chặt đẹp quá. Tôi kinh nghiệm việc đổi tiền nên đổi tại Calgary cho chắc ăn.

Đi quanh khu Cabramatta có cảm giác mình đang ở Việt nam, cảm giác giống hệt như vào khu Phước Lộc Thọ ở Cali. Calgary người Việt khá đông, cũng lác đác có chợ Việt nam nhưng không quay quần san sát như ở Sydney.

Ăn xong chúng tôi chia tay. Alex chở tôi và Châu về nhà chị Bích sớm cho kịp giờ về Wollongong. Wollongong đã xa mà nhà Châu còn đi quá hơn, Châu ở Oak Flats nên nếu không về sớm, sợ trời tối lái xe nguy hiểm. Tôi chào từ giã Alex vì dự định ở nhà chị Bích mấy ngày.

Chị Bích nghe tôi qua đã đi mua ra, mền, gối mới, sắp sẵn một phòng tươm tất chờ tôi. Thật cảm động. Gặp chị Bích tôi giật mình, thời gian không thể làm gì trên khuôn mặt lẫn thân hình của chị. Chị trẻ đến không ngờ. Dáng dấp thanh thoát, dịu dàng ngày nào vẫn giữ nguyên, nhìn chị không ai nghĩ chị đã xấp xỉ 80. Nhớ khi còn đi học tôi hay tới nhà Châu, nhìn chị Bích ôm con chó Fox nhỏ nhắn, chị đi đâu con chó chạy lăng quăng theo chị thật dễ thương. Mới đó mà đã 50-60 năm! Ngày đó chị đẹp khiến tôi mỗi lần nhìn là mê mẩn.

Chị em chuyện trò tương đắc, nhắc lại chuyện xưa. Dự định ở nhà chị Bích mấy ngày không thành vì Châm Khanh tới đón về nhà Châm Khanh. Qua Úc, nội chỉ đi thăm bạn bè, tôi nghĩ mình cần cả tháng, 20 ngày không đủ.

Phải xin lỗi chị Bích về lời hẹn tới ở nhà chị.

Nhà Châm Khanh cây dài bóng mát, nhìn cây khuynh diệp cao lớn che chắn phía trước nhà đã cảm giác sự êm đềm của căn nhà. Bên trong rộng rãi thoáng mát, sau nhà, anh Thình, phu quân của Châm Khanh tạo ra một khoảnh vườn đầy cây trái. Anh chỉ dàn bầu, trái thật to nằm trên giàn như muốn sập giàn. Ở Úc sướng thật, muốn trồng gì cũng được, cây ớt trái chi chit, tiá tô, rau thơm, sả ... đầy vườn, nghĩ lại nơi mình sống, trồng cây chưa ra hoa tuyết đã đổ xuống. Trên bàn ngoài sân còn 2 trái bầu to tướng nằm ở đó, Châm Khanh nói, cho ai họ cũng không lấy vì ăn bầu hoài, ớn quá. Tôi nói với Châm Khanh vậy thì hàng ngày cắt ra luộc cho tôi ăn vì tôi ăn rau trái rất nhiều, chẳng là tôi bị cao cholesterol, bác sĩ khuyên ăn nhiều rau trái.

Vào nhà, yên vị, hơn 40 năm mới gặp nhau, chuyện lớn chuyện nhỏ tuôn như giòng thác. Châm Khanh nói đến buổi gặp mặt Thân hữu Điện lực Úc ngày 12 tới, nhóm Điện lực Úc tổ chức đón anh Toại ở Mỹ qua du lịch Úc, rủ tôi đi. Tôi rất muốn vì qua Úc mục đích là để gặp bạn bè, nay có họp mặt mà không đi sao? Tôi nói, lỡ hứa với Châu ngày 12 đi xa đâu đó 2 hay 3 ngày. Để hỏi lại Châu.

Nghĩ lại, tôi ở Sydney chỉ 20 ngày mà đã ở với Châu 5 ngày rồi. Tôi vốn nhiều bạn bè, nếu ngày 12 không đi họp Thân hữu Điện Lực Úc thì biết có dịp qua trở lại Úc lần khác nữa để gặp bạn bè cũ không? Châu là bạn đầu đời, ra đời tôi cũng có một số bạn bè , bây giờ người mỗi nẻo, kẻ mất người còn, bạn nào tôi cũng quý cả.

Gần tết nên Châm Khanh rủ tôi đến nhà Tu, em út của Châm Khanh để gặp luôn Huyền Khanh đang nấu bánh chưng ở đó.

Trước 75, cuối tuần tôi hay khăn gói tới nhà Châm Khanh ở chơi tới sáng thứ hai đi làm luôn nên tất cả nhà Châm Khanh tôi đều rất thân thiết. Nhớ ngày nào theo cả nhà đi Vũng Tàu, đầu tàu là anh Đa, anh cô cậu của Châm Khanh, mà ngậm ngùi, ngày vui qua mau.

Lần đầu tiên tới nhà Châm Khanh, hỏi Khanh, được hỏi ngược lại là Khanh nào? Tôi ngẩn người, tưởng mình đi lầm nhà, hóa ra con gái nhà Châm Khanh, ai cũng tên Khanh, con trai ai cũng tên Châu, muốn hỏi phải kèm thêm chữ lót và trong nhà dùng chữ lót làm tên. Ngoài chị Phương Khanh đầu kêu tên Khanh, chị thứ hai chữ lót Hồng thì kêu chị Hồng, Châm Khanh tuổi Tý, kêu Tý, Huyền Khanh kêu Huyền, Hoàng Khanh kêu Hoàng, Vân Khanh kêu Vân, thật thú vị.

Tới nhà Tu, Tu ra tận bên ngoài đón, chị em ôm nhau mừng mừng tủi tủi, không bao giờ nghĩ mình còn gặp nhau. Cám ơn người bạn nhỏ đã gợi ý khiến tôi được gặp lại rất nhiều bạn bè thân thiết.

Tu ngày nào là một cậu nhỏ xinh xắn, nay đã cao to vượt tôi hơn cái đầu, con cái đùm đề rồi. Thật đúng là giấc mộng Nam Kha, bừng con mắt ra, thấy ai cũng già hết.

Vào nhà, lại mừng mừng tủi tủi, ôm Huyền, nước mắt rưng rưng, cám ơn định mệnh đã cho tôi gặp lại những người bạn thân thiết của ngày xưa êm ả.

Huyền đã gói xong 70 cái bánh chưng, đang chờ nấu chin. Chúng tôi lại nói chuyện, chuyện gì không biết mà nói không dứt! Bánh chin, cũng đã khuya, phải giã từ thôi, dù lòng không muốn, Huyền không quên gói biếu Châu 1 cái bánh chưng. Hẹn ngày mai gặp ở nhà Huyền vì còn tới thăm mẹ của các Khanh.

Ăn sáng xong vợ chồng Châm Khanh đưa tôi qua nhà Huyền. Thấy mẹ các Khanh vẫn còn khoẻ dù không mạnh lắm tôi rất vui, bà nay đã 93 tuổi. Nhìn mẹ Khanh khiến tôi nhớ đến ba má mình vì anh của mẹ Châm Khanh lấy cô ruột của tôi. Nhìn những người đàn bà Việt nam ốm yếu, gió thổi cũng bay vậy mà trường kỳ chịu đựng, bà nào cũng 9-10 con, nuôi dạy tử tế nên người, thấy nể.

Mẹ Châm Khanh và tôi ôm chầm nhau thắm thiết, cô nói tưởng không bao giờ gặp lại tôi nữa. Cũng đúng. Xa xôi quá, thời gian và không gian đẩy dần mỗi người về phía ngược chiều.

Mọi người ra bàn, cùng nhau ôn lại chuyện cũ, kể cho nhau nghe chuyện mới. Huyền cho tôi biết tin tức của những bạn bè cũ làm ở điện lực. Huyền nói lần nào về Việt nam cũng ghé thăm chị Ngọc ngày xưa làm ở tổng đài điện thoại. Lâu nay tôi cũng có ý tìm chị Ngọc mà không được. Nay có lẽ duyên đến khiến tôi đi Úc chuyến này. Huyền cho tôi biết chị Ngọc nay chỉ còn người con gái, chị thì rơi vào tình trạng suy thoái tuổi già nên nhớ nhớ quên quên.

Ngồi nghe Huyền mà tâm trí tôi bay về khoảng thời gian hơn 45 năm trước, ngày ấy tôi cỡ 20, nhận được sự vụ lệnh làm ở Tổng nha Điện lực Việt nam, đường Hồng thập tự. Chưa rời khỏi ghế nhà trường mà có việc làm, mừng quá vì khỏi làm phiền cha mẹ về tài chánh, tôi tới ngay Hồng thập tự để nhận việc. Trưa đó còn lớ ngớ, chưa biết gì thì các chị ở tổng đài điện thoại tới hỏi han, lấy phiếu ăn cho tôi, dắt tôi xuống phòng ăn, ăn xong, các chị dắt tôi lên phòng của tổng đài, trải ra, kêu tôi nằm xuống nghỉ trưa. Từ đó trưa nào tôi cũng theo các chị đi ăn trưa rồi về phòng làm việc của các chị nghỉ ngơi. Khi thì chị Thu Hương, khi thì chị Ngọc, tình cảm các chị dành cho tôi thật là ấm áp, cho dù sau này đổi về Hai bà Trưng, tôi vẫn hàng ngày qua Hồng thập tự ăn trưa, sau đó lên phòng các chị nằm nói chuyện, nghỉ ngơi. Những tình cảm đó tôi làm sao quên được. Nay nghe tình cảnh chị Ngọc như vậy không đành lòng chút nào!

Mẹ Châm Khanh ngồi nghe chúng tôi nói chuyện, ít góp chuyện nhưng tôi nghĩ lòng cô cũng như tôi, rộn rã vì gặp lại nhau.

Ngồi một lát mẹ Châm Khanh mệt, vào nằm, chúng tôi vẫn tiếp tục chuyện trò. Tình cảm chúng tôi vẫn như xưa, không vì 40 năm xa mặt mà cách lòng. Hoàng và Huấn, phu quân của Hoàng cũng đến góp mặt làm cho cuộc gặp gỡ thêm đậm đà. Sau đó, tôi theo Hoàng đi thăm mộ bố các Khanh. Trên đường đi, nói chuyện, mới phát hiện ra đại gia đình bên ngoại của Huấn rất thân với ba má tôi. Trái đất tròn mà. Thế là chúng tôi không còn xa lạ với nhau nữa, chuyện lớn chuyện nhỏ lại lôi ra nói râm ran. Thăm mộ xong, Huấn đưa tôi về nhà Châm Khanh để chuẩn bị buổi họp mặt Võ Tánh-Nữ Trung học buổi tối ở nhà Thuần.

Tối hôm đó vợ chồng Khanh đưa tôi đến nhà Thuần, bạn học của em tôi, dự buổi hội ngộ Võ Tánh-Nữ trung học bỏ túi.

Chạy loanh quanh rất lâu trên con đường Thuần cho địa chỉ mà vẫn không tìm ra số nhà, kiểm soát đi kiểm soát lại địa chỉ, không thấy sai, xe tới lui cả tiếng đồng hồ mới phát giác ra đường bị cắt rồi nối lại ở phía bên kia! Cám ơn thượng đế, cứ ngỡ chắc mình không thể dự buổi gặp mặt!

Tìm ra nhà, thấy Lam từ trong một xe bước ra, thở phào, đúng nhà rồi. Chị Bích đi cùng Lam, Châu đã theo Thuần đi tìm tôi. Thật là lẩn quẩn!

Vào nhà đã thấy ngay một lò bánh căn lửa đỏ rực, tất cả chuẩn bị sẵn, chờ khuôn nóng. Vào lần bên trong, thấy sân sau được xây rất đẹp, đây là nơi Thuần sửa sang để đón bạn bè. Tất cả đã được chuẩn bị chu đáo. Nghe thực đơn tôi chóng mặt, chà điệu này mình khó ăn theo regime hàng ngày quá. Ngoài món bánh căn mà bất cứ hội ngộ nào của Nha trang đều có mặt, la liệt món ăn tôi không đếm được, dọc tường là những chai rượu sắp ngay ngắn. Bánh căn bắt đầu đổ. Mọi người lần lượt đến, bên đàn ông vào bàn, cụng ly, nói chuyện như pháo nổ, bên đàn bà, kẻ đứng người ngồi tùy ý. Thức ăn đã sắp đầy bàn, ai muốn ăn gì chọn nấy. Phe đàn bà cũng nói chuyện râm ran không kém gì phe đàn ông. Vừa xa quê hương, vừa lớn tuổi dần, mọi người ai cũng quý những buổi gặp mặt, cùng nhau hàn huyên, huống chi lại lớn lên cùng thành phố, cùng trường, biết bao nhiêu chuyện để nói.

Bên phe nữ bắt đầu đổi tay đúc bánh căn. Chỉ cái bánh căn nho nhỏ đủ gợi cho người dân Nha trang biết bao chuyện xung quanh cái bánh căn! Riêng tôi và Châu cũng có chung với nhau kỷ niệm về chuyện bánh căn. Tôi kể cho các chị em nghe, ai cũng cười cho cái tuổi thơ của chúng tôi.

Chuyện là lúc nhỏ, Châu hay tới nhà tôi vào cuối tuần, ở lại đến chiều chủ nhật mới về. Hôm đó hai đứa nảy ý nghĩ mai đổ bánh căn, thế là chúng tôi chạy xuống phòng má tôi xin phép mai đổ bánh căn, má tôi cho phép, dặn đong 2 lon gạo, ngâm, sáng mai xay. 2 đứa đong đúng 2 lon như má dặn rồi lên nằm. Nằm một lát Châu nói, Hương ơi, 2 lon ít quá, mình đong thêm 1 lon nữa, thế là hai đứa bò dậy thêm vào chỗ gạo đã ngâm 1 lon nữa. Nằm một lát Châu lại lay tôi, ít quá, thêm một lon nữa, lại đong đong, vo vo, đổ vào chỗ gạo ngâm. Cứ như vậy cho đến sáng, khi má tôi xuống thấy nồi gạo ngâm bà phát hoảng : sao nhiều vậy? Hoá ra cứ mỗi lần nói ít quá, chúng tôi lại thêm 1 lon, khi má tôi phát hiện, nồi gạo ngâm đã lên tới 9 lon. Vậy mà Châu kiên trì ngồi đổ đến trưa khiến má tôi phải khen sự dẻo dai bền bỉ của Châu. Sau đó để cứu chúng tôi, bà chấy tôm, lấy phần bột còn lại làm bánh bèo cho cả nhà ăn. Hôm đó chúng tôi không những ăn bánh căn mà còn được ăn bánh bèo nữa. Thật cám ơn con mắt của Châu.

Buổi tiệc nào cũng tàn, nhìn phía đàn ông uống rượu tôi biết mình không thể ở lại theo họ nên điện thoại kêu Châm Khanh tới đón.

Phu nhân của Thuần ăn chay trường nhưng không vì thế mà thiếu bóng dáng của người nội trợ đảm đang này. Thủy âm thầm đi tới đi lui, nhìn khắp mọi nơi, chỗ nào thiếu gì là tích tắc sau được lấp đầy. Trên bàn món ăn không hề vơi mặc dù mọi người ăn rất tận tình. Cám ơn Thủy rất nhiều, buổi hội ngộ thành công không thể không nhắc đến Thủy. Cho dù còn món cháo cá nhưng tôi không thể nào ăn nổi. Thủy chuẩn bị quá nhiều thức ăn. Buổi họp mặt rất vui. Nhờ chị Mỹ Nam, tôi biết tin tức của chị Mỹ Linh bạn chị Đồng Phước. Cám ơn Thuần và Thủy đã tạo điều kiện cho buổi họp mặt này.

Khanh tới đón, chúng tôi nói chuyện với Châu về ngày gặp mặt Thân hữu Điện Lực, hỏi Châu dời ngày đi qua ngày 13 được không, Châu nói rất hiểu biết rằng Châu biết tôi nhiều bạn bè, cứ đi gặp bạn bè. Tôi và Khanh rất vui, từ giã ra về.

Hôm sau là 30 tết, gia đình Khanh tụ tập lại, còn nhiều người trong nhà tôi chưa gặp. Ngoài chị Phương Khanh và Ty ở Melbourne, chị Hồng Khanh ở Đức, còn Châu và Vân nữa, tôi phải gặp hết tất cả mới thỏa lòng. Tôi được gặp chị Phương Khanh qua phone. Hai chị em nói chuyện hơn 1giờ mà chưa thỏa lòng. Giọng chị vẫn như xưa, ấm áp, thân tình.

Khi tới nhà Huyền, khung cảnh huyên náo của dâu rể cháu chắt khiến tôi vui lây. Châu chạy tới, chị em ôm nhau, mừng mừng tủi tủi. Châu không khác xưa mấy, vẫn cao lêu khêu, chỉ có đẩy đà thêm một chút thôi nên tôi nhận ra liền. Chỉ có Vân, ngày xưa mảnh khảnh, dễ thương, xinh xắn, nay như một mệnh phụ, vẫn đẹp nhưng cái đẹp của người phụ nữ chin chắn. Nhìn Vân rất lâu, nhìn vào cái miệng cười thì tôi nhận ra ngay Vân của ngày nào. Chị em lại ôm nhau thắm thiết. Ôi biết bao nhiêu tình cảm tuôn trào.

Hoàng và Huyền vẫn như xưa, có phần đẫy đà hơn. Ngồi nói chuyện tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Huyền thể hiện lòng từ tâm trong việc thăm nom bạn cũ, Hoàng vui vẻ thân thiện, cả nhà các Khanh cùng đóng góp để Huyền đem về Việt nam giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Đây chính là những người bạn mà tôi hằng mong đợi. Những bồng bột của tuổi trẻ nay đã nhường bước cho sự chín chắn của người lớn tuổi. Trịnh Công Sơn viết : “Nhìn lại mình đời đã xanh rêu”, tôi không nghĩ vậy, nhìn mọi người ở đây, tôi thấy ai cũng rất năng nổ nhưng đằm hơn xưa. Những người bạn ngồi trước mặt tôi không có chút nào là xanh rêu cả, tôi thấy màu hồng quanh họ. Viên đá vì đứng yên một chỗ nên mới bị rêu phủ đầy. Phải không các bạn?

Sáng mồng một tôi theo Khanh đến chùa cùng với mẹ Khanh theo thường lệ hàng năm, viếng bố Châm Khanh gởi ở đó. Tới chùa Châm Khanh cho tôi biết chị Tiếu nha Nhân viên nay tu ở chùa này, có gặp thì đừng kêu tên chị Tiếu, chị ấy chỉ muốn kêu chị bằng tên đi tu. Tôi thầm nghĩ sao đã xuất gia mà còn chấp đến thế, chẳng lẽ không thấm câu vạn sự giai không? May sáng hôm đó không gặp chị Tiếu.

Viếng chùa xong Châm Khanh đưa tôi qua chùa chị Dung của Liên Châu đi tu, chúng tôi hẹn gặp nhau ở chùa này. Khanh chỉ tôi đường về, đưa tôi phone tay để nếu tôi bị lạc thì gọi Châm Khanh tới đón. Tôi tới chùa sớm hơn Châu, liên lạc với Châu không được, tôi lang thang quanh chùa tìm chị Dung. Lâu quá không gặp chị Dung, nay chị đã cạo đầu không biết mình có nhận mặt được không. Thấy ni cô nào tôi cũng nhìn mặt. Gần giáp vòng chùa, tới 1 quầy sách, thấy một ni cô rất giống má Liên Châu, tôi gọi : chị Dung, chị ngước đầu lên, đúng là chị Dung rồi. Bao lâu không gặp mà tôi vẫn nhận ra. Chị Dung nhận ra tôi ngay, kéo tôi qua gian hàng hoa giấy, hoa giấy do chị làm, bán gây quỹ cho chùa. Tôi chọn 1 chậu bông sen trắng trước là mở hàng cho chị Dung, sau nữa, đem về cúng bố Châm Khanh đầu năm. Ngồi một lát Liên Châu và chị Bích đến. Châu thấy chậu hoa của tôi thì nằng nặc đòi lấy, tôi nói lần này không được, tao cúng bố Châm Khanh. Châu nói thì tao cũng đem về cúng má tao. Tôi cương quyết, vậy thì mi mua chậu khác.

Star Hotel Casino

Chị Bích chọn một chậu hoa, chúng tôi gởi lại để đi ăn trưa. Chị Bích vào sắp hàng lấy thức ăn. Ăn xong, tôi từ giã chị Dung, chị Bích và Châu để đi đến chỗ khách sạn em tôi ở.

Nghe nói đây là khách sạn Casino lớn nhất Sydney nên tôi tò mò muốn tới xem. Khách sạn to nhưng Casino vừa thôi. Thiên hạ không công việc nhiều quá nên đi đánh bài rất đông, các slot machines đầy người. Đi quanh Casino, quanh khách sạn cho biết rồi về.

Hôm sau vợ chồng Châm Khanh chở tôi đến khách sạn để gặp em tôi, sau đó tôi cùng em tôi và Lam 3 người bắt xe lửa đi chơi.

Hai em đưa tôi đến tiệm chạp phô mua vé xe lửa, bây giờ tôi mới biết vé Opal chỉ bán ở tiệm chạp phô chứ không bán ở ga.

Chúng tôi đi bộ quanh các đường phố để biết phố phường Sydney. Đến trưa 2 em đưa tôi lên xe bus tới Fish Market để ăn trưa.

Fish Market đông quá là đông, phải lách nhau mà đi, chúng tôi mấy lần lạc nhau vì cảnh chen vai thích cánh trong chợ, phải dùng điện thoại để tìm nhau. Các quầy đông khách mua, đi tìm chỗ ngồi, không còn lấy một chỗ! Cuối cùng chúng tôi tìm được một bóng cây có thềm xi măng để ngồi đỡ. Em tôi và Lam đi mua thức ăn. Rất lâu mới thấy cả hai trở lại, trên tay cầm hộp thức ăn và nước uống. Vậy mới biết du khách tới Sydney nườm nượp thế nào.

Ăn xong chúng tôi trở về ga xe lửa và chia tay nhau. Sẵn gần phố Tàu nên tôi đi bộ lang thang ngắm phố xá cho biết. Ở đây thiên hạ đi phố đông đúc, nhìn dòng người đi, đoán được sự phồn thịnh của thành phố.

Thấy sự thoải mái trong việc bắt xe bus và xe lửa nên ngày kế tiếp tôi nhờ Châm Khanh chỉ tôi cách đi xe bus ra ga xe lửa để tự đi và về. Phu quân của Châm Khanh in cho tôi bản đồ xe lửa và bản đồ từ nhà Khanh đến xe lửa. Châm Khanh còn cẩn thận hơn, dẫn tôi đi bộ ra bến xe bus, dọc theo đường xe bus, chỉ các trạm dừng, khi trở về, chúng tôi men theo một con đường khác dành riêng cho người đi xe đạp và đi bộ. Con đường tráng xi măng rất sạch sẽ, cây cao bóng mát như đi trong rừng. Nếu Châm Khanh không dẫn tôi thì chắc tôi không thể tưởng tượng được có một khu rừng tĩnh mịch như vậy kế khu dân cư đông đảo ồn ào.

Sau đó hai vợ chồng Khanh dẫn tôi đi chợ Cabramatta. Chợ Việt nam ở đây thật nhộn nhịp, hàng nào cũng đông nghẹt. Thích nhất là chợ bán đồ biển, cá tôm tươi như ở Việt nam, cảnh buôn bán cũng giống y Việt nam. Chẳng bằng với bên tôi ở, toàn cá tôm … đông lạnh. Vì tôi thích ăn cá nên cứ nhìn mãi đám cá tươi mà muốn định cư luôn ở Sydney để ăn … tôm cá tươi.

Sáng hôm sau Khanh đưa tôi ra bắt xe bus, giao tôi cái phone tay (lại sợ tôi lạc nữa rồi), tôi hẹn 2g sẽ về vì tối còn đi họp mặt Thân hữu Điện lực Úc.

Mà tôi lạc thiệt, vì hôm trước chỉ về mà không đi, nên lúc đó tôi dừng ở ga xe lửa Merrylands rồi đón xe bus về. Nay đi lên ga Central, xe bus phải dừng lại ở Merrylands, nhưng nhìn hoài không thấy ga Merrylands (vì khi đi, xe bus đậu ở bên kia đường, tôi không nhận ra được), đến trạm cuối, thấy chữ Parramatta thật to, tôi giựt mình, hóa ra mình đã đi quá xa. Chỉ trả thêm tiền vào thẻ Opal thôi chứ không lạc đâu mà sợ, vì tất cả các đường đều về ga Central. Trước khi đi Khanh đã chỉ tôi nếu đi tới con sò thì đừng xuống ga Central, chờ đến ga Circular Quay hãy xuống, nhờ vậy tôi xuống ngay chỗ con sò, khỏi phải đi bộ. Thêm một hiểu biết về đường xe lửa, vì khi Châu dẫn đi, xuống ở ga Central chúng tôi phải đi bộ (hơi xa) mới tới chỗ con sò.

Tôi đi dạo khắp nơi quanh con sò, định mua vé đi phà xem phong cảnh nhưng thấy đã trưa, sợ về không kịp 2g chiều nên đành hẹn lúc khác. Ghé quán, kêu cái bánh và 1 ly café, ngồi nhìn bến cảng, người qua lại, nhâm nhi café, ăn xong cái bánh rồi quay về ga Circular Quay, tìm về ga Merrylands để xuống, bắt xe bus về nhà Khanh. Tới nhà đúng 2g. Nhìn thấy tôi, 2 vợ chồng Khanh mới hết lo. Cám ơn sự chu đáo của 2 vợ chồng Khanh. Từ giờ thì tôi không sợ lạc đường nữa rồi.

Buổi tối, Huyền tới nhà đón chúng tôi đi dự buổi họp mặt. Trước đó, vì muốn đùa cho vui nên Châm Khanh báo tin cho Thân Hữu Điện lực rằng tối nay sẽ có thêm partner của Huyền đi. Mọi người rất nôn nao, chờ xem mặt partner của Huyền. Tới nơi, tôi đi sau lưng Huyền, ai cũng nhấp nhỏm muốn thấy mặt “bạn” Huyền, Huyền và Châm Khanh giới thiệu tôi, mọi người bật ngửa, hóa ra partner Huyền là … phụ nữ.

THDL Sydney 12/2/2016

Họp mặt với Thân hữu Điện lực VN Hải ngoại tối 12/2/2016 tại nhà hàng Đại Lam Sơn, Sydney.

Chị Tố nhìn tôi mà không nhận ra mặt, trong khi tôi nhận được ngay chị Tố. Ngô Đức Kim nhận ra tôi, chạy tới, có lẽ quá xúc động vì không nghĩ có ngày mình còn gặp nhau ở nửa địa cầu dưới nên chúng tôi ôm chầm nhau, không nói nên lời. 45 năm đoạn trường, bao nhiêu bão tố vùi dập mà còn gặp được nhau, đúng là phép lạ. Ngày xưa, tôi và Ngô Đức Kim khá thân, lâu lâu anh Kim tới rủ tôi đi ăn trưa ở tiệm, chúng tôi hay ra Sing Sing ăn, ở đây nấu món bánh canh khá ngon, steak cũng không tệ. Mới đó mà đã gần 50 năm!!! Ngô Đức Kim trông vẫn giống xưa, thoạt nhìn đã nhận ra, trong khi đó, có nhiều người bị bào mòn bởi thời gian, không cách chi nhận ra. Giám đốc Trần Đan Thanh có già hơn xưa nhưng vẫn nhanh nhẹn, hoạt bát, chị Thanh phải nói là đẹp lão, có lẽ nhờ ăn chay trường, tâm hồn an lạc nên nhìn rất nhẹ nhàng thanh thản và … đẹp. Tuy chỉ có 2 bàn, 1 bàn cho nhóm nam, 1 bàn cho nhóm nữ, nhưng buổi họp mặt rất thân mật. Ngồi một lát thì anh Toại và phu nhân tới, nhờ anh Toại mà tôi được ăn theo. Chị Tố cho biết bàn nữ chỉ có chị Tố, Châm Khanh, Huyền Khanh và tôi xưa làm điện lực, còn lại là phu nhân của Điện lực. Phía nam thì có phu quân chị Tố, Châm Khanh là … “điện câu” mà thôi.

LTTố-Châm Kh-HC-Huyền Kh
Từ trái: Chị LT Tố, chị Châm Khanh, tác giả, chị Huyền Khanh.

Tuy mới gặp nhau nhưng tôi thấy thật thân thương, ấm áp, mọi người nói chuyện thân mật, vui vẻ, không có vẻ …. bossy, nhất là giám đốc Trần Đan Thanh, đi từ bàn Nam qua bàn Nữ hỏi han ân cần, khiến tôi không cảm thấy dè dặt như khi nghe Châm Khanh nói về buổi gặp mặt (tôi có đôi chút dè dặt).

Thức ăn dọn lên, quá nhiều món 2 Khanh ăn không được, dồn qua chén tôi, tuy ở nhà tôi ăn uống rất đạm bạc vì … dư mỡ, nhưng đã đi tiệm thì tôi không từ chối món nào 2 Khanh đưa qua, thế là cái bụng bị trừng phạt! Ăn thoải mái thì … sợ. Ai ăn kiêng khem mới hiểu được vì sao ăn mà … sợ. Khi nào đi du lịch về, chế độ ăn uống của tôi cũng phải rất chặt chẽ mới bình thường hóa lượng mỡ trong người!!! 2 món cuối cùng đều là bột, đó là cơm chiên và mì xào, tôi chỉ thử chút ít cơm chiên xem họ nấu nướng thế nào chứ không dám ăn nhiều chất bột, thủ phạm của lên đường và mỡ!!!

Cuộc vui rồi cũng chấm dứt. Mọi người đứng dậy chào nhau, chụp hình lưu niệm, nhưng sự lưu luyến không rời nên ai cũng nán ở lại để hàn huyên tâm sự thêm. Một cuộc gặp mặt rất ấm cúng mà tôi được tham dự, ra về với lòng quyến luyến, không muốn về.

Sau ngày họp mặt, tôi từ giã vợ chồng Châm Khanh để về nhà Châu ở Oak Flats. Huyền Khanh, Huấn, Hoàng Khanh tới nhà đón, đưa tôi đi vòng quanh downtown bằng xe lửa, lúc này tôi mới biết cách bắt light train mà Châm Khanh diễn tả cách gì tôi cũng không hiểu. Vì tôi có xách theo trái bầu của phu quân Châm Khanh trồng, thể theo lời yêu cầu của Châu, Huấn sợ tôi còn đi chơi mà khiêng lễ mễ đồ đạc nặng nề nên đề nghị tôi bỏ đồ đạc trong xe, đậu ở một nhà ga, khi về sẽ đến lấy. Lên xe lửa, Huấn chợt nhớ ra, ở ga Central có chỗ để hành khách gởi hành lý nên đòi quay về lấy hành lý của tôi đem tới ga Central gởi cho tiện. Chúng tôi quyết định đi chơi về hẵng hay, thế là chúng tôi tiếp tục cuộc du hành downtown. Cả bọn đi từ phố này qua phố khác, bình thường đi lâu như vậy là tôi mệt đừ vậy mà ngày hôm ấy vui quá, không thấy mệt. Có lẽ mấy chị em vừa đi vừa nói chuyện nên càng đi càng thêm hưng phấn. Nghe tôi diễn tả muốn mua cái mũ đặc biệt chỉ có ở Úc, quanh viền có những nút điển, khi đầu lúc lắc thì những nút đó cũng lắc, có lẽ để đuổi ruồi, vì Úc rất nhiều … ruồi. Tôi cũng không biết mặt tròn mặt méo của cái mũ này, ngay cả người Úc mà còn không biết nữa là. Huấn nói tới chợ Paddy xem thử.

Những tầng trên của chợ không khác chi các shop ở khắp nơi. Khi xuống tầng dưới cùng, quang cảnh khác hẳn, giống y chợ Bến Thành ngày xưa. Các gian hàng chia lô nhỏ, tràn ngập hàng hóa, trông hoa cả mắt. Đi quanh chợ thấy giá cả dễ chịu, nếu không nói là rẻ, tôi tìm ra cái mũ mà bạn tôi ở Mỹ gọi điện thoại đặt hàng trước khi tôi lên máy bay đi Úc. Mừng quá, như vậy là không thất hứa. Thay vì chỉ mua 1 cái, tôi lấy luôn 10 cái nón!!! Mua rồi mới nghĩ làm sao đem về? Vì khi về tôi chỉ xách gọn nhẹ 1 carry on và một back pack mà thôi!!! Để rồi tính.

Đã đến trưa, tìm ra chỗ bán thức ăn ngon, Huấn rất nhiệt tình, đặt thức ăn, bưng thức ăn tới bàn cho mọi người. Các cửa hàng đã nhộn nhịp, cửa hàng thức ăn còn nhộn nhịp hơn, người đông quá, kiếm được bàn để ngồi cũng khó. Ăn xong kéo nhau đi uống nước. Đến đây Huấn để chúng tôi ngồi lại, trở về xe lấy hành lý đem đến cho tôi để tôi khỏi vất vả đi tới đi lui. Tôi thật là cảm động, không thể nói ra lời, dù là lời cám ơn cũng không đủ với tình cảm và nhiệt tình của Huấn.

Đúng 3g hẹn nhau ở đại sảnh của ga Central, Huấn, vai mang ba lô, tay xách … trái bầu xuất hiện. Chúng tôi bịn rịn từ giã. Thật không muốn chia tay chút nào cả.

Lên xe lửa mà hồn mơ màng, nhớ những phút giây tái ngộ đầm ấm thân tình mà mình được tận hưởng, cảm thấy quyết định đi Úc lần này của mình rất rất đúng.

Chuyến xe lửa này dừng lại ở Wollongong nên tôi phải bắt xe bus để về Oak Flats, thêm 1g ngồi xe bus nữa, nhưng mình đi du lịch mà, ngồi xe bus nhìn phong cảnh của xứ biển, những bãi biển chạy dài, những sườn núi sừng sững khiến vùng đất này vừa hiền hoà, vừa hùng vĩ. Tới nhà trời đã tối, nói chuyện chút xíu với Châu, tôi vào phòng lăn ra ngủ vì cả ngày đi quá nhiều.

Hôm sau vợ chồng Liên Châu đưa tôi đi loanh quanh vùng Wollongong, dừng ăn trưa ở một thị trấn nhỏ. Cách phục vụ của tiệm ăn này rất tệ, chúng tôi phải chờ 1 tiếng rưỡi để có 3 đĩa … fast food!!!

Ngày 15 tôi nói với Châu là tôi sẽ đáp xe lửa lên Central, tới chợ Paddy, nói về 1 cái mũ mua bị thiếu một nút nhỏ để lắc đuổi … ruồi. 10g chợ mới mở cửa, tôi đi quanh downtown xem thành phố. Downtown của Sydney lớn, đi cả ngày chưa chắc hết phố. Khi trở về, thấy shop đã mở cửa mà gian hàng dưới đất đóng im ỉm, té ra gian hàng này chỉ mở cửa từ thứ tư đến chủ nhật; thứ hai, thứ ba đóng cửa. Đành chờ vậy.

Tiện đường, tôi ra fish market, đi lang thang xem … người và ăn trưa. Đáp xe lửa về Oak Flats (lần này đã kinh nghiệm nên tôi chọn chuyến có ghé Oak Flats) đã hơn 5g. Ăn chiều với vợ chồng Châu rồi vào phòng sửa soạn hành lý, ngày mai về Sydney.

Chị Bích mời ăn một bữa để từ biệt. Từ chối mãi thì hóa ra khách sáo nên trưa 16 vợ chồng Liên Châu cùng tôi ghé đón chị Bích rồi ra Cabramatta ăn trưa.

Vợ chồng Châu và chị Bích đưa tôi đến tận nhà người bạn nhỏ. Mọi người từ giã nhau lưu luyến. Cám ơn, cám ơn sự tiếp đón nồng nhiệt của chị Bích và vợ chồng Châu.

Đêm hôm đó tôi thức đến 2g sáng để nói chuyện với người bạn lớn tuổi mới quen. Vì cùng thế hệ, cùng biết chung nhiều chuyện, nên chúng tôi có rất nhiều điều để nói không dứt.

Hôm sau tôi ra chợ Paddy để khiếu nại về chuyện cái nón thiếu 1 nút lắc móc ở cuối dây, họ đưa liền cho tôi 1 cái, thế là đủ bộ. Thấy còn sớm, tôi lại lang thang khắp phố, chiều mới bắt xe lửa về. Xuống xe bus đúng trạm đã được chỉ dẫn, nhưng khi đi vào đường nhỏ, vì đi lố 1 blog đường mà tôi loanh quanh cả 2 tiếng đồng hồ. Không sao, đi chơi ăn uống quá nhiều so với ngày thường, nay nhờ vậy, đi bộ, thể dục luôn. Về tới nhà đã quá 8g tối. Lại nói chuyện với người bạn lớn tuổi đến 4g sáng, sửa soạn ra phi trường.

Anh bạn trẻ đưa tôi ra phi trường, cùng nhau vào lounge ăn sáng rồi bịn rịn chia tay.

Phải ghé Brisbane đổi máy bay. Từ Brisbane đi thẳng đến phi trường LAX. Tôi sẽ ở lại Cali vài ngày để thăm bạn bè ở Cali rồi mới về Canada.

Em tôi dặn lên máy bay kỳ này, order món steak sandwich đặc biệt rất ngon. Nhưng thực đơn kỳ này không có món steak sandwich, có lẽ vì máy bay khởi hành từ Úc, không có món ăn này (của máy bay khởi hành từ Mỹ), vả lại tôi buồn ngủ nên ngủ suốt, bữa ăn dọn ra tôi chỉ ăn 1 món rồi rơi vào giấc ngủ hồi nào không biết, tiếp viên dọn bàn ăn, còn mấy món nữa nhưng tôi đã … ngủ.

Từ giã Sydney, nơi tôi được gặp lại những bạn bè của một thời êm đềm ngày xưa. Điều tôi muốn nói là tình cảm vẫn như xưa, thân thiết, nồng nàn chứ không bị cảnh xa mặt cách lòng. Cám ơn các bạn đã cho tôi những ngày nghỉ thật ấm áp.

Hương Cao
30-03-2016

Trở về đầu trang