Trở về trang chinh

HỒI ỨC VỀ MỘT NGƯỜI BẠN :
ANH TRỊNH KHÁNH TƯỚC

của Bùi Văn Minh

Lời giới thiệu: Bài này viết về anh Trịnh Khánh Tước, một người bạn cùng du học với tôi năm 1961 tại New Zealand trong Chương trình Học bổng Colombo (Colombo Plan Scholarship) . Anh Trịnh Khánh Tước có một thời gian ngắn đã làm việc cho Điện lực Việt Nam tại Nhà máy Nhiệt điện Thủ Đức. Sau đó anh là giáo sư giảng dạy tại trường Kỹ sư Hóa học Phú Thọ và giáo sư Đại học Minh Đức Sài Gòn từ 1969-1975. Rời VN, anh Tước đi định cư tại New Zealand. Anh là giáo sư thực thụ tại Đại học Palmerston North New Zealand và là giáo sư thính giảng cho các Đại học Canada, Singapore và VN. Anh Tước mất trong giấc ngủ vì bệnh tim cách đây 2 tuần, vào ngày 7 tháng 6, 2019.

Bài này đã được hội Cựu Sinh viên Trường Đại học Minh Đức đăng, nay tôi muốn gửi đăng trên Bản tin Online THĐL,

Bùi Văn Minh
Trung tuần tháng 6, 2019.

* * *

Trước hết tôi xin lỗi Chị Diệu Hương và tất cả các bạn Khóa 61 Colombo Plan về những thiếu sót hoặc sai sót về chính xác hoặc tên và những sự kiện khác trong bài viết này vì lớn tuổi rồi đầu óc không còn như xưa mong các bạn lượng tình tha thứ. Chúng tôi đi du học Tân Tây Lan dưới thời Tổng thống Ngô Đình Diệm vào năm 1961 trong buổi giao thời của các biến cố chính trị tại VN, khóa chúng tôi vào khoảng 20 người, gồm các học sinh xuất sắc và thủ khoa các trường trung học Pháp, Việt lớn và nổi tiếng nhất VNCH thời đó, liệt kê này nếu thiếu sót xin tha thứ và xin các bạn bổ túc giùm.


Tác giả, Bùi Văn Minh, năm 21 tuổi ở Tân Tây Lan.

- Quốc học Huế: Nguyễn Đình Thông, Nguyễn Văn Toại.
- Chu Văn An, Petrus Ký, và các trường trung học lớn khác tại Sài Gòn: Đào Kim Chung, Nguyễn Hữu Phương, Ngô Thế Hoành, Trần Bá Tước, Đinh Văn Quí, Ngô Trọng Ninh, Lê Quang Long, Nguyễn Văn Bảy, Thái Thành Phát, Chu Khắc Toàn, Nguyễn Đình Hương, Phạm Anh Dũng.
- Lycée Jean Jacques Rousseau: Trịnh Khánh Tước.
- Lycée Marie Curie: Lưu Bích Lộng.
- Collège Francais De Tourane: Vương Ngọc Diệp.
- Grand Lycée Yersin De Dalat: Bùi Văn Minh, Nguyễn Thượng Khanh.
- Couvent Des Oiseaux De Dalat: Lê Thị Ngọc Hà.

Trong năm 61, sau này có thêm ba người qua là: Nguyễn Thanh Trúc (Marie Curie), Huỳnh Hữu Hân (Petrus Ký), Hoàng Châu Thinh (deceased).


Các sinh viên và quan khách dự đám cưới của Diệp và Trúc.

Một nhân vật tôi muốn nói đến hôm nay là anh TRỊNH KHÁNH TƯỚC và những chi tiết gì tôi nhớ liên quan về anh. Lúc đến Wellington không biết vì vô tình hay cố ý mà Bộ Ngọai Giao Tân Tây Lan chia chúng tôi làm ba nhóm Bắc, Trung, Nam. Các bạn gốc người Bắc ở YMCA, nhóm gốc Trung ở Colombo Plan Hostel 52 Hobson St, nhóm gốc Nam ở Oriental Bay Hostel Wellington.

Thực sự việc chia nhóm này không làm chúng tôi xa cách nhau mà còn làm chúng tôi thân nhau hơn như anh em một nhà. Việc đầu tiên khi đến Wellington học English, tôi đã rất thân với anh Trịnh Khánh Tước vì trường Jean Jacques Rousseau và Yersin rất thân nhau.

Tôi nhớ việc đầu tiên mà chúng tôi làm cho External Affairs của Tân Tây Lan ngạc nhiên là đi mua hơn mười mấy chiếc xe Vespa và Lambretta mới tinh để đi chơi và đi học. Rồi thời gian ngắn sau đã tổ chức Vietnamese Evening đầu tiên tại Đại Học Victoria cho quan khách Tân Tây Lan, sinh viên du học Colombo Plan và bạn bè Tân Tây Lan. Việc này chưa có nhóm sinh viên ngoại quốc du học nào dám làm cả. Chúng tôi tổ chức văn nghệ VN, khoản đãi món ăn VN, phổ biến văn hóa VN cho Tân Tây Lan. Tôi nhớ anh Trịnh Khánh Tước được chúng tôi chọn làm MC và Speaker cho cả nhóm. Anh Tước đã làm cho mọi người ngạc nhiên kể cả Bộ Ngoại Giao, các giáo sư tại Victoria, và bạn bè người Tân Tây Lan về tài ăn nói ngoại ngữ rất chỉnh, không accent, rất dễ nghe và người đầu tiên dám kể jokes bằng tiếng Anh khiến cho mọi người nể phục và cười. Anh làm MC bận áo dài khăn đóng rất VN và nói tiếng Anh không thua một người bản xứ, và chị Lê Thị Ngọc Hà trình diễn piano rất chuyên nghiệp khiến mọi người mê mẩn và không hiểu bọn VN này được ai dạy dỗ mà quá giỏi như vậy.


Thầy Tước ngậm pipe và đội nón, tác giả BVM đội nón,
cô Diệu Hương và các bạn tiễn tác giả về VN.

Từ đây anh Tước rất được mọi người thương yêu kính phục và xứng đáng đại diện cho Sinh Viên Colombo VN.

Sau này anh Tước nói chuyện với tôi và khi về VN tôi có đến nhà anh Tước chơi nhiều lần nên biết rõ về anh Tước hơn. Gia đình anh Tước vốn là thượng lưu ngoài Bắc và Sài Gòn khi di cư 54. Ông cụ anh Tước là Trịnh Đình Quỳnh vốn là Thẩm Phán thời Tây và là Chánh Án Tòa Thượng Thẩm Sài Gòn dưới thời Tổng thống Ngô Đình Diệm. Ở Sài Gòn Tước ở đường Lê Lợi và có một người chị và bà cụ. Gia đình rất là gia giáo nên anh Tước có tính cách ăn bận rất là chỉnh tề, và phong cách rất thanh lịch và lịch sự như một British gentleman.

Sau thời gian ở Wellington tôi và anh Tước chuyển về Christchurch học kỹ sư ở School of Engineering Canterbury University. Trường Kỹ sư này mới xây xong, có giảng đường mới toanh nên chúng tôi rất thích, ngày ngày lái xe Vespa mới toanh đi học, sống một cuộc đời sinh viên sung túc.

Ở Christchurch thì sau năm đầu anh Tước ở nhà trọ với gia đình bảo trợ Tân Tây Lan và tôi thì ở Rolleston House với các anh Nguyễn Xuân Đào, Nguyễn Đỗ Khánh, Nguyễn Văn Toại, Đinh Văn Quí, Trần Bá Tước v.v… Ngày ngày chúng tôi gặp nhau tại trường kỹ sư học hành vui vẻ.

Thật sự tôi và Tước không có thì giờ "chỏng(1)" vì chúng tôi có những đề tài hoạt động tại Christchurch cho các bạn bè sinh viên VN tại đây, Tước và tôi tổ chức các cuộc du ngoạn bằng cách xin tiền Rotary Club đi du ngoạn Arthurs Pass và Queenstown cho các bạn đi chơi không tốn tiền, mỗi năm tổ chức Vietnamese Annual Dinner cho các bạn sinh viên Colombo Plan VN để có dịp Mít ngồi ăn, Tây rót rượu, Tây bưng gà cho Mít ăn. Rồi nghe anh Tước làm speech và kể jokes. Thật là một khoảng thời gian tuyệt vời của tuổi sinh viên.


Tác giả, thầy Tước và Nguyễn Thượng Khanh tại Vietnamese Evening ở Victoria University.

Lúc này tôi và Nguyễn Đình Thông cùng anh Nguyễn Xuân Đào làm sang đi mướn một căn nhà tại khu nhà giàu gần trường kỹ sư ILAM, nhà có vườn đẹp, piscine, garage và trồng đầy bông hoa và cỏ xanh, có ba phòng riêng, phòng khách nhà bếp, nơi này chúng tôi sống thoải mái bên cạnh những neighbours dễ thương nhà giàu, và là nơi hội họp thường xuyên tiếp rước bạn bè ở xa đến Christchurch, và những buổi tiệc tùng barbecue cuối tuần và ngày lễ. Thật sự cuộc sống học hành và du hí không “chỏng(1)” tí nào cả. Cũng tại ngôi nhà này mà cuộc tình lý tưởng của anh Nguyễn Xuân Đào và chị Vân Anh bắt đầu và tồn tại như một bài thơ cho đến ngày hôm nay.

Thời gian sau Thông lên Auckland làm PhD. Tôi và Tước quyết định mướn một ngôi nhà lớn hơn ở đường Sherbourne để làm trụ sở họp hành đón tiếp. Về ở với chúng tôi, Minh, Tước, Diệp thay nhau nấu ăn mỗi người một tuần, chia nhau dọn dẹp đi chợ và học hành.

Anh Tước lộ rõ chân dung và cá tánh khi ở chung với chúng tôi, anh rất chu đáo và vui vẻ hòa đồng, Tước thích ăn ngon nên mỗi lần anh nấu, anh toàn nấu đồ tây với rượu wine và bày biện bàn ăn đẹp với bát dĩa muỗng nỉa và hoa hoặc đèn cầy. Tước rất gầy, nhưng Tước ăn rất nhiều, nhiều hơn cả tôi và Diệp nữa, Diệp thường bảo TƯỚC LỎI nó gầy mà nó ăn nhiều như thế chắc đồ ăn đi xuống chân nó hết. Tước nấu ăn rất sang và ngon nhưng rất moody khi vui vẻ thì nấu rất tốt, nhưng khi buồn chuyện tình cảm hay việc gì khác thì cho chúng tôi ăn rất dở và không ngon, Diệp nhắc tôi sáng nay là có nhớ có lần Tước cho tôi và Diệp ăn cá khô (dry fish).

Tước bề ngoài rất lịch sự tươm tất đi đâu cũng áo veste cravatte, gilet, đội nón English và ngậm ống pipe, khuôn mặt Tước rất non và trẻ (Tước nhỏ tuổi hơn chúng tôi, nên Diệp gọi là TƯỚC LỎI) nên lúc nào cũng muốn làm cho mình đạo mạo hay già hơn. Nhưng nếu bạn vô tình mở cửa phòng của Tước bạn sẽ thấy một sự bừa bãi và vô trật tự đáng kể. Tuy nhiên, mỗi lần có đào đến Tước sửa soạn phòng ngủ đẹp có hoa, có đèn, áo quần treo hẳn hoi như một khách sạn 5 sao vậy.


Thầy Tước và cô Hương.

Chính tại ngôi nhà này mà mối tình thơ mộng TƯỚC HƯƠNG đã nảy nở và kết quả tốt đẹp hạnh phúc cho đến ngày hôm nay.

Và cũng tại ngôi nhà này mà Tước và tôi đã tổ chức đám cưới to lớn linh đình có rước dâu làm lễ tơ hồng cho hai bạn Diệp và Thanh Trúc, hôn nhân hạnh phúc và tốt đẹp cho đến cuối đời.


Trúc và Diệp cắt bánh cưới.

Năm 1965 chúng tôi tốt nghiệp kỹ sư và Tước đã tạo lịch sử khi lên lãnh bằng và đi parade trong quốc phục VN áo dài khăn đóng như các sĩ tử đời xưa vậy, chưa hề có graduate nào ở Canterbury làm như vậy cả.

Đến năm 1967 tôi về VN trước và năm sau đó Tước Hương và Diệp Trúc về sau.


Thầy Tước và cô Hương, phụ rể và phụ dâu
tại đám cưới của tác giả, Minh và Liên, năm 1970 tại Sài Gòn.
Tứ trái: Minh & Liên và Bùi Hồng Cẩm (khóa 60) đứng hàng sau.

Về VN tôi làm với chức vụ khá cao cấp tại nha Tài Chánh, Điện Lực Việt Nam và năm sau Tước cũng vào làm phòng Kiểm Soát Hóa Chất của nhà máy điện Thủ Đức, nhưng không bao lâu sau Tước về dạy tại Trường Kỹ sư Phú Thọ, khoa Kỹ sư Hóa học. Chị Hương vào làm Tổng Thư Ký trường Đại Học Vạn Hạnh. Các năm sau chị Hương đưa tôi và Diệp vào dạy thính giảng cho đại học này ngoài giờ làm việc.

Chúng tôi vẫn thường thăm viếng gặp nhau trong thời gian này, và Tước Hương là phụ rể và phụ dâu cho đám cưới của tôi và Liên vào năm 1970. Tôi rất hân hạnh có Tước trong dịp này, làm tôi rất hãnh diện vào nghề MC của Tước và người phụ rể giỏi và đẹp trai lịch sự nhất lúc đó, đã làm cho đám cưới thêm trịnh trọng.

Tước sau 75? Có những điều chưa ai biết về Tước. Phạm Nhật cho biết sáng ngày 30/4/75, Tước có dịp ra đi, nhưng quyết định ở lại vì muốn phụng dưỡng Mẹ già cho đến khi bà cụ mất mới chịu ra đi. Hành động hiếu thảo này ít người biết về Tước, Diệp nói thêm cho biết là sống với VC Tước cũng rất thành công và giàu có. Tước may mắn vì dạy ở Phú Thọ nên không bị học tập và đi kinh tế mới, và ở lại làm kinh doanh. Chế xà bông để bán và chế acid để đổ vào các bình accu để bán vì VC không có chất này nên accu chạy không được. Tước bán acid rất giàu và có khi đem về cho chị Hương cả bao bố tiền VC. Tiền này chắc chị Hương không đủ xài vì đó là tiền giấy VC.

Tước và các bạn Long, Quí, Tư, Liễu được Tân Tây Lan can thiệp để qua Tân Tây Lan định cư vào khoảng 1990, Tước định cư ở Palmerston North làm giáo sư thực thụ cho trường này và rất thành công, cũng như làm giáo sư thính giảng cho Canada, Singapore. Các cháu con Tước đều học giỏi và thành công với các bằng PhD cao nhất.

Tôi còn nhớ năm 2012, tôi và Liên đi cruise Úc và Tân Tây Lan, đến Auckland được các bạn Long, Tư, Liễu và Dương v.v… đón tiếp rất là nồng hậu với ba bữa ăn linh đình và sang trọng, tôi rất vui vì ngày hôm đó anh Tước đã bỏ dạy và bay từ Singapore về để gặp tôi và chị Hương cũng đi xe lửa từ Palmerston North đến Auckland. Tước nói với tôi là nhờ thiền và tập Dịch Cân Kinh (Chikung) mà vẫn trẻ, khỏe sau vụ mổ tim mấy năm trước. Tôi tin lời Tước vì Tước muốn làm già để râu ăn bận theo các British gentleman và ngậm pipe phì phèo nhưng vẫn không che giấu được khuôn mặt baby face của Tước. Hôm xưa thích ăn kem TipTop ở Tân Tây Lan mà Tước hay gọi là kem ChipChop vì giọng nói hơi baby của Tước (ref: Cô Thanh Trúc nhắc tôi về chuyện này sáng hôm nay.)

Vài lời với các Bạn khóa 61 và anh Tước:

“TƯỚC ơi, lúc trước cậu hay đọc cho tớ nghe câu: NGƯỜI LÍNH GIÀ KHÔNG CHẾT MÀ CHỈ BIẾN ĐI THÔI (fade away). Bây giờ tôi xin lặp lại “MÍT CHỎNG(1)” GIÀ KHÔNG CHẾT MÀ CHỈ BIẾN ĐI LÊN THIÊN ĐÀNG (thay đổi địa chỉ from Earth to Paradise). Cậu lên đó đã có những bạn khóa 61 đang chờ bạn và những bạn khác sẽ lên gặp cậu sau này. Cậu vui lên mà gọi DMV thay đổi địa chỉ trên bằng lái xe thôi. Các bạn thân của cậu như: Đào Kim Chung, Trần Bá Tước, Nguyễn Đình Hương, Nguyễn Đình Thông, Thái Thành Phát, chị Lê Thị Ngọc Hà sẽ đàn piano classic cho cậu nghe và cậu sẽ vui sau nầy. Cậu sẽ tổ chức Vietnamese Evening, Annual Dinner, sẽ bưng gà rót rượu và kể jokes cho Ngọc Hoàng nghe.”

Au Revoir, Good Bye, See you again Tước.

Tất cả các bạn cùng khóa và cùng năm 61 với Bạn ở Tân Tây Lan:
Bùi Văn Minh
Vương Ngọc Diệp
Thanh Trúc
Nguyễn Xuân Đào
Vân Anh
Phạm Nhật

***

(1) “chỏng” : nhàn nhã, không có việc gì làm, nằm chỏng.

Trở về đầu trang