Trở về trang Mục lục

Dẫn nhập : Trích Email của tác giả Đỗ Tùng gửi THĐL

Dạo này thỉnh thoảng tôi bỗng quên một vài chữ thông thường, cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt. Tôi nghĩ là bệnh lãng trí (dementia) đang lò dò đến thăm tôi. Dĩ nhiên tôi không thể để nó hoành hành without a fight!

Và cách tôi chống lại bệnh lãng là một project dài hạn: dịch một bộ trường thiên tiểu thuyết dài hơn 1500 trang (hy vọng không bỏ cuộc giữa đường!).

Tôi đọc bộ truyện này (nguyên tác tiếng Anh) cách đây hơn 5 năm, rất thích. Nếu ai đã đọc và thích bộ truyện Thạch Kiếm của Eiji Yoshikawa thì chắc sẽ thích bộ truyện này. Riêng tôi thì thích bộ này hơn cả bộ Thạch Kiếm vì biến chuyển nhanh hơn, nhiều action hơn và không gian cũng như con người rộng lớn hơn.

Gởi các anh chị chương 1 của cuốn 1. Mong nhận được ý kiến và phê bình.

Happy reading!

Đây là lần đầu tiên tôi dịch tiểu thuyết, chưa tự tin lắm nên cần lắng nghe ý kiến của người khác, khen hay chê đều trân trọng.

Tôi dự định khi nào dịch xong cuốn 1 mới tiết lộ nhan đề nguyên tác, vì sợ nói sớm thì bản dịch sẽ bị ế, không ai đọc!

Tùng
Th. 2/2015

***

CHƯƠNG 1

Mẹ tôi thường dọa sẽ xé tôi thành tám mảnh nếu tôi làm đổ thùng nước hay giả vờ không nghe mẹ gọi về nhà khi trời sẫm tối lúc tiếng ve kêu ran nhiều hơn. Tiếng mẹ gọi, khô và mạnh, vang vọng trong thung lũng vắng. "Thằng ranh đâu rồi? Về đây tao sẽ xé xác nó ra."

Nhưng khi tôi trở về nhà, người lấm bùn vì trượt xuống dốc đồi, hay bầm tím vì đánh nhau, có lúc chảy máu thành vòi vì bị đá chọi vào đầu (mà bây giờ vẫn còn vết sẹo, trông như móng tay bằng bạc), thì trong nhà đã có bếp lửa ấm cúng, mùi thơm của canh, và vòng tay mẹ, thay vì xé xác tôi, đang cố ôm ghì lấy tôi, lau mặt hay vuốt tóc tôi cho thẳng, còn tôi thì vặn người như con thằn lằn muốn thoát ra khỏi vòng tay ôm của mẹ. Mẹ rất khỏe nhờ suốt ngày làm việc tay chân nặng nhọc, và vẫn còn trẻ: Mẹ sinh tôi khi chưa đến mười bảy tuổi, và khi ở trong vòng tay mẹ tôi nhận ra mình có màu da của mẹ, mặc dù tôi không giống mẹ ở những điểm khác. Bà có dáng người to lớn và trầm tĩnh, còn tôi (chỉ nghe người ta nói vì trong cái làng Mino nhỏ bé xa xôi này không ai có gương soi) có dáng thanh hơn, như một con chim ưng. Dù tôi rán vặn người hay vùng vẫy nhưng vẫn không thoát ra được vòng tay mạnh mẽ của mẹ, và phần thưởng của bà là được ôm tôi, thì thầm bên tai tôi lời kinh chúc lành của những người Hidden, trong lúc dượng ghẻ tôi khẽ càu nhàu là mẹ làm tôi hư, các em gái tôi thì nhảy quanh đòi được ôm hôn và chúc lành.

Làng Mino là một nơi yên bình, vì hẻo lánh nên không bị tàn phá bởi cuộc chiến giữa các bộ tộc. Tôi không bao giờ tưởng tượng thân con người có thể bị xé thành tám mảnh, những cánh tay đôi chân mạnh khỏe màu mật ong có thể bị xé tung ra và ném cho đàn chó đói đang chờ chực. Lớn lên giữa những người Hidden hiền hòa, tôi không biết giữa người và người có thể làm những chuyện như thế.

Khi tôi mười lăm tuổi thì mẹ không thể giữ tôi trong vòng tay của bà được nữa. Chỉ trong một năm tôi đã cao thêm một tấc rưỡi, và đến mười sáu tuổi thì đã cao hơn dượng ghẻ tôi. Ông ta càng càu nhàu nhiều hơn, rằng tôi nên nghiêm chỉnh, không được chạy rông khắp núi rừng như một con khỉ hoang dã mà phải lấy vợ, một cô gái nào đó trong làng. Tôi không phản đối chuyện lấy một trong những cô gái đã cùng trải qua thời thơ ấu, và mùa hè đó tôi làm việc nhiều hơn cùng với ông, sẵn sàng trở thành một người đàn ông trưởng thành trong làng. Thế nhưng thỉnh thoảng tôi không cưỡng được sự mời gọi quyến rũ của núi rừng, và cuối ngày khi đã xong công việc tôi thường lẻn đi, băng qua những bụi tre thân cao, trơn và sáng màu xanh, leo lên các lối đi lởm chởm đá vượt qua ngôi miếu thờ thần núi, là nơi dân làng thường để lại đồ cúng như cháo kê và cam, để vào khu rừng nhiều cây bạch dương và bách hương, nơi có tiếng hót lôi cuốn của chim cu và họa mi, và cũng là nơi tôi thường ngắm những chú chồn và nai nhảy nhót hay nghe diều hâu kêu buồn bã trên không.

Chiều hôm đó tôi đang ở trên núi, đúng ngay chỗ loại nấm ngon nhất thường mọc. Tôi nhặt đầy một bao vải, loại nấm màu trắng nhỏ như sợi chỉ và loại màu cam đậm có hình quạt. Tôi đang suy nghĩ là bao nấm này sẽ làm mẹ rất hài lòng và dượng sẽ im lặng không trách mắng. Tôi nghe như đã có mùi nấm xào ngọt ngào trên lưỡi. Khi chạy băng qua khoảng rừng tre đến cánh đồng lúa nơi hoa huệ đỏ mùa thu đang nở, tôi tưởng như ngửi thấy được mùi xào nấu bay trong gió.

Chó trong làng sủa vang, như chúng vẫn thường sủa vào cuối ngày. Mùi khét nhiều hơn. Lúc đó tôi không thấy sợ hãi nhưng hình như có điềm báo hiệu gì đó làm tim đập nhanh hơn. Tôi thấy một đám cháy trước mặt.

Hỏa hoạn thường xảy ra ở làng tôi vì mọi thứ trong làng đều làm bằng gỗ hay rơm rạ. Nhưng lúc đó tôi không nghe ai kêu la, không có tiếng người chuyền tay những thùng nước chữa cháy, không có tiếng kêu khóc chửi thề thường lệ. Ve kêu ran hơn bao giờ, ếch nhái gọi nhau ngoài đồng. Không khí nặng nề và ẩm ướt.

Tôi toát mồ hôi, nhưng mồ hôi trở nên lạnh ngắt trên trán. Tôi nhảy qua rãnh nước ở khoảng ruộng bậc thang cuối cùng và nhìn xuống phía dưới đồi nơi có căn nhà tranh của gia đình tôi. Căn nhà đã biến mất.

Tôi men đến gần hơn. Đám lửa vẫn còn cháy và liếm đen cột nhà. Không thấy mẹ và các đứa em gái ở đâu. Tôi rán gọi họ nhưng lưỡi như cứng lại, khói làm tôi nghẹt thở và nước mắt chảy ràn rụa. Cả làng đang chìm trong lửa nhưng mọi người đi đâu cả rồi?

Bỗng nhiên có tiếng kêu la vang lên.

Tiếng kêu la xuất phát từ phía đền thờ, là nơi chung quanh có nhiều khóm nhà của dân làng. Tiếng kêu la nghe như tiếng chó tru vì đau đớn, nhưng tôi vẫn nhận ra tiếng người kêu hét trong đau khổ. Tôi nhận ra tiếng niệm kinh Hidden, lông tóc trên gáy trên tay tôi đều dựng lên. Len lỏi như bóng ma giữa các căn nhà đang cháy dở, tôi đi lần về phía có tiếng động.

Khắp cả làng hoàn toàn vắng vẻ. Tôi không thể tưởng tượng mọi người biến đi đâu. Tôi tự nhủ họ đã chạy trốn, mẹ đã dẫn mấy đứa em gái chạy vô rừng ẩn núp an toàn. Tôi sẽ đi tìm họ nhưng trước hết tôi phải xem ai đang la hét. Khi bước ra khỏi con đường hẻm tôi chợt thấy hai xác người đàn ông nằm trên đường cái. Cơn mưa chiều nhẹ đang bắt đầu rơi, khuôn mặt của hai xác người có vẻ ngạc nhiên không hiểu vì sao họ lại nằm trên đường dưới cơn mưa. Họ sẽ không bao giờ ngồi dậy và chẳng quan trọng gì việc áo quần họ bị đẫm ướt vì mưa.

Một trong hai người đó là dượng tôi.

Ngay lúc đó thế giới như hoàn toàn khác lạ đối với tôi. Hình như có một màn sương mù dâng lên trước mắt và khi làn sương tan biến thì mọi sự trở nên mơ hồ. Tôi cảm giác như đang bước vào một thế giới xa lạ, cái thế giới chỉ hiện hữu trong những giấc mơ. Dượng lúc đó đang mặc bộ áo quần đẹp nhất. Màu chàm của áo sẫm lại vì mưa và máu. Tôi thấy buồn vì nó bị hư hỏng: Dượng rất hãnh diện về bộ áo quần đó.

Tôi tiếp tục đi tới, xuyên qua cổng vào trong đền thờ. Nước mưa mát lạnh trên mặt tôi. Đột nhiên tiếng la hét ngưng lại.

Phía trong đền thờ có nhiều người lạ tôi không nhận ra. Họ dường như đang thực hiện một nghi lễ nào đó. Họ bịt khăn trên đầu, áo khoác được cởi ra làm lộ những cánh tay ướt sáng vì mồ hôi và nước mưa. Họ thở hổn hển lẫn cả rên rỉ, cười nhe hàm răng trắng, dường như giết người là một công việc nặng nhọc không kém việc đồng áng.

Nước nhỏ giọt từ bồn chứa nước để rửa tay và súc miệng trước khi vào đền. Trước đó, khi mọi sự vẫn còn bình thường, có ai đã thắp nhang trong lư hương, và mùi hương vẫn còn phảng phất như át đi cái mùi đắng nghét của máu và chết chóc.

Một xác người nằm trên nền đá ướt. Từ cái đầu lăn lóc kế bên tôi nhận ra đó là Isao, trưởng thôn của những người Hidden. Miệng ông Isao vẫn còn mở ra, đông cứng lại trong nỗi đau xoắn cuối cùng.

Những kẻ giết người để áo khoác chồng lên nhau ngăn nắp cạnh cột đền. Tôi thấy rõ phù hiệu ba lá sồi và nhận ra họ thuộc bộ tộc Tohan từ thủ phủ Inuyama. Tôi còn nhớ một kẻ lữ hành đi qua làng hồi tháng bảy. Tối đó ông ta qua đêm ở nhà tôi và khi mẹ cầu nguyện trước bữa ăn, ông ta đã ngăn lại. "Bà không biết là tộc Tohan ghét đạo Hidden và có ý định trừ khử chúng ta hay sao? Ngài Iida đã thề sẽ tiêu diệt chúng ta đó," ông ta thì thầm. Hôm sau mẹ và dượng đã tìm đến báo tin cho ông Isao nhưng không ai tin họ. Làng chúng tôi ở xa thủ phủ và những tranh dành quyền lực giữa các bộ tộc chưa bao giờ làm họ bận tâm. Trong ngôi làng nhỏ bé của chúng tôi, những người Hidden vẫn sống yên bình bên cạnh những người khác, không có gì khác biệt từ bề ngoài cho đến sinh hoạt, chỉ trừ cách cầu nguyện. Tại sao lại có người muốn hại chúng tôi? Không thể hiểu được.

Dường như tôi vẫn chưa hiểu được và đứng cứng người cạnh bể nước. Nước vẫn nhỏ giọt và tôi muốn lấy nước để rửa khuôn mặt đầy máu của Isao và nhẹ nhàng khép miệng ông lại, nhưng tôi không thể cử động. Tôi biết đám người Tohan có thể quay lại bất cứ lúc nào và họ sẽ thấy và xé người tôi thành nhiều mảnh. Họ sẽ không thương hại hay xót xa chút nào, vì chính họ đã bị uế nhiễm bởi sự chết chóc khi dám giết người trong đền thờ.

Tôi nghe thật rõ ràng tiếng ngựa phi từ xa xa nghe như tiếng trống. Khi tiếng vó ngựa đến gần tôi có cảm giác như biết trước sự việc mà một giấc mơ nào đó trong quá khứ đã báo hiệu. Tôi biết người đang phi ngựa, lúc đó vừa đến ngay giữa cổng đền, là ai. Tôi chưa bao giờ thấy ông ta trong đời, nhưng mẹ thường dùng tên ông ta như một thứ "ông kẹ" để dọa chúng tôi phải vâng lời: Đừng đi lạc trên núi, đừng chơi dưới sông, ông Iida sẽ bắt mày! Tôi nhận ra ngay lập tức. Iida Sadamu, lãnh chúa Tohan.

Con ngựa chổng vó trước lên và hí vang khi ngửi mùi máu. Iida vẫn ngồi vững vàng trên yên tựa như người ông ta đúc bằng thép. Iida khoác bộ áo giáp màu đen che từ đầu đến chân, trên mũ gắn gạc nai. Bộ râu ngắn tô điểm cho cái miệng độc ác. Mắt ông ta sáng quắc, như một người săn nai.

Cặp mắt sáng của Iida bỗng bắt gặp tia mắt của tôi. Tôi biết ngay hai điều về ông ta: thứ nhất, Iida không sợ gì trên trời hay dưới đất; thứ hai, Iida thích giết người mà không cần lý do. Iida giờ đã nhìn thấy tôi, không còn hy vọng gì nữa.

Iida rút gươm. Chỉ một điểm duy nhất cứu tôi là con ngựa do dự không muốn đi qua cổng đền. Nó lại chổng vó trước và nhảy lùi. Iida hét lên. Đám thủ hạ ông ta ở trong đền quay lại và nhìn thấy tôi, đồng loạt hét lên bằng giọng Tohan cộc cằn. Quên cả phỏng tay, tôi chụp vội đống chân hương đang cháy dở và chạy về phía cổng đền. Khi con ngựa của Iida né qua một bên, tôi đâm những cây hương đang cháy vào sườn con ngựa. Nó chổng vó trên đầu tôi, cặp chân khổng lồ vút qua má tôi. Tôi nghe tiếng rít của gió kiếm đang chém xuống. Tôi biết đám Tohan đang bao vây. Dường như không thể nào họ vuột tôi được, nhưng tôi cảm giác như mình tách làm hai. Tôi thấy lưỡi kiếm của Iida đang chém xuống tôi nhưng lại không trúng. Tôi lại nhào vào con ngựa. Nó khịt lên vì đau và liên tiếp nhảy chụm bốn vó. Iida, mất thăng bằng vì đường kiếm không trúng mục tiêu, ngã về phía trước lộn qua cổ con ngựa và rơi nặng nề trên mặt đất.

Khủng khiếp bám chặt và làm tôi hoảng loạn. Tôi đã làm lãnh chúa Tohan ngã ngựa. Không có một tra tấn hay đau đớn nào có thể chuộc được cái tội tày trời đó. Có lẽ tôi nên đập đầu xuống nền đá chết đi để khỏi phải chịu nhục hình. Nhưng tôi biết mình chưa muốn chết. Cái gì đó sôi lên trong máu và nói rằng tôi không thể chết trước Iida. Tôi phải chứng kiến Iida chết trước.

Tôi không biết gì về chiến tranh giữa các bộ tộc, không hiểu gì về các quy luật và những hận thù của họ. Tôi sống từ nhỏ giữa những người đạo Hidden, là những người được dạy dỗ phải biết tha thứ và không bao giờ được giết ai. Nhưng lúc đó tôi đã trở thành một học trò ngoan ngoãn của Hận Thù. Tôi nhận ra "ông Thầy" ngay lập tức và học được ngay những bài học của Hận Thù. Ông Thầy trở thành điều tôi khao khát, Hận Thù sẽ cứu rỗi tôi khỏi trở thành một con ma sống. Trong khoảnh khắc đó thù hận nhập vào tim, tôi như điên cuồng đá vào một gã gần nhất ngay giữa hai chân, cắn vào tay một gã vừa chụp tôi, lách khỏi đám đông và chạy về phía rừng.

Ba gã đàn ông rượt đuổi theo tôi. Bọn nó to lớn và chạy nhanh hơn, nhưng tôi rành địa thế, và màn đêm đang buông xuống. Mưa cũng nặng hạt hơn, làm cho con dốc lên núi trơn trượt và nguy hiểm. Hai gã trong bọn chúng luôn miệng gọi tôi, hăm dọa và chửi thề bằng thứ ngôn ngữ tôi không hiểu nhưng có thể đoán được. Gã thứ ba lầm lì đuổi theo không nói một tiếng, và hắn chính là tên tôi sợ nhất. Hai gã kia có thể bỏ cuộc nửa chừng để quay về với đồng bọn và những vò rượu bắp hay một thứ rượu quái quỷ gì đó mà bọn Tohan thường nhậu nhẹt, và tuyên bố đã lạc mất con mồi là tôi ở trong rừng. Nhưng cái gã lầm lì sẽ đuổi đến cùng cho đến khi giết được tôi.

Khi gần đến thác nước thì lối đi trở nên dốc hơn, hai gã lắm mồm chạy chậm lại nhưng gã lầm lì lại tăng tốc độ, như những con thú thường làm khi chạy lên dốc. Chúng tôi đã vượt qua đền thờ; một con chim đang ăn mấy hạt kê vụt bay lên lộ rõ màu xanh lục và màu trắng trên đôi cánh. Lối đi hơi vòng qua thân cây bách hương khổng lồ, và trong khi tôi đang chạy với cặp giò nặng như đá và hơi thở hổn hển vừa vòng qua thân cây thì từ trong tối một bóng người hiện ra cản trước mặt.

Tôi chạy nhào vào người đó. Ông ta cằn nhằn như thể hụt hơi, nhưng ông ta ngay lập tức giữ chặt lấy tôi. Ông nhìn vào mặt tôi và có cái gì đó thoáng qua trong đôi mắt ông: ngạc nhiên và nhận ra điều gì. Cái gì đó không rõ nhưng làm ông ta giữ tôi chặt hơn. Lần này thì không thể thoát được. Gã Tohan dừng lại phía sau, và tiếng chân nặng nề của hai gã kia cũng dừng lại sau đó.

"Xin lỗi ngài," gã lầm lì lên tiếng với giọng nói vững vàng, "ngài đã bắt được tên tội phạm chúng tôi rượt đuổi. Xin cảm ơn."

Người đàn ông xoay người tôi lại đối diện với những kẻ rượt đuổi. Tôi như muốn gào lên cầu xin ông ta, nhưng biết chẳng ích gì. Tôi cảm nhận được lớp vải áo mềm và bàn tay mềm mại của ông ta. Không nghi ngờ gì nữa, ông ta phải là một người quý tộc, như Iida. Họ đều giống nhau. Ông ta sẽ không giúp gì tôi. Tôi đứng yên không nói, thầm nghĩ về những lời kinh cầu nguyện mẹ dạy, suy nghĩ thoáng qua về con chim.

"Tên tội phạm này đã làm gì?" người quý tộc hỏi.

Gã Tohan đứng trước tôi có khuôn mặt dài như mặt chó sói. "Xin lỗi," gã nói tiếp, bớt vẻ lịch sự. "Chuyện đó không liên quan đến ngài. Đó là việc của ngài Iida Sadamu và Tohan."

"Hừ !" người quý tộc lầm bầm. "Vậy sao? Ngươi là ai mà dám nói việc nào có liên quan đến ta hay không?"

"Cứ giao gã kia cho chúng tôi!" gã mặt sói gằn giọng, không còn chút gì lịch sự nữa. Khi gã mặt sói bước tới trước, tôi biết ngay là người đàn ông quý tộc sẽ không giao tôi cho bọn Tohan. Với một động tác gọn gàng, ông ta gạt tôi ra phía sau lưng và buông tôi ra. Lần thứ hai trong đời tôi nghe tiếng kiếm rút ra khỏi vỏ. Gã mặt sói rút dao ra, còn hai gã kia cầm gậy. Vị quý tộc đưa kiếm lên với cả hai tay, bước ngang và hươi một đường kiếm chém bay đầu một gã cầm gậy, xoay lại gã mặt sói và chém đứt cánh tay phải của gã, và con dao vẫn còn nằm trong cánh tay đứt lìa.

Mọi chuyện xảy ra trong chớp mắt nhưng tôi có cảm giác như vĩnh viễn không chấm dứt. Nó xảy ra trong ánh sáng cuối cùng của ngày, trong cơn mưa, nhưng khi nhắm mắt lại tôi vẫn thấy rõ mồn một từng chi tiết.

Cái xác không đầu rơi đánh thịch trên đất và máu phun thành vòi, trong khi cái đầu lăn xuống dốc. Gã thứ ba buông rơi cây gậy và xoay mình chạy lui kêu cứu. Gã mặt sói quỳ trên đất đang tìm cách cầm máu chảy ra từ cùi chỏ của nửa cánh tay còn lại. Gã im lặng không kêu la.

Vị quý tộc chùi thanh kiếm và thọc kiếm vào bao ở thắt lưng. Ông ta bảo tôi: "Nào ta đi."

Tôi đứng run rẩy không bước đi được. Người đàn ông này không biết từ đâu đến. Ông ta đã giết người ngay trước mắt tôi chỉ để cứu tôi. Tôi quỳ sụp xuống đất trước mặt ông ta, tìm một lời nói để cảm ơn.

"Đứng lên," ông ta bảo. "Chỉ lát nữa thôi bọn chúng sẽ đuổi theo chúng ta."

"Tôi không thể bỏ đi," tôi cố gắng nói. "Tôi phải tìm mẹ tôi."

"Bây giờ không được. Chúng ta phải chạy trốn đã!" Ông ta kéo tôi đứng lên và vội vàng dẫn tôi chạy lên dốc. "Chuyện gì đã xảy ra dưới kia?"

"Bọn chúng đốt làng và giết người ..." Hình ảnh dượng nằm chết làm tôi nghẹn lời không nói tiếp được.

"Những người theo đạo Hidden?"

"Dạ," tôi nói nhỏ.

"Chuyện đó xảy ra mọi nơi trong khu vực này. Iida khuấy động sự thù ghét đạo Hidden khắp nơi. Ta đoán ngươi là một người của đạo Hidden?"

"Dạ vâng." Tôi thấy ớn lạnh, mặc dù lúc đó là cuối mùa hè, nước mưa vẫn còn ấm, nhưng tôi chưa bao giờ thấy rét lạnh như thế. "Nhưng đó không phải là lý do duy nhất khiến bọn nó đuổi theo. Tôi đã làm ngài Iida ngã ngựa."

Vị quý tộc bắt đầu cười hô hố làm tôi ngạc nhiên. "Đó là một chuyện đáng xem ! Nhưng ngươi sẽ bị nguy hiểm gấp đôi. Vì đó là một sự sỉ nhục mà Iida phải thanh toán. Tuy nhiên, ngươi đang ở dưới sự bảo trợ của ta. Ta sẽ không để Iida bắt được ngươi đâu."

"Ngài đã cứu sống tôi. Mạng sống tôi tùy thuộc vào ngài kể từ hôm nay."

Ông ta lại cười vì một lý do gì đó không hiểu. "Chúng ta phải đi bộ một đoạn đường dài, bụng thì đói, áo quần thì ướt. Nhưng chúng ta phải vượt qua khỏi rặng núi này trước khi trời sáng, là lúc bọn nó bắt đầu săn đuổi chúng ta." Ông bắt đầu rảo bước nhanh và tôi chạy theo, quyết tâm không để đôi chân run rẩy hay hàm răng đánh lập cập. Tôi không biết cả tên ông ta, nhưng tôi không muốn ông ta thất vọng và hối hận đã cứu mạng tôi.

"Ta là Otori Shigeru," ông nói khi chúng tôi bắt đầu leo lên đèo. "Thuộc bộ tộc Otori từ Hagi. Nhưng khi ta đi du hành thì không dùng tên đó nên ngươi không được gọi ta bằng tên đó."

Đối với tôi Hagi là một nơi chốn xa xôi như mặt trăng, và mặc dù tôi có nghe qua tên bộ tộc Otori, điều duy nhất tôi biết về họ là cách đây khoảng mười năm họ bị tộc Tohan đánh bại trong một trận chiến ác liệt trên cánh đồng Yaegahara.

"Tên ngươi là gì hả cậu bé?"

"Tomasu."

"Đó là một tên thường gặp ở những người Hidden. Tốt hơn là bỏ tên đó đi." Ông ta im lặng một lúc rồi bật nói: "Có thể đặt tên cho ngươi là Takeo."

Như thế giữa thác nước và đỉnh núi nơi chúng tôi vừa leo lên tôi đã mất tên mình, trở thành một người khác, và đưa số phận mình vào chung với bộ tộc Otori.

***

Lạnh và đói, mặt trời lên khi chúng tôi đến làng Hinode, một nơi nổi tiếng có nhiều suối nước nóng. Chưa bao giờ tôi đi xa nhà như thế này. Những điều tôi biết về Hinode chỉ là những gì mà tụi trẻ con trong làng xầm xì: đàn ông thì lường gạt, đàn bà thì nóng hổi như những con suối nước nóng, sẵn sàng ngủ với đàn ông với giá một ly rượu. Tôi chưa có dịp tìm hiểu xem có điều nào đúng sự thật hay không. Không ai dám lừa gạt ngài Otori, và người đàn bà duy nhất tôi thấy ở Hinode là bà vợ ông chủ quán dọn cơm cho chúng tôi.

Tôi cảm thấy xấu hổ vì bên ngoài tồi tàn của mình với bộ áo quần cũ vá chằng vá đụp đến nỗi không ai biết cái áo nguyên thủy màu gì, lại thêm bẩn thỉu và dính máu. Tôi không nghĩ là ngài Otori cho tôi ngủ trong phòng trọ với ông. Tôi cứ tưởng là sẽ ngủ ở chuồng ngựa. Nhưng dường như ông muốn tôi thường xuyên ở trong tầm mắt. Ông ta bảo bà chủ quán giặt áo quần của tôi và đưa tôi đến suối nước nóng để kỳ cọ. Khi trở lại quán trọ tôi cảm thấy buồn ngủ vì được tắm nước nóng sau một đêm không ngủ, buổi ăn sáng đã được dọn ra trong phòng và Otori đang dùng bữa. Ông ta ra hiệu tôi ngồi vào ăn. Tôi quỳ xuống trên sàn và cầu nguyện như vẫn thường làm trước bữa ăn đầu tiên trong ngày.

"Ngươi không được làm vậy," Ngài Otori nói miệng đầy thức ăn. "Ngay cả khi một mình. Nếu ngươi muốn sống, thì phải quên đi một phần thói quen trước đây. Quên đi mãi mãi." Ông ta nuốt thức ăn trong miệng và ăn đầy một miệng khác. "Có những điều tốt đẹp hơn để hy sinh đời sống."

Tôi tin rằng một tín đồ thì phải đòi hỏi được cầu nguyện. Những người chết trong làng hôm qua có lẽ đã làm như vậy. Tôi nhớ lại những cặp mắt vô hồn trống trải và kinh ngạc của họ. Tôi ngừng cầu nguyện và bỗng no ngang.

"Ăn đi," ông ta nói, không có vẻ nghiêm khắc. "Ta không muốn phải vác ngươi suốt đoạn đường đi Hagi."

Tôi rán ăn một chút để ông ta khỏi khinh thường. Xong xuôi ông bảo tôi đi kêu bà chủ quán đến trải giường. Tôi cảm thấy không thoải mái khi phải ra lệnh cho bà chủ quán, không những vì tôi nghĩ là bà ta sẽ cười vào mũi và bảo tôi có hai tay để làm gì, mà còn vì lý do giọng nói của tôi. Không hiểu sao tôi đang mất dần tiếng nói, dường như lời lẽ trở nên quá yếu đuối để diễn tả những gì tôi đã chứng kiến. Nhưng khi bà ta hiểu được tôi muốn nói gì thì bà gập mình chào và vội vàng đi ngay.

Ngài Otori nằm xuống nhắm mắt lại, và hình như ngủ ngay lập tức.

Tôi cũng tưởng là sẽ ngủ được ngay nhưng đầu óc cứ suy nghĩ lung tung, choáng sốc và kiệt lực. Bàn tay bị phỏng hôm qua vẫn còn đau, và tôi nằm đó lắng nghe mọi thứ chung quanh một cách rõ ràng thật kinh ngạc – từ tiếng người nói trong bếp đến những âm thanh từ xa ở trong phố. Tâm trí tôi liên tục nghĩ về mẹ và mấy đứa em gái. Tôi tự nhủ thầm là họ vẫn còn sống, có lẽ họ đã chạy trốn và được an toàn. Mọi người trong làng đều mến mẹ tôi. Bà ta sẽ không chọn lựa cái chết. Mặc dù mẹ sinh ra trong một gia đình Hidden, bà không phải là người cuồng tín. Bà thường thắp hương ở đền thờ và mang đồ cúng thần núi. Chắc chắn mẹ, với khuôn mặt rộng, bàn tay thô nhám và màu da bánh mật, vẫn còn sống, không phải nằm giữa trời, đôi mắt sắc mở trừng trừng, trống rỗng và kinh ngạc, với con gái nằm chết kế bên!

Mắt của tôi không trống rỗng mà đầy nước mắt. Tôi vùi mặt vào tấm nệm giường và cố gắng cầm nước mắt. Tôi không thể giữ cho vai khỏi rung từng chập và hơi thở nức nở từng hồi. Một lúc sau tôi cảm thấy có ai đặt tay trên vai và ngài Otori nói nhẹ nhàng, "Chết chóc thường đến bất ngờ và sự sống mỏng manh ngắn ngủi. Không ai có thể thay đổi điều đó, bằng cầu nguyện hay tụng niệm. Con nít có thể khóc la nhưng người lớn phải chịu đựng, không than khóc."

Giọng nói ông ta bỗng vỡ òa ở chữ cuối. Ngài Otori cũng đau đớn không kém tôi. Mặt ông đanh lại nhưng nước mắt vẫn chảy. Tôi biết vì sao mình khóc, nhưng không dám hỏi vì sao ông lại khóc.

Có lẽ tôi thiếp đi sau đó, vì tôi mơ thấy mình đang ở nhà và đang ăn cơm tối trong cái chén mà tôi quen thuộc như chính bàn tay mình. Một con cua màu đen trong tô canh, bỗng nó nhảy ra khỏi tô và bò vào rừng. Tôi đuổi theo và sau một lúc thì không biết mình đang ở đâu. Tôi rán sức la lên "Tôi bị lạc!" nhưng không phát ra tiếng vì con cua đã lấy mất giọng tôi.

Tôi chợt tỉnh giấc và thấy ngài Otori đang lay mình tôi.

"Dậy đi!"

Bên ngoài trời đã ngừng mưa và từ ánh sáng hắt vào phòng tôi biết là đang giữa trưa. Căn phòng trở nên ngột ngạt và nhớp nháp, không khí đứng yên nặng nề. Tấm nệm rơm nghe có mùi chua.

"Ta không muốn Iida với một trăm tên lính rượt theo ta chỉ vì một thằng nhỏ làm ông ta ngã ngựa," ngài Otori lầm bầm một cách vui vẻ. "Chúng ta phải đi nhanh lên."

Tôi không nói gì. Áo quần đã được giặt và phơi khô đang nằm trên sàn. Tôi yên lặng mặc vào.

"Ngươi dám chống cự lại Sadamu nhưng sao không dám nói với ta một lời ..."

Không phải là tôi sợ hãi ông ta – kính sợ thì đúng hơn. Tôi xem ông như thiên thần của Thượng đế, thần linh của núi rừng, hay như một anh hùng thời xưa, xuất hiện đột ngột trước mắt và đem tôi vào vòng tay bảo bọc của ông. Tôi khó có thể tả hình dạng ông vì chưa dám nhìn thẳng vào mặt ông. Khi tôi dám lén nhìn về ông ta thì thấy mặt ông bình tĩnh, không hẳn là nghiêm khắc, nhưng không biểu lộ một tình cảm nào. Lúc đó tôi không biết khuôn mặt ấy sẽ thay đổi như thế nào khi ông ta cười. Có lẽ ông trạc ba mươi tuổi, hay trẻ hơn một chút, vai rộng và cao hơn trung bình. Bàn tay ông ta màu nhạt, gần như màu trắng, cân đối với ngón tay dài hay động đậy như nặn ra để cầm cán gươm.

Những ngón tay đó đang nắm thanh gươm lên từ tấm thảm. Hình ảnh thanh gươm làm tôi rùng mình. Tôi tưởng tượng là nó biết rõ da thịt và làn máu nóng của nhiều người mà nó đã nghe tiếng la thét cuối cùng. Thanh kiếm làm tôi kinh hoàng nhưng cũng mê hoặc tôi.

"Jato," ngài Otori nói khi thấy tôi nhìn thanh kiếm. Ông cười và vỗ nhẹ vào bao kiếm cũ màu đen. "Trang phục khi du hành, như ta vậy. Ở nhà thì ta và thanh kiếm đều thanh lịch hơn."

Jato, tôi lập lại trong hơi thở. Thanh xà kiếm, đã giết người để cứu mạng tôi.

Chúng tôi rời quán trọ và tiếp tục hành trình, vượt qua những con suối nước nóng nặng mùi lưu huỳnh của Hinode và leo lên một ngọn núi khác. Qua các cánh đồng lúa là những khóm tre, như ở làng tôi, rồi đến cánh rừng có cây hạt dẻ, cây phong, và bách hương. Nắng ấm mặt trời làm khu rừng bốc hơi, nhưng ánh sáng khó xuyên đến hai bộ hành chúng tôi dưới tàn cây rậm rạp. Hai lần rắn bò vào lối đi, một con rắn hổ nhỏ màu đen, và một con lớn hơn có màu trà. Chúng trườn nhanh và biến mất dưới bụi cỏ như biết rằng nếu chậm thì Jato sẽ chém bay đầu chúng. Ve sầu kêu ran đinh cả tai, và một loài chim không tên rền rĩ một điệu đơn độc nghe nhức cả đầu.

Chúng tôi bước nhanh mặc dù trời nóng bức. Thỉnh thoảng ngài Otori bước nhanh hơn và tôi kéo lê trên lối đi hoàn toàn đơn độc, chỉ nghe bước chân ông ta ở phía trước, và rồi theo kịp ông trên đỉnh đèo, đang đứng nhìn đăm đăm núi đồi chạy dài trước mặt ra tận chân trời xa xa và rừng dày ở khắp mọi nơi.

Ông ta dường như biết rõ đường đi ở nơi chốn hoang vu này. Chúng tôi đi bộ suốt nhiều ngày và chỉ dừng lại ngủ vài tiếng vào ban đêm, khi thì ở một trại nhà nông hẻo lánh, khi thì ở một túp lều bỏ hoang trong rừng. Trừ những nơi chúng tôi dừng lại nghỉ đêm, trên đường đi chỉ gặp một vài người: một tiều phu, hai cô gái hái nấm vội vàng bỏ chạy khi thấy chúng tôi, một ông thầy tu trên đường đi đến một ngôi chùa xa xôi nào đó. Vài ngày sau chúng tôi vượt qua rặng núi chính như cái xương sống của đất nước. Vẫn còn phải leo vài ngọn đồi cao, nhưng chúng tôi đi xuống dốc nhiều hơn. Biển đã ở trong tầm mắt, lúc đầu chỉ thoáng thấy ở xa, rồi hiện ra mênh mông như lụa với các hòn đảo nhô lên như nấm chìm dưới nước. Tôi chưa bao giờ thấy biển, và cứ mải mê ngắm nhìn. Đôi lúc biển trông như một bức tường cao sắp đổ sụp lên đất liền.

Vết phỏng trên tay tôi lành dần và để lại một vết sẹo màu bạc vắt ngang lòng bàn tay phải.

Làng xóm ở đây lớn hơn, và cuối cùng chúng tôi dừng lại nghỉ đêm ở một nơi có thể xem là một thị trấn. Nằm trên một con đường lớn giữa Inuyama và bờ biển, thị trấn này có nhiều quán trọ và quán ăn. Chúng tôi vẫn còn trong lãnh thổ của bộ tộc Tohan, và phù hiệu ba lá sồi hiện diện khắp nơi làm tôi thấy lo ngại khi đi ngoài đường, nhưng tôi có cảm giác một số người ở quán trọ nhận ra ngài Otori. Sự kính trọng thông thường của người khác về ông ta pha một chút gì đó sâu xa hơn, như một sự trung thành cũ xưa cần phải che dấu. Họ đối xử tôi một cách âu yếm, cho dù tôi không nói với họ lời nào. Đã nhiều ngày nay tôi không nói gì, ngay cả với ngài Otori. Ông ta dường như không bận tâm về chuyện đó. Bản thân ông cũng là một người ít nói, thường đắm mình trong suy tư, nhưng thỉnh thoảng tôi bắt gặp ông ta đang quan sát tôi với một vẻ mặt hình như là thương hại. Có lúc ông như sắp nói gì đó, nhưng rồi ông ta lại lầm bầm, "Không sao, không sao đâu, chẳng giúp gì được."

Những người hầu trong quán trọ thường tầm phào nhiều chuyện, và tôi thích lắng nghe chuyện họ bàn tán. Họ đặc biệt nói nhiều về một người đàn bà đến quán trọ vào đêm trước. Bà ta chỉ đi với vài người hầu, không có chồng, anh em trai hay phụ thân tháp tùng, và đang trên lộ trình đi Inuyama, rõ ràng để gặp ngài Iida. Bà ta rất đẹp, mặc dù đã có tuổi, ít nhất là ba mươi, rất dễ mến, tốt bụng, và lịch sự với mọi người – và đặc biệt là chỉ đi một mình! Thật là một chuyện bí ẩn! Tay đầu bếp tuyên bố là gã biết rằng bà ta mới trở thành góa phụ và đang trên đường đi đến thủ phủ để gặp lại người con trai. Người quản gia thì cho rằng gã đầu bếp nói tầm bậy, người đàn bà đó chưa bao giờ lập gia đình và chưa bao giờ có con. Gã trông coi ngựa đang chúi mũi vào tô canh thì bảo rằng gã nghe tên khiêng kiệu nói bà ta có hai người con, đứa con trai đã chết và đứa con gái đang bị giữ làm con tin ở Inuyama.

Những người hầu thở dài và thì thầm rằng ngay cả những người giàu có cao sang cũng không thoát được số phận, và gã trông coi ngựa thì nói, "Ít nhất là đứa con gái sống sót, vì chúng là Maruyama nên sẽ thừa kế gia tài từ phía mẹ."

Tin này đã làm người ta ngạc nhiên và muốn tìm hiểu, cũng như gợi lại sự hiếu kỳ về phu nhân Maruyama, người chính thức sở hữu vùng đất đai duy nhất trong lãnh thổ mà quyền thừa kế thuộc về con gái, không thuộc về con trai.

"Hèn gì bà ta dám đi lại một mình," gã đầu bếp nói.

Phấn khởi vì mình nói đúng, gã coi ngựa tiếp tục, "Nhưng ngài Iida cảm thấy bị xúc phạm. Ông ta tìm cách chiếm đoạt lãnh thổ của phu nhân Maruyama, hoặc bằng sức mạnh hoặc bằng hôn phối."

Gã đầu bếp bợp tai tên giữ ngựa. "Coi chừng cái lỗ miệng mày! Tai vách mạch rừng!"

"Trước kia chúng ta là Otori, và sẽ là Otori trở lại," gã càu nhàu.

Gã quản gia thấy tôi thập thò ở cửa và vẫy tôi vào. "Cậu đi về đâu? Chắc cậu từ xa đến đây!"

Tôi cười và lắc đầu. Một người hầu đi ngang, vỗ vào tay tôi và nói với họ, "Cậu ta không nói được. Thật tội nghiệp phải không?"

"Chuyện gì vậy?" gã đầu bếp nói. "Có ai ném đất vào miệng mày như chó Ainu?"

Họ trêu chọc tôi, không có vẻ ác ý, cho đến khi người hầu trở lại, theo sau là một người đàn ông mà tôi đoán là người hầu của phu nhân Maruyama, trên áo khoác của gã có phù hiệu hòn núi ở trong vòng tròn. Tôi ngạc nhiên khi gã nói với giọng lễ phép. "Phu nhân của tôi mong muốn được nói chuyện với cậu."

Tôi không biết có nên đi theo gã hay không, nhưng thấy gã có khuôn mặt thiệt thà, và tôi cũng tò mò muốn biết mặt phu nhân bí ẩn. Tôi đi sau gã men theo hành lang đến sân trong của quán trọ. Gã bước lên hàng hiên và quỳ xuống trước cửa một căn phòng. Gã nói vài câu ngắn rồi quay lại vẫy tôi lên.

Tôi liếc nhanh về phía phu nhân rồi quỳ xuống và cúi đầu sát sàn nhà. Tôi chắc chắn người trước mặt là một bà hoàng quý phái. Tóc của bà thả dài đến sàn nhà, đen và mướt như lụa. Da của bà trắng như tuyết. Bà ta mặc váy dài nền màu kem, màu ngà và xám xanh, thêu bông mẫu đơn màu đỏ và hồng. Bà có một vẻ yên tĩnh làm tôi nghĩ đến những hồ nước sâu trên núi và bất chợt nghĩ đến màu thép luyện của thanh xà kiếm Jato.

"Tôi nghe người ta nói là cậu không nói được," giọng bà ta nhỏ nhẹ và rõ ràng.

Tôi cảm giác được tia nhìn trắc ẩn của bà, và máu dồn lên mặt tôi.

"Cậu có thể nói với tôi," bà ta tiếp tục, và đưa tay ra phía trước cầm lấy tay tôi và dùng ngón tay vẽ dấu hiệu Hidden vào lòng bàn tay tôi. Tôi như bị điện giật, như bị kim chích bất ngờ, và rụt tay lại không tự chủ được.

"Nói cho ta biết cậu đã thấy gì," giọng bà vẫn êm dịu nhưng có vẻ quả quyết. Khi thấy tôi không trả lời bà thì thào, "Có phải Iida Sadamu không?"

Tôi nhìn bà ta hầu như không cưỡng được. Bà mỉm cười nhưng không có vẻ vui đùa.

"Và cậu là người theo đạo Hidden," bà ta hỏi thêm.

Ngài Otori đã khuyến cáo tôi không được tiết lộ thân thế. Tôi nghĩ là đã chôn vùi quãng đời trước đây, cùng với tên cũ của tôi, Tomasu. Nhưng trước vị phu nhân này tôi cảm thấy bất lực. Tôi định gật đầu thì nghe tiếng bước chân của ngài Otori đi qua sân. Tôi bỗng hiểu là mình có thể nhận ra ông ta qua tiếng chân bước, và tôi cũng biết đi theo ông là một người đàn bà và gã đàn ông đã nói chuyện với tôi. Và tôi bỗng nhận thức một điều là nếu chú ý tôi có thể nghe tất cả mọi chuyện chung quanh tôi ở trong quán trọ. Tôi nghe gã giữ ngựa đứng lên và rời nhà bếp. Tôi nghe những người hầu tán gẫu với nhau và phân biệt được giọng nói mỗi người. Khả năng nghe nhạy bén của tôi phát triển từ khi tôi mất dần tiếng nói, giờ đây làm tôi choáng ngợp với hàng loạt âm thanh. Tôi có cảm giác như trải qua một cơn sốt nặng, hầu như không chịu đựng được. Tôi tự hỏi người đàn bà trước mặt có phải là một bà phù thủy đã bỏ bùa tôi. Tôi không dám nói dối bà nhưng tôi không mở miệng được.

Tôi được giải cứu khi một người hầu gái bước vào quỳ trước mặt phu nhân Maruyama và bẩm khẽ, "Tướng công đang đi tìm cậu này."

"Mời ông ta vào," phu nhân trả lời. "Và Sachi ngươi làm ơn đem bộ bình trà vào luôn."

Ngài Otori bước vào phòng và cùng phu nhân Maruyama gập người cúi chào nhau trịnh trọng. Họ trao đổi với nhau những lời lịch sự như chưa hề quen biết. Phu nhân không gọi tướng công bằng tên nhưng tôi cảm giác hai người quen biết nhau nhiều. Dường như có một sự căng thẳng giữa hai người mà mãi về sau tôi mới hiểu, nhưng lúc đó làm tôi thấy bồn chồn không yên.

"Người hầu cho tôi biết về đứa trẻ cùng đi với ngài, phu nhân nói. "Và tôi muốn gặp cậu ta."

"Vâng, tôi mang cậu ta về Hagi. Nó là người duy nhất sống sót trong một vụ tàn sát. Tôi không muốn bỏ nó lại trong tay Sadamu." Ông ta hình như không muốn nói thêm gì khác, nhưng tiếp lời sau một lúc, "Tôi đặt tên cho nó là Takeo."

Nghe đến đó phu nhân mỉm cười – một nụ cười thực lòng. "Tôi thật vui," bà nói. "Cậu ta có nét giống."

"Phu nhân thực sự nghĩ vậy sao? Tôi cũng nghĩ thế."

Sachi trở lại với khay trà, bình trà và một cái chén. Tôi thấy rõ khi cô ta đặt chúng lên tấm khăn trải bàn, ngay tầm mắt tôi. Cái chén trà tráng men màu xanh lục của núi rừng và màu xanh dương của bầu trời.

"Một ngày nào đó tướng công nên đến thăm phòng uống trà của bà ngoại tôi ở Maruyama," phu nhân nói. "Chúng ta sẽ có lễ uống trà đúng nghi thức. Còn bây giờ thì chúng ta chỉ có thể làm bấy nhiêu thôi."

Phu nhân đổ nước nóng vào chén trà, một mùi ngọt đắng tỏa ra. "Ngồi lên, Takeo." phu nhân nói.

Phu nhân khuấy nhanh chén trà cho đến khi nổi bọt, và đưa cho ngài Otori. Ông cầm lấy chén trà bằng cả hai tay, quay ba vòng trước khi uống, xong lấy ngón tay cái chùi môi, và đưa trả cái chén cho phu nhân. Bà pha thêm nước sôi và đưa cho tôi. Tôi thận trọng bắt chước ngài Otori, đưa chén lên môi uống thứ nước sủi bọt đó. Nó có vị đắng và làm cho tôi thấy tỉnh táo ổn định. Tôi chưa bao giờ được uống loại trà này. Ở làng Mino chúng tôi chỉ uống thứ trà làm từ các loại lá cây trên núi.

Tôi chùi miệng chén và đưa trả lại cho phu nhân Marayuma, gập người một cách vụng về. Tôi sợ ngài Otori sẽ nhận ra vẻ lúng túng và xấu hổ vì tôi, nhưng khi liếc nhanh về phía đó thì thấy ông đang chú mục về phu nhân.

Đến phiên phu nhân uống trà. Cả ba chúng tôi ngồi yên lặng. Trong phòng có một không khí trang trọng, dường như chúng tôi đang tham dự một nghi lễ cúng tế của đạo Hidden. Nỗi nhớ quê nhà, gia đình, cuộc sống cũ, ào đến như một cơn sóng lớn, và dù mắt thấy nóng hổi, tôi không cho phép mình rơi lệ. Tôi phải rán chịu đựng.

Trên lòng bàn tay phải tôi vẫn còn cảm giác ngón tay của phu nhân Maruyama vạch lên.

***

Quán trọ này lớn và sang trọng hơn nhiều những nơi chúng tôi nghỉ lại trong cuộc hành trình vội vã qua nhiều rừng núi, và thức ăn mà tôi được nếm tối hôm đó không giống những gì đã ăn trước đây. Nào là món lươn xào cay, món cá ngọt câu từ sông suối trong vùng, và nhiều món cơm với gạo trắng tôi chưa từng thấy ở làng Mino, là nơi dân làng tôi may mắn lắm mới được ăn cơm ba lần trong năm. Lần đầu tiên tôi được uống rượu đế cất từ gạo. Ngài Otori đang phấn khích – mẹ tôi thường gọi là "đang bốc" - không còn yên lặng và buồn bã thường ngày, và rượu cũng đang tác động thần kỳ làm tôi vui vẻ hẳn lên.

Khi chúng tôi ăn xong ông ta bảo tôi đi ngủ, còn ông đi dạo bộ một lúc cho tỉnh người. Người hầu vào sửa soạn giường chiếu. Tôi nằm xuống và lắng nghe âm thanh của đêm khuya. Đĩa lươn xào và ly rượu đế làm tôi không yên và tôi nghe quá nhiều âm thanh chung quanh. Mỗi tiếng động từ xa đều làm tôi tỉnh giấc. Tôi có thể nghe tiếng chó sủa trong thị trấn, một con bắt đầu và những con khác bắt chước theo. Sau một lúc tôi có thể phân biệt từng tiếng sủa khác nhau của mỗi con chó. Tôi nghĩ về chúng, cách chúng nằm ngủ lỗ tai co lại và chỉ một số âm thanh có thể làm rộn chúng. Có lẽ tôi phải học cách ngủ của chó, nếu không thì tôi chẳng bao giờ ngủ được.

Khi tiếng chuông chùa đổ vào lúc nửa đêm tôi ngồi dậy và đi về phía nhà xí. Tôi đi tiểu và lắng nghe tiếng nước chảy. Tôi múc nước rửa tay từ bể nước trong sân và đứng yên, lắng nghe.

Đêm yên vắng, sắp sửa trăng tròn tháng tám. Cả quán trọ im lặng, mọi người đang ngủ say. Ếch nhái kêu vang từ phía sông và phía cánh đồng, có tiếng cú kêu một hai lần gì đó. Khi tôi yên lặng bước về hàng hiên thì nghe tiếng ngài Otori. Thoạt tiên tôi nghĩ là ông đã về phòng và đang kêu tôi, nhưng tôi lại nghe tiếng đàn bà trả lời, của phu nhân Maruyama.

Tôi biết là không nên lắng nghe. Tiếng nói chuyện của họ thì thào không ai có thể nghe, trừ tôi. Tôi bước vào phòng, đóng cửa lại, nằm xuống trên tấm thảm, cố dỗ giấc ngủ. Nhưng tai tôi vẫn lắng nghe mà tôi không cưỡng được, và từng tiếng rõ mồn một rơi vào tai.

Họ nói về tình yêu của nhau, về chuyện họ ít có cơ hội gặp nhau, và những dự tính cho tương lai. Họ nói chuyện một cách thận trọng và ngắn gọn, và hầu hết đều khó hiểu đối với tôi. Tôi nghe và biết được phu nhân Maruyama đang trên đường đi đến thủ phủ để thăm con gái, rằng phu nhân sợ sẽ bị Iida lại đòi cưới bà. Vợ Iida đang bị bệnh và khó sống sót. Đứa con trai duy nhất của bà vợ và Iida cũng đang bệnh hoạn, là một thất vọng cho Iida.

"Phu nhân sẽ không có hôn phối với một ai ngoài tôi," ngài Otori nói nhỏ, và phu nhân trả lời, "Đó cũng là ước muốn duy nhất của thiếp, và tướng công biết điều đó." Otori thề với phu nhân là ông sẽ không lấy ai làm vợ, sẽ không ăn nằm với một người đàn bà nào khác ngoài phu nhân, và ông đề cập đến kế hoạch của mình nhưng không nói rõ chi tiết. Tôi nghe hai người nhắc đến tên tôi và nghĩ là có liên quan đến mình thế nào đó. Tôi nhận ra giữa ngài Otori và Iida có một mối thù lâu đời bắt nguồn từ trận chiến Yaegahara.

"Chúng ta sẽ chết cùng ngày," Otori nói. "Ta không thể sống trong một thế giới vắng bóng phu nhân."

Tiếng thì thầm chuyển qua những âm thanh khác, âm thanh của yêu đương giữa đàn ông và đàn bà. Tôi bịt kín hai tai. Tôi đã biết qua lạc thú, đã thỏa mãn với những đứa trẻ cùng lứa trong làng, hay với những cô gái nhà thổ, nhưng tôi chưa biết thế nào là tình yêu. Tôi tự thề là sẽ không bao giờ tiết lộ những gì tôi nghe được. Tôi sẽ giữ những điều bí mật này như những người Hidden giữ gìn bí mật của họ. Cũng may tôi đã bị mất tiếng nói.

Tôi không gặp lại phu nhân. Chúng tôi rời quán trọ sáng sớm hôm sau, khoảng một giờ sau khi mặt trời mọc. Thời tiết đã ấm hẳn; mấy ông sư phẩy nước trong hiên chùa và không khí có mùi bụi bặm. Mấy người hầu mang trà, cơm và canh cho chúng tôi trước khi chúng tôi lên đường. Một cô hầu cố nén cái ngáp khi đặt đĩa thức ăn trước mặt tôi, rồi xin lỗi và mỉm cười. Đó là cô gái vỗ vào cánh tay tôi ngày hôm qua, và khi chúng tôi rời quán cô ta bước ra tiễn đưa và khóc, "Chúc công tử may mắn! Thượng lộ bình an và xin đừng quên chúng tôi."

Tôi ước chi mình ở lại thêm một ngày nữa. Ngài Otori cười nhạo tôi và đùa là phải bảo vệ tôi khỏi các cô gái ở Hagi. Đêm trước ông có lẽ không ngủ bao nhiêu nhưng vẫn thấy vui vẻ phấn khởi. Ông bước nhanh trên đường như đầy năng lực. Tôi tưởng là chúng tôi sẽ đi trên đường chính đến Yamagata, nhưng sau khi băng qua thị trấn chúng tôi đi dọc theo một con sông khác, nhỏ hơn con sông chạy dọc theo đường cái. Chúng tôi lội qua sông ở đoạn thu hẹp nơi nước chảy mạnh giữa những hòn đá lớn, và một lần nữa hướng về phía núi rừng.

Chúng tôi mang theo lương thực đủ ăn trong ngày, vì khi chúng tôi vượt qua những làng xóm nhỏ dọc theo con sông thì không có bóng người trên đường. Đó là một độc đạo nhỏ hẹp và dốc cao. Khi chúng tôi leo đến đỉnh thì dừng lại ăn trưa. Trời đã xế và ánh nắng chiều tạo ra những khoảng tối ở đồng bằng dưới chân núi. Xa hơn nữa, về phía Đông, là những rặng núi trùng điệp đang đổi qua màu xanh chàm và màu xám của thép.

"Thủ đô ở phía đó," ngài Otori nói và dõi theo hướng nhìn của tôi.

Tôi ngạc nhiên không hiểu vì tưởng ông ta nói về Inuyama.

Ông ta nhận ra vẻ ngạc nhiên của tôi và nói tiếp, "Không phải, đó là thủ đô thật sự của cả nước, là nơi Hoàng đế cư ngụ. Inuyama nằm ở phía đông nam, quá rặng núi xa nhất." Ông ta chỉ về phía chúng tôi đã đến. "Vì quá xa thủ đô, và cũng vì Hoàng đế yếu đuối, những lãnh chúa như Iida muốn làm gì cũng được." Ông trở nên buồn. "Và phía dưới kia là nơi bộ tộc Otori đã thảm bại và cũng là nơi cha ta bị giết. Đó là Yaegahara. Tộc Otori bị Noguchi phản bội khi trở mặt và theo phe Iida. Hơn mười ngàn người bị chết." Ông nhìn tôi và nói tiếp, "Ta biết thế nào là khủng khiếp khi nhìn những người gần gũi nhất bị thảm sát. Lúc đó ta chỉ lớn hơn tuổi ngươi một ít."

Tôi dõi mắt nhìn về vùng đồng bằng trống trải dưới kia. Tôi không thể tưởng tượng một trận chiến xảy ra như thế nào. Tôi nghĩ đến máu của mười ngàn người thấm xuống đất ở Yaegahara. Trong sương mù mặt trời chuyển qua màu đỏ, như thể nó hấp thu máu từ lòng đất. Diều hâu bay lượn dưới kia, kêu những tiếng não nuột.

"Ta không muốn đến Yamagata," ngài Otori nói khi chúng tôi bắt đầu xuống dốc núi. "Một phần vì nhiều người vùng đó biết ta, và cũng vì nhiều lý do khác mà một ngày nào đó ta sẽ nói rõ. Như vậy chúng ta sẽ phải ngủ ngoài trời tối nay, lấy cỏ làm gối, vì chung quanh đây không có làng mạc nào để tá túc. Chúng ta sẽ băng qua ranh giới phân chia lãnh địa bằng một lối đi bí mật, và sau đó chúng ta sẽ đi vào lãnh thổ của tộc Otori, an toàn ngoài phạm vi của Sadamu."

Tôi không muốn nằm ngủ ngoài trời trên cánh đồng trơ trụi. Tôi sợ gặp mười ngàn bóng ma và các loài yêu tinh quỷ quái sống trong rừng chung quanh đó. Tiếng nước chảy róc rách của con suối nghe như âm thanh của ma nước, và mỗi lần có con chồn tru hay con cú kêu tôi đều tỉnh giấc, tim đập mạnh. Nửa đêm mặt đất rung như một trận động đất nhẹ làm cây lá rì rào, vài hòn đá lăn ở xa. Tôi tưởng như nghe tiếng của người chết gọi trả thù. Tôi cố gắng cầu nguyện nhưng chỉ nghe một nỗi trống rỗng mênh mông. Thượng đế mà những người Hidden thờ cúng dường như đang hiện diện với gia đình tôi và bỏ tôi trơ trọi ở đây.

Nằm cạnh tôi ngài Otori ngủ ngon lành như đang ở trong quán trọ êm ấm. Tuy nhiên tôi biết là ông ta hiểu được những đòi hỏi của người chết. Tôi băn khoăn nghĩ về cái thế giới mình đang đi vào – một thế giới mà tôi chẳng biết gì về nó, thế giới của các bộ tộc, với những quy luật nghiêm ngặt và khắt khe. Tôi đi vào thế giới đó chỉ từ một ý nghĩ nảy sinh của một vị quý tộc đã vung kiếm chém bay đầu một người trước mắt tôi, và giờ như đã sở hữu bản thân tôi. Tôi run rẩy trong không khí ướt lạnh của đêm tối.

Chúng tôi thức dậy trước rạng đông, và khi bầu trời đổi màu xám, chúng tôi đã vượt qua khúc sông ranh giới lãnh địa Otori.

Bộ tộc Otori trước đây cai quản cả vùng trung thổ nhưng sau khi thất bại ở trận chiến Yaegahara bị tộc Tohan đẩy lùi vào một dải đất hẹp giữa rặng núi cuối cùng và bờ biển phía Bắc. Trên con đường chính có những trạm kiểm soát do lính của Iida canh giữ, nhưng ở vùng quê hẻo lánh này có nhiều chỗ có thể lọt qua ranh giới, và hầu hết nông dân hay dân quê đều xem họ thuộc về tộc Otori và không ưa thích gì Tohan. Ngài Otori đã kể những chuyện này cho tôi nghe khi chúng tôi rảo bước trên đường, biển luôn luôn nằm phía tay phải. Ông cũng kể cho tôi nghe về những sinh hoạt ở thôn quê, mô tả những cách trồng trọt của nông dân, các đê dẫn nước được xây đắp thế nào, cách ngư dân đan lưới, và cách làm ruộng muối. Ông ta chú ý và rành dõi đến tất cả những điều này. Dần dần lối mòn chúng tôi đang đi trở nên rộng ra thành con đường và người đi lại nhiều hơn. Nào là những nông dân gánh hàng ra chợ ở làng bên, mang theo rau cải, khoai, trứng và nấm khô. Chúng tôi dừng lại ở một ngôi chợ để mua hai đôi dép rơm vì dép của chúng tôi đã tơi tả.

Đêm đó khi chúng tôi dừng lại ở một quán trọ, mọi người ở đó đều biết ngài Otori. Họ chạy ra nghênh đón ông với niềm vui sướng, và cúi rạp người trên đất trước mặt chúng tôi. Căn phòng đẹp nhất được chuẩn bị, và trong bữa ăn tối hết đĩa thức ăn này đến đĩa khác được dọn ra. Trước mắt tôi ông ta như thay đổi. Dĩ nhiên tôi đã biết ông dòng dõi thượng lưu, thuộc giai cấp tướng công, nhưng tôi vẫn chưa biết chính xác ông là ai và đóng vai trò gì trong thứ bậc của bộ tộc. Tuy nhiên tôi dần dần hiểu rằng ông ta phải là người cao cấp trong bộ tộc. Tôi trở nên e dè hơn khi có mặt ông. Tôi cảm giác mọi người liếc xéo mình, không hiểu tôi đang làm gì, và mong muốn tống cổ tôi đi với cái bợp tai.

Sáng hôm sau ông ta thay bộ áo quần sang trọng, ngựa đã sẵn sàng với bốn hay năm người hầu cận. Bọn họ cười với nhau khi thấy tôi không biết gì về ngựa, và họ tỏ ra ngạc nhiên khi ngài Otori ra lệnh một người trong bọn họ chở tôi sau lưng, và dĩ nhiên không một ai dám nói gì. Trên đường đi họ cố bắt chuyện với tôi – họ hỏi tôi tên gì và từ đâu đến – nhưng khi họ biết tôi bị câm thì họ nghĩ là tôi ngu ngốc và bị điếc luôn. Họ nói với tôi những chữ đơn giản bằng cách ra dấu.

Tôi không hứng thú với việc cưỡi ngựa. Tôi nhớ con ngựa đầu tiên mà tôi đến gần là ngựa của lãnh chúa Iida, và tôi nghĩ những con ngựa khác cũng ghét mình vì tôi đã làm cho ngựa của Iida đau đớn. Tôi mải suy nghĩ là mình sẽ làm gì khi đến Hagi. Có lẽ tôi sẽ trở thành một người giúp việc trong vườn hay ở chuồng ngựa. Nhưng thật ra thì ngài Otori đã có dự tính khác.

Vào buổi chiều ngày thứ ba kể từ đêm ngủ ngoài trời trên cánh đồng Yaegahara thì chúng tôi đến thành phố Hagi, thị trấn lâu đài của Otori. Thị trấn này được xây trên một hòn đảo nằm kẹp giữa hai con sông và biển. Từ mũi đất đến thị trấn là một cây cầu đá dài nhất tôi từng thấy. Cây cầu có bốn vòm với nước chảy xiết khi thủy triều xuống và những bức tường với những viên đá gọt đẽo hoàn hảo. Tôi nghĩ cây cầu phải được xây bằng một phép phù thủy nào đó, và khi ngựa chúng tôi đi trên cầu tôi không cưỡng được phải nhắm mắt lại. Tiếng nước chảy ầm ầm như sấm sét trong tai, nhưng sâu bên dưới tôi nghe một thứ tiếng gì khác – tiếng than khóc tỉ tê làm rợn gáy.

Khi đến giữa cầu ngài Otori kêu tên tôi. Tôi tụt xuống lưng ngựa và chạy đến nơi ông dừng lại. Ở đó có một tảng đá lớn gắn vào thành cầu, phía trên tảng đá khắc một hàng chữ.

"Ngươi đọc được không, Takeo?"

Tôi lắc đầu.

"Vậy là không may rồi. Ngươi phải học chữ!" Ông ta cười. "Ta nghĩ rằng thầy giáo sẽ làm ngươi đau khổ! Ngươi sẽ tiếc là đã bỏ lại đời sống hoang dã chốn núi rừng."

Ông đọc lớn hàng chữ đó cho tôi nghe: "Bộ tộc Otori nghênh đón những người công chính và trung thành. Những kẻ bất chính và bất trung hãy đề phòng." Ở phía dưới hàng chữ có khắc đầu con chim diệc.

Tôi bước đi cạnh con ngựa của ông cho đến cuối cây cầu. "Họ chôn sống người thợ cả ngay dưới chân tảng đá." Ngài Otori nói thản nhiên, "để ông ta không thể xây một cây cầu nào khác cạnh tranh với cây cầu này, và để bảo vệ công trình của ông ta mãi mãi. Vào ban đêm ngươi có thể nghe hồn ma ông ta nói chuyện với dòng sông."

Không chỉ vào ban đêm. Tôi nghe ớn lạnh khi nghĩ đến hồn ma đau khổ bị giam cầm trong công trình đẹp đẽ của chính mình, nhưng lúc đó chúng tôi đang ở trong thị trấn, và âm thanh của người sống át đi tiếng nói của người chết.

Hagi là thành phố đầu tiên tôi được đặt chân đến, và cảm thấy nó to lớn mênh mông làm tôi quá mơ hồ rối rắm. Đầu tôi đầy nhóc âm thanh: tiếng rao của kẻ bán hàng dạo trên đường phố, tiếng lách cách của khung cửi trong những căn nhà hẹp, tiếng ồn chát chúa của thợ làm đá, tiếng gầm gừ của lưỡi cưa cắn vào gỗ, và hàng vạn âm thanh khác tôi chưa từng nghe và không thể phân biệt là tiếng gì. Một con đường khác có nhiều người làm đồ gốm, mùi đất sét và lò nướng thốc vào mũi. Tôi chưa bao giờ nghe tiếng bàn xoay của thợ đồ gốm, hay tiếng khò khè của lò nướng. Và lẫn trong muôn vàn âm thanh đó là tiếng nói cười, khóc, chửi thề của con người, giống như dưới mùi hôi luôn hiện hữu rác rưởi ung thối.

Lờ mờ từ xa hiện ra lâu đài cao vượt trên những căn nhà trong thị trấn, lưng lâu đài hướng về phía biển. Lúc đó tôi tưởng sẽ đi về phía lâu đài và cảm thấy lòng chùng xuống vì cái lâu đài đó trông thật lạnh lùng và ma quái, nhưng chúng tôi rẽ về phía đông, đi theo con sông Nishigawa đến nơi hợp lưu với sông Higashigawa. Phía bên tay trái chúng tôi là một khu vực có nhiều con đường và kênh lạch quanh co, ở đó có nhiều căn nhà lớn ẩn sau hàng cây với tường bao quanh có mái lợp ngói.

Mặt trời đã khuất sau đám mây đen, và không khí ẩm ướt như sắp mưa. Những con ngựa bước nhanh hơn như biết sắp đến nơi. Cuối con đường là một cái cổng lớn mở sẵn. Lính canh bước ra từ chòi canh sát cổng, quỳ xuống đường và cúi đầu khi chúng tôi đi qua.

Con ngựa ngài Otori cưỡi cúi đầu xuống cọ vào người tôi. Nó hí lên và một con trong tàu ngựa hí theo. Tôi cầm lấy dây cương và ngài Otori xuống ngựa. Những người hầu cận dắt ngựa đi.

Ông ta băng qua khu vườn và đi về phía căn nhà. Tôi đứng yên do dự, không biết mình nên bước theo hay đi với mấy người hầu, nhưng ông quay lại gọi tên tôi và vẫy tôi đi theo.

Khu vườn có nhiều cây và nhiều bụi cây, không giống cây cối hoang dã trên núi mọc sát nhau và chen chúc nhau, mà đứng riêng rẽ mỗi vị trí, an nhiên và thuần thục. Tuy nhiên thỉnh thoảng tôi thoáng bắt gặp một nét của núi rừng, dường như vẻ hoang dã đã được bắt giữ, làm nhỏ lại và mang về đây.

Khu vườn cũng đầy âm thanh – tiếng nước chảy trên đá từng giọt nhỏ xuống từ ống tre. Chúng tôi dừng lại rửa tay ở bể nước, tiếng nước chảy đi kêu như tiếng chuông, có lẽ bị bùa mê.

Những người hầu trong nhà đã sẵn sàng đợi ở hàng hiên để chào mừng gia chủ. Tôi ngạc nhiên khi thấy chỉ có vài người hầu, mãi về sau mới biết ngài Otori có một nếp sống đơn giản. Có ba cô gái trẻ, một người đàn bà lớn tuổi hơn, và một người đàn ông trạc năm mươi. Sau khi cúi chào thì mấy cô gái rút lui, còn lại hai người lớn tuổi nhìn tôi đăm đăm không dấu vẻ ngạc nhiên.

"Cậu ta trông thật giống ...!" người đàn bà thì thào.

"Thật kì lạ!" người đàn ông đồng ý, lắc đầu kinh ngạc.

Ngài Otori mỉm cười cởi đôi dép và bước vào nhà. "Ta gặp nó trong bóng tối! Ta cũng không biết cho đến sáng hôm sau. Chỉ là một sự trùng hợp."

"Không, hơn hẳn thế," người đàn bà nói và dẫn tôi vào bên trong. "Cậu ta giống như in." Người đàn ông bước theo, nhìn tôi với môi mím chặt, dường như đang cắn một trái mận chua – như thể đã thấy trước tôi sẽ đem lại phiền phức cho nhà này.

"À, ta đặt tên cậu ta là Takeo," ngài Otori nói ngoái lui. "Đun nước tắm và lấy quần áo cho nó."

Người đàn ông lẩm bẩm một cách ngạc nhiên.

"Takeo!" người đàn bà kêu lên. "Nhưng tên thật của cậu là gì?"

Khi thấy tôi không nói gì mà chỉ nhún vai và mỉm cười, người đàn ông buột miệng, "Cậu ta bị ngốc!"

"Không đâu, nó nói được như thường," ngài Otori quay lại có vẻ sốt ruột. "Ta đã nghe nó nói chuyện. Chỉ vì nó trải qua những chuyện kinh hoàng nên bị sốc và mất tiếng nói. Nó sẽ trở lại bình thường khi cơn sốc biến dần đi."

"Dĩ nhiên cậu ta sẽ trở lại bình thường," người đàn bà trả lời, mỉm cười và gật đầu với tôi. "Cậu đi theo tôi Chiyo. Tôi sẽ lo cho cậu."

"Xin lỗi ngài Shigeru," người đàn ông không nhượng bộ – tôi đoán hai người này đã biết Otori từ hồi ngài còn nhỏ và đã săn sóc ngài cho đến bây giờ - "nhưng dự tính của ngài cho cậu ta như thế nào? Cậu ta sẽ làm việc trong nhà bếp hay ngoài vườn? Cậu ta có phải học nghề? Cậu ta có khả năng gì không?"

"Ta định nhận nó làm con nuôi. Ngươi có thể bắt đầu thủ tục vào ngày mai, Ichiro."

Mọi người đều lặng im sau đó. Ichiro trông sững sờ, nhưng tôi còn kinh ngạc hơn cả lão ta. Chiyo cố nén không cười. Rồi cả hai người cùng lên tiếng. Bà ta lẩm bẩm xin lỗi và nhường ông già nói trước.

"Thật là rất đỗi bất ngờ," ông ta nói có vẻ cáu kỉnh. "Ngài có dự trù chuyện này trước khi lên đường không?"

"Không, chuyện xảy ra hoàn toàn tình cờ. Ngươi cũng biết là ta rất đau khổ sau cái chết của em trai ta, và ta thường du hành đây đó cho bớt nỗi đau buồn. Kể từ khi ta tìm thấy cậu bé này thì mỗi ngày nỗi đau đó dường như có thể chịu đựng được."

Chiyo siết hai bàn tay vào nhau. "Số phận đã đưa cậu ta đến với ngài. Khi vừa nhìn thấy ngài tôi biết ngài có đổi khác – hồi phục ở phương diện nào đó. Dĩ nhiên không ai có thể thay thế ngài Takeshi..."

Takeshi! Ngài Otori đã đặt tên tôi giống như tên người em khuất bóng của ngài. Và ông ta sẽ nhận tôi làm con nuôi. Những người đạo Hidden có đề cập chuyện tái sinh qua nước thánh. Tôi đang được tái sinh qua lưỡi kiếm.

"Ngài Shigeru, ngài đang làm một chuyện sai lầm ghê gớm," Ichiro nói thẳng thừng. "Cậu bé này không là ai hết, chỉ là một dân dã... Bộ tộc sẽ nghĩ như thế nào về chuyện này? Thúc phụ ngài sẽ không bao giờ cho phép. Chỉ đề nghị chuyện này thôi đã là một sự xúc phạm."

"Hãy nhìn cậu ta," ngài Otori nói. "Không biết cha mẹ cậu ta là ai, nhưng một người nào đó trong quá khứ cậu ta không phải là một dân dã bình thường. Thế nào đi nữa ta đã cứu cậu ta khỏi đám người Tohan. Iida muốn giết nó. Vì ta đã cứu sống gã nên gã thuộc về ta, và ta phải nhận nuôi nó. Để được an toàn khỏi bị Tohan giết cậu ta phải được sự bảo vệ của bộ tộc chúng ta. Vì gã ta đã giết một hai người gì đó."

"Một cái giá cao. Hy vọng là cái giá sẽ không cao hơn nữa," Ichiro ngắt lời. "Cậu ta đã làm gì mà Iida chú ý đến?"

"Đơn giản cậu ta ở sai chỗ và không đúng lúc. Không cần đi vào chi tiết cuộc đời nó. Cậu ta có thể là bà con xa phía mẹ ta. Hãy bày đặt như thế."

"Người Tohan đang khủng bố những người theo đạo Hidden," Ichiro nói một cách láu lỉnh. "Nói cho tôi biết cậu ta không phải Hidden."

"Nếu nó đã từng là Hidden thì bây giờ sẽ không còn là Hidden nữa," ngài Otori trả lời với tiếng thở dài. "Tất cả đã là quá khứ. Không ích gì mà tranh luận, Ichiro. Ta đã nói là sẽ bảo vệ cậu bé này, và không có gì có thể thay đổi ý ta được. Ngoài ra, ta càng lúc càng mến nó."

"Sẽ không có gì tốt đẹp từ chuyện này," Ichiro nói.

Hai người đàn ông, một già một trẻ, nhìn chằm chằm vào nhau một lúc. Ngài Otori khoác tay với vẻ khó chịu và Ichiro hạ thấp tầm nhìn, cúi chào một cách miễn cưỡng. Tôi nghĩ thầm làm một tướng công thật là tiện nghi – vì biết rằng cuối cùng sẽ đạt được điều mình muốn.

Bỗng nhiên có một cơn gió giật làm cửa chắn kêu cót két, tiếng động làm cho tôi cảm thấy thế giới quanh mình trở nên không thật. Có một tiếng nói vang lên trong đầu tôi: Ngươi sẽ trở thành một tướng công. Tôi thật tình muốn quay ngược thời gian trở lại cái ngày trước hôm tôi đi hái nấm trên núi – trở về cuộc sống cũ với mẹ và dân làng. Nhưng tôi biết rằng tuổi thơ của mình đã thuộc về quá khứ, đã kết thúc, đã vuột khỏi tầm tay mãi mãi. Tôi đã trở thành một người đàn ông và sẽ phải chịu đựng mọi chuyện xảy đến với tôi.

Tôi đi theo Chiyo về phía nhà tắm, trong đầu vẫn lẩn quẩn những ý nghĩ cao xa này. Hiển nhiên bà không biết gì về quyết tâm của tôi: Bà ta ra lệnh tôi cởi hết áo quần như một đứa trẻ, chà xát khắp người tôi trước khi để yên tôi ngâm mình trong nước nóng hổi. Sau đó bà trở lại với bộ quần áo vải và bảo tôi mặc vào. Tôi làm đúng theo lệnh bà ta. Tôi đâu có thể làm khác đi được? Bà lau khô tóc tôi, chải ngược phía sau và cột lại phía trên chỏm.

"Tóc này sẽ phải cắt thôi," bà lẩm bẩm, và thoa hai tay lên mặt tôi. "Cậu chưa có râu. Tôi tự hỏi cậu bao nhiêu tuổi? Mười sáu phải không?"

Tôi gật đầu. Bà ta lắc đầu và thở ra. "Ngài Shigeru muốn cậu lên ăn cơm với ngài," bà nhẹ nhàng nói thêm, "Tôi hy vọng cậu sẽ không mang thêm phiền muộn cho ngài."

Tôi đoán là Ichiro đã kể lại cho bà nghe nỗi lo ngại của ông ta.

Tôi theo Chiyo trở lại căn nhà chính, và cố để ý từng chi tiết của ngôi nhà. Lúc đó trời gần tối; những ngọn đèn dựng trên giá sắt tỏa ánh sáng màu vàng cam trong các góc phòng, nhưng không đủ sáng cho tôi nhìn mọi nơi. Chiyo dẫn tôi đến cầu thang ở trong góc của phòng khách chính. Tôi chưa bao giờ được nhìn thấy cầu thang: Ở làng Mino chúng tôi chỉ dùng thang leo, không có nhà nào có cầu thang đúng nghĩa như thế này. Màu gỗ đậm và bóng – có lẽ là gỗ sồi – và mỗi bậc cầu thang vang lên âm thanh nhỏ bé khi tôi bước chân lên. Một lần nữa đối với tôi dường như đó là một công trình kỳ diệu, và tôi như nghe được tiếng nói của người làm ra nó ở mỗi bước đi.

Căn phòng Chiyo đưa tôi đến trống trải, tấm bình phong hướng ra khu vườn mở rộng. Trời bắt đầu mưa. Chiyo khẽ cúi chào tôi và bước xuống cầu thang. Tôi lắng nghe tiếng bước chân bà ta đi xuống cầu thang và nghe bà nói với người hầu trong nhà bếp.

Đây là căn phòng đẹp nhất mà tôi từng đặt chân vào. Sau này tôi có dịp thấy nhiều lâu đài, cung điện, dinh thự của các quý tộc, nhưng không thể so sánh được với căn phòng trong dinh thự của ngài Otori vào buổi chiều khoảng cuối tháng tám hôm đó khi trời đang mưa nhẹ ngoài vườn. Ở cuối phòng có một cột gỗ khổng lồ, thân của một cây bách hương, đứng thẳng từ nền đến trần nhà, được đánh bóng làm lộ ra vân gỗ và nhiều mắt gỗ. Đà ngang cũng làm bằng gỗ bách hương, màu nâu đỏ dịu nổi bật giữa màu trắng kem của bức tường. Tấm thảm đã phai thành màu vàng nhạt, viền rộng màu chàm xanh có thêu hình con diệc màu trắng, dấu hiệu của nhà Otori.

Một bức tranh cuộn treo ở hốc tường vẽ hình một con chim nhỏ trông giống như con chim bắt ruồi có cánh màu xanh lục lẫn màu trắng ở khu rừng làng tôi. Hình con chim trông như thật làm tôi tưởng nó có thể bay đi. Điều làm tôi ngạc nhiên là một họa sĩ tài ba như thế lại biết đến một loài chim bé nhỏ khiêm tốn của núi rừng.

Tôi nghe tiếng bước chân bên dưới và vội ngồi xuống sàn, hai chân khép gọn gàng dưới thân hình. Qua cánh cửa sổ mở tôi thấy một con chim diệc màu xám và trắng đang đứng cạnh ao nước trong vườn. Nó thọc mỏ xuống nước và khi ngẫng lên thì ngậm một con cá nhỏ đang dẫy dụa. Con chim diệc nhẹ nhàng tung mình lên và bay đi vượt qua bức tường.

Ngài Otori bước vào phòng với hai tì nữ đi sau mang mấy khay đựng thức ăn. Ông nhìn tôi và gật đầu. Tôi cúi gập trên sàn chào ông ta. Tôi bỗng liên tưởng ngài Otori là con chim diệc và tôi là con cá nhỏ vùng vẫy ông bắt được khi bay nhào xuống núi vào thế giới của tôi và cuỗm tôi đi.

Trời mưa nặng hạt hơn, ngôi nhà và khu vườn bắt đầu cất tiếng hòa với mưa. Nước chảy tràn từ mái nhà xuống các đường lạch chạy nối những ao hồ, mỗi thác nhỏ tạo ra một âm thanh khác nhau. Ngôi nhà như hát cho tôi nghe, và tôi cảm thấy yêu mến nó. Tôi muốn thuộc về nó. Tôi sẵn sàng làm mọi điều cho nó và cho chủ nhân của nó.

Sau khi ăn xong và các khay thức ăn được dọn đi, chúng tôi ngồi bên cửa sổ mở lúc màn đêm buông xuống. Trong ánh sáng cuối cùng của ngày, ngài Otori chỉ về phía cuối vườn. Con lạch đầy nước chảy qua khu vườn đến một lỗ cống ở chân tường và hòa vào con sông sau đó. Con sông gầm thét một thứ âm thanh sâu và liên miên, màu nước xám xanh ở lỗ cống trông như một bức màn sơn.

"Thật hạnh phúc khi về đến nhà," ông trầm tĩnh nói. "Nhưng giống như con sông kia luôn luôn ở trước cửa nhà, thế giới luôn luôn hiện diện ở ngoài kia. Và chúng ta phải sống trong thế giới đó."


Đỗ Tùng dịch
21/2/2015

***

Đọc tiếp Chương 2
Trở về trang Mục Lục

Trở về đầu trang