Trở về trang Mục lục

ĐI THĂM CỐ ĐÔ HOA LƯ

Truyện của NGUYỄN GIỤ HÙNG

CHƯƠNG 1
VÀI DÒNG LỊCH SỬ

***

Ghi chú: Đây chỉ là câu chuyện tình hư cấu. Những chi tiết về năm tháng và số liệu được đưa vào trong truyện với mục đích để giúp người đọc tiện việc so sánh với chính sử hay tài liệu . . . và có thể dễ hình dung gần đúng hơn với sự việc hay sự vật được mô tả. Tài liệu được sưu tầm, chọn lọc, tổng hợp và sao chép chỉ thích hợp cho tình huống của câu chuyện. Thời điểm ở vào những năm trước khi đất nước bị chia đôi bởi hiệp định Genève.

Nhắc lại các nhân vật chính trong toàn truyện.

Nhóm thanh niên nam nữ gồm:

- “Tôi” (tên Nam, sinh viên Trường Đại học Y khoa Hà Nội, sinh viên trọ học ở Hà Nội)
- Thi (tuổi ở độ đôi tám, học sinh trọ học ở Hà Nội, người yêu và sắp là hôn thê của “Tôi”)
- Uyên (tuổi ở độ đôi mươi, chị ruột của Thi, cô giáo ở thị xã Sơn Tây)
Ba nhân vật “Tôi”, Uyên, Thi người Sơn Tây, ở chung làng cách nhau một cái ngõ, quen biết và thân nhau từ thuở nhỏ)
- Hội (sinh viên Trường Đại học Y khoa Hà Nội sắp ra trường, bạn học cùng trường và học trên “Tôi” mấy lớp)
- (cùng lứa tuổi với Uyên, cô lái đò nghèo do thời cuộc, chở đò cho khách hành hương trên suối Yến chùa Hương, người yêu và sắp là hôn thê của Hội)
- Thư (em gái của Hội, học sinh Hà Nội, cùng trang lứa với Thi)
- Hướng dẫn viên: cụ “Từ” hay cụ “Tú” Hoa Lư (đỗ Tú tài thời thi cử cũ, nhiều kiến thức về lịch sử và văn hóa nước nhà, tình nguyện làm ông từ trông nom hai đền Đinh, Lê ở Hoa Lư và di tích.)

***


Đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng

Sau bữa cơm chiều, cả ba chúng tôi lại có dịp ra sân ngồi quây quần dưới giàn cây leo thưa lá nói chuyện với nhau. Trên chiếc bàn con, Thi đã không quên đặt một đĩa ổi chín, một đĩa kẹo vừng và một ấm nước chè nóng vừa pha.

Ổi vừa được Uyên mang từ quê lên trưa nay. Cây ổi sau vườn nhà Uyên sai trái và thơm lắm. Năm nào Thi cũng hái đem sang biếu bố mẹ tôi những quả thật ngon. Tôi không thích ăn ổi vì có nhiều hột nhưng lại thích ngửi mùi thơm của ổi chín. Để vài quả ổi chín trên bàn, chúng có thể tỏa mùi thơm ra khắp phòng.

Cả tháng nay, Uyên đã không lên Hà Nội thăm chúng tôi. Sự có mặt của Uyên bao giờ cũng là nguồn vui và cũng là dịp để cùng nhau nghĩ đến chuyện đi chơi xa trong những ngày nghỉ lễ dài.

Uyên và Thi hôm nay trông thật tươi mát trong chiếc áo ngắn cộc tay màu trắng dùng mặc ở nhà. Uyên hơn Thi vài ba tuổi nhưng trông chững chạc, trưởng thành hẳn so với Thi.

Thi chọn một quả ổi bóng bẩy nhất đưa lên mũi ngửi rồi đưa cho tôi:

- Em chọn cho anh quả ổi này ngon nhất!

Tôi cầm lấy, cười hỏi:

- Sao em biết là nó ngon nhất, trong đó có con sâu thì sao?

- Thì anh phải chịu thôi! Nếu anh không ăn thì trả lại em đây! Thi đưa tay ra đòi lại.

Tôi đưa quả ổi lên mũi ngửi rồi đút vào túi áo, không ăn. Thi ngạc nhiên hỏi:

- Anh không ăn hả, hay là anh lại để dành cho mấy cô học trò xinh đẹp của anh hôm nọ?

Tôi chợt nhớ ra một điều, hỏi ngược lại:

- À, em còn nhớ mấy cô ấy gọi em là gì không nhỉ?

Vừa hỏi xong câu ấy, tôi vội né người sang một bên như để tránh cái “véo” của Thi mỗi khi tôi trêu nàng. Nhưng không, Thi chỉ cúi xuống phụng phịu:

- Các cô ấy chỉ gọi đùa thôi mà!

Chuyện là thế này. Nhân một buổi chiều, tôi và Thi cùng đi dạo chơi bên bờ hồ Hoàn Kiếm, gặp ba bốn cô học trò tôi dậy kèm tại tư gia. Các cô cùng trang lứa với Thi. Chúng tôi chỉ kịp trao đổi vài ba câu xã giao rồi chia tay. Có cô tinh nghịch chào “Chào thầy cô ạ” trước khi bỏ đi. Thi lúng túng gật đầu chào lại. Sau câu chào ấy, nàng cứ như ngẩn ngơ, phải một lúc lâu sau mới trở lại bình thường.

Câu đối thoại giữa tôi và Thi ngừng ở đấy. Uyên không hiểu chuyện gì nên chỉ nhìn chúng tôi cười tủm tỉm. Uyên nhìn tôi rồi chỉ vào Thi mách:

- Hôm anh và Thi về thăm nhà, em kể với thầy mẹ em về anh và Thi. Cô ta đứng gần đó, biết mẹ em thế nào cũng sẽ tò mò hỏi, vội lảng ra sân rồi chuồn thẳng sang nhà anh đến mãi tối mới chịu mò về.

Nghe chị nói thế, Thi liếc nhẹ nhìn tôi, hai tay mân mê quả ổi.

Tôi nhớ lại buổi chiều tối hôm đó.

Thi sang nhà tôi chơi gặp bữa cơm tối nên được mời cùng ăn. Mẹ tôi chỉ ghế cho Thi ngồi bên cạnh. Bố tôi hôm đó vắng nhà. Chị Thìn, người chị nuôi của tôi, vừa xới cơm cho Thi vừa nhìn tôi:

- Thi nó nhớn nhanh nhỉ! mới ngày nào đây thôi! . . .

Vừa gắp thức ăn vào bát cơm cho Thi với một cử chỉ thương yêu, chị nói tiếp:

- Ngày nào, nó cứ sang nhờ chị hái dùm quả bưởi non trên cao để làm bóng “đánh chuyền”. Thế mà nay đã trở thành cô thiếu nữ xinh đẹp nhất làng rồi đấy!

Chị nhìn Thi mỉm cười và đưa bát cơm đầy thức ăn cho nàng, rồi quay lại tôi:

- Không được bắt nạt cô em gái của tôi đấy nghe cậu! Nó lớn rồi!

Tôi vội đưa tay lên cười phân bua:

- Chị ơi! Em bị “véo” nát người ra đây này. Ai bắt nạt ai đây!

Mẹ tôi cũng cười theo và nói với Thi khi nàng còn đang bẽn lẽn nhìn tôi:

- Ăn cơm đi con! Đứa nào bắt nạt con thì cho bác biết. Bác sẽ đánh nó cho!

Thi lí nhí trong miệng “Vâng ạ” rồi cùng ăn cơm vui vẻ với mọi người.

Cơm nước xong, cả nhà vẫn còn ngồi nán, lan man với dăm ba câu chuyện vui trong làng. Sau, chị Thìn và Thi dọn dẹp và cùng ra sân sau rửa bát đĩa ở cuối nhà ngang, bên bể nước lớn.

Mặt trăng đỏ vàng đã chớm mọc ở sau bụi tre làm mặt ao cuối vườn lóng lánh như chiếc mâm thau vừa được đánh sáng. Nhìn bóng hai chị em in dài trên nền gạch làm tôi cảm thấy như có cái gì thật hạnh phúc, êm đềm tràn dâng trong lòng.

Một hình ảnh mà tôi khó quên hôm đó. Mẹ tôi và Thi, một già một trẻ, cùng ngồi bổ mẹt cau tươi để phơi khô ngày mai. Dưới ánh trăng hắt qua hiên, hai nguời rù rì nói chuyện bên chiếc đèn dầu trên chiếc chõng tre kê dưới hiên nhà. Thỉnh thoảng tiếng mẹ tôi cười to xen lẫn tiếng cười khúc khích nho nhỏ của Thi vẳng tới chỗ tôi ngồi ở bậc thềm nhà, nhìn ngắm trăng lên. Ôi, hình ảnh của mẹ tôi và Thi tối hôm đó, thật thân thương làm sao!

Thi vui câu chuyện và cố bổ cho xong mẹt cau, mẹ tôi phải nhắc đôi ba lần nàng mới chịu ra về. Tôi đưa Thi về tới tận cổng nhà nàng rồi mới quay trở về. Trước khi chia tay, tôi nắm tay Thi nói vài câu từ giã. Tôi thấy lòng mình rộn rã hân hoan.

Nghe thấy tiếng Thi cười, tôi mới chấm dứt được “giấc mơ”. Thi nói với chị:

- Thỉnh thoảng anh ấy cứ như người mất hồn ấy, đang ngồi nói chuyện thì lại thừ người ra.

Uyên cũng cười theo. Tôi chống chế:

- Anh đang nghĩ tới chuyện đi chơi Hoa Lư ngày mai. Chúng ta sẽ phải đi như thế nào cho tiện đây. Có thể, có cả anh Hội và cô Mơ cùng đi chơi chung với chúng ta nữa. Họ sẽ đến sau bọn mình một tý tùy theo anh Hội có sắp xếp được công việc ở bệnh viện hay không. Anh ấy sắp ra trường nên bận lắm.

Cả Uyên và Thi đều vui mừng, cùng reo lên:

- Ồ! Thế thì vui quá!

Thi liền nhanh nhẩu kể một cách hăng say:

- Chị Uyên biết không! Hôm trước anh Hội đưa chị Mơ đến đây chơi. Chị mặc váy lĩnh mới, với một chút điểm trang, trông thật duyên dáng và xinh ơi là xinh. Chị cứ khen Hà Nội sao to, cổ kính và đẹp thế, đi cả ngày mà chưa hết và thích nhất là được ngồi ăn kem bên bờ Hồ Tây. Em thấy hai người có vẻ thương yêu nhau lắm.

Thi ngừng lại một chút, rồi tiếp:

- Hôm ấy, em lại có dịp hát lại mấy câu trong bài hát “Cô hái mơ” như để nhắc lại chuyến đi chơi Chùa Hương của bọn mình. Em cũng cù chị Mơ làm chị ấy cứ cười gập cả người. Chị cám ơn bọn mình mãi vì đã “làm mối” cho hai người quen nhau, nhưng chị cũng tâm sự là cứ lo lo không biết chuyện duyên phận của mình sẽ ra làm sao nữa.

Thi nói một hơi tưởng như không muốn nghỉ. Uyên tỏ ra có một chút gì băn khoăn:

- Quả thật, chuyện một sinh viên y khoa sắp ra trường lại yêu tha thiết một cô lái đò nghèo ở vùng quê hẻo lánh, dù là xinh đẹp, thì trong thời buổi này, kể ra đây cũng là một câu chuyện tình khá lãng mạn đấy nhỉ.

Uyên nói thêm với tôi:

-Biết đâu, đây chẳng phải là một cuộc cách mạng của những con người cấp tiến muốn phá vỡ, muốn thoát ra khỏi cái nề nếp, cái khuôn sáo của một xã hội đầy phiền toái, đầy những tư tưởng chật hẹp, bảo thủ. Gặp lại chị Mơ, em phải hỏi chị ấy câu chuyện tình bắt đầu ra sao mới được. Là người thật thà như đếm, chắc chị sẽ “khai” hết cho tụi mình nghe.

Nghe Uyên nói như thế nên tôi cũng nói chêm vào câu chuyện của hai cô:

- Nó không nghiêm trọng đến thế đâu Uyên! Chuyện trai gái yêu nhau trong hoàn cảnh lãng mạn như thế, âu cũng chỉ là một chuyện rất bình thường thôi mà.

Tôi liếc nhìn Thi mỉm cười trước khi nói về một câu chuyện “sử” mà tôi sắp kể vì tôi biết môn sử là môn học Thi ít quan tâm:

- Ngay trong Việt sử nước nhà, ta có biết bao nhiêu câu chuyện tình xẩy ra như thế. Thí dụ như cuối đời nhà Lý, vua Lý Huệ Tông lúc còn là Thái tử ở tuổi 16, đi chơi miền biển thì gặp một cô con gái đẹp thuộc con nhà đánh cá họ Trần tên Trần Thị Dung. Thái tử đem lòng yêu thương rồi lấy làm vợ, mặc dù trong cuộc hôn nhân ấy có cả lý do thời cuộc xẩy ra lúc đó.

Thi hỏi tôi với sự thích thú:

- Câu chuyện tình này cũng lãng mạn đấy chứ chị Uyên nhỉ! Rồi sao nữa hả anh?

- Khi Thái tử lên ngôi vua, cô trở thành Hoàng hậu. Sau đó hai người sinh ra hai người con gái, đó là Công chúa Thuận Thiên (1216) và Công chúa Chiêu Thánh (1217). Nhờ cô con gái xinh đẹp tên Trần Thị Dung này mà gia đình và dòng họ nhà Trần mới có thêm một trong những cơ hội được tiến cử vào triều đình nhà Lý. Và cũng từ đấy, nhà Lý mới mất ngôi vào tay nhà Trần sau đó.

Thi tỏ ra bất mãn:

- Ồ! Sao lại cư xử với nhau như thế được nhỉ?

Tôi nhìn Thi và Uyên giải bày:

- Em ngây thơ quá! Chuyện của người lớn mà! Nhưng những việc làm của bà Trần Thị Dung giúp cho nhà Trần và cho đất nước trong giai đoạn chống quân Mông Cổ lần thứ nhất (1258) đã được nhà sử học Ngô Sĩ Liên trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư khen rằng : ”Giúp đỡ nội trị cho nhà Trần, Linh Từ có nhiều công to. . . Thế mới biết trời sinh ra Linh Từ cốt để mở nhà Trần. . .” Linh Từ Quốc Mẫu là tước vị mà vua Trần ban tặng cho bà khi bà mất.

Nhắc đến nhà Lý, tôi chợt nhớ tới Thái hậu Ỷ Lan. Và cũng để chứng minh thêm một câu chuyện tương tự như trên, tôi hỏi Uyên:

- Uyên có biết một Thái hậu siêu việt trong sử sách nước ta, tức bà Ỷ Lan không?

Uyên trả lời tôi:

- Thưa, em biết! Sao hở anh?

- Uyên biết rồi thì để anh nhắc sơ lược câu chuyện này cho Thi nghe nhé. Trong triều nhà Lý, Lý Thánh Tông là một vị quân vương tài giỏi. Năm ngài đã 40 tuổi mà chưa có con trai nối dõi. Nhà vua và triều đình rất buồn lo. Vua thường ngự giá đi các chùa chiền để cầu tự.

Một hôm, ngài đến chùa Dâu, khi trở về, dân chúng lập các đám rước dọc đường để nghinh đón và xem mặt vua. Vua trông thấy một cô gái không ra xem rước như mọi người khác mà cứ vẫn chăm chỉ hái dâu. Ngài cho vời cô con gái quê mùa đó lại hỏi, cô gái thưa: “Thiếp là con nhà nghèo hèn, phải làm việc đầu tắt mặt tối để phụng dưỡng cha mẹ, không dám đi xem rước và nhìn mặt rồng”. Nhà vua thấy cô gái ấy xinh đẹp và trả lời dịu dàng nên vua tuyển về kinh đô Thăng Long làm cung phi. Người con gái đó chính là bà Ỷ Lan. Ít lâu sau bà sinh cho vua được người con trai tức là vua Lý Nhân Tông tài giỏi sau này.

Năm 1069, vua Lý Thánh Tông cùng tướng Lý Thường Kiệt cất quân đi đánh giặc Chiêm Thành ở phương xa. Bà Ỷ Lan thay vua đảm đương việc nước. Vua đánh giặc mãi không thắng bèn đem quân trở về. Trên đường về nhà vua nghe dân đồn đãi là bà trị nước rất giỏi. Nhà vua tự nghĩ : Kẻ kia là đàn bà mà còn giỏi như vậy, ta là đàn ông sao lại tầm thường đến thế sao. Vua lại quay trở lại đánh giặc, lần này thì ngài thắng to. Sử cũ có chép rằng: Bà Nguyên phi Ỷ Lan trị dân rất giỏi, khiến dân tâm hòa hiệp, cõi nước thanh bình.

Thi vênh mặt lên nhìn tôi:

- Anh thấy chưa! Đàn bà giỏi hơn đàn ông. Anh không được chê em dốt đấy!

Tôi cười rồi nói tiếp:

- Dân gian sùng đạo Phật tôn bà Ỷ Lan là “Quán Âm nữ”, tức con gái của đức Bồ Tát Quán Âm. Bà chăm lo phát triển đạo Phật, cho xây dựng cả trăm ngôi chùa, nay vẫn còn giữ được vài ngôi chùa nổi tiếng. Bà cũng hay thường mời các vị cao tăng tới đàm đạo hay thuyết pháp ở chùa Trấn Quốc tại Thăng Long và bà cho ghi chép lại. Nhờ đó mà ngày nay chúng ta mới có những tài liệu quý báu làm cơ sở tra cứu về sự có mặt và phát triển đạo Phật trên đất nước ta vào thời bấy giờ.

Tôi ngừng một chút rồi nói tiếp:

- Uyên và Thi thấy không, hai người đàn bà, một xuất thân từ con nhà đánh cá, một xuất thân từ nhà nông dân nghèo khó, thế mà họ một bước có thể bước lên ngôi Hoàng hậu (vợ vua) rồi Thái hậu (mẹ vua) và làm được những việc lớn lao trong lịch sử nước nhà. Trong sử nước ta còn nhiều chuyện như thế lắm. Hai em phải nhớ lấy, đây là những bài học quý giá để trước khi chúng ta muốn đánh giá một người nào qua bề ngoài hay sự xuất thân của họ. Câu chuyện tình của Hội và Mơ cũng không phải là hy hữu hay ngoại lệ lắm đâu!

Tôi chợt nhớ về một mối tình khá đẹp và thật lãng mạn vào đời nhà Nguyễn, tôi kể tiếp:

- Vào đời nhà Nguyễn, với thời gian gần với chúng ta hơn còn có một câu chuyện tình nữa cũng khá lãng mạn đấy.

Chúa Nguyễn Phúc Loan (1635-1648) là một người vừa dũng cảm, vừa đa tình.

Dũng cảm vì chúa đã tự mình điều khiển thủy quân đánh tan 3 chiếc tầu của Hòa Lan ở cửa Eo (cửa Thuận An). Đa tình vì thời thanh niên, lúc chúa Phúc Loan còn là Thái tử trấn ở Quảng Nam. Nhân đêm trăng sáng, Thái tử cùng đám cận vệ đáp thuyền đi chơi xuân. Ngang qua một bãi dâu, nghe thấy giọng hát véo von của một thiếu nữ. Thái tử cho dừng thuyền lại xem thì trước mắt ngài là một thiếu nữ nhan sắc thật kiều diễm đang hái dâu dưới ánh trăng thanh. Khi về cung, Thái tử không sao ngủ được cứ ngẩn ngơ si tình. Sáng hôm sau, ngài cho người đến gia đình cô gái nói rõ ý tình của mình. Chẳng bao lâu, cô con gái hái dâu họ Đoàn đó được Thái tử cưới về làm vợ. Sau, cô được phong là Hiếu Chiêu Hoàng hậu.

Để cho câu chuyện về cô Mơ không đi quá xa, tôi vội lên tiếng như ra lệnh:

- Thôi, ta hãy nói chuyện đi chơi Hoa Lư ngày mai đã! Chuyện cô Mơ để sau có được không?

Cả hai cô đồng thanh:

- Thưa anh vâng ạ!

Rồi hai cô nhìn nhau cười tủm tỉm.

Tôi nói tiếp với vẻ nghiêm trang:

- Trước khi đi đến cố đô Hoa Lư, anh đề nghị chúng ta cũng nên nhắc sơ qua một chút về những sự kiện lịch sử đã xẩy ra ở đó, từ những nguyên nhân đến hậu quả của nó.

Hoa Lư là một di tích lịch sử vô cùng quan trọng của đất nước mình, của dân tộc mình trong giai đoạn mở đầu cho nền đế chế trung ương tập quyền, tự chủ tự cường. Anh muốn hai em không nên coi đây như chỉ là một cuộc du ngoạn thông thường.

Chúng ta phải đến đó với một tấm lòng trân trọng để chiêm ngưỡng những di tích của người xưa còn để lại. Từ đó ta mới có thể liên tưởng tới được những hy sinh, những thành quả mà ông cha ta đã phải dầy công xây dựng để cho chúng ta có được một giang sơn gấm vóc như ngày hôm nay. Chúng ta đến đó không phải để chỉ nhìn ngôi đền, nhìn những tượng thờ bằng đá hay gỗ một cách thờ ơ, mà phải thấy ở đấy, mỗi vật thể đều có linh hồn riêng của nó. Và, chúng ta đến Hoa Lư để có dịp “sờ mó” vào lịch sử. Lịch sử là một cái gì rất cụ thể để ta có thể nắm bắt. Mỗi cuộc đi chơi, nếu chúng ta không mang lại cho mình sự hiểu biết, sự cảm nhận và những tình cảm dành cho nơi đó một cách đặc biệt thì “há chẳng uổng phí lắm ru”.

Tôi cười sau mấy chữ nhấn mạnh sau cùng “há chẳng uổng phí lắm ru” để làm giảm bớt vẻ cường điệu. Tôi ngừng lại một chút để “dò xét” phản ứng của hai người. Tôi thấy hai cô đang lắng nghe câu chuyện một cách nghiêm chỉnh nên tôi mới nói tiếp:

- Uyên nhắc lại cho mọi người nghe về giai đoạn lịch sử Hoa Lư đi! Cô giáo thì chắc phải thuộc sử hơn anh.

Thi vội lên tiếng:

- Thôi anh nói đi! Chúng em đang lắng nghe anh mà!.

- Ừ, thôi để anh nói trước cho Thi nghe, chỗ nào thiếu sót thì Uyên bổ túc thêm nhé!

Tôi chỉ vào Thi :

- Còn cô học trò “lười” này của anh thì lắng tai mà nghe để ngày mai khỏi phải hỏi lung tung những câu vớ vẩn đấy!

Thi “véo” mạnh vào cánh tay tôi một cái rồi trợn mắt hỏi:

- Ai nói với anh rằng em là học trò lười?

Tôi tránh sang bên để tránh cái “véo” thứ hai. Tôi cười :

- À, anh chỉ nói là em lười học sử Việt Nam thôi mà, chứ anh có nói em lười làm toán đâu.

Thi lần này không “véo” nữa mà cứ đấm nhẹ vào cánh tay tôi phụng phịu:

- Em không chơi với anh nữa đâu! Hôm qua mới giảng cho em bài toán mà hôm nay anh đã nói “móc mỉa” em rồi.

Uyên vội can, cười nói với Thi:

- Thôi! Thôi đủ rồi! Cô là học trò chăm chỉ. Chịu chưa?

Uyên lại quay sang tôi :

- Anh mà chiều Thi thế này, có ngày nó không những véo, đánh mà còn cắn anh nữa đấy.

Thi nhìn chị nũng nịu trách:

- Chị lúc nào cũng chỉ bênh anh ý thôi!

Tôi lấy lại nghiêm trang:

- Thôi để anh nói cho nghe! Câu chuyện lịch sử trong thời Hoa Lư này hơi khá phức tạp so với những giai đoạn lịch sử khác sau đó.

Tôi nhắc cho Uyên và Thi biết:

Đất nước ta lúc bấy giờ vừa mới thoát khỏi tay ngoại xâm phương Bắc (30 năm) sau một thời gian dài nghìn năm bị đô hộ. Tình hình trong nước còn rối ren nhiều lắm.

Vua Ngô Quyền đuổi giặc Nam Hán rồi lên ngôi vua năm 939, đóng đô ở Cổ Loa, chẳng được bao lâu thì mất (năm 944), thọ 47 tuổi. Sau khi ngài mất thì nội loạn xẩy ra tự trong triều đình đã tạo nên những hệ quả dây chuyền. Các vương gia nhà Ngô xào xáo chém giết lẫn nhau để đoạt ngôi vua. Những vị quan trong triều thì chia phe, lập phái. Lãnh chúa mọi vùng không chịu phục tùng triều đình, nổi lên chiếm cứ lãnh địa, mỗi người hùng cứ một phương. Lịch sử gọi thời gian này là “Loạn mười hai sứ quân” (Thập nhị sứ quân), kéo dài hơn 20 năm (945-967).

Các sứ quân mang quân đánh nhau triền miên làm dân gian rất lầm than, khổ cực. Một lực lượng nghĩa quân dưới quyền thống lĩnh của Đinh Bộ Lĩnh đã đánh thắng những sứ quân để thống nhất đất nước và lập nên triều đại nhà Đinh.

Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi vua xưng là Đinh Tiên Hoàng Đế năm 968, đóng đô ở Hoa Lư, đặt Quốc hiệu là Đại Cồ Việt (nước Việt to lớn). Đây là triều đại đầu tiên của nước ta tự xưng Đế, một triều đại phong kiến trung ương tập quyền đầu tiên có một nền tự chủ, tự cường dám tự hào sánh ngang hàng với các triều đại nhà Hán bên Tầu. Kinh đô Hoa Lư cũng còn được gọi là Tràng An như danh xưng của kinh đô Bắc triều thời Hán. Nhà Đinh có công thống nhất và lập lại kỷ cương trong nước.

Nhà Đinh trị vì từ năm 968 đến năm 981, trải qua hai đời vua, cả thẩy 14 năm thì thuộc về tay Lê Hoàn, một vị tướng thân cận và tài giỏi của nhà Đinh.

Lê Hoàn lên ngôi vua tức Lê Đại Hành, lập nên nhà Tiền Lê, kinh đô vẫn ở Hoa Lư và Quốc hiệu vẫn giữ là Đại Cồ Việt. Nhà Tiền Lê trị vì từ năm 681 đến năm 1009, trải qua 3 đời vua, cả thẩy 29 năm thì nhà Tiền Lê thuộc về tay một tướng tài giỏi của nhà Tiền Lê là Lý Công Uẩn, tức vua Lý Thái Tổ sau này. Nhà Tiền Lê có công tiếp tục ổn định đất nước, phá Tống, bình Chiêm, rạng danh một cõi.

Năm 1009, vua Lý Thái Tổ khi vừa lên ngôi, ngài dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long trong năm sau (2010). Hoa Lư trở thành cố đô từ đó. Khi dời đô, Lý Thái Tổ cho con trai là Khai Quốc Vương Bồ trấn giữ ở đây. Khi vua Lý Thái Tổ dời kinh đô ra Thăng Long, Hoa Lư vẫn giữ vị thế quan trọng. Hoa Lư vẫn còn là phủ thời nhà Lý, là lộ của thời nhà Trần.

Tóm lại, cố đô Hoa Lư được kéo dài từ năm 968 đến năm 1010, cả thẩy 42 năm, gồm 3 triều đại: Đinh, Tiền Lê và khởi đầu nhà Lý, với 6 vị vua.

Đấy là những nét tổng quát về giai đoạn lịch sử của thời Hoa Lư mà chúng ta cần phải biết.

***

Tôi vừa nói tới đây thì Thi vội đưa lên trước mặt tôi mấy miếng ổi đã cắt và gọt vỏ sẵn:

- Anh. . .! Há. . .! Há. . .! Há. . .!

Sau mỗi tiếng “Há”, Thi đưa một miếng ổi nhỏ vào mồm tôi. Tôi nhai vội, nuốt, rồi đùa hỏi:

- Em có cho anh ăn ổi “nhân thịt” không đấy?

Thi và Uyên nhìn nhau với đôi mắt ngạc nhiên như dò hỏi ý nghĩa về mấy chữ “ổi nhân thịt” mà tôi vừa dùng. Thi hỏi:

- Ổi “nhân thịt” là ổi gì vậy? Sao em chưa hề nghe thấy!

Uyên cũng đang ngồi cười cười chờ đợi câu trả lời của tôi. Tôi cắt nghĩa:

- Ổi “nhân thịt” là quả ổi có con sâu ở bên trong. Thịt của con sâu đó mà!

Thi và Uyên đều phá lên cười. Thi chồm người lên cắn cánh tay tôi. Thi không nhả ra mà ngước lên nhìn tôi như có ý hỏi “Anh có đau không?”. Tôi nhìn vào mắt Thi không nói gì và cứ để Thi cắn. Thi cắn mạnh hơn một tý nữa, tôi vẫn cứ ngồi tủm tỉm cười vì tôi biết Thi không muốn làm tôi đau. Thi cắn mạnh hơn thêm tý nữa rồi mới nhả ra:

- Anh có đau không?

- Đau! Tôi vờ trả lời như vậy.

- Đáng đời anh lắm! Sao anh cứ thích trêu em thế! Anh bị đau, sao lại không kêu lên?

Tôi nhìn Uyên :

- Khi người con trai được người con gái xinh đẹp như thế này cắn, dù có bị đau cũng không nên kêu. Phải không Uyên?

- Em đã nói với anh là có ngày anh bị Thi nó cắn mà!

Thi nhìn chị, vênh vênh mặt lên nói nhõng nhẽo:

- Tại chị xui em lúc nẫy chứ bộ!

Cả ba chúng tôi lại được dịp cười vui. Trăng đã lên khỏi mái nhà. Ánh sáng trăng chiếu xuống sân gạch, chiếu xuyên qua giàn cây leo thưa lá chỗ chúng tôi đang ngồi, làm khung cảnh chung quanh trở nên êm dịu, thơ mộng, thanh bình và làm chúng tôi trở nên cởi mở, thân mật với nhau hơn trong những câu chuyện.

Nước da trắng và đôi mắt sáng long lanh của Thi hòa trong ánh trăng thanh làm nổi bật lên nét tinh anh cùng sự hồn nhiên của nàng.

Uyên dục tôi:

- Anh nói tiếp về Hoa Lư đi!

Uyên quay sang Thi:

- Em không được chọc phá anh ấy nữa đấy nhé!

Thi đứng lên, khoanh tay, cúi gập người xuống, cười nói với Chị:

- Thưa cô giáo, vâng ạ!

Thi quay sang tôi:

- Để em rót nước chè cho anh và mời anh ăn kẹo vừng nhé! Em không phá anh nữa đâu, nhưng anh cũng không được trêu em nữa đấy. Nếu không, em cho anh ăn ổi “nhân thịt” đó!

Tôi cười rồi kể tiếp về Hoa Lư:

- Khi nói tới Thăng Long là người ta nhớ ngay tới vua Lý Thái Tổ. Cũng vậy, khi nói tới Hoa Lư là người ta nghĩ ngay tới vua Đinh Tiên Hoàng. Chúng ta đi thăm Hoa Lư, ta cũng nên tìm hiểu thêm một chút về thân thế và sự nghiệp của ngài Đinh Bộ Lĩnh hay vua Đinh Tiên Hoàng trong bối cảnh lịch sử lúc đó.

Tôi cố gắng nhớ lại những nét chính để kể cho Uyên và Thi nghe.

Cha ngài là Thứ sử Đinh Công Trứ, một viên tướng tài giỏi của Tiết đô sứ Dương Đình Nghệ. Ngô Quyền trấn ở Ái Châu (Thanh Hóa), Đinh Công Trứ trấn ở Hoan Châu (Nghệ An- Hà Tĩnh) là những nơi hiểm yếu. Thanh Hóa và Nghệ An, nhờ vào địa thế hiểm trở, có thế thủ mà cũng có cả thế công nên thường được dùng làm những hậu cứ vững chắc mỗi khi đất nước bị ngoại xâm. Những nơi này thường được đặc biệt trấn giữ bởi những tướng tài giỏi.

Đến năm 938 Dương Đình Nghệ bị nha tướng là Kiều Công Tiễn giết chết để đoạt chức Tiết đô sứ. Nhân cơ hội đó quân Nam Hán lại kéo quân thủy, bộ sang toan chiếm nước ta lần nữa. Ngô Quyền đem quân từ Ái Châu ra Bắc giết Kiều Công Tiễn, phá tan quân Nam Hán của Hoằng Thao trên sông Bạch Đằng.

Năm 939, Ngô Quyền xưng Vương, tức Ngô Vương Quyền. Thời kỳ này sử gọi là nhà Tiền Ngô, đóng đô ở Cổ Loa, chính thức mở đầu nền độc lập tự chủ cho dân tộc ta sau một nghìn năm bị đô hộ. Dưới triều Ngô, Đinh Công Trứ vẫn còn giữ chức Thứ sử Châu Hoan như cũ.

Với vai trò của cha là Đinh Công Trứ ở Hoan Châu, nơi địa đầu giới tuyến phía nam đất nước, đã ảnh hưởng không nhỏ trong tâm tưởng và sự mưu đồ việc lớn của Đinh Bộ Lĩnh sau này.

Thứ sử Đinh Công Trứ mất đi khi Đinh Bộ Lĩnh còn niên thiếu, phải theo mẹ về sống cạnh đền Thần Núi ở động Hoa Lư. Sử chép Đinh Bộ Lĩnh, tuy còn nhỏ tuổi, nhưng đã tỏ ra xuất chúng hơn người, có mộng bá vương nên khi lớn lên dân chúng trong vùng theo rất đông, chỉ trừ ông chú là Đinh Dự chiếm riêng thôn Bông là không chịu theo. Đinh Bộ Lĩnh đem quân đánh chú, lần đầu bị thua. Đinh Bộ Lĩnh lại đem quân trở lại đánh chú lần thứ hai, chú phải xin hàng. Đinh Bộ Lĩnh hùng cứ ở Hoa Lư.

Trong khi Đinh Bộ Lĩnh đang mưu chuyện lớn, thì cùng lúc đó, tại triều đình nhà Ngô cũng có nhiều biến cố trọng đại xẩy ra. Ngô Vương Quyền làm vua được có 6 năm thì mất (944). Con cả của Ngô Vương Quyền là Ngô Xương Ngập lên làm vua. Người em vợ của Ngô Vương Quyền là Dương Tam Kha đoạt ngôi vua của cháu, tự xưng là Bình Vương (945- 950). Ngô Xương Ngập phải chạy về Nam Sách thuộc Hải Dương bây giờ. Sự đoạt ngôi của Dương Tam Kha khơi mào một loạt những cuộc nổi loạn dây chuyền trong cả nước.

Giặc dã nổi lên tứ tung, không còn ai phục tùng triều đình nữa. Triều đình nhà Ngô lúc đó cũng chỉ còn là một trong 12 sứ quân mà thôi. Đất nước ta lúc đó ở trong thời kỳ loạn lạc, nhiễu nhương, dân chúng chết chóc, lầm than, khổ cực trăm điều, kéo ròng rã suốt trên 20 năm. Đó là bối cảnh lịch sử trong thời kỳ đất nước nhiễu nhương, thù trong giặc ngoài ở giai đoạn trước khi kinh đô Hoa Lư thành hình.

Ta trở lại với Đinh Bộ Lĩnh ở Hoa Lư. Tới năm 951, thế lực của Đinh Bộ Lĩnh cũng đã hùng mạnh lắm rồi. Lúc hai vua Ngô Xương Ngập và Ngô Xương Văn còn sống định đem quân đến đánh. Đinh Bộ Lĩnh muốn hòa hoãn với triều đình nên đã cho con cả là Đinh Liễn về triều đình để cầu hòa. Đinh Liễn bị triều đình bắt giữ và bị mang theo đoàn quân đi đánh Hoa Lư.

Sau một tháng trời quân triều đình không đánh thắng nổi Đinh Bộ Lĩnh. Xương Ngập và Xương Văn liền treo Đinh Liễn lên cành cây dọa bắn chết Liễn nếu Đinh Bộ Lĩnh không chịu quy hàng. Đinh Bộ Lĩnh nói: ”Bậc đại trượng phu lẽ nào lại vì trẻ con mà bỏ nghiệp lớn” và liền sai hai mươi tay cung nỏ chuẩn bị bắn Đinh Liễn. Xương Ngập và Xương Văn kinh dị phải thả Liễn ra và lui binh.

Sau này, thấy thế lực của sứ quân Trần Lãm ở Bố Hải Khẩu (Thái Bình) rất lớn, và hơn nữa Trần Lãm đã già yếu lại không có con trai, Đinh Bộ Lĩnh mang Đinh Liễn cùng sang theo Trần Lãm và xin nhận làm con nuôi. Trần Lãm rất yêu quý Đinh Bộ Lĩnh, giao toàn binh quyền cho ông. Đúng ra, đây là một liên minh quân sự giữa Đinh Bộ Đĩnh và Trần Lãm.

Đinh Bộ Lĩnh cùng con “đánh nam dẹp bắc”, đi đến đâu thắng đến đó nên đã tự xưng mình là Vạn Thắng Vương. Toàn bộ các sứ quân trong nước hoặc bị giết, hoặc theo về quy hàng. Đến năm 968, Đinh Bộ Lĩnh tự xưng Đế, lấy niên hiệu là Đinh Tiên Hoàng Đế hay Đinh Thắng Vương Hoàng Đế, đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt, chọn Hoa Lư làm kinh đô.

Trong điều kiện lịch sử của thế kỷ thứ 10, loạn lạc triền miên, thù trong, giặc ngoài Đinh Bộ Lĩnh phải tận dụng triệt để địa hình, địa thế hiểm trở rất đắc dụng trong thế phòng thủ của Hoa Lư để làm kinh đô mà không quan ngại tới thế đất chật hẹp, khó phát triển lâu dài. Hoa Lư có lợi thế về địa thế, lại có lợi thế về lòng dân. Hoa Lư ở sát ngay quê của Đinh Bộ Lĩnh tức là huyện Gia Viễn. Hoa Lư lại nằm bên bờ sông Hoàng Long, con sông bắt nguồn từ vùng rừng núi của tỉnh Hòa Bình, nối vào sông Đáy rồi đổ ra biển rất thuận tiện cho việc giao thông. Do lợi thế của sông ngòi, từ Hoa Lư có thể tiến ra phía bắc tới thành Đại La (Thăng Long sau này), lại kiểm soát được vùng đồng bằng ven biển, hay theo đường núi tiến sâu xuống phía nam để tới Thanh Hóa, Nghệ An. Hoa Lư vừa là kinh đô, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá, vừa là một thành tuyến quân sự.

Và trong thời kỳ nhà Tiền Lê thay thế nhà Đinh sau đó, Lê Hoàn vẫn giữ kinh đô ở Hoa Lư vì ngoài lý do quân sự, gần quê nhà là Thanh Hóa như thời vua Đinh, lại thêm một yếu tố nữa là vua Lê Đại Hành muốn tiến chiếm Chiêm Thành, mở mang bờ cõi về phía Nam nên việc ngài tiếp tục đóng đô ở Hoa Lư là hoàn toàn hợp lý cho mưu tính ấy.

Tôi ngưng một chút để uống nước rồi nói tiếp:

- Anh nhắc thêm ở đây với hai em, đứng về mặt yếu tố lòng dân, cũng có thể đó là một trong những lý do để vua Ngô Quyền quyết định chọn Cổ Loa làm kinh đô, vì gần quê nhà là huyện Ba Vì thuộc tỉnh Sơn Tây. Thêm nữa, Cổ Loa là kinh đô cũ của vua Thục An Dương Vương ở vào thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên mà anh em chúng ta đã có dịp đến thăm đó cách đây không lâu (Xin đọc bài "NHỮNG NĂM THÁNG ẤY-Cổ Loa Thành").

Nghe tới đây, Thi lên tiếng ngay:

- Quê của vua Ngô Quyền ở huyện Ba Vì cũng gần làng mình nhỉ!

- Phải rồi! Huyện Ba Vì có tới những hai vị vua anh hùng cái thế của nước ta cơ đấy. Người thứ nhất là Phùng Hưng tức Bố Cái Đại Vương, người thứ hai là Ngô Vương Quyền.

Thi vỗ tay hớn hở:

- Thích quá anh nhỉ!

***

Tôi nghĩ, kể tới đây, dù mới chỉ là lược giải, nhưng cũng nên để cho Thi và Uyên cần có một chút nghỉ ngơi. Trời còn chưa khuya lắm, chút nữa nói chuyện tiếp cũng chưa muộn gì. Tôi đề nghị:

- Chúng ta ra ngoài phố đi dạo chơi một chút nhé?

Thi nắm tay Uyên đứng lên :

- Đi ra ngoài dạo chơi một chút đi chị.

Uyên đứng lên nhưng từ chối, nàng nói với tôi:

- Anh và Thi cứ đi đi. Em ở nhà còn sắp sửa quần áo cho ngày mai nữa chứ. À, mình tính ở lại Hoa Lư mấy ngày hở anh?

- Chắc mình ở lại hai tới ba đêm. Uyên cứ đi dạo chơi một tý rồi về sắp quần áo sau cũng được mà!

Uyên quay lại Thi :

- Hai anh em cứ đi chơi đi! Chị ở nhà nấu tiếp nồi chè đậu xanh, chút nữa về ăn.

Thi đứng tần ngần một chút rồi nói với Uyên:

- Hay em ở nhà nấu chè với chị!

Uyên đẩy nhẹ tôi và Thi ra phía cổng:

- Thôi hai người đi đi, tý nữa về ăn chè.

Thi chạy vào nhà thay vội chiếc áo sơ-mi trắng kiểu con gái và đổi đôi dép da rồi chạy phóng ra với tôi. Uyên nhìn cô em gái mỉm cười.

Tôi và Thi lững thững trên phố Huế, đi bên nhau mà không ai nói tiếng nào. Tay đan tay, vui chân, chẳng mấy lúc chúng tôi đã ra tới bờ hồ Hoàn Kiếm, không xa nhà là bao.

Gió bờ hồ thổi mát. Thỉnh thoảng chúng tôi lại nhìn nhau mỉm cười. Đồng hành với chúng tôi, vài cặp trai gái cũng đi bên nhau “lượn” bờ hồ hóng mát. Kẻ khoác tay, người bá vai, đúng là những cặp tình nhân đang ở thời kỳ yêu nhau tha thiết.

Đèn điện chung quanh bờ hồ chiếu xuống mặt nước lung linh theo gợn sóng lăn tăn. Vài cây cổ thụ đưa cành ra xa ngoài bờ, là đà trên mặt nước, chiếu bóng xuống mặt hồ làm cảnh hồ thêm phần thơ mộng, êm đềm. Ngôi tháp rùa nằm trên hòn đảo giữa hồ, đứng im lìm soi bóng nước, huyền ảo dưới ánh trăng thanh.


Hồ Gươm (internet)

Chúng tôi, vẫn tay trong tay, đi yên lặng bên nhau. Gió mát thổi nhẹ làm những sợi tóc mai của Thi bay bay. Bỗng Thi ngước nhìn tôi:

- Anh . . .!

Rồi nàng ngập ngừng không nói tiếp. Tôi dừng chân lại hỏi:

- Có chuyện gì vậy em?

Thi dẫn tôi tới chiếc ghế đá gần đó, cùng ngồi bên nhau:

- Em có một chuyện muốn hỏi ý kiến anh.

Tôi hơi ngạc nhiên:

- Em nói đi!

- Em muốn đi làm thêm ngoài giờ học. Em có cô bạn thân cùng lớp, nhà mở tiệm vải ở phố Hàng Đào. Vì đông khách nên họ cần người phụ việc. Công việc thì dễ lắm, em chỉ cần lấy và giới thiệu những mặt hàng vải mà khách muốn xem, rồi cất trở lại chỗ cũ, không dính dáng gì tới tiền nong hay giá cả. Bạn em muốn em đến đó phụ làm chung với cô ấy ít giờ trong tuần.

- Sao tự nhiên em lại nghĩ tới chuyện này. Em có cần tiền không? Tiền dậy kèm của anh, anh sẽ đưa cho em giữ cả nhé, em cứ lấy mà tiêu. Đừng ngại gì, em cứ coi số tiền đó như là của chung. Những gì anh có thì cũng là của em cả mà.

Thi cúi xuống, trầm ngâm một chút rồi mới ngửng lên, nắm chặt lấy cánh tay tôi, nhìn thẳng vào mặt:

- Em không cần tiền tiêu. Nhưng em không muốn anh phải vất vả quá. Em biết sang năm anh bận học không thể đi dậy kèm nhiều như thế này được đâu. Em chỉ cần bỏ chút ít thời gian ngoài giờ học thôi mà. Anh cho em đi làm thêm nhé?

Tôi cảm động đến như muốn ôm choàng lấy Thi. Tôi siết chặt tay nàng, :

- Cám ơn em! Em làm anh cảm động lắm! Tháng tới anh có một công việc ở trong trường, vừa được học, vừa có lương, lại vừa có thêm kinh nghiệm nữa. Các thầy trong trường vì yêu quý anh nên đã giới thiệu cho anh công việc này. Anh Hội nói là anh có số “đẻ bọc điều” đấy. Vì chưa nhận việc nên anh chưa dám khoe với em đó thôi. Việc kèm học thêm của anh thì vừa có nhiều tiền lại vừa nhàn hạ, em không phải lo gì cho anh.

Thi ôm chặt lấy cánh tay tôi siết chặt, vui mừng :

- Thế thì thích quá nhỉ! Số anh “đẻ bọc điều” thật rồi đấy.

Thi cứ nắm tay tôi nhí nhảnh :

- Em vui quá! Em chỉ lo cho anh phải vất vả thôi!

Vẫn bản tính hồn nhiên, Thi lại ngoái đầu hướng về phía nhà Thủy tạ nằm phía góc bên kia hồ:

- Em lại sắp được anh cho đi ăn khao một “chầu” kem trong nhà Thủy tạ kia nữa rồi.

- Ừ, thể nào cũng có khao!

Tôi rút cánh tay ra khỏi tay Thi đang ôm chặt, nhẹ đặt lên vai nàng kéo về phía mình, nói nhỏ:

- Em làm anh chỉ muốn ra trường ngay ngày mai thôi!

Thi cười to:

- Em cũng thế!

Thi chợt im bặt sau câu nói đó. Tôi đùa:

- Nghĩa là . . . ?

Tôi bỏ lửng câu hỏi một cách ỡm ờ, nhìn nàng tủm tỉm cười.

Thi cúi xuống. Đầu bàn chân di di xuống đất :

- Em không biết!

Nếu ai đi ngang qua đây nghe thấy chúng tôi nói với nhau như thế thì có thể họ sẽ chẳng hiểu gì cả, nhưng đối với chúng tôi thì khác, cùng hiểu nhau nhiều lắm, hiểu sâu tới tận đáy lòng. Có những lời nói, cử chỉ, hành động, ngay cả kỷ niệm nữa, có thể chỉ có ý nghĩa khi chúng được dành riêng cho những người trong cuộc.


Hình minh họa

Tôi kéo Thi đứng dậy:

- Thôi ta về đi! Chắc Uyên đang đợi chúng ta về ăn chè.

Thi cùng tôi lại song bước về nhà. Tay trong tay. Ôi, chỉ đơn giản thế thôi, nhưng những giây phút này đây thật hạnh phúc làm sao. Những hạnh phúc mà chúng tôi chỉ có thể cảm nhận, chứ không thể nói được bằng lời.

Vừa bước chân vào sân nhà, chúng tôi đã thoáng ngửi thấy mùi va-ni (bột thơm) phảng phất. Chắc nghe thấy tiếng đóng cổng, Uyên biết chúng tôi về nên chạy vội ra đón:

- Gớm! Sao hai anh em canh giờ về đúng lúc thế! Nồi chè vừa nấu xong. Thôi ta lại bàn ngoài kia ăn chè và nói chuyện tiếp đi.

Uyên và Thi cùng bước vội vào nhà. Chỉ một thoáng sau mọi thứ đã được đặt trên chiếc bàn mà chúng tôi ngồi lúc trước. Chè đậu xanh Uyên nấu quả thật là ngon. Tôi ăn tới ba bát mới ngừng. Uyên thỉnh thoảng đưa mắt nhìn tôi ăn, tủm tỉm cười.

- Em đã chuẩn bị nồi chè từ trưa, mọi thứ sẵn sàng nên khi nấu thì nhanh lắm. Em nấu nhiều, sáng mai ta ăn chè thay quà sáng trước khi ra bến xe đi Hoa Lư.

Tôi và Thi cùng hoan hô ý kiến này. Ăn xong, tôi đứng lên dọn dẹp:

- Anh nhận rửa bát đĩa cho công bình.

Thi vội nói theo:

- Anh rửa bát, em “tráng”. Được không? (“tráng” rửa bát lần thứ hai bằng nước sạch)

- Ừ! Cám ơn em! Thế thì tốt quá!

Tôi nhìn Thi nói đùa:

- Anh em mình thế này thì “tát biển Đông cũng cạn”!

Thi ngớ người nhìn tôi hỏi:

- Sao lại tát biển Đông?

Tôi chỉ cười hóm hỉnh mà không trả lời. Uyên cũng tủm tỉm cười nói với Thi:

- Em không biết tục ngữ ta có câu ”Thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn” hay sao? Anh ấy đòi đi sắm cái “gầu sòng” để cùng em đi tát biển Đông đấy!

Thi vừa nghe Uyên nói thế, nàng cứ lấy hai tay đấm vào người tôi:

- Em ghét anh lắm . . .! Không chơi với anh nữa đâu! Lúc nào anh cũng trêu em!

Uyên thấy thế cười lớn với Thi:

- Không phải anh ấy trêu em đâu. Tới ngày giỗ ông nội sắp tới, hai nhà chính thức bàn chuyện “cùng tát biển Đông” cho hai người đấy. Em quên rồi sao?

Uyên tủm tỉm cười bỏ đi. Tôi cũng tảng lờ, ngồi xuống rửa bát. Thi đứng lặng yên một lúc rồi bẽn lẽn ngồi xuống tráng bát với tôi. Nàng tạt một ít nước vào cánh tay tôi, nói nhõng nhẽo một câu rất lạc đề “Em ghét anh!”. Tâm lý con gái là thế đấy. Tôi lại tảng lờ và mỉm cười một mình.

Dọn dẹp xong xuôi, chúng tôi trở lại dưới dàn cây nói chuyện. Trăng đã lên cao. Uyên lại nhắc tôi về chuyện lịch sử ở Hoa Lư. Thi cứ ngẩn ngơ như người mất hồn, tôi đoán chắc hẳn bởi những câu chuện “tát nước” vừa qua.

Tôi hỏi Uyên:

- Lúc nẫy, anh nói tới đâu rồi nhỉ?

- Anh nói tới chỗ vua Đinh Tiên Hoàng lên ngôi, đóng đô ở Hoa Lư.

Tôi nói tiếp câu chuyện Hoa Lư:

- Cứ căn cứ theo sử liệu về nơi này thì dài dòng lắm. Anh chỉ lược kể thôi nhé. Vua Đinh Tiên Hoàng sau khi lên ngôi, bỏ con cả là Đinh Liễn người đã theo vua đi đánh giặc từ lúc khởi đầu, lập con thứ là Đinh Hạng Lang lên làm Thái tử. Mầm mống nội loạn từ trong nhà khơi mào từ đấy. Đinh Liễn tức giận nên đã âm mưu giết em là Đinh Hạng Lang đi.

Năm 979, vua Đinh Tiên Hoàng và Đinh Liễn bị gia nhân Đỗ Thích giết chết. Đỗ Thích, một đêm nằm mơ thấy có một ngôi sao rơi vào mồm, tin là theo mệnh trời, mình sẽ được làm vua nên tìm cách ám hại giết cả vua lẫn Đinh Liễn. Triều đình bắt tội Đỗ Thích và đem giết đi. Đinh Tiên Hoàng ở tại ngôi được 12 năm, thọ 56 tuổi. Tính ra thì ngài sinh vào năm 924.

Triều đình tôn Vệ vương Đinh Toàn, lúc đó mới có 6 tuổi lên làm vua. Lê Hoàn, một tướng giỏi của nhà Đinh, đã từng theo Đinh Liễn đi đánh giặc, được vua Đinh Tiên Hoàng tin yêu cho giữ tới chức Thập đạo tướng quân Điện tiền đô chỉ huy sứ tức chỉ huy toàn quân, làm nhiếp chính vương, xưng là Phó vương.

Một số khai quốc công thần của nhà Đinh như Nguyễn Bặc, Đinh Điền, Phạm Hạp, họ đã từng là bạn đi chăn trâu cùng với Đinh Bộ Lĩnh thuở niên thiếu, không phục Lê Hoàn nên dấy quân làm loạn.

Lê Hoàn tự dẫn quân đi dẹp, tiến vào Châu Ái (Thanh Hóa), dùng hỏa công tấn công thành, đốt chiến thuyền và chém Đinh Điền ngay tại mặt trận, bắt Nguyễn Bặc giải về kinh đô trị tội. Phạm Hạp chạy trốn về Bắc Giang, Lê Hoàn đuổi theo bắt sống. Thế là nội loạn được dẹp yên.

Một sứ quân cũ là Ngô Nhật Khánh, phò mã dưới triều Đinh Tiên Hoàng, cấu kết cùng Chiêm Thành ở phía Nam, kéo một nghìn chiến thuyền tiến đánh Hoa Lư, trong đó có cả vua Chiêm. Nhưng đoàn chiến thuyền của Chiêm mới tới cửa sông Đáy, tức cửa Thần Phù, thuộc tỉnh Ninh Bình ngày nay, bị bão đánh chìm cả, chỉ còn sót lại thuyền của vua Chiêm chạy về nước.

Tôi ngừng lại, uống ngụm nước chè, dò xét sự chú ý của hai “cô”, rồi nói tiếp:

- Năm 981, nhà Tống thấy trong nước ta lục đục liền đem 30 vạn quân, chia hai đường thủy bộ sang đánh. Đất nước lâm nguy! Mẹ vua Đinh Toàn, tức Thái hậu Dương Vân Nga, sai Lê Hoàn đem quân đi chống xâm lăng.

Phạm Cự Lượng, người Nam Sách (Hưng Yên), được cử làm đại tướng. Trước khi xuất quân, Phạm Cự Lượng nói với quân sĩ: ”Thưởng người có công, trị người không tuân mệnh lệnh là kỷ luật ở chiến trường. Nay chúa thượng còn trẻ thơ, chúng ta dù hết sức liều chết chống kẻ địch bên ngoài, may lập được chút công thì ai biết cho? Chi bằng trước hãy tôn Thập đạo tướng quân lên làm vua, sau sẽ đem quân đi đánh giặc thì hơn”.

Quân sĩ nghe nói thế đều tung hô. Bà Thái hậu Dương Vân Nga, vợ của Tiên đế Đinh Tiên Hoàng và là mẹ ruột của vua Đinh Toàn, khoác áo long bào cho Lê Hoàn và mời Lê Hoàn lên ngôi Hoàng đế. Lê Hoàn lấy niên hiệu là Lê Đại Hành lập nên nhà Tiền Lê. Nhà Tiền Lê thay nhà Đinh tiếp tục cuộc chiến đấu chống ngoại xâm.

Nhà Đinh làm vua được hai đời và cả thẩy 14 năm.

Thắng trận trở về, vua Lê Đại Hành lấy bà Dương Vân Nga làm vợ, lúc đó bà đã ba năm mãn tang chồng. Vua Lê Đại Hành và bà Dương Vân Nga sinh ra người con gái tên là Lê Thị Phất Ngân.

Bà Phất Ngân khi trưởng thành được gả cho Lý Công Uẩn. Khi Lý Công Uẩn lên làm vua tức vua Lý Thái Tổ thì bà Phất Ngân trở thành Hoàng hậu. Bà Phất Ngân và vua Lý Thái Tổ sinh ra hai người con trai nổi danh là Lý Phật MãLý Nhật Quang.

Lý Phật Mã là con trưởng, lên ngôi tức vua Lý Thái Tông. Bà Dương Vân Nga trở thành Thái Hậu. Đó là những “dây mơ rễ má” họ hàng của những nhân vật lịch sử thuộc ba dòng họ Đinh, Tiền Lê và Lý có liên quan tới vận mệnh đất nước ở kinh đô Hoa Lư thời đó.

Sau khi thắng Tống, vua Lê Đại Hành đem quân sang đánh Chiêm Thành (982) vì vua Chiêm bắt giữ sứ giả của Lê triều. Quân ta tiến đánh tới tận kinh thành của Chiêm, đem về nước rất nhiều người và của cải. Những tù binh này đã đóng góp không nhỏ vào những kiến trúc sau này của kinh đô Hoa Lư dưới thời Tiền Lê cũng như kinh đô Thăng Long thời nhà Lý.

Năm 1005, vua Lê Đại Hành mất. Vua lập con thứ ba là Long Việt làm Thái tử. Khi Long Việt lên ngôi mới được ba ngày thị bị em là Long Đĩnh sai người vào cung giết đi, thọ 23 tuổi. Long Đĩnh lên làm vua tức Lê Ngọa Triều, mất năm 1009. Lê Long Đĩnh khi mất thì con còn nhỏ nên triều đình tôn Lý Công Uẩn lên làm vua, tức vua Lý Thái Tổ, khai sáng ra nhà Lý.

Thi chợt lên tiếng hỏi tôi:

- Sao anh em ruột thịt trong nhà mà lại nỡ giết nhau thế nhỉ?

- Đứng về mặt đam mê quyền lực thì đôi khi người ta quên cả tình ruột thịt; cha con hại nhau, anh em hại nhau, gia tộc hại nhau để chiếm được quyền uy. Người Trung Hoa có câu “Quan trường vô phụ tử”, nghĩa là nơi chốn quan trường thì không có tình nghĩa cha con. Những chuyện như thế này thì đầy rẫy trong lịch sử Trung Hoa.

Uyên hỏi:

- Anh có thể kể một vài trường hợp không?

Tôi ngẫm nghĩ một lúc như đế cố nhớ ra:

- Nhiều lắm, nhưng anh cố nhớ đến những trường hợp nào xẩy ra, mà những nhân vật lịch sử trong đó, em có thể đã từng nghe thấy và hình dung ra được.

Tôi nhìn Uyên hỏi:

- Em đọc truyện Tam Quốc Chí, em biết nhân vật Tào Tháo chứ?

- Thưa anh em biết.

- Vắn tắt thế này. Khi Tào Tháo chết thì người con trưởng là Tào Phi lên ngôi. Tào Phi muốn giết chết người em ruột là Tào Thực đi. Tào Thực thì nổi tiếng là người giỏi văn thơ đương thời. Tào Phi muốn có cớ để giết em nên ra lệnh bắt em đi trong vòng bẩy bước phải làm xong một bài thơ, nếu không xong sẽ chém đầu. Tào Thực quả có tài, xuất ý từ chuyện huynh đệ tương tàn, làm ngay được bài “Thơ bẩy bước” nổi tiếng trong lịch sử văn học Trung Hoa:

Nấu đậu bằng cành đậu,
Ở trong nồi đậu khóc,
Vốn sinh cùng một gốc,
Sao nỡ đốt thiêu nhau.

Kỳ này Tào Thực thoát chết nhưng về sau cũng chết trong buồn tủi. Bản truyện trong Tam Quốc Chí có viết ông “buồn bã không lúc nào ngủ” cho thấy tâm trạng ông trước khi chết như thế nào.

Hai em cũng nên biết Tào Thực là một trong mười đại thi hào đứng đầu Trung Hoa đấy. Khi có dịp, Uyên nhớ nhắc anh nói thêm cho em nghe về những “đại thi hào” này nhé.

Tôi lại nhìn Uyên hỏi:

- Uyên có nghe tới tên bà Võ Tắc Thiên chứ?

- Thưa anh, em có nghe tới!

- Bà Võ Tắc Thiên là nhân vật lịch sử nổi tiếng của Trung Hoa. Ở đây anh không nói về sự đúng sai, tốt xấu trong chính trường dành quyền lực của bà ta mà anh chỉ nói về sự ham mê quyền lực có thể đưa con người trở nên tệ hại hơn cả loài muông thú. Bà Võ Tắc Thiên có bốn người con. Vì muốn củng cố quyền hành của cá nhân mình, hai đứa con đầu lần lượt bị bà âm mưu giết đi dù đã được phong làm Thái tử. Hai đứa con kế tiếp cũng lần lượt bị bà đưa đi tù đầy dù đã được bà đưa lên làm vua. Người đàn bà vốn dĩ luôn luôn bảo vệ những con cái của mình theo thiên tính. Ấy thế, chỉ vì say mê quyền lực mà bà ta đã làm mất đi cái thiên tính lẫn cái nhân tính sẵn có.

Vào đời nhà Thanh gần đây, bà Từ Hy Thái Hậu cũng vì ham mê quyền hành mà đối xử nhẫn tâm với những đứa cháu của mình do chính tay bà dựng lên làm vua như một thứ “bù nhìn”, trong đó có vua Quang Tự là vị vua cuối cùng của nhà Thanh vì có ý định muốn canh tân nước Tầu mà bị nhiều hệ lụy đến khi chết ở tuổi 38.

May mắn, trong lịch sử nước ta không có nhiều những loại người đàn bà này. Tuy nhiên cũng có một vụ án đáng tiếc, Thái hậu Ỷ Lan đã bức tử Hoàng hậu Thượng Dương cùng 72 cung nữ trong nội cung vì lý do tranh nhau quyền lực.

Thi nhìn tôi, nhăn mặt :

- Sao vua chúa ác thế! Em không làm vua đâu!

- Anh cũng chẳng muốn em làm vua đâu đấy nhé! Anh chỉ muốn em là người vợ hiền, dâu thảo và biết dậy dỗ con cái như bao người khác thôi.

Thi liếc nhìn chị rồi cúi xuống.

Uyên vỗ vai cô em mỉm cười :

- Anh ấy nói đúng đấy!

Uyên ôm nhẹ ngang lưng cô em, ôn tồn :

- Chồng con đến nơi rồi, đừng có nhõng nhẽo nữa đấy!

Tôi nhìn Thi mỉm cười. Nàng cứ cúi gầm mặt không chịu ngửng lên.

Đến đây, tôi đề nghị mọi người nên đi ngủ để ngày mai còn dậy sớm ra bến xe đi thăm cố đô Hoa Lư.

Uyên vào nhà trước. Thi và tôi còn ngồi nán lại bên nhau. Ánh trăng tỏa sáng trong sân; ánh sáng vàng êm dịu, lung linh. Những cơn gió nhẹ lay động vài cành lá rủ trên giàn, nơi chúng tôi đang ngồi. Tôi nắm tay Thi và ngước mắt lên nhìn những ngôi sao dầy đặc trên trời, nói nhỏ:

- Thi! Anh thấy hạnh phúc quá! Uớc gì thời gian và khung cảnh này ngừng lại ở đây thật dài và để được ngồi bên em như thế này mãi mãi.

Thi cúi nhìn xuống, đầu bàn chân di di trên sân gạch, tay vẫn nắm chặt lấy tay tôi siết nhẹ.

Tôi kéo nhẹ vai nàng về phía tôi, ép sát vào người mình. Tôi nói nhỏ bên tai nàng:

- Em . . .!

Thi ngửng lên nhìn tôi. Bốn mắt gặp nhau. Trong cơn xúc động tôi định nói một lời yêu thương với nàng, nhưng sao tự nhiên tôi lại thấy nó trở nên khó khăn quá.


Hình minh họa

Thi cúi xuống. Tôi nói nhỏ:

- Thôi, . . . chúng ta đi ngủ nhé!

Thi ngửng lên, trong giọng nghẹn ngào cảm động:

- Vâng ạ!

Cả hai chúng tôi cùng đứng dậy đi về phía phòng nàng. Qua cửa sổ, tôi thấy thấp thoáng bóng Uyên đang sắp sửa quần áo cho chuyến đi chơi ngày mai. Dừng chân trước ngưỡng cửa, tôi nói nhỏ đủ để Thi nghe:

- Em ngủ ngon!

- Anh cũng ngủ ngon!

Tôi bước tới cuối sân, phóng người nhẩy mấy bước dài lên cầu thang để lên phòng trên gác. Tôi đứng nhìn ánh trăng vằng vặc soi trên sân, lòng thấy rộn ràng niềm hạnh phúc. Một chút gió nhẹ thổi qua. Ánh đèn trong phòng Thi vẫn sáng. Tôi thấy như Thi vẫn còn ở bên mình.

Tôi đoán đêm nay Thi không thể ngủ được ngay vì những lời nói của Uyên về chiếc “gầu sòng” để “tát biển Đông” lúc nẫy.


Hình minh họa

Bên lề bài viết
Xin mời nghe bản nhạc "Mãi mãi bên em"

***

Tham khảo : Coi liệt kê tài liệu tham khảo chung cho tất cả các chương tại "TaiLieuThamKhao.html".

Coi tiếp Chương II - Phần 1
Trở về trang Mục Lục

Trở về đầu trang