![]() |
|||||||||||||||
ĐI THĂM CỐ ĐÔ HOA LƯ Truyện của NGUYỄN GIỤ HÙNG CHƯƠNG II Phần 3 *** Ghi chú: Đây chỉ là câu chuyện tình hư cấu. Những chi tiết về năm tháng và số liệu được đưa vào trong truyện với mục đích để giúp người đọc tiện việc so sánh với chính sử hay tài liệu . . . và có thể dễ hình dung gần đúng hơn với sự việc hay sự vật được mô tả. Tài liệu được sưu tầm, chọn lọc, tổng hợp và sao chép chỉ thích hợp cho tình huống của câu chuyện. Thời điểm ở vào những năm trước khi đất nước bị chia đôi bởi hiệp định Genève. Nhắc lại các nhân vật chính trong toàn truyện. Nhóm thanh niên nam nữ gồm: - “Tôi” (tên Nam, sinh viên Trường Đại học Y khoa Hà Nội, sinh viên trọ học ở Hà Nội) ***
Sau khi nghe cụ Từ giảng giải xong những nét chính về đền vua Đinh Tiên Hoàng. Cụ và chúng tôi ra sân đền tạm nghỉ trước khi sang thăm thú đền vua Lê Đại Hành gần đây. Tôi và Hội đứng nói chuyện với cụ còn các cô thì túm tụm nói chuyện với nhau ở góc sân đền, nói cười thoải mái. Người nói cười to và nhiều nhất vẫn là Thư, em của Hội. Tôi thấy đi đâu Thi cũng bám lấy Thư nói chuyện ra điều tâm đắc lắm. Cụ Từ xin lỗi phải ra sau một chút rồi sẽ trở lại ngay. Lợi dụng thời gian này, tôi và Hội đến nhập bọn với mấy cô đang nói chuyện, cười đùa. Khi tới nơi thì mấy cô ngừng nói chuyện, ngửng lên nhìn hai chúng tôi. Tôi hỏi Thi: - Hôm nay em học được nhiều không? Thi trả lời tôi tỉnh bơ: - Anh học rồi, em khỏi phải học. Anh nói với em là cái gì của anh cũng là của em mà. Một mình anh biết là đủ rồi! Thư cười hỏi Thi: - Thế cái gì của bạn có phải là của anh ấy không? - Không! - Sao bạn khôn thế? - Vì anh ấy lớn hơn mình mà! Câu trả lời “ngon ơ” của Thi làm mọi người cười lớn. Thi lẳng lặng bỏ đi về phía hàng rào, ngắt một bông hoa “bông bụt” mầu đỏ tươi rồi quay lại đưa cho tôi: - Tặng anh này! Tôi vừa cầm lấy bông hoa đỏ thì Thi quay bỏ đi. Tôi kéo tay Thi lại và cài hoa “bông bụt” đó lên vành tai nàng. Thi quay lại nhìn mọi người. Mọi người “ồ” lên một tiếng khen đẹp. Thư oang oang: - Thi ơi, bạn đẹp quá! Mình ghen với bạn đó! Bạn có “người anh” thật đáng yêu! Thi lúng túng: - Bạn đẹp mà cứ khen mình mãi! Thư cười: - Mình cũng có người bạn trai, trên mình hai lớp, chẳng biết “ga-lăng” là gì cả. Rủ mình đi ăn thì toàn đưa đi ăn “phở gánh” ở vỉa hè, lấy cớ là ăn phở gánh mới ngon. Mình ngồi ăn mà chỉ sợ bạn bè trông thấy. Chỉ tới ngày sinh nhật của mình, anh ấy mới chịu mua quà đắt tiền để tặng. Nói cho ngay thì anh ta cũng đẹp trai lại học giỏi. Khi nào mình học có chỗ “bí” thì có người giúp. Mặt anh ta thì lúc nào cũng bơ bơ như chẳng cần ai, đến lúc mình giận thì lại năn nỉ. Nghĩ tới mà mình thấy. . . ghét. Chữ “ghét” cuối cùng Thư kéo dài ra làm mọi người lại cười. Hội “biến” ra sân sau đền từ lúc nào, hái được ba bông hoa “bông bụt” mang về, một đưa ra cho Uyên, một đưa cho Thư còn một bông đích thân cài lên vành tai cho Mơ. Thư cầm bông hoa trên tay trợn mắt nhìn ông anh đang đứng chống nạnh nhìn cô cười cười. Mơ biết ý, vội chạy lại chỗ Thư cài hoa lên vành tai cho cô em. Thư ôm lấy Mơ tươi cười rồi hôn lên má “bà chị dâu” tương lai để thay lời cám ơn. Còn Thi thì chạy lại cài hoa cho Uyên. Hội quay sang Uyên: - Uyên này! Mình định giới thiệu cho Uyên một anh bạn thân. Anh ta là kỹ sư công chính, chuyên làm cầu đường. Anh ấy người Nam kỳ, thuộc loại con nhà có chức phận, ruộng thẳng cánh cò bay, học từ Pháp mới về và hiện nay đang làm việc cho nhà nước ở Hà Nội. Nếu Uyên muốn mở rộng đường giao thiệp thì để tôi giới thiệu cho. Hè này anh ấy rủ tụi này về miền Nam thăm quê cho biết. Tôi muốn rủ Uyên và mọi người ở đây đi chơi luôn cho vui, chịu không? Uyên chưa trả lời thì Thi đã nhanh nhẩu: - Em chịu! Tôi đùa Thi: - Em chịu anh ấy, còn anh thì sao đây? Thi “véo” tôi một cái mạnh, rồi phụng phịu: - Em nói là chịu đi chơi Nam kỳ mà! Tôi kéo vai Thi sát vào mình: - Anh cũng chỉ nói đùa em thôi! Từ trong đền vua Đinh Tiên Hoàng, cụ Từ bước ra sân đi tới chỗ chúng tôi: - Các cô, các cậu nói chuyện vui vẻ quá nhỉ! Thôi chúng ta qua thăm đền vua Lê Đại Hành nhé! Chúng tôi đồng thanh “Vâng ạ!” rồi cùng đi theo cụ. Tôi chợt nhớ tới mấy xâu bánh gai, tôi vội “phân phát” cho mỗi người hai cái bánh để ăn cho “đỡ bụng” (đỡ đói). Tôi cũng mời đưa cụ Từ hai cái: - Xin mời cụ ạ! Cụ Từ nhận bánh gai từ tay tôi: - Cám ơn cháu! Thôi, chúng ta ăn trước đi đã rồi hãy sang đền bên ấy vậy. Sau khi chúng tôi ăn xong và dọn dẹp cho sạch rồi cùng đi theo cụ. Cụ đi trước, chúng tôi đi theo sau. Chỉ cần đi một quãng ngắn độ vài trăm mét là đã tới cửa đền vua Lê. Đền vua Lê cũng tương tự như đền vua Đinh, nhưng trông bề ngoài có vẻ đơn giản hơn.
Như bên đền vua Đinh, cụ Từ cũng vừa đi, vừa chỉ và vừa giải thích cho chúng tôi. Uyên lại bận rộn với việc ghi ghi chép chép. Đền vua Lê không có Ngọ môn quan (cổng ngoài). Ngoài cùng là một sập đá rồi đến Nghi môn ngoại (cửa ngoài). Qua Nghi môn ngoại để vào bên trong, phía bên phải đền là điện Từ Vũ của làng Yên Hạ thờ đức Khổng Tử. Ngay trước cửa điện Từ Vũ có hòn non bộ bằng khối đá xanh rất đẹp, có tên “Phượng vũ”, lúc có dáng phượng múa, lúc có dáng như sư tử tùy theo góc độ đứng nhìn. Chân hòn non bộ được tạo dáng tứ linh: long, ly, quy, phượng. Bên trái đền, đối diện với điện Từ Vũ là ao. Đi thêm vào phía trong là Nghi môn nội, hai bên là hai nhà Vọng, nơi xưa kia các cụ họp bàn về việc tế lễ. Trước hai nhà Vọng cũng có hai hòn non bộ bằng đá khối xanh rất đẹp có tên là “Phượng vũ” và “Phượng ấp”. Giáp với hai nhà Vọng là hai nhà bia. Qua hai cột đồng trụ là sân rồng. Giữa sân rồng có sập long sàng tượng trưng cho nơi vua ngự triều. Hai bên long sàng có hai hàng lỗ để cắm cờ, đao, bát biểu (bửu) trong ngày lễ hội tượng trưng thứ bậc của các quan văn, võ. Đền có ba tòa: Bái đường, Thiên hương và Chính cung. Đền cũng được xây theo kiến trúc tương đối kín nên bên trong đền tối, ánh sáng lại lờ mờ huyền ảo tạo nên không khí trang nghiêm và huyền bí. * Ngoài cùng là tòa Bái đường để thờ các quan và công đồng. Giữa có bốn đại tự khắc trên một bảng sơn son thiếp vàng “Trường Xuân Linh Tích” (dấu tích điện Trường Xuân). Tấm biển gian bên trái đền có ba đại tự “Xuất Thánh Minh” (xuất hiện bậc thánh minh). Tấm biển gian bên phải đền có ba đại tự “Dương Thần Vũ” (biểu dương thần vũ). Ở đây cũng có hàng câu đối ca ngợi những chiến công kháng Tống bình Chiêm của vua Lê Đại Hành. Thần vũ thiếp tứ lân, thịnh Tống cường Chiêm thử nhật * Giữa là tòa Thiên hương, nơi thờ các quan tứ trụ và các khai quốc công thần. Có hương án khá đẹp. * Trong cùng là tòa Chính cung. Ở đây thờ nhà vua, hoàng hậu và các con. Ở giữa là tượng thờ vua Lê Đại Hành, đầu đội mũ Bình thiên có chữ “Vương”. Vua Lê đi đánh trận thường dùng voi nên ngay cửa đền tượng trưng bằng hai cái ngà voi. Dưới hạ ban thờ ngài có ông thần tài và tượng nhỏ tượng trưng cho người Chiêm Thành bị ngài bắt về làm tù binh phục dịch. Vì ngài theo đạo Phật nên tượng ngài cũng có những nét biểu tượng như đức Phật với mặt to, tai lớn, môi mỏng.
Phía bên tay phải của nhà vua là tượng vua Lê Ngọa Triều, bên tay trái của nhà vua là hoàng hậu Dương Vân Nga trong thế ngồi nhìn hướng mặt về đền vua Đinh. Chính ra hoàng hậu phải được ngồi bên tay trái của vua, nhưng bà lại phải bị chịu thiệt hơn con là phải ngồi bên tay phải của vua, vì ngồi bên phải như thế, bà hướng mặt về đền vua Đinh, có ý nghĩa là bà vẫn tỏ lòng hướng về người chồng cũ là vua Đinh Tiên Hoàng ở đền bên, mà bà không quay lưng lại với nhà Đinh.
Bà Dương Vân Nga là bà Hoàng hậu duy nhất được tạc tượng thờ dù là vua Đinh có 5 vợ và vua Lê cũng có 5 vợ. Như thế chứng tỏ dân ta đã đánh giá cao vai trò của bà trong lịch sử hai triều đại Đinh, Lê. Thái hậu Dương Vân Nga là người biết đặt quyền lợi của đất nước trên quyền lợi của dòng họ. Tượng của bà được tạc rất đẹp, khuôn mặt nhân hậu, nước da hồng, đôi mắt bồ câu, xiêm y là lượt, cái đẹp của một mẫu nghi thiên hạ. Cụ Từ giảng giải thêm cho chúng tôi về những nét đặc thù đầy nghệ thuật và tinh xảo trong điêu khắc áp dụng vào các xà ngang, kèo, mảng chồng giường, một cách hết sức khéo léo trong kiến trúc đền Đinh cũng như đền Lê ở thế kỷ 17. Cũng tương tự như bên đền vua Đinh, đền vua Lê cũng có nhiều tác phẩm nghệ thuật tạc trên đá và trên gỗ mang nhiều ý nghĩa thần linh, kể cả ý nghĩa mang mầu sắc đời sống dân gian. Điêu khắc nổi, cũng như điêu khắc lộng (chìm) phối hợp với nhau rất linh động. Cũng có khi tạc xuyên qua cả tấm gỗ. Những hình tượng nghệ thuật ở đây rất phong phú như bức tạc hai cô tiên cưỡi rồng, búi tóc ngược, một tay ôm cổ rồng, một tay dang ra như múa. Có những con rồng đang há mồm, râu tóc, đao mác bay ngược lên trông rất dũng mãnh. Trong những tác phẩm điêu khắc ở đền này phải kể đến hổ, ao sen và tre trúc phù hợp với truyền thuyết khi Lê Hoàn mới sinh ra đời. Truyền thuyết kể rằng bà mẹ nằm mơ thấy hoa sen mà sinh ra Lê Hoàn. Bà sinh trong lúc đi cấy ở bên cạnh ao sen và đã đặt Lê Hoàn trong khóm trúc và được con hổ tới ấp ủ. Sau lời cầu xin của bà mẹ, hổ lững thững bỏ đi. Qua truyền thuyết ấy, nghệ nhân điêu khắc đã thực hiện những tác phẩm dựa trên truyền thuyết này. Những ao sen có búp hoa sen, hoa sen đã nở và lá sen được khắc hết sức tỷ mỉ. Có những lá sen ta thấy được những nét tinh vi của cả những gân lá. Trong ao sen có những con cá rô bơi lội, có con thò đầu ra (khắc nổi) có con nhẩy lên đớp lá sen, có con lờ lững, thong dong bơi. Có những con cá hóa long, đầu đã thành rồng mà đuôi vẫn là con cá rô thay vì đuôi con cá chép như truyền thuyết “cá hóa long”. Cá rô là một đặc sản của Hoa Lư. Cây trúc hay rừng trúc cũng được thể hiện qua hình ảnh đốt tre hóa rồng. Truyền thuyết đó đã được ghi trên bức hoành phi treo trước cửa đền: Nhất mộng liên hoa sinh
Cụ Từ bước ra khỏi đền, chúng tôi cùng lót tót theo sau. Cụ dừng chân và ngồi trên một bệ đá, chúng tôi đứng xung quanh để chờ cụ nói gì thêm. Cụ hỏi: - Có cô cậu nào có câu hỏi gì không, để tôi trả lời nào? Chúng tôi nhìn nhau, không thấy ai hỏi gì. Cụ lại lên tiếng hỏi thêm: - Thế các cô cậu định ở đây mấy ngày nào? Tôi nhìn mọi người như để hỏi ý kiến. Mỗi người một ý, có người muốn về ngày mai, có người có thể ở tới ngày kia (ngày mốt). Cuối cùng chúng tôi cùng chấp nhận giải pháp đi chơi luôn 3 ngày vì còn dự trù đi thăm nhà thờ đá Phát Diệm nữa. Chúng tôi quyết định như thế vì mấy khi có ngày nghỉ dài để có dịp đi chơi chung đông đủ và gặp được người hướng dẫn như cụ Từ thế này. Cụ Từ nói: - Thôi được rồi, ngày mai tôi sẽ đưa các cô cậu vào Tam Cốc-Tràng An. Đã tới thăm Hoa Lư thì phải ghé qua đấy. Trong ấy cảnh đẹp lắm lại có nhiều di tích lịch sử, nhưng chúng ta phải đi thật sớm. Đi ba ngày cũng vừa phải. Để đi hết những nơi chính yếu của Hoa Lư và vùng phụ cận thì cứ gọi là cả tuần hay nhiều hơn. Nhưng thôi, ta đi được tới đâu hay tới đó. Những phần còn lại ta để kỳ tới vậy nhé. Chúng tôi cùng vỗ tay hoan hô và cám ơn cụ. Thư chạy lại đấm lưng và đấm vai cho cụ. Cụ cứ cười ha hả: - Lão đâu có mệt. Các cô, các cậu mới mệt thôi. Trên sáu mươi chưa thể gọi là già! Hội lại trêu Thư: - Em cháu nó lại toan tính “vòi vĩnh” gì cụ đấy! Hôm nào muốn xin tiền mẹ là chẳng cần ai sai nó cũng đến đấm bóp. Nó khôn lắm đấy ạ! Thư bỏ cụ Từ, dơ nắm tay lên cao chạy về phía “ông” anh. Hội vội bỏ chạy đến sau lưng ôm lấy vai Mơ. Thư đuổi theo, đấm vào lưng anh một cái thật đau rồi mới chịu thôi. Mọi người lại có dịp cười vui vẻ. Uyên cứ nhìn Thư chúm chím cười mãi. Chúng tôi thấy cụ vui tính lại nhiệt tình nên ai cũng quý cụ. Trước khi đến thị xã Ninh Bình để ngủ đêm nay, cụ ngỏ ý muốn dẫn chúng tôi tới thăm một vài ngôi đền, chùa không xa hai đền vua Đinh và vua Lê là bao. Nhờ đó mà chúng tôi đã được cụ đưa đến thăm: */ Chùa Nhất Trụ còn gọi là chùa Một Cột.
Ngôi chùa cổ kính và rất khang trang. Đặc biệt là trước sân chùa có một cột đá hình bát giác, cao 4.16 mét. Đó là “thạch kinh” lâu đời nhất nước ta có khắc bài kinh Lăng Nghiêm trên cột đá do vua Lê Đại Hành dựng năm 995. Ngoài ra chùa còn lưu giữ một số cổ vật có liên quan tới lịch sử hình thành Hoa Lư. Chùa cũng là nơi họp bàn việc nước của những vị tăng nổi tiếng thời đó như Pháp Thuận, Khuông Việt và Vạn Hạnh. Chùa tọa lạc trên khoảng đất rộng hơn 3.000 mét vuông, quay về hướng Tây với kiến trúc: chùa chính xây theo kiểu chữ “Đinh” gồm Tiền đường và Thượng điện, nhà Tổ, nhà Khách, khu vườn tháp và các công trình phụ. Tòa Tiền đường gồm 5 gian, tòa Thượng điện gồm 3 gian nối liền với gian giữa Tiền đường. Đây chính là đặt tượng Phật trong chùa với các lớp tượng: Tam Thế, Di Đà Tam Tôn, Quan Âm chuẩn đề, Quan Âm tọa sơn, Thích Ca sơ sinh. . . Ngoài ra còn có tượng Tổ, tượng Thị giả được bày ở nhà Tổ. Trong việc tìm hiểu kiến trúc chùa Nhất Trụ người ta đã tìm thấy móng trụ vuông (1-1,3 mét), cao 1,75 mét được làm bằng đá và gỗ, cho thấy móng trụ kiến trúc thời Đinh-Lê ở Hoa Lư lớn như các kiến trúc thời Lý ở Kinh đô Thăng Long… Di vật ở chùa khá phong phú nhưng nổi bật là quả chuông đồng đúc vào năm Cảnh Thịnh thứ 7 (1799) với những lời răn dạy mang đậm chất nhân văn của Phật giáo. Cột thạch kinh chùa Nhất Trụ có hình bát giác cao 4,16 mét, gồm 6 bộ phận gá lắp với nhau bởi các “ngõng” (nõ và mộng), bao gồm: tảng đế vuông, đế tròn, thân bát giác, bông hoa sen đá tám cánh và đỉnh hồ lô. Tất cả các bộ phận gắn với nhau hoàn toàn không sử dụng chất kết dính nhưng rất vững chãi dù đã trải qua nghìn năm. Thân cột bát giác có số đo qua tâm hai mặt đối diện là 61 phân tây (cm) ở phía dưới và 65 phân tây ở phía trên, như vậy cột có dáng trên to dưới nhỏ. Kinh thạch này có kiểu dáng tương tự như những cột thạch kinh của Đinh Liễn tìm thấy ở ven bờ sông Hoàng Long, nhưng lớn hơn. Trên tám mặt của thân cột khắc đầy chữ Hán, nhưng nửa dưới và ba mặt nửa trên cột đã bị mờ hoàn toàn. Nếu còn nguyên vẹn, ước khoảng 2.500 chữ, giờ đây số chữ có thể đọc được hoặc nhận dạng là 1.200 chữ. Nội dung văn tự là kinh Thủ Lăng Nghiêm, ca ngợi Đức Phật. */ Đền Phất Kim còn gọi là đền Thục Tiết công chúa. Tương truyền đền được cất trên nền của cung Vọng Nguyệt, nơi công chúa ở. Đền Phất Kim là một ngôi đền cổ, nhỏ và chỉ cách đền vua Lê khoảng 300 mét, thuộc khu dân cư. Công chúa Phất Kim là người con gái út của vua Đinh Tiên Hoàng. Vua Đinh gả Phất Kim cho một sứ quân xin quy hàng là Ngô Nhật Khánh. Năm 979, vua cha và anh là Đinh Liễn bị Đỗ Thích giết. Lại thêm, khi vua Lê Đại Hành lên ngôi, phò mã Ngô Nhật Khánh chạy sang Chiêm Thành. Công chúa Phất Kim còn ở lại, buồn khổ nên vào tu ở chùa phía bắc kinh thành. Ngô Nhật Khánh cùng vua Chiêm đem 1000 chiến thuyền về đánh Hoa Lư. Nhưng đoàn chiến thuyền mới tới cửa biển Thần Phù thì bị bão đánh chìm toàn bộ. Ngô Nhật Khánh bị chết. Được tin chồng chết, bà quá đau khổ nên nhẩy xuống giếng tự tử. Cái giếng hiện nay vẫn còn nằm trước cửa đền. Thương thay cho một công chúa phải chịu nhiều bất hạnh vì thời cuộc nên dân chúng lập đền thờ bà. */ Phủ Vườn Thiên còn gọi là phủ Kình Thiên Vương. Phủ này cách đền vua Đinh, Lê khoảng 600 mét và cách đền Phất Kim độ 300 mét. Đây là một kiến trúc cổ, bề thế. Phủ được xây như đền, gồm 3 tòa nhà cùng quay mặt vào sân giữa. Phủ Vườn Thiên, nay thực chất là đền thờ hoàng tử Lê Long Thâu, người con cả của vua Lê Đại Hành. Năm 989 được phong là Kình Thiên đại vương, người cai quản tháp Tư Thiên. Tháp Tư Thiên là tháp nhiều tầng, bằng gỗ, thô sơ, được đặt tại Ghềnh Tháp để quan sát và dự đoán thời tiết hàng ngày. Tháp đài này có được nhắc kể tới trong bản sớ của sứ thần nhà Tống dâng lên vua Tống năm 991. Cụ cho biết thêm là chung quanh đây có hai địa điểm có thể đi xem thêm là chùa Kim Ngân và động Am Tiên. Chúng tôi nhận thấy trời đã ngả chiều, mặt trời đã xuống sâu và bị che khuất bởi dẫy núi xa. Chúng tôi hẹn cụ khi khác sẽ trở lại xem tiếp. Tuy nhiên cụ cũng đứng giải thích cho chúng tôi thêm về hai địa điểm này. */ Chùa Kim Ngân Là một ngôi chùa cổ, thờ Phật, được xây cất vào đời Tiền Lê. Tương truyền vì chùa được xây trên nền kho của vua Đinh nên còn gọi là chùa Vàng, và cũng vì chùa ở địa phận xứ Đồng Ngần nên cũng còn được gọi là chùa Ngần. Chùa nằm trên một khoảng đất rộng, giáp núi Quèn Vông, trên đường thông nhau giữa thành Ngoại và thành Nội. Đây là một ngôi chùa đẹp thuộc loại bề thế có giá trị cao về kiến trúc, nghệ thuật điêu khắc, lịch sử và văn hóa. Tuy là chùa cổ thời Tiền Lê nhưng các pho tượng thờ và một số đồ thờ lại mang nhiều phong cách của thời nhà Nguyễn. */ Động Am Tiên Đông An Tiên chỉ cách đền vua Đinh có 400 mét, theo hướng phía nam. Khu vực động Am Tiên phần lớn là những thung lũng ngập nước. Tuy gần ngay khu di tích hai đền Đinh, Lê nhưng muốn lên tới cổng hang động đó thì ta phải leo lên tới 200 bậc đá vì động nằm ngay lưng chừng núi. Động còn gọi là Hang Rồng vì miệng động giống miệng con rồng đang há. Trong động có nhiều thạch nhũ với nhiều hình thù rất đẹp. Ngày xưa vua Đinh nuôi hổ ở đây để trị kẻ có tội. Dưới chân núi là Ao Giải, nơi vua Đinh nuôi giải (cá sấu?) để vứt kẻ có tội xuống đó cho giải ăn thịt. Chùa Am Tiên nằm trong khu động Am Tiên là nơi an tĩnh. Vào cuối đời, Thái hậu Dương Vân Nga cũng xuất gia vào chùa này tu. Một bài thơ truyền tụng trong dân gian về Thái hậu: Hai vai gồng gánh hai Vua Lý quốc sư Nguyễn Minh Không (một trong tứ trấn) đã từng vào hang thuyết pháp, xây thêm các sập đá thờ Phật. Khu hang chính của động Am Tiên nay có thờ Phật, thờ Lý quốc sư Nguyễn Minh Không, Thái hậu Dương Vân Nga và các quan thi hành án lệnh thời Đinh, Lê. Vài hình ảnh do người viết chụp
*** Tham khảo : Coi liệt kê tài liệu tham khảo chung cho tất cả các chương tại "TaiLieuThamKhao.html". ![]() |