Trở về trang Mục lục

ĐI THĂM CỐ ĐÔ HOA LƯ

Truyện của NGUYỄN GIỤ HÙNG

CHƯƠNG II
ĐỀN VUA ĐINH VÀ ĐỀN VUA LÊ

Phần 5
TRUYỀN THUYẾT VÀ GIAI THOẠI

***

Ghi chú: Đây chỉ là câu chuyện tình hư cấu. Những chi tiết về năm tháng và số liệu được đưa vào trong truyện với mục đích để giúp người đọc tiện việc so sánh với chính sử hay tài liệu . . . và có thể dễ hình dung gần đúng hơn với sự việc hay sự vật được mô tả. Tài liệu được sưu tầm, chọn lọc, tổng hợp và sao chép chỉ thích hợp cho tình huống của câu chuyện. Thời điểm ở vào những năm trước khi đất nước bị chia đôi bởi hiệp định Genève.

Nhắc lại các nhân vật chính trong toàn truyện.

Nhóm thanh niên nam nữ gồm:

- “Tôi” (tên Nam, sinh viên Trường Đại học Y khoa Hà Nội, sinh viên trọ học ở Hà Nội)
- Thi (tuổi ở độ đôi tám, học sinh trọ học ở Hà Nội, người yêu và sắp là hôn thê của “Tôi”)
- Uyên (tuổi ở độ đôi mươi, chị ruột của Thi, cô giáo ở thị xã Sơn Tây)
Ba nhân vật “Tôi”, Uyên, Thi người Sơn Tây, ở chung làng cách nhau một cái ngõ, quen biết và thân nhau từ thuở nhỏ)
- Hội (sinh viên Trường Đại học Y khoa Hà Nội sắp ra trường, bạn học cùng trường và học trên “Tôi” mấy lớp)
- (cùng lứa tuổi với Uyên, cô lái đò nghèo do thời cuộc, chở đò cho khách hành hương trên suối Yến chùa Hương, người yêu và sắp là hôn thê của Hội)
- Thư (em gái của Hội, học sinh Hà Nội, cùng trang lứa với Thi)
- Hướng dẫn viên: cụ “Từ” hay cụ “Tú” Hoa Lư (đỗ Tú tài thời thi cử cũ, nhiều kiến thức về lịch sử và văn hóa nước nhà, tình nguyện làm ông từ trông nom hai đền Đinh, Lê ở Hoa Lư và di tích.)

***

Câu chuyện của chúng tôi cứ lan man hết chuyện này sang chuyện khác, nhưng dần dần lại vô tình đưa đẩy những câu chuyện ấy xoay quanh trở lại đề tài lịch sử.

Nhân cơ hội này, cụ Từ lại kể cho chúng tôi nghe vài truyền thuyết về ngài Đinh Bộ Lĩnh trong thời niên thiếu về sống ở quê mẹ, tức huyện Gia Viễn bây giờ. Huyện Gia Viễn nằm sát cạnh huyện Hoa Lư và rất gần cố đô Hoa Lư. Cụ nhắc lại đôi dòng lịch sử khi cha ngài là Thứ sử Đinh Công Trứ mất thì Bộ Lĩnh còn nhỏ, theo mẹ về ở cạnh đền thần Núi, trong động Hoa Lư:

*/- Vì nhà nghèo nên Đinh Bộ Lĩnh phải chăn trâu cho người chú.

Có giai thoại kể về ngài như sau: khi đi chăn trâu ngoài đồng ruộng, Bộ Lĩnh thường được trẻ chăn trâu tôn lên làm thủ lãnh và hay bầy trò chơi vua tôi. Bộ Lĩnh bắt chúng khoanh tay làm kiệu cưỡi, lấy hoa lau làm cờ đi phía trước, hai bên có tả hữu tướng quân và theo sau là quân lính theo nghi lễ triều đình. Một hôm Bộ Lĩnh tự ý giết trâu của chú đem khao bọn trẻ. Còn lại cái đuôi, Bô Lĩnh đút chặt vào lỗ đất nẻ rồi giả vờ hớt hải chạy về nhà chú báo tin trâu đã chui xuống lỗ nẻ mất rồi. Chú theo Bộ Lĩnh chạy ra đồng, thấy cái đuôi trâu còn ở trên mặt đất, dùng hết sức kéo lên. Đuôi bật ra, ông chú ngã bổ chổng, cả lũ chăn trâu phá lên cười. Ông chú biết bị lừa nên đuổi theo Bộ Lĩnh để đánh. Bộ Lĩnh chạy ra bờ sông nhẩy ùm xuống nước. Bỗng con rồng vàng hiện ra cõng Bộ Lĩnh qua sông. Ông chú sợ quá vội quỳ xuống, phủ phục lậy Bộ Lĩnh. Sông Hoàng Long là con sông gắn với những truyền thuyết này.

Thấy chúng tôi thích thú nghe cụ kể. Thư cười phá lên khi nghe cụ kể tới đoạn ông chú bị ngã bổ chổng. Cao hứng cụ kể thêm một truyền thuyết về ngài Đinh Bộ Lĩnh cho chúng tôi nghe:

*/- Cứ theo liệt truyện kể của ông Phan Kế Bính về ngài Đinh Tiên Hoàng thì tục truyền ở động Hoa Lư xưa có con rái cá cực to, vợ ông Công Trứ một hôm tắm ở dưới suối, bị con rái cá hiếp, về mới có mang. Khi con rái cá bị người ta ăn thịt, quẳng xương đi, bà nhặt về mà gác lên gác bếp.

Về sau, chồng bà là Đinh Công Trứ mất, bà sinh ra Đinh Bộ Lĩnh. Bộ Lĩnh lớn lên, thông minh, nhanh nhẹn và có tài lội nước. Vì nhà nghèo nên ông phải ở với chú. Một hôm có một thầy địa lý người Tầu đi ngang qua vùng ấy, thấy dưới dòng sông có chỗ luồng nước xoáy mạnh. Ngờ ở đấy có huyệt đế vương nên thầy Tầu mới gọi đám trẻ chăn trâu nhờ lặn xuống xem.

Bộ Lĩnh vốn bơi lặn giỏi nên nhận lời. Khi lặn xuống thì thấy có con ngựa bằng đá đứng ở dưới đáy sông, Bộ Lĩnh trồi lên bảo cho thầy Tầu biết. Ông ta đưa cho nắm cỏ để Bộ Lĩnh lặn xuống cho ngựa ăn. Khi dử nắm cỏ thì ngựa há miệng ra đớp ngay. Bộ Lĩnh kể lại cho thầy Tầu nghe. Ông ta thưởng tiền cho Bộ Lĩnh rồi bỏ đi.

Bộ Lĩnh là người thông minh, biết ngay chỗ đó là đại huyệt, về kể chuyện đó cho mẹ, xem mả ở đâu để táng vào nơi đó. Bà mẹ trèo lên gác bếp, lấy bộ xương con rái cá đưa cho Bộ Lĩnh. Ngài bọc nắm xương ấy vào nắm cỏ, lại lặn xuống sông dử cho ngựa ăn, ngựa đớp nắm cỏ và nuốt vào bụng.

Từ ngày đó ngài trở nên bạo tợn và can trường. Hay làm thủ lãnh đám trẻ làng mình sang đánh nhau với trẻ làng khác. Khi lớn lên, hào kiệt trong vùng về theo, dựng nên nghiệp lớn. Thầy địa lý Tầu trở lại mang theo mả tổ của mình mong được táng vào chỗ đại huyệt đó, nhưng khi sang đến nơi thì thấy ngài đã nổi lên hùng dũng, biết ngài đã được huyệt ấy. Để phá ngài, thầy Tầu vào thưa với ngài rằng ngựa phải có kiếm mới tung hoành bốn bể. Ngài nghe theo, cho treo một thanh kiếm vào cổ ngựa. Không ngờ, kiếm có sát khí, có kiếm tuy được lừng lẫy nhưng không được lâu dài. Cũng có bản được kể là treo kiếm vào tai ngựa, nước xoáy mạnh khiến kiếm cứa đứt cổ ngựa.

Cụ ngưng nói, uống ngụm nước trà rồi nói tiếp:

- Truyền thuyết về các vị vua tiếng tăm lừng lẫy hay những bậc thánh nhân ở nước ta thì nhiều lắm. Như ngài Lê Hoàn tức vua Lê Đại Hành mà chúng ta vừa biết thì mẹ ngài nằm mơ thấy hoa sen mà sinh ra ngài, khi ngài mới sinh ra, mẹ đi làm đồng, đặt ngài nằm trong khóm trúc thì được hổ ủ.

Còn ngài Lý Thái Tổ thì tục truyền, cha ngài nghèo khó, làm ruộng thuê ở chùa Tiêu Sơn, phải lòng tiểu nữ trong chùa có mang, nhà chùa thấy thế đuổi đi. Hai vợ chồng đi đến rừng Báng, mỏi mệt ngồi nghỉ trong bóng mát. Người chồng tìm giếng lấy nước cho vợ uống. Chẳng may sẩy chân, người chồng ngã xuống giếng chết. Người vợ chờ lâu, đi đến giếng tìm chồng thì thấy đất đã đùn lấp giếng rồi. Người vợ than khóc rồi về chùa Ứng Tâm xin ở nhờ ngoài tam quan chờ ngày sinh đẻ. Được vài tháng, có một đêm, hương thơm tỏa nức cả chùa. Nhà sư tỉnh dậy, nhìn ra tam quan thấy sáng rực lên. Nhà sư sai bà hộ ra thăm thì thấy người đàn bà ấy đã sinh con. Bà hộ đem đứa bé vào trong chùa, lật bàn tay ra xem, có bốn chữ “Sơn hà xã tắc”. Nhà sư nuôi trong chùa. Sau ngài là đệ tử của sư Vạn Hạnh, nhà sư nổi tiếng thời đó.

Uyên hỏi cụ:

- Thưa cụ, tại sao chúng ta lại phải tạo dựng nhiều truyền thuyết như thế?

Cụ nhìn Uyên rồi giải thích:

- Truyền thuyết dính liền với đời sống tâm linh, suy tưởng của người xưa. Truyền thuyết có nhiều mục đích khác nhau, hoặc để ca tụng, hoặc để đả phá những sự kiện có liên quan đến lịch sử, tôn giáo, đức tin thần linh, nghệ thuật, văn hóa. Truyền thuyết cũng là những giàn giáo chống đỡ cho lịch sử (xin đọc bài Cổ Loa Thành).

Thí dụ, ta phải kể một số truyền thuyết của ông cha ta đã được dựng lên để phản bác lại những truyền thuyết ngụy tạo của Cao Biền, một tên thái thú thời nhà Đường cai trị nước ta. Hắn có dụng ý phá vỡ lòng yêu nước và sự tin tưởng vào một nền độc lập, tự chủ của dân ta. Cao Biền phao tin y là tên phù thủy, thầy địa lý, biết “cưỡi diều bay” đi yểm hết “long mạch đế vương” trên đất Nam để người nước Nam không thể còn có vua được nữa phải chấp nhận sự cai trị vĩnh viễn của nhà Đường.

Trong số những truyền thuyết do ông cha ta dựng nên để chống lại manh tâm của Cao Biền ta có thể kể đến như:

*/Có một truyện do ông cha ta đặt ra để chống lại việc Cao Biền tự cho có khả năng điều khiển âm binh:

Biền nuôi âm binh, đủ trăm ngày sẽ dậy và dùng được. Biền đưa cho một bà bán hàng bên đường, gần nơi nuôi âm binh của Cao Biền 100 cây nhang. Biền dặn là mỗi ngày bà hàng đốt một cây, đốt đủ trăm cây nhang thì quán hàng của bà sẽ được phát đạt. Bà lão theo lời dặn được ít ngày, đem cả bó nhang ra đốt một lượt. Quân của cao Biền “dậy” thật nhưng còn yếu ớt, chưa đủ ngày tháng nên “dậy non”, run lẩy bẩy rồi biến thành đất cả.

*/Lại một truyện nữa do ông cha ta đặt ra để chống lại việc Cao Biền tự cho có khả năng pháp thuật để tiêu diệt các thần linh nước ta:

Biền dựng hình nộm bằng cô gái trinh nữ 17 tuổi, mổ bụng, nhét rơm vào và đặt lên bàn thờ, rồi tế lễ bằng thịt trâu, bò. Khi hình nộm người con gái nhúc nhích cử động, tức thần linh đã nhập vào hình nộm thì chém mất đầu, thần linh sẽ không còn linh thiêng nữa. Biền cũng áp dụng như thế đối với thần Tản Viên, đệ nhất trong “tứ bất tử” thần linh của nước ta để chặt đầu ngài đi. Hôm đó ngài Tản Viên đi vắng, khi trở về, ở trên cao nhìn xuống, thấy Cao Biền đang làm phù phép phía dưới, ngài Tản Viên liền nhổ vào bàn thờ rồi bay đi. Cao Biền than rằng: ”Linh khí ở phương Nam không thể lường được. Ôi! cái vượng khí ở nước này sao mà hết được.”

*/Lại một truyện nữa do ông cha ta đặt ra để chống khả năng“yểm trừ” của Cao Biền:

Cao Biền đắp thành Đại La để “yểm” thần Long Đỗ của người Việt. Đắp xong thành, một hôm Biền nằm mơ, vào một buổi sáng dạo chơi ngoài cửa Đông thành, bỗng trời nổi mưa to gió lớn. Trong mộng mị thần Long Đỗ hiện ra trong ánh sáng chói lòa giữa đám mây ngũ sắc. Sáng hôm sau Biền tỉnh dậy, họp quần thần hỏi ý : “Ta không sao khuất phục được người phương nam sao?” Có kẻ khuyên lập đàn và đúc một tượng hình dạng thần nhân nặng nghìn cân sắt để “yểm”. Cao Biền theo kế ấy. Nhưng khi Biền đọc thần chú thì tượng sắt đó vỡ tan làm trăm mảnh bay lên không trung. Cao Biền sợ hãi mà than rằng: ”Xứ này có thần linh kinh dị, ở lâu chắc chuốc lấy tai vạ. Ta phải về Bắc mất thôi!

Đấy các cháu xem, Cao Biền đem ra truyền thuyết nào để làm suy yếu tinh thần muốn độc lập của chúng ta thì ông cha ta có ngay những truyền thuyết khác để chống chọi lại. Khi các cháu đọc những truyền thuyết thì phải hiểu được cái dụng ý trong mỗi trường hợp, trong mỗi thời kỳ để hiểu được cái thâm ý của người xưa. Chỉ qua có câu chuyện của Cao Biền không thôi, sơ sơ ta đã có ba câu chuyện ấy và chắc chắn còn có nhiều hơn nữa. Nếu chúng ta đọc truyền thuyết mà cho là chuyện hoang đường, là mê tín, ấy là chưa hiểu được dụng ý của truyền thuyết.

Cụ quay sang nói với Uyên:

- Cháu làm cô giáo, cháu phải lưu tâm điều này với học trò nhé. Dậy sử hay đọc sử phải cẩn thận lắm, khó chứ không phải dễ đâu, cứ hiểu sai một ly nó sẽ đi xa một dặm đấy. Những sai lầm, xuyên tạc hay ngụy tạo lịch sử có thể làm di hại đến đời đời kiếp kiếp cho con cháu sau này. Nhớ đấy các cháu nhé!

Chúng tôi đồng thanh:

- Thưa cụ vâng ạ!

Uyên lại hỏi thêm:

- Thưa cụ, việc hoàng hậu Dương Vân Nga tái giá với Lê Hoàn, một cựu tướng của chồng mình, các nhà sử học có phê phán gì không ạ?

- Một câu hỏi khá lý thú đấy! Theo vài nhà sử học có phê phán Lê Hoàn thì nhiều chứ ít có ai phê phán hành động của bà Dương Vân Nga. Có nhà sử bênh vực Lê Hoàn và Dương vân Nga là trong thời kỳ đó Nho giáo chưa thịnh hành ở nước ta, nên đứng trên cương vị của một nhà Nho để phê phán thì có hơi khắt khe.

Lê Hoàn là tướng tài ba, văn võ song toàn. Trong lúc đất nước lâm nguy, hai người đã tạo nên được sự nghiệp vĩ đại: phá Tống, bình Chiêm, làm rạng rỡ giống nòi thì chúng ta cũng không nên lấy cái nhỏ nhặt mà đem ra phê phán mổ xẻ làm gì. Trai tài gái sắc gặp nhau, âu cũng không thể tránh được việc yêu đương của con người. Dù sao thì bà Dương Vân Nga cũng chờ ba năm, đoạn tang chồng cũ rồi mới lấy Lê Hoàn cơ mà. Theo ý tôi thì sự chuyển giao quyền lực từ nhà Đinh sang nhà Lê cũng không êm thắm lắm đâu.

Có lẽ cụ Từ cũng biết là cụ nói hơi nhiều nên sợ chúng tôi “ngán” chăng nên vội hỏi:

- Các cháu còn muốn nghe lão nói nữa không? Tôi vừa nhớ tới hai giai thoại có liên quan tới vua Lê Đại Hành trong vấn đề đối ngoại với nhà Tống.

Chúng tôi đồng thanh thưa:

- Xin cụ nói cho chúng cháu biết ạ!

Thư đứng lên, vặn mình mấy cái cho giãn gân cốt, rồi nói:

- Cháu cứ tưởng học sử thì dễ lắm nên cháu ít lưu tâm đến, không ngờ lại có nhiều điều thú vị như thế!

Cụ Từ gật đầu khen phải:

- Học sử là phải học cả cái cách nhìn lịch sử sao cho chính xác, nhiều suy luận, cân nhắc cặn kẽ, để hiểu được tiến trình dựng nước và giữ nước của tổ tiên mình. Học sử là học cách “luận cổ tri kim”, và còn biết vận dụng nó vào trong đời sống hàng ngày nữa. Mọi thứ có thể ra đi nhưng lịch sử luôn tồn tại.

Uyên tiếp lời cụ:

- Hồi nhỏ cháu cũng lơ là với môn sử lắm. Học cho có, học cho đủ điểm lên lớp thôi. Ai ngờ càng lớn lên, càng thấy sử nó thật gần gũi với mình, nó giúp cho ta rất nhiều trong cuộc sống.

* * *

Cụ Từ sửa lại thế ngồi cho đỡ mỏi rồi kể hai giai thoại về vua Lê Đại Hành:

*/ Giai thoại thứ nhất kể rằng: Khoảng năm 987 vua nhà Tống sai Lý Giác sang sứ nước ta. Vua Lê Đại Hành nhờ một nhà sư tên Đỗ Thuận là người hay chữ, giả làm lái đò đi đón và quan sát hành vi của sứ Tống.

Lý Giác là một tay sính thơ. Thuyền đi đến sông Kinh Thầy (thuộc Hưng Yên bây giờ), nhân thấy hai con ngỗng bơi trên mặt nước, Lý Giác ngâm hai câu thơ (dịch)

Ngỗng kia, ngỗng một đôi
Nghểng cổ nhìn chân trời.

Nguyên tác là của Lạc Tân Vương, người đời Đường (thế kỷ 7), làm lúc 10 tuổi.

Sư Đỗ Thuận đang chèo thuyền, ứng khẩu đọc tiếp (dịch):

Nước xanh lông trắng phủ
Sóng bước chân hồng bơi.

Lý Giác thấy người lái đò nước ta mà đã giỏi như thế nên phục lắm. Lý Giác tặng người lái đò một bài thơ, trong đó có hai câu (dịch):

Ngoài trời lại có trời soi sáng
Sóng lặng khe đầm rọi mảnh thu.

Sư Đỗ Thuận mang về cho vua xem. Vua Lê lại đưa cho nhà sư Khuông Việt - là người cầm đầu Phật giáo lúc ấy- Sư Khuông Việt nói: ”Đây là sứ Tống tỏ ý tôn trọng bệ hạ cũng ngang như vua của họ vậy.

*/ Giai thoại thứ hai kể rằng: Năm 990, Tống triều sai Tống Cảo sang sứ nước ta. Lê Hoàn sai Đinh Thừa Chính đem chiến thuyền sang tận bờ biển Liêm Châu (Quảng Đông) đón sứ. Sứ xuống thuyền, mọi cửa trong thuyền bít kín mít chỉ thắp nến. Thuyền đi loanh quanh đến nửa tháng mới tới sông Bạch Đằng, sứ tưởng nước ta đất rộng, biển dài. Đi loanh quanh cả tháng nữa, chiến thuyền mới tới Ninh Bình. Gần Hoa Lư, vua Lê cho diễn thủy quân để phô trương thanh thế, lấy dân giả làm lính cho đông, trâu bò của dân tụ lại ăn cỏ bên bờ sông, không đầy nghìn con, nói ngoa lên là mươi vạn. Tất cả đều để uy hiếp tinh thần sứ Tống.

Vua Lê cho sứ Tống ở riêng, thường xuyên đem trăn vài trượng, hổ dữ đem tặng sứ. Sứ khiếp sợ vì thú dữ. Nhiều nhà sư giỏi chữ đến tiếp sứ Tống để chứng tỏ nước ta có văn hiến.

Nhận chiếu thư của vua Tống, lần nào Lê Hoàn cũng cưỡi ngựa không chịu quỳ lấy cớ đau chân. Sứ Tống cũng phải chịu. Vua Lê Đại Hành đề nghị với vua nhà Tống là sẽ cử người tới biên giới nhận chiếu lệnh, sứ thần không phải đến kinh đô Hoa Lư nữa vì đường xá xa xôi. Vua Tống cũng phải chịu nhận đề nghị đó.

Vua Lê Đại Hành dùng chính sách vừa kiên quyết vừa mềm dẻo để bảo vệ chủ quyền của nước ta.

* * *

Chợt Uyên dơ tay lên để xin hỏi cụ thêm một câu cuối cùng:

- Thưa cụ hàng năm dân Hoa Lư mở lễ hội ở hai đền Đinh-Lê như thế nào ạ?

Cụ Từ cười ha hả:

- May quá có người nhắc tôi! Vấn đề quan trọng như thế mà tôi quên khuấy đi mất. Lúc nẫy tôi có nhắc tới, mải ăn nên lại quên.

Cụ Từ cho biết:

Lễ hội tại hai đền vua Đinh và vua Lê được gọi là hội Trường Yên cùng diễn ra như nhau. Ngày lễ được tổ chức vào ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch hàng năm, đây cũng là ngày vua Đinh tức vị Hoàng Đế. Trước đây ngày này được tổ chức như ngày quốc lễ nhưng sau thì trở thành hội làng. Ngày 10 tháng 3 âm lịch cũng là ngày giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức ở đền Hùng tại Phong Châu, Phú Thọ.

Cũng như những ngày lễ hội khác, chương trình được chia làm hai phần phần lễ gồm rước nước và cúng tế, phần hội có hội cờ lau tập trận và những sinh hoạt nghệ thuật khác.

Phần tế lễ thì làng Yên Thượng lo việc tế lễ ở đền vua Đinh, còn làng Yên Hạ thì lo việc cúng tế ở đền vua Lê. Về phần lễ vật ngoài hoa quả còn có lợn và xôi. Lợn phải nuôi trước cả năm. Ba tháng sau cùng phải nuôi lợn bằng thức ăn tinh khiết. Mổ lợn cũng phải chọn giờ trong ngày lễ. Cúng lợn chứ không được cúng lòng lợn và tiết canh như tôi đã nói khi chúng ta đi thăm đền vua Đinh hồi trưa nay.

Rước được khởi hành từ đền vua Đinh. Đi đầu là cờ quạt và phường “bát âm” (8 người dùng nhạc khí). Sau đó là kiệu rồng, trên đựng nước Thánh lấy từ sông Hoàng Long. Lấy nước cũng phải coi giờ tốt. Người trong đám rước ăn mặc giống nhau, nam mặc áo the thâm, đầu khăn chụp, lưng đeo giải xanh đỏ. Theo sau kiệu là già làng mặc áo thụng tế mầu lam cùng với một vị chức sắc trong làng hay một vị sư cao niên. Trống chiêng nổi lên, đám rước chậm rãi xuất hành.

Phần tế lễ là trọng điểm của ngày hội. Tế vào ban đêm. Hai cây “đình liệu” chiếu sáng rực từ 6 giờ chiều tới nửa đêm. Theo nghi lễ có phần xướng đọc 9 khúc văn tế (cửu khúc) bằng tiếng Hán, ca ngợi công đức của nhà vua qua điệu hát xướng. Sau mỗi khúc bằng tiếng Hán lại được phường trò diễn dịch, nam đàn, nữ xướng theo điệu chầu văn. Cuộc tế lễ kéo dài từ 4 tới 5 giờ đồng hồ.

Lễ hội kéo dài 3 ngày. Có nhiều trò chơi vui. Các nơi đổ về dự cũng đông đảo lắm. Những ngày đó thì tôi bận cả tháng trước.

Cụ Từ hỏi chúng tôi ai có câu hỏi gì nữa không. Thư nhìn Uyên rồi lén dơ tay khua khua ra dấu cho Uyên đừng hỏi gì thêm nữa. Cụ Từ trông thấy nhưng chỉ mỉm cười:

- Câu chuyện hôm nay đến đây kể như tạm đủ. Các cháu đi ngủ để ngày mai còn dậy sớm đi thưởng ngoạn tiếp nữa chứ.

Cụ chỉ vào Thư nói:

- Thư nó đang ngồi ngáp kìa!

Mọi người nhìn Thư cười. Cô xấu hổ vội đưa hai tay che mặt, chạy nấp sau lưng Mơ.

Tôi và Hội đưa cụ về tới tận nhà người quen của cụ, cũng chỉ cách một con đường rồi chúng tôi mới quay về nhà trọ.

Tôi rủ Thi lên sân thượng đứng ngắm trăng. Rặng núi đá vôi lờ mờ ẩn hiện dưới ánh trăng thanh. Chúng tôi chỉ cần đứng yên lặng bên nhau thôi cũng đã thấy hạnh phúc lắm rồi. Chẳng biết đến thời gian.

Tôi vừa nhìn Thi vừa se sẽ hát một đoạn trong một bài hát mang âm điệu dân ca quan họ:

. . . Em còn son, anh cũng còn son. Anh về thưa với mẹ cha để đôi ta được làm con một nhà. . .để đôi ta được làm con một nhà.

Thi ôm nhẹ lấy cánh tay tôi một cách trìu mến.

Đứng bên nhau một hồi lâu. Gió thổi đã trở nên lành lạnh, tôi đưa Thi về phòng. Đứng trước cửa phòng Thi, chúng tôi bịn rịn như chưa muốn chia tay.

Trở về phòng mình, tôi nằm thao thức, trằn trọc với bao hình ảnh của Thi. Cuối cùng tôi cũng ngủ thiếp đi.

Mời nghe bản nhạc "Tìm em qua câu dân ca" (nhạc mới)

***

Tham khảo : Coi liệt kê tài liệu tham khảo chung cho tất cả các chương tại "TaiLieuThamKhao.html".

Coi tiếp Chương III - Phần 1
Trở về trang Mục Lục

Trở về đầu trang