![]() |
|||||||||||||||
ĐI THĂM CỐ ĐÔ HOA LƯ Truyện của NGUYỄN GIỤ HÙNG CHƯƠNG VI Phần 2 *** Ghi chú: Đây chỉ là câu chuyện tình hư cấu. Những chi tiết về năm tháng và số liệu được đưa vào trong truyện với mục đích để giúp người đọc tiện việc so sánh với chính sử hay tài liệu . . . và có thể dễ hình dung gần đúng hơn với sự việc hay sự vật được mô tả. Tài liệu được sưu tầm, chọn lọc, tổng hợp và sao chép chỉ thích hợp cho tình huống của câu chuyện. Thời điểm ở vào những năm trước khi đất nước bị chia đôi bởi hiệp định Genève. Nhắc lại các nhân vật chính trong toàn truyện. Nhóm thanh niên nam nữ gồm: - “Tôi” (tên Nam, sinh viên Trường Đại học Y khoa Hà Nội, sinh viên trọ học ở Hà Nội) *** Trong suốt buổi đi thăm nhà thờ Phát Diệm, Phong luôn luôn đi bên Uyên để giải thích thêm một số chi tiết mà nàng tò mò muốn biết. Xem ra hai người có thiện cảm với nhau mặc dù chỉ mới sơ giao. Có lẽ nó phát xuất từ sự đồng nghiệp, cùng là nhà giáo. Chúng tôi lại được cụ Thống mời về nhà nghỉ ngơi và Phong được giao nhiệm vụ ra bến xe để hỏi thăm về chuyến đi Hà Nội sắp tới. Chỉ một thoáng Phong chạy về báo tin còn những hơn hai giờ nữa xe mới chạy. Tuy vậy, chúng tôi quyết định ra bến xe sớm một chút. Cụ Thống ngồi tiếp cụ Từ và hỏi chúng tôi: - Về nhà thờ Phát Diệm, các cháu có điều gì cần hỏi tôi không? Chúng tôi cùng hết lời ca tụng vẻ đẹp nguy nga và đầy ý nghĩa của công trình kiến trúc đặc biệt này. Và chúng tôi cũng không quên tỏ lòng ngưỡng mộ trước những lời giảng giải tinh tế của cụ Thống để được am tường về sự hài hòa của hai nền văn hóa Đông-Tây và sự hòa đồng những biểu tượng tôn giáo trong kiến trúc và điêu khắc được thể hiện tại nhà thờ Phát Diệm. Cụ Thống tỏ ra hài lòng về những gì mà chúng tôi thâu thập được. Cụ Từ chỉ ngồi nghe, thỉnh thoảng nhìn chúng tôi tủm tỉm gật đầu cười. Chợt Uyên lên tiếng hỏi cụ Thống: - Thưa cụ, cháu thấy nghệ thuật chạm trổ trên gỗ và trên đá của nhà thờ đẹp quá. Không biết những người thợ đó từ đâu đến ạ? Cụ Từ nhìn cụ Thống cười: - Cháu Uyên là cô giáo. Cháu nó muốn biết để về dạy học trò. Kể ra, thế cũng là điều tốt cụ a! Cụ Thống nhìn Phong rồi trả lời Uyên: - Thằng Phong nhà tôi cũng vậy. Đúng là thầy giáo và cô giáo với nhau có khác. Thôi để tôi nói sơ qua cho các cháu cùng nghe nhé. Thì giờ còn dài mà! Cụ ngừng một chút như để suy nghĩ rồi mới nói tiếp: - Trước hết, tôi nói qua về xây dựng và chạm trổ trên gỗ đã nhé, còn trên đá thì sẽ nói sau. Cụ Thống cho biết: - Ở cách thị xã Ninh Bình vài ba cây số, làng Phú Lộc chuyên làm nghề mộc từ khi Hoa Lư còn là kinh đô. Làng này chuyên làm những đồ dùng trong nhà như giường, tủ, bàn thờ . . . tủ chè, sập gụ, trang trí nội thất và xây cất miếu tự. Làng có nhiều kiểu mẫu rất đẹp và có tay nghề cao với những nét chạm trổ tinh vi. Chính ra thì ở làng nào, xã huyện nào cũng có thợ mộc cả. Hoặc họ làm việc cá thể, hoặc tụ tập lại thành “hiệp thợ” để thực hiện được những công việc lớn hơn và có khả năng đi làm ăn xa hơn. Đứng đầu mỗi hiệp thợ là ông “phó cả” có tay nghề cao. Nhiệm vụ của phó cả là đi nhận việc, huấn luyện cho “phó nhỏ” học việc, cắt đặt, phân công cho toán thợ, và chịu trách nhiệm về kết quả công việc nhận lãnh. Để thực hiện một công trình lớn và phức tạp như nhà thờ Phát Diệm phải đòi hỏi nhiều hiệp thợ mộc và chạm trổ giỏi, được lựa chọn từ khắp miền đất nước về đây. Trong đó, ngoài Ninh Bình, một phần có thể là những hiệp thợ nổi tiếng đến từ những địa phương khác như : - Ở Thái Bình có những hiệp thợ làng Riệc, làng Sâm, làng Nứa ở gần nhau, nhưng gọi chung là mộc Riệc. - Ở tỉnh Bắc Ninh, huyện Từ Sơn, có những hiệp thợ của hai xã Kim Sơn và Phù Khê. Trong ca dao cổ có câu: Nghĩa Lập bánh đúc, cháo kê, Thợ mộc Phù Khê không những giỏi về chạm trổ mà còn giỏi cả về “cắt gỗ dựng nhà”. Vài công trình kiến trúc bằng gỗ nổi tiếng của họ ở Bắc Ninh như đình Bảng, đình Thổ Hà, đình Phù Lão, chùa Dâu, chùa Bút Tháp. Theo những người già làng Phù Lão cho biết, đình làng họ được xây dựng bởi hiệp thợ Phù Khê. Những tác phẩm chạm khắc ở đình Phù Lão được đánh giá đứng vào bậc thầy trong ngành chạm trổ từ hàng trăm năm trước. Ở Bắc Ninh còn có làng Kim Thiều, chỉ chuyên chạm khắc gỗ rất tinh vi. Tương truyền làng Kim Thiều có những thợ giỏi đến độ trên một miếng gỗ nhỏ bằng đồng xu mà khắc được cả trận thủy chiến của Lý Thường Kiệt trên chiến tuyến sông Cầu. Thợ mộc làng Kim Thiều còn được đưa vào làm việc trong cung vua.
- Ngoài những làng ở ngoài Bắc vừa kể trên. Ở miền Trung, thuộc tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng có làng mộc Kim Bồng gần thành phố Hội An cũng rất nổi tiếng về những bộ tứ linh hay tứ quý, bộ cuốn thư, hoành phi, được treo trên các vì kèo, xà đình, xà chùa, những nơi tế tự. Nghe nói nghề mộc làng này có từ trước cuộc khởi nghĩa Tây Sơn, tức từ thời Đàng trong, Đàng ngoài. Xa thêm nữa thì cụ không biết. Tất nhiên chỉ riêng ở miền Bắc không thôi, còn bao nhiêu làng nghề mộc nổi tiếng khác nữa. Cụ Thống quay sang cụ Từ (cụ Tú): - Cụ Tú có điều gì nói thêm với các cháu không? Cụ Từ vội xua tay: - Không! Không! Xin cụ cứ nói tiếp thêm cho các cháu! Cụ Thống nhìn khắp chúng tôi: - Về phần xây dựng. Để tạo nên được những tòa nhà độ sộ như nhà thờ Phát Diệm, người xưa không phải dùng đến một cái đinh nào, mà chỉ kết hợp các thành phần kiến trúc ấy lại với nhau bằng những mộng như mộng khóa, mộng thắt, mộng kìm.
Bên cạnh phần xây dựng là phần chạm trổ đầy nghệ thuật, công phu, tỷ mỷ, đòi hỏi kỹ năng cá nhân rất cao. Có khi nó còn trội lên trên hẳn phần xây dựng. Các cháu cứ thử tưởng tượng xem, những chiếc xà, vì kèo to lớn như thế mà chỉ là những cây gỗ to trần trụi không thôi, ta sẽ thấy kiến trúc ấy nặng nề và thô kệch lắm. Nay chúng được chạm trổ, điêu khắc một cách có nghệ thuật và hài hòa sẽ làm cho ta có cảm tưởng như chúng nhẹ bớt đi rất nhiều và mỹ thuật hẳn lên. Bức chạm nào cũng phải có bố cục mạch lạc, cân đối, đều đặn, tròn trịa và chủ đề chính phải được nổi bật lên. Nghề thợ mộc là một nghề quý. Chính vì cái quý ấy mà trong văn chương dân gian ta có những câu hát: Anh đi làm thợ nơi nào Các cháu cũng cần lưu ý một điều. Vì có nhiều hiệp thợ khác nhau cùng làm việc trên cùng một công trình, mặc dù có sự phối hợp thống nhất, nhưng nếu tinh ý ta vẫn có thể nhận ra được những sự khác biệt của từng hiệp thợ hay từng cá nhân. Cũng một cái lá, cũng một bông hoa nhưng mỗi toán thợ, mỗi người thợ lại phô diễn tài năng tinh xảo và óc sáng tạo của riêng mình một cách riêng biệt. Cụ Thống lại thoáng ngồi trầm ngâm như đang suy nghĩ về một điều gì mông lung lắm. Chúng tôi đều yên lặng. Cụ Thống bỗng buông tiếng thở dài: - Nhìn lại, những người thợ mộc ngày xưa thật tài hoa, đúng là những nghệ sĩ dân gian. Tuy không để lại tên tuổi nhưng họ đã để lại cho chúng ta biết bao nhiêu công trình xây dựng, biết bao nhiêu tác phẩm chạm khắc trên gỗ tuyệt đẹp. Chúng thể hiện được nền văn hóa đặc thù của dân tộc Việt. Những nhà nghiên cứu cần đến đó mà khám phá, tìm tòi, học hỏi. Bổn phận của chúng ta ngày nay là phải bảo tồn nó cho các thế hệ con cháu sau này. Đừng để mỗi ngày một bị tàn phá, bị mai một đi. Uổng phí lắm! Tôi thưa: - Chúng cháu xin nghe lời dậy bảo của hai cụ! Thật ra thì chúng ta còn nhiều điều, nhiều thứ cần phải bảo tồn và phát huy lắm ạ. Bảo tồn những cái cũ, phát huy những cái hay, cái mới. - Ừ, cháu nghĩ như thế cũng phải. Ta cứ tính thử xem, qua nhiều triều đại, kể từ trước thế kỷ thứ 10, qua mấy triều đại Đinh, Tiền Lê, Lý, rồi đến cuối triều Trần ở thế kỷ thứ 14, đất nước ta đã trải qua mấy trăm năm hưng thịnh đứng vào bậc nhất trong lịch sử nước nhà. Trong khoảng thời gian dài hàng bao thế kỷ đó, triết lý nhà Phật đã dự phần ảnh hưởng, chi phối rất nhiều trong việc trị nước và xây dựng một nền văn hóa bản địa. Nền văn hóa ấy càng ngày càng muốn thoát ly ra khỏi ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa sau một nghìn năm bị đô hộ. Sang đến kỷ thứ 15, từ triều đại nhà Hậu Lê và các triều đại kế tiếp, rồi đến nhà Nguyễn ngày nay, ảnh hưởng của Nho giáo đã có phần ảnh hưởng sâu rộng hơn Phật giáo trong chính sách trị nước, cũng như văn hóa của các vương quyền. Mặc dù từ thời gian này, trong xã hội đã bắt đầu có nhiều hiện tượng phân hóa và tiêu cực, nhưng vẫn còn giữ được những kỷ cương, trật tự theo tinh thần Nho giáo. Cụ Sáu là người thấu hiểu được sự ảnh hưởng rất to lớn của Phật giáo và Nho giáo trong lòng dân tộc nên khi xây dựng cái mới, cụ thể là nhà thờ Phát Diệm, cụ đã không quên bảo tồn nền văn hóa cũ của phương Đông, và đồng thời phát huy, pha trộn với cái mới của văn hóa phương Tây thông qua sự có mặt của người Pháp trên đất nước ta. Cụ Từ nhìn Uyên mỉm cười: - Cháu ghi chép đi chứ, kẻo về nhà lại quên! Uyên nhanh nhẩu thưa: - Cháu xin vâng ạ! Cụ Thống cũng nhìn Uyên, chậm rãi nói: - Nay tôi nói về những làng nghề xây dựng và chạm khắc đá trong phạm vi hiểu biết của tôi nhé! Cụ Thống cho biết.
- Ở thị xã Ninh Bình có làng nghề chạm khắc đá Ninh Vân, thuộc xã Ninh Vân, huyện Hoa Lư. Làng nghề này đã có từ lâu đời, có thể cung ứng những mặt hàng gia dụng bằng đá hay chạm khắc trang trí. Thợ đá Ninh Vân cũng có thể thực hiện được những công tác lớn thuộc tín ngưỡng như xây cất đình, chùa, nhà thờ. . . Họ có tay nghề rất cao. - Ở tỉnh Thanh Hóa có làng Nhồi, xã Đông Hưng, huyện Đông Sơn. Từ nhiều thế kỷ trước, thợ đá làng Nhồi đã từng được tham gia xây dựng Văn Miếu ở Thăng Long-Hà Nội. Những bia đá ở Văn Miếu, ngày nay vẫn được coi như những sản phẩm quý của cả nước đứng về mặt giá trị nghệ thuật. Thời Lý, Trần, đạo Phật phát triển mạnh nên công việc tạc tượng phục vụ cho tôn giáo của làng này cũng theo đó được phát triển theo. Chung quanh làng Nhồi có nhiều núi đá. Đó là nguồn cung cấp nguyên liệu vô tận cho ngành xây dựng và chạm khắc đá trong vùng. - Ở tỉnh Hải Dương có thôn Kính Chủ thuộc huyện Kim Môn cũng có nghề chạm khắc đá từ thế kỷ thứ 14. Theo sử liệu, năm 1369, Phạm Sư Mệnh, tướng nhà Trần, đi duyệt binh qua đây, ghé thăm núi Phương Nham. Ông thấy cảnh đẹp, làm thơ và sai thợ đá Kính Chủ khắc bài thơ đó lên cửa động. Cuối thế kỷ 15, vua Lê Thánh Tông đi qua núi Phương Nham, cũng làm bài thơ và cho khắc trên đỉnh động. Những công trình của thợ đá Kính Chủ còn để lại tới bây giờ như các bậc đá, thềm đá, cột đá, bia đá trên chùa Yên Tử và vài lăng lớn ở Hà Nội. Họ còn làm được những công việc nặng như xây cầu đá, quán đá, tháp đá, dựng bia đá và tạc tượng người, ngựa hay tứ linh (long, ly, quy, phượng). Bia đá thì có hai nơi khắc rất tinh xảo, đó là Nhồi và Kính Chủ. Chữ khắc rất sâu và họ có khả năng tái tạo được những bia đá có nét chữ khắc đã bị thời gian hay mưa gió bào mòn. Uyên lên tiếng hỏi: - Thưa cụ, cháu nghe nói ở Đà Nẵng có thợ chạm khắc đá tinh vi lắm ở núi Ngũ Hành Sơn? - Cháu nói đúng lắm! Đá ở Ngũ Hành Sơn có mầu sắc rất đẹp, kể cả mầu trắng tươi, hồng ngọc, bích ngọc. Nhưng ở đấy họ thường sản xuất những sản phẩm thuộc loại trang trí, thờ cúng hay trang sức của đàn bà như vòng đá, nhẫn đá. - Thưa cụ, những người thợ đá, họ làm cách nào để xẻ và chuyên chở những khối đá lớn về đây như ta thấy trong Nhà Thờ Đá Phát Diệm? - Câu hỏi rất hay! Những phiến đá to được phá từ trên núi xuống. Đây là một công việc rất khó khăn và nguy hiểm, có thể chết người. Từ hình thù những tảng đá cỡ trung bình, họ chỉ tỉa gọt “thô” thành cái hình dáng sơ khởi của sản phẩm đã được hình dung trong đầu. Có những tảng đá quá to, họ phải “chẻ” (xẻ) ra từng phiến nhỏ hơn để có thể di chuyển bằng những phương tiện thô sơ. Bằng những chiếc đục, họ đục từng dẫy lỗ tròn dọc theo thớ đá, cách nhau 2 tới 3 gang tay, rồi dùng những “con chèn” bằng thép đóng vào các lỗ. Vừa đóng vừa lắng nghe hướng đi của đá nứt để kịp thời hướng dẫn đường nứt theo ý muốn của mình. Công việc này cần có nhiều kinh nghiệm. Các cháu cứ tưởng tượng, “chẻ” được những tấm đá dùng làm mái to bằng chiếc chiếu, hay những cột to bằng thân cây xoan, cây lim thì đủ biết những người thợ đá phải khéo tay đến chừng nào. Di chuyển tảng đá lớn thì người ta dùng những con lăn bằng thép. Các cháu cũng nên biết những công trình xây dựng bằng đá, cũng giống như những công trình xây dựng bằng gỗ, người xưa toàn dùng bằng mộng đá đan xen từ khối đá này với khối đá kia rất vững chãi chứ không dùng xi măng.
Cụ Thống vừa chấm dứt sự giảng giải cho chúng tôi về nghề làm đá tại những làng nghề mà cụ cho là có thể đã từng tham dự vào công trình xây dựng quần thể Nhà Thờ Phát Diệm. Cụ lại lập lại câu hỏi như lần trước: - Các cháu có câu hỏi nào thêm không? Chúng tôi nhìn nhau như hỏi ý, rồi lại nhìn cụ Từ. Cụ Từ chỉ ngồi mỉm cười nhìn chúng tôi một cách bình thản. Phong đề nghị với cụ Thống; - Huyện Kim Sơn mình có một nghề truyền thống rất đặc biệt, đó là nghề làm chiếu từ nguyên liệu cói cả trăm năm nay và đã từng nuôi sống biết bao gia đình kể từ khi họ đến đây lập nghiệp. Cháu đề nghị ông mời cụ Tú và các anh chị đây đi xem vài sản phẩm làm từ cói của Phát Diệm. Cụ Từ nói với cụ Thống: - Cháu Phong đề nghị như thế cũng hay đấy! Nhân thể đây, tôi cũng muốn đi xem một chút. Chúng tôi tỏ ra vui mừng khi được cụ Từ đã mở lời cho. Cụ Thống quay sang chúng tôi nói: - Thế thì, các cháu đi luôn nhé! Chúng tôi vui vẻ đứng lên cám ơn cụ Thống và Phong. *** Ghi chú: (5) Cảm nhận kiến trúc cổ Việt Nam (tác giả Đinh Ngọc Dũng.) Tham khảo: Coi liệt kê tài lệu tham khảo chung cho tất cả các chương tại "TaiLieuThamKhao.html". ![]() |