Trở về trang Mục Lục

Bản PDF để in

Tập truyện "Bước Đổi Đời"

Lời trần tình của tác giả: Xin lưu ý tập truyện ngắn này không phải là hồi ký, tự truyện, hay tài liệu ghi lại dữ kiện lịch sử. Mọi nhân vật đều được dựng nên, tiểu thuyết hóa cho phù hợp với câu chuyện, và có thể không tương ứng với nhân vật có thực nào. Nhân vật xưng "tôi" không phải chính tác giả mà có thể mang dáng cách, tâm sự, và mơ ước thầm kín của bạn bè cùng thời. Xin đừng liên kết nhân vật trong truyện với bất cứ ai ở ngoài đời.

* * *

1. Giang Hà Vạn Cổ Lưu

Cuối cùng, với sự khuyến khích và giúp đỡ của Quỳnh Châu, tôi hoàn tất việc soạn thảo Tập II của bộ sách Giải Tích Mạch Điện. Nàng giúp đọc lại bản thảo, sửa lỗi chính tả, đề nghị cách dịch của một số danh từ chuyên môn, và chỉnh đốn phần Danh từ Chuyên môn Đối chiếu và bảng Danh mục. Tôi lo liệu phần nhàm chán nhất là đưa bản thảo ra nhà in cho thợ xếp chữ và làm bản kẽm các hình vẽ, đọc và sửa chữa bản vỗ (bản in thử), và nộp bản ở nha Kiểm duyệt để xin giấy phép xuất bản. Sách in xong, nàng nắm tay tôi cười vui,

Ôông dôông (ông chồng) của em giỏi hết sảy con cào cào! Không những giáo sư đại học Việt nam không mấy người chịu khó viết sách giáo khoa như anh mà đây là một bộ sách kỹ thuật điện tiếng Việt đầu tiên.”

Lời nói không mất tiền mua, cô vợ dễ thương của anh ‘lựa lời’ quá đáng làm chồng tưởng thiệt hỉnh lỗ mũi to bành sư đây . Sách giáo khoa đại học không có giá trị thương mại, nhọc nhằn mà chẳng nên công cán gì nên không ai thèm viết chứ chồng em giỏi giang gì hơn ai đâu. Hơn nữa, công lao của anh nếu có thì cao lắm là một nửa, nửa kia là của ông Sinh,” tôi xua tay.

Năm đầu tiên học cao học ở Đại học Khoa học Sài gòn, tôi lấy lớp Giải tích Mạch Điện với thầy Sinh, giảng nghiệm viên ban Điện tử; lớp này là một phần của “chứng chỉ” bắt buộc phải hoàn tất, mặc dù nó từng là môn lý thuyết sở trường của tôi ở trường kỹ sư. Thầy lớn hơn tôi ba, bốn tuổi, đậu Master (tức là Cao học) ở Hoa kỳ về, đang viết sách về môn này, mến tài tôi, và mời tôi cộng tác. Thầy đã viết xong bản thảo phần đầu (Tập I) căn cứ theo bài giảng ở Đại học Khoa học và phân công cho tôi viết phần sau (Tập II) và hiệu chính toàn bộ. Thầy trò thân nhau rất nhanh và xem nhau như bạn bè. Hôm trước ngày thầy thành hôn với chị Mai học cùng trường với thầy bên Mỹ, tôi cùng với vài người bạn sinh viên cao học đưa thầy vào Chợ Lớn hưởng thú “nhất dạ đế vương” theo kiểu người Hoa để làm tiệc độc thân; ai nấy đều đẹp lòng.

Khoảng một năm sau, khi Trung tâm Quốc gia Kỹ thuật chuyển thành Học viện Quốc gia Kỹ thuật, thầy Sinh được bổ nhiệm vào một chức vụ cầm đầu trường Cao đẳng Điện học (“CĐĐH”), khẩn khoản mời tôi nộp đơn xin về trường cũ dạy lại, và khi tôi được tuyển dụng cắt đặt tôi dạy môn Giải tích Mạch Điện cho sinh viên đệ nhị và đệ tam niên ban kỹ sư. Tôi vừa dạy vừa tiếp tục soạn sách và trở thành chuyên gia có thẩm quyền trong ngành học này.

Thầy Sinh “trụ” ở trường CĐĐH khoảng hơn một năm trước khi “bắt” được cái học bổng đi Hoa kỳ học PhD (Doctor of Philosohy, tức là Tiến sĩ). Trước khi xuất ngoại, thầy bỏ tiền ra in Tập I và viết đề nghị xin trợ cấp nghiên cứu của Cơ quan Văn hóa Á châu (“CQVHAC”), một cơ quan phát triển quốc tế bất vụ lợi với ngân sách do chính phủ Hoa kỳ cung cấp. Cơ quan chấp thuận tài trợ 2,000 Mỹ kim cho dự án biên soạn và ấn hành bộ sách. Tính theo hối suất chính thức, số tiền này tương đương với khoảng ba năm lương giảng nghiệm viên CĐĐH của tôi. Thầy làm giấy ủy quyền cho tôi lãnh tiền CQVHAC, và tôi ứng trước trả lại thầy chi phí in Tập I. Quỳnh Châu thắc mắc,

“Anh viết Tập II từ đầu đến cuối và đài thọ tiền in cả hai tập, tại sao để tên ông Sinh trước tên anh, ngụ ý ông ta là tác giả chính?”

“Dự án khởi đầu từ ý kiến của ông ấy, và nếu không có tên tuổi và chức vụ của ông thì sức mấy mà anh chồng giảng nghiệm viên quèn của em được Cơ quan Văn hóa Á châu ghé mắt tới.”

“Chứ không phải ông ta ỷ thế làm ‘người lớn’ để ép ông chồng uống nước nhớ nguồn, ăn trái nhớ kẻ trồng cây của em phải chịu dưới cơ à? Nhưng thôi, anh nói em nghe tại sao trường Đại học Giáo dục Thủ Đức của cô Bảy (Bình) nhà mình mời anh dạy môn học anh soạn sách mà không thèm nói cho em biết?” nàng hờn mát.

“Anh quên, nhưng giờ em biết rồi. Trường đó cũng là một phân khoa thuộc viện Đại học Bách khoa Thủ Đức (“ĐHBKTĐ”) như Đại học Kỹ thuật của anh. Từ nay, anh có thể khoác lác ta đây không những là thầy kỹ sư mà còn là . . . thầy giáo sư. Hà hà,” tôi cười dã lã.

Viện ĐHBKTĐ thành hình từ năm 1973 đến 1974 và gồm bảy phân khoa, trong đó có Đại học Giáo dục, trước là trường Cao đẳng Sư phạm Kỹ thuật, và Đại học Kỹ thuật, trước là Trung tâm Quốc gia Kỹ thuật gồm các trường Cao đẳng Công chánh, CĐĐH, Quốc gia Kỹ sư Công nghệ, Việt nam Hàng hải, và Cao đẳng Hóa học. Trường CĐĐH nay là Ngành Điện của Đại học Kỹ thuật. Văn phòng hành chánh viện ĐHBKTĐ hiện đặt tạm tại số 3 Công trường Chiến sĩ; công trường nằm ở giao điểm hai đường Duy Tân và Trần Quý Cáp và mới đây đổi tên thành Công trường Quốc tế. Một người cầm đầu viện ĐHBKTĐ là ông Khang, nhà giáo dục lão thành đậu Tiến sĩ Giáo dục ở Hoa kỳ; đồng thời ông kiêm nhiệm một chức vụ then chốt của bộ Văn hóa, Giáo dục, và Thanh niên.

CQVHAC tài trợ cho tôi với tư cách giáo sư viện ĐHBKTĐ và khi xuất quỹ gửi chi phiếu cho viện để chuyển giao cho tôi. Chi phiếu đề tên tôi, người khác không thể lãnh tiền. Tôi chờ khoảng một tháng mà không thấy động tĩnh nên lên văn phòng viện để hỏi. Tôi gặp hết thư ký đến phụ tá của ông Khang, hỏi chi phiếu CQVHAC thì họ nói chỉ có ông mới “giải quyết” được.

Hàng tuần, tôi và Quỳnh Châu chỉ cùng rảnh rổi vào sáng thứ Năm để đưa nhau đi ăn sáng, chuyện trò dài lâu, và đi dạo phố. Thay vì lê la ở các sạp vải trên lề đường Võ Di Nguy Sài gòn trong khu chợ Cũ tỉ mỉ lựa hàng lụa nội hóa may áo dài (thời trang nàng mê thích), chúng tôi vào văn phòng viện ĐHBKTĐ xin yết kiến ông Khang. Nhưng vô hiệu; chúng tôi không sao gặp được mặc dù nhiều lần thấy ông đi đằng xa hay ngồi trong văn phòng.

Một hôm, anh Hán, con trai bà cụ chủ nhà trọ và cũng là người anh đỡ đầu thời tôi còn là sinh viên, ghé qua quán Cà-phê Nhân gặp vợ chồng tôi. Quỳnh Châu vui miệng kể lể đùa với anh,

“Em đẹp đẽ như thế này mà bị chồng bắt hành nghề đòi nợ. Mà em có phải là hung thần ác sát gì cho cam, cứ thấy mặt em ở đằng xa là ngài vội vàng . . . quất ngựa truy phong.”

“Anh biết cái tính ngang ngạnh của chồng em, nếu cứ phải đòi như thế đến mười năm hắn cũng làm,” anh quay sang tôi, “Cậu biết vào thời buổi người khôn của khó này, không ai dại gì để cậu hưởng mâm cỗ một mình khi họ có quyền chận đầu. Tôi đề nghị cách này, cậu xem được không?”

“Ông ta đòi cứa của em bao nhiêu?” tôi hiểu ra và hỏi thẳng.

“Cậu cưa đôi tấm chi phiếu, một ngàn đô là hắn giao chi phiếu cho cậu lãnh tiền liền tút xuỵt." “Tút xuỵt” tiếng Pháp là “tout de suite” nghĩa là tức thì hay lập tức.

Tôi gượng cười,

“Hai ngàn đô la chỉ vừa đủ chi phí ấn loát cho hai tập sách và để em khỏi thâm vốn.”

“Năm mươi phần trăm còn hơn không có xu nhỏ nào, cậu nghĩ lại đi,” anh Hán khuyên.

“Dạ, trong trường hợp này thì em thà được ăn cả ngã về không. Tiền bạc có thể khó kiếm, nhưng cơ hội eo sách và lên chân với một chính trị gia hàng đầu như ông Khang thì ngàn năm một thuở, bỏ qua uổng lắm anh ơi!”

“Tôi biết cậu gàn bát sách, nhưng bây giờ mới thấy cậu hết thuốc chữa rồi!” anh chịu thua.

Tôi tiếp tục đi đòi nợ – một mình, sau khi thả Quỳnh Châu xuống khu chợ Cũ, và ông Khang tiếp tục lánh mặt. Cho đến một ngày cuối tháng Tư 1975, vợ chồng tôi dắt bốn đứa em bỏ nước ra đi. Đầu mùa hạ, chúng tôi được đưa tới Trại Pendleton ở tiểu bang California; đó là trung tâm huấn luyện thủy quân lục chiến Hoa kỳ dùng làm trại tỵ nạn. Nơi đây, tôi và Quỳnh Châu mừng rớt nước mắt khi gặp lại anh Hán; anh dọn sang ở chung lều với chúng tôi.

Ngay sau khi vào trại, tôi gửi thư cho thầy Sinh nhờ thầy viết thư chứng nhận để tôi kiếm việc làm và mượn hai tập sách để nếu cần thì trình cho cơ quan mướn người xem. Tôi cũng nói tôi rời Việt nam với hai bàn tay trắng và cần được giúp đỡ. Mười ngày sau, tôi nhận được thư thầy vỏn vẹn có đúng một câu,

Tôi sẽ về Việt nam làm việc; gia đình tôi bình an ở bên nhà.

Ông Khang làm việc cho ban giáo dục của Chương trình Định cư Người Tỵ nạn Đông dương văn phòng đặt ở Đại học California Long Beach và hàng tuần vào Trại Pendleton trình bày về cuộc sống Mỹ ở bên ngoài, giải đáp thắc mắc, và giúp ý kiến cho đồng bào tỵ nạn về vấn đề định cư. Anh Hán giục tôi gặp ông Khang và yêu cầu ông viết thư chứng nhận với tư cách thượng cấp của tôi ở Sài gòn; tôi lần lữa thoái thác.

Sau cùng, dù không có thư chứng nhận của thầy Sinh hay của ông Khang, hay bộ sách, tôi cũng được bốn công ty điện và điện tử ở tiểu bang North Dakota ở miền bắc Hoa kỳ phỏng vấn qua điện thoại và hứa nhận làm kỹ sư với nhiệm vụ phù hợp với khả năng chuyên môn. Gia đình tôi xuất trại đi North Dakota định cư khi trời chớm vào thu.

* * *

Chuyện kể rằng sau tháng Tư năm 1975, gần một ngàn tập sách Giải Tích Mạch Điện còn thơm mùi mực xếp thành chồng ngay ngắn trong văn phòng tôi ở trường Đại học Kỹ thuật bị lôi ra liệng dồn lên đống sách vun cao và châm lửa đốt. Tiêu hủy “tàn tích đồi trụy của Mỹ Ngụy”! Đứa con tinh thần của tôi tan biến theo ngọn lửa trước đôi mắt xót xa của bạn tôi là thằng Thành làm việc ở ban Viễn thông và thằng Kim cùng làm với tôi ở phòng Thử Máy Điện.

Dưới chế độ mới, thằng Thành bị chỉ định thay thế tôi dạy môn Mạch Điện. Thiếu sách vở, nó dùng các ghi chép thời đi học và giảng bài theo trí nhớ. Khoảng một năm sau, một người anh họ sống ở miền Bắc làm giáo sư trường Đại học Tổng hợp Hà nội vào Sài gòn thăm gia đình nó. Nó thật thà than thở tình trạng “đói” tài liệu giảng dạy, ông anh rất thông cảm và khi về Hà nội gửi tặng em cuốn sách Mạch Điện đắc ý. Thằng Thành kể lại,

Ba Hoa biết không, nhìn cuốn sách mà Thành hỡi ôi. Cuốn sách in lem nhem, chữ nghĩa chẳng đâu vào đâu, và được dịch từ cuốn sách Nga xuất bản năm 1947 là năm Thành mới lọt lòng mẹ. Ước chi Thành có được cuốn sách Ba Hoa viết.”

Mãi đến năm 1989, tôi mới biết cuốn sách của tôi có một bản còn tồn tại, đó là bản tôi tặng thằng Kim mười lăm năm trước. Nó gửi tặng lại tôi “để kỷ niệm một thời hoa niên sôi nổi” và ghi thêm bài thơ “Hý vi lục tuyệt cú” của Đỗ Phủ nhận định về thơ của bốn nhà thơ nổi tiếng nhất thời Sơ Ðường là Vương Bột, Dương Quýnh, Lư Chiếu Lân, và Lạc Tân Vương,

Vương Dương Lư Lạc đương thời thể,
Khinh bạc văn chương thẩn vị hưu.
Nhĩ tào thân dữ danh câu diệt,
Bất phế giang hà vạn cổ lưu.
(Vương, Dương, Lư, Lạc lối đương thời,
Chê văn nhạt nhẽo mỉa mai hoài.
Bọn ngươi tên tuổi nào đâu có,
Tên họ non sông ghi vạn đời.)
(Bản dịch của Phạm Doanh)

Kết quả của năm năm tìm tòi học hỏi và ba năm lương giảng nghiệm viên giờ đây thu lại thành hai tập sách cũ cầm trên tay. Nhưng tôi tự hào đã đóng góp cho đất nước thân yêu một công trình đáng kể. Việt Cộng đốt bỏ nhưng không thể xóa bỏ cuốn sách đó trong ký ức của sinh viên, đồng nghiệp, và đồng bào tôi. Nó đã lưu lại với non sông – giang hà vạn cổ lưu. Đối với những kẻ chơi không đẹp, tôi cũng biết ơn. Nhờ họ, việc tôi làm dường như đẹp hơn.

Nguyễn Ngọc Hoa
Ngày 6 tháng Sáu, 2018

Trở về đầu trang