![]() |
Tập truyện "Bước Đổi Đời" Lời trần tình của tác giả: Xin lưu ý tập truyện ngắn này không phải là hồi ký, tự truyện, hay tài liệu ghi lại dữ kiện lịch sử. Mọi nhân vật đều được dựng nên, tiểu thuyết hóa cho phù hợp với câu chuyện, và có thể không tương ứng với nhân vật có thực nào. Nhân vật xưng "tôi" không phải chính tác giả mà có thể mang dáng cách, tâm sự, và mơ ước thầm kín của bạn bè cùng thời. Xin đừng liên kết nhân vật trong truyện với bất cứ ai ở ngoài đời. * * * 2. Hai Mươi Bốn Năm Xưa Tôi làm cố vấn kỹ thuật cho o Tín ở công ty Martinet gần ba năm nay và hôm nay là lần đầu tiên được mời dự phiên họp hội đồng quản trị. O làm chủ công ty, hội đồng chỉ giữ vai trò cố vấn và không có quyền quyết định. O ngồi ghế chủ tọa và cố giữ vẻ trầm tĩnh thường ngày, mặc dù thần sắc xanh xao và giọng nói yếu, “Tôi triệu tập phiên họp bất thường này để thông báo một quyết định quan trọng,” cả phòng họp ồ lên một tiếng rồi im phăng phắc đợi o nói tiếp, “Tuần sau tôi sẽ đi Pháp chữa bệnh, ít nhất là ba tháng. Bác sĩ Pháp ở bệnh viện Grall nói bệnh tôi có thể chữa trị ở Sài gòn, nhưng tôi cần xa công việc và hoàn toàn nghỉ ngơi một thời gian; sang bên đó tôi sẽ có dịp thăm con gái lớn là xơ Christine.” Bệnh viện Grall hay nhà thương Đồn Đất ở đường Nguyễn Du thuộc quyền sở hữu của bộ Ngoại giao Pháp, do nhân viên người Pháp điều hành, và mở rộng cửa trị bệnh cho mọi người như những bệnh viện tư khác. Sœur Christine tu dòng Truyền giáo Vô nhiễm, trước phục vụ ở tiệm ăn L’Eau vive Đà Lạt, và vài tháng trước vừa chuyển sang phục vụ ở Abidjan, thủ đô thương mại của Cộng hòa Côte d'Ivoire (Ivory Coast, Bờ Biển Ngà) ở Tây Phi. Tôi rùng mình nghĩ tới bệnh ung thư tử cung của o Tín. Hai năm trước mẹ cũng mắc chứng bệnh quái ác đó và nằm liệt trên giường trong Đồn Đất hơn bốn tháng trời. Theo lời bác sĩ, mẹ may mắn vì ung thư được phát hiện sớm, và nhờ vậy kỹ thuật chữa trị hiện đại – giải phẫu rồi trị liệu bằng phóng xạ – đã nâng hy vọng sống sót và bệnh không tái phát lên tới trên 50 phần trăm. O dằn lòng cảm xúc, bác Mạnh là người giúp o quản trị công ty mở lời, “Chị sẽ công bố việc sắp xếp trong khi chị tạm vắng nhà?” “Dạ, đúng vậy anh Mạnh. Thực ra, từ trước đến giờ tôi chỉ ngồi cho có vị chớ việc điều hành hàng ngày có anh chăm lo; chính sách và đường lối thì có các anh trong hội đồng quản trị vạch ra và giúp thi hành.” O nhấp một ngụm nước trà rồi tung ra “quả bom” cuối cùng, “Thưa các anh, văn phòng luật sư và anh Mạnh đã giúp tôi lập văn kiện pháp lý bổ nhiệm Quyền Chủ tịch Tổng Giám đốc công ty Martinet, có hiệu lực kể từ mười hai giờ đêm nay. Người ấy hiện đang giữ chức Kỹ sư Cố vấn và Giám đốc các Dự án Đặc biệt. Đó là cháu Ba Hoa, mong các anh hết lòng giúp đỡ cháu.” Tôi đứng dậy cúi đầu chào mọi người; mặt tôi nóng bừng, tai ù lên, và hình như có tiếng vỗ tay. Phiên họp kết thúc, các quản trị viên thay nhau chúc o sớm bình phục trở về và chúc mừng tôi. O cho tài xế về nhà nghỉ và biểu tôi lái xe đi ăn tối với o ở tiệm ăn Nhật Fukomoto hay tới trên lầu sáu của một cao ốc trên đại lộ Hàm Nghi. Tôi ngạc nhiên vô vàn khi thấy người đàn ông trung niên mặc thường phục với dáng dấp và khuôn mặt quen thuộc ngồi xếp bằng trên chiếc chiếu ăn đợi chúng tôi. Đó là thầy Nguyên Mãn. Ngày học ở Quốc Học Huế, mỗi buổi chiều sau giờ học tôi theo bạn là thằng Công lên chùa học đạo với thầy. Bạn tôi say mê nghiên cứu Phật pháp, và tôi hay chất vấn thầy làm sao đạo Phật áp dụng vào đời. Trước những câu hỏi tưởng là hóc búa hay móc họng, thầy cười khoan dung và từ tốn giải thích theo triết lý đạo Phật cho đến khi tôi hết đường cãi lý mới thôi. Nụ cười hiền từ ấy chào đón tôi và o Tín. Vẻ mặt o trở nên tươi tắn, và nụ cười không còn héo hắt, “Thầy Mỹ đến trước chờ lâu chưa? Tui khỏi cần giới thiệu hai thầy trò với nhau!” “Thằng nhỏ Ba Hoa chỉ biết thầy Nguyên Mãn chứ nào hay ‘thầy Mỹ’ là ai,” thầy đưa tay mời o ngồi trên tấm nệm cạnh thầy và ra hiệu cho tôi ngồi đối diện. “Bạch thầy, ‘Mỹ’ có phải là thế danh (tên ngoài đời) của thầy?” tôi rụt rè hỏi. “Đúng vậy con. Có lẽ con thắc mắc tại sao bị chứng kiến ông già bà lão nói chuyện tâm tình,” o xen vào nói giỡn. “Con đói bụng rồi o ơi. Sau khi mình kêu món ăn, con sẽ biết được chuyện gì đã xảy ra.” Hai người âu yếm nhìn nhau không khác gì một đôi tình nhân trẻ tuổi; thầy Mỹ chỉ tay vào tấm thực đơn nửa tiếng Anh nửa tiếng Nhật, “Tín nói món ăn đặc biệt ở đây là sushi, tức là món cá sống. Vậy các thứ sashimi và nigiri khác với sushi làm sao?” “Sashimi là cá sống, thường là cá hồi hay cá thu, xắt thành từng lát mỏng. Sushi là cơm nấu chín trộn một tí giấm, kết hợp với các nguyên liệu như cá, lươn, hay tôm (có thể sống hay chín), và cuốn thành khoanh tròn. Nigiri là loại sushi có nắm cơm nhỏ hình bầu dục và các nguyên liệu đặt lên trên mặt. Thầy ưng ăn thứ nào?” o Tín giải thích. “Tín thích món nào gọi hai phần, anh già này mù tịt nên không cầu kỳ kiểu cách chi hết,” thầy cười khà. “Vậy thì o đi chợ kêu luôn cho cả ba người,” tôi hùa theo. Sau khi cùng tôi nâng ly uống một ngụm rượu sake hâm nóng, thầy hỏi, “Chú bé con đã đoán ra chuyện gì chưa?” “Dĩ nhiên là con biết rồi,” tôi cười chúm chím đọc phần đầu bài thơ “Tình Già” của Phan Khôi (1887 - 1959) đăng lần đầu trên báo Phụ nữ Tân văn năm 1932 và được xem là tác phẩm thơ tự do đầu tiên và mở đường cho phong trào Thơ Mới ở Việt nam, Hai mươi bốn năm xưa, một đêm vừa gió lại vừa mưa, “Giỏi lắm, giỏi lắm!” thầy vỗ đùi cười ha hả, “Một bậc tu hành như thầy mà vì o con rủ áo cà sa và ngã mặn, chắc hẳn phải ấp ủ một mối tình thật lớn, thật lâu đời. Con biết thầy đậu bằng Cử nhân Toán ở Đại học Sorbonne ở Paris, nơi mà o con một thời theo học văn chương, gặp ông André Martinet làm bạn, sinh ra xơ Christine, và khi chiến tranh Đông dương bùng nổ bị gia đình gọi về. Chỉ cần đọ hai chuyện với nhau là thấy ngay.” Nụ cười của thầy Mỹ mang một chút tiếc nuối, “Gần ba mươi năm trước, thầy gặp o con lần đầu tiên một buổi sáng mùa thu ở sân trường Sorbonne cổ kính. Nàng là tiểu thơ trong một danh gia vọng tộc ở kinh đô Huế, là một thiếu nữ tài hoa, và đẹp như tiên nữ giáng trần. Còn thầy, một anh thôn phu thô lậu và cù rù từ huyện Bố Trạch tỉnh Quảng Bình may mắn được học bổng đi du học. O con là bậc công chúa cao sang, thầy là tên bán than hèn mọn. Thầy ôm mối tình câm chôn vào tận đáy lòng và mong sớm học thành tài về nước rồi cậy mai mối giạm hỏi với gia đình nàng.” O Tín lắc đầu nhè nhẹ và đưa tay nắm tay thầy, “O đã nghe tiếng chàng trai tuổi trẻ tài cao và ước mơ làm bạn đời vì cảm thấy chỉ có chàng mới xứng đôi vừa lứa với o. Nhưng khi gặp mặt o thấy chàng lạnh lùng cao ngạo và lại nghe đồn chàng ghét cay ghét đắng con gái xứ Huế là nơi Non bất cao, thủy bất thâm, “Ôi thôi vụ hiểu lầm vô cùng tai hại!” tôi la lên. “O vừa buồn vừa giận và không ngần ngại nhận lời đi chơi với anh André cho bỏ ghét. Rồi số phận đẩy đưa, o sinh ra Christine, bất thần bị triệu về nước, để con lại cho anh ấy nuôi, vừa về tới là bị gia đình ép buộc thành hôn với ông Nghĩa, và từ đó yên bề gia thất cho đến khi ông mất.” Một sĩ quan phục vụ quân đội Liên hiệp Pháp, bác Nghĩa sau này trở thành một tướng lãnh cao cấp thời Đệ nhất Cộng hòa. Tôi tiếp tục, “Nghe nói thầy học xong về Huế dạy toán ở trường Khải Định (tên cũ của Quốc Học), con đoán thầy tìm đường giải thoát bằng cách nương nhờ cửa Phật vì hết hy vọng Trời xui hội ngộ, hai đứa mình kết duyên như trong ca dao.” “Thằng bé này là con ma xó, cái gì nó cũng biết!” thầy Mỹ bẽn lẽn gật đầu. “Hồi nhỏ con nghe mấy ông chú họ ở Huế kể giai thoại về ông giáo sư nổi tiếng dạy hay và tận tâm bỗng nhiên dứt áo đi tu khi nghe tin người yêu lên xe hoa. Bây giờ không những con biết hai người trong cuộc là ai mà còn định được cái thời điểm ‘Kim-Kiều tái ngộ,’ tức là đoạn kết của bài thơ ‘Tình Già,’ Hai mươi bốn năm sau, tình cờ đất khách gặp nhau: Tôi tủm tỉm giải thích, “Con biết hồi hè o đi dự bữa tiệc gây quỹ mở thêm phân khoa Khoa học Ứng dụng đào tạo kỹ sư của viện Đại học Phương Nam. Thầy là một sáng lập viên của viện đại học và đương nhiên có mặt trong bữa tiệc đó. Vậy là hai mái đầu ‘không còn xanh’ lại tìm thấy nhau, có đúng không?” Đại học Phương Nam do khối Việt nam Quốc tự của Giáo hội Phật giáo Việt nam Thống nhất (“GHPGVNTN”) thành lập để đua tranh với viện Đại học Vạn Hạnh do khối (chùa) Ấn Quang độc quyền quản trị. Hai khối này chống đối nhau kịch liệt do sự bất đồng quan điểm chính trị và rạn nứt trong giới lãnh đạo GHPGVNTN vào cuối thập niên 1960: khối Việt nam Quốc tự chủ trương đấu tranh ôn hòa và được chính phủ công nhận là đại diện chính thức của giáo hội, và khối Ấn Quang có khuynh hướng thiên tả, ủng hộ “phe bên kia,” và đả kích chính phủ tới cùng. Tôi hãnh diện khoe, “Con nhớ ơn thầy và nhận dạy môn Phương pháp Đo lường cho phân khoa kỹ sư của Phương Nam. Năm trước con từ chối lời mời dạy bên Vạn Hạnh; một phần vì không có thì giờ, và một phần không có nhiều thiện cảm với mấy thầy bên đó. À, o ơi, con vừa nhận ra nhờ thầy mà con có duyên may gặp o ở hội Quảng Bình Tương tế rồi được o yêu thương và tin cậy.” “Tại sao vậy?” nhưng o Tín không lộ vẻ ngạc nhiên. “Cả o lẫn bác Nghĩa đều là người Huế, vậy mà o hết lòng góp công góp của và tham gia vào hội với tư cách ân nhân bảo trợ và cố vấn tối cao. Không phải là vì thầy là người Quảng Bình hay sao? Lòng yêu thương o dành cho thầy to lớn và sâu đậm biết chừng nào!” Khoảng một tháng sau khi o Tín rời Sài gòn sang Paris, tôi nhận được thư o – đúng hơn là của thầy Mỹ – trước khi hai người rời khỏi bệnh viện Saint-Vincent-de-Paul trên đường Denfert-Rochereau ở Quận 14, Toán bác sĩ chuyên khoa của bệnh viện đã đề nghị giải pháp trị liệu, và o con đã lựa chọn. Thay vì chịu đau đớn mà có rất ít hy vọng thành công, nàng không nhận chữa bệnh. Tuần tới, thầy và o con bay xuống Abidjan để nàng an hưởng quãng đời còn lại gần Sœur Christine. Đó là nhờ Tuệ quán chiếu soi thực tướng của vạn pháp, Tất cả hành khổ đau, (Kinh Pháp Cú 278 – Từ bản dịch của Thích Minh Châu) Tôi sẽ không bao giờ gặp lại o Tín, nhưng tôi vui mừng vì rốt cuộc o và thầy Mỹ được hưởng hạnh phúc bên nhau – chính con đường thanh tịnh. Mối tình của họ vượt thời gian của cả đời người và biên giới giữa đạo và đời. Đức Phật từ bi ngồi trên tòa sen chắc hẳn sẽ mỉm cười đồng ý với tôi. Nguyễn Ngọc Hoa |