![]() |
Tập truyện "Bước Đổi Đời" Lời trần tình của tác giả: Xin lưu ý tập truyện ngắn này không phải là hồi ký, tự truyện, hay tài liệu ghi lại dữ kiện lịch sử. Mọi nhân vật đều được dựng nên, tiểu thuyết hóa cho phù hợp với câu chuyện, và có thể không tương ứng với nhân vật có thực nào. Nhân vật xưng "tôi" không phải chính tác giả mà có thể mang dáng cách, tâm sự, và mơ ước thầm kín của bạn bè cùng thời. Xin đừng liên kết nhân vật trong truyện với bất cứ ai ở ngoài đời. * * * 3. Bây Giờ Rõ Mặt Đôi Ta Cuối năm 1974, phe Cộng chính thức xé bỏ Hiệp định Paris 1973 (có mục đích chấm dứt chiến tranh và tái lập hòa bình) bằng cách tấn công đại qui mô vào tỉnh Phước Long giáp giới Cam-bốt và cách Sài gòn 120 cây số về phía bắc. Hăm lăm ngày sau, Phước Long thất thủ, và quân ta không đủ khả năng tái chiếm vì lực lượng đã bị phân tán mỏng trên toàn lãnh thổ. Thất bại quân sự lớn đầu tiên của Việt nam Cộng hòa (“VNCH”) được che lấp bằng khẩu hiệu “Bình Long anh dũng, Kontum kiêu hùng và Trị Thiên vùng dậy” kêu gọi vang dậy trên đài truyền thanh và truyền hình. Hoa kỳ điềm nhiên tọa thị; ai nấy đều thấy rõ điều này, nhưng ai cũng rán nuôi hy vọng và gắng gượng tin lời bình luận của tờ báo quân đội, Hoa kỳ không thể bỏ rơi Việt nam sau khi đã hy sinh gần 60.000 quân nhân và chi tiêu hàng trăm tỉ Mỹ kim cho cuộc chiến. Không lý họ bỏ phí sinh mạng và tiền bạc một cách vô lối. Trong thư viết cho tôi gần đây từ Abidjan ở Cộng hòa Côte d'Ivoire, Sœur Christine có lời lẽ khác thường (xơ vẫn gọi tôi bằng “thầy”), Không biết Chúa Toàn năng có còn cho tôi cơ hội gặp lại thầy hay không; tôi luôn luôn cầu nguyện cho thầy và người thân được bình an. Vào ngày tàn của cuộc chiến, nếu may mắn thoát khỏi nơi ấy, xin hãy báo cho biết; đối với thầy người nữ tu này sẽ không quản ngại gì cả. Đồng thời, thư của anh bạn Leon quê miền bắc California đang dạy học bên Nhật càng khiến tôi băn khoăn. Ngày trước sang Việt nam phục vụ trong đoàn Thanh niên Chí nguyện Quốc tế, anh học tiếng Việt hai năm với tôi lúc “ông thầy” là cậu học sinh trung học. Anh lớn hơn bảy tuổi và xem tôi như em ruột. Về nước, anh đi học lại lấy bằng tiến sĩ ở Đại học California Berkeley và sang dạy học ở Đại học Sapporo ở miền bắc nước Nhật, chúng tôi thư từ liên lạc hàng tuần, nhưng thư tuần này mang vẻ cấp bách, Em gửi gấp cho tôi địa chỉ liên lạc của Triết, em trai của em ở Hoa Kỳ, và Cao, anh rể của em ở Đức. Cần nhất là em nhớ nằm lòng địa chỉ và số điện thoại của tôi ở Nhật và cha mẹ tôi ở Mỹ. Mọi người sẽ chuẩn bị sẵn sàng giúp em khi biến cố xảy đến. Nhưng biến cố nào sẽ xảy đến? Sài gòn có gần 40 tờ báo tư nhân và hai tờ của chính phủ (một của quân đội và một của trung ương tình báo), nhưng không tờ nào cung cấp tin tức tôi muốn biết, nói chi đến đài truyền thanh và truyền hình. Đôi ba tờ báo tự nhận “đối lập,” bươi móc chính quyền, và thỉnh thoảng đăng tin “có phương hại đến an ninh quốc gia” hay “làm suy giảm tinh thần chiến đấu của quân đội” và bị tịch thu trước giờ phát hành. Nhiều tờ báo câu khách bằng cách hàng ngày đăng từng kỳ các tiểu thuyết khiêu dâm, chẳng hạn như truyện dài Cậu Chó ăn khách không kém gì truyện chưởng của Kim Dung, hay khai thác những chuyện giật gân như “người lấy khỉ” ở Cà Mau hay “công chúa lọ lem.” Cô này là con rơi của Tổng thống Jean-Bédel Bokassa (1921 - 1996) nước Cộng hòa Trung Phi khi ông ta làm lính lê-dương trong quân đội viễn chinh Pháp ngày trước, một tờ báo tìm đươc cô và chiêng trống inh ỏi đưa sang Phi châu đoàn tụ với cha. Tờ báo “đứng đắn” nhất thì chuyên trích dịch các bài bình luận đao to búa lớn rỗng tuếch trong báo Anh Mỹ và sống nhờ đăng cáo phó và phân ưu (thời buổi chiến tranh đám tang nhiều vô số) và “chia vui” (dân Sài gòn rất chịu khó đăng báo chúc mừng đám cưới các gia đình giàu có hay quyền thế) và quảng cáo hàng hóa và dịch vụ. Để tìm hiểu tình hình, tôi thường đến thằng Thắng gặp bạn bè. Nó là đại úy Nhảy Dù đánh giặc bị thương ở chân, đi cà nhắc, và được đưa về chỉ huy đại đội Dù phòng thủ tư dinh Tướng Văn, một vị tướng cầm đầu Quân lực VNCH. Thời còn ở Đại học xá Minh Mạng, hàng đêm tôi sang thằng Thắng chuyện trò hay ăn nhậu, lúc nào nó có mặt ở doanh trại trong dinh ông tướng. Dinh nằm trên đoạn đường Ngô Quyền giữa đại lộ Hồng Bàng và đường Nguyễn Trãi, chỉ cần đi bộ dọc theo đại lộ Minh Mạng chừng hai trăm thước và băng qua ngã sáu là tới trạm lính gác vòng ngoài. Hôm ấy, thằng Thắng cười toe đón tôi, “Tối nay không hẹn mà ‘bộ tứ’ tụi mình tụ họp đầy đủ. Ba thằng tao vừa nhắc mày và thời mày ở lậu trong Đại học xá.” Hai thằng kia là thằng Trọng và thằng Trang. Thằng Trọng là sĩ quan Hải quân và bị gọi là “Trọng Bửu Ngọc” vì nó lấy Bửu Ngọc, một nữ kịch sĩ rất nổi tiếng xuất hiện hàng đêm trên đài truyền hình. Nước da trắng trẻo, dáng người cao ráo mà ẻo lả, và ăn nói dịu dàng như con gái, thằng Trang làm y sĩ đại úy trong phủ Tổng thống (hiểu ngầm là nhân viên phủ Đặc ủy Trung ương Tình báo), và anh nó là vị tướng cầm đầu Tổng nha Cảnh sát Quốc gia Đô thành. Tôi khơi chuyện trước, “Đốc-tờ Trang, tại sao các con múa rối chính trị như Ni sư Huỳnh, Linh mục Chân, và Linh mục Trần nhảy tung ra quấy phá đường phố Sài gòn lia chia mà không ai nói năng gì cả?” “Bạn giáo gian ơi, cảnh sát không thể bắt giữ người biểu tình khi chưa có chứng cớ xác thực họ hoạt động cho Việt Cộng; ngoài mặt, họ làm bộ đòi hỏi chánh phủ bài trừ tham nhũng. Vì phái đoàn Thượng viện Mỹ đang sang Sài gòn quan sát và báo chí Mỹ chĩa ống kính vào đám người xuống đường không ngoài mục đích vạch lá tìm sâu kiếm cách tố cáo chính phủ vi phạm nhân quyền, cảnh sát được lệnh không được dùng lựu đạn cay hay ma-trắc (matraque, dùi cui cảnh sát) giải tán biểu tình.” Tôi thấy tim mình đau nhói khi thằng Trang nói thêm, “Buồn nhất là ngài Phó Kiền vì kèn cựa cá nhân đã bám đít Linh mục Trần, dự mít-tinh, và lên máy vi âm hô hào chống ông Thiện, tiếp tay Cộng sản bôi nhọ chính nghĩa quốc gia. Sau đó, cảnh sát gồng mình chịu cho giáo dân biểu tình bạo động ném đá xanh và bắn kẽm gai bằng ná thun; vài nhân viên bị kẽm gai bắn vào tròng mắt nằm giãy giụa.” “Nếu không kể ông tướng không quần lanh mưu, mình bó tay để lũ Cộng con làm mưa làm gió hay sao?” tựa như thằng Thắng nói đùa, nhưng hai hàm răng nó nghiến lại; “lanh mưu” nói lái là lưu manh. “Gần như vậy. Tuy nhiên, cảnh sát đô thành có hai chiếc xe trang bị máy phóng thanh công suất cao ngụy trang thành xe quảng cáo bán mì gói. Khi chuyên viên biểu tình cầm loa phóng thanh phát biểu chống đối, lập tức xe mì rao “mì Hai Con Cua vừa ngon vừa rẻ” để át đi. Ngoài ra, một bữa Ni sư Huỳnh phật y vàng bay phất phới tay cầm loa tay cầm chuỗi bồ đề chỉ huy mười nữ đệ tử tả xông hữu đột trên đường phố, bỗng có ai đó bỏ trái mắt mèo vào áo cà sa của bà và đệ tử. Bà bị ngứa như điên, cởi áo cà sa, và chửi nhoi lên ngay trước chợ Bến Thành. Ni cô cũng biết chửi tục và chửi hay ho như người thường.” Mắt mèo là loại dây leo hằng niên, dây, lá, và trái đều có lông vàng, dính vào mình hoặc tay chân thì ngứa sần. Tổng hợp những tiết lộ đặc biệt của thằng Trang trong những lần bàn bạc ở doanh trại thằng Thắng với tin tức nghe được trên đài BBC (Công ty Phát thanh Anh quốc) và đài VOA (Tiếng Nói Hoa kỳ), tôi thấy rõ một sự thực đau buồn. Báo chí Hoa kỳ trích dẫn phúc trình “mật” của CIA tức là Sở Tình báo Trung ương Hoa kỳ tiên đoán với mức quân viện hiện tại (chỉ còn một phần ba so với mấy năm trước) quân lực VNCH đủ vũ khí, trang bị, và khả năng cầm cự đến cuối năm nay. Nhưng Quốc hội Hoa kỳ nóng lòng muốn phủi tay sớm hơn. Thượng viện tranh luận, và đa số Thượng nghị sĩ muốn cắt bỏ ngân khoản quân viện cho tài khóa mới bắt đầu từ ngày 1 tháng Bảy để cấp thúc ngày tàn của VNCH. Theo hiến pháp Hoa kỳ, một dự luật (như ngân khoản dự chi quân viện) muốn được chấp thuận thì cả Thượng viện lẫn Hạ viện phải thông qua, nếu một viện bác bỏ thì đạo luật không thành hình. Ngày 1 tháng Bảy không còn xa. Tôi không có lựa chọn nào khác nên đành chấp nhận định mệnh đã an bài. Nhưng còn Quỳnh Châu? Tôi ray rứt trách mình, tại sao mấy tháng trước tôi lại cầu hôn và cưới nàng, không để nàng trở lại Nữu Ước theo đuổi chương trình cao học, và kéo nàng vào chung số phận? Một đêm sau Tết, hai vợ chồng nằm bên nhau nói chuyện trong nhà ngoài ngõ; tôi ôm vai nàng, “Chiếu khán (visa) F-1 nhập nội Hoa kỳ với tư cách sinh viên du học của em vẫn còn hiệu lực chứ? Và học bổng cao học ở Đại học Nữu Ước, người ta sẽ giữ cho em đến khóa mùa thu tới, phải không?” “Dạ phải, có chuyện gì không anh?” Tôi tóm tắt dự đoán về tình trạng đất nước và đề nghị, “Hai đứa mình phải có một đứa ra ngoại quốc để đến lúc đó cùng với thằng Triết và anh Cao tìm cách cứu những người kẹt lại, chứ không nên chết chùm cả lũ.” “Chồng em khi nào cũng đúng. Anh nhớ anh Trình bạn thân của anh rể em không nhỉ?” “Anh Trình là bác sĩ giải phẫu thẩm mỹ nổi tiếng nhất Sài gòn, ai mà không biết? Nhưng tại sao?” “Anh ấy nói chỉ cần vài cuộc giải phẫu mặt đơn giản là có thể biến chồng em thành ra cô vợ dễ thương của anh. Anh chỉ cần đội tóc giả, mặc quần áo đàn bà, dùng thông hành của em để qua mặt nhân viên kiểm soát ở phi trường Tân Sơn Nhứt và lên máy bay, và dùng chiếu khán của em để nhập nội Hoa kỳ. Nhân viên quan thuế và di trú ở phi trường Cựu Kim Sơn không thể nhận ra sự khác biệt giữa hai khuôn mặt Á đông của vợ chồng mình.” Quỳnh Châu cười nửa miệng, nhưng rõ ràng nàng không nói đùa. Tôi bực mình gắt, “Em dễ thương thì đúng rồi, nhưng em lấy đâu ra cái ý nghĩ kỳ cục đó?” “Đó chính là ý định của chồng mà! Nếu một người phải ra ngoại quốc thì người ấy phải là anh. Anh tháo vát, giỏi cả Anh lẫn Pháp ngữ, và bạn bè quen biết nhiều. Em sao bằng anh?” “Em tưởng anh có thể đành lòng bỏ em và gia đình hai bên ở Sài gòn và qua Mỹ một mình hay sao?” tôi nhăn nhó. “Hi hi, em cũng vậy thôi ôông dôông (ông chồng) ơi! Mười năm mới lấy được anh, giờ bắt phải xa anh làm sao em chịu nổi? Anh là tim em, là óc em, là thân xác em, nếu anh có mệnh hệ nào, tưởng em sống nổi chắc? Ở bên anh, chết sống gì cũng vậy thôi; đừng quên em là dâu Quảng Bình, Đi mô cho thiếp theo cùng, Quỳnh Châu cười nhẹ và véo tay tôi. Tôi nhận ra dự định của mình thật lố bịch, “Anh quá lo cho em, muốn em được an toàn, và suy sai tính quẩn. Đừng giận anh.” “Em biết, bởi vậy em thấy mình là người đàn bà may mắn nhất đời,” nàng thì thầm. “Không, chính anh mới là kẻ được Trời ban cho diễm phúc,” tôi hôn lên má nàng. “Anh ơi, anh đừng quá lo lắng về ngày mai, ngày mai ngoài tầm tay và khả năng mình. Ngay lúc này hai đứa ở bên nhau, nhìn thấy nhau, và nói chuyện với nhau; nếu không nắm giữ và tận hưởng giây phút hiện tại, biết đâu tất cả sẽ trở thành giấc mơ rồi tan biến đi mất, và lúc đó hối tiếc thì đã muộn. Như Nguyễn Du nói trong Đoạn Trường Tân Thanh, Bây giờ rõ mặt đôi ta, Tôi nắm tay Quỳnh Châu và cùng nàng đi vào giấc ngủ, lòng thanh thản vì sẽ không để những âu lo về tương lai tước đoạt hạnh phúc hiện tại của mình. Và ngày mai, dù thế nào đi nữa, chúng tôi cũng ở bên nhau – nếu anh có mệnh hệ nào, tưởng em sống nổi chắc? Nguyễn Ngọc Hoa |