![]() |
Tập truyện "Bước Đổi Đời" Lời trần tình của tác giả: Xin lưu ý tập truyện ngắn này không phải là hồi ký, tự truyện, hay tài liệu ghi lại dữ kiện lịch sử. Mọi nhân vật đều được dựng nên, tiểu thuyết hóa cho phù hợp với câu chuyện, và có thể không tương ứng với nhân vật có thực nào. Nhân vật xưng "tôi" không phải chính tác giả mà có thể mang dáng cách, tâm sự, và mơ ước thầm kín của bạn bè cùng thời. Xin đừng liên kết nhân vật trong truyện với bất cứ ai ở ngoài đời. * * * 4. Đằng Nào Mình Cũng Thua Tết Ất Mão (1975) năm nay là cái tết đầu tiên tôi và Quỳnh Châu sống bên nhau. Mồng ba Tết nhằm ngày thứ Năm; hai đứa còn nghỉ và giữ lệ sáng thứ Năm cùng nhau đi ăn sáng và dạo phố. Tôi thích ăn đồ ngọt (nàng hay nói đùa tôi là dân . . . hảo ngọt) nên chúng tôi thường kết thúc buổi đi chơi bằng chầu giải khát ở quán thạch chè Hiển Khánh, nơi học sinh và sinh viên thường đến thưởng thức thạch trắng ướp hoa lài cắt thành từng sợi nhỏ, chè đậu xanh (hột), và chè kho (chè đậu xanh đánh). Hiển Khánh mở ở hai nơi: một tiệm gần rạp xi-nê Casino Ða Kao, và tiệm kia trên đường Phan Ðình Phùng; hôm nay chúng tôi ghé lại tiệm Đa Kao. Ngày tết tiệm chật ních khách đến ăn, tôi đứng ở cửa dớn dác nhìn vào trong tìm chỗ trống. Bỗng ở cuối phòng, hai thanh niên lớn hơn tôi chừng một hai tuổi đứng lên chào và niềm nở mời chúng tôi ngồi chung ở chiếc bàn lớn nhất. Đó là Thái và Phú, hai sĩ quan học lớp kỹ sư điện tử quân nhân (“KSĐTQN”) ở trường Cao đẳng Điện học, nay là Ngành Điện thuộc Đại học Kỹ thuật của viện Đại học Bách khoa Thủ Đức. Năm 1971, khi chương trình "Việt nam hóa chiến tranh” bắt đầu, thay vì gửi sĩ quan ưu tú đã được tuyển chọn sang Hoa kỳ học chuyên môn như trước, bộ Quốc phòng gửi họ tới trường Điện "nhờ" huấn luyện giùm. Chương trình KSĐTQN chỉ có hai khóa, nhập học năm 1971 và 1972. Hai anh thuộc khóa thứ nhất, học môn Giải tích Mạch Điện với tôi ba lục cá nguyệt liên tiếp, và sẽ tốt nghiệp cuối năm nay. Thái người Huế cao và gầy với khuôn mặt xương xẩu, Phú thấp lùn với khuôn mặt tròn và làn da tai tái. Thái ăn nói hoạt bát, nhưng giọng nói không tự nhiên vì dường như các câu nói đều sửa soạn từ trước. Phú lặng yên nghe chuyện và thỉnh thoảng nở một nụ cười gượng gạo. Sau khi chúng tôi gọi chè, Thái khen đẩy đưa, “Thầy quả là người khiêm tốn có một không hai. Giàu có và quyền thế như vậy mà thầy đưa cô đi ăn chè bằng xe Honda. Hay thầy muốn hòa mình với quần chúng?” “Tôi là giáo chức đại học cấp thấp và may mắn có công việc làm thêm bên ngoài nên không nghèo túng. Nhưng nói là ‘giàu có’ và ‘quyền thế’ thì không đúng đâu,” tôi cải chính. “Dạ thầy nghĩ coi, ở khắp Sài gòn có giáo sư đại học nào đi dạy bằng xe pờ-giô cát-xăng-cát (Peugeot 404, đọc theo tiếng Pháp) với tài xế ngồi chầu chực trước lớp như thầy đâu.” Peugeot 404 là loại xe du lịch đời mới nhất do Pháp chế tạo, khắp Sài gòn chỉ có vài ba chiếc, chiếc xe Thái nói thuộc quyền sở hữu của công ty Martinet. Bác Thường tài xế là nhân viên tín cẩn lâu nay của o Tín, tuổi trạc tứ tuần, và gia đình năm người con, đứa lớn nhất mới vào đại học. Khi tạm thời kế vị o, tôi nghĩ tới việc dẹp chiếc xe sang trọng đó, nhưng nếu không dùng xe thì tài xế sẽ không có việc để làm và đương nhiên sẽ bị sa thải. Để giữ bác tiếp tục làm việc, tôi nhờ bác lái xe đưa rước trong những ngày có công tác phải làm cho công ty. Tôi thấy không cần phải trần tình với Thái và nói vắn tắt, “Chiếc xe Peugeot 404 và ông tài xế thuộc về công ty tôi làm công.” “Nhưng thầy làm chủ công ty Martinet đó,” hiển nhiên Thái đã tìm hiểu và biết rõ về tôi. “Cám ơn anh Thái và anh Phú đã mời tụi này ngồi chung. Xin cho tôi trả hết tiền chè, và hẹn sau Tết gặp nhau ở trường,” tôi ra hiệu cho Quỳnh Châu đứng dậy và vờ như không nghe Thái nói với theo, “Tụi tôi muốn gặp thầy trước đó.” Buổi chiều, tôi một mình đến nhà vợ chồng thằng Hiệp ở Cổng Xe lửa Số 6 trên đường Trương Minh Giảng; nó là bạn học cũ năm đệ nhị (lớp 11) ở Ban Mê Thuột. Sau khi đậu “chứng chỉ” Toán Lý Hóa (hay MPC) ở Đại học Khoa học Sài gòn và nhân cơ hội Không quân tuyển mộ sĩ quan kỹ thuật, nó tình nguyện gia nhập binh chủng này, phục vụ ở phòng Kỹ thuật trong phi trường Tân Sơn Nhứt. Lên lon trung úy, nó được chọn gửi đi học khóa KSĐTQN đầu tiên. Tôi và nó, hai thằng bạn học cũ, nay là thầy trò; khi có người ngoài, nó gọi tôi bằng “thầy” và xưng “tôi,” nếu không vẫn "mày tao" như xưa. Năm sau, nó cưới vợ và hãnh diện nhờ ông thầy làm phù rể; cô dâu Vân Lan ngày trước là một hoa khôi của Ban Mê Thuột và học sau tôi hai lớp. Tôi bắt tay thằng Hiệp chúc Tết, “Năm mới năm me, chúc bạn khỏe re, sức khỏe bền bỉ, công danh phỉ chí, tiền tài đắc ý, tình yêu thỏa chí, và vạn sự như ý.” “Tụi tao mong mày đến xông nhà muốn đỏ con mắt. Sao đến hôm nay tôm mới quá bộ đến nhà rồng?” thằng Hiệp đùa cợt. “Anh Hiệp thật vô phép, lẽ ra phải gọi anh Ba Hoa bằng ‘sư phụ’ chứ ai lại ví thầy là ‘tôm’ mà mình là ‘rồng’? Anh Ba Hoa ăn gì để Lan làm?” Vân Lan che miệng cười. “Lan miễn cho anh màn ăn uống lỉnh kỉnh. Chúc tết xong anh về trình diện vợ, chứ để vợ la xui xẻo suốt năm.” Vân Lan làm bộ bĩu môi, “Nghe nói tưởng anh sợ chị Châu lắm, sức mấy mà Lan tin. Sao anh không đưa chị sang chơi?” “Châu không đi vì phải ở nhà soạn bài thứ Hai đi dạy. Năm đầu tiên làm phụ khảo ở ban Văn chương Anh Đại học Văn khoa Sài gòn nên cô nàng nghiên cứu giảng khóa và chuẩn bị kỹ lưỡng,” tôi nói dối, Quỳnh Châu không biết tôi đến đây. “Hai anh chị đều là giáo sư đại học, thật giỏi giang và rạng danh gia đình! Bạn bè như Lan và anh Hiệp cũng được thơm lây,” Xuân Lan tấm tắc khen. “Làm giáo sư mà ăn thua gì. Em có biết thằng Ba Hoa hiện nay làm chủ một công ty lớn đáng giá bạc tỉ, đi dạy có sốp-phơ (chauffeur) đưa rước bằng chiếc xe hơi láng nhất Sài gòn?” thằng Hiệp ngắt lời vợ. Tôi giật mình, hôm nay là lần thứ hai tôi nghe thấy điều này, “Thật ra không hẳn vậy. Ai nói với mày như thế?” “Tao thấy ở trường, và thằng Thái lớp tao cũng nói.” “Mày biết gì về thằng đó và thằng Phú?” câu chuyện lái về điều tôi muốn biết. “Thằng Thái là trung úy Truyền tin, cha mẹ làm nghề nông đâu đó ở ngoài miền Trung. Thằng Phú là trung úy Hải quân, cha mẹ là dân Công giáo Bùi Chu-Phát Diệm ở Biên Hòa. Xuất thân từ hai binh chủng khác nhau mà hai thằng lúc nào cũng cặp kè như bóng với hình khiến cả lớp nghi là hai thằng pê-đê. Chúng nó ít khi chuyện trò với ai mà gần đây làm thân với tao để hỏi han cặn kẽ về mày.” “Pê-đê” là nói tắt của chữ Pháp “pédéraste” là người kê gian hay đàn ông đồng tính luyến ái. Tôi gặp lại Thái và Phú sớm hơn tôi nghĩ. Sáng sớm Chủ Nhật, tôi ra quán Cà-phê Nhân trên đường Lý Thái Tổ chờ bạn đến tụ họp uống cà-phê và tán gẫu; hai anh đến sớm ngồi chờ. Thái mời tôi sang ăn sáng ở hàng bánh cuốn đầu đường hẻm bên hông tiệm Phở Tàu Bay cách đó chừng hơn chục căn nhà để “nói chuyện tiện hơn.” Tôi nhíu mày. Tôi không nói anh cũng hiểu, đối với một giảng viên có tiếng mực thước và khó tính như tôi, lời mời ngang xương ấy không thể chấp nhận. Tôi đọc được sự bối rối và e ngại trong mắt anh và nghiêm nghị đáp, “Nếu cần thảo luận vấn đề gì, mai anh vào văn phòng trường lấy hẹn gặp tôi.” Tôi có linh cảm Thái và Phú là người của “phe bên kia,” nhưng tại sao cố tình tiếp xúc với tôi? Sau bữa cơm tối, tôi đi thăm thằng Thắng; bạn tôi là đại úy Nhảy Dù chỉ huy đại đội phòng thủ tư dinh Tướng Văn trên đường Ngô Quyền, ông là một vị tướng cầm đầu Quân lực Việt nam Cộng Hòa (“VNCH”). Khu doanh trại của nó nằm trong dinh ông tướng, và trạm lính gác vòng ngoài phía đại lộ Hồng Bàng đứng nửa khuất nửa lộ sau hàng cây cao và nhìn sang trường Chu văn An ở góc đại lộ Minh Mạng và đường Triệu Đà. Thằng Trang cũng đang ngồi chơi ở đây; nó là y sĩ đại úy phục vụ cho phủ Đặc ủy Trung ương Tình báo. Chuyện tôi bị Thái và Phú “phục kích” bất ngờ khiến thằng Trang và thằng Thắng trầm ngâm khá lâu. Trong khi ba thằng loay hoay với vài giả thuyết khác nhau, anh thiếu úy trẻ Đại đội phó của thằng Thắng bước vào và ghé tai nó nói nhỏ. Trong một tích tắc, mặt thằng Thắng đanh lại, nụ cười dễ dãi thường ngày biến mất, và nó đứng dậy, “Ông tướng vừa ra lệnh cho tụi tao thực tập báo động, giả cách bị địch tấn công. Thằng Trang mày làm ơn cho Ba Hoa quá giang (xe hơi mày) về nhà, cần nhất không để ai thấy nó rời khỏi nơi đây. Xe gắn máy nó tao sẽ cho thằng tà lọt mang trả sau.” “Tà lọt” dùng để chỉ anh lính hầu cận làm việc vặt cho vị sĩ quan chỉ huy. Về nhà tôi thao thức suốt đêm, nằm yên trên giường cố nhắm mắt và giữ hơi thở đều để Quỳnh Châu không biết tôi đang lo lắng. Hôm sau, mồng bảy Tết, tôi đi dạy trở lại ở trường Điện, không thấy Thái và Phú đến lớp học, và mấy ngày kế tiếp không có gì khác lạ. Một tuần sau đêm đưa tôi về, thằng Trang vào Phú Thọ gặp tôi; hai thằng sang cư xá Lữ Gia phía bên kia đường Nguyễn văn Thoại ăn bún bò Huế, và tôi đợi nó ăn xong tô bún bò cay xè chảy nước mắt rồi hỏi, “Đốc-tờ Trang, lần đầu tiên tìm tao ở trường, mày mang tin vui hay tin buồn?” “Cả hai. Mày nhớ ban đầu ba thằng mình thắc mắc không biết tại sao Việt Cộng đã tốn bao nhiêu công sức và thời giờ mới cấy được hai thằng sĩ quan nằm vùng, mà bây giờ lại sai chúng nó móc nối với mày để cho lộ chân tướng ra. Phủ Đặc ủy Trung ương Tình báo phối hợp với nha An ninh Quân đội điều tra ra bọn Cộng nhắm vào một mục tiêu cực kỳ quan trọng, nếu thành công sẽ đáng giá gấp trăm ngàn lần việc cần giữ bí mật cho hai thằng đó.” “Một anh thầy giáo vô dụng như tao dùng được vào cái khỉ khô gì mà móc nối với móc niếc?” tôi càu nhàu. “Tụi nó biết mày hay đến chơi với thằng Thắng, nhẵn mặt với lính gác, và được họ mến vì và tin cậy. Nó tính dọa bắt cóc vợ mày làm con tin để buộc mày phải đưa dăm ba đứa đặc công cảm tử vào tới trạm gác vòng ngoài. Chỉ cần không bị phát giác trong mấy mươi giây đầu tiên là có đủ yếu tố bất ngờ để tấn công dinh Tướng Văn.” Thằng Trang cười đắc ý, “Không dè, hai thằng Cộng con sợ oai ông thầy réc-lô – nhìn bộ mặt hãm tài của bạn giáo gian, học trò nào mà không ngán? Chưa kịp làm áp lực và đưa ra yêu sách thì mưu gian đổ bể vào buổi tối mày gặp tụi tao.” “Réc-lô” tức là “règlo,” nói tắt của “règlementaire” tiếng Pháp là mẫu mực hay giữ đúng nguyên tắc. “Thì ra cuộc thực tập báo động của thằng Thắng là phòng thủ thực sự,” tôi hiểu ra. “Nó cù lần thứ thiệt nhưng bụng chứa một bầu kinh luân. Chung quanh dinh, nó đặt nhiều trạm nghe ngóng – người cho tin là các xe bán hàng trên lề đường và các gánh hàng rong, và phái lính giả dạng thường dân tuần do chặt chẽ. Họ phát giác và tóm cổ ngay thằng Việt Cộng được cắt đặt theo bám đít mày khi nó đứng lẩn quẩn phía bên kia đường Hồng Bàng. Tình báo và Anh ninh bắt tay vào việc truy nã bọn nằm vùng ngay sau khi mình rời khỏi trại thằng Thắng.” “Kế hoạch khủng bố của lũ Cộng không thành hình, vậy tin buồn là gì?” “Hai thằng sĩ quan phản phúc đã cao bay xa chạy. Nghĩa là mày chưa hoàn toàn yên ổn trùm mền ngủ với vợ,” thằng Trang gượng cười. * * * Mười bảy năm sau ngày đổi đời cuối tháng Tư 1975, tôi gặp lại thằng Hiệp và vài người bạn khóa KSĐTQN của nó ở Houston thuộc tiểu bang Texas. Nói về hai tên Việt Cộng nằm vùng, những cựu sĩ quan này cho biết sáng mồng 1 tháng Năm, Thái dẫn một toán võ trang “tiếp quản” Ngành Điện, và Phú xuất đầu lộ diện với danh xưng Bí thư "Đoàn" và “tiếp quản” Đại học Kỹ thuật, trường đại học sau này bị đổi tên thành trường Đại học Bách khoa thành phố. Tôi băn khoăn tại sao Thái và Phú có thể lọt vào lớp KSĐTQN. Do sơ hở ấu trĩ của chính phủ VNCH – lầm tuyển dụng, nuôi dưỡng, và biệt đãi kẻ thù; hay là do sự xảo trá tinh vi của Việt Cộng – khéo dụ hoặc vài kẻ cuồng tín ngu muội, tạo họ thành gián điệp, và gài vào hàng ngũ sĩ quan VNCH? Cả hai đằng, đằng nào mình cũng thua; nói gì được bây giờ. Nguyễn Ngọc Hoa |