Trở về trang Mục Lục

Bản PDF để in

Tập truyện "Bước Đổi Đời"

Lời trần tình của tác giả: Xin lưu ý tập truyện ngắn này không phải là hồi ký, tự truyện, hay tài liệu ghi lại dữ kiện lịch sử. Mọi nhân vật đều được dựng nên, tiểu thuyết hóa cho phù hợp với câu chuyện, và có thể không tương ứng với nhân vật có thực nào. Nhân vật xưng "tôi" không phải chính tác giả mà có thể mang dáng cách, tâm sự, và mơ ước thầm kín của bạn bè cùng thời. Xin đừng liên kết nhân vật trong truyện với bất cứ ai ở ngoài đời.

* * *

5. Tâm Địa Khó Lường

Đầu năm 1975, hai năm sau khi Hiệp định Paris 1973 được ký kết, Cộng sản huy động toàn bộ lực lượng từ miền Bắc đổ vào miền Nam và mở cuộc cuộc tấn công qui mô khắp nơi. Bắt đầu Phước Long thất thủ, rồi áp lực quân sự của phe Cộng trở nên rất nặng nề ở vùng cao nguyên, và dân chúng không mấy ai tin tin tức chiến sự lạc quan đài truyền thanh và truyền hình loan báo hàng đêm. Đường phố Sài gòn vẫn đầy người mua sắm, ăn uống, và vui chơi, nhưng trong các buổi hội họp gia đình hay bạn bè, ai nấy đều âu lo về thời cuộc và tương lai của đất nước.

Câu chuyện của tôi và thằng Thống ở quán Cà-phê Nhân sáng Chủ Nhật cũng trở nên bi quan, không còn những giây phút vui vẻ và thoải mái trước đây. Nó là người bạn dạy học gần gũi nhất của tôi; cả hai thằng đều là giảng viên ở hai trường Đại học Kỹ thuật Thủ Đức (“ĐHKTTĐ”) ở Phú Thọ và Đại học Khoa học Kỹ thuật Minh Đức ở Phú Nhuận. Khi bàn về chiến tranh và chính trị, chúng tôi không còn hy vọng hay ước mơ, nhưng cũng không dám nói thẳng ra sự thật – biến cố đổi đời đó sắp xảy ra. Vì sự thật ấy ngoài tầm tay, không do mình quyết định, và mình không chịu trách nhiệm. Tôi gượng cười đổi đề tài, quen miệng gọi Ngành Hóa bằng tên cũ là trường (Cao đẳng) Hóa học,

“Nửa buổi sáng Chủ Nhật của tụi mình đã tiêu tùng, đừng để nửa còn lại bị hư theo. Kể cho tao nghe, bên trường Hóa học mày buông lời ong bướm ve vãn nàng Diễm Sương tới đâu?”

“Mày lấy tin tức đâu mà nhanh thế? Diễm Sương đậu Master (Cao học) Sinh Hóa bên Mỹ mới về hồi đầu năm học. Tao tình nguyện hướng dẫn và giúp nàng soạn một giảng khóa mới cho niên khóa tới,” nó ngạc nhiên, không biết rằng tôi là Trưởng phòng Giáo sư vụ của Ngành Điện nên được thông báo khi có giáo sư mới bổ nhiệm về dạy ĐHKTTĐ.

“Nghe nói ai cũng tưởng bạn ta ngây thơ . . . vô số tội. Nhưng cái miệng trơn như mỡ của mày, đánh chết tao cũng dám cá mày cua dính cô nàng rồi. Khi nào cho vợ chồng tao ra mắt bà Thống tương lai?”

Đứng bên cạnh nhau, thằng Thống và Diễm Sương trông thật xứng đôi. Nhờ dáng dấp bé nhỏ, mái tóc cắt ngắn, và trang phục khéo chọn, Diễm Sương trông như cùng trang lứa với Quỳnh Châu dù lớn hơn nàng đến chín, mười tuổi. Hôm đó, sau bữa cơm tối, hai cặp chúng tôi dắt nhau ra phố đi xem chợ tết. Quỳnh Châu là người nhỏ tuổi nhất bọn, đi đằng trước với thằng Thống, và nghe nó kể chuyện khôi hài. Bỗng nàng đi chậm lại và ngoảnh cổ hỏi tôi,

“Anh ơi, anh Thống đố em trong tiếng Việt có con gì có hai đầu, bốn mắt, và sáu chân. Làm gì có con vật nào như dzậy, phải không?”

“Em quên đó là câu đố chữ, không phải con vật thực,” tôi nhắc nàng.

“Đó là con . . . đĩ ngựa! Có vậy mà phải nhờ chồng làm quân sư! Này nhé, ‘con đĩ’ có một đầu, hai mắt, và hai chân; ‘con ngựa’ có một đầu, hai mắt, và bốn chân; cộng lại không phải hai đầu, bốn mắt, và sáu chân là gì?” thằng Thống cười ha hả và tiếp tục đố, “Giờ cô nghĩ xem con gì càng lớn càng nhỏ?”

“A ha, đó là con cua – vừa có càng lớn vừa có càng nhỏ, bò ngảng bò ngang bò lăn bò càng! Anh Ba Hoa nói cho em biết rồi,” Quỳnh Châu cười đắc thắng.

Tôi thích nghe Diễm Sương kể về thời gian nàng đi du học; giọng Huế dịu dàng của nàng trở nên nhiệt thành khi nói về trường nàng học,

“Đại học Missouri, nói tắt là Mizzou, ở Columbia thuộc tiểu bang Missouri là trường lâu đời và nổi tiếng nhất trong bốn trường thuộc Hệ thống Đại học Missouri. Ba trường kia ở Kansas City, Rolla, và St. Louis. Khi thành lập năm 1839, Mizzou là viện đại học công lập đầu tiên của Hoa kỳ ở phía tây sông Mississipi chia lãnh thổ Mỹ thành hai phần đông–tây.”

“Sương biết không, trường Đại học Missouri-Rolla ở Rolla kết nghĩa với Đại học Kỹ thuật của mình, giáo sư mình được gửi sang bên đó học thêm lấy bằng Cao học hay Tiến sĩ, và văn phòng giáo sư cố vấn của Rolla đặt bên tòa nhà trường Công chánh.”

“Tôi có nghe Thống và vài người khác nói.”

“Sương có dự định trở lại Mỹ lấy PhD (Tiến sĩ) không?” tôi tiện miệng hỏi.

“Tôi ở Mỹ gần tám năm và đã được cấp thẻ xanh ngoại kiều thường trú, có quyền sinh sống và làm việc bên đó. Nhưng với dự định tương lai với Thống, việc trở lại Mỹ có lẽ còn rất lâu.” Tôi bâng khuâng tự hỏi liệu hai người có kịp làm đám cưới trước ngày đó hay không.

* * *

Phái đoàn Đại học Missouri-Rolla (“ĐHM-R”) gồm Tiến sĩ Dennis Dawson khoảng sáu mươi tuổi và Tiến sĩ Robert Crane – tôi gọi là “Bob” – ba mươi lăm tuổi, trẻ trung và yêu đời, và thích nói đùa. Vì nhiệm vụ “giáo sư vụ,” tôi thường sang văn phòng ĐHM-R tham khảo ý kiến về việc soạn chương trình các môn học theo hệ thống tín chỉ như đại học Hoa kỳ. Từ những cuộc tiếp xúc này, anh Bob gần gũi và có cảm tình với tôi. Chúng tôi cộng tác viết bài khảo cứu khoa học dựa vào một số kết quả tôi đạt được trong khi sửa soạn luận án tiến sĩ kỹ sư. Luận án thiết kế một ăng-ten lớn dựng ở vị trí thích hợp trên núi Đơn Dương phía đông nam Đà Lạt có khả năng nhận sóng ti-vi của đài Truyền hình Việt nam từ Sài gòn và phản chiếu lại (như một tấm gương) xuống thị trấn Đơn Dương dưới thung lũng. Chúng tôi gửi bài khảo cứu tới IEEE (Hội Kỹ sư Điện và Điện tử thế giới) trụ sở chính ở New York. Giống như đối với các bài khảo cứu khác, IEEE cử một nhóm chuyên gia cứu xét và giám định chặt chẽ trước khi quyết định cho ấn hành trong tạp chí kỹ thuật xuất bản định kỳ của hội gọi là “Transactions.” Anh Bob hãnh diện nói,

“Công trình nghiên cứu của em đã được thế giới biết tới. Cám ơn em cho tôi đứng tên chung.”

Trong phần ghi tên và tiểu sử tác giả, tên tôi với chức vụ “Assistant Professor” (Giáo sư Trợ giảng) của ĐHKTTĐ đứng trước tên anh Bob. Đó là bậc thấp nhất trong ba chức vụ quy định cho nhân viên giảng huấn chính thức ở đại học Hoa kỳ: Giáo sư Toàn phần, Giáo sư Diễn giảng, và Giáo sư Trợ giảng. Nhưng theo khuôn mẫu của Pháp, đại học Việt nam chỉ có hai bậc là Giáo sư Thực thụ và Giáo sư Diễn giảng, cả hai đòi hỏi phải có bằng Tiến sĩ, và dưới đó là Giảng nghiệm viên. Trong nhiều trường hợp – như tôi chẳng hạn, Giảng nghiệm viên cũng phụ trách giảng dạy các môn học lý thuyết không khác gì giáo sư bậc cao hơn và do đó xứng đáng xếp ngang hàng với Giáo sư Trợ giảng trong hệ thống Hoa kỳ.

Hai năm trước, ĐHM-R gửi tặng ĐHKTTĐ chiếc máy điện toán Nova 800 do hãng Data General chế tạo, máy được đặt trong phòng Điện toán của Ngành Điện. Khi được tung ra thị trường năm 1969, Nova 800 là loại máy điện toán cỡ nhỏ đầu tiên dùng kỹ thuật diễn tả điện toán “16-bit”; đó là loại máy mới nhất và tân kỳ nhất lúc bấy giờ. Bộ phận chính là ký ức điện toán “core memory” có kích thước và hình dạng bằng hai cuốn tạp chí dày với khả năng chứa 16 KB (kilobyte, tức một ngàn “byte”). Máy điện toán cá nhân ngày nay có ký ức từ 4 đến 16 GB (Gigabyte, tức một tỉ “byte”), nghĩa là có khả năng từ 250,000 đến một triệu lần chiếc “minicomputer” đầu tiên của Việt nam ở ĐHKTTĐ.

Anh Bob thường sang Ngành Điện để tiếp tay anh Tuyên, sếp chi huy trực tiếp của tôi, trong việc chạy thử, sửa chữa, và cải thiện chiếc máy Nova 800. Anh Tuyên là kỹ sư khóa đàn anh của tôi ở trường Điện, ở lại trường dạy, đi Hoa Kỳ lần đầu học Cao học, về trường dạy lại vài năm, đi Hoa kỳ lần thứ hai học Tiến sĩ rồi về trường tiếp tục làm giáo sư và được bổ nhiệm vào chức vụ hiện tại. Trong lần du học Hoa kỳ thứ hai, anh lập gia đình với một chị người Mỹ gốc Đài Loan và đưa chị về Sài gòn sinh sống. Anh có tiếng là người không theo khuôn phép thông thường và thường than phiền về thủ tục giấy tờ rườm rà vô lối của xứ mình – làm gì cũng đòi giấy khai sinh (hình như anh không có) và hình căn cước (anh luôn luôn thủ sẵn vài tấm trong ví).

Đầu tháng Tư, theo lệnh di tản của chính phủ Hoa kỳ, Tiến sĩ Dawson và anh Bob về nước, văn phòng cố vấn ĐHM-R vẫn hoạt động bình thường dưới sự điều hành của chị thư ký Lệ Hương giỏi giang và thân mật. Chị chuyển cho tôi địa chỉ nhiệm sở mới của anh Bob – Đại học Texas Arlington ở Arlington, một trong tám trường đại học trong Hệ thống Đại học Texas. (Ba tháng sau, đầu tháng Bảy, tôi liên lạc với anh ngay sau khi nhập trại Trại Pendleton, một trại tỵ nạn ở California. Anh sẵn lòng bảo trợ gia đình tôi ra định cư ở Texas và giúp tôi trở lại trường viết lại luận án tiến sĩ. Tiếc thay, với tư cách cá nhân, anh chỉ được phép bảo trợ một gia đình bốn người trở xuống; gia đình tôi có tới sáu người.)

Trong mấy tuần lễ kế tiếp, trong khi các cựu sinh viên tốt nghiệp ở Hoa kỳ hàng ngày đội nắng sắp hàng trước tòa Đại sứ Mỹ xin được di tản bằng máy bay trước khi Sài gòn thất thủ, anh Tuyên bận rộn ra ngân hàng lấy tiền bạc ký thác và thu xếp nhà cửa. Một buổi sáng không còn thấy anh đến trường; anh chị đã được chính phủ Mỹ “bốc” đi.

Ngày đó, một ngày cuối tháng Tư, cơn mưa chiều lác đác bầu trời Sài gòn, tôi và thằng Thống hẹn nhau đến một địa điểm để cùng nhau lên tàu Hải quân đi di tản. Do một sự may mắn khó tin, vợ chồng và các em tôi lọt lên tàu Hải quân và thoát khỏi Sài gòn; bạn tôi và vị hôn thê không tới được nơi hẹn và kẹt lại gần năm năm trước khi vượt biên ra khỏi nước. Cuối tháng Năm, tôi rầu rĩ nằm trong lều vải Lục quân trong trại tạm trú Orote Point ở đảo Guam và lo lắng không biết số phận mình sẽ trôi giạt về đâu thì anh Tuyên ở bên ngoài vào thăm. Anh đi cùng với người anh vợ là chủ nông trại cần người giúp việc; anh ngỏ ý muốn tuyển mộ gia đình sáu người của tôi làm việc trong nông trại. Tôi xa quê hương chưa tới một tháng, chưa cảm thấy đời mình mình đến nước đường cùng, và chưa bằng lòng chấp nhận xuống chó làm anh thợ cày tay mơ cho ông chủ nói tiếng Anh bồi trên hòn đảo chưa thành tiểu bang của Hoa kỳ này. Tôi từ chối lời đề nghị, cám ơn anh, và khi bắt tay từ giã mím môi để khỏi bật lên tiếng chửi trổng.

* * *

Mười lăm năm sau, tôi đi thăm vợ chồng thằng Thống ở Florida và tình cờ nói chuyện về anh Tuyên. Thằng Thống đề cập tới một tin đồn đại lâu nay ở hải ngoại, "Hồi 1975, ông Tuyên rút một bộ phận cơ bản gì đó trong hệ thống điện toán của trường Điện mang đi, làm tê liệt hệ thống này." Tôi điệ̣n thoại cho thằng Thành bạn đồng khóa kỹ sư ngày trước làm trong ban Viễn thông Ngành Điện để hỏi; ngoài anh Tuyên, hồi đó nó là người làm việc thường xuyên với chiếc Nova 800 nhất. Nó xác nhận chiếc máy đã bị anh rút ruột lấy đi ký ức “core memory” bên trong.

Một mặt, tôi cho là anh Tuyên chỉ thi hành nhiệm vụ: khi di tản, không để lại dụng cụ hay tài sản của mình cho địch sử dụng; đó là "modus operandi" (phương thức làm việc) của người Mỹ. Mặt khác, năm 1975 Nova 800 là một sản phẩm mới, ít cơ sở nào có. Làm sao biết được mục đích chính của anh là không để Việt Cộng lấy, hay đem ra ngoài bán lấy tiền? Tôi nghĩ tới câu nói của Trang Tử,

Họa hổ họa bì nan họa cốt,
Tri nhân tri diện bất tri tâm.
(Vẽ cọp, vẽ da, xương khó vẽ,
Biết người, biết mặt, khó biết lòng.)

Tâm địa người ta thì khó lường, nhưng không hiểu sao đối với anh Tuyên, lòng tôi lại nghiêng về phía ngờ vực hơn là tin cậy. Nào tôi có bao giờ có ác cảm gì với anh cho cam!

Nguyễn Ngọc Hoa
Ngày 1 tháng Tám, 2018

Trở về đầu trang