Trở về trang Mục Lục

Bản PDF để in

Tập truyện "Bước Đổi Đời"

Lời trần tình của tác giả: Xin lưu ý tập truyện ngắn này không phải là hồi ký, tự truyện, hay tài liệu ghi lại dữ kiện lịch sử. Mọi nhân vật đều được dựng nên, tiểu thuyết hóa cho phù hợp với câu chuyện, và có thể không tương ứng với nhân vật có thực nào. Nhân vật xưng "tôi" không phải chính tác giả mà có thể mang dáng cách, tâm sự, và mơ ước thầm kín của bạn bè cùng thời. Xin đừng liên kết nhân vật trong truyện với bất cứ ai ở ngoài đời.

* * *

6. Lỡ Duyên

Gần ba năm nay, mỗi tuần ít nhất một lần tôi đến thăm người bạn thương phế binh thân thiết là thằng Tú. Nó người Bắc, học trung học ở Pleiku, mồ côi cha mẹ trước khi gặp tôi lần đầu ở Sài gòn, và chơi thân với bạn thân nhất của tôi ở trường kỹ sư là thằng Song. Hồi đó, chúng tôi kết giao dễ dàng như trong truyện kiếm hiệp, bạn của bạn mình đương nhiên là bạn mình, và vậy là tôi và thằng Tú thân nhau.

Học Luật năm thứ nhất cuối năm thi không đậu, thằng Tú hết tiền ra Nha Trang làm sở Mỹ để sinh sống. Mùa hè 1968, nó trở lại Sài gòn trình diện nhập ngũ, thụ huấn quân sự ở Trường Bộ binh ở Thủ Đức, và giới thiệu tôi với ý trung nhân của nó là Thanh Phú, một thiếu nữ mảnh mai dịu dàng và thanh khiết. Gia đình nàng ở Đà lạt, cha là mục sư Tin Lành đứng đầu giáo phận Đà Lạt bao gồm Cao nguyên Trung phần. Nàng học Văn khoa ban Việt Hán và ở trong cư xá nữ sinh viên trên đường Trần Quý Cáp, thường gọi là Đại học xá Trần Quý Cáp.

Ra trường, thằng Tú đổi về trung đoàn XX thuộc Sư đoàn Y Bộ Binh bộ chỉ huy đặt tại Vĩnh Bình tỉnh An Giang. Nó cầm đại đội, quanh năm suốt tháng lội sình đi hành quân, và giẵm hết ruộng đồng sông lạch Vùng IV Chiến thuật. Ngoài nhiệm vụ đánh giặc, nó không có thú vui nào khác, không liên lạc thư từ với bạn bè, và chỉ thỉnh thoảng lấy đôi ba ngày phép vù về Sài gòn chơi. Trong mấy ngày ngắn ngủi đó, thằng Tú và Thanh Phú không rời nhau một bước. Nhà tôi rộng có dư phòng cho đôi bạn ở bên nhau, và tôi có dư chiếc xe Honda cho họ chở nhau đi lang thang. Ban đêm hai đứa ngủ chung giường, nhưng tình yêu của họ trong sạch và thanh cao; họ giữ gìn cho nhau và tránh không tiến tới liên hệ xác thịt thường tình. Ai cũng biết rõ.

Mùa hè 1972, thằng Tú đụng trận lớn, trúng đạn ở chân, thản nhiên chỉ huy “mấy thằng em” đẩy lui địch và thu dọn chiến trường, và chờ nửa ngày mới được trực thăng tản thương về Quân y viện Cần Thơ. Nó mất nhiều máu, và vết thương làm độc khiến bác sĩ phải cưa chân phải lên quá đầu gối. Được tin dữ, Thanh Phú tức tốc xuống Cần Thơ nuôi bệnh. Trong ba tháng trời, nàng ăn ngủ trong nhà thương, túc trực săn sóc người yêu, và ban đêm ép mình ngủ bên cạnh giường. Tôi xuống thăm thằng Tú, hình dáng tang thương của người chiến binh thất thế khiến tôi rưng rưng nước mắt; nó cười ngạo nghễ,

“Mày dẹp bỏ cái bộ mặt đưa ma đi giùm; ‘ông’ đã chết đâu. Kể ra tao còn may mắn, so với thằng thiếu tá nằm đây,” nó chỉ sang chiếc giường trống kế bên, “Nó cụt cả hai tay lẫn hai chân. Con vợ nó mang bốn đứa con vào thăm, đứa lớn nhất chín tuổi, than khóc kêu trời một buổi rồi bỏ trốn – để lại bốn đứa con. Tao còn có Thanh Phú và thằng bạn khéo dư nước mắt là mày.”

Thằng Tú thuật lại hôm trước cha mẹ Thanh Phú từ Đà Lạt xuống thăm nó. Ông mục sư nhấn mạnh việc nàng tận tâm chăm nom nó là hoàn toàn “theo ý Chúa” và đó là bổn phận nhân đạo của “con Đức Chúa Trời.” Trước khi ra về, ông bảo mọi người nối tay nhau và nhắm mắt cầu nguyện,

“Chúng con xin cám ơn Chúa đã ban ân cứu sống Tú, con rể tương lai của gia đình. Xin Chúa ban cho Thanh Phú thêm can đảm, kiên nhẫn, và sức mạnh để sau này đủ năng lực cáng đáng gia đình và nuôi nấng người chồng tàn phế. Amen.”

Tôi định chúc mừng thằng Tú, nhưng kịp dừng lại khi thấy đôi mắt buồn rười rượi sau cặp kính cận thị của nó. Ra khỏi bệnh viện và giải ngũ, nó về Sài gòn chống đôi nạng gỗ khập khiễng đi ghi danh học ở Đại học Văn khoa Sài gòn trước khi được ráp chiếc chân nhân tạo và tập đi đứng bình thường. Bạn tôi kiên trì vượt qua mọi khó khăn – thể chất cũng như tài chánh. Không bao giờ mở miệng than van và nhất quyết từ chối sự giúp đỡ vật chất của bạn bè. Cái khó bó cái khôn, nó khám phá ra mình là một kẻ đa tài và khéo tay. Để phụ thêm số tiền trợ cấp hàng tháng của chính phủ, nó nhận may áo dài phụ nữ, may đẹp và tính rẻ, và trở thành nhà may ưa chuộng của các cô sinh viên Văn khoa. Mọi thứ trong nhà ngoài ngõ, nó sửa được hết. Bà con lối xóm ai có đồ vật hư hỏng mang tới cho nó sửa, tiền công trả bao nhiêu cũng được hay không có cũng không sao. Xóm lao động thương yêu “ông thương phế binh” và Thanh Phú qua hình ảnh,

Ngày trở về, có anh thương binh lấy vợ hiền lành,
Người đẹp bên anh, ta cùng học hành.
(Phạm Duy – “Ngày Trở Về”)

Thằng Tú miệt mài đèn sách và mùa thu 1974 chỉ còn một “chứng chỉ” cuối của chương trình Cử nhân Giáo khoa Văn chương Anh, khi hoàn tất có thể xin dạy trung học đệ nhị cấp trường công lập mà không cần tốt nghiệp đại học sư phạm. Thanh Phú đậu Cử nhân Giáo khoa Việt Hán, được bổ làm giáo sư trung học ở Bình Dương, đi đi về về, và ghé thăm thằng Tú hàng tuần. Nó dọn về ở trọ nhà ông Tám Viễn, một nghệ sĩ cải lương người Nam nổi tiếng thời trước, trong ngõ hẻm đường Trần Quý Khoách bên Tân Định và dạy kèm cho cô con gái thứ hai của ông là Hồng Phụng; cô học trò duyên dáng xinh xắn và tính tình cởi mở đang học lớp 12 trường nữ trung học Lê văn Duyệt.

Một hôm tôi đến chơi với thằng Tú nhằm lúc nhà Hồng Phụng có giỗ, được mời ở lại ăn cơm, và gặp bà chị lớn là Hồng Tiến về nhà làm giỗ. Hồng Tiến trên ba mươi tuổi, dung nhan sắc sảo, ly dị chồng, và có nhà ở riêng với cô con gái lên năm là Bảo Yên; bé đẹp và dễ thương như con búp bê. Từ đó, Hồng Tiến thường “tình cờ” dắt con về nhà thăm cha mẹ vào những lúc tôi thường đến. Tôi mến Bảo Yên và đôi khi mua quà tặng bé; thằng Tú trêu tôi,

“Này này tao nói cho mà nghe; mày nựng bé Yên mà tao thấy dường như mày muốn nựng yêu mẹ nó. Coi chừng đó, thằng chồng cũ của chị Hai là trung tá Không quân, nó vác súng tới bắn tao không can nổi đâu.”

“Chồng cũ thì ăn nhậu gì tới Hồng Tiến? Tình yêu không phân biệt gia đình hay tuổi tác; mày không biết sao?” tôi được thể đùa lại.

“Liệu ông bà già mày có chấp nhận một chị đàn bà ly dị chồng đã có con và lớn hơn mày sáu bảy tuổi làm con dâu hay không?” nét mặt nó lo lắng đến tức cười.

“Mày lo xa quá đáng! Tao không thèm làm anh cột chèo của mày đâu.”

Tôi mỉm cười trấn an bạn và đồng thời tung quả banh thăm dò mối liên hệ giữa nó và Hồng Phụng. Thằng Tú bối rối một giây rồi im lặng, ngầm thừa nhận hai đứa đã “có gì” với nhau.

Cuối tháng Hai 1975, khi tình hình chính trị trở nên vô cùng bi quan, thằng Tú kéo tôi ra một góc nhà và hạ thấp giọng,

“Này này mày đã tính gì chưa?”

“Con vợ tao còn mới toanh; mày biểu tao tính chuyện phòng nhì, phòng ba nỗi gì?” tôi nói giỡn như mọi khi.

“Mẹ kiếp, đất nước sắp mất đến nơi rồi. Ông Thiện tứ bề thọ địch, chịu đòn từ bốn phương tám hướng. Ngoài mặt trận thằng Việt Cộng đánh quân mình ná thở; trên bàn cờ chính trị thì thằng Mỹ yêu sách đủ thứ để kiếm cớ cúp quân viện và báo chí Mỹ và các chính phủ trên thế giới theo đuôi về phe Cộng đòi ông phải từ chức. Tao sợ ông không thọ lâu, và lúc đó chúng nó sẽ vào tới đây. Tao với gia đình mày là dân di cư năm 1954, lại không đội trời chung với chúng nó, tìm đường mà đi chứ ngồi ngửa cổ chịu chết à?”

“Trời cao đất rộng mà không có chỗ yên ổn cho mình dung thân. Mày tính đi đâu?”

Trong tuần lễ kế tiếp, hai thằng gặp nhau hàng đêm để bàn “kế hoạch di tản”; tôi đưa ý kiến,

“Muốn ra khỏi nước, chỉ có cách đi bằng tàu. Tụi mình có thể cướp một chiếc tàu Hải quân cỡ nhỏ,” tôi nghĩ tới thằng Thắng đại úy Nhảy Dù bạn tôi, “Tao sẽ tổ chức một đội võ trang vừa cướp tàu vừa bảo vệ gia đình chống lại hải tặc trong lúc vượt biển.”

“Nếu cần ‘ông’ cũng có thể cầm súng,” thằng Tú hăng hái.

“Phải dự trữ nước uống và lương thực để chuẩn bị cho cuộc hành trình dài lâu. Trong cuộc phiêu du này, có lẽ không có bao nhiêu nước trên thế giới chịu nhận những kẻ lưu vong chống Cộng như mình đâu. Việc này phải thực hiện trong vòng bí mật; cảnh sát hay an ninh quân đội mà biết được, tụi mình bị ra tòa về tội phản quốc là cái chắc.”

“Mày dự định tới đâu trước tiên?”

“Tân Ghi-nê (New Guinea, tiếng Pháp La Nouvelle-Guinée). Đó là hòn đảo nằm giữa Thái bình dương và ngoài khơi châu Đại dương; nếu không kể Úc là một lục địa, nó là hòn đảo lớn thứ nhì trên quả đất, chỉ sau Greenland. Hiện nay đảo được chia thành hai vùng: Vùng phía tây trước là thuộc địa Hòa Lan, nay dưới quyền cai trị của Nam Dương. Vùng phía đông trước là hai khu thuộc địa của Đức và Anh, nay gộp lại thành Papua Tân Ghi-nê dưới quyền cai trị của Úc; đó là đích tao nhắm đi tới. Biết đâu mình có cơ hội góp phần xây dựng một nước từ trong trứng nước: trong tương lai gần đây, Úc sẽ cho Papua Tân Ghi-nê độc lập thành một quốc gia mới.”

Tôi và Quỳnh Châu sửa soạn cho chúng tôi và các em mỗi đứa một chiếc xắc tay trong đựng một món tiền nhỏ, một bộ áo quần, giấy tờ tùy thân, giấy tờ học hành và nghề nghiệp, và một bản địa chỉ của bạn bè và thân nhân ở ngoại quốc. Đem bọc nhựa giấy tờ để khỏi bị ướt khi gặp nước, đề tên từng xắc tay, và để sẵn trong nhà. Ngoài ra, không làm gì khác hơn. Có một điều tôi không hề hay biết: nguyên cả binh chủng Hải quân và hầu hết các phi công trong binh chủng Không quân cũng đang lo toan kế hoạch di tản gia đình họ.

Trong những ngày hỗn loạn cuối tháng Tư, tôi lọt lên tàu Hải quân trôi giạt đến đảo Guam rồi được đưa sang Trại Pendleton, một trại tỵ nạn ở nam California. Tại đây, tôi ngạc nhiên và sung sướng rơi nước mắt khi gặp thằng Tú cùng với Hồng Phụng; nó kể,

“Sáng sớm ngày ba mươi, tao lo quá bèn chạy xe đến nhà tìm mày; ông bà già nói mày đi rồi. Tao về nhà quơ vội chiếc xắc tay chở con Phụng ra bến tàu bỏ xe trên bờ rồi nhảy lên chiếc xà-lan sắp chạy ra tàu lớn giữa sông. Tàu Hải quân cao thả lưới cho leo lên; con Phụng là con gái còn ‘ông’ què chân mà cũng phải liều mạng bám vào lưới và bò lên, đánh rơi cha nó cái xắc xuống sông. Lúc làm thủ tục giấy tờ – bọn Mỹ gọi là ‘processing’ – ở trại tạm trú trên đảo Wake chúng ‘ông’ khai là vợ chồng cho tiện việc sổ sách.” Wake là hòn đảo san hô nhỏ ở phía tây Thái Bình Dương và cách đảo Guam khoảng 2,400 cây số về phía đông.

“Tao biết Mỹ có căn cứ Không quân trên đảo đó.”

“Trại Wake chứa chừng năm, sáu ngàn dân tỵ nạn, không như Guam của mày nhận cả trăm ngàn. Biển Wake trong xanh đẹp tuyệt, cá lớn bơi từng đàn dày đặc, đủ màu xanh đỏ tím vàng trông rất đẹp nhưng không ai dám bắt ăn.”

Vợ chồng thằng Tú định cư ở tiểu bang Illinois, gia đình tôi tấp về North Dakota, và hai thằng gặp lại nhau hầu như hàng năm. Khoảng mười năm sau ngày đổi đời, tôi nhận được thư Thanh Phú cho biết,

Sáng ngày 30 tháng Tư, tôi đến tìm Tú, và chị Tiến cho biết Tú vừa ra đi trước đó chừng mười phút đồng hồ . . .

Theo lời khuyên của cha, Thanh Phú kết hôn với anh Hồng trước học trên lớp ở trường Văn khoa và say mê nàng như điếu đổ, và hai người có bốn cậu con trai. Nàng không thể ngờ chính cha nàng là người đã chia lìa nàng và thằng Tú. Bạn tôi là một chiến binh giàu tự ái và trọng danh tiết, không đời nào nó chịu ngửa tay xin hay nhận lòng thương hại của kẻ khác. Phương chi ông mục sư còn bồi thêm rằng kẻ tàn phế như nó sẽ ăn bám vào Thanh Phú mà sống suốt đời.

Tôi không tin một bậc lãnh đạo tôn giáo như ông đã vô tình ăn nói hớ hênh. Nên tôi chẳng phục ông tí nào.

Nguyễn Ngọc Hoa
Ngày 15 tháng Tám, 2018

Trở về đầu trang