Trở về trang Mục Lục

Bản PDF để in

Tập truyện "Bước Đổi Đời"

Lời trần tình của tác giả: Xin lưu ý tập truyện ngắn này không phải là hồi ký, tự truyện, hay tài liệu ghi lại dữ kiện lịch sử. Mọi nhân vật đều được dựng nên, tiểu thuyết hóa cho phù hợp với câu chuyện, và có thể không tương ứng với nhân vật có thực nào. Nhân vật xưng "tôi" không phải chính tác giả mà có thể mang dáng cách, tâm sự, và mơ ước thầm kín của bạn bè cùng thời. Xin đừng liên kết nhân vật trong truyện với bất cứ ai ở ngoài đời.

* * *

7. Cô Dâu Bé Con

Giữa tháng Hai 1975, nhân đám bạn làm việc ở các tỉnh về Sài gòn công tác, chúng tôi gồm mười mấy thằng đồng môn tụ họp ăn nhậu ở quán Nam Giang trên đường Bùi Viện. Có cảm tưởng đêm nay là lần cuối cùng được gặp nhau, mọi người rán vui đùa và đào cốc như ngày còn mài đũng quần dưới mái trường Cao đẳng Điện học thân yêu. Lấy từ tích “Đào cốc lục tiên” trong Tiếu Ngạo Giang Hồ, một truyện kiếm hiệp nổi tiếng của Kim Dung chúng tôi từng mê đọc đến quên ăn bỏ ngủ, “đào cốc” có nghĩa là cãi vã bài bác nhau theo lối kẻ tung người hứng. Trong truyện, Đào cốc lục tiên là sáu anh em ruột họ Đào võ công cao cường, tính tình chất phác nhưng thích tranh cãi hơn thua. Họ dùng lý luận cù nhầy, có khi ngô nghê tức cười, nhưng làm đối phương cứng họng vì không biết trả lời sao cho hợp lý.

Chầu bia “33” vừa đưa ra, màn đào cốc bắt đầu, và như thường lệ tôi là nạn nhân đầu tiên. Hai đứa bạn thân nhất – thằng Song từ Pleiku xuống và thằng Lộc từ Đà Lạt về – khai hỏa không thương tiếc; thằng Song chỉ mặt tôi,

“Thằng giáo gian bên ngoài đạo mạo khó đăm đăm khiến cho học trò sợ chết khiếp, vậy mà về nhà vợ gọi thì dạ, bẩm bà tôi đây.

“Phải thông cảm cho thằng Chích Chòe. Nó vốn cù lần, từ nhỏ đến lớn chẳng có ghế nào thèm đoái hoài đoái quở tới và chó ngáp phải ruồi gặp con Châu nhìn lầm người chịu lấy. Mày tha cho nó làm phước,” thằng Lộc vờ bênh tôi.

“Hai thằng Mán trên rừng xuống nên không biết ga-lăng là gì. Vợ tụi bây miệng hô mắt lé gầy guộc tong teo bụng ỏng ngực lép thì cứ xem thường hay xài xể. Vợ tao xinh đẹp và thông minh, tao có quyền . . . nể chớ!” tôi cười khẩy phản pháo; “ga-lăng” (“galant” tiếng Pháp) là lịch sự với đàn bà con gái.

Các món nhậu bưng ra đầy đủ, cuộc tố khổ đi giáp vòng, và đến phiên tôi bị làm bia xỉ vả trở lại; thằng Song lớn tiếng,

“Hồi chiều tao với thằng Lộc đến rủ thằng Ba Hoa đi chơi; tao bảo vợ nó, ‘Tối nay anh em đi nhậu rồi sang nhà thằng Diễn bên cư xá Thanh Đa binh xập xám, có thể không về.’ Nó làm ra vẻ biết điều, ‘Dạ, các anh cứ đưa ảnh đi chơi cho khuây khỏa. Mấy tháng nay ảnh buồn bực hoài làm em rầu lây.’ Đóng kịch giỏi thật!”

“Tao nghe nó khều chồng, ‘Anh lên lầu cho em nhờ tí việc.’ Hai đứa lục đục với nhau khá lâu rồi thằng Ba Hoa đi xuống cười ngỏn ngoẻn, ‘Mình đi được rồi.’ Tao nghi con vợ kéo thằng chồng lên lột sạch ví tiền, để không còn tiền đánh bạc – mà thằng quái này có bao giờ rớ tới bài bạc đâu. Và hút sạch xí quách, nghĩa là bắt trả bài trả vở cẩn thận trước khi cho sổng chuồng để không còn sức mà léng phéng với đứa khác,” thằng Lộc thêm mắm thêm muối.

Tụi bây lấy dạ tiểu nhân mà đo lòng quân tử. Vợ tao kêu lên lầu để, ‘Chẳng mấy khi các anh ấy về Sài gòn, anh lấy hết tiền trong bóp em để đãi bạn một bữa cho đàng hoàng.’ Vậy mà cũng tìm cách xuyên tạc, gian xảo như Việt Cộng!”

Tiệc nhậu tàn vào khoảng tám giờ tối, một số bạn từ giã ra về, và bảy thằng còn lại kéo nhau tới quán bia không tên gần góc đường Trần Quốc Toản và Sư Vạn Hạnh. Mấy năm gần đây, dân các tỉnh đổ xô nhau về Sài gòn sinh sống, ban ngày những gánh hàng ăn bày bán khắp các lề đường, và ban đêm một số quán bia hoạt động, dùng nữ chiêu đãi viên đẹp đẽ và hoạt bát, và bán bia và đôi ba món nhắm đơn giản để đáp ứng nhu cầu uống rượu giải sầu của đàn ông thời tao loạn.

Tôi bỗng khựng lại khi thấy một thiếu nữ chừng hăm mốt, hăm hai tuổi, tóc xõa ngang vai, dáng điệu nhanh nhẩu, nét mặt xinh xắn, và đôi mắt to tròn đứng chào khách. Nàng là Tú Anh, con một của hai bác Tòng hàng xóm của gia đình tôi dạo ở Ban Mê Thuột. Bác trai là sĩ quan phục vụ trong bộ Tư lệnh Sư đoàn XX, và bác gái hoạt động sát cánh mẹ trong các công tác như cứu trợ gia đình binh sĩ, viếng thăm thương bệnh binh, và ủy lạo gia đình tử sĩ nên hai bà rất thân nhau. Bác gái thường lái chiếc xe Citroën 2 CV (tức là hai mã lực hay "deux chevaux,” đọc theo tiếng Pháp là “đơ sơ-vô”) đưa mẹ đi khắp nơi. Tú Anh học lớp nhất (lớp 5) trường nữ tiểu học Nguyễn Công Trứ và năm sau lên đệ thất (lớp 6) trường trung học Ban Mê Thuột với thằng Triết em tôi. Cô bé hay sang nhà tôi chơi và quấn quýt bên tôi như bóng với hình.

Tú Anh ngỡ ngàng chớp mắt nhìn tôi, hơi cúi đầu, và lí nhí trong miệng, “Anh!” Nàng luống cuống tiếp khách, phục dịch bàn chúng tôi, ra sau nói chuyện với bà chủ rồi mới trở lại kéo ghế ngồi cạnh tôi; giọng nàng rụt rè,

“Mười năm rồi mà trông anh không khác gì mấy, có già hơn một chút.”

“Tú Anh, nay em là cô thiếu nữ xinh đẹp,” tôi khen thật tình.

“Này cô em gái, đừng ngồi với thằng đó. Nó dạy học nghèo rớt mồng tơi, túi khi nào cũng rỗng; sang ngồi với ông chủ chi tiền là anh đây,” biết nàng quen với tôi, thằng Song chọc ghẹo.

, ai thèm anh? Tui quen ảnh năm tui học lớp nhứt, thương ảnh dàng trời luôn. Mười hai tuổi tui đã về nhà ảnh làm dâu,” Tú Anh ngây thơ kể.

Thằng Song bắt gặp một đề tài ngon lành để đào cốc; nó cười ha hả,

“Thằng Ba Hoa rim rím mà vịm troi, trổ nghề dụ dỗ gái vị thành niên mà không thèm đợi nữ thập tam, nam thập lục theo tập tục của người xưa.”

“Đừng nói ẩu nghen. Mẹ ảnh qua chơi với má tui, bả hỏi, ‘Mi muốn làm dâu nhà bác không?’ Tui dạ và hôm sau đem va-li dọn qua nhà ảnh ở tỉnh queo. Hai tuần sau ông già dọa đánh tui mới chịu về,” Tú Anh cãi.

“Vậy là tảo hôn tức là lấy vợ lấy chồng trước hạn tuổi luật định đó em. Tuổi thành hôn giá thú bây giờ là trai 18, gái 15; thằng khỉ gió này chưa bị ủ tờ (ở tù) là may phước lắm,” thằng Lộc khoái chí bồi thêm.

Tôi nhớ như in thời gian Tú Anh sang ở nhà tôi. Nhưng bây giờ tôi mới hiểu tại sao mỗi bữa cơm em giành ngồi bên cạnh để bới cơm và gắp thức ăn bỏ vào chén cho tôi và buổi tối trước khi đi ngủ khuấy một ly sữa nóng để trên bàn học cho tôi. Màn đào cốc của bọn tôi tiếp tục nổ ran, nhưng cuối cùng cuộc vui cũng chấm dứt. Trước khi chúng tôi ra về, Tú Anh bước lại kéo tay tôi,

“Đi anh.”

“Đi đâu?” tôi ngẩn người.

“Về nhà em chứ đi đâu, gần đây thôi,” nàng nói tự nhiên.

“Có mấy thuở mày được ‘em bé’ chiếu cố tới; đừng làm bộ làm tịch nữa,” thằng Lộc nháy mắt xúi giục.

“Đừng lo, tụi tao bao che cho. Nhưng mày mắc nợ ‘các anh’ đấy nhé,” thằng Song đẩy tôi sang phía nàng.

Nhà Tú Anh là một căn gác trong ngõ hẻm đường Phan Thanh Giản gần Ngã Bảy Sài gòn. Nàng vào nhà mở cửa sổ cho không khí mát bên ngoài tràn vào, mặt trăng lưỡi liềm nằm chênh chếch trên bầu trời khuya. Nàng pha cho tôi ly cà-phê nóng và để nguyên áo quần nằm dài trên giường,

“Bao nhiêu năm nay em ước mơ được ôm anh nằm ngủ, nhưng giờ gặp anh thì không dám.”

“Hai bác bây giờ ở đâu, và tại sao ra nông nỗi này?”

“Sau ngày anh rời Ban Mê Thuột và gia đình anh dọn đi Tuy Hòa, ba em đổi sang đơn vị tác chiến là Trung đoàn XX và gia đình em theo ba dọn về Qui Nhơn. Cuối năm em học lớp 11, ba đụng trận bị thương rất nặng và được tản thương về Quân y viện Qui Nhơn. Má thất thần hốt hoảng lái xe vào bệnh viện và giữa đường bị xe giê-em-xê tông khiến chiếc đơ sơ-vô bẹp dúm. Tối hôm đó ba cũng ra đi theo má,” nàng khóc thút thít; “giê-em-xê” (GMC) chỉ loại xe vận tải nhà binh lớn.

Tú Anh nhắm mắt, nước mắt đọng trên mi; giọng nàng đều đều,

“Vợ chồng ông bác họ xa không có con đưa em về nuôi, cai quản tài sản của ba má để lại, và cho em tiếp tục học trường nữ trung học Qui Nhơn. Mỗi lần bác gái vắng nhà, bác trai lân la gạ gẫm dụ dỗ em làm trò tồi bại. Em không chịu; dần dần bác đe dọa, uy hiếp, và cuối cùng dùng sức mạnh. Em ra sức chống lại thì bất thần bác gái về nhà bắt gặp, kêu tên ba má ra chưởi, và đánh em một trận rồi đuổi ra khỏi nhà.”

“Chao ôi, tội nghiệp Tú Anh!”

“Em lưu lạc vào Cam Ranh bán ba (bar) khách là lính Mỹ. Nhờ giỏi tiếng Anh và có học hơn hầu hết các cô khác, em được chủ ba và khách kính trọng và kiếm khá bộn tiền mà không bị sa ngã. Trong số khách thường trực có anh Hạ sĩ trẻ tên là Russell, gọi tắt là Russ, chết mê chết mệt đeo theo em – tội thì thôi! Russ là con đầu lòng của một gia đình nông dân đông con ở một tiểu bang miền bắc nước Mỹ, sang Việt nam phục vụ mới hơn một năm, và vì thương em chịu khó học tiếng Việt và nói khá trôi chảy. Russ nằng nằng xin cưới em đưa về Mỹ sinh sống, khi em xiêu lòng Russ mừng quýnh đưa em vào tòa Đại sứ Mỹ trong Sài gòn để làm giấy giá thú.”

Tôi không khỏi thắc mắc,

“Rồi cuộc nhân duyên của em và Russ ra sao?”

“Vừa đi làm giấy tờ về, Russ đi hành quân trên vùng đèo Cả và bị bắt đi mất tích. Em nản chí về Sài gòn bán Saigon tea tức là ngồi uống nước ngọt hay nước trà mà tính tiền với khách là lính Mỹ trong ba trên đường Tự Do. Mỹ về nước thì quay sang bán bia quán Việt nam,” giọng nói Tú Anh xen lẫn một thoáng giễu cợt; đèo Cả nằm ở biên giới hai tỉnh Khánh Hòa và Phú Yên.

“Đời em thực là ba chìm bảy nổi, chín lênh đênh,” tôi thở dài.

“Chưa hết đâu anh. Anh nhớ anh Hồng dân Ban Mê Thuột học y khoa không? Ảnh nói thương em từ xửa từ xưa và hứa chuyện trăm năm. Ảnh đi học xa nhà nghèo xác xơ mà tháng nào em cũng phải năn nỉ ỉ ôi mới chịu cầm món tiền em giúp ảnh. Cuối năm rồi, ảnh thi ra trường rồi bị gia đình ép cưới con gái một gia đình danh giá và giàu có.”

Lời Tú Anh nhỏ dần, và nàng từ từ đi vào giấc ngủ. Đã hết giờ giới nghiêm, xe cộ chạy ồn ào ngoài đường. Tôi kéo tấm chăn nhẹ đắp lên ngực nàng, để trên bàn xấp tiền Quỳnh Châu đưa cho hồi chiều, và rón rén mở cửa bước xuống cầu thang.

* * *

Không ngờ tôi gặp lại Tú Anh vào cuối tháng Mười Một năm ấy tại North Dakota, nơi gia đình tôi định cư sau biến cố đổi đời 30 tháng Tư. Nhân ngày lễ Tạ Ơn, các gia đình tỵ nạn Việt nam trong thành phố tổ chức một bữa tiệc long trọng để cám ơn ân nhân bảo trợ và những người bạn mới hào hiệp. Tôi đứng trên sân khấu giới thiệu quan khách và điều khiển chương trình khi Tú Anh và một thanh niên Mỹ tay trong tay xuất hiện phía cuối phòng hội. Cuối bữa tiệc, tôi xuống bàn gặp Tú Anh và Russ; anh trạc tuổi tôi, thân hình cao và ốm, và nụ cười hiền lành chất phác. Tú Anh ôm chặt tôi,

“Anh . . .”

“Làm sao em sang đây?” tôi không thể tưởng tượng ra.

“Sau khi em gặp anh khoảng mười ngày, Russ đột nhiên đến quán bia tìm em và đưa em vào tòa Đại sứ di tản cùng với gia đình các viên chức của chính phủ Hoa kỳ. Ông Trời có mắt cho em gặp lại anh,” nàng lấy khăn lau nước mắt.

Russ làm ruộng và nuôi bò, từ nông trại gia đình anh đến nơi tôi ở lái xe mất khoảng một tiếng đồng hồ. Russ từ tốn kể,

“Trong chuyến hành quân cuối cùng trước khi mãn hạn về Mỹ, tôi bị Việt Cộng phục kích và bắt đưa sang Cam-Bốt giam giữ cho đến cuối tháng Năm 1973 thì được trao trả theo quy chế tù binh của Hiệp định Paris. Về Mỹ, tôi cố sức liên lạc với bên Việt nam để tìm kiếm Anh nhưng vô hiệu. Đầu năm nay, tình hình quá nghiêm trọng, tôi không còn cách nào khác hơn là liều mình trở lại tìm vợ. May quá, tôi tìm thấy nàng – thank God and Buddha!”

Có một điều Tú Anh không biết: ngày trước lúc nói đùa kêu nàng “về làm dâu,” mẹ không có ý cặp đôi nàng với tôi mà gán ghép với thằng Sang em kế tôi, nó lớn hơn nàng hai tuổi. Hơn nửa thế kỷ sau, nó vẫn khoe khoang trong đời có một cô gái yêu nó tha thiết và dám vác va-li về nhà nó làm dâu vô điều kiện. Tôi giữ kín chuyện bé cái lầm này, có mất mát gì đâu.

Nguyễn Ngọc Hoa
Ngày 29 tháng Tám, 2018

Trở về đầu trang