![]() |
Tập truyện "Bước Đổi Đời" Lời trần tình của tác giả: Xin lưu ý tập truyện ngắn này không phải là hồi ký, tự truyện, hay tài liệu ghi lại dữ kiện lịch sử. Mọi nhân vật đều được dựng nên, tiểu thuyết hóa cho phù hợp với câu chuyện, và có thể không tương ứng với nhân vật có thực nào. Nhân vật xưng "tôi" không phải chính tác giả mà có thể mang dáng cách, tâm sự, và mơ ước thầm kín của bạn bè cùng thời. Xin đừng liên kết nhân vật trong truyện với bất cứ ai ở ngoài đời. * * * 8. Người Yêu Hoa Ly Sáng Chủ Nhật đầu tiên của tháng Ba 1975 đánh dấu một bước tiến đáng kể trong cuộc tình của thằng Thống bạn tôi: cô bạn đồng sự và ý trung nhân Diễm Sương nhận lời đi lễ với nó ở nhà thờ Bắc Hà trên đường Lý Thái Tổ. Gia đình thằng Thống người Bắc theo đạo dòng, gia đình Diễm Sương người Huế là Phật tử thuần thành, và gia đình nàng đã chấp nhận không ngăn cản nàng cải đạo theo chồng tương lai. Để nàng bớt ngại ngùng trong lần đi lễ đầu tiên, thằng Thống rủ tôi – một tín đồ đạo Phật – đi cùng cho có bạn. Tôi đã đi lễ nhà thờ nhiều lần và tin rằng triết lý Phật giáo không cho đó là điều đáng trách. Từ nhà thờ ra, chúng tôi ăn sáng ở tiệm Phở Tàu Bay rồi qua quán Cà-phê Nhân uống cà-phê, như mỗi sáng Chủ Nhật tôi và thằng Thống vẫn thường làm. Phở Tàu Bay cách xa nhà thờ bốn căn nhà mặt tiền về hướng đường Trần Quốc Toản, và đi thêm năm, sáu căn nữa là tới Cà-phê Nhân. Phở Tàu Bay có hai cỡ: “tô thường” nhưng khá lớn một mình tôi ăn không xuể và “tô xe lửa” trông như cái thau cỡ vừa cho khách mạnh ăn hơn; khách sành điệu thường gọi thêm “hành trần nước béo” hay “tô ít bánh ăn thêm.” Diễm Sương không muốn ăn phở, thằng Thống sang hàng bánh cuốn ở đầu hẻm bên hông tiệm phở gọi đĩa bánh cuốn vừa tráng xong còn nóng hổi. Diễm Sương nói về ngày nàng du học ở Hoa kỳ, “Thấy tô xe lửa, tôi nhớ tới nhà hàng Burger King bán thức ăn nhanh nổi tiếng bên Mỹ. Đó là công ty lớn có chi nhánh khắp cả nước, chỉ đứng sau McDonald’s. Burger King có một loại bánh mì (kẹp) thịt (bằm) kêu là king burger thiệt ngon và to, ăn hoài không hết.” Thật dễ nhớ, tiệm Burger King có món king burger vừa ngon vừa rẻ. Không biết Diễm Sương vô tình không nói rõ, hoặc chính nàng cũng không biết, “king burger” chỉ là cái tên do một nhà hàng địa phương đặt ra và quảng cáo chứ không phải tên chung trong mọi chi nhánh của công ty. (Một năm sau, ở North Dakota, tôi vào tiệm Burger King lần đầu tiên, hoa cả mắt khi nhìn vào bảng thực đơn in bằng chữ lớn xanh đỏ trên tường, nhưng mạnh dạn bước lại quầy và dõng dạc, “Cho tôi một cái king burger.” Khi tôi lập lại đến lần thứ ba, cô bán hàng biết chắc tôi không nói đùa và trả lời nhà hàng không có món đó. Tôi gân cổ cãi và nhất định đòi king burger cho bằng được, cô phải kêu quản lý nhà hàng ra. Ông ta nghĩ tôi không hiểu tiếng Anh, vừa nói vừa lấy tay ra dấu để giải thích, và cuối cùng chỉ tay vào hình vẽ chiếc xăng-úych [sandwich] Whopper trên tường và khuyên tôi dùng. Tôi bị tẽn tò nhớ đời, Quỳnh Châu và em Bình được dịp cười thỏa thuê vì nét mặt ngơ ngáo của anh chàng . . . không rành tiếng Anh.) Thảo luận vấn đề cưới xin và vợ chồng, tôi hứng chí khoe khoang kiến thức về nước Mỹ của mình, “Này nhé, bên Mỹ người ta có câu đố vui: Hỏi cái gì của Tổng thống Eisenhower thì dài, của Tổng thống Nixon thì ngắn, và của Tổng thống Ford càng ngắn hơn? Thứ đó Đức Giáo hoàng Phao-lồ Đệ lục không bao giờ dùng tới. Và đó là thứ mà chồng hiến cho vợ suốt đời. Đố là gì?” “Bộ ‘cái đó’ của ông Eisenhower lớn thực hả? Ai đo mà biết?” thằng Thống cười khà khà. “Thống đừng vội khoái chí cười nhảm. Đó là họ của người đàn ông. Theo tục lệ tây phương, người đàn bà lập gia đình sẽ mang họ chồng chứ không còn dùng họ mình tức là ‘maiden name’ trong tiếng Anh,” Diễm Sương nghiêm trang ngắt lời nó. “Đúng vậy. ‘Eisenhower’ dài vì có đến mười chữ cái, ‘Nixon’ ngắn hơn chỉ có năm chữ, và ‘Ford’ ngắn hơn nữa có bốn chữ. Riêng Đức Giáo hoàng, có ai gọi họ của ngài ra đâu?” tôi tủm tỉm giải thích. “Vậy là nếu mình cùng nhau sang Mỹ, Sương không còn dùng họ Lê mà sẽ mang họ Nguyễn của Thống?” thằng Thống ước mơ, vẫn giữ nụ cười trên môi. Chia tay với hai người, tôi không về nhà mà tới gặp thằng Thắng ở doanh trại trong dinh Tướng Văn trên đường Ngô Quyền gần Đại học xá Minh Mạng. Nó đón tôi bằng nụ cười giễu cợt, “Mới bị vợ la, phải không? Thấy mặt dàu dàu của mày là tao biết liền. Đã nói con là nợ, vợ là oan gia mà không nghe; giờ bị bà chằng xài xể thì rán mà chịu.” “Mày làm nghề thầy bói sáng từ hồi nào vậy? Vợ tao lúc nào cũng dễ thương, có bao giờ thèm la mắng thằng chồng cà chớn như tao đâu. Tao bực mình rầu rĩ râu ria ra rậm rạp vì không biết lúc nào tụi Cộng vào tới đây, và mình như cá nằm trên thớt chờ chết. Mẹ, tức như bò đá!” tôi thở ra. “Tao chẳng thắc mắc thắc miếc gì cả. Cộng vào thì tao đánh, đánh không lại thì chịu chết để trả nợ núi sông, đơn giản như hai với hai là bốn. Ngày tốt nghiệp trường Bộ binh Thủ Đức, tao tình nguyện đi Nhảy Dù và tâm nguyện không sống ươn, sống hèn dù rằng, Sống hùng, sống mạnh, sống không dai, Tôi cố dấu lòng kính phục đối với người bạn chiến binh hào hùng, “Nhờ vậy mày mới làm tới chức đại úy – mà là đại úy . . . què. Lâu nay thằng Trang có ghé lại thăm mày không?” “Cách vài ba đêm nó lại tới tao tán dóc. Mới hôm qua nó nhắc tới mày, thời mày còn lêu bêu bên Đại học xá, và lời thơ ghẹo mày nhái theo bài ‘Tự Vịnh (Phú Đắc)’ của Trần Tế Xương, Học xá có Ba Hoa, Thằng Trang là y sĩ đại úy phục vụ trong phủ Đặc ủy Trung ương Tình báo, và anh nó là vị tướng cầm đầu Cảnh sát Quốc gia Đô thành. Nước da trắng trẻo và dáng người cao ráo mà ẻo lả, nó ăn nói dịu dàng như con gái, không hút thuốc lá, và ăn nhậu thì “chơi” toàn Coca-Cola. Tôi chưa hề nghe nó nói tới bệnh nhân (có lẽ vì không hành nghề thầy thuốc) hay đề cập tới người đàn bà nào, ngoài mẹ và chị nó (tôi nghi nó thuộc loại người không thích phụ nữ). Nó hay kể chuyện người ta hưởng lạc trong Club Hồng, Club Đỏ, và Club Xanh ở Chợ Lớn. Đó là những chỗ ăn chơi thượng đẳng sẵn sàng cung cấp mọi lạc thú trên đời, khách hàng đòi hỏi đến đâu họ làm toại nguyện đến đó. Ngày trước, sau buổi họp mặt bạn bè ở doanh trại thằng Thắng, đôi khi tôi bắt thằng Trang lấy chiếc công xa Land Rover bốn cửa màu đen do Anh quốc chế tạo chở đi xem đô thành đêm khuya trong giờ giới nghiêm, đi qua trạm gác ở mỗi đầu đường chính, và xem nhân viên công lực thi hành nhiệm vụ. Một lần, tôi làm gan biểu nó đưa đi thăm Club Hồng cho biết thú “nhất dạ đế vương.” Nó không bàn ra lấy nửa lời, sốt sắng đưa tôi vào Chợ Lớn, vui vẻ giới thiệu với ông quản lý người Tàu, và xúi biểu tôi vui chơi thỏa thích, nhưng không dự phần vào cuộc vui. Sáng hôm sau thứ Hai, thằng Trang đến trường Điện tìm tôi và kiên nhẫn ngồi ở phòng giáo sư đợi tôi dạy xong lớp lý thuyết. Thấy tôi, mắt nó như sáng lên, nụ cười hiền hòa, “Bạn giáo gian, tối qua thằng Thắng điện thoại nói mày lo âu về thế sự và muốn gặp tao.” “Đốc-tờ Trang, nếu nói về hiện tình đất nước, mày là kẻ duy nhất mà tao tin tưởng, nhưng không chắc mày có thể trả lời điều tao muốn biết,” tôi ngập ngừng. “Đúng vậy. Vào giờ phút này không ai hy vọng hòa bình sẽ đến, nhưng cũng không ai biết chắc ngày nào Việt Cộng vào tới đây gây ra cuộc ‘tắm máu,’ tức là blood bath báo chí Mỹ tiên đoán,” giọng bạn tôi trầm buồn. “Vậy mày khuyên tao làm gì?” “Mày là thằng bạn tao quan tâm vô vàn và mong được mọi sự an lành. Tao biết tụi Hải quân đang bí mật lập kế hoạch di tản gia đình, thằng Thống bạn mày và ông anh nó làm giáo sư trung học quen nhiều sĩ quan Hải quân, và mày cần phối hợp và dự liệu cách thoát khỏi Sài gòn bằng tàu Hải quân cùng với nó.” Tôi thấy lòng nhẹ nhàng hơn một chút vì ít ra có một việc gì đó tôi có thể làm được, “Làm sao tao biết lúc nào phải ra đi?” “Đừng lo; đến ngày đó tao sẽ cho người tín cẩn đưa tin đến mày. Đệ tử của tao sẽ tự giới thiệu bằng mật khẩu, ‘Đốc-tờ Trang yêu hoa ly’ – ‘ly’ không có dấu. Nếu không, mày đừng tin.” “Tại sao ‘ly’ mà không là ‘lý,’ ‘hoa lý’ có phải có lý hơn?” “Mật khẩu thì cần gì hợp lý hay không, bạn giáo gian ơi,” thằng Trang đứng dậy bắt tay tôi, bàn tay ấm và mềm mại, và quay mặt đi để tôi không thấy đôi mắt ướt tròng. Khoảng bảy giờ sáng ngày 28 tháng Tư, một người đàn ông mặc thường phục đến nhà tìm tôi. Anh ta nói mật khẩu rồi chuyển lại tin nhắn, “Vào giờ phút này địch quân đã gần tới Thủ Đức. Bác sĩ khuyên giáo sư thi hành kế hoạch hát cu (HQ) càng sớm càng tốt. Đừng đợi qua sáng ngày mai vì lúc đó sẽ quá trễ.” “Tôi hiểu rồi. Bác sĩ bây giờ ở đâu?” tôi băn khoăn. “Rất tiếc, tôi chỉ có nhiệm vụ đưa tin và đã nói hết.” Sau khi dốc sức hoàn tất một số việc phải làm trước khi toan lìa mảnh đất mẹ thương yêu, chiều hôm đó tôi liên lạc với thằng Thống để tiến hành dự định đi bằng tàu Hải quân, tức là “kế hoạch HQ” bàn thảo cả tháng nay nhưng không có gì chắc chắn. Cho rằng đi như vậy là quá phiêu lưu và mạo hiểm, cha mẹ quyết định ở lại nhà, để cho vợ chồng tôi và bốn đứa em ra đi. Sự việc không xảy ra như dự liệu, thằng Thống và Diễm Sương không đến điểm hẹn được, và nhờ duyên may dun rủi chúng tôi lọt lên tàu Hải quân và cuối cùng định cư ở North Dakota. Ngày 30 Cộng quân chiếm Sài gòn, anh em tôi ra đi trước là động lực chính thúc đẩy cha mẹ liều mạng chạy ra bến tàu, leo lên chiếc tàu chuyên chở thương mại cuối cùng còn nằm tại bến, di tản sang Hồng Kông, và cuối tháng Mười đoàn tụ với các con ở North Dakota. Tháng Tư năm sau, trong dịp lễ khẳm tháng (lễ đầy tháng) con trai đầu lòng là bé Bích-Mạc, tôi kể chuyện thằng Trang và mật khẩu độc đáo cho cả nhà nghe. Sau vài phút suy nghĩ và bàn bạc với nhau, Quỳnh Châu và em Bình cười ngặt nghẽo và đồng thanh cất tiếng hát chọc quê tôi, Mình ngỡ nó đôi Gi (“J” đọc theo tiếng Pháp) Bài hát dùng ngôn từ bài xì-phé này nhái theo âm điệu bài “Tình Nhớ” của Trịnh Công Sơn và thường “bị” tôi ồ ề hát nghêu ngao chơi khiến hai cô nghe ngứa tai nhưng không biết làm sao phản đối – cho đến bây giờ. Bài hát nguyên thủy là Tình ngỡ đã quên đi Quỳnh Châu rán nín cười, “Chồng em thẳng tuột như ruột ngựa và xem anh Trang giống như các bạn đàn ông khác nên ngỡ câu nói là mật khẩu đặc biệt, không ngờ đó là lời . . . tỏ tình vĩnh biệt của ảnh. Con gái tụi em để ý chút xíu là thấy liền.” “Thật vậy sao?” tôi ngạc nhiên. “Này nha, nếu hiểu ‘hoa’ là ‘Ba Hoa’ và ‘ly’ không phải là một chữ mà là hai chữ tắt en-lờ (L) và i dài (Y) thì anh sẽ thấy rõ ràng – ‘Đốc-tờ Trang yêu Ba Hoa, L.Y.’ Anh thấy không?” “Và ai cũng đoán được ‘L.Y.’ viết tắt từ ngữ ‘Love You’ quen thuộc trong tiếng Anh. A ha, tình ngỡ đã quên đi . . .” Bình xen vào cười góp. Thằng Trang là ân nhân của gia đình tôi. Nếu không có nó báo tin chính xác và đúng lúc, làm sao gia đình tôi được cực kỳ may mắn thoát khỏi Sài gòn và không phải sống dưới chế độ Cộng sản một ngày nào? Câu nói kia là mật khẩu hay lời tỏ tình, có gì quan trọng đâu? Cám ơn bạn ta, Đốc-tờ Trang. Nguyễn Ngọc Hoa |