![]() |
Tập truyện "Bước Đổi Đời" Lời trần tình của tác giả: Xin lưu ý tập truyện ngắn này không phải là hồi ký, tự truyện, hay tài liệu ghi lại dữ kiện lịch sử. Mọi nhân vật đều được dựng nên, tiểu thuyết hóa cho phù hợp với câu chuyện, và có thể không tương ứng với nhân vật có thực nào. Nhân vật xưng "tôi" không phải chính tác giả mà có thể mang dáng cách, tâm sự, và mơ ước thầm kín của bạn bè cùng thời. Xin đừng liên kết nhân vật trong truyện với bất cứ ai ở ngoài đời. * * * 10. Thằng Lệnh Hồ Xung Ngày 12 tháng Ba 1975, một ngày trước khi Việt nam Cộng hòa (“VNCH”) công bố Ban Mê Thuột thất thủ, Hạ viện Hoa kỳ biểu quyết bác bỏ ngân khoản quân viện bổ túc cho VNCH trong tài khóa hiện tại chấm dứt ngày 30 tháng Sáu. Theo hiến pháp Hoa kỳ, một dự luật (như ngân khoản dự chi quân viện) muốn được chấp thuận thì cả Thượng viện lẫn Hạ viện phải thông qua, nếu một viện bác bỏ thì đạo luật không thành hình. Đồng thời, Đại sứ Hoa kỳ tại Việt nam thông báo cho nhà lãnh đạo VNCH biết quân viện không được chuẩn chi cho tài khóa mới bắt đầu từ ngày 1 tháng Bảy. Thế là đã đến đường cùng, không còn hy vọng gì nữa. Vài ngày sau, đài phát thanh Sài gòn loan báo chính phủ quyết định “di tản chiến thuật” bộ tư lệnh Quân đoàn II (trấn giữ cao nguyên) ở Pleiku về Nha Trang và “tái phối trí” các lực lượng chiến đấu trực thuộc về Tuy Hòa để ngăn chận Cộng sản. Chiều tối Chủ Nhật ngày 16 tháng Ba, đặc phái viên chiến trường của một tờ báo có uy tín tường thuật từ Pleiku, Trong hai ngày qua, đồng bào trong toàn tỉnh đã hoang mang tới cực độ khi nghe tin các đài phát thanh ngoại quốc loan báo bộ tư lệnh Quân đoàn II di tản về Nha Trang. Giới hữu trách không có lời giải thích nào để trấn an đồng bào mỗi phút lại càng mất thêm tinh thần, mạnh ai lo liệu phương tiện di tản ra khỏi vùng giao tranh và tránh quân Cộng sản. Tối thứ Hai, thằng Tú hốt hoảng đến nhà tìm tôi. Người bạn thương phế binh của tôi là cựu sĩ quan bộ binh, đánh giặc mất một chân, và giải ngũ về Sài gòn học Đại học Văn khoa. Hai người thân duy nhất còn lại của nó là chị và em gái đều ở Pleiku. Nó nhăn nhó muốn khóc, “Này này mày có nghe nói thằng cha Thiện và bọn Mẽo, trong một thỏa hiệp mật của Hiệp định Paris, đã câu kết với nhau và thuận cho bọn Cộng lấy phần lớn lãnh thổ miền Nam không?” “Tin đồn nhảm đó, tao không tin,” nhưng trong thâm tâm tôi thật hoang mang. “Nếu không, tại sao quân mình đánh Cộng sản hai mươi năm không thua đột nhiên bị ra lệnh rút khỏi cao nguyên, bỏ Pleiku và Kontum mà chưa bắn được một tiếng súng? Khốn nạn quá, gia đình chị Hiền và gia đình cái Ngân lọt vào tay bọn Cộng rồi!” “Chồng con Ngân làm cảnh sát và chồng chị Hiền là công chức tòa hành chánh tỉnh chắc biết cách định liệu, và cả hai gia đình sẽ thoát khỏi Pleiku cho coi. Mày đừng lo.” Tôi nói dối, và thằng Tú cũng biết điều đó, “Quân đội rút đi ào ào mà phía tiểu khu và hành chánh, từ tỉnh trưởng, nghị viên, và trưởng ty đến địa phương quân, cảnh sát, và dân chúng thì mù tịt, không được ai chỉ thị hay thông báo con mẹ gì cả. Không phải chúng nó lẳng lặng bán đứng một trăm ngàn dân và hai tỉnh Kontum và Pleiku cho bọn Cộng sao?” “Tao không biết. Nhưng sau khi đi hỏi vòng vòng, tao có thể nói chắc tối hôm qua và ngày hôm nay thị xã Pleiku vẫn có điện, đèn ngoài đường và trong tư gia đều thắp sáng.” “Thằng Song cầm đầu ty Điện lực Pleiku cung cấp điện cho thành phố. Điện còn sáng tức là nó còn sống nhăn răng,” thằng Tú hiểu ra gật gù. “Cái thằng Lệnh Hồ Xung đó, còn lâu bọn Cộng mới đụng được lông chân nó. Nhưng không biết gia đình nó và nhà Ngự Thanh vợ nó đã ‘chạy’ hay còn ‘tử thủ’ Pleiku.” Thằng Song là bạn thân nhất của tôi ở trường kỹ sư và ra trường trước tôi một năm. Nó cũng là bạn thân nhất của thằng Tú, hai thằng học trung học ở Pleiku với nhau. Lệnh Hồ Xung là nhân vật trong Tiếu Ngạo Giang Hồ, một truyện kiếm hiệp rất được ưa chuộng của Kim Dung; chàng ta cực kỳ thông minh, kiếm thuật tuyệt luân, tính tình phóng khoáng, ham uống rượu và đánh bạc, và nhất là thích kết giao bằng hữu. Các bạn trong trường gọi thằng Song là “Lệnh Hồ Xung” vì phong cách giang hồ lãng tử và lòng yêu mến bạn bè của nó. Chính “thằng Lệnh Hồ Xung” đã hết lòng cứu giúp tôi trong năm đệ nhất niên. Năm đó, tôi được chọn cấp học bổng du học Gia Nã Đại và trong hơn bốn tháng buổi sáng đi học Anh văn ở hội Việt Mỹ để chuẩn bị xuất ngoại và buổi chiều đi học trường Điện. Thằng Song lấy cua (bài giảng) giùm và dạy lại tôi những điều thầy giảng buổi sáng. Nhưng rồi vì trục trặc giấy tờ, học bổng bị thu hồi vào ngày chót. Nó là người đã an ủi khuyên nhủ và vực tôi dậy trong những lúc tôi buồn nản nhất, “Không đi du học thì mày ở nhà tiếp tục dạy con Quỳnh Châu học, càng khoái tỉ chớ sao. Học kỹ sư Phú Thọ thua kém ai mà lo?” Cuối năm, tôi lại bị thầy Đức bắt lỗi hỗn xược và định đuổi học. Tôi bi quan và chán đời định tự tử hay tình nguyện đi lính, nhưng thằng Song không cho tôi buông xuôi. Nó nói còn nước còn tát, tới văn phòng xin địa chỉ giáo sư, bắt tôi ngồi sau chiếc VéloSoleX (một loại xe gắn máy nhỏ) cà tàng vừa chạy vừa đẩy, và chở tôi đến nhà từng giáo sư để nhờ xin lỗi thầy Đức giùm. Nhờ vậy, tôi được ân giảm và không bị xoọc-ti lát (“sortie latérale” tiếng Pháp nghĩa là ra trường ngang) mà được cho học lại năm thứ nhất. Gần Tết, tôi rảnh rỗi đi dò hỏi và thu thập những chuyện tầm phào sinh viên bàn gẫu và cùng với thằng Song viết thành bài phú tiễn đưa con Ngựa Bính Ngọ sang con Dê Đinh Mùi (1967) đưa đăng trong đặc san xuân sinh viên Cao đẳng Điện học. Bài phú châm chích nữ sinh viên ban trung cấp (cán sự) và chế giễu một vài giáo sư khiến thầy Yên trong ban giám đốc nổi giận gọi hai thằng cùng với Trưởng ban Báo chí là anh Thăng học đệ tứ niên lên văn phòng khiển trách và hăm he nếu tái phạm sẽ đưa ra hội đồng kỷ luật. Đó là lần duy nhất thằng Song gặp rắc rối ở trường. Ngoại trừ trong giờ học (hai thằng học khác lớp), hầu như chúng tôi đi đâu cũng có nhau. Cuối tuần, hai thằng đèo nhau trên chiếc Honda đi thăm các tỉnh miền Tây dân cư thẳng thắn, cởi mở, rộng rãi, và hiếu khách. Theo Quốc lộ 4 ngang qua Long An, đến ngã ba Trung Lương, nếu đi thêm một quãng ngắn thì tới Mỹ Tho, và nếu rẽ phải thì tiếp tục theo Quốc lộ 4 về các tỉnh miền Tây khác. Xuống Mỹ Tho, chúng tôi sang cồn Phụng của ông Đạo Dừa (Nguyễn Thành Nam, 1909-1990), vào chùa ăn cơm chay chùa rồi kiếm chỗ đánh một giấc cho đến chiều. Có lần hai thằng đi Vĩnh Long thăm thằng Viên, bạn cùng lớp với thằng Song, trở về nhằm lúc trời tối và gặp Việt Cộng lùa dân đi đắp mô trên đường ngăn chận xe cộ không cho đi qua. Chúng tôi cùng với các hành khách đi xe đò bị bắt đứng tập trung ở một khu đất trống ven đường. Ai nấy đều lo sợ im thin thít mặc cho hai tên du kích nhà quê mặt mũi non choẹt khoác lác về “bác Hồ vĩ đại” và kể lể “tội ác Mỹ Ngụy.” Đợi cho hai thằng Cộng nhóc nói xong, thằng Song đưa tay phát biểu, “Mỹ Ngụy làm ác đâu không thấy, trước mắt là các anh phá hoại đường sá, ngăn cản dân chúng đi lại, và vác súng uy hiếp người ta. Tụi tôi là dân lành có tội tình gì với bác Hồ?” * * * Tôi tiễn thằng Tú ra cửa và không trở vào nhà mà đi thẳng ra chùa cách nhà chừng hai trăm thước. Chùa còn đang xây cất, và trong sân ngổn ngang những đống cát sạn. Trăng hạ tuần hiện ra mờ mờ trên bầu trời mây thưa lác đác mấy vì sao. Tôi ngồi trên bậc thềm dẫn lên chính điện còn dở dang và ôm đầu gục mặt vào đầu gối. Ngồi như thế rất lâu, sương đêm xuống thấm vào lưng áo may-ô mặc lót bên trong. Khi tôi ngẩng đầu lên, Quỳnh Châu ngồi bên cạnh từ lúc nào; nàng vuốt tóc tôi, “Anh, Lệnh Hồ Xung của em.” “Tại sao em gọi anh như thế?” tôi ngỡ ngàng. “Em thấy với những vấp ngã, thất bại, và khổ đau đi đôi với những may mắn và thành tựu anh đã gặp, anh đáng được gọi là ‘Lệnh Hồ Xung’ hơn ai hết. Lệnh Hồ Xung sẽ không thối chí mà lùi bước trước nghịch cảnh, phải không chồng?” Tôi nắm tay Quỳnh Châu, bàn tay mềm mại và ấm áp, “Nếu vậy em là Nhậm Doanh Doanh?” “Dạ, mặc dù em chỉ giống Nhậm Doanh Doanh một điểm: yêu thương Lệnh Hồ Xung với hết cả con tim và trọn cả cuộc đời. Chồng vui lên nghen.” “Anh có buồn đâu. Anh lo lắng tuyệt vọng về tương lai của đất nước và giận mình vì không biết phải làm gì trong lúc này.” “Chồng ơi, Lệnh Hồ Xung trong truyện được ủy thác làm chưởng môn phái Hằng Sơn của ni cô, một nhiệm vụ khác thường bị giới giang hồ chế nhạo nhưng chàng ta đã nghĩa hiệp chu hoàn. Anh được bà Tướng Nghĩa, à . . . o Tín, giao phó trọng trách cầm giữ Công ty Martinet; không lẽ anh bỏ luống nhân viên của mình như ông Thiện bỏ rơi dân chúng cao nguyên?” Sáng thứ Năm, chúng tôi cùng nhau đi ăn sáng như thường lệ và sau đó đến văn phòng tôi ở Martinet. Tôi mời bác Mạnh Tổng Giám đốc Điều hành hoạt động hàng ngày và chị Bích Quản lý Văn phòng vào nói chuyện. Sau một hồi than thở về hiện tình đất nước, tôi hỏi chị Bích, “Công ty mình cả thảy bao nhiêu người?” “Kể cả thầy và bác Mạnh, tất cả là ba mươi ba người,” chị gọi tôi là “thầy.” “Lẽ ra con phải tham khảo ý kiến với bác và chị Bích trước, nhưng tình thế cấp bách biến đổi khó lường nên con đánh bạo lập chương trình giải tán công ty trong trường hợp Cộng sản chiếm tới Sài gòn,” tôi nói chậm rãi, ngôn từ thốt ra vô cùng khó khăn. “Vậy sao?” bác Mạnh và chị Bích bật kêu lên. “Tài sản công ty hiện tại gồm có hiện kim (hay tiền mặt) và các thứ khác không thể đổi thành tiền cứ tạm gọi là ‘bất động sản.’ Về hiện kim, ngay hôm nay xin bác rút hết từ trong trương mục Pháp Á Ngân hàng đem về giữ trong két sắt cho con. Vào giờ G ngày N – lúc kế hoạch bắt đầu có hiệu lực, sau khi trả lương tháng cuối cùng, số tiền còn lại sẽ được chia thành ba mươi ba phần bằng nhau và phân phát cho mọi người. Riêng về bất động sản, bác và chị cố gắng làm sao phân chia và chuyển nhượng cho người nào muốn nhận, miễn là ai cũng có phần.” Bác Mạnh và chị Bích xúc động ra ngoài mặt, bác đứng dậy bắt tay tôi, “Bác sẽ nhờ chị Bích làm lệnh phát ngân và các văn kiện chuyển nhượng và để trống ngày tháng chờ chữ ký của con. Con biết với kế hoạch này con sẽ phân phát hết tài sản của mình?” “Không phải đâu bác, tài sản là của o Tín và do công lao của mọi người xây đắp nên. Con tạm kế nhiệm o và gặp thời thế thế thời phải thế – phải hành động thôi.” “Thay mặt toàn thể anh chị em trong công ty, bác chân thành đội ơn vợ chồng con,” bác Mạnh rơm rớm nước mắt. “Bác và chị soạn thảo các tài liệu cần thiết và để sẵn cho con. Khi thời khắc nguy kịch điểm tới, chỉ cần chữ ký chấp thuận cuối cùng của con hoặc của người thừa kế con là Quỳnh Châu,” tôi nghe tiếng thở dài của nàng nhưng vẫn tiếp tục, “Tuyệt đối bác và chị không để lại bút tích mình trên các tài liệu đó. Khi bọn họ vào đây, một mình con chịu trách nhiệm về việc giải tán công ty mà thôi.” Về đến nhà, tôi thấy mắt Quỳnh Châu đỏ hoe; nàng phụng phịu, “Anh . . . khôn thấy mồ! Nếu anh có mệnh hệ gì, anh bắt em phải sống để hoàn tất sứ mạng của vợ chồng mình.” “Ông Kim Dung đã sắp xếp cho Lệnh Hồ Xung và Nhậm Doanh Doanh suốt đời bên nhau, ngày ngày cùng hợp tấu khúc ‘Tiếu Ngạo Giang Hồ,’ em không nhớ sao?” tôi nắm tay nàng cười xòa. Lần đầu tiên từ đầu năm tây, đêm hôm đó tôi ngủ yên giấc cho đến sáng. O Tín hiện ra trong giấc mơ và mỉm cười hài lòng, “Con hành sử đúng theo sở nguyện của o. Cám ơn cô vợ Nhậm Doanh Doanh thông minh và nhân hậu của con.” Phải, o Tín vẫn thường gọi tôi là “Lệnh Hồ Xung.” Nguyễn Ngọc Hoa |