![]() |
Tập truyện "Bước Đổi Đời" Lời trần tình của tác giả: Xin lưu ý tập truyện ngắn này không phải là hồi ký, tự truyện, hay tài liệu ghi lại dữ kiện lịch sử. Mọi nhân vật đều được dựng nên, tiểu thuyết hóa cho phù hợp với câu chuyện, và có thể không tương ứng với nhân vật có thực nào. Nhân vật xưng "tôi" không phải chính tác giả mà có thể mang dáng cách, tâm sự, và mơ ước thầm kín của bạn bè cùng thời. Xin đừng liên kết nhân vật trong truyện với bất cứ ai ở ngoài đời. * * * 12. Như Một Lời Trăng Trối Biến cố đổi đời thi nhau đến dồn dập, tôi tiếp nhận tin mà đầu óc tê dại, không còn biết suy nghĩ hay cảm xúc. Ban Mê Thuột bị tấn công và hai ngày sau thất thủ. Chính phủ ra lệnh quân đội rút khỏi Kontum và Pleiku, Cao nguyên Trung phần tan vỡ, và ngày 19 tháng Ba Việt nam Cộng hòa (“VNCH”) rút khỏi Quảng Trị. Năm ngày sau, Cộng quân chiếm Quảng Tín và Quảng Ngãi và cô lập Đà Nẵng. Ngày 26 thành phố Huế và tỉnh Thừa Thiên thất thủ, và ngày 29 Đà Nẵng lọt vào tay địch. Giọt hy vọng cuối cùng của tôi tan biến theo số phận Đà Nẵng, căn cứ liên hợp quân sự hùng mạnh nhất và trang bị vũ khí đầy đủ nhất vùng Đông nam Á. Không bắn một phát súng, hàng chục ngàn quân nhân theo đường biển tháo chạy loạn xạ như bầy ong vỡ tổ, bỏ mặc dân chúng mạnh ai nấy lo thoát thân. Hàng ngày báo chí Sài gòn tường thuật cảnh hỗn loạn và chết chóc tang thương trong cuộc hành trình “bỏ phiếu bằng chân” trốn Cộng sản của dân chúng. Một số người nuôi hy vọng VNCH sẽ giữ được phần đất phía nam Phan Thiết, phía bắc sẽ là một “quốc gia trung lập,” và cố tình quên rằng đã thắng trận dễ như trở bàn tay như thế, phe bên kia đời nào chịu dừng lại. Những diễn biến mới khiến quầng thâm quanh mắt mẹ càng thâm hơn. Ba đứa con của mẹ đang kẹt trong vòng lửa đạn: Em Định, hay ni cô Đức Thiện, đang tu tập và săn sóc cô nhi ở chùa Pháp Hải Ninh Hòa, Nhật Lệ và chồng là thằng Khanh là hai nhà doanh gia nổi tiếng ở Nha Trang, và thằng Sang em kế tôi làm sĩ quan pháo binh phục vụ tiểu khu Bình Thuận ở Phan Thiết. Ban đêm mẹ không ngủ, đi lui đi tới quanh nhà dưới, và ra ngoài trời thắp hương van vái cầu xin chư tiên, chư Phật mười phương, và chư thánh thần phù hộ cho mấy đứa con của mẹ bình yên. Các giảng khóa ở trường Đại học Khoa học Kỹ thuật Minh Đức ở Phú nhuận đã hoàn tất cho niên khóa này nên tôi dành hầu hết thì giờ cho Ngành Điện thuộc trường Đại học Kỹ thuật Thủ Đức ở Phú Thọ, nơi có rất nhiều sinh viên quê ở ngoài Trung vào Sài gòn trọ học. Sáng thứ Hai 24 tháng Ba, ngày Quảng Ngãi thất thủ, tôi lên giảng đường dạy, bắt gặp những khuôn mặt phờ phạc hốc hác và những đôi mắt thất thần lo âu, và không khỏi xót xa trong lòng, “Các anh chị trong lớp, ai đã mất liên lạc với gia đình ở ngoài Trung?” Hơn ba phần tư lớp đưa tay lên. Tôi bước xuống hỏi Tân, em sinh viên người Huế dáng người nhỏ bé ít phát biểu ý kiến nhưng học hành rất chăm chỉ, “Chắc anh không còn nhận được chu cấp của gia đình, vậy làm sao sinh sống?” “Thưa thầy, con không biết. Không chừng tuần tới con bỏ học kiếm cách sống qua ngày,” Tân mếu máo. “Anh không có chỗ dạy kèm tư gia sao?” “Dạ không, ba con nói gia đình đủ khả năng nuôi con ăn học và con cần dành hết thì giờ cho việc học. Bây giờ gia đình con không biết sống chết ra sao.” Tân khóc thút thít, và tôi nghe vài tiếng nấc khác vọng lên từ mấy bàn sau. Học trò thân yêu đang gặp cảnh khốn cùng, tôi không thể ngồi yên phó mặc cho họ bị đói ăn hay phải làm chuyện không xứng đáng. Tôi hỏi ý kiến Quỳnh Châu, nàng nghĩ ra ngay việc cần làm. Tôi lãnh lương ở hai trường đại học, vét sạch tiền dành dụm trong trương mục tiết kiệm, và tặng mỗi sinh viên túng quẫn một số tiền khiêm nhường, “Chỉ cần anh (chị) no bụng sống qua tuần này, tuần sau sẽ lo sau.” Chưa hết buổi sáng đầu tiên, quỹ đã cạn mà hàng sinh viên đứng trước văn phòng tôi còn rất dài. Hôm sau, Quỳnh Châu đưa cho tôi một món tiền lớn, “Đây là lương của em ở trường Văn khoa, cộng thêm món tiền ba má để dành cho em trở lại Mỹ học cao học. Em không đi du học mà về với anh, tiền để chết trong ngân hàng chẳng làm được gì hữu ích,” nàng nhoẻn miệng cười. “Cám ơn cô vợ dễ thương của anh. Ủa, sao nhiều thế này?” tôi đếm tiền và ngạc nhiên. “Em hỏi ý kiến mẹ, và mẹ nói thương người như thể thương thân và cho phép em bán các nữ trang sính lễ đám cưới. Chỉ giữ lại bông đôi tai là hoa con gái và chiếc kiềng vàng là của gia bảo truyền lại từ đời mụ sơ xuống đến em.” Số sinh viên cần giúp đỡ lại càng đông, có cả các em học Ngành khác như Công chánh, Công nghệ, Hàng hải, và Hóa học. Món tiền của Quỳnh Châu không kéo dài hơn ba ngày. Tôi vào Bình Thới gặp bác Trân chủ Công ty Phạm Trân chế biến tôm đông lạnh tôi làm cố vấn kỹ thuật và xin ứng trước một năm lương. Bác tặng món tiền và gạt ngang đề nghị trừ dần vào tiền lương của tôi trong năm tới. Tôi đến văn phòng ở Công ty Martinet nhờ bác Mạnh Tổng Giám đốc Điều hành làm lệnh xuất ngân phát cho tôi khoản tiền tôi sẽ được phân chia trong trường hợp công ty giải tán. Ngoài ra, tôi cầu cứu với các công ty kỹ nghệ quen biết và nài nỉ xin thêm được một số tiền cho các em. Sau một tuần, những sinh viên đầu tiên hết tiền ăn và trở lại. Tôi chỉ còn hai bàn tay trắng và đã hết nơi cầu cứu. Quỳnh Châu rụt rè đề nghị, “Mình còn một nguồn tài chánh đáng kể; đó là ngôi nhà bốn tầng ở gần góc đường Thành Thái và Cộng Hòa ba má cho hai đứa mình và đã sang tên anh. Nếu mình bán với giá thật rẻ, khoảng một phần mười chẳng hạn, thế nào cũng có kẻ hám lợi nhào dzô mua.” “Cái nhà đó ba má nói cho hai đứa mình nhưng chủ ý để lại cho cháu ngoại, mình không có quyền bán tháo tài sản của con,” tôi nhăn nhó. “Con mình chưa ra đời, và nhà trước sau gì cũng bị bọn họ vào đây cướp đoạt. Chồng ơi, cho em bán đi để mua đức cho con về sau.” Tôi quyết định không theo lời khuyên của vợ. Sáng thứ Hai, một tuần lễ sau khi khởi đầu, tôi đứng trên bục giảng rầu rĩ nhận mình bất lực và không biết làm gì hơn. Tôi mím môi để khỏi bật khóc, “Tôi đã cố gắng hết sức mình. Hạt muối bỏ biển nay đã tan hết. Xin lỗi đã làm các anh chị hy vọng hão trong tuần qua.” * * * Ngày mồng 1 tháng Tư, VNCH mất Phú Yên và Bình Định và chỉ có tuyến phòng thủ vòng ngoài đô thành Sài gòn tại Khánh Hòa - Phan Rang - Bình Thuận. Một tuần sau, ba tỉnh này cũng mất. Thằng Sang bỗng lù lù về nhà, mặt đen thui và ốm nhom sau mười ngày đói khát dẫn thuộc binh băng rừng vượt hai trăm cây số từ Phan Thiết về Sài gòn. Đồng thời, Ngự Thanh vợ thằng Song chạy giặc từ Pleiku về, tới nhà tìm tôi và thăm cha mẹ. Đôi vợ chồng này không những là bạn thân của tôi mà còn được mẹ thương yêu như con cháu trong gia đình. Mẹ mừng rỡ nhưng không khỏi rơi nước mắt khi thấy Ngự Thanh mặc bộ bà ba đen quê mùa cũ kỹ (để ngụy trang) và mang đôi dép sờn quai mòn đế (đã dùng đi bộ hàng chục cây số). Mẹ hối Quỳnh Châu lấy áo quần và dép mới cho Ngự Thanh trước khi hỏi chuyện, “Rứa thằng Song mô mà con đi một mình, hai đứa nhỏ ở chỗ mô?” “Dạ, Song nhất định ở lại nhiệm sở đến giờ phút chót và giục con đem hai thằng nhỏ theo ba mạ con chạy theo ngả Qui Nhơn về Sài gòn. Bây giờ gia đình lớn nhỏ đều ở đỡ nhà chú con trong cư xá Hàng không Dân sự.” Nhưng Ngự Thanh buồn bã nói riêng với tôi, “Song không đếm xỉa tới sự an nguy của vợ con, cố nán lại Pleiku, và tuyệt vọng thuyết phục gia đình Song di tản. Họ không có bà con họ hàng và sợ không thể sinh sống ở nơi khác nên sẵn sàng chịu sống với phe bên tê. Ba Hoa ơi, kể như mất Song rồi!” Tôi biết hoàn cảnh gia đình thằng Song; nó là con trai lớn trong nhà, ba nó không ngó ngàng đến vợ con, và mạ nó một mình buôn tảo bán tần nuôi bầy con bảy đứa ăn học. Ngày nó học trường kỹ sư, cô em kế phải nghỉ học để đỡ đần mẹ. Thằng Song hay nói, “Mạ tao là lý do duy nhất tao được học hành và có được những gì tao có ngày hôm nay. Nếu một ngày nào đó tao được chết thay mạ thì chỉ mới đền đáp một phần nhỏ công ơn trời biển của bà.” Hồi đó, mùa hè tôi lên Pleiku chơi với thằng Song, hai thằng thường sang nhà Ngự Thanh trụ trì, nhờ vậy tôi kết bạn thân thiết với nàng, và gia đình nàng xem tôi là người thân. Nàng có người chị làm giáo sư trung học đệ nhị cấp, có chồng là sĩ quan cấp tá và hai đứa con kháu khỉnh, và đang ở chung nhà. Bác Quyến cha Ngự Thanh là nhân viên ty Công chánh hồi hưu và trò chuyện tâm đắc với tôi. Khề khà bên ly rượu, bác hay chép miệng, “Tau tiếc không còn con gái để gả cho mi. Có hai đứa thì đứa lớn có chồng con, đứa nhỏ lỡ có nơi ngắm nghé rồi.” Khi Ngự Thanh ra về, tôi tiễn nàng ra cổng cư xá. Nàng nắm chặt tay tôi, giọng nói đẫm nước mắt, “Bạn phải hứa với tôi một điều: không bao giờ để Quỳnh Châu bơ vơ một mình như Song đối xử với tôi.” “Thanh ơi, thời buổi loạn ly tình thế ngặt nghèo, bên hiếu bên tình thằng Song chỉ có thể chọn một và không thể giữ vẹn phận sự làm trai đứng trong trời đất. Làm thế nào đi nữa cũng có người thương kẻ ghét, kẻ vui người buồn,” tôi bênh vực thằng Song. “Tôi chỉ nói riêng về bạn thôi. Tôi có linh cảm hôm nay là lần cuối cùng mình gặp nhau. Quỳnh Châu dịu hiền và tốt bụng quá sức; kiếp sau gặp lại bạn tôi không tranh đua nổi với cô ấy đâu.” Cuối tháng Tư tôi bỏ nước ra đi, định cư ở tiểu bang North Dakota ở miền bắc Hoa kỳ, và liên lạc với thằng Song qua bà con bên Pháp. Sau ngày 30 tháng Tư, nó về Sài gòn đoàn tụ với vợ con và được giữ làm việc ở Tổng cục Điện lực (tên mới của Công ty Điện lực Việt nam) sau đổi tên thành Công ty Điện lực Miền Nam. Thỉnh thoảng tôi gửi tiền về giúp bạn, nhưng khuyên nó ít viết thư cho tôi vì lương tháng kỹ sư “công nhân viên nhà nước” chỉ tương đương với giá 20 tô phở mà theo lời bạn tôi, “Nếu vợ chồng con cái đều bịt mỏ, mỗi tháng tao gửi được chừng bốn cái thư đi ngoại quốc.” Một buổi chiều cuối hè 1981, tôi nhận được thư thằng Lộc báo tin dữ, Vợ chồng thằng Song và bốn đứa con, lớn nhất mười một tuổi và nhỏ nhất lên hai, gặp nạn vì vượt biên bị bại lộ. Chiếc ghe bị công an biên phòng rượt đuổi. Ngự Thanh và hai bé gái nhỏ nằm dưới khoang, tức là lòng hay hầm ghe có nắp đậy, trong lúc thằng Song và hai đứa con trai lớn ở trên boong lộ thiên. Khi ghe bị bắt thì Ngự Thanh và hai bé gái đã chết ngộp. Thằng Song bị giam tù ở Cà Mau. Ông bà Quyến lo chôn cất con và cháu gái và bảo lãnh cháu trai về nuôi. Tôi sửng sờ nhớ lại cảnh chia tay u buồn hơn sáu năm trước và câu nói nghẹn ngào thê lương như một lời trăng trối của Ngự Thanh. Hai tuần sau, tôi nhận được bức thư dài của bác Quyến than trách, Con bác chọn lầm người để giao phó cuộc đời. Phải chi hồi đó chọn đúng người thì ngày nay Ngự Thanh không phải trả bằng mạng sống của mình. Một đêm nghĩ tới thằng Song, tôi nằm mở mắt nhìn trân lên trần nhà, Quỳnh Châu nắm tay tôi, “Nếu chồng biểu em về Sài gòn giúp anh Song nuôi nấng hai đứa con chị Ngự Thanh, em sẵn lòng đi liền.” Tâm hồn trong sáng như gương, Quỳnh Châu có tấm lòng nhân hậu của một nữ tu. Chắc hẳn kiếp trước tôi khéo tu nên mới được ban cho người vợ thanh cao như nàng. Cám ơn Trời Phật. Nguyễn Ngọc Hoa |