Trở về trang Mục Lục

Bản PDF để in

Tập truyện "Bước Đổi Đời"

Lời trần tình của tác giả: Xin lưu ý tập truyện ngắn này không phải là hồi ký, tự truyện, hay tài liệu ghi lại dữ kiện lịch sử. Mọi nhân vật đều được dựng nên, tiểu thuyết hóa cho phù hợp với câu chuyện, và có thể không tương ứng với nhân vật có thực nào. Nhân vật xưng "tôi" không phải chính tác giả mà có thể mang dáng cách, tâm sự, và mơ ước thầm kín của bạn bè cùng thời. Xin đừng liên kết nhân vật trong truyện với bất cứ ai ở ngoài đời.

* * *

13. Ngã Ngựa Nhưng Không Ngã Gục

Tháng Hai năm 2000. North Dakota đang ở giữa mùa đông. Gần nửa đêm, tôi ngồi trên máy bay nhìn ra cửa sổ, ngoài trời tuyết bay bay trong màn đêm, thành phố bên dưới được che phủ bằng một lớp tuyết trắng, và ánh đèn hắt lên lung linh khiến khung cảnh mang một vẻ đẹp lạnh lùng và huyền bí. Sau chuyến đi công tác xa và vì lý do thời tiết máy bay cất cánh trễ, tôi nôn nóng về nhà với vợ con; chắc hẳn Quỳnh Châu còn thức đợi tôi. Tay xách hành lý, tôi bước ra khỏi jetway (cây cầu nhỏ che kín được di chuyển tới sát cửa phi cơ để làm lối vào phi trạm) và rảo chân về khu lấy hành lý. Phi trường nhỏ chỉ có một lối ra. Đột nhiên tôi nhìn lên, người Á Đông trung niên ngồi trên chiếc ghế dài tựa vào tường bỗng đứng dậy, và tôi la lên bằng tiếng Việt,

“A, thằng Song đây mà!”

Hai mươi lăm năm rồi, hôm nay tôi mới gặp lại thằng bạn thân nhất đời bằng xương bằng thịt. Chúng tôi siết chặt tay nhau, rưng rưng nước mắt, và không nói nên lời. Gặp nhau cũng bất ngờ: Trước đây hai tuần, từ Việt nam thằng Song gửi điện thư báo tin hôm nay sẽ đến thăm tôi. Tôi trả lời nói sẽ đi họp xa tối khuya mới về và khuyên nó nên dời ngày sang hôm sau hay hôm sau nữa để tôi kịp chuẩn bị. Nó không nói không rằng gì thêm, tôi nghĩ nó đổi chương trình thăm viếng vì ngoài tên thành phố “Bismarck, North Dakota” nó không có chi tiết nào khác về địa chỉ nhà hay sở làm của tôi. Vậy mà nó tàn tàn bay tới và ngồi đợi suốt buổi tối.

Tôi dẫn thằng Song ra bãi đậu xe lấy xe. Trên đường về nhà, tôi trách nó,

“Sao mày không báo giờ đến để Quỳnh Châu ra đón. Lỡ tối nay tao không về kịp thì sao?”

“Mày xưa nay cẩn thận chi li và qua Mỹ lây thêm cái tính trù trước tính sau máy móc của tụi nó khiến cho đời không còn gì để ngạc nhiên hay thú vị. Tao ngồi đợi, mày cũng về tới; có chết thằng Tây nào đâu? Hè vừa rồi tao đi Bỉ thăm thằng Viên, chuyến đi đó mới đáng nói,” nó cười khà khà.

“Thằng Viên à? Tao nhớ hồi đó hai thằng mình cuối tuần thường nổi máu giang hồ vặt, lấy Honda đèo nhau chạy xuống miền Tây chơi lang thang, và thỉnh thoảng ghé lại Vĩnh Long ăn chực và ngủ ké nhà nó.”

“Nó ở Liège nhưng thành phố khá nhỏ nên biểu tao bay tới Maastricht thuộc Hòa Lan, từ chỗ nó lái xe tới mất hơn một tiếng đồng hồ.”

Không bỏ lỡ một dịp để khoe kiến thức về thế giới với bạn, tôi gật gù,

“Maastricht là nơi ký kết hiệp ước thành lập EU hay Liên hiệp Âu châu vào năm 1992, chuyển mình từ EEC hay Cộng đồng Kinh tế Âu châu thành lập năm 1957, và tổ chức hành chánh và thị trường chung chặt chẽ và rộng rãi hơn. Mà sao, qua Hòa Lan mày bắt được em lầu xanh nào thơm gần bằng vợ nhà không?”

“Như mọi khi, tao biểu hãng du lịch búc (book) vé máy bay và tới ngày đi chỉ việc lơn tơn leo lên máy bay bay một lèo. Vợ chồng thằng Viên ra phi trường đón, chờ hoài chờ hủy mòn con mắt mà chẳng thấy tao.”

“Vậy mày đại náo phương nao?”

“Tụi hãng du lịch búc vé cho tao bay tới Madrid là thủ đô của Tây Ban Nha, cách nơi muốn đến gần hai ngàn cây số. Tại Maastricht nhỏ ít người biết, và An nam ta đọc tên hai thành phố nghe giống hệt nhau. Tao đợi một đêm rồi cuối cùng liên lạc được với thằng Viên mới hay mình hơi . . . lạc đường. Nhưng nhờ đó tao biết thêm một địa điểm mới và có dịp ngắm các em Tây Ban Nha đẹp và gợi tình đi qua đi lại cả đêm,” thằng Song tỉnh bơ xem là chuyện bình thường, nhưng tôi không thể nhịn cười.

Thức ăn dọn sẵn chờ chúng tôi ở nhà. Quỳnh Châu khuấy cho hai thằng một đứa một ly cà-phê lớn và cùng ngồi vào bàn góp chuyện. Chúng tôi bùi ngùi kể cho nhau nghe chuyện xảy ra trong những năm tháng qua, vui cũng có mà buồn thì chứa chan.

* * *

Quãng đời bi thảm của thằng Song bắt đầu vào một ngày hè 1981, vợ chồng nó và bốn đứa con vượt biên bị bắt lại. Ngự Thanh và hai đứa bé gái nhỏ chết ngộp trong khoang ghe, nó bị bắt giam ở Cà Mau, và hai đứa bé trai được ông bà ngoại lãnh về nuôi. Nó ngồi tù hơn một năm thì được thả. Về Sài gòn bị công ty điện lực (“CTĐL”) đuổi việc, bụng đói đầu gối phải bò, nó xoay ra làm nghề sửa chữa động cơ điện và máy biến thế. Sài gòn thiếu điện trầm trọng và triền miên, nhiều nhà phải dùng một loại máy biến thế nhỏ gọi là xuỵc-vôn-tơ (survolteur, máy tăng thế) để tăng cường điện thế ở chỗ điện yếu không đủ sức chạy quạt máy, ti-vi, v.v. Điện càng yếu xuỵc-vôn-tơ càng dễ bị hư, thằng Song càng có thêm khách hàng.

Nghề làm thợ điện nuôi sống phây phả gia đình thằng Song. Dần dần, viên cựu kỹ sư CTĐL khuếch trương cơ sở, kêu các bạn đi tù cải tạo về tới làm chung, và cùng nhau chia xẻ miếng cơm manh áo. Khi công ty đủ lớn, nó phát triển phương cách chế tạo dây điện từ để cung cấp cho CTĐL và bán cho các xưởng sửa chữa khác. Các đồng nghiệp cũ ưa chuộng sản phẩm chế tạo theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật của nó hơn là hàng dởm ngoài Bắc đưa vào. Dây điện từ là dây đồng dẫn điện bên ngoài tráng một lớp cách điện và dùng để quấn thành các cuộn dây tạo ra từ trường trong động cơ điện và máy biến thế.

Cuộc đời thằng Song lên hương khi nó gặp và kết hôn với Hải Quyên với sự tác hợp của bạn bè. Trước năm 1975 nàng là một giám đốc tài chánh của CTĐL, chồng bỏ mình trong những ngày loạn ly cuối tháng Tư 1975, và cô con gái Hải Băng xuýt xoát giữa tuổi hai đứa con trai thằng Song là Vũ và Hải. Hai tâm hồn cô đơn gầy dựng hạnh phúc bên nhau, Hải Băng có cha che chở, và Vũ và Hải có mẹ săn sóc.

Thằng Song lo phần kỹ thuật của công ty, và Hải Quyên điều hành tổng quát, quản trị tài chánh, và điều đình và ký kết các hợp đồng mua bán. Quan trọng nhất là hợp đồng mua đồng dài hạn trên thị trường quốc tế với giá thấp nhất; đồng là nguyên liệu chính mà tiền vốn xuất ra mua là chi phí sản xuất lớn nhất. Ngoài ra, thằng Song mời các bạn sau khi nghỉ hưu ở CTĐL sang làm việc cho công ty nó và nhờ đó lập ra ban kỹ sư tiếp thị hùng hậu, giàu kinh nghiệm, và thấu đáo.

Mấy năm gần đây, khả năng tài chánh dồi dào và có Hải Quyên trông nom công ty, thằng Song đi chu du thế giới. Nó đi thăm bạn bè sống rải rác khắp năm châu và ít khi vắng mặt trong các cuộc họp mặt thường niên của nhóm thân hữu điện lực hải ngoại. Nó cũng thường xuyên thăm viếng và săn sóc hai đứa con ở ngoại quốc: Vũ vượt biên sang Úc sống gần gia đình bên mẹ, và Hải Đăng sang Hoa kỳ du học, lập gia đình với bạn học người Mỹ gốc Việt, và cư ngụ ở bắc California. Ở mỗi nơi, thằng Song mua nhà và cấp vốn cho con dựng cơ sở làm ăn. Hải nhỏ nhất vượt biên trễ sang Phi Luật Tân, không được quốc gia nào nhận nên bị trả về Việt nam, và cũng được hưởng quyền lợi tương tự như anh chị.

Tôi tìm hiểu thêm về công ty chế tạo dây điện từ,

“Vậy market share (thị phần) của mày là bao nhiêu?” Thị phần là phần thị trường tiêu thụ sản phẩm mà một công ty đạt được.

“Khoảng sáu mươi phần trăm,” thằng Song nhẹ nhàng nói.

“Vậy là mày bán phần lớn dây điện từ tiêu thụ trên toàn cõi Việt nam, tha hồ tung hoành ấn định giá cả,” tôi tấm tắc khen.

“Thật ra chẳng có ma nào cạnh tranh với tao cả. Bốn mươi phần trăm market share còn lại là do các nước như Nga, Trung Cộng, và Ba Lan viện trợ cho các xí nghiệp quốc doanh của nhà nước.”

“Vậy là mày độc quyền từ đầu chí cuối, nhất cha nó rồi còn gì?”

Không muốn khoa trương tài sản của mình, thằng Song lảng sang chuyện khác,

“Mày có hay gặp thằng Tú Què không?”

“Năm 1975, thằng Tú và Hồng Phụng tấp về Rockford thuộc tiểu bang Illinois cách Chicago chừng một trăm rưởi cây số và ở đó đến giờ. Nó làm giáo sư trung học, vợ làm chủ một tiệm uốn tóc khá lớn, và đứa con gái lớn là Yến Phụng học Luật và đứa nhỏ là Họa Mi học Quản trị Công quyền. Đi họp ở Chicago lần nào tao cũng ghé thăm tụi nó.”

“Trước khi bay tới đây, tao ghé Rockford thăm ‘thằng què giết giặc.’ Gặp tao, nó làm mặt giận mắng một tràng, nói tại tao mà con Thanh Phú làm lộng khiến nó điêu đứng, xuýt nữa bị hai đứa con gái cắt cụt luôn cái chân thứ ba,” thằng Song cười cười.

Ngày xưa thằng Tú và Thanh Phú là đôi tình nhân gắn bó keo sơn. Thằng Tú đi lính đánh giặc bị thương cụt chân, cô sinh viên Văn khoa bỏ học vào quân y viện nuôi bệnh và săn sóc người yêu hơn ba tháng trời. Nhưng rồi cuộc đời dun rủi, ngày 30 tháng Tư thằng Tú lại di tản khỏi Sài gòn với cô học trò dạy kèm và con chủ nhà trọ là Hồng Phụng. Hai người thành vợ chồng, và chị em Yến Phụng và Họa Mi ra đời. Đồng thời ở Việt nam, Thanh Phú yên phận lập gia đình với anh bạn học cùng trường và sinh ra bốn đứa con trai. Nhớ ân cũ nghĩa xưa, thằng Tú đều đặn gửi tiền giúp đỡ gia đình nàng.

Hai năm trước, Thanh Phú sang Hoa kỳ du lịch và tới thăm thằng Tú. Hồng Phụng cắn răng đồng ý cho chồng mời Thanh Phú ở lại nhà vì “còn hơn là để hai người đưa nhau ra khách sạn, mình không biết họ làm gì” và đau lòng chứng kiến cảnh chồng thân ái tiếp đãi người yêu cũ, trong khi nàng ta công khai bày tỏ nỗi niềm thương yêu với chồng mình.

Thằng Song kể lại chuyện ách giữa đàng đeo quàng vào cổ,

“Nhờ thằng Tú tao biết địa chỉ của Thanh Phú ở Sài gòn và một ngày đẹp trời đưa vợ tới thăm cô bạn cũ. Vậy mà mang họa!”

“Sao vậy, có gì sai quấy đâu?” tôi ngạc nhiên.

“Thanh Phú bỗng mát dây nổi cơn quậy, mỗi ngày gọi điện thoại viễn liên quốc tế vài ba bận, và nài nạnh kì kèo với thằng Tú, ‘Sao anh Song cưới vợ lần thứ hai được mà anh không bỏ cô Phụng để lấy em được?’ Thằng Tú dở khóc dở cười và chẳng biết ăn nói làm sao để không xé nát trái tim của người yêu cũ hay vợ hiền.”

“Tội nghiệp cho thằng Tú đào hoa, thân này ví xẻ làm đôi!”

Bạn tôi uống cạn ly cà-phê rồi tiếp tục,

“Thời may ít lâu sau Tú Què ngã bệnh phải nằm bệnh viện hơn một tuần. Vợ không ra coi tiệm, hai đứa con nghỉ học, và cả ba đều vào nhà thương túc trực đêm ngày săn sóc nó. Nằm trên giường bệnh nó mới cám cảnh lòng thương yêu của vợ con. Rồi hai đứa con gái trả lời điện thoại, khám phá ra cha mình đang lững lơ con cá vàng, và sau khi nó lành bệnh bèn ra tối hậu thư, ‘Bố mà không chấm dứt mối liên hệ với cô Phú thì tụi con sẽ dẫn mẹ ra tòa ly dị và lột sạch không để lại cho bố một manh áo trên lưng.’”

“Bây giờ tao mới hiểu tại sao gần nửa năm nay thằng Tú biệt tăm biệt tích. Gọi điện thoại và để lại lời nhắn nó không trả lời, gửi điện thư nó cũng phe lờ. Cắt đứt liên lạc với thế giới bên ngoài để trốn lánh nàng tiên trở chứng, thế là yên chuyện,” tôi thở phào.

“Nó đã sống hết mình với mối tình đầu tuyệt đẹp, đang thụ hưởng mối tình cuối tuyệt vời với người vợ hiền, và không có gì để nuối tiếc. Đời người ngắn ngủi, vậy là quá đủ – đòi hỏi chi nhiều?” tôi biết thằng Song nói về các cuộc tình của chính mình.

Tuy nhiên, một phần tư thế kỷ ghi tạc những bước thăng trầm của thằng Song không phải là khoảng thời gian ngắn ngủi. Dù ngã ngựa nhưng nó không ngã gục hay ngã lòng mà đứng lên phấn đấu làm lại cuộc đời và cuối cùng thành công rực rỡ. Tôi phục bạn tôi vô cùng.

Nguyễn Ngọc Hoa
Ngày 28 tháng Mười Một, 2018

Trở về đầu trang