![]() |
Tập truyện "Đời Phiêu Ngụ" Lời trần tình của tác giả: Xin lưu ý tập truyện ngắn này không phải là hồi ký, tự truyện, hay tài liệu ghi lại dữ kiện lịch sử. Mọi nhân vật đều được dựng nên, tiểu thuyết hóa cho phù hợp với câu chuyện, và có thể không tương ứng với nhân vật có thực nào. Nhân vật xưng "tôi" không phải chính tác giả mà có thể mang dáng cách, tâm sự, và mơ ước thầm kín của bạn bè cùng thời. Xin đừng liên kết nhân vật trong truyện với bất cứ ai ở ngoài đời. * * * 6. Lùi Lại về Tương Lai Cuối tháng Năm, bộ chỉ huy trại Orote Point mỗi ngày tổ chức hai chuyến du ngoạn đảo Guam để giúp dân tỵ nạn tìm hiểu thêm về Hoa kỳ. Ít người hưởng ứng các chuyến du ngoạn này vì đa số không ai có lòng dạ nào mà “đi chơi” trong khi chưa rõ ràng về tình trạng pháp lý, không có một mảnh giấy tùy thân nào do chính phủ Mỹ cấp, và chỉ ngồi trên xe chạy vòng vòng và không được xuống xe. Một buổi chiều đầu tháng Sáu, sau khi ăn trưa, tôi và Quỳnh Châu lên xe buýt đi du ngoạn, tha hồ chọn chỗ ngồi vì xe còn khá nhiều ghế trống. Bên ngoài nắng chói chang và bên trong xe nóng hâm hấp khiến ai nấy đều buồn ngủ. Đây là lần đầu tiên tôi thực sự nhìn thấy nước Mỹ bên ngoài trại Orote Point. Xe buýt chạy qua các đường phố rộng, sạch sẽ, và vắng xe, trong lúc một anh thiếu úy trẻ qua lời thông dịch viên giảng giải về những địa điểm đi qua. Toàn đảo Guam có 19 làng, và thủ phủ là làng Agana; đó là nơi đặt văn phòng thống đốc và tòa nhà nghị viện. Không giống như hầu hết nghị viện của các tiểu bang Hoa kỳ, Nghị viện Guam chỉ gồm một viện, đại biểu gọi là thượng nghị sĩ. So với Sài gòn, hòn đảo này vắng bóng những tòa nhà tráng lệ, những con đường đông đúc với đủ thứ xe cộ chen nhau chạy nườm nượp, những đường phố đầy dẫy hàng quán với khách bộ hành đi lại tấp nập, v.v. Guam nhỏ bé giống như Tuy Hòa, thành phố hiền hòa và sạch sẽ ở miền Trung gia đình tôi sống hơn năm năm. Khi xe lần lượt chạy qua trường Đại học Guam và trụ sở cục Điện lực Guam trong làng Mangilao ở mé đông của đảo, Quỳnh Châu hích nhẹ vào tay tôi, “Sở làm tương lai của chồng kia kìa. Tha hồ chọn lựa, muốn trở lại nghề gõ đầu . . . sinh viên cũng đặng, mà làm ông kỹ sư làm oai làm tướng với thợ điện cũng xong.” Quỳnh Châu che miệng cười. Tôi chợt tỉnh ngủ, trong đầu lóe lên một tia hy vọng. Ngay cả hòn đảo nhỏ bé này cũng có trường đại học và cơ quan điện lực thì những thành phố nhỏ dân số dưới một trăm ngàn thiếu gì cơ quan để vợ chồng tôi có thể xin việc làm thích hợp với khả năng. Biết đâu trời thương sẽ cho tôi thực hiện điều ước mơ nhiều năm qua: Tôi vốn là cậu bé nhà quê chất phác và thích yên tĩnh và từ ngày về Sài gòn học và làm việc, luôn luôn mong được trở về Huế sinh sống. Tôi rời Huế tháng Năm 1963 và chưa một lần về thăm lại. Mùa hè sau khi Hiệp định Paris 1973 được ký kết, tôi làm đơn xin ra dạy ở Đại học Huế, nhưng không được chấp thuận. Từ đó, thỉnh thoảng tôi nằm ngủ mơ thấy mình đứng trước một tấm bia lớn trước bãi cỏ xanh mướt rộng như sân vận động có hai hàng cây cao ở hai bên và tòa nhà lớn hình hộp diêm ở đằng sau. Tôi không thố lộ cho ai biết mơ ước sống ở tỉnh nhỏ của mình. Buổi tối tụ họp ở “Ngã Năm Quốc tế,” anh Bảng phác họa chương trình thành lập khu phố Việt nam, tương tự như phố Tàu ở các thành phố lớn của Hoa kỳ, có chợ bán đồ ăn, tiệm ăn, trường dạy Việt ngữ, nhà kính trồng rau, v.v. Lúc ra đi, anh mang theo hạt giống các rau cải và hoa quả Việt nam, và dự định định cư ở Los Angeles thuộc tiểu bang California là thành phố lớn thứ ba của Hoa kỳ. Anh Hán mỉm cười kê tủ đứng vào miệng anh Bảng và kéo anh về thực tại, “Anh đừng tưởng bở mà vội xây lâu đài trên cát. Los Angeles chưa chắc là miền đất hứa vì California đang ở trong tình trạng suy thoái kinh tế, mức thất nghiệp cao, và hãng xưởng thi nhau đóng cửa. Thống đốc, nghị viện, và dân chúng theo đuôi bọn tài tử Hollywood phản đối chiến tranh Việt nam và thiên về phe Cộng sản miền Bắc nên anh sẽ phải thắp đuốc đi tìm một người dân California có thiện cảm với mình.” Chuyện định cư chưa tới, hiện tại mối lo lớn nhất là mùa bão ở Thái bình dương sắp bắt đầu, và lều vải nhà binh không phải là nơi trú ẩn khi bão tới. (May thay, trời thương dân tỵ nạn nên năm 1975 đảo Guam không hề bị bão.) Trong những ngày kế tiếp, chúng tôi được gọi đi làm giấy tờ để vào đất liền. Gia đình tôi ở Khu 5 là khu cuối cùng nên phải đợi hơn hai tuần lễ mới đến phiên mình. Chúng tôi xếp hàng trước trailer (nhà rơ-moóc) dùng làm văn phòng tạm thời của sở Di trú và Nhập tịch (hay INS) thuộc bộ Tư pháp. Để che nắng mùa hè thiêu đốt cho hàng người rất dài, người ta đóng một hành lang khá dài bằng gỗ, bề ngang đứng được năm sáu người, có sàn, mái che, và tay vịn hai bên. Người đợi có thể đứng hay ngồi bệt xuống sàn, và tha hồ đọc những lời nhắn tin tìm thân nhân trên mặt gỗ và ghi thêm mẩu nhắn tin của mình vào những chỗ còn trống. Sau khi được nhân viên INS phỏng vấn, mỗi người được cấp mẫu I-94, tức là Thẻ Ghi Đến - Đi, dùng để theo dõi những chuyến đến và đi khỏi Hoa kỳ của người không phải là công dân hay ngoại kiều thường trú. Mẫu I-94 ghi tên họ, chi tiết cá nhân, và tư cách pháp nhân là “parolee.” Ra khỏi văn phòng, cầm mẫu I-94 của cả gia đình trong tay, tôi nhăn nhó với Quỳnh Châu, “Em à, mình bị họ liệt kê vào hạng parolee hay tù nhân tạm dung (được tha tạm). Có đáng buồn không?” “Chồng nói gì em không hiểu,” nàng đưa mắt dọ hỏi. “Cô vợ dễ thương của anh ơi, ‘parole’ trong tiếng Anh là lời hứa danh dự. Parolee là danh từ pháp luật chỉ tù nhân chưa mãn hạn tù mà được phóng thích – vì hạnh kiểm tốt chẳng hạn – với lời hứa sẽ tuân theo một số điều kiện bắt buộc như cấm uống rượu, dùng ma túy, hay đến gần trẻ em nhỏ tuổi. Nếu bất tuân sẽ bị bắt vào tù trở lại và giam giữ đến khi mãn án.” “Theo quốc tế công pháp, kẻ di tản như mình không được hưởng quy chế tỵ nạn vì dưới mắt Liên hiệp quốc, mình trốn thoát ra khỏi nước vì ‘chính thể đổi’ chứ không bị bạc đãi bắt bớ hay tù đày vì lý do chính trị. Sở Di trú và Nhập tịch đặc cách cho phép nhập nội và sinh sống ở Hoa kỳ, nhưng chưa cho vào ngoại kiều thường trú là vì vậy. Với tư cách parolee hay ngoại kiều tạm dung, nếu vi phạm các điều kiện luật định, trên nguyên tắc có thể bị trục xuất và trả về Việt nam. Chồng em giỏi tiếng Anh thấy khó chịu, nhưng đừng théc méc quá mà . . . hao tổn mình dzàng!” Ngày thứ Tư 18 tháng Sáu, sau bốn mươi ngày lấy trại Orote Point làm nhà, chúng tôi được đưa qua trại Andersen bên căn cứ Không quân Andersen ở mé bắc đảo Guam, chờ nửa ngày trời, và đến mười giờ tối được gọi ra đứng xếp hàng lên máy bay. Gia đình tôi xếp hàng đầu, đằng sau hàng rào cản. Khoảng mười một giờ, một anh sĩ quan trẻ cầm danh sách hành khách đột nhiên bước tới chỉ mặt tôi hỏi, “Ông nói tiếng Anh được không?” “Được. Anh cần tôi làm gì?” tôi trả lời như một phản xạ. “Ông sẽ làm thông dịch viên cho chuyến bay này. Mời ông và gia đình lên máy bay trước.” Anh sĩ quan mở rào cản đưa chúng tôi lên máy bay và giới thiệu với cô tiếp viên hàng không chính; tôi thành thông dịch viên có nhiệm vụ dịch ra tiếng Việt các thông báo của phi hành đoàn qua hệ thống truyền thanh chỗ đông. Chiếc DC-10 của hãng Hàng không Northwest Orient cất cánh vào lúc nửa đêm (rạng ngày 19). Trong khi gần 300 người khác ngồi ngủ gà ngủ gật trên ghế, tôi chống mắt rán thức để sẵn sàng chuyển lời tiếp viên. Đây là lần đầu tiên đi chuyến bay quốc tế nên có nhiều danh từ tôi hiểu nhưng tức thời không biết dịch sao cho đồng bào hiểu. Quỳnh Châu cùng thức với tôi và nhắc những chữ không quen thuộc; nàng thủ thỉ, “Em thức cho chồng có bạn.” Phi cơ ghé lại phi trường Honolulu, thủ phủ và thành phố lớn nhất của tiểu bang Hạ Uy Di, để lấy thêm nhiên liệu; hành khách phải ngồi trên máy bay và không được ra ngoài. Sau tổng cộng khoảng 12 tiếng đồng hồ, máy bay đáp xuống một phi trường quân sự ở nam California. Cô tiếp viên hàng không chính từ giã hành khách bằng câu nói thiết tha, “Chào mừng quý vị đến tiểu bang California chan hòa ánh nắng. Chúc quý vị may mắn trong những ngày sắp tới.” Mặt trời đang lặn sau dãy núi xanh thẫm và chiếu lên bầu trời các tia nắng cuối trong ngày; California sắp chính thức bước vào mùa hè, tôi nói thầm. Gia đình tôi lên chuyến xe buýt cuối cùng về Trại Pendleton, “nhà” của chúng tôi trong hơn hai tháng kế tiếp. Trời tối mịt khi chúng tôi làm thủ tục nhập trại. * * * Cuối tháng Tám, chúng tôi xuất trại đi định cư ở thành phố Bismarck, thủ phủ tiểu bang North Dakota, dưới sự bảo trợ của nhà thờ Ba Ngôi Lutheran. Mục sư nhà thờ cùng họ đạo ra đón chúng tôi ở phi trường, đưa về nhà thuê trang bị đầy đủ bàn ghế tủ giường với chiếc tủ lạnh lớn trong nhà bếp chứa đầy thức ăn, và mở tiệc tiếp tân tưng bừng với bích chương và lời chào mừng nồng nàn. Tôi ngạc nhiên khám phá ra hôm nay là thứ Năm 21 tháng Tám. Cuốn lịch bỏ túi 1975 tôi luôn luôn mang trong mình và đánh dấu mỗi ngày, cũng như ô vuông chỉ ngày trong chiếc đồng hồ đeo tay Seiko tự động tôi mang thường trực trên tay, lại ghi rõ ràng là thứ Sáu 22 tháng Tám. Thật khó tin, một ngày biến đi đâu mất? Ba tuần sau khi đến Bismarck tôi mới có dịp đi dạo quanh thăm viếng thành phố với Quỳnh Châu. Bismarck đẹp đẽ êm ả và hiền hòa không kém gì Tuy Hòa yêu dấu ngày trước. Tôi há hốc mồm khi đến trước tấm bia với quang cảnh nằm mơ thấy hai năm trước. Hàng chữ nổi khắc trên tấm bia: “North Dakota Capitol.” “Capitol” viết hoa chỉ tòa nhà Quốc hội Hoa kỳ nhóm họp tại Hoa Thịnh Đốn, và “capitol” viết thường chỉ tòa nhà nghị viện tiểu bang nhóm họp hay, trong trường hợp North Dakota, là khu nhà chính quyền tiểu bang (gồm thống đốc, nghị viện, và tối cao pháp viện) thi hành phận sự. Không như capitol các tiểu bang khác có mái vòm bán nguyệt, capitol North Dakota là một tòa nhà 21 tầng hình hộp diêm đơn giản. Thực ra, ngày trước capitol North Dakota cũng có mái vòm, nhưng năm 1930 bị cháy và khi được xây lại, dân North Dakota vốn cần kiệm và thiết thực quyết định xây capitol mới hình hộp diêm để khỏi phí phạm khoảng không gian trống trên mái vòm. (Về tính dè xẻn này, tôi đồng hóa theo dân North Dakota lúc nào không hay.) Điều thắc mắc tại sao một ngày trong đời tôi biến mất chìm vào quên lảng cho đến gần hai mươi năm sau, khi tình cờ tôi nghe hai người bạn bàn cãi về câu hỏi: đảo Guam là điểm cực tây hay cực đông của lãnh thổ Hoa kỳ? Hai ý kiến trái ngược nhau, nhưng cả hai đều đúng. Nếu tính theo chiều di chuyển, Guam là điểm cực tây nằm phía trái cùng trên bản đồ. Tuy nhiên, nếu tính theo múi giờ từ kinh tuyến gốc (kinh tuyến 0° chạy qua Greenwich ở Anh quốc), Guam là điểm cực đông: Theo múi giờ từ đông sang tây, một ngày ghi trên lịch bắt đầu trước tiên ở Guam; 17 tiếng đồng hồ sau, ngày đó mới bắt đầu ở California; và ba tiếng đồng hồ nữa, ngày đó mới bắt đầu ở Hạ Uy Di. Guam và Hạ Uy Di gần nhau về khoảng cách địa lý, nhưng nằm hai bên kinh tuyến 180° phân chia đông - tây. Năm 1975 tôi rời khỏi Guam lúc “không” (0:00) giờ ngày 19 tháng Sáu, ngồi trên máy bay 12 tiếng đồng hồ, và đáp xuống California lúc bảy giờ chiều ngày hôm trước, tức là ngày 18. Tôi đến nơi trước lúc khởi hành năm tiếng đồng hồ, lùi lại về tương lai, và sống ngày 19 đến hai lần. Nếu bảo thì giờ là vàng bạc thì trong cuộc di cư đổi đời tôi . . . lời thấy rõ. Tôi cù lần nên không biết đó thôi. Nguyễn Ngọc Hoa |