![]() |
Tập truyện "Đời Phiêu Ngụ" Lời trần tình của tác giả: Xin lưu ý tập truyện ngắn này không phải là hồi ký, tự truyện, hay tài liệu ghi lại dữ kiện lịch sử. Mọi nhân vật đều được dựng nên, tiểu thuyết hóa cho phù hợp với câu chuyện, và có thể không tương ứng với nhân vật có thực nào. Nhân vật xưng "tôi" không phải chính tác giả mà có thể mang dáng cách, tâm sự, và mơ ước thầm kín của bạn bè cùng thời. Xin đừng liên kết nhân vật trong truyện với bất cứ ai ở ngoài đời. * * * 7. Kẻ Trở Cờ Trên chuyến bay từ đảo Guam đến nam California, tôi được chỉ định làm thông dịch viên chuyển đạt thông báo của phi hành đoàn. Khi chiếc DC-10 đáp xuống phi trường, gia đình tôi được mời xuống máy bay trước tiên, nhưng được yêu cầu đứng ở chân cầu thang đến khi hành khách sau cùng ra ngoài để phòng trường hợp có người cần thông dịch. Dòng người hối hả bước xuống và được hướng dẫn vào khu tiếp đón là một nhà kho trống, và không mấy ai để ý đến chàng thông dịch viên bất đắc dĩ mặt mũi bơ phờ vì mệt mỏi và thiếu ngủ. Đầu óc mụ đi, tôi giật mình khi nghe tiếng đàn bà dịu dàng, “Ba Hoa, em nói tiếng Anh giỏi quá, nghe hay như người Mỹ. Cám ơn em.” Tôi ngước mặt nhìn, đó là cô Tâm dạy Việt văn năm tôi học đệ nhị (lớp 11) trường trung học Ban Mê Thuột. Dạo ấy, cô là giáo sư tôi ưa chuộng nhất. Năm sau tôi lên đệ nhất (lớp 12), không còn học với cô, được bầu làm Chủ tịch ban Đại diện học sinh, và chủ trương tờ báo học sinh phát hành hàng tháng. Tôi và một thằng bạn cùng lớp viết chung mục tường thuật sinh hoạt học đường, và với giọng văn trào phúng châm biếm, thằng bạn ấy kể lại tin đồn “thầy Tâm thật tử tế, thích tâm tình,” và “hay cười duyên với học trò khác phái.” Trước khi phát hành báo, chúng tôi được tin cô Tâm nổi giận vì bài báo, và thầy hiệu trưởng ra lệnh cho chúng tôi hủy số báo và đình bản. Nổi máu anh hùng rơm, chúng tôi mang báo xếp thành đống dưới cột cờ giữa sân trường và châm lửa đốt. Kết quả là tôi và đám bạn làm báo bị đưa ra hội đồng kỷ luật và đuổi học hai tuần lễ. Từ đó đến nay tôi mới gặp lại cô Tâm. Thầy (chồng cô) là kỹ sư công chánh, những năm gần đây tôi nghe nói thầy làm việc ở Long An và cô đổi về đó dạy. Tôi chưa kịp định thần thì cô đã đi qua, tôi thầm nghĩ ra một câu nói hóm hỉnh để trả lời cô, “Em dịch lời của họ ra tiếng Việt chứ có nói tiếng Anh hồi nào đâu mà cô khen.” Tôi ngạc nhiên và mừng rỡ khi thấy Ân, anh là đại úy Không quân được quân đội gửi tới học lớp kỹ sư điện của Ngành Điện thuộc Đại học Kỹ thuật Thủ Đức ở Phú Thọ. Ân trên ba mươi tuổi, người Nam, đô con cao lớn, chăm học và lễ độ, và mới tốt nghiệp. Ân đi với một cô sinh viên cán sự điện trường Đại học Trung cấp tôi không biết tên. Khi đi qua trước mặt tôi, Ân ưỡn ngực đứng nghiêm, đưa tay chào kính theo lối nhà binh, và hô lớn, “Thầy!” như thể đang trình diện thượng cấp. Tôi nhớ lại khoảnh thời gian cuối cùng ở trường Phú Thọ chiều ngày 28 tháng Tư. Sau phiên họp bất thường của hội đồng giáo sư Ngành Điện do tôi chủ tọa chấm đậu và cấp bằng kỹ sư cho sinh viên đệ tứ niên, họ xúm lại vây quanh Minh Trưởng phòng Học vụ chờ tin. Minh cười vui, “Các anh được chấm đậu tất cả rồi! Bây giờ cần giúp tôi cộng điểm và lập văn bằng tốt nghiệp.” Ân đứng riêng rẽ và chăm chú theo dõi tôi đến khi tôi bước khuất vào sau cánh cửa văn phòng làm việc. Trời tối mịt khi gia đình tôi lên chuyến xe buýt cuối cùng về trại tỵ nạn Trại Pendleton. Trại vốn là trung tâm huấn luyện tân binh Thủy quân Lục chiến Hoa kỳ, thành phố gần nhất là Oceanside. Chiếc xe buýt chạy ngoằn ngoèo qua những dãy ba-rắc (“barrack”) rồi dừng lại. “Ba-rắc” là danh từ người Việt dùng để gọi các nhà tiền chế bằng tôn mạ kẽm màu trắng nhôm có mái cong hình bán nguyệt chạm tới mặt đất có tên là chòi Quonset vì được chế tạo đầu tiên tại Quonset Point thuộc tiểu bang Rhode Island cho Hải quân đầu thập niên 1940. Đám hành khách ngơ ngác đưa mắt nhìn cửa xe mở toang ra, một anh lính trẻ xuất hiện và loan báo bằng tiếng Anh, “Chào mừng quý vị đến căn cứ chúng tôi. Đây là nơi quý vị sẽ lưu lại. Hy vọng quý vị sẽ cảm thấy an toàn.” ![]() ![]() Anh lính dùng tay ra hiệu cho đám người tỵ nạn xuống xe và sắp hàng trước trạm quân y trong làn không khí lành lạnh về đêm. Anh lính y tá cầm khẩu súng chích ngừa lớn dí vào cánh tay từng người, tôi không thấy đau nhói và không có cảm giác kim chích vào thịt như trước đây ở Việt nam. Chúng tôi sang trạm kế tiếp nhận lãnh vật dụng cá nhân như khăn tắm, xà phòng, kem đánh răng, chăn mền, v.v. trước khi tới nhà bàn ăn cơm. Tôi ăn không thấy ngon miệng, một phần vì đã được cho ăn liên tục trên máy bay, và một phần vì buồn ngủ. Đồng hồ chỉ một giờ sáng khi tôi về lều ngả lưng trên chiếc giường bố nhà binh và nhắm đôi mắt cận thị mơ huyền (mờ) sau ba mươi sáu tiếng đồng hồ liên tiếp chưa hề chợp mắt. Giờ thì trời sập cũng mặc kệ. Chúng tôi ở trong căn lều nhà binh cuối cùng nằm trên đồi của Trại 3; từ cổng ra vào, trại tôi nằm phía trong cùng xa nhất của Trại Pendleton. Căn lều chỉ có gia đình tôi chiếm cứ, sau lưng là bụi rậm người ta nói có rắn rung chuông, và bên kia thung lũng là núi đồi trùng điệp. Trong lúc thiên hạ tranh giành vào ở ba-rắc ấm có giường nệm hai tầng và nghe nói có cả ti-vi màu để xem, tôi yêu “túp lều lý tưởng” đứng chơ vơ trên “Đỉnh Gió Hú” ngày đêm gió thổi rì rào của chúng tôi. Tôi không phải chung đụng với người chưa quen, và nửa đêm thức giấc nằm trên giường làm toán thầm, đọc thơ cổ điển, và nói chuyện và cười khan một mình mà không làm phiền ai ngoài Quỳnh Châu; nàng phập phồng lo lắng “sợ ôông dôông bị loạn trí.” * * * Sau sáu tuần lễ ngày ba bữa đứng sắp hàng ăn cơm nhà bàn, gia đình tôi vẫn chưa có bảo trợ đi định cư. Một buổi chiều, Ân và cô bạn đến lều tìm tôi, “Tui và Liên Kim ở Trại 5 gần cổng ra vào. Tụi tui đến chào từ giã thầy vì sáng mai tụi tui xuất trại đi tiểu bang Washington.” Liên Kim là tên cô bạn của Ân; chắc hẳn hai người khai là vợ chồng với sở Di trú và Nhập tịch; rất nhiều người làm như vậy. “Chúc anh chị gặp may mắn trong cuộc sống mới,” tôi siết chặt tay Ân và hỏi thêm, “Sau lần mình thấy nhau ở trường là tôi đi luôn, vấn đề bằng biếu giải quyết ra sao?” “Anh em sinh viên cộng điểm và làm văn bằng suốt đêm; hôm sau là ngày 29, thầy Minh mang bằng sang cho thầy Thanh Khoa trưởng ký. Tui nghe nói sau đó thầy Thanh đi bằng tàu Việt nam Thương tín. Tui mừng húm khi thấy thầy trên máy bay, nghĩa là thầy đã thoát đi an toàn. Với tư cách một quân nhân, tui xin tỏ lòng ngưỡng mộ tinh thần chống Cộng của thầy,” Ân nhìn thẳng vào mắt tôi. Tôi khẽ lắc đầu, “Tôi bỏ nước ra là một điều vạn bất đắc dĩ thôi anh Ân ơi.” “Ai cũng biết Đại học Kỹ thuật mình có một lô Việt Cộng nằm vùng. Vậy mà trong những lần nói chuyện với sinh viên, thầy kể tội ác của già Hà và chính quyền miền Bắc, vạch rõ cuộc sống nô lệ tụi nó sẽ áp đặt lên miền Nam, và tuyên bố sẽ không sống chung với tụi nó và ra đi với bất cứ giá nào. Từ đầu tháng Tư, tui và mấy anh bên lớp điện tử quân nhân nghe phong thanh tụi khốn nạn tính làm thịt thầy.” Lớp kỹ sư điện tử quân nhân là lớp học riêng chỉ gồm các sĩ quan do bộ Quốc phòng gửi tới "nhờ" trường huấn luyện trong chương trình "Việt nam hóa chiến tranh” năm 1971-1972, khác với lớp kỹ sư điện dân sự Ân được gửi tới học. “Nếu phe sắp thắng cuộc phải tìm cách triệt hạ một giáo sư chỉ có mỗi một môn . . . võ mồm như tôi thì họ yếu kém và hèn hạ quá. Chẳng khác gì xác nhận mọi điều tôi đã nói với anh em.” “Thầy còn nhớ thầy rượt đánh ông Tuấn Phụ tá Khoa trưởng và phá vỡ kế hoạch lập diễn đàn rước Cộng về của ông ta không? Từ hôm đó, sợ tụi nó hại thầy, tui với mấy anh bạn sinh viên quân nhân thay nhau mang súng kín đáo làm gác đờ co cho thầy.” “Gác đờ co” là người bảo vệ cho một yếu nhân, do tiếng Pháp “garde du corps.” Thì ra tôi còn nguyên vẹn hình hài để ra đi là nhờ Ân và bạn che chở. Mười bảy năm trước, Tuấn cùng học đệ thất (lớp 6) nhưng khác lớp với tôi ở trường trung học Hàm Nghi Huế. Tuấn không giỏi nhất lớp, nhưng được thầy cô rất mực thương yêu vì “nhà nghèo và hạnh kiểm tốt,” trong lúc tôi tứ thời có tên trong bảng phong thần gồm những đứa học trò nghịch ngợm và phá phách. Cuối năm đệ tứ (lớp 9), Tuấn lãnh phần thưởng danh dự toàn trường, mặc dù Tuấn đứng thứ nhì lớp và có ít nhất là sáu học sinh đứng nhất lớp xứng đáng hơn. Trong kỳ thi lấy bằng Trung học Đệ nhất cấp, tôi đậu thủ khoa hội đồng Hàm Nghi với hạng Bình, Tuấn vừa đủ điểm đậu hạng Bình thứ. Lên đệ nhị cấp trường Quốc Học, tôi với Tuấn lại học khác lớp đệ tam (lớp 10). Tuấn khôn khéo luồn lọt và tiếp tục được thầy cô mến chuộng và khen thưởng. Sau khi đậu Tú tài II, Tuấn được cấp học bổng Colombo sang Úc du học ngành hàng không. Tốt nghiệp kỹ sư với hạng cao, đáng lẽ phải về nước, Tuấn khéo léo xoay xở được học bỗng ở lại học tiến sĩ, và lấy vợ đẻ con bên Úc. Cuối năm 1974, Tuấn đưa gia đình về nước và được bổ nhiệm dạy ở Đại học Kỹ thuật. Về trường giữa năm học, trong lúc chờ cắt đặt dạy giảng khóa mới, Tuấn tạm thời làm phụ tá khoa trưởng cho anh Thanh, một chức vụ ngồi chơi xơi nước. Tôi gặp lại Tuấn cuối tháng Ba 1975, khi từng tỉnh miền Trung một lần lượt lọt vào tay Cộng sản; Tuấn kêu gọi thành lập ủy ban cứu trợ sinh viên chiến nạn miền Trung. Ủy ban gồm Tuấn và đại diện năm Ngành nhóm họp, và tôi đại diện Ngành Điện. Không ai biết phải làm gì vì ngân sách và phương tiện không có, và Tuấn chú trọng vào việc ca ngợi “phe bên kia” hơn là giúp sinh viên đói ăn. Tôi về trường mình dùng mọi phương tiện tài chánh có thể kiếm được để giúp đỡ sinh viên đàn em. Tình cờ tôi khám phá ra trong thời gian ở Úc, Tuấn nhiều lần tiếp xúc với tòa Đại sứ Việt Cộng. Tòa đại sứ ấy được thiết lập năm 1972, khi đảng Lao động thiên tả Úc thắng cử lên cầm quyền và công nhận chính quyền Hà nội nhưng vẫn duy trì tòa đại sứ tại Sài gòn. Sáng thứ Bảy 26 tháng Tư, tôi đến trường mà lòng trĩu nặng. Cộng quân năm ngã tiến về Sài gòn, và Quốc hội lưỡng viện thảo luận quyết nghị yêu cầu Tổng thống Xxxx Hoan trao quyền cho Tướng Yyyy Man. Một đám đông tụ họp trong sân Ngành Điện nằm cạnh cổng ra vào khuôn viên Đại học Kỹ thuật, Tuấn đứng giữa kêu gọi sinh viên lên giảng đường khiêng bục giảng và bàn ghế xuống làm sân khấu. Nhìn thấy tôi, Tuấn mừng rỡ, “Ba Hoa ra lệnh cho sinh viên giùm. Họ không biết tôi nên không nghe lời.” “Để làm gì?” tôi gằn giọng hỏi. “Phe bên kia sắp vào tới nơi. Phải mở rộng vòng tay chào đón họ. Đây là cơ hội cho mình lập công chuộc tội,” Tuấn hăng hái trả lời. “Đ.m. mày ăn cơm Quốc gia thờ ma Cộng sản! Đồ vô ơn bạc nghĩa. Mày mà không cút đi, tao đập chết cha mày bây giờ.” Tôi tức giận chỉ mặt Tuấn và nắm tay nhào tới; Tuấn hoảng hốt bỏ chạy. Có tiếng hoan hô tán thành sau lưng; bây giờ tôi nhận ra đó là tiếng của Ân. Ngày 30 tháng Tư, Tuấn là một trong hai giáo sư đón mừng và bàn giao Đại học Kỹ thuật cho “lực lượng tiếp quản.” Người kia là Phụ, một kỹ sư được cấp học bổng Colombo đi Gia Nã Đại du học và về nước cùng thời với Tuấn. Phụ cũng là người quen cũ của tôi – điều tôi không lấy gì làm hãnh diện. Hai kẻ trở cờ này “lập công chuộc tội.” Đồ ăn cháo đái bát! Nguyễn Ngọc Hoa |