Trở về trang Mục Lục

Bản PDF để in

Tập truyện "Bước Phiêu Ngụ"

Lời trần tình của tác giả: Xin lưu ý tập truyện ngắn này không phải là hồi ký, tự truyện, hay tài liệu ghi lại dữ kiện lịch sử. Mọi nhân vật đều được dựng nên, tiểu thuyết hóa cho phù hợp với câu chuyện, và có thể không tương ứng với nhân vật có thực nào. Nhân vật xưng "tôi" không phải chính tác giả mà có thể mang dáng cách, tâm sự, và mơ ước thầm kín của bạn bè cùng thời. Xin đừng liên kết nhân vật trong truyện với bất cứ ai ở ngoài đời.

* * *

09. Hạ Thủ Bất Hoàn

Khi đi di tản, tôi mang theo một thứ không mấy người có; đó là cuốn sổ hoạch định bỏ túi 1975 của hãng General Electric (“GE”) là công ty chế tạo dụng cụ điện lớn nhất thế giới. Phần chính cuốn sổ là lịch từng ngày với vài hàng trắng để ghi chép, và phần sau gồm những dữ kiện cần biết khi đi du lịch; thí dụ như bảng chuyển đổi đơn vị từ mét, kí-lô, và lít trong mét hệ sang foot, pound, và gallon trong hệ thống Anh ở Mỹ, và bản đồ sáu châu và các tiểu bang Hoa kỳ in màu cùng với các chi tiết như dân số và thời tiết của những thành phố lớn trên thế giới. Hai tháng qua, tôi đã dùng cuốn sổ bìa da nhỏ bé này để vẽ vời tương lai đời mình.

Theo lịch trong cuốn sổ GE, hôm nay là ngày hạ chí đêm ngắn và ngày dài nhất trong năm, tức là lúc mùa hè bắt đầu. Tự dưng tôi có cảm tưởng nắng California vàng và chói chang hơn hôm qua và nói điều đó với Quỳnh Châu; nàng cố nín cười,

Ôông dôông của em tối qua nằm mơ thấy cô bồ cũ rồi đâm ra muốn làm thơ nắng Sài gòn anh đi mà chợt mát hay sao?”

“Cô vợ nói tầm bậy tầm bạ một hồi cho hết . . . dễ thương đi. Anh nói có sách mách có chứng,” tôi đưa cuốn sổ cho nàng xem.

“Để em nói anh nghe, hôm qua trời mây mù Nga buồn như một con chó ốm, hôm nay trời có nắng và sáng sủa, nhưng 5 giờ 26 phút chiều nay mới đến điểm hạ chí, và nắng hạ của anh ngày mai mới tới,” nàng cười lớn hơn.

“Tiết trời thay đổi theo sự vận hành của vũ trụ, sá chi vài tiếng đồng hồ?” tôi chịu thua, nhưng cố vớt vát.

“Chứ không phải tại hàng ngày chồng thấy nhà thi sĩ lãng mạn áo lụa Hà Đông rồi tức cảnh sinh tình à?” trông thấy khuôn mặt tiu nghỉu của tôi, Quỳnh Châu nói lảng, “Ngày trước, thời anh dạy em học, em biết anh mê thơ của ông và yêu em mà không dám mở lời. Bao nhiêu đêm em ước mơ anh tỏ tình bằng cách tặng em cuốn Thơ Trường Thạch.”

Người Quỳnh Châu nói là thi sĩ Trường Thạch. Ông là giáo sư dạy triết lớp 12 nổi tiếng Sài gòn, trạc tứ tuần, tướng mập mạp, và hàng ngày mặc áo len trắng dày cộm, đội mũ phớt (do tiếng Pháp “feutre” là một thứ dạ mịn lông dùng làm mũ đội mùa lạnh) che sụp xuống nửa mặt, và mang kính đen ngồi ngoài nắng trên băng ghế sắt trước văn phòng bộ chỉ huy Trại 3. Lúc nào ông cũng trông như đang suy tư, không thèm giao thiệp với ai, và chỉ hơi gật đầu chào nhưng không bắt chuyện với anh Hán là bạn đồng nghiệp ở Sài gòn.

Anh Hán rời đảo Guam với gia đình cô em gái; đến Trại Pendleton, anh dọn sang ở với gia đình tôi như đã hẹn và dự định đi định cư cùng với chúng tôi. Tôi mừng vô kể, nhưng đau lòng vì lúc nào cũng thấy anh buồn tênh. Ngày 28 tháng Tư, anh hẹn vị hôn thê đến điểm hẹn lên tàu Hải quân nhưng đến lúc tàu nhổ neo rời bến vẫn không thấy bóng dáng của chị. Suốt ngày anh hát nghêu ngao,

Em ơi! Chờ anh về
Đừng cho năm tháng xóa mờ thương nhớ
Đêm nao trăng thề, đã vang ước hẹn đẹp lòng người đi.
(Duy Khánh – “Thương Về Miền Trung”)

Mỗi gia đình phải ghi tên với một trong 13 cơ quan thiện nguyện (Voluntary Agency, hay VolAg) có nhiệm vụ giúp tìm bảo trợ; người hay hội đoàn bảo trợ sẽ hướng dẫn và giúp đỡ người tỵ nạn hội nhập xã hội Mỹ. Các VolAg đặt văn phòng trong trailer (nhà rơ-moóc) xúm xít quanh Trung tâm Thủ tục cùng với văn phòng di trú của một số quốc gia như Gia Nã Đại, Pháp, và Colombia. Nhìn tên trên danh sách, tôi lờ mờ nhận ra bốn VolAg đại diện tôn giáo là Hội đồng Công giáo Hoa Kỳ, Cơ quan Giáo hội Thế giới, Cơ quan Di trú và Tỵ nạn Lutheran, và Hiệp hội Trợ giúp Di dân Hebrew. Chín VolAg còn lại tôi hoàn toàn mù tịt, không biết họ đại diện cho tổ chức nào. Không ai chỉ dẫn trường hợp nào thì nên hay không nên nên ghi tên với VolAg nào.

Hình như chỉ có một mình tôi, anh giáo sư “mất dạy” bướng bỉnh, chọn cơ quan Hội nghị Do thái Thế giới mang số 13 nằm cuối danh sách. Về sau tôi mới biết cơ quan đó là một trong bốn VolAg địa phương chỉ có thể giúp người tỵ nạn định cư quanh vùng California chứ không có khả năng bao gồm toàn cõi Hoa kỳ như chín VolAg kia. Một VolAg địa phương khác là Hiệp hội Từ tâm Trung hoa Thống nhất thì thu hút khá nhiều người Việt gốc Hoa.

Tôi liên lạc với Tiến sĩ Robert Crane trước là nhân viên phái đoàn Đại học Missouri-Rolla ở Rolla thuộc tiểu bang Missouri và làm cố vấn bên cạnh Đại học Kỹ thuật Thủ Đức ở Phú Thọ; hai trường kết nghĩa với nhau. Trong hai năm, tôi và anh Bob (như tôi vẫn gọi) làm việc với nhau và viết chung khảo cứu khoa học dựa trên kết quả trong luận án tiến sĩ kỹ sư của tôi. Nay anh dạy ở Đại học Texas tại Arlington, một trong tám trường đại học thuộc Hệ thống Đại học Texas. Anh mừng rỡ viết thư hứa bảo trợ gia đình tôi ra Texas và giúp tôi trở lại trường, viết lại luận án, và tìm một chân dạy học. Mộng ước của tôi tan thành mây khói vì chính phủ chỉ cho phép cá nhân như anh Bob bảo trợ một gia đình tỵ nạn bốn người trở xuống. Gia đình tôi có sáu mạng, kể thêm anh Hán là bảy.

* * *

Sáng ngày mồng bốn tháng Bảy, tôi ngồi trong lều như mọi ngày thì anh Hán bên ngoài chạy về, vừa thở hổn hển vừa cười nhăn nhó,

“Hôm nay là ngày lễ Độc lập của . . . nước mình, tụi bây ơi!”

Tôi nghe mà lòng quặn đau, muốn cười mà không cười nổi. Chúng tôi là kẻ mất quê hương, vô tổ quốc, và không biết “nước mình” là quốc gia nào. Từ đó, những ngày chờ đợi bảo trợ lê thê trở nên dài hơn, tôi không còn hăng hái đi bộ sáu cây số đến văn phòng Hội nghị Do thái Thế giới hỏi thăm tin tức. Cuối tháng Bảy, anh Hán đổi ý và đi Toronto ở Gia Nã Đại để sống gần gia đình người anh cô cậu. Thi sĩ Trường Thạch đi Pháp, vợ chồng ông đều đi học và tốt nghiệp bên Pháp. Chú Hoàng em họ mẹ đến báo tin đi Winnipeg, thủ phủ tỉnh Manitoba của Gia Nã Đại,

Tau nhớ hai đứa con bên Tây Đức quá chừng mà ăn chực nằm chờ ở đây không biết tới khi . Tau xin đi Gia Nã Đại, tụi nó ô-kê (okay) liền cái rụp. Tới nơi, có đủ tiền mua vé máy bay là tau vù đi thăm con.”

Một hôm tôi tình cờ đi ngang qua và tò mò nhìn vào văn phòng di trú Colombia; nước này nằm ở tây bắc Nam Mỹ và có đất và lãnh thổ ở Bắc Mỹ, và dùng tiếng Tây Ban Nha như tất cả các quốc gia Trung Mỹ và Nam Mỹ khác, ngoại trừ Ba Tây nói tiếng Bồ Đào Nha. Tôi rất đỗi ngạc nhiên khi thấy nhân viên phụ trách là một người Việt trạc ngũ tuần và lại là một nhân vật tiếng tăm là Bác sĩ Xxxx Đính. Ông là chính khách đối lập và bị giam tù dưới thời Đệ nhất Cộng hòa; sang Đệ nhị Cộng hòa, ông tham chính và từng giữ chức Tổng trưởng và Phó Thủ tướng kiêm Quốc vụ khanh. Quốc vụ khanh là tổng trưởng không giữ bộ nào, phụ trách dự án đặc biệt, và được xem như phụ tá cho tổng thống.

Tôi hỏi thăm chi tiết và thử nộp đơn xin nhập cư Colombia. Văn phòng chỉ có một mình Bác sĩ Đính, và tôi là ứng viên duy nhất. Ông vừa đọc lý lịch của tôi vừa hỏi chuyện gia đình riêng tư, trong lúc tôi tẩn mẩn hỏi han cuộc đời chính trị của ông. Ông bắt đầu hoạt động chống Pháp vào thập niên 1940, và làm Cố vấn Chính trị cho Quốc trưởng hơn hai năm và giữ chức Bộ trưởng Thông tin một thời gian trong chính phủ Quốc gia Việt nam. Ông lưu vong từ Âu sang Á, viết báo và diễn thuyết vận động dư luận ủng hộ Việt nam, chống thực dân Pháp, và đòi độc lập hoàn toàn cho các quốc gia bị Pháp đô hộ. Sau Hiệp định Giơ-Neo (Genève) 1954, Thủ tướng Yyyy Diện mời ông về tham gia nội các. Để trả lời câu hỏi của tôi, “Tại sao bác không cộng tác với chính phủ cụ Diện mà chọn tư thế đối lập để rồi bị cụ kiếm cớ bỏ tù?” ông ngả người tựa vào lưng ghế và lim dim mắt,

Tháng Chín 1955 tôi về nước và vào dinh Độc lập gặp ông Diện. Trong khi ông ta tiếp kiến tôi, Chánh Văn phòng vào cho biết có một bộ trưởng muốn trình việc khẩn cấp; ông Diện gật đầu. Vị bộ trưởng rón rén bước vào và, thay vì đi thẳng từ cửa phòng đến bàn giấy thủ tướng, lại đi vòng ven theo tường khiến đường đi dài hơn; thật là lạ! Khi vị bộ trưởng đến gần bàn giấy, ông Diện đứng dậy kéo ra một góc phòng nói chuyện. Sau khi được ông Diện gật đầu đồng ý, vị bộ trưởng kính cẩn cúi đầu và trịnh trọng bước ra khỏi phòng. Thay vì quay lưng đi ra, ông ta đi giật lùi từng bước và xuýt vấp vào mấy cái ché lớn chưng trong phòng.

Tôi hỏi ông Diện vì sao vị bộ trưởng có tác phong lạ lùng như vậy, ông ta cười nói, “Cứ để tụi hắn sợ mình như rứa cho dễ trị.” Khi tôi ngỏ ý đối lập xây dựng, ông ta không vui, và cuộc đàm thoại trở nên gượng gạo. Sau đó, tôi trở thành kẻ thù của chính phủ.

Một tuần sau khi nộp đơn, tôi trở lại và được Bác sĩ Đính cho biết chính phủ Colombia đã nhận gia đình tôi. Hệ thống Đại học Quốc gia Universidad Nacional de Colombia nhận vợ chồng tôi làm giáo sư tại trường chính ở thủ đô Bogotá. Chúng tôi sẽ được cấp nhà riêng trong cư xá giáo sư và năm đầu tiên đi học tiếng Tây Ban Nha và chưa phải nhận nhiệm vụ giảng huấn. Tôi hỏi, “Với tư cách là người đồng hương tỵ nạn, bác thấy con có nên đi hay không?” Ông ngẫm nghĩ một lát rồi nói, “Hay anh cứ đi xuống đó thử coi sao.”

Tôi phân vân không biết nên đi hay ở lại trại và viết thư hỏi ý kiến Triết em trai tôi và thằng Công bạn học từ hồi ngoài Huế. Triết là em kế thằng Sang, rời Sài gòn du học năm 1972, đang học năm thứ ba ngành kỹ sư hóa học thì phải bỏ học đi làm thợ tiện để sinh sống ở Houston thuộc tiểu bang Texas, và thuê apartment (căn phòng ở bin-đinh) ở chung với bạn. Em tôi trả lời,

Em bàn dự định đi Colombia của anh với mấy tên roommates ở chung nhà. Đứa nào cũng excited [khích lệ, phấn khởi] về cơ hội kỳ thú hiếm có của anh chị. Colombia nằm gần xích đạo, nhưng Bogotá ở trên cao nguyên nên khí hậu mát mẻ như Đà Lạt.

Thằng Công ngồi cạnh tôi ở dãy bàn đầu lớp đệ tam (lớp 10) B3 trường Quốc Học Huế. Chúng tôi chơi với nhau rất thân, nhưng trong việc học hành thì tranh đua hết mình để giành danh hiệu “đệ nhất cao thủ” do bạn bè phong tặng. Hai thằng thi đậu vào trường kỹ sư điện và học chung với nhau. Ra trường nó đi du học lấy bằng Cao học ở Đại học Missouri-Rolla rồi xuống Dallas thuộc tiểu bang Texas học tiến sĩ và đồng thời làm việc cho hãng Texas Instruments là một công ty điện tử lớn bậc nhất Hoa kỳ. Thư của thằng Công nói,

Tau thấy lúc này mi không nên đi Colombia hay quốc gia nào khác. Mi có cơ hội định cư tại một nước hàng đầu thế giới mà sao lại tính di cư qua một nước chậm tiến thuộc thế giới thứ ba?

Vài hôm sau, lòng hoang mang lưỡng lự, tôi đi ngang qua một căn lều và nghe tiếng hai người đánh cờ tướng đang cãi nhau. Người lớn tuổi la lên,

“Chiếu tướng! Mày thua đứt đuôi con nòng nọc rồi.”

“Lúc nãy tui lóng cóng tấn Mã trúng họng Pháo bị bác nổ đùng, tui xin hoàn mà bác nhất định không cho. Bác mà cho hoàn thì chưa chắc tui đã thua,” người thanh niên trẻ ấm ức.

“Luật cờ tướng là hạ thủ bất hoàn cầm quân nào đi quân đó, xuống tay rồi không thể thối lui. Đánh cờ giống như cầm quân đánh giặc, khi đã ra quân thì phải tiến tới chớ rút lui là thác gấp. Vì vậy, phải kiên nhẫn và suy nghĩ kỹ càng, đừng sớn sác mà hỏng cả cuộc cờ,” câu nói của người lớn tuổi như thể dành cho tôi.

Tôi bỗng quyết định dứt khoát và vui vẻ nhảy cẫng về lều. Tôi sẽ không đi Colombia vì cuộc hành trình sẽ bất hoàn, muốn về lại sống ở Hoa kỳ cũng khó lòng. Tôi không trở lại văn phòng Colombia dù rất thèm nghe thêm chuyện đời chính trị của Bác sĩ Đính. Hú hồn!

Nguyễn Ngọc Hoa
Ngày 28 tháng Tám, 2019

Trở về đầu trang