![]() |
Tập truyện "Đời Phiêu Ngụ" Lời trần tình của tác giả: Xin lưu ý tập truyện ngắn này không phải là hồi ký, tự truyện, hay tài liệu ghi lại dữ kiện lịch sử. Mọi nhân vật đều được dựng nên, tiểu thuyết hóa cho phù hợp với câu chuyện, và có thể không tương ứng với nhân vật có thực nào. Nhân vật xưng "tôi" không phải chính tác giả mà có thể mang dáng cách, tâm sự, và mơ ước thầm kín của bạn bè cùng thời. Xin đừng liên kết nhân vật trong truyện với bất cứ ai ở ngoài đời. * * * 10. Thẳng Thắn Thật Thà Thành Thua Thiệt Cuối tháng Sáu, chỉ một sớm một chiều, tiết trời mùa hè xuất hiện ở nam California. Ban ngày bầu trời trở nên trong xanh và cao, nắng bỗng vàng hơn, và khoảng bốn, năm giờ chiều trời nóng như trưa Sài gòn. Tuy nhiên, khi mặt trời thấp xuống sau dãy núi, trời mát nhanh và trở lạnh về đêm. Không khí phảng phất những sợi khói mỏng gió đưa lại từ những đám cháy rừng rất lớn ở phía bắc Los Angeles, thành phố cách Trại Pendleton khoảng 100 dặm Anh về phía đông bắc. Trại khuyến cáo các em nhỏ, người lớn tuổi, và người có bệnh hô hấp không nên ra khỏi ba-rắc. Một phần do ảnh hưởng của thời tiết, người cao niên nhất trại là cụ bà Xxxx Tám 110 tuổi lâm bệnh tạ thế và được mai táng ở nghĩa địa Eternal Hills (Dãy Đồi Vĩnh cửu) thuộc thành phố Oceanside kế cận. Đối với tôi, hình ảnh khó quên nhất trong trại là hàng người dài như rồng rắn ngoằn ngoèo quanh nhà bàn hai, ba vòng khi bữa cơm chiều có thịt gà. Mọi người kéo nhau đi ăn sớm và ăn xong trở lại sắp hàng ăn thêm đôi ba lần nữa khiến nhà bếp luôn tay chiên gà mà không tài nào cung ứng kịp. Chẳng bù cho cảnh nhà bàn vắng hoe khi có món cá không hợp khẩu vị. Người ta kể ở Trại 5, nơi số cựu quân nhân Việt nam Cộng hòa tụ lại đông đảo nhất, sau vài bữa cơm chiều có cá, người tỵ nạn hò nhau đứng biểu tình trước bộ chỉ huy Trại Pendleton đòi hỏi nhà bàn phải có món thịt gà khoái khẩu. Họ không biết rằng ở Hoa kỳ thịt gà là món ăn rẻ nhất trong số các món thịt cá tươi. Bữa cơm chiều có đầy đủ sữa tươi và cam táo chuối thơm ngon. Khi lấy chuối, tôi được chỉ cho biết chuối chín ăn ngon nhất khi vỏ vừa có tàn nhang. Nhưng nếu muốn ăn chuối chín ngon như thế, tôi sẽ phải mang chuối về lều để dành. Điều đó trái với điều lệ của trại vì ngoài vấn đề vệ sinh là để qua đêm có thể bị hư ăn vào sinh bệnh, thức ăn còn có thể mời gọi côn trùng hay thú vật bên ngoài vào. Tôi nhất định không mang chuối về lều và bị chê là “nhát như cáy.” Những người mang thức ăn ra khỏi nhà bàn nhởn nhơ ưỡn ngực tự phụ, “Mấy thằng lính Mỹ con nít sức mấy mà dám làm gì mình.” Nhà bàn có cháo thịt bữa sáng và chop suey (đọc là “chóp xuy”) bữa trưa. Chop suey là một món ăn gồm có thịt (gà, cá, bò, tôm, hay heo) xào với rau cải như giá, cải bắp, và cần tây trong nước bột đánh sền sệt. Chúng tôi cũng có dịp làm quen với các món ăn như bacon (thịt heo muối hay xông khói), hot dog (xúc xích nóng kẹp vào bánh mì mềm), và hamburger (thịt băm viên kẹp bánh mì), nhưng chỉ có bọn thanh niên mới sẵn lòng ăn thử, người lớn tuổi hơn thì giữ vững lập trường . . . quốc gia và chê “đồ Mỹ.” Thỉnh thoảng các hội từ thiện đem quần áo cũ vào trại phân phát; quần áo chùa thì hoặc là rộng quá khổ hoặc là mặc vào trông không giống ai nên chẳng đặng đừng mới dùng tới. Chẳng hạn như lúc rời Sài gòn thằng Sang chỉ có mỗi một bộ áo quần trên người nên hơn hai tháng nay cứ phải diện áo sơ-mi Hạ Uy Di có hình chim cò hay hoa hòe hoa sói. Hai bộ áo quần Lâm và Trọng mang theo cũng đã rách bươm, hai em đành mặc đồ từ thiện và làm như ta đây bất cần bề ngoài. Tuy nhiên những chiếc quần ca-ki đàn ông khổng lồ lại hữu ích, Quỳnh Châu và Bình có sáng kiến xin về tháo chỉ ra lấy vải may thành túi xắc để thay thế các túi xắc quá tả tơi vì lâu nay lăn lóc dãi dầu. Tôi có dư giả thì giờ để viết thư cho bạn ở khắp nơi trên thế giới và hàng ngày ghé trạm quân bưu với năm, sáu cái thư. Thư đi thì gửi miễn phí qua hệ thống quân bưu, và thư đến được lính Thủy quân Lục chiến mang giao tận lều. Nhưng đã nhất là những cú gọi điện thoại “collect” viễn liên. Sau bữa ăn chiều, tôi đứng sắp hàng trước phòng điện thoại công cộng để gọi bạn ở Mỹ và Gia Nã Đại. Chỉ cần quay số không (“0”) tới tổng đài và nói tên mình và số điện thoại muốn gọi. Nhân viên tổng đài gọi số bên kia, hỏi khổ chủ có đồng ý nhận (trả tiền) cú điện thoại đó hay không, và khi được chấp nhận, nối vào cho tôi tha hồ than thở và kể khổ. Đôi khi đường dây bận hay người nhận chưa kịp trả lời, nhân viên tổng đài dịu dàng nói với tôi, “Please hang on.” Lần đầu tiên, tôi băn khoăn “Làm ơn bám chặt lấy (hang on)” là sao và hỏi lại, “Trong cái phòng nhỏ này không có dây nhợ hay tay vịn gì cả, cô bảo tôi ‘bám chặt lấy’ ở chỗ nào?” Cô tổng đài cười xòa giải thích trong lời nói thông tục của người Mỹ, “hang on” nghĩa là “giữ máy (dây nói).” Điều này Tự Điển Anh-Việt của Nguyễn văn Khôn không hề nói. Một tuần sau khi đến Trại Pendleton, tôi nhận được thư thằng Công, người bạn thân từ thuở đệ tam (lớp 10) Quốc Học Huế. Nó gửi kèm trong thư tờ bạc một trăm đô-la mặt trước in hình Benjamin Franklin (1706 – 1790), một nhà bác học và vị khai quốc của Hoa kỳ. Quỳnh Châu chun mũi đùa, “Hôm nay chồng em thành . . . trăm phú!” Thực vậy, tôi trở nên “giàu có” và không biết tiêu gì cho hết món tiền này. Một bịch thuốc lá Pall Mall Phải Anh Là Lính Mời Anh Lên Lầu không có đầu lọc mười gói mua trong pi-ếch (PX) có một đô-la hai mươi xu ($1.20), một xâu bia Budweiser sáu lon giá một đô-la ($1.00), và một hộp kim chỉ để may vá cũng không hơn một đô-la.
Tôi cảm động và biết ơn sự rộng rãi của bạn. Đối với một sinh viên vừa đi học vừa đi làm nuôi vợ và hai đứa con gái nhỏ như thằng Công, đó là không phải là số tiền nhỏ. Phương chi nó còn gia đình bà mẹ vợ và gia đình người anh lớn hiện nằm trong trại tỵ nạn Đồn Chaffee ở tiểu bang Arkansas; họ cũng chờ nó giúp đỡ. Thằng Công lớn hơn tôi một tuổi và biết yêu sớm hơn nhiều. Dạo học đệ tam, cuối tuần nó chịu khó đạp xe đạp về thăm quê ở Phú Lộc gần núi Túy Vân. Sáng thứ Hai, nó kể cho tôi nghe chuyện cùng con bồ ban đêm ra đụn cát chuyện trò và ngắm trăng và sáng Chủ nhật đi chùa Túy Vân. Con bồ là Phương Thảo, nhà ở Phú Lộc nhưng lên Huế ở trọ nhà ông chú họ để đi học trường Đồng Khánh. Ông chú nàng là cha của Khánh Phương, bạn hàng xóm của tôi ở xóm Mang Cá nay thành vợ chú Hoàng em họ của mẹ. Tôi chứng kiến mối tình thơ ngây và thơ mộng của thằng Công và Phương Thảo lớn dậy và ngày ngày làm “chim xanh” đưa thư tình qua lại cho hai đứa. Thằng Công thi đậu vào trường kỹ sư và vào Sài gòn học, trong khi Phương Thảo ở lại Huế học Đại học Sư phạm. Thằng Công được nhận dạy kèm cho Bách Hoa con gái đầu lòng của một gia đình giàu có. Mẹ Bách Hoa là quả phụ của một sĩ quan cao cấp đã tử trận và là một nhân vật có thế lực; bà đã phỏng vấn nhiều sinh viên mới kén được thằng Công. Vừa ăn ở tại nhà vừa lãnh tiền công dạy học, nó được cơm bưng nước rót và cho ở riêng trong căn phòng nhỏ khang trang trên sân thượng có giường nệm, bàn học, tủ sách, và quạt máy. Que Será, Será (việc gì đến, sẽ đến), tôi thương con bồ đẹp đẽ hiền hậu dễ thương của thằng Công và giận không thèm nói chuyện với nó cả năm trời khi nó đoạn tình với nàng. Đám cưới linh đình của Bách Hoa và thằng Công cử hành trước khi nó lên đường đi Hoa kỳ học cao học điện toán. Vài tháng sau, bà mẹ vợ gửi Bách Hoa sang “du học” sống với nó. Riêng về Phương Thảo, mới đây thím Khánh Phương rưng rưng nước mắt cho biết, “Con nớ tội lắm Ba Hoa ơi. Ra trường hắn về Đồng Khánh dạy lại và ở rứa (ở vậy) không thèm ưng ai. Ngày 26 tháng Ba thành phố Huế và tỉnh Thừa Thiên thất thủ, hắn theo đoàn người chạy loạn vô Đà Nẵng. Giữa đường, xe bể phanh (thắng) chạy tuôn xuống dưới đèo Hải Vân; không ai biết số phận những kẻ bạc phước dưới thung lũng sâu ra răng.” * * * Tôi mừng không biết để đâu cho hết khi gặp lại thằng Tú trong hàng chờ ăn cơm chiều. Nó là người bạn thương phế binh thân thiết tôi ghé thăm mỗi tuần ít nhất là một lần trong ba năm qua. Nó ở Trại 3 như tôi, nhưng ở trong ba-rắc và đi ăn khác giờ nên hơn một tuần nay mới gặp tôi. Hai thằng sung sướng rớt nước mắt; nó kể lại, “Sáng sớm ngày ba mươi tháng Tư, tao lo quá bèn chạy xe đến nhà tìm mày; ông bà già nói mày đi rồi. Tao về nhà quơ vội chiếc xắc tay chở con Phụng ra bến tàu bỏ xe trên bờ rồi nhảy lên chiếc xà-lan sắp chạy ra chiếc tàu Hải quân lớn giữa sông, và vậy là ‘ông’ theo tàu ra đi.” “Sao tao không gặp mày ở đảo Guam?” tôi ngạc nhiên hỏi. “Thương thuyền chở hàng của Mỹ chở ‘ông’ từ vịnh Subic ở Phi Luật Tân đi thẳng đến đảo Wake vì lúc đó Guam đã đầy người. Trại Wake chỉ chứa chừng năm, sáu ngàn dân tỵ nạn; nhưng nhờ vậy mà tao đến đây sớm hơn mày.” Wake là hòn đảo san hô nhỏ ở phía tây Thái bình dương và cách đảo Guam khoảng 2,400 cây số về phía đông. Tôi không ngạc nhiên, nhưng không khỏi xót xa khi thấy thiếu nữ tay trong tay với thằng Tú là Hồng Phụng mà không phải là người yêu từ thuở nó còn đi học là Thanh Phú. Trong gần mười năm qua, Thanh Phú yêu bạn tôi bằng mối tình trong sạch và thanh cao nhất và hy sinh tất cả cho nó. Nó đi lính lên tới trung úy làm đại đội trưởng đánh giặc ở chiến trường miền Tây và bị thương phải cưa chân quá đầu gối, cô sinh viên văn khoa bỏ học về Cần Thơ vào sống trong quân y viện nuôi nó hơn ba tháng trời. Ra khỏi bệnh viện và giải ngũ, nó về Sài gòn chống đôi nạng gỗ khập khiễng đi ghi danh học ở Đại học Văn khoa. Với sự giúp đỡ hết lòng của người yêu, nó kiên trì vượt qua mọi khó khăn về thể chất cũng như tài chánh. Thằng Tú miệt mài đèn sách và niên khóa vừa qua học “chứng chỉ” cuối của chương trình Cử nhân Giáo khoa Văn chương Anh mà khi hoàn tất có thể xin dạy trung học đệ nhị cấp trường công lập mà không cần tốt nghiệp đại học sư phạm. Thanh Phú đã đậu Cử nhân Giáo khoa Việt Hán, được bổ làm giáo sư trường trung học Trịnh Hoài Đức ở Bình Dương, đi đi về về, và ghé thăm thằng Tú vào cuối tuần. Bạn tôi ở trọ tại nhà Hồng Phụng và dạy kèm cho nàng, cô học sinh trường nữ trung học Lê văn Duyệt người Nam duyên dáng xinh xắn và tính tình cởi mở. Lửa gần rơm không trèm cũng trụa, lửa lòng bùng dậy khiến đôi nam nữ lỡ chân và không còn giật lùi lại được nữa, và lương tâm không cho phép bạn tôi lựa chọn con đường nào khác. Vẫn cái giọng nói ngạo nghễ ngày nào, thằng Tú khoe, “Lúc cái chân què này trèo thang lưới lên tàu Hải quân, túi xắc đựng giấy tờ lọt mẹ nó xuống sông. Qua đến đây làm thủ tục tụi tao khai là vợ chồng, đỡ mất công làm đám cưới. Phụng nó khoái tĩ lắm!” Khoảng mười năm sau cuộc đổi đời, Thanh Phú tìm được địa chỉ và viết thư cho tôi. Nàng cho biết, “Sáng ngày 30 tháng Tư, tôi đến nhà trọ tìm Tú, người nhà Phụng nói Tú vừa ra đi trước đó chừng mười phút đồng hồ.” Theo lời khuyên của cha mẹ, nàng kết hôn với một sinh viên văn khoa lớp trên và nay đã có bốn cậu con trai. Cuối thư, nàng nhờ tôi chuyển cho thằng Tú bài thơ, Cây bưởi kia còn nhớ trắng hoa, Tại sao tạo hóa lại bất công với hai thiếu nữ ngoan hiền như Phương Thảo và Thanh Phú như thế? Nhiều người nói đó là mặt thật của cuộc đời – xe la vi (“c’est la vie” tiếng Pháp) – vào thời buổi chiến tranh trai thiếu gái thừa và Nghĩa nhân mỏng dánh như cánh chuồn chuồn, Nhưng có người cho rằng giải đáp nằm trong câu nói thông dụng của người Mỹ: Kẻ tử tế về sau rốt (“Nice guys finish last”) trích dẫn lời của quản lý đội dã cầu Brooklyn Dodgers là Leo Ernest Durocher (1905 – 1991) nói năm 1946. Nghĩa là trong cuộc tranh tài hơn kém, kẻ thẳng thắn thật thà thành thua thiệt; trong tình trường “nice guys” khó lòng đánh bại tình địch. Tôi nghi cả hai bên đều đúng. Nguyễn Ngọc Hoa |