![]() |
Tập truyện "Đời Phiêu Ngụ" Lời trần tình của tác giả: Xin lưu ý tập truyện ngắn này không phải là hồi ký, tự truyện, hay tài liệu ghi lại dữ kiện lịch sử. Mọi nhân vật đều được dựng nên, tiểu thuyết hóa cho phù hợp với câu chuyện, và có thể không tương ứng với nhân vật có thực nào. Nhân vật xưng "tôi" không phải chính tác giả mà có thể mang dáng cách, tâm sự, và mơ ước thầm kín của bạn bè cùng thời. Xin đừng liên kết nhân vật trong truyện với bất cứ ai ở ngoài đời. * * * 11. Bay Đi Tổ Quốc Không Gian Ngày mồng bốn tháng Bảy, Trại Pendleton âm thầm ăn mừng lễ Độc lập Hoa kỳ: Cờ Mỹ được trương lên trước văn phòng bộ chỉ huy mỗi trại và các ba-rắc, và ngày lễ (nhằm thứ Sáu) nhà bàn có thêm món thịt nướng và bánh nướng nhân táo. Khoảng gần nửa đêm, Quỳnh Châu gọi các em ra đứng ngoài trời xem bắn pháo bông ở thành phố Oceanside kế cận, nhưng tôi và anh Hán ngồi yên trong lều trông người lại ngẫm đến ta và cảm thấy dâng tràn nỗi tủi nhục của kẻ mất nước lưu vong nơi xứ người. Tuần lễ tiếp theo, cuộc biểu tình hàng đêm ở Trại 2 trở nên sôi động và inh ỏi; trại này có một khu dành riêng cho những người yêu cầu được hồi hương. Sau bữa cơm chiều, tôi và anh Hán thả bộ ghé qua và tò mò nhìn vào căn lều hội họp của họ nằm cạnh đường chính; đó là chiếc lều lớn có thể chứa trên một trăm người. Một ông cựu thiếu tá tên Tân trạc bốn mươi tuổi trước làm việc ở bộ Tổng Tham mưu đứng đằng trước hoa chân múa tay, “Bọn Mỹ trí trá, không bao giờ giữ lời hứa; nó giam mình trong các trại tù như thế này hai tháng rồi. Mình xa quê hương, mong đoàn tụ với gia đình, và muốn về thì nó hứa nhăng hứa cuội. Nếu thực lòng, nó thiếu gì tiền của và máy bay, cho mình về lúc nào mà chẳng được? Tôi đứng ra tuyệt thực và tổ chức tranh đấu bên trại Đồn Chaffee, nhờ vậy nó mới đưa cả nhóm sang đây, hứa hẹn chuẩn bị cho mình về. Nhưng mình cần đề cao cảnh giác đừng để nó trở mặt gạt gẫm nữa. Anh em đừng lo, chính phủ ‘Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt nam’ sẽ rộng lòng chào đón mình; đánh kẻ bỏ đi, không ai đánh người chạy lại.” Có đôi ba tiếng vỗ tay lẻ tẻ, nhưng phần đông im lặng và lạnh nhạt nhìn diễn giả. Anh Hán chỉ vào đám đông trong lều, “Anh Tân này và khoảng 180 người khác vừa ở bên tiểu bang Arkansas chuyển sang đây hôm qua. Cậu nhớ lúc mình ở trại Orote Point, đã có khoảng một ngàn người làm đơn xin về Việt nam. Anh này đã rời đảo Guam vào trại tỵ nạn ở (lục địa) Hoa kỳ rồi mới đòi về. Nay chính phủ Mỹ đưa những người tương tự như anh ta từ ba trại kia tới tập trung ở đây để đưa họ trở lại Guam cùng một lượt.” “Ông này cấp bậc khá cao và không còn trẻ nữa, khó lòng mà lầm lỡ hay bị bắt buộc ra đi như một số thủy thủ tàu Hải quân. Sao bây giờ quay ra chửi bới và đổ tội cho Mỹ? Lại vờ ngây thơ bảo rằng chỉ cần máy bay Mỹ chở họ về Sài gòn là thằng Việt Cộng dang tay đón tiếp!” “Hầu hết những người đó thực sự vì thương nhớ gia đình mà xin về, nhưng thế nào cũng có bọn kia trà trộn vào để sách động phá thối; không biết anh này thuộc loại nào. Chính phủ Mỹ không có liên hệ ngoại giao với Việt Cộng nên yêu cầu Cao ủy Tỵ nạn Liên hiệp quốc điều đình xin chúng nó nhận người trở về và không bạc đãi, truy tố, hay bỏ tù họ. Chưa biết rồi sẽ tới đâu.” Tôi và anh Hán sắp đi về thì một thanh niên trạc hăm hai, hăm ba tuổi từ trong lều chạy ra gọi với, “Thầy Hán, thầy Ba Hoa . . . Hai thầy nhớ em không?” “A thằng Lê, mày học với tao từ năm đệ lục (lớp 7) đến năm đệ tứ (lớp 9) ở trường Thánh Thomas trên đường Trương Minh Ký, sao lại không nhớ?” anh Hán ngoảnh lại. “Anh học Vật lý đệ tam (lớp 10) với tôi và lên Đại học Y khoa Minh Đức lại đụng tôi dạy Thực tập Vật lý, có bao giờ lọt sổ anh giáo quèn này đâu. Anh làm gì trong đó?” tôi tiếp lời anh Hán. “Em ở trong nhóm từ trại Đồn Chaffee qua đây, nhưng không biết bao giờ được về, hay có về được hay không,” giọng nói Lê buồn tênh. Tôi hỏi người học trò cũ, “Tại sao đang học y khoa ngon lành mà anh lại bỏ dở nửa chừng?” “Hồi đó em sắp bị gọi động viên nên tình nguyện đi Không quân và được gửi qua căn cứ Không quân Lackland ở tiểu bang Texas học lái khu trục cơ A-37. Em về nước cuối năm ngoái và phục vụ trong Không đoàn Chiến thuật XX ở căn cứ Bình Thủy dưới Cần Thơ.” “Mày lái oanh tạc cơ tấn công, làm sao ra khỏi Việt nam? Hay cũng tìm tàu Hải quân leo lên chạy như tụi tao?” anh Hán cười cười. “Dạ sáng ngày 29 tháng Tư, em bay A-37 qua căn cứ U-Tapao bên Thái Lan.” Lê trả lời trước hai đôi mắt tròn xoe ngạc nhiên của tôi và anh Hán. Căn cứ Không quân U-Tapao (còn viết là Utapao hay U-Taphao) được Hoa kỳ xây nên để làm căn cứ cho phi cơ oanh tạc B-52 đi giội bom trong cuộc chiến. Nước mắt lưng tròng, Lê thuật lại cuộc di tản của Không quân Việt nam Cộng hòa (“VNCH”) mà châm ngôn “Tổ quốc - Không gian” ghi khắc trong tâm khảm chàng phi công trẻ tuổi. * * * Sau Hiệp định Paris 1973, Hoa kỳ rút quân ra khỏi Việt nam và chuyển giao một số lượng chiến cụ khổng lồ cho quân lực VNCH, và Không quân VNCH lớn thành không lực hùng mạnh đứng hàng thứ tư trên thế giới, từ 482 phi cơ năm 1969 thành 2,276 chiếc năm 1973. Khi miền Trung thất thủ, Cộng quân tốn rất ít đạn mà chiếm đoạt ngon ơ 933 chiếc phi cơ còn nguyên vẹn, đủ trang bị cho không lực trung bình của vài quốc gia trên thế giới. ![]() ![]() Hoa kỳ lo ngại khi VNCH mất, Cộng sản sẽ nuốt trọn số phi cơ hiện đại và tối tân còn lại, đáng giá nhất là hàng trăm khu trục cơ phản lực A-37 Dragonfly (Con Chuồn chuồn) nhỏ mà có khả năng tấn công hữu hiệu và khu trục cơ siêu âm F-5 Freedom Fighter (Chiến sĩ Tự do) mới tinh khôi. Cuối tháng Tư 1975, Phụ tá Bộ trưởng bộ Quốc phòng Hoa kỳ Erich von Marback bí mật đến Sài gòn họp với viên chức cốt yếu của Không quân VNCH và vạch kế hoạch đưa ra khỏi Việt nam “càng nhiều chiến cụ càng tốt.” (Sứ giả mật Richard Lee Navitage thi hành sứ mạng tương tự với Hải quân VNCH.) Các phi công VNCH có trong tay phương tiện di chuyển ra khỏi nước nhanh chóng và dễ dàng, họ công khai thảo luận kế hoạch di tản cá nhân, và cấp chỉ huy biết rõ, tuy không khuyến khích nhưng cũng không trách phạt, chắc hẳn cũng có dự định tương tự. Phi cơ trực thăng có lợi điểm là có thể đáp xuống bất cứ nơi nào nên phi công chỉ cần dàn xếp điểm hẹn đón gia đình. Phi công lái phi cơ có cánh cố định (cần phi đạo mới cất cánh và hạ cánh được) thì phải tính cách đưa gia đình vào trong căn cứ và nghiên cứu các nơi có thể bay đến; U-Tapao tương đối gần và tiện lợi nhất. Trong bộ đồ bay áo liền quần, những phi công định ra đi thủ sẵn các giấy tờ cần thiết, kể cả chứng chỉ tốt nghiệp phi hành, để làm lại cuộc đời ở ngoại quốc. Chiều 28 tháng Tư, Lê bay từ Bình Thủy đi yểm trợ một đơn vị bộ binh bạn và khi quay về thì mức nhiên liệu xuống thấp không đủ về căn cứ nhà nên phải đáp xuống căn cứ Tân Sơn Nhứt ngủ lại đêm. Ba giờ rưỡi sáng ngày 29, khi đợt pháo kích đầu tiên của Việt Cộng rung chuyển mặt đất, chàng nhổm dậy vừa nhảy xuống hầm trú ẩn vừa mặc vào bộ đồ bay. Đợt pháo kích dứt, chàng chạy ào vào trung tâm hành quân để theo dõi tình hình và chờ lệnh. Chín giờ 45 sáng, ban Tình báo căn cứ loan báo đợt pháo kích sắp tới sẽ vô cùng nặng nề. Đó là hiệu lệnh giờ G đã điểm, phi công đua nhau chạy tìm phi cơ để ra đi. Lê tìm thấy một chiếc A-37 đầy đủ nhiên liệu và nhảy vào, một người bạn phi công và một anh hạ sĩ quan bảo trì nhảy lên theo. Cả ba ngồi nêm cứng trong chiếc phi cơ hai chỗ ngồi, hai người kia sẽ không thể nhảy dù ra ngoài nếu phi cơ bị bắn hạ. Lê mở máy chạy ra phi đạo dưới làn đạn pháo kích, một số hỏa tiển không - không (gắn trên phi cơ chiến đấu để phóng đi tấn công phi cơ địch) nằm chình ình giữa đường, và bình xăng rỗng không vứt bừa bãi khắp nơi. Đài kiểm soát không lưu không người điều hành, phi công gọi xin chỉ dẫn không ai trả lời, và mạnh ai nấy cất cánh. Một chiếc phi cơ vận tải chở đầy người chạy dọc theo phi đạo, tăng dần tốc độ, nhưng cuối cùng không thể rời khỏi mặt đất và ũi mạnh vào thành cản ở cuối phi đạo rồi bốc cháy nghi ngút: Trong lúc hoảng hốt, phi công quên lấy khóa kiểm soát của phi cơ ra. Ở hướng bắc về phía Gò Vấp, các kho đạn bị phá hủy tạo thành những tháp lửa đầy khói đen. Lê tăng tốc độ chiếc A-37 lên tối đa và cất cánh bay về hướng tây. Bay đi các cánh chim của Tổ quốc Không gian: trực thăng về hướng đông ra biển, các phi cơ khác về hướng tây sang Thái Lan. Tổng cộng có tất cả 165 phi cơ lớn nhỏ đủ loại hạ cánh ở U-Tapao, và căn cứ trở thành trại tỵ nạn tạm thời cho hơn 3,900 người kinh hoảng và đói khát. Kể đến đây, Lê lim dim mắt nhớ lại, “Chính phủ Thái sợ sốt vó đòi trục xuất người Việt ra khỏi Thái Lan ngay lập tức. Hôm sau, 21 chiếc phi cơ vận tải loại lớn nhất được phái tới U-Tapao ‘bốc’ hết sang ‘Thành phố Lều’ bên đảo Guam.” “Đã sang tới đây, sao mày xin về?” anh Hán hỏi xẳng. “Em nhớ nhà quá. Cha mẹ em lớn tuổi mà ba đứa em em còn nhỏ,” Lê rưng rưng nước mắt. “Bộ mày tưởng tụi nó sẽ cho mày về nhà gặp gia đình à? Nhà tù chờ sẵn, mày đút đầu vào thòng lọng chứ không ai ép buộc đâu nhé,” anh Hán lớn tiếng. “Dạ em biết mà thầy,” Lê nói xụi lơ. Cuối tháng Bảy, anh Hán đi Toronto bên Gia Nã Đại. Một buổi sáng, tôi không còn thấy đám người biểu tình bên Trại 2, và yên lặng ban đêm trả lại cho người ở lại. * * * Tám năm sau, tôi có dịp viếng thăm nam California và được một người bạn cũ mời đến nhà chơi. Anh Tiến lớn hơn tôi bảy tuổi quê ở Nha Trang và học cùng lớp với tôi ở trường kỹ sư, nhưng hết năm đệ tam niên thì bộ Quốc phòng khám phá ra anh đã bị gọi động viên vài năm trước. Anh không được tiếp tục học và phải nhập ngũ. Anh chuyển sang Không quân và đi Hoa kỳ học lái phi cơ trực thăng. Ngày 29 tháng Tư năm 1975, anh lấy trực thăng về nhà đón gia đình đưa ra hải phận quốc tế, đáp xuống tàu Hải quân Hoa kỳ, và di tản sang Guam. Tôi và anh Tiến gặp nhau tay bắt mặt mừng, anh giới thiệu em rể, “Ba Hoa biết thằng nhóc Lê này mà.” “Sao anh lại ở đây, không phải hồi đó về Việt nam sao?” tôi bắt tay người học trò cũ. “Dạ, sau khi gặp thầy . . . à anh và thầy Hán, em may mắn gặp anh Tiến là đàn anh trong Không quân. Ảnh thuyết phục em đổi ý rồi kêu em qua Trại 6 ở chung với gia đình ảnh. Em và em gái út của ảnh thương nhau và làm đám cưới trong trại,” Lê bẽn lẽn. “Bây giờ Lê làm gì, có liên quan tới nghề bay xưa kia không?” Lê được dịp khoe, “Lúc mới xuất trại, anh Tiến em khám phá ra nghề bán đồ đạc (bàn ghế tủ giường) cho giới bình dân rất sống. Hai anh em mở hai tiệm, làm ăn khấm khá, và lại mở thêm hai tiệm nữa cho bà xã coi. Sau đó, ảnh giới thiệu với bạn cũ và giúp họ mở tiệm bán đồ đạc. Hầu như tiệm nào quanh vùng này cũng do mấy anh cựu sĩ quan Không quân làm chủ.” “Mày đừng ca ẩu làm Ba Hoa tưởng tao chỉ giúp bọn không quần mình. Huynh đệ chi binh, anh em quân đội nào cần, tao giúp tới nơi tới chốn. Ngay cả anh Tân là người có hành vi mờ ám ai cũng cạch mặt mà nghĩ tình đồng bào tao không hề từ nan,” anh Tiến rầy rà Lê. “Tân nào? Có phải là anh chàng vua biểu tình trong trại tỵ nạn?” tôi giật mình hỏi. “Dạ đúng. Trở lại đảo Guam, ông ta tiếp tục xúi giục và cầm đầu những người đòi về biểu tình, cạo đầu, và tuyệt thực để gây áp lực với Hoa kỳ. Nhưng khi chính phủ đồng ý cho đi về bằng tàu Việt nam Thương tín thì ông ta xin ở lại Mỹ, trở lại Trại Pendleton, và định cư ở đây,” Lê bực dọc nói lớn. Ai cũng nghĩ rằng ông Tân được Việt Cộng cấy vào nằm vùng để quấy rối và lũng đoạn tinh thần dân tỵ nạn. Vậy mà anh Tiến không nề hà giúp ông ta mở tiệm làm kế sinh nhai. Bạn tôi thật bao dung, nhưng tôi không hẳn đồng ý với anh. Nguyễn Ngọc Hoa |