![]() |
Tập truyện "Đời Phiêu Ngụ" Lời trần tình của tác giả: Xin lưu ý tập truyện ngắn này không phải là hồi ký, tự truyện, hay tài liệu ghi lại dữ kiện lịch sử. Mọi nhân vật đều được dựng nên, tiểu thuyết hóa cho phù hợp với câu chuyện, và có thể không tương ứng với nhân vật có thực nào. Nhân vật xưng "tôi" không phải chính tác giả mà có thể mang dáng cách, tâm sự, và mơ ước thầm kín của bạn bè cùng thời. Xin đừng liên kết nhân vật trong truyện với bất cứ ai ở ngoài đời. * * * 14. Anh Đôn Tính đến nay tôi ở trại Trại Pendleton gần một tháng và đã quen với thức ăn lính Thủy quân Lục chiến nấu. Từ thuở bé, tôi đã tập cho mình không cho việc ăn uống là quan trọng vì mẹ thường dạy “ăn để mà sống, chứ không phải sống để mà ăn”; đó là câu ngạn ngữ Pháp “Il faut manger pour vivre et non pas vivre pour manger” lấy từ vở kịch L’avre (Người Biển lận) của Molière. Trong những năm trọ học xa nhà và bỏ nhà đi bụi đời, tôi ăn để nhớ bữa và sống còn nên không phiền hà dù cơm không ngon miệng. Tuy vậy, đêm đêm nằm trong lều tôi cũng thấy nhớ nhớ những món ăn sửa soạn tươm tất của nhà hàng Thanh Bạch trên đại lộ Lê Lợi Sài gòn. Ở đây, tôi ngại nhất là phải đương đầu với nhàn rỗi và nhàm chán và nhớ tới chuyện nhà kỹ sư và toán học Jean-Victor Poncelet (1788 – 1867) người Pháp: Phục vụ trong đoàn quân viễn chinh của Napoléon đi đánh Nga, ông bị bắt cầm tù hai năm, trong lúc ở tù giải trí bằng cách làm toán, và từ đó soạn thành cuốn sách đặt nền tảng cho ngành toán học mới là Hình học Họa hình. Để giết thì giờ, tôi bắt chước Poncelet và đêm ngày làm toán thầm, nhớ lại và chứng minh trong đầu các công thức toán trong cuốn Bảng kê Toán học Căn bản là cuốn sách tham khảo chủ yếu của mọi kỹ sư và khoa học gia trên thế giới. ![]() ![]() Tôi nhớ lại các bài học Anh văn trong bộ English for Today (Anh ngữ Ngày Nay), viết ra giấy, và dùng để dạy hai em nhỏ nhất là Lâm và Trọng. Bắt hai cậu bé ngồi học bài một ngày một tiếng đồng hồ không phải là chuyện dễ; hai đứa có nhiều bạn để vui đùa, đá bóng, xem xi-nê, v.v. Khi tôi đề cập chuyện học Anh văn với thằng Sang, nó hếch mặt lên, “Tiếng Anh tui giỏi sẵn và nói hay như Mỹ rồi, học làm chi cho mất công?” Quỳnh Châu và Bình thì rủ nhau đi học tiếng Tây Ban Nha và tối ngày líu lo thực hành những câu đàm thoại học được. Giữa tháng Bảy, một ngày hạnh phúc hiếm hoi chợt đến: Anh bạn Leon quê ở bắc California từ Nhật Bản bay về thăm tôi. Mười một năm trước, anh phục vụ trong đoàn Thanh niên Chí nguyện Quốc tế (hay IVS) ở Ban Mê Thuột (“BMT”) và học tiếng Việt với tôi. Về nước, anh đi học lại lấy bằng tiến sĩ ở Đại học California, Berkeley rồi sang Nhật dạy học. Anh nằm trong lều nghe tôi thuật lại cuộc hành trình gian khổ xuyên qua Thái bình dương. Đến giờ cơm chiều, thằng Sang kiếm thêm một tấm thẻ ăn và “mời” anh đi ăn cơm nhà bàn. Anh cầm khay đứng sắp hàng, nhưng khi tới quầy phát đồ ăn anh xin lỗi và giải thích với mấy người lính, “Tôi đi theo bạn để nói chuyện chứ không ăn.” “Nhưng rồi ông cũng phải ăn tối chứ?” anh lính trẻ đứng đầu quầy nhoẻn miệng cười và múc đồ ăn bỏ vào khay cho anh Leon. Trước khi chia tay anh Leon hỏi, “Tôi làm được gì cho em?” Đã soạn sẵn bản tóm lược (bối cảnh học hành và làm việc) của mình, tôi đưa cho anh bản thảo viết tay. Một tuần sau, tôi nhận được một hộp bản tóm lược mà anh đã công phu chỉnh sửa, đánh máy, và đem đi in trên giấy quý. Bản tóm lược thật hoàn hảo, anh Hán xem xong hỏi đùa, “Cậu không định nộp đơn xin làm bộ trưởng cho Tổng thống Ford đấy chứ?” Duy có điều không ổn là địa chỉ của đương sự: Lều 67 Trại 3; Trại Pendleton, California 92055. Vấn đề bây giờ là gửi đi đâu để xin việc. * * * Thanh niên Chí nguyện Quốc tế là cơ quan tư bất vụ lợi do ba giáo phái Tin lành Hoa kỳ Mennonite, Brethren, và Quaker lập ra vào năm 1953 với mục đích gửi thanh niên tình nguyện đến các nước chậm tiến để giúp đỡ dân chúng trong các dự án phát triển chăn nuôi, thí nghiệm trồng trọt, vệ sinh, giáo dục, v.v. IVS là tổ chức tiên phong và tám năm sau (1961) được chính phủ Hoa Kỳ mô phỏng để lập Đoàn Hòa bình. Năm học đệ nhị (lớp 11) trường trung học Ban Mê Thuột, tôi học Anh văn với thầy Can; thầy vừa tốt nghiệp Đại học Sư phạm Sài gòn và về BMT dạy năm đầu tiên. Trước khi vào đại học, thầy làm thông dịch viên cho một trong những toán IVS đầu tiên sang Việt nam. Đó là toán giúp dựng nên Trung tâm Thực nghiệm Nông Lâm Súc cách BMT chừng mười cây số và hướng dẫn việc trồng giống khoai mới và nuôi giống gà Mỹ đẻ trứng cho nông dân hai làng Hà Lan A và Hà Lan B kế cận; họ là tín đồ Công giáo năm 1954 di cư từ ngoài Bắc vào. Cầm đầu toán IVS đó là một thanh niên có bằng Cao học Canh nông của Đại học Cornell ở tiểu bang New York tên là Don Lucas. Anh Don lúc này ở Sài gòn làm Giám đốc IVS tại Việt nam, chức vụ mà nội bộ IVS gọi là “Đảng trưởng.” Thầy Can hay đưa nhân viên IVS hiện tại tới sinh hoạt chung với học sinh BMT của thầy. Khi IVS cần một học sinh dạy Việt ngữ, thầy đề cử tôi, và anh Leon là học viên vâng lời và kiên nhẫn nhất của tôi. Anh lớn hơn tôi bảy tuổi, người cao nghệu, dễ đến một thước chín, và giọng nói trầm và nghiêm trang. Ngoài giờ học, chúng tôi là đôi bạn thân, và anh xem tôi như em. IVS có ngân quỹ trả tiền giảng viên, nhưng mẹ không cho tôi nhận, “Họ qua đây giúp đồng bào mình, mặt mũi mô mà ngửa tay lấy tiền?” Bù lại, anh chiều tôi rất mực và cuối tuần thường lấy xe Jeep chở tôi và các bạn đi rong chơi khắp núi rừng. Giữa năm đệ nhất (lớp 12) tôi buồn bã chia tay với anh Leon khi anh đổi về Sài gòn làm Phó Giám đốc IVS, tức là “Phó Đảng trưởng” cho anh Don. Ngày tôi về Sài gòn học, anh Leon chỉ còn hai tuần nữa là mãn nhiệm kỳ và về Mỹ. Tôi đi tắc-xi từ Trạm Đi - Đến của Air Vietnam tới thẳng trụ sở IVS trên đường Lê văn Duyệt gần Ngã Tư Bảy Hiền, thay vì về nhà trọ là nơi mẹ đã gửi gắm, và ở tại nhà ngủ tập thể IVS với anh cho đến ngày anh rời Sài gòn. Tôi và anh Don đã biết về nhau từ lâu nên ngay lần gặp gỡ đầu tiên, chúng tôi đã thấy thân nhau. Dáng người tầm thước, anh nói năng nhỏ nhẹ mà thuyết phục và theo lời nhân viên IVS “không có khả năng giận ai bao giờ.” Anh tự học tiếng Việt, nói rất trôi chảy, và hiểu rõ văn chương. Thấy anh ngồi đọc Truyện Kiều, tôi hỏi, “Anh có hiểu hết không?” “Lâu lâu tôi phải tra tự điển về điển tích vì không nhớ hết,” anh thản nhiên trả lời. Anh Don than tiếng Việt khó học và kể lại chuyện bộ trưởng bộ Quốc phòng Hoa kỳ sang Sài gòn thăm viếng và đọc diễn văn trước nhiều viên chức Việt nam Cộng hòa (“VNCH”). Cuối bài diễn văn, ông bộ trưởng hăng hái giơ tay lên cao hô to “Vịt nem muốn nằm” (ý nói “Việt nam muôn năm”) khiến cử tọa phải rán nín cười. Khi thân với anh Don hơn, tôi gọi anh theo tiếng Việt là “anh Đôn.” Sau khi anh Leon về Mỹ, tôi vẫn được mời tham dự các buổi sinh hoạt hàng tháng và những dịp lễ lạt của IVS và gặp anh Đôn luôn. Đầu tháng Bảy năm 1967, anh Đôn và ba nhân viên đầu não IVS từ chức vì cho rằng IVS không thể tiếp tục giúp dân nghèo trong lúc chiến tranh tiếp diễn. Anh trở lại Đại học Cornell làm việc ở Trung tâm Quốc tế học của trường, bên cạnh một số học giả thân Cộng chuyên viết báo và diễn thuyết ca ngợi chế độ Hà nội. Cùng với cựu đồng sự IVS John Somerset, anh Đôn viết cuốn Vietnam: The Unheard Voices (Việt tnam: Những tiếng nói bị bỏ ngoài tai) mô tả sự tàn phá kinh hoàng của chiến tranh và phản đối chính sách của Hoa kỳ tại Việt nam, được nhà Xuất bản Đại học Cornell ấn hành, và gây tác động mạnh mẽ trong tâm lý quần chúng khắp thế giới. Tôi cũng quen anh John Somerset. Anh trạc tuổi tôi và nói tiếng Việt hết sảy; nếu chỉ nghe tiếng mà không thấy người, đố ai ngờ được giọng Hà nội ấy là do một người ngoại quốc nói. Anh Đôn trở lại Việt nam giữa năm 1968, lần này do Hội đồng Giáo hội Thế giới tài trợ để viết phúc trình về việc tái thiết Việt nam thời hậu chiến, sau khi hòa bình được tái lập. Tuy nhiên, anh dành phần lớn thì giờ hành nghề ký giả tự do và trong vai trò này giúp “khám phá” ra “chuồng cọp” giam giữ tù nhân Cộng sản trong đề lao Côn Sơn. Khi phái đoàn Hạ viện Hoa kỳ gồm mười dân biểu đến Việt nam quan sát, anh chỉ điểm và hướng dẫn vài nhân viên phái đoàn ra Côn Sơn điều tra. Họ khéo léo lọt vào trong nhà tù, chụp được tấm hình ba tù nhân ngồi trong căn phòng nhỏ dưới tầng hầm có chấn song sắt bên trên, và gọi đó là chuồng cọp. Tin này truyền đi khắp thế giới, mặc dù hai chính phủ VNCH và Hoa kỳ đoan chắc chuồng cọp không hề hiện hữu. Đúng vào thời gian đó, đời tôi bước qua một ngả rẽ ngặt nghèo. Tôi cãi lời cha, dẫn thằng Sang đi bụi đời, và vào Đại học xá Minh Mạng ở lậu. Giữa mùa hè, trường tư đóng cửa, tư gia không cần người dạy kèm, và anh em tôi lâm vào cảnh khốn khó. Bụng đói, đầu gối phải bò, tôi muối mặt tìm anh Đôn xin làm thông dịch viên. Anh ở apartment trên tầng bảy là tầng cao nhất của ngôi bin-đinh lớn trên đường Pasteur gần góc Lê Lợi; các tầng dưới là nhà thổ hạng sang cung cấp dịch vụ cho nhân viên dân sự và sĩ quan Mỹ. Mỗi ngày anh Đôn mua các tờ báo đối lập như tờ Ánh Sáng của dân biểu đối lập Xxxx Công và chỉ định những bài tôi cần dịch ra tiếng Anh, toàn là bài phê bình chính phủ VNCH gắt gao. Anh thích nhất là mục "Tin vịt nghe qua rồi bỏ" do ông Công và mấy cây bút thiên Cộng thay nhau viết dưới bút hiệu Năm Trời Đánh chuyên xuyên tạc và châm biếm chính phủ. Thỉnh thoảng, anh xuống phỏng vấn các cô gái giang hồ bên dưới, theo anh các cô là nạn nhân chiến tranh và bị giam cầm chẳng khác gì tù nhân chính trị, và anh bảo tôi đi theo để có mặt tôi là người Việt, các cô thoải mái bộc lộ hoàn cảnh của mình hơn. Tôi làm việc từ chập tối đến gần giờ giới nghiêm. Thằng Sang chở tôi bằng xe Honda đến gần trung tâm thành phố, mỗi tối thả tôi xuống một chỗ khác nhau. Tôi đi bộ đến góc đường Lê Lợi - Pasteur, thận trọng đi một vòng quanh khu phố, và sau khi chắc chắn không có ai theo dõi mới bước vào bin-đinh và đi bộ lên cầu thang tới tầng bảy. Sau vài tuần tôi quen việc, anh Đôn để tôi làm việc một mình trong khi anh ra ngoài làm gì đó không rõ. Một đêm vào cuối tháng thứ hai, mùa hè sắp chấm dứt, tôi đang dịch báo thì có tiếng đập cửa rầm rầm. Tôi ra mở cửa thì thấy cô gái giang hồ quen mặt thở hổn hển thúc giục, “Anh dông lẹ lên đi. Lính mã tà bố ráp dưới nhà, tui nghe nó hỏi ông Mỹ có nhà hay không. Chút nữa nó lên đây túm cổ anh đó.” Đoạn cô dắt tay tôi ra bao lơn mặt sau và chỉ cái thang sắt gắn vào tường dùng làm lối thoát khi có hỏa hoạn. Trong bóng đêm, tôi run lẩy bẩy mò mẫm từng nấc thang, vừa leo vừa nom chừng cảnh sát, và cuối cùng xuống tới mặt đất và chạy thoát cuộc vây bắt. Hú hồn! Tôi tởn kinh không dám đến gặp anh Đôn lấy tiền lương tuần lễ cuối cùng. Từ đó, tôi không gặp lại anh. Tháng Tư năm 1971, chính phủ VNCH tống đạt lệnh trục xuất anh Đôn, và đầu tháng Năm anh bay về Mỹ. Trong bốn năm sau đó, anh dấn thân vận động Quốc hội Hoa kỳ cắt đứt quân viện cho VNCH để chấm dứt chiến tranh. Anh và một số cựu nhân viên IVS đề ra sứ mạng gọi là “Dự án Giáo dục Lưu động về Đông dương.” Họ lái hai chiếc minivan đi vòng quanh nước Mỹ, mỗi ngày bán cháo gà và gỏi gà ăn chiều, kể chuyện chuồng cọp, và hô hào dân chúng ủng hộ lập trường của họ. Cuộc vận động hữu hiệu đến nỗi, trong cuộc điều trần trước Quốc hội về sự sụp đổ của VNCH, vị đại sứ Hoa kỳ tại Việt nam cuối cùng kết luận rằng anh là một trong những lý do chính khiến miền Nam thất thủ. Nhiều người Mỹ liệt anh vào “Bọn đi Hà nội ăn trưa” (“Hanoi for Lunch Bunch”), tức là nhóm Cộng sản ở Đại học Cornell. Nhưng tôi không thể nào oán ghét anh Đôn. Ai chê trách tôi chịu. Nguyễn Ngọc Hoa |