Trở về trang Mục Lục

Bản PDF để in

Tập truyện "Đời Phiêu Ngụ"

Lời trần tình của tác giả: Xin lưu ý tập truyện ngắn này không phải là hồi ký, tự truyện, hay tài liệu ghi lại dữ kiện lịch sử. Mọi nhân vật đều được dựng nên, tiểu thuyết hóa cho phù hợp với câu chuyện, và có thể không tương ứng với nhân vật có thực nào. Nhân vật xưng "tôi" không phải chính tác giả mà có thể mang dáng cách, tâm sự, và mơ ước thầm kín của bạn bè cùng thời. Xin đừng liên kết nhân vật trong truyện với bất cứ ai ở ngoài đời.

* * *

17. Thử Lòng Người Hiền Lương

Từ lúc vào trại Trại Pendleton hơn sáu tuần lễ trước, hôm nay là lần đầu tiên tôi ra tới Trại 8 nằm sát cổng trại và xa lều tôi ở nhất để tìm thằng Lục bạn học thời đệ nhị (lớp 11) trường trung học Ban Mê Thuột (“BMT”). Bạn tôi sinh ra và lớn lên ở xã Lạc Giao bao gồm thị xã BMT, là huynh trưởng Phật tử, và tự hào là dân BMT chính tông từ thuở vùng này còn là Hoàng triều Cương thổ. Sau khi thi đỗ Tú tài I, mỗi đứa đi một ngả: Tôi ở lại BMT học đệ nhất (lớp 12) mới mở năm đầu tiên, nó về Sài gòn học trường Hưng Đạo trên đường Cống Quỳnh, và từ đó hai đứa không gặp lại nhau.

Thằng Lục thấp hơn tôi nửa cái đầu, người chắc chắn và lanh lẹ, và giọng nói trầm và thân thiết. Nó chào tôi bằng câu chọc ghẹo quen thuộc,

“Ê, Y Ba Hoa, mười năm rồi mà mày vẫn ngu ngơ khờ khạo như con mọt sách thứ thiệt, duy cái mặt thì không còn búng ra sữa.”

“Ờ, thằng Y Lục mặt học trò giò ăn trộm, à quên . . . giò đá banh. Hồi đó đá banh với mấy thằng Thượng lớp mình, mày có được con Hờ nào không?” tôi trả đũa.

Phần lớn người Thượng BMT là dân Ra-đê (Rhadé) đàn ông mang họ Y (đọc là “i”) đàn bà họ H’ (đọc là “hờ”), và bọn học trò nghịch ngợm hay ghép thêm “Y” hay “H’” vào tên bạn để gọi. Thằng Lục tóm tắt cuộc đời nó trong thời gian qua,

“Sau khi đậu Tú tài II, tao lên Phú Bổn mà tỉnh lỵ là Hậu Bổn làm việc với Lực lượng Đặc biệt Hoa kỳ, tình cờ gặp Thanh Luyến ngoài chợ, bị tiếng sét ái tình đánh trúng, và kêu bà già đem trầu cau xin cưới liền tay. Sinh ra hai cô công chúa bốn và năm tuổi kia kìa.”

Ở cuối lều, hai cô bé mặc quần đỏ lặng lẽ chơi với đống vải rời bên cạnh mẹ. Thanh Luyến ngồi sau chiếc máy may nhỏ, ngẩng đầu lên chào tôi, và tiếp tục may. Thằng Lục kể tiếp,

“Làm việc khoảng hai năm thì nhóm Lực lượng Đặc biệt giải tán, tao chuyển sang bên phía Cảnh sát Việt nam rồi về Sài gòn học khóa sĩ quan ở Học viện Cảnh sát Quốc gia trên đồi Tăng Nhơn Phú gần trường Bộ binh Thủ Đức. Ra trường với cấp bậc Thiếu úy, tao trở về ty Cảnh sát Phú Bổn phục vụ cho đến ngày tan hàng.”

“Vậy mày chạy vào trung tuần tháng Ba, lúc chính phủ ‘di tản chiến thuật’ triệt thoái quân đội theo Quốc lộ 7 từ Pleiku xuống Tuy Hòa để ‘tái phối trí’ để đánh lại Cộng sản?”

“Đúng vậy. Hậu Bổn nằm trên Quốc lộ 7 là đường rút quân, tao đưa vợ con chạy sau đoàn xe di tản đầu tiên. Ngoài dăm ba bộ quần áo của hai đứa tao và tụi nhỏ, tao tìm khắp nhà chẳng thấy có gì đáng giá để mang theo ngoài cái đầu máy may bả đang dùng đó.”

Ngày 16 tháng Ba, nhờ yếu tố bất ngờ đoàn xe quân sự xuất phát từ Pleiku tiến hành êm xuôi. Qua hôm sau, sư đoàn 320 Việt Cộng đuổi theo đánh phá đoàn xe triệt thoái, quân ta ngưng lui binh và lập phòng tuyến cự địch tại Hậu Bổn. Giữa trận đánh long trời lở đất, thằng Lục lái chiếc Jeep cảnh sát chở vợ con ra khỏi vùng lửa đạn, nhưng chừng 20 cây số thì xe hết xăng. Thằng Lục bỏ xe đi bộ và xin cho Thanh Luyến và con quá giang trên chiếc V-100 Commando bọc sắt lội nước được của toán Quân cảnh hộ tống đoàn xe, nhưng nó phải vừa chạy bộ vừa bám theo xe khác để đi theo. Thêm khoảng 80 cây số, đến cầu Cà Lúi gần ranh giới tỉnh Phú Yên, Quân cảnh ra lệnh cho Thanh Luyến và con xuống xe, và chuẩn bị chiến đấu. Không tới mười phút sau, chiếc V-100 bị bắn cháy, vợ chồng thằng Lục ôm con chạy thục mạng. Đám dân sống sót chừng 100 người thất thểu lết tới đập Đồng Cam bên phía Phú Yên là kiệt lực.

Trong cơn tuyệt vọng, thằng Lục chợt thấy chiếc trực thăng vận tải hạng nặng CH-47 Chinook bay trên không. Nó tìm tấm ra (do tiếng Pháp “drap”) trải giường màu trắng trải lên mặt đất, chiếc Chinook trông thấy bèn đáp xuống tiếp cứu, và mọi người chen nhau ùa lên. Vợ chồng thằng Lục ôm con xông tới, bỗng hai cô bé trên tay vùng vẫy khóc thét lên, và hai người ngó lại thì thấy mình đang ôm con người khác. Nhìn tứ phía tìm con gái đỏ con mắt mà không có, họ khóc ròng, miễn cưỡng leo lên chiếc trực thăng cứu mạng, và mừng như chết đi sống lại khi thấy hai cô con gái mặc quần đỏ ngồi thu mình trong góc xa nhất. Hai cô bé bị đám đông đẩy dồn lên máy bay trước tiên.

Trực thăng chở hành khách về trại tạm cư ở phi trường Đông Tác Tuy Hòa. Hôm sau, thằng Lục đến ty Cảnh sát Phú Yên trình diện, nhưng ty chỉ còn lại lèo tèo vài viên chức cấp thấp bơ ngơ báo ngáo. Thằng Lục quyết định đưa vợ con đi xe đò vào Nha Trang, trình diện ty Cảnh sát Khánh Hòa, và gặp tình trạng tương tự, mặc dù chưa thấy bóng dáng Việt Cộng xuất hiện. Chen lấn ba ngày trời không mua được vé xe đò, nó đành mua lại chiếc xe Honda cũ của người bà con để thân chinh lái về Sài gòn.

Tôi ngạc nhiên ngắt lời thằng Lục,

“Mày chở ngần ấy người bằng chiếc Honda hai bánh à? Từ Nha Trang vào Sài gòn gần bốn trăm rưởi cây số chứ gần gũi gì.”

“Tao cầm tay lái ngồi trước, hai đứa con xen vào giữa, và bà xã ngồi sau hai bên vai đeo hai bọc quần áo. Giữa hai đùi tao là cái đầu máy may và thùng đạn M-30.” M-30 là một loại súng đại liên nhẹ.

“Chạy giặc mà ôm thùng đạn đại liên theo làm gì?” tôi trợn mắt nhìn nó.

“Thùng đạn không để đựng xăng, chứa hơn mười lít. Đến đâu có xăng tao mua đổ đầy, trữ cho đủ chạy tới Sài gòn. Nhờ phước đức ông bà, xe tao không bị bể bánh.”

Thằng Lục nhắm mắt nhớ lại chặng di tản ra khỏi Sài gòn,

“Tao ở đỡ nhà ông chú trên đường Khổng Tử trong Chợ Lớn, hàng ngày đi trình diện Tổng nha Cảnh sát Quốc gia trên đường Võ Tánh. Sáng sớm ngày 30 tháng Tư, Việt Cộng đánh tới Xa cảng Miền Tây ở Phú Lâm, tao sợ quá vội vàng chở vợ con ra bến Bạch Đằng tìm đường đi. Thấy chiếc tàu Đông Hải đậu ở giữa sông, tao đánh liều đưa vợ con lên ngồi chờ cùng với năm, sáu trăm người khác.”

Mười giờ 24 phút, lệnh đầu hàng của Tổng thống Xxxx Man phát ra trên đài phát thanh. Mọi người nhảy bổ lên phòng chỉ huy đòi Đông Hải phải lập tức rời bến mới hay tàu không có người điều khiển, hai máy thì một máy bị hỏng. May thay, trong đám người lên tàu có thuyền trưởng và sĩ quan cơ khí của hai chiếc tàu khác đã ra đi, hai người này và một số người khác (trong đó có thằng Lục) tình nguyện lãnh nhiệm vụ điều hành tàu. Tàu chạy cà rịch cà tang, bị Việt Cộng tấn công hai lần, nhưng cũng thoát được ra biển.

Thuyền trưởng chỉ có tấm bản đồ, không có dụng cụ hải hành, và phải đoán hướng và tọa độ bằng que tăm xỉa răng. Đông Hải đi gần 300 hải lý đến Pulau Redang là hòn đảo lớn nhất nằm ngoài khơi phía đông bán đảo Mã Lai Á. Hành khách được lệnh xuống tàu, bị tạm giữ, nhưng được cho ăn uống tử tế. (Gia đình thằng Lục chịu đói khát trong năm ngày trên tàu Đông Hải.) Bốn ngày sau, một thương thuyền lớn là tàu Đại Dương cặp bến dưới sự chỉ huy của Tướng Yyyy Lâm và lữ đoàn Thủy quân Lục chiến. Cuối cùng, gia đình thằng Lục và một số hành khách từ tàu Đông Hải lên tàu Đại Dương; tàu này lênh đênh gần hai tuần lễ và cặp bến đảo Guam ngày 23 tháng Năm.

Thằng Lục cười toe,

“Tao đến Guam trễ nên sang trại Trại Pendleton này cũng trễ. Mày là thằng bạn Buồn Muôn Thuở Bụi Mù Trời duy nhất tao gặp lại trên đường tỵ nạn.”

“Tao thấy vợ mày ngồi may suốt buổi, may đồ nhà hay may thuê?”

“Từ trại Orote Point bên Guam sang đây, bà xã tao kiếm được tiền lai rai nhờ cái máy may tụi tao cõng theo từ Hậu Bổn. Bả sửa đồ cũ người ta lãnh của các nhóm từ thiện mà mặc không vừa, hay may đồ trẻ em bằng vải tháo ra từ quần áo cũ đó.”

Giữa lúc ấy, một đôi thanh niên nam nữ bước vào lều, cầm xấp quần áo trên tay, và vào bên trong nói chuyện với Thanh Luyến. Thằng Lục kéo tôi ra ngoài,

“Thằng chồng tên Khang là trung úy phi công phụ lái C-130, con vợ là khách hàng thường trực của bà xã tao. Lều tụi nó gần đây; cả hai đứa đều ham kể chuyện và nói dai như đỉa, nhưng xào đi xào lại chuyện đi của nó tao nghe đến thuộc lòng.” C-130 Hercules là loại phi cơ vận tải có thể cất cánh và hạ cánh trên phi đạo ngắn không dự bị trước.

“Chuyện gì mà rùng rợn lâm ly bi đát đến vậy?” tôi tưởng nó nói đùa.

Khang là con thứ bảy trong gia đình tám người con của Mục sư Nam, ông đứng đầu một cơ quan truyền đạo Tin lành trụ sở đặt trên đường Trần Hưng Đạo. Con trai lớn là thiếu tá Không quân ở Nha Trang chạy về Sài gòn khi BMT vừa thất thủ, con thứ tư là phi công khu trục cơ phản lực A-37 Dragonfly ở Biên Hòa, và con trai út đi lính Không quân ở Phan Rang. Khi quân đội triệt thoái ra khỏi cao nguyên, Khang một mình lén bay C-130 ra Phan Rang tìm em nhưng không gặp, sau đó người em cũng chạy về Sài gòn, và cả gia đình tề tựu đông đủ ở thủ đô. Khang, hai người anh phi công, và Mục sư Nam bàn định kế hoạch đưa gia đình ra ngoại quốc. “Gia đình” của họ gồm thêm gia đình ba người thông gia của Mục sư Nam, ba ông cũng là Mục sư Tin Lành. Để thực hiện ý đồ, họ móc nối với một thiếu tá tên Kiểm là phi công C-130, vì Khang chỉ là phi công phụ khó lòng đánh cắp máy bay.

Bốn giờ chiều ngày mồng 3 tháng Tư, trong lúc thằng Lục gò lưng đèo vợ con qua rừng Lá gần Bình Tuy, “gia đình” 53 người lái bảy chiếc xe hơi khác nhau tới phi trường quân sự bỏ hoang gần Long Thành và leo lên chiếc C-130 Kiểm bay tới đáp xuống. Kiểm và hai nhân viên phi hành là ba người duy nhất không thuộc “gia đình” đó. Chiếc C-130 bay sà trên mặt biển để tránh ra-đa (radar) và đáp xuống phi trường Tân Gia Ba (Singapore). Hay tin này, dư luận và báo chí Sài gòn rúng động, thủ tướng chính phủ ra lệnh xúc tiến thủ tục dẫn độ và ký sự vụ lệnh cử một nhóm quân nhân sang áp giải 56 kẻ trọng phạm về nước. Lệnh chưa kịp thi hành thì nước mất.

Những kẻ đào thoát được chính phủ Tân Gia Ba đón tiếp như thượng khách, và trong ba tuần ở đó, họ được tự do và ăn uống sung túc nhờ 20 ngàn đô-la “Hội Thánh” ở Mỹ gửi về. “Hội Thánh” bao nguyên chiếc máy bay hãng hàng không Pan Am đến đón, họ rời nơi tạm trú ra phi trường bằng limousine (xe hòm thuê riêng) có xe cảnh sát hụ còi chạy trước mở đường. Phi cơ bay đến đảo Guam, nhưng “Thành phố Lều” tức là trại Orote Point chưa dựng xong, họ phải bay tiếp tới đảo Saipan cách Guam 200 cây số về phía bắc, ở khách sạn Continental năm sao của Saipan, và sau một tuần được phi cơ vận tải hạng nặng C-141 của Không quân Hoa kỳ đón trở lại Guam. Cuối cùng, họ được đưa vào bốn trại tỵ nạn trong đất liền như mọi người khác. Mục sư Nam, cô con gái tên Sophie, và Khang chọn đi California, sáu người con còn lại và ba vị thông gia chọn đi ba trại kia ở Arkansas, Florida, và Pennsylvania.

Tôi không khỏi tò mò,

“Ông mục sư và cô Sophie ở trại nào?”

“Ông ở Trại 4, thành lập các buổi nhóm thờ phượng Chúa, và ban đêm truyền giảng cho đồng bào. Nhưng từ khi nghe ông kể chuyện ‘tuân theo ý Chúa’ thoát thân sang Tân Gia Ba, giáo dân từ từ giãn ra và lánh xa. Con Sophie ở Trại 7 cũng là khách hàng của bà xã tao.”

“Hội thánh hội thiếc đâu mà không đứng ra bảo trợ họ?”

“Ai mà biết! Tao sôi máu khi nghe thằng Khang kiêu hãnh tuyên bố chuyến đi của gia đình nó ‘có một lịch sử rất đặc biệt.’ Họ trốn đi sớm nhất và ăn cắp chiếc máy bay C-130 đem ra khỏi nước đầu tiên.”

Tôi tự hỏi, tại sao kẻ ma mãnh như nhà ông mục sư ra đi gặp toàn sung sướng và thuận lợi mà gia đình thằng Lục, nhất là hai cô bé non nớt và yếu đuối, lại trải qua bao nhiêu nỗi gian truân. Ông Trời bất công hay muốn thử lòng người hiền lương? (Hai mươi lăm năm sau, cô chị là một bác sĩ chuyên khoa nổi tiếng, và cô em là phóng viên chính của một đài truyền hình lớn ở Dallas thuộc tiểu bang Texas.)

Nguyễn Ngọc Hoa
Ngày 30 tháng Tư, 2020

Trở về đầu trang