![]() |
Tập truyện "Đời Phiêu Ngụ" Lời trần tình của tác giả: Xin lưu ý tập truyện ngắn này không phải là hồi ký, tự truyện, hay tài liệu ghi lại dữ kiện lịch sử. Mọi nhân vật đều được dựng nên, tiểu thuyết hóa cho phù hợp với câu chuyện, và có thể không tương ứng với nhân vật có thực nào. Nhân vật xưng "tôi" không phải chính tác giả mà có thể mang dáng cách, tâm sự, và mơ ước thầm kín của bạn bè cùng thời. Xin đừng liên kết nhân vật trong truyện với bất cứ ai ở ngoài đời. * * * 20. Rắn Chuông và Người Nằm cuối cùng về phía nam toàn trại Trại Pendleton, lều số 67 thuộc Trại 3 của gia đình tôi dựng trên một khoảnh đất bằng ở lưng đồi, đi lên chừng hai chục thước là tới đỉnh, và bên kia thung lũng là đồi núi nối tiếp nhau chạy về phía chân trời. Sau lưng chúng tôi là bụi rậm người ta đồn có rắn chuông, loại rắn độc duy nhất ở California. Chỉ nghe nói không thôi cũng đủ để Quỳnh Châu và Bình ngơm ngớp lo sợ; tôi thường đùa để trấn an hai cô, “Rắn sợ người và sẽ không làm gì mình nếu không bị quấy rầy. Loại rắn độc nhất là Việt Cộng thì xa mình đến nửa vòng quả đất. Một hai con rắn chuông ẩn mình trong bụi, nhằm nhò gì ba chuyện lẻ tẻ mà ‘Mỹ nhân’ lo ngay ngáy cho hao giảm sắc đẹp nghiêng nước đổ . . . thùng?” “Mỹ nhân” là đàn bà đẹp, nhưng tôi còn ám chỉ là “người Mỹ.” Trong lều kê hơn hai chục cái giường bố nhà binh, nhưng chỉ có gia đình tôi “chiếm cứ” vì những người khác thích ở ba-rắc ấm áp, hay các lều gần nhà bàn và bộ chỉ huy trại để tiện việc ăn uống và nghe rõ thông báo trên máy phóng thanh. Điều bất tiện của căn lều xa là suốt ngày gió thổi rì rào trên đồi, hôm nào trời gió to là kể như tôi điếc đặc vì không nghe được loan báo của trại. Một buổi chiều đầu tháng Tám, tôi ngồi trầm ngâm một mình thì Quỳnh Châu và Bình ra ngoài về, vợ tôi thở hổn hển, “Chồng ơi, sáng đến giờ loa phóng thanh gọi tên anh ơi ới, sao còn ngồi đây?” “Vậy sao? anh có nghe thấy gì đâu,” tôi uể oải hỏi lại. “Anh mà làm toán thì sét đánh bên tai cũng chẳng nghe thấy nữa là! Họ bảo anh đến văn phòng Lutheran chứ không phải cơ quan Hội nghị Do thái Thế giới của mình đâu anh,” Quỳnh Châu nhắc nhở; “Lutheran” là Cơ quan Di trú và Tỵ nạn Lutheran. “Lạ thật, ‘anh’ Do thái Do thiếc thì chẳng thấy tăm hơi, mà ‘ngài’ Lutheran lại đi tìm mình! Không biết chuyện gì xảy ra?” Sáng hôm sau tôi lên văn phòng Lutheran đặt trong trailer (nhà rơ-moóc) gần Trung tâm Thủ tục và được đưa vào văn phòng giám đốc là căn phòng nhỏ cuối trailer chỉ có cái bàn giấy và hai chiếc ghế phía trước. Ngồi sau bàn giấy, bà giám đốc đang nói chuyện điện thoại và niềm nở chìa tay mời tôi ngồi. Người thiếu phụ trạc tứ tuần, mái tóc nâu hơi điểm sương, đôi mắt xanh dịu hiền, và dáng người mảnh khảnh khiến tôi nhớ đến cô Miên Diễm dạy Anh văn năm tôi học đệ tam (lớp 10) Quốc Học Huế; cô giảng bài dịu dàng và đọc tiếng Anh giọng Oxford bay bướm và nhẹ nhàng như đọc thơ. Bà giám đốc cũng nói giọng Oxford, môi bà hơi chúm cong lại khi đọc âm “co” cuối cùng trong chữ “San Francisco” nửa giống như “cô” nửa giống như “câu,” và âm thanh thoát ra nghe lả lướt như cuộn tròn trong không khí. Cuộc điện đàm kết thúc, bà đặt ống nghe xuống và nhìn tôi chờ đợi; tôi rụt rè, “Thưa bà giám đốc, người ta gọi tôi trên hệ thống truyền thanh chỗ đông và bảo tôi đến văn phòng bà.” “Xin anh cứ gọi tôi bằng tên Diane, nếu anh không muốn bị gọi bằng ‘Giáo sư Ba Hoa,’” bà mỉm cười nhìn vào hồ sơ ghi tên tôi trước mặt. “Dạ Diane. Bà nói tiếng Anh giọng Oxford hay quá, giống như cô giáo dạy Anh văn đầu tiên của tôi mười mấy năm trước,” tôi thấy yên tâm hơn. “Tôi ngạc nhiên là anh có thể nhận ra đấy. Tôi dạy học bên Anh hơn mười năm trước khi gia nhập mục sư đoàn.” Thì ra bà Diane là mục sư Tin lành Lutheran. Tôi thắc mắc, “Tôi không ghi danh với Lutheran, tại sao cơ quan bà lại muốn gặp tôi?” “Chúng tôi báo tin mừng cho anh: Nhà thờ Ba ngôi Lutheran ở Bismarck thủ phủ tiểu bang North Dakota sẵn lòng bảo trợ gia đình anh,” bà cười hân hoan. “Tôi không có liên hệ gì với nhà thờ đó, không quen ai ở North Dakota, và cũng không ghi tên với văn phòng Lutheran của bà, làm sao người ta biết tôi mà ngỏ ý bảo trợ?” “Tôi không rõ. Chỉ biết điện văn của văn phòng thiện nguyện Lutheran ở Arkansas gửi tới ba trại tỵ nạn Florida, Pennsylvania, và California nêu đích danh anh và chỉ rõ nếu tìm thấy anh thì liên lạc thẳng với nhà thờ Ba ngôi. Chúng tôi gửi thông báo đến cả tám trại trong Trại Pendleton này và may mắn là bây giờ anh tới đây. Nếu anh muốn định cư ở North Dakota, chúng tôi sẽ tiến hành thủ tục cho gia đình anh xuất trại ngay.” Bà mục sư cho biết vào đầu thập niên 1950, người ta khám phá ra mỏ dầu hỏa khổng lồ ở vùng tây bắc North Dakota, nhưng mỏ nằm dưới lớp địa tầng khó khai thác nên chỉ khoan được một số ít giếng dầu. Vùng trung tâm tiểu bang lại đầy dẫy than non; đó là loại than đá màu nâu nằm trên mặt đất, dễ khai thác, nhưng khi đốt phát ra nhiệt lượng thấp nên ít được giới kỹ nghệ chú ý. Sau cuộc khủng khoảng năng lượng vài năm trước, các nhà đầu tư nỗ lực gia tăng việc khai thác mỏ dầu, và đồng thời các công ty điện lực thi nhau xây nhà máy điện chạy bằng than non để xuất cảng điện sang tiểu bang khác. Kỹ nghệ năng lượng và nền kinh tế North Dakota phát triển mạnh mẽ và cần nhiều kỹ sư điện, và tôi sẽ tìm được việc làm hợp với khả năng chuyên môn không mấy khó khăn. Nhưng North Dakota nằm về mạn bắc của Hoa kỳ. Phần dữ kiện phía sau cuốn sổ hoạch định bỏ túi 1975 của tôi cho biết tính trung bình nhiệt độ thấp nhất hàng đêm tại Bismarck của tháng Giêng là -4°F, tức là -20°C. Lạnh hơn nước đá đến những 20 độ Celsius. Nghĩ tới là thấy lạnh ớn đến xương sống rồi! Tôi thảo luận đề nghị của nhà thờ Ba ngôi với Quỳnh Châu và các em, trình bày cả hai mặt “lợi” và “hại,” và hỏi ý kiến mọi người. Tất cả đều nói tùy tôi quyết định, nhưng tôi thấy rõ ai nấy đều mong sớm chấm dứt tình trạng ở lều ăn chực nằm chờ này. Tôi trằn trọc suốt đêm. Gần sáng, tôi thiếp đi và trong giấc ngủ chập chờn thấy một đôi rắn chuông hiền lành trườn mình từ đám cỏ khô sau lều trốn vào bụi rậm. Tôi giật mình thức dậy; cặp rắn trong giấc mơ nhắc nhở tôi câu nói của triết gia người Đức Friedrich Wilhelm Nietzsche (1844 – 1900), “Người là con vật độc ác nhất.” Tôi đã tránh nạn Cộng sản là những kẻ hung dữ và tàn ác nhất của loài người, sá chi một chút thời tiết lạnh lẽo mà sợ hãi? Bao nhiêu người sống ở North Dakota, lẽ nào tôi chịu thua kém họ? Cầm trên tay bản tóm lược (bối cảnh học hành và làm việc) mà anh Leon mang in trên giấy quý cho tôi, tôi trở lại văn phòng Lutheran chấp nhận sự bảo trợ của nhà thờ, nhưng chỉ nếu được cam kết là sẽ có việc làm thích hợp. Bà Diane đồng ý và hăng hái đưa ra ý kiến, “Tôi có thể dàn xếp để các công ty cần người phỏng vấn anh qua điện thoại. Anh có phiền lòng nếu chúng ta để ngỏ cuộc phỏng vấn cho một số người khác quan sát không?” “Không sao, tôi dạy học quen nói chuyện trước đám đông,” tôi nghĩ tới chuyện ngụ ngôn “Mèo lại hoàn mèo,” cùng lắm thì tôi lại hoàn anh chàng tỵ nạn lơ láo nằm lại trong trại mà thôi. “Có chắc là anh không cần thông dịch?” bà chưa yên lòng. “Bà đừng lo, tiếng Anh của tôi cứng lắm. Chỉ không bắt chước được giọng Oxford của bà thôi,” tôi đùa cho bà an tâm và kịp ngừng lại trước khi khoe thêm là ngày đi dạy học, tôi hay bị đùn cho nhiệm vụ đón tiếp và thuyết trình khi có phái đoàn ngoại quốc viếng thăm trường đại học. Cơ hội xin việc này không dễ gì mà có, tôi không thể sơ suất để làm hư việc. Mỗi ngày Quỳnh Châu đóng vai người phỏng vấn, dùng chi tiết trong bản tóm lược để đặt câu hỏi, và luyện cho tôi trả lời đến khi không thể thuần thục hơn. Hai tuần sau, tôi được mời lên phỏng vấn qua điện thoại với bốn công ty điện và điện tử bản doanh đặt tại Bismarck. Biến cố đặc biệt được tổ chức trong phòng hội trung ương của Trại Pendleton dưới sự chứng kiến của vị tướng chỉ huy trại, báo chí, và đại diện các cơ quan thiện nguyện. Đây là một dịp trình diễn trước dư luận và chính phủ Hoa kỳ của các cơ quan thiện nguyện về thiện chí, khả năng, và thành quả của họ trong Chương trình Định cư Người Tỵ nạn Đông dương. Tôi bình tĩnh và tự tin ngồi ở chiếc bàn giữa phòng với chiếc điện thoại, âm thanh được khuếch đại cho cả phòng nghe. Giám đốc kỹ thuật của bốn công ty lần lượt phỏng vấn tôi, mỗi công ty được phân phối thời hạn nửa tiếng đồng hồ. Thân thiện và dễ dãi, họ đã nghiên cứu trước kinh nghiệm nghề nghiệp và căn bản học vấn của tôi, chỉ hỏi cho rõ những chi tiết mà họ không quen thuộc, và khi có dịp, cho tôi biết các trang bị mới mẽ của công ty. Thí dụ, khi hỏi về bộ sách Giải tích Mạch Điện tôi biên soạn, công ty tiện ích cung cấp điện và hơi đốt “khoe” mới thiết trí vào máy điện toán chương trình dùng để giải những bài toán trong hệ thống điện lớn bằng phương pháp mới nhất. Khi tìm hiểu luận án tiến sĩ kỹ sư về ăng-ten truyền sóng của tôi, công ty truyền thanh và truyền hình hãnh diện cho biết công ty làm chủ trụ ăng-ten phát sóng lớn và tối tân nhất North Dakota. Điều quan trọng nhất họ thắc mắc là, “Anh lấy đâu ra thì giờ để làm việc và học hành ngần ấy thứ?” “Mỗi ngày có hai mươi bốn tiếng đồng hồ; tôi suy nghĩ nhanh nên bao giờ cũng thừa thì giờ làm nhiều việc khác nữa,” tôi đã chuẩn bị câu trả lời. Các vị giám đốc hứa tham khảo với ban Nhân viên về chức vụ và lương bổng và sẽ xác nhận đề nghị việc làm khi tôi về Bismarck, trực tiếp đến phỏng vấn, và xem nơi làm việc. Hai ngày sau, bà Diane đến tận lều tôi làm thủ tục xuất trại, phát 60 đô la (mỗi người 10 đô la) làm lộ phí, và giao vé máy bay. Sáng hôm sau chúng tôi rời Trại Pendleton. * * * Đến Bismarck, tôi chọn làm việc cho công ty tiện ích. Năm 1986, tôi được gửi đi họp ở Toronto bên Gia Nã Đại và tình cờ gặp lại người học trò cũ là Đằng đang làm kỹ sư cho Thủy điện Ontario. Đằng mời tôi về nhà ăn cơm tối, và hai thầy trò cùng nhau bồi hồi nhớ lại chuyện xưa. Năm 1975, gia đình Đằng di tản bằng tàu Hải quân, qua vịnh Subic ở Phi Luật Tân, và tới trại Orote Point trên đảo Guam. Ở Guam, Đằng nghe phong thanh tôi đi được, nhưng chưa kịp tìm gặp thì gia đình Đằng chuyển vào trại Đồn Chaffee ở Arkansas. Ở trại tỵ nạn này, nhờ giỏi Anh văn, Đằng xin làm thông dịch viên cho cơ quan thiện nguyện Lutheran, “Lần đầu tiên em kiếm ra tiền, sướng không thể tả! Làm mỗi giờ lãnh một đô la hai mươi lăm xu ($1.25) mà uống bia lấy từ vòi ra ở câu lạc bộ Mỹ chỉ trả mười xu một ly cối.” “Vậy chú mày là ‘thủ phạm’ gây ra việc Lutheran gửi điện văn đi kiếm anh, và nhờ đó anh định cư ở North Dakota?” tôi đã đoán ra. “Dạ đúng anh. Nhưng em đi Gia Nã Đại trước khi biết sự thể ra sao nên đến bây giờ nghe anh kể em mới hay hồi đó họ tìm thấy ông thầy em phục nhất,” Đằng cười nửa miệng thuật lại nguyên do. Ngày ấy, đáp ứng lời kêu gọi của Cơ quan Di trú và Tỵ nạn Lutheran, nhà thờ Ba ngôi Lutheran quyết định bảo trợ một gia đình tỵ nạn Việt nam, tiếp xúc với nha Chức nghiệp North Dakota hỏi nghề nào dễ kiếm việc nhất tại địa phương, và được cho biết kỹ sư điện là nghề ăn khách nhất. Nhà thờ viết văn thư xin bảo trợ gia đình một kỹ sư điện và theo cách làm việc của người Mỹ, gửi tới văn phòng Lutheran gần nhất là ở trại Đồn Chaffee. Được phân công phổ biến và theo dõi yêu cầu của nhà thờ và sau ba tuần lễ không thấy ai nhận đi North Dakota, Đằng ghi đại tên tôi vào dù không biết người thầy học cũ đang ở nơi nao. Đằng xuống tầng hầm nhà lục thùng giấy tờ cũ, lấy lên một mảnh giấy cứng hình vuông cỡ bằng tấm bưu thiếp có chữ viết tay trên cả hai mặt, và trao cho tôi. Mười một năm trước, tấm phiếu nhỏ ghi chép sơ sài về ca nhà thờ Ba ngôi ấy đã khiến cho tôi di cư tới thành phố Bismarck nhỏ bé hiền hòa. Nơi đó, tôi nhận đất khách làm quê mình và sống quãng đời còn lại. Định mệnh thật có những sắp xếp bí ẩn không ngờ! Nguyễn Ngọc Hoa |