Trở về trang Mục Lục

Bản PDF để in

Tập truyện "Đời Phiêu Ngụ"

Lời trần tình của tác giả: Xin lưu ý tập truyện ngắn này không phải là hồi ký, tự truyện, hay tài liệu ghi lại dữ kiện lịch sử. Mọi nhân vật đều được dựng nên, tiểu thuyết hóa cho phù hợp với câu chuyện, và có thể không tương ứng với nhân vật có thực nào. Nhân vật xưng "tôi" không phải chính tác giả mà có thể mang dáng cách, tâm sự, và mơ ước thầm kín của bạn bè cùng thời. Xin đừng liên kết nhân vật trong truyện với bất cứ ai ở ngoài đời.

* * *

21. Học Một Sàng Khôn

Từ lúc di tản tới đảo Guam rồi sang trại Trại Pendleton, gia đình tôi đã ngủ lều vải nhà binh và ăn cơm nhà ăn tập thể đúng 100 ngày. Đêm nay là đêm cuối cùng chúng tôi ngủ trong căn lều số 67 và sáng mai bay lên Bismarck thuộc tiểu bang North Dakota. Hành trang đi định cư vỏn vẹn có chiếc cặp da cũ của tôi, hai chiếc xắc tay Air Vietnam tả tơi, và ba chiếc túi vải Quỳnh Châu và Bình may tay bằng vải ca-ki tháo ra từ quần đàn ông quá khổ trong mớ áo quần cũ các nhóm từ thiện bên ngoài mang vào phát cho. Túi vải đựng áo quần của thằng Sang và Lâm và Trọng, toàn đồ từ thiện, và gồm tất cả mọi thứ thuộc về ba đứa em tôi.

Tôi thức khuya như thường lệ và khoảng nửa đêm vạch tấm bạt cửa lều bước ra ngoài. Mặt trăng gần tròn chênh chếch trên bầu trời không gợn một áng mây. Tôi đứng suy nghĩ mông lung, không hay Quỳnh Châu đứng bên cạnh từ lúc nào; giọng nàng nhẹ như gió thoảng,

“Chồng xấu thì thôi, ra đứng ngắm trăng một mình mà không kêu cô vợ dễ thương theo cho có bạn.”

“’Trẫm’ thấy ‘hoàng hậu nương nương’ nhắm mắt nằm yên và thở đều nên tưởng ‘nương tử’ ngủ say nên chuồn ra đây than thở với gió trăng và liều một đám,” tôi nói đùa; “liều một đám” nói lái thành “làm một điếu,” tức là hút thuốc lá.

“Em giả bộ ngủ để anh đi ngủ sớm lấy sức ngày mai đi đường mà anh không để ý, tưởng em ngủ thực đó thôi. Từ khi chia tay với anh Ngân chiều hôm qua, anh trở nên tư lự và không còn háo hức về vụ đi North Dakota; có chuyện gì chồng chưa nói cho em biết?” giọng nàng buồn buồn.

Ngân là bạn thân của tôi ở Sài gòn, học Đại học Khoa học, đỗ Cử nhân Hóa học, và mở trường dạy luyện thi tú tài và thi tuyển vào các trường đại học chuyên khoa. Không như tôi lúc nào cũng hối hả như con lật đật, Ngân dễ tính xuề xòa, ăn nói đi đứng chậm rãi và từ tốn, và ít khi quan tâm tới giờ giấc hay cố gắng đúng giờ. Nhưng nhờ vậy, cộng thêm tính quý bạn hết mình của Ngân, trong mấy năm gần đây hai thằng gần gũi và thân thiết với nhau. Tôi hay than phiền về tính lè phè của bạn và đáp lại, Ngân cười hề hề không cãi.

Hai năm trước, tôi làm phù rể cho Ngân, vợ Ngân làm việc cho văn phòng Tùy viên Quân sự tòa Đại sứ Hoa kỳ (hay DAO) trong căn cứ Tân Sơn Nhứt. Cuối tháng Tư năm nay (1975), gia đình Ngân di tản bằng máy bay sang đảo Guam và đến trại Trại Pendleton từ đầu tháng Năm, sớm hơn tôi cả năm, sáu tuần. Hai thằng gặp nhau chưa có dịp kể nhau nghe những gian nan trải qua gần đây thì gia đình Ngân được nhà thờ Công giáo bảo trợ ra sống ở thành phố Tustin ở nam California.

Được tin tôi sắp đi North Dakota, Ngân nhờ người bảo trợ chở vào trại chào từ giã. Hiện tại gia đình Ngân “ăn welfare” (nhận trợ cấp của chính phủ), và Ngân được nhận vào chương trình huấn nghệ CETA (người Việt đọc là “xê-ta”). CETA là Đạo luật Tổng hợp về Nhân dụng và Huấn nghệ năm 1973. Chương trình đó cung cấp việc làm từ 12 đến 24 tháng cho những người lợi tức kém hay bị thất nghiệp đã lâu. Ở California, Ngân có thể đi học toàn thời gian và trong khi đi học được trả lương giờ tối thiểu quy định bởi luật liên bang không khác gì đi làm việc. Ngân ghi tên học ở Đại học Tiểu bang California - Long Beach và hai tuần nữa nhập học khóa mùa thu.

Tôi thố lộ điều nghĩ ngợi ray rứt trong lòng,

“Anh sẽ có việc làm tốt ở North Dakota, nhưng lòng không vui vì phải bỏ nghề dạy học anh hằng yêu thích. Nếu được nhận vào chương trình CETA như Ngân, trong vòng 24 tháng anh dư sức trở lại trường lấy bằng tiến sĩ và kiếm một chân giáo sư dạy ở một đại học nào đó. Suy đi tính lại, anh không chắc quyết định đi North Dakota của mình có chín chắn hay không.”

“Cái băn khoăn của chồng là cảm giác khó chịu gọi là ‘nhận thức bất hòa,’ tiếng Anh là ‘cognitive dissonance.’ Cảm giác đó xảy ra khi mình bị xung đột bởi hai hay nhiều điều tin tưởng trái ngược nhau. Chẳng hạn như sau khi khổ công chọn mua một đôi giày vừa ý và bị bạn chê đôi giày mắt tiền, cỡ quá lớn, hay phẩm chất xấu, anh bị dày vò giữa ý thích và quyết định của mình và lời bình phẩm của bạn rồi đâm ra áy náy không biết phải làm sao. (Cảm giác hối tiếc trong trường hợp này gọi là ‘người mua hối hận.’) Nhưng tìm cách xóa bỏ hoặc giảm bớt sự ‘bất hòa’ để tránh né tình trạng mâu thuẫn sẽ đưa lại kết quả dở dơi dở chuột không toại ý. Thí dụ, một chàng trai kén chọn ý trung nhân, nghe người này nói một câu người kia nói một câu, và cuối cùng lựa được một cô nhưng không phải là mẫu người yêu mơ ước. Đôi giày anh mua, đúng ý hay không thì tự anh biết. Hãy mang đôi giày đã chọn để đi trên con đường mình vạch ra, đừng theo con đường của người khác mà bỏ lỡ cơ hội thay đổi cuộc đời chồng ơi.”

Tôi ân hận nắm tay Quỳnh Châu,

“Vợ anh nói chí lý, anh không đứng núi này trông núi nọ nữa. Nhưng hình như em có điều chi quan trọng định nói với anh?”

“Dạ, hôm qua em lên bệnh viện Hải quân khám bác sĩ. Ông bác sĩ sản/phụ khoa thử nghiệm và xác nhận gia đình mình sẽ có thêm một miệng ăn vào giữa tháng Ba năm tới,” nàng bẽn lẽn.

“Vậy là em đã . . .?” tôi sung sướng quay người ôm Quỳnh Châu.

“Dạ, em tính báo cho anh biết liền, nhưng thấy anh buồn bực nên em chần chờ,” nàng rơm rớm nước mắt.

Tôi hôn lên má Quỳnh Châu và nói khẽ vào tai nàng,

“Anh xin lỗi em, ‘má thằng Thìn’ của anh.”

“Năm tới là năm Bính Thìn tuổi con Rồng thì em hiểu rồi, nhưng sao anh nói là ‘thằng’?”

“Người Việt mình nói con trai thương mẹ nhiều hơn cha, và con gái thương cha nhiều hơn mẹ. Anh mong con đầu lòng là con trai để ghi nhớ công lao và sự hy sinh của vợ yêu trong những ngày khó khăn nhất của hai đứa mình.”

“Dạ nếu vậy thì em sẽ mong ngược lại: Con mình là con gái và từ giờ đến đó, anh là ‘ba bé Long’ của em,” nàng nũng nịu; “Long” là con rồng.

“Điều cần nhất là ‘bà bầu’ phải đi ngủ dưỡng sức,” tôi dắt tay nàng đi vào lều, vừa đi vừa hát nhại câu ca dao với tuổi Tý của tôi ghép vào,

‘Bầu’ ơi thương lấy ‘Tý’ cùng,
Tuy rằng khác giống nhưng chung một lều.

* * *

Chúng tôi dậy sớm đón xe tới trạm xe buýt đưa người xuất trại ra phi trường Quốc tế Los Angeles. Khoảng sáu giờ rưỡi sáng xe buýt rời khỏi trại, tôi quay đầu nhìn chiếc cổng gác mà lòng bồi hồi. Từ giã căn lều trên đồi tôi lấy làm nhà hơn hai tháng qua, từ giã nhà bàn với những bữa cơm không ngon nhưng đầy đủ dinh dưỡng, và từ giã những người lính Thủy quân Lục chiến trẻ tuổi kiên nhẫn, lễ phép với người lớn, và thân thiện với trẻ em.

Tôi miên man suy nghĩ, xe đến gần Los Angeles lúc nào không hay, và giật mình thức tỉnh giữa tiếng vỗ tay reo vui của các bạn đồng hành. Bên ngoài là một cảnh tượng tôi chưa từng thấy: xa lộ rộng thênh thang mỗi chiều có sáu hay bảy lane (đường vạch rõ cho xe hơi chạy) và xe hơi đủ loại nườm nượp nối đuôi nhau trong giờ đi làm. Xe cộ đông đảo và di chuyển chậm rì, nhưng không xe nào luồn lách bon chen từ lane này sang lane khác và không có tiếng bóp còi inh ỏi như cảnh kẹt Sài gòn. Thỉnh thoảng có xe cần đổi lane, chớp đèn ra hiệu, và được các xe khác lịch sự nhường đường cho qua. Hình ảnh một nước Mỹ giàu có và dân chúng kính nhường nhau khiến tôi cảm kích và bóp nhẹ tay Quỳnh Châu,

“Sinh ra ở xứ này ’thằng Thìn’ nhà mình thật may mắn!”

Xuống xe trước phi trạm, chúng tôi được hướng dẫn đến quầy vé hãng Hàng không Northwest để check in (ghi tên để lấy thẻ lên tàu) cho chặng bay đầu tiên tới Denver thuộc tiểu bang Colorado. Tôi lấy tập vé máy bay ra trình, nhân viên quầy vé nhìn tôi hỏi trống lổng, “Smoking or non?” Tôi bối rối, “hút thuốc hay không” nghĩa là sao? Tôi yêu cầu lập lại câu hỏi; vẫn là “Smoking or non?” Hay anh ta bảo tôi không được hút thuốc? Vô lý, tôi không hề thấy bảng cấm, và nhiều người chung quanh đang hút tỉnh bơ mà có ai nói gì đâu. Tuy vậy, tôi dụi điếu thuốc lá mới hút một phần ba vào chiếc gạt tàn trên quầy vé. Anh ta trả lại tập vé cùng với xấp thẻ lên tàu,

“Cám ơn ông, chúc ông thượng lộ bình an.”

Hơn một tiếng đồng hồ sau tôi mới hiểu ra. Khác với máy bay Air Vietnam bên nhà, ở đây chỗ ngồi hành khách chia thành khu hút thuốc và khu không hút thuốc. Anh quầy vé hỏi tôi muốn ngồi ở khu nào và khi thấy tôi hút thuốc, tự ý chỉ định chúng tôi ngồi ở khu hút thuốc làm “má thằng Thìn” phải chịu thở khói thuốc suốt chuyến bay. Khi phi cơ lên tới cao độ bình phi, tôi thưởng cho mình một điếu thuốc lá khác và gọi hai lon bia Budweiser, một cho mình và một cho thằng Sang; Quỳnh Châu và các em khác được uống nước ngọt miễn phí. Mỗi lon bia giá một đô la, bằng một phần mười tài sản cá nhân của tôi. Hôm qua, Cơ quan Di trú và Tỵ nạn Lutheran phát cho mỗi người 10 đô la làm lộ phí, và giờ đây phần tôi và thằng Sang còn lại chín đô la.

Xuống phi trường Denver, chúng tôi được một thanh niên thiện nguyện của hội Hồng thập tự đón và đưa sang quầy vé hãng Hàng không Frontier để bay chặng cuối về Bismarck. Ở đó, họ đạo nhà thờ Ba ngôi Lutheran chờ đón chúng tôi, phi trạm nhỏ không đủ chỗ, và nhiều người phải đứng dôi ra ngoài trời. Tôi và Quỳnh Châu đi về nhà trên xe vị đại diện chính của nhà thờ là ông Ryland Gardner tôi tiếp xúc bằng thư và điện thoại trong mấy tuần qua, và các em đi chung với nhóm thanh niên trẻ. Ông cho biết suốt tuần qua hơn một chục người họ đạo làm việc thâu đêm để sửa soạn nhà cửa cho chúng tôi.

Đèn đuốc sáng trưng trong ngôi nhà kiến trúc theo lối cổ với hàng hiên xây cất tỉ mỉ, chiếc bánh “Welcome to Your New Home” (Chào mừng bạn về nhà mới) cùng các thức uống nằm trên chiếc bàn lớn giữa phòng ăn, và tiệc tiếp tân dành cho những kẻ di dân mới đã sẵn sàng. Ông Gardner đưa tôi đi một vòng xem nhà: Tầng hầm sẽ dành cho cha mẹ ở; tầng này có phòng ngủ, phòng tắm, và lối đi riêng ra bên ngoài. Tầng trệt có ba phòng ngủ và phòng khách, phòng ăn, phòng tắm, và nhà bếp. Phòng ngủ chính lớn nhất có hai giường dành cho ba đứa em trai, phòng nhỏ hơn của vợ chồng tôi, và phòng nhỏ nhất thuộc về em Bình. Các phòng đều trang bị đầy đủ bàn ghế tủ giường, chiếc tủ lạnh lớn trong nhà bếp chất đầy thức ăn tươi, và những ngăn tủ trong nhà bếp đầy thức ăn khô. Trong phòng tắm, tôi thấy tận mắt lần đầu tiên chiếc bồn tắm bằng sứ tráng men màu trắng như trong phim xi-nê.

Trong phần phát biểu, tôi xúc động cám ơn các người họ đạo đã chân thành chào đón chúng tôi và với ý định trả lễ theo tục lệ Việt nam, hứa sẽ đến nhà thăm viếng từng người trong một ngày gần đây. (Lời hứa ấy mãi mãi là lời hứa suông. Trong đời sống chạy đua với đồng hồ ở Mỹ, dễ dầu gì mà viếng thăm riêng rẽ nhiều người như thế?) Sau buổi tiếp tân, khách thu dọn sạch sẽ trước khi hối hả ra về. Ông Gardner về sau cùng và hẹn mười giờ sáng hôm sau đưa đi tôi đi ký hợp đồng thuê nhà và làm các thủ tục giấy tờ khác. Tôi nhìn đồng hồ đeo tay: mới chín giờ rưỡi, chắc dân tỉnh nhỏ quen đi ngủ sớm để sáng mai đi làm.

Sáng hôm sau dậy sớm, tôi nấn ná pha cà phê uống và mở ti-vi xem đợi đến giờ hẹn. Tám giờ thiếu mười lăm, ông Gardner bấm chuông; tôi mời ông vào và hỏi ông dùng cà phê cà phê sáng chưa. Ông cám ơn và nói,

“Chắc mình không đủ thì giờ; anh sẵn sàng chưa?”

“Dạ cháu xong cả rồi. Nhưng bác nói mười giờ, còn sớm mà,” tôi ngạc nhiên.

“Bây giờ là chín giờ bốn mươi lăm,” ông giơ tay đưa đồng hồ ra.

Thì ra Bismarck đi trước California hai tiếng đồng hồ mà tôi không hay. Tôi hơi quê với ông Gardner, và cái “sàng khôn” học được sau khi đi một ngày đàng có thêm một điều. Bước đầu bỡ ngỡ mà được như vầy cũng không đến nỗi tệ!

Nguyễn Ngọc Hoa
Ngày 5 tháng Hai, 2020

Trở về đầu trang