Trở về trang Mục Lục

Bản PDF để in

Tập truyện "Đời Phiêu Ngụ"

Lời trần tình của tác giả: Xin lưu ý tập truyện ngắn này không phải là hồi ký, tự truyện, hay tài liệu ghi lại dữ kiện lịch sử. Mọi nhân vật đều được dựng nên, tiểu thuyết hóa cho phù hợp với câu chuyện, và có thể không tương ứng với nhân vật có thực nào. Nhân vật xưng "tôi" không phải chính tác giả mà có thể mang dáng cách, tâm sự, và mơ ước thầm kín của bạn bè cùng thời. Xin đừng liên kết nhân vật trong truyện với bất cứ ai ở ngoài đời.

* * *

22. Tiếng Gọi từ Cõi Âm

Hôm nay là ngày đầu tiên tôi thực sự sống ở Hoa kỳ. Như đã hẹn, ông Gardner đưa tôi đến công ty bất động sản ông làm chủ để ký hợp đồng thuê nhà. Khi cô thư ký mang bản hợp đồng tới, tôi lấy bút định ký tên thì ông đưa tay ngăn lại,

“Ở nước này, anh cần nhớ là không bao giờ ký tên vào một văn kiện mà không đọc kỹ và hiểu rõ.”

“Trong đời cháu chưa ký hợp đồng bao giờ. Bác là người của nhà thờ bảo trợ nên cháu nghĩ không cần đọc,” tôi bối rối.

“Anh hãy tập thói quen đó, mình không đi đâu mà vội,” ông khăng khăng bảo tôi.

Tôi cầm bản hợp đồng, đọc kỹ từ đầu đến cuối, và hỏi lại những điều chưa hiểu rõ. Thấy tôi đọc xong và hơi nhíu mày, ông Gardner giải thích,

“Nhà anh ở do nhà thờ Ba ngôi Lutheran làm chủ, chúng tôi tính tiền thuê 150 đô la là giá thấp nhất, chỉ vừa đủ để trang trải thuế thổ trạch, bảo hiểm, và chi phí bảo trì hàng tháng. Nhà thờ sẽ không lấy tiền nhà trong ba tháng, hay đến khi anh có đủ lợi tức sống tự lập.”

Sau đó, ông Gardner lái xe đưa tôi ra First National Bank giới thiệu với một ông phó tổng giám đốc ngân hàng. Cũng là người trong họ đạo, ông này niềm nở tiếp chuyện và khi chia tay trao cho tôi tấm danh thiếp, “Nếu cần gì, anh cứ gọi điện thoại hay đến gặp tôi.” Trên đường về, tôi nói với ông Gardner,

“Ở Việt nam không mấy ai dùng nhà băng vì phần lớn dân chúng dùng tiền mặt để mua bán và nếu dư dả muốn để dành lâu dài thì mua vàng cất giữ. Thỉnh thoảng cháu cũng ra nhà băng lãnh chi phiếu, nhưng chỉ mở trương mục tiết kiệm để gửi tiền vì lãi suất đến 36 phần trăm một năm.”

“Ở Hoa kỳ, khó có ai không cần tới trương mục ngân hàng. Người ta dùng chi phiếu trong mọi giao dịch, trả tiền hóa đơn hàng tháng, và gửi chi phiếu trong thư mà không bao giờ sợ mất.”

“Ngày rời Sài gòn, cháu mang theo cái cặp đầy tiền Việt nam, nhưng số tiền khá lớn đó đã trở thành mớ giấy lộn vô giá trị. Tài sản tụi cháu bây giờ vỏn vẹn có mười đô la một người lãnh của cơ quan thiện nguyện để chi tiêu dọc đường nên chắc còn lâu mới cần gửi tiền nhà băng,” tôi nghe ông im lặng khá lâu.

Trưa hôm đó, tôi được ăn bữa cơm Việt nam đầu tiên sau gần bốn tháng trời. Cơm trắng, cá kho, và canh rau cải nấu tôm. Tôi xuýt xoa khen,

“Nếu biết được vợ anh và cô em gái có tài nấu nướng trứ danh như thế này thì anh không lên Bismarck làm chi. Cứ liều mạng ra California, mở nhà hàng Việt nam, và làm bồi bàn cho hai cô là . . . sướng đời tỵ nạn rồi.”

“Chồng đừng cho hai chị em đi máy bay giấy, rớt xuống đất đau lắm đó,” Quỳnh Châu vờ không bằng lòng.

Nước đường của anh Ba Hoa coi vậy mà khó nuốt trôi lắm. Anh khen để chị em mình lúc nào cũng phải nấu ăn ngon, mặc dù thịt cá toàn đồ đông lạnh, gia vị thiếu tùm lum, và nước mắm không có phải thay bằng xì dầu,” Bình chu mỏ bồi thêm.

“Chồng khen hay chê thì cứ nói líp ba-ga, nhưng tối phải ăn lại đồ cũ vì chiều nay em và cô Bình đi cắt tóc. Lâu nay tóc dài thoòng mà chưa được nếm mùi kéo của chú Thoòng,” Quỳnh Châu cười nửa miệng.

“Líp ba-ga” (do tiếng Pháp “libre bagage”) là tiếng lóng có nghĩa là tha hồ làm việc gì cho đã đời, và tiệm uốn tóc “chú Thoòng” trên đường Phan đình Phùng gần chợ Vườn Chuối Sài gòn dùng thợ người Hoa cắt uốn khéo tay được phụ nữ ưa chuộng. Tôi chưa kịp bàn ra thì Quỳnh Châu vuốt vai tôi,

“Bà Lorene vợ Mục sư Nielsen hẹn chiều nay đưa tụi em xuống phố . . . xem dân cho biết sự tình và cắt tóc tặng không ở tiệm của một bà bên nhà thờ.”

Ông John Nielsen là mục sư trưởng của nhà thờ Ba ngôi, trạc năm mươi tuổi, dáng người cao lớn, ăn nói lớn tiếng, và giọng nói rõ ràng và thành thực. Bà Lorene có lẽ nhỏ tuổi hơn chồng, người thanh nhã và dịu dàng, và mặt đẹp như thiên thần. Chúng tôi vừa ăn cơm xong thì ông bà bấm chuông ngoài cửa. Trong lúc bà nói chuyện với Quỳnh Châu và Bình, ông hỏi tôi,

“Ngày mai thứ Bảy, anh và bọn con trai có bận việc gì không?”

“Dạ không, ông Gardner chưa dự định việc gì cho tụi cháu cả,” tôi lắc đầu.

“Chúng tôi có việc muốn nhờ anh làm. Nhà tôi ở nằm cùng một khu phố với nhà anh và cũng là nhà của nhà thờ Ba ngôi. Hàng rào bằng gỗ chung quanh vườn sau cần một lớp sơn mới, anh giúp được không?”

“Dĩ nhiên là tụi cháu sẵn lòng. Sáng mai sẽ sang làm ngay,” tôi sốt sắng nhận lời.

“Vậy chiều nay tôi đi mua sơn cọ và các thứ cần thiết và để sẵn cho anh làm việc. Anh nhớ ghi lại anh và các em làm tổng cộng bao nhiêu tiếng đồng hồ để nhà thờ trả tiền.”

Thì ra ông mục sư được ông Gardner cho biết tôi là kẻ trắng tay nên bày ra việc cho tôi làm lấy tiền. Để tỏ lòng biết ơn và trả lễ và đồng thời khoe tài nấu nướng của phụ nữ nhà mình, tôi mời ông bà chiều mai sang dùng cơm tối với chúng tôi. Ông mừng rỡ nhận lời, nhưng lại đề nghị,

“Bên nhà tôi có mấy đứa con ở xa về. Hay là như thế này, Lorene sẽ đưa hai cô gái đi chợ, mua vật liệu cần thiết, và sang nhà tôi nấu nướng. Hai gia đình mình ăn cơm tối với nhau, một viên đá ném trúng cả hai con chim.”

Món cơm chiên Dương Châu của Quỳnh Châu và Bình ngon như của nhà hàng Đồng Khánh Chợ Lớn; ông bà mục sư và bốn người con tấm tắc khen ngợi và ăn đến sạch nồi. Ông bà người gốc Na Uy, một trong bốn nhóm chủng tộc chính ở North Dakota; ba nhóm kia là Đức, Nga, và Ái Nhĩ Lan. Nhấm nháp ly rượu vang, ông vui miệng kể chuyện khôi hài,

Hai bợm rượu gặp nhau trong ba (bar) bán rượu. Anh thứ nhất tự giới thiệu mình là Oly (tức là Oliver) dân Na Uy. Anh kia cười hinh hích,

“Vậy là hôm nay tao gặp may.”

“Vậy sao?” Oly hỏi.

“Với tụi Đức, Nga, và Ái Nhĩ Lan, khi kể chuyện khôi hài tao phải nói đến bốn hay năm lần bọn nó mới hiểu ra mà cười.”

“Dân Na Uy tụi tao thì sao?” Oly gặng hỏi.

“Chỉ cần kể hai lần, cùng lắm là ba. Thật tuyệt, mày thấy không?”

Từ ngày rời Sài gòn, hôm nay là buổi tối vui vẻ và thoải mái nhất của tôi. Gia đình Nielsen thật dễ thương; nói chuyện với họ, tôi hầu như quên mình là kẻ di dân nghèo khó. Trong những năm kế tiếp, ông bà mục sư và ông Gardner giữ vai trò quan trọng trong đời sống của gia đình tôi. Khi chúng tôi không còn cần giúp đỡ về vật chất, vòng tay thương yêu của ba người vẫn mở rộng, và họ là nơi nương tựa tinh thần của tất cả chúng tôi, từ cha lớn nhất đến em Trọng nhỏ nhất.

* * *

Tôi làm việc cho công ty tiện ích gần 37 năm, năm 2012 quyết định về hưu, và chọn 30 tháng Tư là ngày làm việc cuối cùng. Trước đó, tôi và Quỳnh Châu mua condo (hay “condominium” là căn nhà phải trả tiền trông nom và bảo trì chung) ở Austin thủ phủ tiểu bang Texas; condo gần cả nhà mẹ, nhà thằng Sang, và nhà Bình. Một buổi sáng giữa tháng Năm, vợ chồng tôi lên đường về Austin. Chiếc minivan chở vật dụng cho căn condo mới chạy êm trên xa lộ vắng xe.

Chúng tôi ghé ăn trưa ở Fargo, thành phố lớn nhất North Dakota cách Bismarck chừng 200 dặm Anh về phía đông, rồi rẽ sang xa lộ liên bang I-29 đi về hướng nam. Từ khi vào địa phận tiểu bang South Dakota, tôi thấy đôi mắt càng lúc càng mỏi, và cơn buồn ngủ kéo ập tới. Tôi ngừng xe ở khu nghỉ dọc đường, nhường tay lái cho Quỳnh Châu, và sang ghế hành khách ngồi ngủ. Nàng còn mệt mỏi vì jet lag (chênh lệch giờ sau khi đáp máy bay phản lực đi xa) sau chuyến đi về Việt nam gần đây.

Trong giấc ngủ mê mệt, tôi nghe tiếng gọi mơ hồ, “Dậy đi, dậy đi, đừng ngủ nữa.” Đầu óc mơ màng nhưng tôi rán mở mắt và thấy Quỳnh Châu chạy 85 dặm một giờ (trên xa lộ có giới hạn 75 dặm một giờ) và đôi mắt nàng lờ đờ buồn ngủ. Tôi lo âu thành tiếng, “Em chạy nhanh quá, chậm lại đi em,” rồi tiếp tục thiếp đi.

Một lát sau, tiếng gọi kia lại giục giã, “Dậy ngay đi, dậy ngay đi. Mục sư Nielsen cùng tuối Tý với mi; ông đi rồi, nhớ không?” Ông bà mục sư về hưu mười mấy năm trước và thảm thiết lìa đời trong một chuyến du lịch sang tiểu bang Montana kế cận cách đây hơn năm năm, xe ông bà bị xe vận tải hạng nặng đụng bẹp dúm trong lúc bà cầm lái. Tôi đã cùng khóc với mấy người con của ông bà khi đến thăm di hài ở nhà quàn và dự đám tang ở nhà thờ Ba ngôi. Bản tiểu sử (người chết) cho thấy ông sinh năm 1924, tuổi Giáp Tý. Hình ảnh ông bà nằm trong quan tài chớp nhoáng liên tục trong đầu tôi như một cuộn phim quay nhanh.

Tôi giật mình tỉnh dậy thì thấy Quỳnh Châu đang vật lộn với tay lái, xe sàng qua sàng lại chạy xéo qua khoảng đất trống giữa hai chiều xa lộ và vọt sang đường phía bên kia. Hoảng hốt la lên, “Cái gì vậy, cái gì vậy?” tôi dùng cả hai tay giúp nàng giữ vững tay lái trong khi hai chiếc vận tải hạng nặng chạy trờ tới. Nàng quýnh quáng nhấn ga mạnh hơn, chiếc minivan rú lên băng ra khỏi mặt đường, tránh hai chiếc xe vận tải trong đường tơ kẽ tóc, và lao tới cột trụ bê-tông của cây cầu trên xa lộ.

Một tiếng “ầm” chát tai vang dậy; chiếc minivan húc vào đầu cầu và quay ngược một vòng. Không biết túi không khí đã bung ra, tôi sợ xe nổ và phát cháy, liền vội vàng ngả ngửa người và chống tay luồn ra ngoài theo lỗ hổng dưới chân. Một phút trước, lỗ hổng đó là bộ máy xe. Chiếc kính đeo mắt gãy lìa và rớt trong xe, tôi đờ đẫn nhìn mà không thấy rõ cảnh vật chung quanh.

Hai người tài xế xe vận tải tiến lại gần; một người giữ tôi nằm yên tại chỗ, và người kia dùng điện thoại di động gọi cứu cấp. Không tới mười phút sau, các xe cảnh sát, cứu hỏa, cần trục, và cứu thương chớp đèn và hụ còi lục tục chạy tới. Xe cứu thương chở tôi tới phòng cấp cứu gần nhất là của bệnh viện Watertown, một thành phố nhỏ nằm ven xa lộ I-29. Vị bác sĩ trực đứng tuổi cẩn thận khám khắp người tôi,

“Ngoài chỗ xương vỡ trên bàn chân phải, tôi không thấy thương tích nào khác. Đầu xe nát bấy mà ông bà sống sót thì thật may mắn.”

“Sao bác sĩ biết?” tôi ngạc nhiên hỏi.

“Tôi nhìn thấy hình chiếc xe. Nhân viên cứu thương chụp hình cảnh tai nạn để chúng tôi biết mà chữa trị,” ông cười nhẹ.

Sau khi được bác sĩ khám ở phòng bên, Quỳnh Châu vén màn bước vào nắm tay tôi với đôi mắt ngấn lệ, “Em không sao cả, lạy Trời cho chồng được bình yên”; miếng băng vết thương nằm giữa trán nàng. Tôi yêu cầu chuyển về bệnh viện lớn ở Fargo; ở đó, bác sĩ chỉnh hình giải phẫu bàn chân phải của tôi và bó bột từ đầu gối trở xuống. Quỳnh Châu không rời tôi nửa bước, nàng ở bên cạnh ngay cả khi tôi bị đánh thuốc mê nằm trên bàn mổ.

Tôi trở lại nhà Bismarck; tháng Năm ngày dài, nhưng trời tối mịt khi tôi lúng ta lúng túng chống đôi nạng mới khập khiễng bước vào nhà. Rời khỏi nhà mới ba ngày mà tôi tưởng chừng như đã lâu lắm.

Vài ngày sau tôi đến văn phòng bác sĩ đo mắt để khám mắt và làm kính mới. Như thường lệ, ông lấy chiếc kính tôi đang dùng tạm mang đi thử độ ở phòng ngoài; tôi cản lại,

“Đó là kính cũ từ ba năm trước. Bác sĩ đo làm gì cho mất công?”

“Tôi đo thử coi, không hại gì,” ông nói từ tốn và sau đó trở lại với nụ cười chúm chím, “Anh tin được không, đây là kính mới nhất của anh!”

Tôi chết sửng không nói nên lời. Khám phá của ông bác sĩ có nghĩa là cơn buồn ngủ trên đường đi và do đó tai nạn kinh hồn xảy đến là do tôi mang kính cũ không đúng độ. Trước ngày lên đường, tôi lấy hộp đựng kính cũ ra, ghi chữ rõ ràng ngoài hộp, và bỏ vào va-li mang theo phòng hờ. Làm sao kính cũ và kính mới đổi chỗ với nhau, tôi không sao nghĩ ra.

Tôi lại càng không nghĩ ra vị linh thiêng nào trong cõi âm đã nhắc đến ông bà Nielsen để đánh thức tôi dậy và phò hộ cho vợ chồng tôi qua khỏi tai nạn ngặt nghèo. Chỉ biết Trời Phật gia ơn cho chúng tôi sống lâu hơn để gặp lại ba đứa con yêu quý.

Nguyễn Ngọc Hoa
Ngày 19 tháng Hai, 2020

Trở về đầu trang