![]() |
Tập truyện "Đời Phiêu Ngụ" Lời trần tình của tác giả: Xin lưu ý tập truyện ngắn này không phải là hồi ký, tự truyện, hay tài liệu ghi lại dữ kiện lịch sử. Mọi nhân vật đều được dựng nên, tiểu thuyết hóa cho phù hợp với câu chuyện, và có thể không tương ứng với nhân vật có thực nào. Nhân vật xưng "tôi" không phải chính tác giả mà có thể mang dáng cách, tâm sự, và mơ ước thầm kín của bạn bè cùng thời. Xin đừng liên kết nhân vật trong truyện với bất cứ ai ở ngoài đời. * * * 24. Vớt Nhằm Hột Châu Đã vào hạ tuần tháng Tám mà thời tiết Bismarck vẫn còn ấm áp, nhiệt độ buổi chiều lên tới 90°F (khoảng 32°C). Ban đêm trời mát nhanh, nhưng tôi mặc áo tay ngắn đi ra ngoài trời vẫn thấy thoải mái. Ông bảo trợ Gardner nói, “North Dakota có bốn mùa rõ rệt. Mùa hè nắng ấm như mọi nơi khác, sang thu mát mẻ, đến mùa đông thời tiết có khắc nghiệt hơn các vùng miền nam, và qua mùa xuân ấm áp trở lại.” “Ở Việt nam, khí hậu nóng và ẩm quanh năm và chỉ có hai mùa: mùa mưa và mùa khô. Vì vậy, không mấy ai thắc mắc về nhiệt độ hàng ngày, và bản tin thời tiết buổi sáng trên đài phát thanh chỉ dành cho tàu bè chạy ven biển,” tôi kể chuyện bên nhà. “Chúng mình còn khoảng một tháng mùa hè. Đến 23 tháng Chín là tiết thu phân ngày đêm dài bằng nhau và bắt đầu mùa thu,” ông nói thêm. “Khi nào mùa đông bắt đầu?” đây là điều tôi lo lắng nhất. “Vào tiết đông chí ngày ngắn đêm dài nhất do quả đất quay xa mặt trời, năm nay nhằm 23 tháng Chạp, hai ngày trước lễ Giáng sinh.” Còn gần bốn tháng nữa tôi mới phải đương đầu với mùa đông giá lạnh, chuyện trước mắt là ba em Bình, Lâm, và Trọng gần đến ngày đi học. Ông Gardner cho biết, “Thứ Năm tới, trường học khai giảng niên khóa mới. Sau mấy tháng nghỉ hè, học sinh đi học lại hai ngày cho quen thầy quen lớp, nghỉ xả hơi ba ngày cuối tuần dài lễ Lao động, và thứ Ba tuần tới học liền một mạch.” “Cháu tưởng lễ Lao động nhằm mồng một tháng Năm chứ,” tôi lấy làm lạ hỏi lại. “Không, ngày đó là lễ tháng Năm hay lễ Công nhân Quốc tế được các nước Âu châu nhất là các nước Cộng sản chọn làm ngày lễ Lao động. Nhưng ở Mỹ và Gia Nã Đại, lễ Lao động là ngày thứ Hai đầu tiên của tháng Chín, ngày được dân chúng xem là lúc mùa hè kết thúc và trường học và các sinh hoạt thể thao mùa thu bắt đầu.” Lâm và Trọng sẽ học trường trung học công lập không phải trả học phí, ăn trưa miễn phí ở trường (vì gia đình chưa có lợi tức), và được mượn sách học cả năm, nhưng hai em cần mua dụng cụ học sinh, ba-lô đựng sách vở, v.v. Bình chọn ngành Điều dưỡng ở Đại học Cộng đồng Bismarck (BJC), học hai năm lấy bằng Cán sự, và sau đó chuyển sang đại học bốn năm học tiếp lấy bằng Cử nhân Điều dưỡng. Em sẽ phải đóng học phí BJC, cần tiền ăn trưa, và cần mua sách vở và học cụ. Tóm lại, tôi cần tiền; ông Gardner đồng ý, “Sống ở Mỹ ai cũng phải có tiền.” Ông đưa tôi ra First National Bank gặp ông Phó Tổng Giám đốc ngân hàng và đồng ký tên vào giấy nợ ngân hàng để tôi vay 250 đô la, cả vốn lẫn lời trả lại trong sáu tháng, và nếu tôi không trả thì ông phải trả. Cầm tờ giấy nợ, tôi cười như mếu, “Đây là lần đầu tiên trong đời cháu mắc nợ, và chắc không phải là lần cuối.” “Ai cũng có lần đầu,” ông Gardner cười lớn, “Anh tập làm người Mỹ đi là vừa. Chúng tôi nợ ngập đầu ngập tai, vay nợ mua xe trả góp ba năm, vay nợ mua nhà trả góp 30 năm, nợ thẻ tín dụng mua hàng ở các cửa hàng lớn, và đủ thứ nợ nần khác. Rồi anh cũng vậy thôi.” Sáng hôm sau, tôi và anh Mike trong họ đạo đưa Lâm và Trọng lên trường trung học Bismarck cách nhà năm khu phố; anh là giáo sư của trường. Thủ tục xin học rất đơn giản: Tôi chỉ cần điền đơn ghi tên và địa chỉ của mình (là người giám hộ) và tên và ngày sinh của hai em rồi ký tên là xong. Tính theo tuổi, Lâm vào lớp 11 và Trọng lớp 9, liên tục từ niên khóa vừa qua ở Sài gòn. Sau khi hai em chọn môn học và lấy sách học và thẻ ăn trưa, anh Mike đưa chúng tôi đi xem trường. Trước cửa một lớp học trên lầu hai, chúng tôi gặp một cô giáo cao lớn tóc nâu trạc tuổi tôi ôm sách vở bước ra. Anh dừng lại chào và giới thiệu, “Cô Judy dạy Anh văn, Lâm và Trọng sẽ học với cô. Đây là Ba Hoa, người Việt tỵ nạn vừa được nhà thờ Ba ngôi Lutheran bảo trợ.” “Chào mừng anh đến Bismarck. Tôi mong chờ dạy em anh, chắc các cậu cũng thông minh như ông anh,” Judy cười thật tươi; chúng tôi cùng nhau đi xuống cầu thang. “Cô đã biết về chúng tôi?” tôi hơi thắc mắc. “Sau hôm anh đến, tờ Bismarck Tribune (Diễn đàn Bismarck) tường thuật chuyện đi đón gia đình anh ở phi trường và đăng hình chụp với chức sắc của nhà thờ Ba ngôi. Trước đó, chồng tôi cũng đã kể chuyện anh và phục anh lắm. A, anh ấy đến rồi,” Judy nói lớn. Một thanh niên trạc tuổi tôi, người cao lớn và tròn trặn với đôi mắt tinh anh và bộ râu quai nón, đứng chờ ở chân cầu thang. Judy reo lên, “Mình ơi, em vừa mới nhắc đến mình. Charlie chồng tôi làm kỹ sư điện cho Công ty Tiện ích Montana-Dakota. Còn đây là anh Ba Hoa mình nói với em đó.” “Chào anh Ba Hoa. Ông sếp lớn của tôi đã phỏng vấn anh qua điện thoại lúc anh ở trong trại tỵ nạn. Ông ta phục anh sát đất, mong làm sao có được anh. Tôi cũng mong như thế,” Charlie bắt tay tôi với nụ cười thân thiện. “Rất hân hạnh. Hy vọng sẽ may mắn làm việc chung với anh,” tôi mừng rỡ nói lắp vắp. “Trưa thứ Sáu tới, theo thông lệ hàng tháng, chi hội Bismarck của IEEE nhóm họp và ăn trưa ở nhà hàng. Mời anh đến dự cho biết và đồng thời gặp mặt ông sếp; ông là chi hội trưởng sáng lập,” Charlie sốt sắng mời. Tôi biết khá rõ về IEEE (đọc giống như “eye triple ee”), tức là Hội Kỹ sư Điện và Điện tử thế giới có trụ sở chính ở Nữu Ước. Trước đây, tôi là đồng tác giả viết hai bài khảo cứu khoa học được chọn đăng trên tạp chí kỹ thuật xuất bản định kỳ của hội gọi là IEEE Transactions. Tôi toan nhận lời mời của Charlie nhưng chợt nhớ bài học về lối xã giao của người Mỹ: Khi mời ăn uống hay đi coi hát, họ thường go Dutch (“chơi theo lối Hòa Lan,” nghĩa là người nào trả phần người ấy). Thấy tôi lưỡng lự, Judy hiểu ngay; nàng khều tay chồng, “Mình nhớ là anh Ba Hoa mới đến chưa có việc làm hay phương tiện di chuyển.” “Xin lỗi. Mời anh dự với tư cách khách của tôi, tôi đãi anh. Thứ Sáu tôi đến nhà đón anh nhé,” Charlie nói rõ trước khi từ giã. Vợ chồng Charlie là đôi bạn Mỹ đầu tiên của tôi ở Bismarck. Sau đó, tôi làm việc cho công ty tiện ích và phục vụ cạnh Charlie suốt 35 năm, đến khi chàng về hưu vào cuối năm 2010. * * * Cùng buổi sáng hôm đó, Quỳnh Châu và bà Jane trong họ đạo đưa Bình đi ghi tên ở Đại học Cộng đồng Bismarck; bà là giáo sư của trường đại học. Trưa về vừa bước vào nhà, Quỳnh Châu tấm tắc khen, “BJC không lớn mà đẹp khỏi chê; khuôn viên đại học nằm trên ngọn đồi nhìn xuống dòng sông Missouri thơ mộng hai bên bờ có những rặng cây cao. Cô Bình thiệt ngon lành, mới lục cá nguyệt đầu tiên mà chơi toàn thời gian lấy 12 tín chỉ làm bà Jane le lưỡi phục lăn.” “Mười hai tín chỉ gồm bốn môn học. Kể cả giờ thực tập, em học một tuần có bốn ngày, thấm thía gì so với thời khóa biểu của em ở Đại học Giáo dục Thủ Đức? Chị đừng khen làm em ôốc dôộc (mắc cỡ),” Bình cười duyên cãi. “Bình cố học nhanh, ra trường sớm, đi làm tiền nhiều, và mau lấy dôông (chồng). Anh ngó thấu tim đen của cô em mà,” tôi cười hì hì. “Gì chớ cái dzụ lấy chồng thì em chưa tính đâu, ông anh đừng lo xa mà hao tổn mình dzàng!” Bình cong môi đáp lại. Tôi thuật lại chuyện gặp bạn mới và lời mời dự buổi họp hội IEEE. Quỳnh Châu cũng khoe, “Hôm nay em tình cờ gặp anh bạn cũ thời học Stanford.” Có tên đầy đủ là “Đại học Leland Stanford Con” và tọa lạc tại Stanford phía bắc tiểu bang California, Stanford là một đại học tư, nổi tiếng hàng đầu thế giới, và được xem như Đại học Harvard miền Tây. “Vui vậy à?” tôi buột miệng. “Em cũng không ngờ. Khi biết em tốt nghiệp Stanford, bà Jane nhớ ra, ‘Anh giáo sư Trưởng ban của tôi cũng là dân Stanford, tôi muốn giới thiệu chị với anh ấy; chị có phiền lòng không?’ Dĩ nhiên là em chẳng thèm phiền lòng, gặp thì gặp, chết thằng Tây nào mà lo,” Quỳnh Châu vừa cười vừa kể. Vừa trông thấy Quỳnh Châu, anh giáo sư trẻ ngồi sau chiếc bàn giấy bề bộn sách vở giấy tờ giãy bắn người đứng ngay dậy và bước ra la lớn, “Cô Pearl, sao cô có mặt ở đây?” “Pearl” (nghĩa là ngọc quý, tức là “Châu”) là tên các bạn đồng học dùng để gọi nàng ở Stanford. “Anh Brian Nông gia . . .” Quỳnh Châu sửng sốt không kém; ngày đó, Brian rất tự hào về gốc gác North Dakota thôn dã của mình nên bị bọn bạn thị thành gọi là “Brian Nông gia.” “Thì ra hai người đã quen nhau, ôi quả đất tròn!” bà Jane chép miệng. “Tôi và Pearl đều là dân Cardinal. Hồi đó, tôi làm luận án cao học, cần lấy hai môn nhiệm ý cho đủ số tín chỉ đòi hỏi, chọn hai môn học dưới bậc cử nhân cho dễ ăn, và nhờ đó được vinh hạnh học chung với Pearl. Khổ cho tôi, Pearl học giỏi tuyệt vời và vượt xa mọi người khiến giáo sư nâng cao tỷ số xếp hạng (percentile) của lớp và cho điểm rất hà tiện,” Brian nồng nhiệt kể. “Cardinal” (màu đỏ thắm) là tên gọi của các đội banh Stanford và cũng là danh xưng sinh viên Stanford gọi nhau. Ở đại học Mỹ, khi cho điểm cuối năm (“A,” “B,” “C,” “D,” hay “F”), giáo sư thường cho điểm theo tỷ số xếp hạng hơn là điểm thực khi làm bài. Thí dụ, nếu giáo sư quyết định điểm “A” ở tỷ số xếp hạng thứ 95, thì 95 phần trăm số sinh viên trong lớp sẽ được điểm thấp hơn điểm “A,” hay 5 phần trăm được điểm “A.” Nếu trong lớp có nhiều sinh viên giỏi, sinh viên học lực trung bình sẽ khó lòng được điểm cao. Đưa ngón tay giữa lên cho bà Jane thấy chiếc nhẫn triện khắc huy hiệu Stanford với châm ngôn Die Luft der Freiheit weht, tiếng Đức nghĩa là “ngọn gió của tự do thổi,” Brian than, “Tôi học phờ đuôi mới theo kịp Pearl và lấy điểm ‘A’ mong muốn. Sinh viên cao học phải luôn luôn giữ điểm trung bình trên ‘B,’ và trong suốt chương trình học chỉ được vi phạm điều kiện bắt buộc này một lần: Nếu điểm trung bình thấp hơn ‘B’ thì khóa kế tiếp phải rán học để kéo lên, nếu không sẽ bị mời đi chỗ khác chơi, không được tiếp tục chương trình cao học.” “Tôi được học bổng sang Hoa kỳ du học, chú tâm học hành để không phụ lòng tin cậy của gia đình và đất nước, và không hề có ý tranh đua hơn kém với ai,” Quỳnh Châu lắc đầu. “Cô là người bạn đồng môn tôi học hỏi nhiều điều và kính nể nhất. Nghe nói cô được học bổng học cao học ở Đại học Nữu Ước, cô học xong chưa?” Brian hỏi “Tôi về Việt nam thăm nhà, gặp lại người bạn lòng không thể cách xa thêm một lần nữa, và ở lại lập gia đình với chàng. Từ đó sống hạnh phúc hơn bao giờ hết.” Nghe Quỳnh Châu kể đến đây, tôi sung sướng đứng dậy nắm tay nàng đặt lên bụng bầu hơi mum múp của nàng, “Cô vợ dễ thương giỏi hết sảy con cào cào. Mai mốt ‘thằng Thìn’ có quyền hãnh diện khoe với bạn, ‘Má tao học giỏi nhất Stanford, mấy đứa mắt xanh mũi lõ to xác không theo kịp.’ Sao lâu nay em giấu kỹ và không cho anh biết?” “Thằng Thìn” là tên tôi dùng gọi đùa con đầu lòng sắp ra đời vào tháng Ba năm tới (1976), năm Nhâm Thìn. “Ôông dôông nói thiệt hay giỡn chơi? Bộ ngu hay sao mà khoe mình với tay học giỏi dàng trời, nổi tiếng từ buôn Thượng Ban Mê Thuột tới làng chài Xóm Bóng Nha Trang là chồng em?” nàng chu mỏ đáp rồi gí tay vào vai tôi, “Nhưng anh chớ làm em tưởng thiệt rồi hỉnh mũi to bành sư lên bây giờ.” “Vợ chồng mình khen nhau khen cả ngày, có khác gì mèo khen mèo dài đuôi, chuột khoe chuột ngắn mình mà xinh! Cô ‘Pearl’ tuyệt diệu của anh ơi, anh rước được nàng về dinh là cả một sự tình ngàn năm một thuở giống trong như câu ca dao, Ngọc sa xuống biển ngọc trầm, Nhờ các em đi ghi tên xin học, tôi và Quỳnh Châu bất chợt có một ngày vui vì gặp bạn. Nhưng mối diễm phúc cùng tột của tôi là đã may mắn . . . vớt nhằm hột Châu. Nguyễn Ngọc Hoa |