Trở về trang Mục Lục

Bản PDF để in

Loạt truyện "Dạo Vào Đời"
của Nguyễn Ngọc Hoa

1. Không Thể Giảng Tích Xưa

Một buổi chiều cuối thu 1965, chiếc DC-3 của hãng Hàng không Việt nam (hay Air Vietnam) cất cánh từ phi trường Phụng Dực đưa tôi về Sài gòn, bỏ lại sau lưng núi rừng Ban Mê Thuột và những kỷ niệm vui buồn của hai năm cuối cùng bậc trung học. Từ nay, rời khỏi vòng tay của mẹ và tự lo liệu mọi thứ cho mình, cậu bé mười bảy tuổi thực sự vào đời. Một khung trời mới mở ra trước mắt: tôi sẽ học ngành kỹ sư điện ở trường Cao đẳng Điện học thuộc Trung tâm Quốc gia Kỹ thuật (“Trung Tâm”).

Phi cơ đáp xuống phi trường Tân Sơn Nhất; tôi lên xe buýt Air Vietnam với huy hiệu con rồng nằm trên lá cờ vàng ba sọc đỏ, phương tiện di chuyển duy nhất để hành khách vào ra phi trạm dân sự, về Trạm Đi và Đến trên đại lộ Hàm Nghi (ít lâu sau dời về số 1 Phạm Ngũ Lão) và lấy va-li gửi. Thay vì về nơi tôi ở trọ là nhà người quen mẹ đã gửi gắm, tôi kêu taxi đến trụ sở Đoàn Thanh niên Chí Nguyện Quốc tế (International Voluntary Service hay IVS) trên đường Lê văn Duyệt nối dài gần Ngã Tư Bảy Hiền gặp anh Leon, người bạn IVS thân thiết lúc trước phục vụ ở Ban Mê Thuột. IVS là một cơ quan tư nhân quốc tế (nhiều quốc gia) tương ứng với Đoàn Hòa bình của chính phủ Hoa Kỳ không sang Việt nam.

Anh Leon người Mỹ quê miền bắc California, lớn hơn tôi bảy tuổi, học tiếng Việt với tôi, và đổi về Sài gòn làm việc ở trụ sở IVS trung ương cuối hè năm trước. Anh sắp mãn kỳ phục vụ và tuần tới về Mỹ học Cao học ở Đại học California, Berkeley. Không biết bao giờ, hay có khi nào, gặp lại nhau, anh mời tôi tạm trú ở nhà ngủ tập thể IVS và sẽ đưa tôi đi chơi loanh quanh Sài gòn trước khi rời Việt nam.

Ngày khai giảng, tôi dậy sớm, ra Ngã Tư Bảy Hiền ăn sáng ở quán hủ tiếu các chú rồi đi bộ đến trường dọc theo đường Nguyễn văn Thoại hai bên là rừng cao su Phú Thọ; trời tờ mờ chưa sáng, và sương mai còn bay phơi phới. Trung Tâm gồm năm trường – Cao đẳng Công chánh, Quốc gia Kỹ sư Công nghệ, Cao đẳng Điện học, Việt nam Hàng hải, và Cao đẳng Hóa học – mà chỉ ba trường Công chánh, Công nghệ, và Điện có chương trình kỹ sư. Khuôn viên đại học rộng lớn nằm trên đường Nguyễn văn Thoại, góc Tô Hiến Thành. Góc đối diện là Trường đua ngựa Phú Thọ, ngày trước là nơi đổ bác (cá ngựa) nổi tiếng, nhưng nay đóng cửa vì chính phủ cấm tứ đổ tường. Vì vậy, kỹ sư tốt nghiệp trong nước hay bị gọi đùa là “kỹ sư trường đua.”

Tôi lớ ngớ vào trường Điện hỏi quanh một hồi mới biết hai năm đầu (gọi là đệ nhất và đệ nhị niên) ba ngành kỹ sư học chung và học kiến thức tổng quát dưới sự giảng dạy của ban Khoa học Cơ bản đặt văn phòng tại trường Công chánh, và đệ tam và đệ tứ niên mới về trường mình học ngành chuyên môn. Đệ nhất niên học ở giảng đường Công chánh, một phòng học lớn sàn nhà xây thành bậc từ thấp lên cao để những sinh viên cuối lớp thấy rõ bàn giáo sư và bảng đen. Trên tường, hai tấm bảng đen lớn gắn trên cột gỗ có rãnh và nối với nhau bằng ròng rọc; viết đầy tấm bảng bên dưới, giáo sư không cần xóa mà đẩy lên trên và hạ bảng trống xuống rồi tiếp tục viết.

Còn gì vui hơn khi gặp lại thằng Công, thằng bạn thân giỏi toán nhất trường Quốc Học Huế và ngày trước học cùng lớp đệ tam (lớp 10) với tôi! Hơn hai năm trời mới gặp lại nhau, nó cao lớn hơn và để tóc dài vuốt ngược ra đằng sau; tôi mừng rỡ,

Chừ mi? Có xa đây không?”

Tau ở tạm nhà người bà con xa bên Khánh Hội, đang nhờ người giới thiệu chỗ trọ gần trường; chưa biết răng,” nó có vẻ lo lắng; học trò nghèo miền Trung đi học xa nhà “tìm chỗ trọ” tức là kiếm nơi dạy kèm tư gia để có chỗ ăn ở miễn phí.

“Hay là mi về chỗ bọn Thanh niên Chí nguyện Quốc tế ở chung với tau vài bữa đến khi tìm ra chỗ dạy kèm?”

Rứa thì tốt quá. Tau với mi tha hồ thức đêm nói chuyện!”

Giờ học đầu tiên là giờ Hình học Giải tích với giáo sư Chấn xuất thân từ Trường Bách Khoa của Pháp và nổi danh tài giỏi. Thầy còn trẻ, dáng điệu thư sinh nho nhã, bước vào giảng đường với bộ com-lê màu xanh đậm hợp thời trang. Cho phép sinh viên ngồi xuống, thầy vẫn đứng và nói nhỏ nhẹ,

“Tôi đến để từ giã các anh, tôi sẽ sang Pháp làm việc cho Trung tâm Nghiên cứu Quốc gia Pháp. Chúc các anh may mắn!”

Tôi ngơ ngác nhìn thằng Công,

“Thầy đã dạy bọn mình lần mà cần từ giã?”

“Không dạy răng bắt mình mua cuốn sách Hình học Giải tích thầy soạn ra? Chừ biết làm dùng làm chi?” thằng Công tiếc rẻ.

“Đem bán ve chai; cân kí cũng được hai đồng bạc lẻ!”

Câu nói giọng Huế vọng lên từ sau lưng tôi. Tôi quay lại, bắt gặp một nụ cười thân thiện,

“Tau là Song ở Pleiku, thi Tú tài I và Tú tài II ở Nha Trang nên đã nghe tiếng mi từ lâu!”

Cả hai kỳ thi đó ở Hội đồng Võ Tánh Nha Trang, tôi đậu thủ khoa. Học trò Pleiku, giống như tôi ở Ban Mê Thuột, phải xuống Nha Trang thi Tú tài vì tỉnh nhỏ không có hội đồng thi. Thằng Song cao hơn tôi nửa cái đầu, thân hình chắc chắn, và nói năng bạo dạn. Vậy là chúng tôi quen nhau, không bao lâu trở nên khắng khít, và thân thiết suốt đời.

Bọn lính mới tò te nôn nóng mong đến giờ Giải tích (Calculus), môn toán chính, đầu tiên với giáo sư Thế. Thầy học giỏi có tiếng, trong ba năm lấy bằng Cử nhân Toán hạng tối ưu, và đậu Tiến sĩ Toán tại Đại học Công giáo Bỉ, đại học lớn nhất, lâu đời nhất, và có uy tín nhất Bỉ quốc. Tôi lật lướt qua xấp cua (“cours” tiếng Pháp là bài giảng in thành tập hay sách) mỏng in ronéo và lơ đãng nghe giảng bài. Chương Dẫn nhập gồm những ý niệm cơ bản đặt nền tảng cho môn học – dễ òm! Bài giảng kết thúc, sinh viên mừng rỡ vì sắp được ra về sớm. Bất ngờ, Công lễ phép đưa tay lên hỏi,

“Thưa thầy, con thấy những ý niệm trong chương này bất nhất...”

Ban đầu tươi cười nghe Công trình bày quan điểm của mình, mặt thầy dần dần đổi sang màu đỏ ửng. Công vừa dứt lời, thầy chỉ mặt lớn tiếng,

“Anh đọc sách toán học nhảm nhí! Tà thuyết đó do mấy nhà toán học Ý như Clavius, Guldin, và Bettini lầm lạc đưa ra vào đầu thế kỷ 17.“

Thầy mắng một tràng dài; thằng Công ấp úng không nói nên lời. Tôi rắn đầu nhảy vào “cứu bồ,”

“Thưa thầy, con biết nó chỉ học bài của thầy chứ không đọc sách vở nào khác. Thầy mắng mà không giải thích nó sai ở chỗ nào.” Thằng Công ngủ đêm ở nhà ngủ tập thể IVS và đi về cùng với tôi cả tuần nay, và học đúng bảy trang cua như tôi.

“Thằng thầy này cãi ẩu; bí thì nhận cha đi cho rồi!”

Thằng Song ngồi sau lưng tôi lầm bầm trong miệng. Thầy nổi giận, chĩa mũi dùi sang tôi là chàng anh hùng rơm điếc không sợ súng,

“Anh tên gì, học ngành nào?” Thầy ghi tên tôi và ra lệnh,

“Ngồi xuống, không được hỗn láo!”

Nói xong, thầy lẳng lặng xếp sách vở vào cặp và bước ra; giảng đường gần chín mươi sinh viên im phăng phắc. Tôi biết những ngày khó khăn của mình bắt đầu. Thực vậy, vào giờ Hỏi bài, giờ học hàng tuần trong đó giáo sư hay giảng viên ra tay sát hạch khả năng của sinh viên, tôi bị thầy chiếu cố tận tình với những bài toán khó nhất, thường không có trong tập cua đã in.

Học đại học mà bị thầy “trù” là kể như... tiêu đời! Biết vậy nên tôi cậy vào sách lược đã dùng thành công trong mấy năm trung học: học hết sách thì không thể thi rớt. Bắt đầu bằng cách lùng kiếm trong nhà sách Khai Trí trên đường Lê Lợi, Xuân Thu đường Tự Do, và American Bookstore đường Nguyễn Huệ mua hết sách toán đại học bằng tiếng Việt, Pháp, hay Anh. Sách Sài gòn không có nhiều nhưng đủ cho tôi bận rộn trong tháng đầu tiên. Rồi đánh điện sang Paris nhờ ông chú họ làm kỹ sư nguyên tử vào Khu La-tinh vét sạch sách toán có bài giải, mới lẫn cũ, dành cho lớp Toán Cao đẳng (Mathématiques Supérieures, gọi tắt là Maths sup.) và lớp Toán Đặc biệt (Mathématiques Spéciales, gọi tắt là Maths spé.) là hai lớp chuyên dạy toán cho sinh viên luyện thi vào các trường lớn của Pháp như Trường Bách Khoa, Trường Cao đẳng Sư phạm, Trường Cầu Cống, Trường Cao đắng Điện học, v.v. Trình độ toán của hai lớp này ngang hàng với hai năm đầu trường kỹ sư.

Với sự giúp đỡ và khuyến khích của thằng Công và thằng Song, tôi khổ luyện ngày đêm, học mờ người, và làm hết toán trong đống sách tiếng Pháp. Bị thầy “quay”... đến nơi đến chốn mà chưa lần nào tôi bị bí, nhưng thỉnh thoảng vẫn bị mắng, “Sinh viên cao bồi!” (mặc áo sơ-mi ca rô), “Học hành không nghiêm chỉnh!” (mỉm cười với bạn khi giải toán trên bảng), v.v.

* * *

Tà thuyết toán học đề cập tới trong giờ Giải tích đầu tiên bị lãng quên trong nhiều năm, đến khi tôi có dịp nghiên cứu về lịch sử toán học. Thực ra, các giáo sĩ Dòng Tên Christopher Clavius (1538 - 1612), Paul Guldin (1577 - 1643), và Mario Bettini (1584 – 1657) là những nhà toán học nổi tiếng đương thời. Họ cực lực triệt hạ và lên án lý thuyết toán học liên quan đến lượng vô cùng nhỏ hay vi phân (infinitesimal), nền móng của khoa Giải tích, bằng cách dùng luận lý cổ điển dựa trên triết lý của Aristotle (384 - 322 trước Tây lịch) và Hình học Euclid. Euclid ở Alexandria, nhà toán học Hy lạp sống vào khoảng năm 300 trước Tây lịch, được coi là cha đẻ của môn Hình học mà học sinh trung học Việt nam phải vật lộn trong bảy năm dài. Vì vậy, không phải là chuyện ngẫu nhiên khi một người giỏi toán Hình học và từng suy nghĩ sâu xa về môn này như thằng Công dùng lập luận của những nhà chống thuyết vi phân để chất vấn giáo sư Thế.

Thuyết vi phân mà được chấp nhận, Dòng Tên, cánh tay truyền đạo và mở trường dạy học của Giáo hội, sợ rằng toàn thế giới sẽ bị xô đẩy vào cảnh hỗn loạn nên ra tay cấm chỉ không cho dạy hay ngay cả nhắc tới. Nhưng các nhà toán học ngoài Giáo hội kiên trì theo đuổi và phát triển thành khoa Giải tích, môn toán cơ bản dùng trong mọi ngành kỹ thuật hiện đại. Không như chuyện Galileo Galilei (1564 – 1642) bị đưa ra hội đồng phán xét và kết tội dị giáo vì dám kết luận quả đất quay quanh mặt trời ai cũng biết, nỗ lực của Giáo hội chống lại thuyết vi phân trong hơn một thế kỷ được giữ kín và ngày nay rất ít người hay. Nhà toán học tốt nghiệp một đại học Công giáo uy tín và lâu đời như thầy lẽ nào lại phanh phui bí mật ấy cho đám sinh viên đệ nhất niên mới chân ướt chân ráo bước vào đại học nghe? Dám yêu cầu thầy nói ra, tôi bị rắc rối lôi thôi cũng đáng đời!

Tuy nhiên, nhờ những tháng ngày miệt mài học toán ở trường kỹ sư, sau này học Cao học, làm luận án về ngành viễn thông, và hành nghề kỹ sư, tôi chưa bao giờ lép vế phải chịu thua một bài toán áp dụng nào. Cũng nhờ thầy Thế khó tính!

Nguyễn Ngọc Hoa
Ngày 13 tháng Tư, 2016

Trở về đầu trang