Trở về trang Mục Lục

Bản PDF để in

Loạt truyện "Dạo Vào Đời"
của Nguyễn Ngọc Hoa

3. Căn Duyên Tiền Định

Cư xá đại học trên đại lộ Minh Mạng, gọi là Đại học xá Minh Mạng, nằm trong khu đất hình tam giác cạnh là ba đường Minh Mạng, Triệu Đà, và Trần Hoàng Quân. Đoạn đường Minh Mạng từ Ngã Sáu Chợ Lớn tới góc Triệu Đà chừng ba trăm thước gồm ba lằn đường: lằn giữa rộng lưu thông hai chiều dành cho các loại xe lớn như xe hơi hay xe vận tải, và hai lằn hai bên hẹp hơn di chuyển một chiều dành cho các loại xe nhỏ như xe đạp hay xích lô. Hai hàng cây sao cao vút nằm giữa ba lằn đường; về mùa thu, quả sao rụng với hai cánh quay tròn trên không trung như những con chim nhỏ bay tung tăng.

Từ nhà trọ của tôi trên đường Nhật Tảo đạp xe theo đường Triệu Đà đến Đại học xá chỉ chừng năm phút. Đoạn đường Triệu Đà cạnh của khu tam giác dài khoảng một trăm thước và một bên trồng toàn ngọc lan, cây cao và những cánh hoa trắng hơi biếc về đêm tỏa hương thơm ngát. Tôi thường đến Đại học xá thăm thằng Miên và thằng Trang là hai đứa bạn thân từ thuở ngoài Huế.

Thằng Miên người tròn trịa, nước da trắng, giọng nói trong và cao như con gái, và đặc biệt có chiếc mông rất lớn, nhô hẳn ra đằng sau nên thuở trước bị lũ bạn gọi đùa là “Miên Doi.” Nó học cùng lớp với tôi suốt bốn năm trung học đệ nhất cấp, và khi lên đệ tam (lớp 10) trường Quốc Học, nó theo Ban A (Khoa học Thực Nghiệm) để chuẩn bị lên đại học học y khoa, trong lúc tôi theo ban B (Khoa học Toán) nên hai đứa không còn học chung, nhưng vẫn gần gũi và thân thiết với nhau. Trong hai năm tôi ở Ban Mê Thuột, chúng tôi vẫn thư từ đều đặn cho nhau, đến khi thi Tú tài II thì ngưng. Nó giải thích về thời gian gián đoạn liên lạc,

“Đậu Tú tài xong tau vô Sài gòn, nộp đơn xin ở Đại học xá, và học ngày học đêm để thi dự bị y khoa. Không kịp báo cho mi biết.”

Tau biết mi mộng làm bác sĩ từ hồi nớ.”

“Rủi thay, tau thi rớt. Mình tính không bằng trời tính, biết nói răng?”

Ngày thằng Miên bắt đầu có ý định học ngành y khoa, điều kiện nhập học đòi hỏi sinh viên có bằng Tú Tài II và hoàn tất “chứng chỉ” (tức là lớp) Lý Hóa Sinh hay PCB (Physique, Chimie et Biologie) do trường Đại học Khoa học giảng dạy. Tốt nghiệp PCB, sinh viên nộp đơn xin vào năm thứ nhất Đại học Y khoa (tên chính thức là Y khoa Đại học đường Sài gòn) rồi học thêm sáu năm nữa. Cuối năm thứ sáu, tính thêm PCB là năm thứ bảy, sinh viên trình luận án Tiến sĩ Y khoa Quốc gia để tốt nghiệp. Thằng Miên học ban A để thi cho đậu lớp Lý Hóa Sinh.

Không may cho bạn tôi, hai năm gần đây trường y khoa thay đổi lối tuyển chọn sinh viên. Thay vì đòi hỏi lớp Lý Hóa Sinh, trường tổ chức thi tuyển sinh viên có bằng Tú tài II vào thẳng lớp dự bị y khoa hay APM (tiếng Pháp année préparatoire de médecine) của trường. Sau năm dự bị, sinh viên học thêm sáu năm để tốt nghiệp bác sĩ y khoa như trước. Thằng Miên tức tối,

Rứatau hỏng cẳng! Ba năm luyện Lý Hóa và Vạn vật kể như công toi.”

Răng rứa?”

Tau học không xuất sắc như mi nên chỉ cậy vào tài ‘gạo’ của mình để lấy PCB mà vô trường y khoa. Chừ họ tuyển chọn mấy đứa giỏi nhất trong đám Tú tài II – rứatau bù!”

“Thi gồm những môn chi?”

“Hầm bà lằng đủ thứ – Toán, Lý, Hóa, Vạn vật, Sinh ngữ, và ngoài ra có phần kiến thức tổng quát với hai chục câu hỏi. Thủ đô nước Ba Tây là chi, ông tổ y khoa thế giới là ai, ông tổ y khoa Việt nam là ai, người thầy thuốc nổi tiếng thời Tam Quốc tên chi, giá gạo trên thị trường mấy đồng một ký, và giá than mấy đồng một ký?”

Chừ mi làm răng?” tôi ái ngại cho bạn.

“Chỉ có nước học SPCN rồi sang năm thi vô APM lại. Nhưng tới đâu hay đó, hơi mà lo cho mệt! Chừ tau với thằng Hoài bao mi một chầu cơm foyer mười một tì một bữa.”

“Chứng chỉ” SPCN (Science, Physique, Chimie et Naturelle) tức là lớp Lý Hóa Nhiên ở Đại học Khoa học đã thay thế lớp PCB lúc trước và dùng cho các bằng Cử nhân Khoa học, nhưng không còn có giá trị nhập học trường y khoa. “Foyer” tiếng Pháp là phạn xá hay nhà bàn nằm trong khu nhà phía sau Đại học xá; phiếu cơm giá rẻ vì gạo được Bộ Xã hội cấp, phải mua nguyên tháng, nhưng có thể cho bạn dùng.

Mặt mày thanh tú với cặp kính cận gọng vàng và người cao và mảnh mai, thằng Hoài ở cùng phòng và học SPCN như thằng Miên. Gia đình thằng Hoài ở Nha Trang, giàu có, và hàng tháng tiếp tế rộng rãi cho anh con trai đầu lòng. Nó có một “thói quen” xấu: có bao nhiêu tiền đem nộp hết cho xóm yên hoa. Một hôm tôi và thằng Miên đi chơi phố về, thấy thằng Hoài nằm ngủ trên đi-văng, thằng Miên hỏi,

Mi ăn cơm chưa?”

“Tao ăn cơm tôm rồi,” thằng Hoài mắt nhắm mắt mở uể oải trả lời; “ăn cơm tôm” là nhịn đói nằm ngủ cong người như con tôm.

“Hồi sáng tau đưa mi hơn ba trăm để mua phiếu cơm mà!”

“Xuống xóm hết mẹ nó rồi.”

Hình biết rõ giá cả của những chuyến đi tìm hoa, thằng Miên ngạc nhiên,

“Tiêu cả ba trăm à?”

“Tao làm hai bận: lần đầu với một em xấu hỉnh, mất một trăm.”

“Và lần sau chi hai trăm cho một em thiệt ngon?”

“Đúng vậy, để làm thật lâu cho sướng! Còn bao nhiêu cho em puộc boa.” “Pourboire” tiếng Pháp là tiền thưởng thêm.

Qua khỏi cổng Đại học xá là tám dãy nhà, mỗi bên bốn dãy, dùng làm phòng ngủ cho sinh viên; đầu dãy được tô điểm với một cây tràm bông vàng rợp bóng mát. Ở cùng dãy, phòng thằng Trang đâu lưng với phòng hai đứa kia, bức tường ở giữa thấp và hở phía trên, và đứng trên đi-văng có thể nhìn sang bên kia. Học cùng lớp đệ tam Quốc Học với tôi và ở trong nhóm bạn xóm Mang Cá, những buổi tối mùa hè thằng Trang cùng với tôi, thằng Miên, và nhiều đứa khác thường đàn đúm và “chửi” nhau, nghĩa tìm khuyết điểm của bạn hay người thân của bạn để “hạ” hay sỉ mạ, đôi khi kêu tên tục của cha mẹ đối phương ra bêu diếu.

Mặt trắng môi hồng và dáng người hùng dũng, thằng Trang học kỹ sư trường Cao đẳng Nông Lâm Súc Sài gòn. Nhà nghèo, nó phải tự lực cánh sinh, ngoài giờ học đi dạy kèm liên miên, và chỉ có mặt ở Đại học xá buổi tối cuối tuần. Ấy là lúc cả bọn kéo nhau ra Ngã Sáu Chợ Lớn ăn phở và uống cà phê. Trước tiên, ghé sang tiệm bánh mì mua mỗi đứa một ổ bánh mì giòn; sau đó vừa ăn phở vừa bẻ bánh mì chấm ăn với nước phở, vừa no bụng lại vừa tiết kiệm. Hôm nào trong túi rủng rỉnh thì điều đình với chủ tiệm phở bán cho một dĩa xí quách lớn vớt lên từ nồi nước lèo cuối ngày, tha hồ ăn phủ phê. Cuối cùng, sang quán cóc bên cạnh, ngồi trên lề đường uống cà-phê đá, và bàn chuyện thế gian cho đến khuya.

Câu chuyện tối nay tập trung vào Bích Điệp, cô học trò dạy kèm của thằng Trang. Nàng học đệ nhị (lớp 11) trường Gia Long và là con gái của nhà chiêm tinh nổi tiếng có văn phòng tiếp thân chủ mang bảng hiệu “Trung tâm Nghiên cứu Tử vi Đẩu số Đông Nam Á” trên đường Phan Thanh Giản. Trước khi thâu nhận thằng Trang, ông bà chiêm tinh gia phỏng vấn và hạch hỏi tường tận về gia cảnh, học vấn, chí hướng tương lai, sở thích cá nhân, v.v., không khác gì kén rể.

Giống như những lần “chửi” nhau ngày trước, thằng Miên khai hỏa,

“Con nớ đáng lẽ phải kêu là Bách Diệp – một trăm chiếc lá, thay cho tên cúng cơm là Bích Điệp – con bướm màu xanh biếc.”

“Bộ hắn tra (già) lắm hả?” tôi cười to, vì “trăm lá” nói lái theo kiểu miền Trung là “tra lắm.”

Hắn tới tìm thằng Trang mà tau tưởng con mụ mô đi truy nã thằng Sở Khanh lợi dụng con gái mụ rồi quất ngựa truy phong.”

“Đúng là xa quê hương nhớ mẹ hiền, nó kiếm bồ lão thay cho hình bóng mẹ già,” thằng Hoài bồi thêm.

Lạ thay, thằng Trang ngồi im phăng phắc, không phản công. Tôi thắc mắc,

“Con Bích Điệp nớ tới tìm thằng Trang làm chi?’

“Thằng tục vật dạy không lo dạy mà dở trò mó máy chân tay mò ẩu con gái nhà người. Tuần trước, vừa chỉ bài vừa rờ rẫm, bị bà mẹ mở cửa bước vô bắt quả tang tại trận. Hắn sợ teo chim, chạy một mạch về Đại học xá trốn biệt,” thằng Miên kể có đầu có đuôi giống như chuyện thực.

“Con nhỏ đợi mãi không thấy chàng trở lại bèn tới Đại học xá tìm. Anh chị đưa nhau sang bên Nhà thờ, ngồi ghế đá công viên tù ti tút tít,” thằng Hoài tiếp tay; Nhà thờ Thánh Jeanne d'Arc, thường gọi là Nhà thờ Ngã Sáu Chợ Lớn, nằm xéo phía bên kia đường Minh Mạng.

“Cô nàng năn nỉ ông thầy trở lại dạy học, và bà mẹ hứa sẽ không nhắc chuyện đã qua. Nhưng hắn không chịu, “J’ai perdu mon visage!” (Anh đã mất mặt rồi!),” thằng Miên bắt chước câu nói tiếng Pháp thằng Trang hay dùng.

Thằng Trang không còn giữ im lặng; nó hớp một ngụm cà-phê đá rồi tức tối,

“Thằng Miên Doi con anh Tu và chị Liến phịa chuyện và ăn nói hàm hồ như con mụ liền bà. Thông minh nhất nam tửđàng hoàng đứng đái như tau, lý mô mà làm bậy bạ như rứa và ngu chi mà đập bể nồi gạo của mình?”

“Thật không?” Thằng Miên và thằng Hoài la lên cùng một lượt.

Con tim chân chính đ… bao giờ biết đến nói dối!” thằng Trang nhại câu hát trong bài “Đêm Nguyện Cầu” của Lê Minh Bằng để trả lời.

“Việc chi xảy ra?” tôi hỏi.

Thằng Trang bấy giờ mới nghiêm mặt giải thích,

“Bích Điệp tâm sự là đêm trước nàng nghe lóm cha mẹ bàn chuyện nhân duyên của nàng. Ông già nói từ lúc gặp tau lần đầu, ông đã biết sau này hai đứa có duyên nợ với nhau. Lá số tử vi của nàng cho thấy sẽ gặp người chồng tương lai có vóc dáng, tính tình, và nghề nghiệp tương tự như tau. Khi biết ngày giờ sinh của tau, ông thấy rõ ràng số trời đã định: những ngôi sao trên cung Phu của nàng trùng hợp hoàn toàn với sao trên cung Mệnh của tau, và sao trên cung Thê của tau và cung Mệnh của nàng cũng vậy.”

“Làm răng ông ta biết được ngày giờ năm sinh của mi?” tôi nghi ngờ.

“Một hôm, Bích Điệp hỏi để mua quà sinh nhật tặng thầy; tau vô tình khai ra.”

Thằng Hoài cười hì hì,

“Sướng lên tới mây xanh như vậy, sao mày bỏ trốn?”

“Thằng sinh viên năm thứ nhất trên răng dưới d…, chí chưa thành danh chưa đạt, bỗng dưng thành sắp có vợ con, không ngán răng được? Riêng với thằng Trụ vương dâm đãng như mi, không cần chấm tử vi, tau cũng biết cung Thê của mi có sao Thai ngộ Đào Hoa.”

“Là sao?” thằng Hoài ngơ ngác.

“Trong tử vi có câu phú về con sao Thai đặc biệt này,

Sao Thai mà ngộ Đào Hoa,
Tiền dâm hậu thú mới ra vợ chồng.

Hiểu chưa?” thằng Miên vừa giảng giải vừa cườI ngặt nghẽo.

* * *

Tháng Giêng năm 1971, tôi làm phụ rể cho thằng Trang trong đám cưới của nó và Bích Điệp. Năm năm trước, cha cô dâu đã tính ra vào ngày giờ ấy trên lá số của hai người có sao Song Hỷ, Hồng Đào, Long Phượng, v.v. Nhất định là dịp đại hỷ. Chú rể là kỹ sư Lâm khoa phục vụ tại Ty Kiểm Lâm Đà Lạt, và cô dâu là sinh viên Văn khoa năm thứ ba ban Việt-Hán. Tiệc cưới linh đình ở nhà hàng Đồng Khánh trong Chợ lớn, bà con hai họ mừng vui, và ai cũng cho sự kết hợp do căn duyên tiền định.

Tôi chợt có ý nghĩ biết đâu “tiền” ở đây cũng có nghĩa là tiền bạc vì xem ra
Xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều.
(Truyện Thúy Kiều)

Nguyễn Ngọc Hoa
Ngày 8 tháng Sáu, 2016

Trở về đầu trang