![]() |
Loạt truyện "Dạo Vào Đời"
của Nguyễn Ngọc Hoa
4. Chuyện Tình Hương Nhã
Sài gòn đối với tôi là một thế giới khổng lồ, phức tạp, và xa lạ, nhưng không bao giờ tôi thấy lạc lỏng hay đơn độc vì chung quanh lúc nào cũng có bạn bè. Trong số bạn cũ Ban Mê thuột (BMT), thằng Kha là đứa tôi thường gặp nhất; khi có giờ rảnh tôi chạy sang trường Cao đẳng Hóa học tìm nó rủ đi uống cà phê. Nó học đệ nhị (lớp 11) cùng với tôi, về Sài gòn học đệ nhất (lớp 12) ở trường Chu văn An, và thi đậu vào trường (chưa có ban kỹ sư) và học cán sự hóa học.
Ngày BMT thằng Kha thầm yêu Hương Nhã, cô bạn cùng lớp với nó từ thuở trung học đệ nhất cấp, nhưng không được đáp lại; tôi và Hương Nhã học cùng lớp hai năm cuối cùng bậc trung học, thân thiết, và gần gũi như hai chị em. Chị về Sài gòn học Văn Khoa và ở trong Cư xá Lý Trần Quán, một đại học xá tư dành cho phái nữ trên đường Lý Trần Quán ở Tân Định. Khách viếng thăm phải vào phòng khách, đến bàn tiếp tân do sinh viên thay nhau túc trực, và nhờ gọi người muốn gặp. Sân trước cư xá có bàn ghế kê dưới ba cây ngọc lan cao lớn, có hoa trắng hơi biếc, và tỏa hương thơm ngát. Buổi tối, chủ và khách có thể ngồi ngoài sân trò chuyện dưới ánh đèn điện mờ nhìn ra ngoài đường thiên hạ nườm nượm vào ra tiệm Chả Cá Sơn Hải sang trọng ở kế bên.
Một tối tôi đến thăm Hương Nhã, nhưng người ra tiếp lại là một thiếu nữ có mái tóc dài, khuôn mặt trái soan, và hàm răng đều đặn sau nụ cười tinh nghịch. Thấy tôi ngơ ngẩn nhíu mày, nàng cười khúc khích và liến thoắng,
“Tui ở cùng phòng với Hương Nhã. Hôm qua bất ngờ phải đi Tây Ninh thăm bà cô bịnh, Nhã nhờ tui tiếp bồ giùm. Chịu không?”
“Không chịu cũng phải chịu thôi! Vả lại được quen với một người như…” tôi vụng về tìm chữ vì chưa biết xưng hô như thế nào.
“Tui lớn hơn bồ hai tuổi, nhưng đừng kêu bằng ‘chị’ – nghe mắc cỡ thấy mồ!” nàng cười khúc khích.
Giọng nói đùa cợt của thiếu nữ trong như tiếng suối reo khiến tôi quên hết những rụt rè và ngại ngùng thường ngày,
“Cô tên chi?”
“Tui tên Chi…”
“Nếu tên nghe mùi mẫn cải lương quá, không muốn nói ra cũng được.”
“Người ta nói rồi, tại bồ thông minh mà chậm hiểu đó thôi,” thiếu nữ hờn giỗi.
“Thì ra là Chi. Xin lỗi nhé!”
“Không có chi.”
Trong ánh sáng nhờ nhờ, đôi mắt của Chi sáng long lanh. Chưa bao giờ tôi thấy mình “can đảm” như tối nay,
“Nhưng cô là chi Chi?”
“Sao bồ khó dzậy? Tên đầy đủ của người ta là Kim Chi,” nàng chu mỏ nũng nịu.
“Kim Chi là ‘kim chỉ’ nói trại ra, hay là cành vàng lá ngọc tức là con nhà quyền quý trong thành ngữ kim chi ngọc diệp?” tôi “uống thuốc liều” trả đũa.
“Sao cũng được. Bồ nhiều chiện quá, nghỉ chơi với bồ đi!”
Nhưng Kim Chi không tỏ vẻ bực bội. Bị chê là “nhiều chuyện,” tôi không thể không phản công,
“Đàn bà con gái thường hay nói nhiều, Chi nghĩ xem tháng nào trong năm các cô nói ít nhất?”
“Dzậy là sao?”
“Đây chỉ là một câu đố vui, sao Chi không cười? Câu trả lời là tháng Hai, vì tháng Hai chỉ có hăm tám ngày.”
Không muốn làm nàng phật lòng, tôi tự giải đáp. Kim Chi bật cười thành tiếng và không chịu kém,
“Vậy chớ tui hỏi bồ, trong năm có mấy tháng có hăm tám ngày?”
“Có một thôi, tháng Hai.”
“Trật lất rồi, nói lộn nói lợi đi.”
“Chứ không phải à?”
“Không. Nói bồ nghe, tháng nào mà chẳng có hăm tám ngày: Tháng Hai thì vừa đúng, nhưng các tháng khác không những có hăm tám ngày mà còn nhiều hơn. Vậy cả thảy là mười hai tháng.”
Đến đây lòng tôi đã mềm nhũn. Ngoài đôi mắt, giọng nói, và nụ cười của Kim Chi, tôi không còn để ý tới thứ gì khác. Nàng nói như chim hót,
“Tui còn một câu đố nữa. Bồ có biết trong tiếng Việt mình có một chữ mà tất cả các sinh viên Điên nặng ở Phú Thọ của bồ đều đọc sai không?”
“Tôi chịu…”
“Có dzậy mà không biết! Đó là chữ ‘sai’ – sờ a i ai là sai. Chữ đó ai cũng đọc là ‘sai,’ không riêng gì các bạn học trường Điện của bồ.”
Tôi dọ hỏi để tìm hiểu về cô bạn mới,
“Hình như Chi học Toán?”
“Không, tui học Triết ở Văn khoa. Người ta nói con gái học Toán ‘khô’ người đi mà tui học Triết cũng không thấy ‘ướt át’ gì hơn.”
“Tôi thấy Chi thông minh và dễ thương vô cùng! Chắc Chi nhiều bạn lắm?”
“Bồ tán thiệt có duyên. Tui hiểu câu hỏi bóng gió của bồ, nhưng mà… kỳ quá, tui không… bật mí đâu.”
Kim Chi không nói ra nhưng tôi đoán nàng chưa bị ràng buộc tình cảm với ai. Thái độ cởi mở của nàng là chất xúc tác khiến tôi “thoát xác”: bắt đầu biết tán gái, mà lại tán “có duyên.” Những lần sau đến Cư xá Lý Trần Quán, tôi rủ thằng Song đi theo để thành hai cặp nói chuyện với nhau. Bốn đứa cùng nhau đùa cợt, trao đổi các câu đố vui hay đối thoại hài hước, thảo luận chuyện xã hội và triết lý, và đôi khi nói xa nói gần tán tỉnh nhau. Kim Chi thường tránh bàn bạc về đề tài thời thượng là chủ nghĩa hiện sinh,
“Tui học Triết Đông (phương) nên không tin cái gọi là ‘thái độ hiện sinh’ tức là tình trạng mất định hướng và bối rối khi đứng trước một thế giới ‘vô nghĩa’ và ‘phi lý.’”
Sinh viên trẻ như tôi ai mà không bị “hiện sinh” ám ảnh! Chiến tranh mỗi ngày một lan rộng, xã hội bế tắc không có lối thoát, và thanh niên chỉ có một con đường: học thi cho đậu hay đi lính. Chủ nghĩa hiện sinh với những chủ đề như nỗi sợ hãi, sự buồn chán, sự lạc lõng trong xã hội, và sự phi lý gợi lên những khắc khoải về thân phận con người, ý thức trách nhiệm trước hoàn cảnh đất nước, và thái độ cũng như hành động nhập cuộc vì tha nhân. Chúng tôi lo âu triền miên, suy tư quằn quại, và bị giày vò bởi những vấn đề nêu lên. Khuynh hướng nổi loạn, tận hưởng cuộc đời, hay sống không có ngày mai phản ảnh sâu rộng trong cuộc sống của mọi người.
Tác phẩm của các triết gia và nhà văn hiện sinh như Jean Paul Sartre, Albert Camus, và Françoise Sagan dịch ra tiếng Việt rải rác và chỉ vỏn vẹn khoảng chục cuốn. Tôi không thỏa mãn với sự hiểu biết sơ sài của mình nên tìm mua và đọc nguyên bản tiếng Pháp các tiểu thuyết của Jean Paul Sartre và vài tác giả hiện sinh khác bày bán trên vỉa hè đại lộ Lê Lợi. Ngoài ra, tôi xây đắp “vốn tư tưởng” của mình bằng cách nghiền ngẫm các tác phẩm triết lý của Nghiêm Xuân Hồng như Đi Tìm Một Căn Bản Tư Tưởng, Xây Dựng Nhân Sinh Quan, Luyến Ái Quan, Cách Mạng và Hành Động, Từ Binh Pháp Tôn Ngô đến Chiến Lược Nguyên Tử, v.v.
Có một số sách tôi kín đáo đọc và không cho ai biết vì sợ bị cười nhạo. Đó là những cuốn sách thuộc loại Trai Gái Tuổi Dậy Thì Nên Biết và Trai Gái Trước Ngưỡng Cửa Hôn Nhân của Bác sĩ Nguyễn Ngọc Bảy. Đọc hết sách bằng tiếng Việt mà vẫn còn nhiều thắc mắc, tôi lên vỉa hè Lê Lợi lùng mua bộ sách cũ Sexualités (Tính Dục) tiếng Pháp gồm bốn cuốn, vừa đọc vừa tra tự điển, và trở thành “chuyên viên” về những “vấn đề khó nói”; tụi bạn kháo nhau,
“Nếu có chuyện không biết hỏi ai, hãy tìm Ba Hoa mà vấn kế.”
Một buổi chiều gần cuối năm học, Hương Nhã tìm tôi ở nhà trọ với vẻ mặt căng thẳng và lo lắng. Tôi đưa chị ra quán hủ tiếu các chú ở đầu đường,
“Chị ngồi xuống đây, uống ly đá chanh cho tỉnh táo rồi từ từ nói chuyện!”
“Vấn đề này liên quan đến ông Lăng, phải kể lại đầu đuôi rồi mới nhờ Ba Hoa cho ý kiến được.”
Ông Lăng lớn hơn Hương Nhã một tuổi và ngày trước dạy Toán đệ nhất cấp trường Trung học BMT. Tôi vào trường năm đệ nhị, không học với ông nhưng lại quen thân khi cùng đi chơi với thằng Kha. Để khỏi bị động viên, ông xin nghỉ dạy về Sài gòn học Luật cùng thời gian tôi về Sài gòn học Điện. Ông ở Đại học xá Minh Mạng; một tuần đôi ba lần tôi ghé qua rủ ra Ngã Sáu Chợ Lớn ngồi lề đường uống cà phê và bàn tán chuyện đời.
Hương Nhã kể hồi đó chị đã đem lòng yêu thương ông thầy Toán trẻ tuổi, về Sài gòn ông Lăng cũng hưởng ứng mối tình ấy, và cả năm nay hai người thường xuyên gặp nhau tình tự. Sau cùng, chị đi vào vấn đề chính,
“Chiều qua, ông đưa tôi đến cái garçonnière của bạn trong khu Bàn Cờ. Biết là không nên nhưng tôi cũng chiều lòng.” “Garçonnière” tiếng Pháp là căn phòng đàn ông độc thân; chị vẫn dùng đại danh từ “ông” khi nói đến người yêu.
“Chuyện gì xảy ra?”
“Tụi tôi hôn nhau và âu yếm như thường lệ. Rồi ông cởi áo quần tôi ra mò mẫm từ trên xuống dưới, nhưng tôi cương quyết giữ lại cái quần lót trên mình.”
“Chuyện hai người ân ái mây mưa với nhau, nói với tôi làm chi?”
“Tội nghiệp mà! Đừng la tôi; ở Sài gòn tôi chỉ có một mình Ba Hoa để tin tưởng.”
Hai hàng nước mắt chảy dài trên má, chị thuật lại ông Lăng cố tình gây nên sự tiếp xúc của hai bộ phận và mếu máo, “Cả đêm qua tôi không ngủ được vì sợ có bầu.” Tôi hỏi thêm chi tiết, dùng mớ kiến thức đọc trong sách, và trấn an,
“Trong tình cảnh ấy, chị không thể có thai.”
Tôi thấy thương chị vô kể. Một thiếu nữ hăm hai tuổi, học đại học, mà mù tịt về vấn đề sinh dục và tiến trình tạo ra thai nhi. Không thể trách chị vì trong xã hội Việt nam hiện tại, tính dục là điều đại cấm kỵ mà người “đứng đắn đàng hoàng” không ai nói tới. Tôi để một tiếng đồng hồ giảng giải cặn kẽ những chuyện phòng the chị cần biết rồi hăm,
“Chị mà không kềm hãm lòng ham muốn, khôn ba năm dại một giờ, và để cho cái bụng thè lè ra thì đừng bao giờ nhìn mặt tôi!”
“Biết rồi! Hứa với Ba Hoa nè...”
Nụ cười nhẹ nhõm trên môi, Hương Nhã đưa ngón tay trỏ móc ngoéo. Chị bỗng đổi sang giọng trầm buồn,
“Có tin này báo cho Ba Hoa biết: Kim Chi về quê ở Bạc Liêu hôm qua.”
“Sao thứ Bảy vừa rồi Chi không nói gì cả, chừng nào trở lại?”
“Bị cha gọi về để gả chồng, Kim Chi chuẩn bị hơn tháng nay, nhưng dặn không cho Ba Hoa biết. Chi khóc sướt mướt, cho tôi địa chỉ dưới đó, và dặn chỉ đưa nếu Ba Hoa hỏi xin.”
“Người ta đi lấy chồng thì lấy địa chỉ làm chi?” tôi nói cứng, nhưng trong thâm tâm biết rằng mình sẽ thao thức nhiều đêm.
Từ chiều hôm ấy cho đến gần tám năm sau, khi tôi mất hẳn liên lạc với Hương Nhã, chị giữ trọn lời hứa. Cuộc đời đổi thay, chị vẫn một lòng yêu thương và chiều ông Lăng đủ mọi thứ, ngoại trừ bước tình dục cuối cùng. Học tới cuối năm thứ ba ông thi rớt, bị động viên vào quân đội, và làm sĩ quan phục vụ ở BMT. Một thập niên đi qua, ông vẫn dậm chân tại chỗ, không hứa hẹn hôn nhân, không lui bước cho chị có cơ hội tìm duyên khác, và kiếm đủ mọi cách để chiếm mục tiêu tối hậu trên thân xác chị.
Trước sau tôi đứng bên lề, không gí mũi vào chuyện riêng tư của hai người, và nhớ hoài câu trích dẫn đầu sách trong cuốn tiểu thuyết của Françoise Sagan:
Tình yêu, theo như hiện hữu trong xã hội, là sự trao đổi của hai ý dục nhất thời và sự tiếp xúc của hai làn da.
Nguyễn Ngọc Hoa
Ngày 22 tháng Sáu, 2016