![]() |
Loạt truyện "Dạo Vào Đời"
của Nguyễn Ngọc Hoa
5. Vạ Bởi Miệng Ra
Trong số các bạn tôi ở Sài gòn, ông Lăng là người lớn tuổi nhất. Quê ở Đà lạt, mồ côi cha sớm, và nhà nghèo, sau khi đậu Tú tài II, ông xuống Sài gòn học Toán ở Đại học Khoa học rồi lên Ban Mê Thuột dạy Toán trung học đệ nhất cấp. Cùng lúc với tôi về Sài gòn học Điện, ông về Sài gòn học Luật năm thứ nhất và ở trong Đại học xá Minh Mạng. Tôi thường đến rủ ông ra Ngã Sáu Chợ Lớn ngồi lề đường uống cà phê và bàn tán chuyện đời.
Ông Lăng hay kể về thời kỳ ông học “chứng chỉ” (tức là lớp) Toán Đại cương hay MG (tiếng Pháp là Mathématiques générales), thường đọc là mách giê hay mách giê-nê. Dạo ấy, giáo sư là các tiến sĩ người Pháp và thường được sinh viên điếu đóm nịnh bợ hầu mong cuối năm thầy chấm nới tay và cho đậu nhiều hơn vì tỉ số sinh viên đậu rất thấp và số Cử nhân trường cho tốt nghiệp mỗi năm đếm trên đầu ngón tay. Ngày nay, mách giê là một trong ba “chứng chỉ dự bị” tức là năm thứ nhất hay lớp căn bản để lấy các bằng Cử nhân. Hai “chứng chỉ” kia là Lý Hóa Nhiên hay SPCN (Science, Physique, Chimie et Naturelle) và Toán Lý Hóa hay MPC (Mathématiques, Physique et Chimie).
Theo lời khuyên của ông Lăng, tôi ghi danh học mách giê vì chương trình học của lớp này cũng như lớp Toán Lý Hóa đều nằm trong chương trình lớp đệ nhất niên trường kỹ sư. Tôi dự định học song song để khi tốt nghiệp Kỹ sư Điện sẽ có thêm bằng Cử nhân Toán, nhưng mới đây xảy ra biến cố mới,
“Báo tin cho ông hay tuần trước tôi đụng độ với giáo sư chính của mách giê là thầy Đăng và đã quyết định bỏ lớp đó.”
“Thằng cha ấy đậu Tiến sĩ Toán ở Sorbonne bên Pháp về, nổi tiếng hách nhất trường Khoa học; tao biết chóng chầy gì cũng gặp tay thằng cà chớn trên không sợ trời dưới không nể đất là mày.”
Tôi châm thuốc lá, uống ngụm cà phê đá, rồi tiếp tục,
“Hôm ấy là lần thứ hai tôi đến lớp mách giê. Tìm không ra chỗ để xe, tôi vào lớp trễ vài phút; thầy đã bắt đầu giảng bài và nhìn tôi với đôi mắt khinh bỉ. Tôi nhìn quanh, chỉ có chỗ trống cạnh đứa con gái ở bàn đầu; hắn là nữ sinh viên duy nhất trong lớp. Tôi nhào tới ngồi khoanh tay như cái gai trước mắt thầy.”
“Sướng nhé! Được ngồi cạnh gái đẹp, than thở nỗi gì?”
“Khoảng nửa giờ sau, thầy đang giảng thao thao bất tuyệt thì tôi đưa tay lên. Ngắt quãng bài giảng của giáo sư là điều cấm kỵ, nhưng thầy cũng dừng lại và hất hàm nhìn tôi. Tôi tìm thấy chỗ sai trong bài giảng, vạch ra cho thầy thấy...”
Ông Lăng cười hô hố như thể vừa nghe câu chuyện khó tin nhất,
“Sao mày biết hắn ta sai?”
“Tôi đưa cuốn sách Mathématiques générales (Toán Đại Cương) dày gần bảy trăm trang của Marc Zamanski viết chung với Charles Pisot và chỉ chỗ thầy giảng nhầm. Zamanski là khoa trưởng Đại học Khoa học ở Sorbonne; cuốn sách đó là kinh thánh của sinh viên mách giê trong thế giới nói tiếng Pháp. Thầy hỏi tên tôi, ghi xuống cẩn thận, rồi đuổi ra khỏi lớp.”
“Vậy là mộng lấy bằng Cử nhân Toán tiêu tán đường rồi em ơi. Mất mẹ nó tiền lệ phí ghi danh, trăm rưởi bạc bộ cứt sao!”
Thế giới sinh viên Sài gòn vậy mà nhỏ. Không tới ba tháng sau tôi lại học cùng với Minh Hạnh, cô sinh viên đơn độc trong lớp mách giê, trong một lớp học khác.
* * *
Cuối tháng Mười, tôi nộp đơn ở Nha Du Học thuộc Bộ Quốc gia Giáo dục trên đường Lê Thánh Tôn xin học bổng Colombo đi Gia Nã Đại du học. Gia Nã Đại cấp học bổng này với tư cách thành viên Kế hoạch Colombo, tổ chức quốc tế có mục đích hợp tác phát triển kinh tế và xã hội trong khu vực Á châu và Thái Bình Dương thành lập năm 1951 và nhóm họp lần đầu tiên tại Colombo, thủ đô của Tích Lan, ngày nay gọi là Sri Lanka. Ngoài văn bằng Tú tài I và II và học bạ trung học, tôi phải nộp rất nhiều giấy tờ lỉnh kỉnh như giấy khai sinh, Chứng chỉ Không Thiếu Thuế, và Tư pháp Lý lịch Mẫu số 3 (chứng chỉ không can án), phải đạp xe chạy đôn chạy đáo khắp Sài gòn ba tuần lễ mới có đủ giấy tờ cần thiết và nộp trước thời hạn.
Tôi và Minh Hạnh ở trong số hai mươi sinh viên được cấp học bổng. Đại diện Gia Nã Đại là Phái đoàn Gia Nã Đại trong Ủy hội Quốc tế Kiểm soát Đình chiến Đông Dương đề nghị chia thành hai nhóm: nhóm học tiếng Pháp sẽ được “bốc” sang Montréal, Québec, trước Giáng sinh cho kịp nhập học khóa mùa xuân, vừa học thêm tiếng Pháp vừa học ngành đại học; và nhóm học tiếng Anh sẽ học Anh văn ở Sài gòn và sau đó sang Gia Nã Đại học khóa mùa thu năm tới.
Tôi chọn học tiếng Anh, mặc dù Anh văn là Sinh ngữ II (tức là ngoại ngữ phụ) của tôi. Quyết định này không được ông Lăng và thằng Song tán đồng; ông Lăng mắng,
“Mày ngu như con bò ấy! Thời buổi này được đi ngoại quốc mà không chịu đi ngay, chần chờ hơn nửa năm ở xứ này làm chó gì?”
“Nhưng tôi giỏi và thích học tiếng Anh hơn tiếng Pháp,” tôi chống chế.
“Mày cố nán lại ở Sài gòn vì chưa muốn xa con Diễm Mai mày dạy kèm. Tao đi guốc trong bụng mày…” thằng Song chỉ mặt tôi.
“Chắc là đâu đó…” tôi trả lời lửng lơ.
“Mê gái là có ngày bỏ mạng sa trường thôi em ơi,” ông Lăng kết luận.
Trong bốn tháng dài, tôi “phân thân” ra hai nơi: buổi sáng đi học Anh văn ở Hội Việt Mỹ ở số 55 đường Mạc Ðĩnh Chi, buổi chiều vào Phú Thọ học lớp chiều và nhờ thằng Song giảng lại bài lớp sáng, và buổi tối học bài cả hai bên đến ba bốn giờ sáng. Minh Hạnh là nữ sinh viên duy nhất trong lớp Anh văn du học. Nàng hay chọn chỗ ngồi bên cạnh tôi, trong lớp học cũng như khi vào phòng thính thị, nhưng chúng tôi chỉ có thì giờ trò chuyện trong mười phút nghỉ giải lao giữa hai giờ học; nàng kể với đôi mắt mơ màng,
“Năm ngoái ở trường Trưng Vương, tôi học Vật lý đệ nhất với ông Đức là giáo sư bên Phú Thọ. Ông ấy dạy hay, ăn nói dịu dàng và hấp dẫn khiến rất nhiều cô trong lớp mê tít.”
Giáo sư Đức dạy môn Xxx lớp đệ nhất và đệ nhị niên ở Trung tâm Quốc gia Kỹ thuật. Thầy tốt nghiệp kỹ sư bên Gia Nã Đại về, cao lớn, và oai hùng với hàm râu quai nón quanh má. Nhưng có điều tôi thấy cần lưu ý cô bạn vì hình như nàng cũng si tình với ông thầy học giỏi và đẹp trai,
“Nói cho chị biết mà coi chừng. Ông ấy không thích đàn bà đâu!”
“Sao thế?” nàng ngạc nhiên.
“Ông ấy ăn nói nhỏ nhẹ và êm ái như con gái, dáng điệu uốn éo làm duyên làm dáng như đàn bà, và ngoài ba mươi mà chưa để ý tới ai. Đúng là dân pê-đê!”
“Pê-đê,” nói tắt của chữ Pháp “pédéraste,” là người kê gian hay đàn ông đồng tính luyến ái. Lớp Anh văn kết thúc, tôi thi Kỳ thi Khả năng Anh ngữ của Đại học Michigan được điểm cao và được Đại học Ottawa ở thủ đô Gia Nã Đại nhận vào học kỹ sư Điện tử, một ngành khá mới mẻ.
Tôi may áo quần và hoàn tất mọi thủ tục xuất ngoại, có đầy đủ giấy thông hành, giấy nhập học, giấy báo phòng nội trú, vé máy bay, v.v. Ba ngày trước khi tôi lên đường, Nha Du Học gửi văn thư về nhà trọ báo tin thu hồi học bổng. Vẫn chưa tin là thực, tôi cầm tờ giấy báo đạp xe tới Đại học xá, đưa cho ông Lăng xem, và nản chí nằm dài trên đi-văng của ông. Ông Lăng đọc xong rồi thương tình,
“Tao có thằng bạn làm Chủ sự trên Nha Du học. Mày nằm đó, tao đi hỏi tại sao nó rút học bổng của mày.”
Khoảng hai tiếng đồng hồ sau ông Lăng trở về, nhìn tôi lắc đầu,
“Hết thuốc chữa rồi! Năm ngoái học đệ nhất ở Ban Mê Thuột, mày ngạo mạn cãi ngang tay với thằng Mấu cho sướng lỗ miệng, và bây giờ lãnh thẹo thôi em ơi.” Thầy Mấu là hiệu trưởng trường Trung học Ban Mê Thuột.
“Làm sao?”
“Khi được Nha Du học yêu cầu xác nhận, nó báo cáo mày nộp học bạ giả. Thằng cha Huế hèn không thể tả!”
Khi cơn đau thất bại đầu đời lắng dịu, tôi tự nhắc nhở mình vẫn là sinh viên trường kỹ sư và phải phấn đấu vì kỳ thi cuối năm sắp tới. Trong ba tuần lễ được nghỉ để chuẩn bị thi, tôi học ngày học đêm và cuối cùng thấy tự tin vì môn nào cũng hiểu biết vững vàng. Thật vậy, tôi làm bài thi thông suốt, cho đến môn cuối cùng của giáo sư Đức.
Hăm lăm sinh viên lớp Điện ngồi rải rác trong giảng đường rộng lớn, chăm chú làm bài thi. Trên chiếc ghế trống sát tường cách xa chỗ mình ngồi, tôi để bài giảng in ronéo đóng thành tập gọi là cua (do tiếng Pháp cours) và các sách vở mang theo để ôn bài trước giờ thi. Khoảng giữa thời hạn hai tiếng đồng hồ, tôi làm bài gần xong, thầy Đức rời bàn giáo sư đi quanh giảng đường xem từng sinh viên làm bài. Thay vì lại gần tôi, thầy đến chiếc ghế để sách vở, lấy từng cuốn lật ra xem rồi nghiến răng chìa ra trước mặt tôi trang cua ghi hàng chữ lớn đậm nét:
Như con b…!
“Con b…” là tiếng người Bắc dùng để chỉ bộ phận sinh dục đàn ông. Đối với tôi, con trai miền Trung, lời tán thán này không hề có nghĩa hỗn hào hay tục tĩu mà chỉ diễn tả nỗi bực tức sau một đêm dài vật lộn với bài giảng và rốt cuộc tìm ra thầy đã nhầm lẫn hay cua đánh máy sai. Thấy nét mặt giận dữ của thầy, tôi giật mình run rẩy. Giọng nói của thầy ôn tồn mà quyết liệt,
“Anh không có tư cách làm sinh viên! Anh về đi, tôi không thu bài hay chấm bài của anh đâu.”
Hôm sau, thằng Song và các thằng bạn khác đến thăm và khuyên tôi đi năn nỉ và lạy lục xin giáo sư Đức tha tội. Tôi lên văn phòng thầy, chưa kịp lắp bắp câu nói soạn sẵn thì thầy nói ngay,
“Tôi với anh không nợ nần gì nhau, anh về đi…”
Nghĩ đến đôi mắt buồn tênh của mẹ khi nghe tin đứa con trai mẹ đặt kỳ vọng vào đã thất bại và không làm tròn bổn phận, tôi vừa lo sợ vừa uất ức. Chính thầy mới là người có lỗi. Thầy không được phép lục lạo tập cua, tài sản riêng của tôi, và tọc mạch vào đời tư của tôi. Là sinh viên thấp cổ bé miệng, mai đây tôi chỉ có cách kết liễu đời mình để tạ tội với mẹ.
Nhưng thằng Song không cho tôi buông xuôi; còn nước còn tát, nó nói. Nó tới văn phòng xin địa chỉ các giáo sư dạy đệ nhất niên, bắt tôi ngồi sau chiếc VéloSoleX (một loại xe gắn máy nhỏ) cà tàng vừa chạy vừa đẩy, và chở tôi đến nhà từng giáo sư để nhờ xin lỗi thầy Đức giùm. Vài giáo sư vốn không ưa tôi ra tay mắng xối xả khi nghe thằng Song trình bày sự việc. Các vị khác thì lạnh nhạt ừ hữ cho qua chuyện.
Cuối cùng, Hội đồng Giáo sư của Ban Khoa học Cơ bản nhóm họp, chấm đậu, và cho lên đệ nhị niên hăm bốn sinh viên lớp Điện. Ai cũng nghĩ tôi sẽ bị xoọc-ti lát (“sortie latérale” tiếng Pháp nghĩa là ra trường ngang) tức là bị đuổi học, nhưng không hiểu sao tôi được cho ở lại lớp.
* * *
Bảy năm sau, tình cờ tôi gặp lại Minh Hạnh; đi du học về, nàng làm kỹ sư hóa học cho Công ty Đường Việt nam ở Biên Hòa, trong lúc tôi là giảng viên tại một số đại học y khoa và kỹ thuật ở Sài gòn, trong đó có trường Điện tôi từng theo học. Khi biết điều này, nàng hỏi,
“Anh biết anh Đức dạy ở Học viện Quốc gia Kỹ thuật không?” Học viện Quốc gia Kỹ thuật là tên mới của Trung tâm Quốc gia Kỹ thuật.
“Ông ấy dạy bên Ban Khoa học Cơ bản; sao chị biết?” tôi đoán nàng không nhớ chuyện xưa và dè dặt.
“Anh ấy là anh con cô con cậu của tôi. Chúng tôi rất thân nhau; trước khi đi du học, tôi đến nhà chơi hoài.”
Thì ra, qua cô em họ, thầy Đức đã biết tôi dám bảo thầy là dân pê-đê và đem lòng thù ghét trước khi lời than thở không sạch sẽ được phóng bút ghi ra. Vạ bởi miệng ra, bệnh qua miệng vào, tôi mất cơ hội lấy bằng Cử nhân Toán, mất cái học bổng du học quý giá, và cuối cùng trở thành “kỹ sư năm năm” – nhập học kỹ sư điện khóa Y mà tốt nghiệp khóa Z năm sau. Cái vạ miệng ấy theo tôi suốt đời, âu cũng là cái nghiệp!
Nguyễn Ngọc Hoa
Ngày 21 tháng Bảy, 2016