Trở về trang Mục Lục

Bản PDF để in

Loạt truyện "Dạo Vào Đời"
của Nguyễn Ngọc Hoa

6. Như Là Chuyện Ngẫu Nhiên

Năm thứ hai tôi học (lại) lớp đệ nhất niên là năm ăn chơi thoải mái. Không còn sửa soạn đi du học hay học thêm chương trình cử nhân toán. Chương trình đệ nhất niên tôi đã học hết năm ngoái, năm nay tà tà rong chơi. Ngoài giờ Thực tập hay TP (nói tắt tiếng Pháp Travaux Pratiques) trong phòng thí nghiệm vật lý và hóa học và giờ Hỏi bài (giờ học hàng tuần trong đó giáo sư hay giảng viên ra tay sát hạch khả năng của sinh viên), các giờ lý thuyết không điểm danh và không bắt buộc phải có mặt ở giảng đường. Thì giờ dư dật, tôi bước chân vào nghề dạy học khi nào không hay.

Anh Hán, con bà cụ chủ nhà trọ, là giáo sư trường trung học công lập và dạy thêm ở một số trường tư thục lớn ở thủ đô. Anh có nhiều bạn giáo sư trung học và thường chở tôi ngồi sau chiếc xe Lambretta đi dự các buổi họp mặt của những chàng “giáo gian chuyên ăn tục nói phét” (lời anh Hán). Nhờ đó, tôi học ăn món “cờ tây,” tức là thịt chó, và nhiều món ăn Bắc kỳ đặc biệt khác. Trong lúc các anh “đấu láo,” những thất bại trong việc học hành của tôi biến thành các giai thoại “chê giáo sư dốt” hay “mắng thầy ngu” thật đáng nể, và tôi được gán cho cái nhãn hiệu “học trò giỏi toán nhất Sài gòn.”

Khi các anh đau ốm, bận việc nhà, hay đi chấm thi, tôi sẵn lòng làm giáo sư phụ khuyết ngắn hạn để trám chỗ. Trường tư Sài gòn không cho phép để lớp học không có thầy giáo hay cho học sinh nghỉ học. Nhờ những năm học hỏi chu đáo ở trung học, tôi nhận dạy thay bất cứ môn gì – từ Toán Lý Hóa đến Sử Địa và Sinh ngữ (tức là ngoại ngữ, Anh và Pháp văn) – mà không cần phải soạn bài trước. Tôi vào lớp hỏi lần trước thầy dạy đến đâu, rồi từ đó mà tiếp tục, và không phải dùng đến các kỹ thuật “câu giờ” (khi gặp phải đề tài không quen thuộc). Và quan trọng nhất, các anh trả tôi trọn vẹn khoản tiền dạy giờ lãnh được của trường.

Tôi hay vào Đại học xá Minh Mạng, la cà từ phòng này sang phòng khác, và quen thêm nhiều bạn mới. Trong số đó, gần gũi nhất là thằng Thịnh học Dược, có khiếu văn nghệ, thích làm thơ tục, và ngâm thơ hay không kém gì Tô Kiều Ngân trong Ban Tao Đàn của Đài Phát thanh Sài gòn, và thằng Túc học Y khoa có tiếng học giỏi nhưng nghịch ngợm và thích đùa bỡn. Thằng Túc được mệnh danh là y sĩ riêng của tôi vì tháng nào tôi cũng cầu cứu với nó.

Đường phố Sài gòn nhiều bụi bặm và khói xe, tôi hay ra đường, bị bụi vào mắt gây nhiễm trùng thành mụt lẹo bên trong mí mắt, và thường bị tụi bạn cười nhạo “chuyên môn ngó chó lẹo nhau.” Khi mụt lẹo phồng lớn và mắt xốn xang khó chịu, tôi đi khám “bác sĩ” Túc; nó thực tập ở Bệnh viện Bình Dân trên đường Phan Thanh Giản, cơ sở thực tập của Đại học Y khoa và bệnh viện ngoại khoa duy nhất ở Việt Nam. Nó đưa tôi vào Khu Mắt để các anh chị học năm thứ sáu (năm cuối) thực hiện “ca” mổ: lật mí mắt lên, dùng dao giải phẩu rạch hai đường chữ X thật ngắn, nặn máu và mủ ra, băng mắt lại, và “cấm nhìn” bốn mươi tám tiếng đồng hồ.

Căn bệnh kinh niên thứ hai là mắc xương cá. Ngày ở nhà được mẹ cho ăn các loại cá ít xương đã quen, nay ở nhà trọ hay đi ăn cơm bên ngoài, mỗi lần ăn cá “long hội” (tức là lôi họng, nghĩa là cá lắm xương) là y như rằng tôi bị mắc xương vào cuống họng. Các cách chữa bằng mẹo như nuốt cơm nắm hay ăn rau muống chỉ khiến cho cái xương cá cắm vào thịt sâu hơn và đau đớn nhiều hơn khi nuốt nước miếng. Thằng Túc mắng tôi là “đồ tham ăn khát uống” và “miếng ăn là miếng tồi tàn” một hồi rồi điệu sang Khu Tai Mũi Họng. Các anh chị ở đây dùng đèn soi và cây kẹp giải phẩu để gắp xương ra, chỉ mất hai phút đồng hồ.

Sau cuộc tiểu giải phẩu, tôi mời các bạn Đại học xá ra quán Đa La trên đường Đào Duy Từ bên hông sân vận động Cộng Hòa đãi một chầu cà phê. Gần đây, Sài gòn mở nhiều quán cà phê thời thượng trang hoàng công phu, trang bị giàn máy Akai và hệ thống âm thanh tối tân, và vang lên nức nở giọng hát của Khánh Ly, Lệ Thu, Thái Thanh, v.v. qua những bản nhạc nhức nhối thương đau của Lê Uyên Phương, Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, v.v. Trong số đó, quán Đa La của hai chị em cô sinh viên Chính trị Kinh doanh Đà Lạt đứng riêng một cõi, mang vẻ hoang dã của núi rừng Đà Lạt, trang trí bằng những giò lan rừng và gùi và cung tên người Thượng, và dùng ghế ngồi và mặt bàn cưa từ những thân cây cổ thụ u nần. Theo thời gian, quán Đa La và cô chủ quán bé bé xinh xinh đã chứng kiến những buổi hẹn hò và nhiều mối tình học trò của các bạn tôi.

Thằng Túc, cũng như đám sinh viên y khoa ở Đại học xá, dẫn đầu về những trò đùa tinh quái. Nó vào Cơ thể Học viện của Đại học Y khoa mượn cái đầu lâu người chết đem về phòng nói là để học bài, nhưng thật ra để dọa mấy thằng yếu bóng vía, và cắt bộ phận sinh dục đàn ông lén bỏ vào ví tay của các cô bạn cùng lớp để giễu cợt. Học viện là nơi tích trữ tử thi vô thừa nhận để sinh viên y khoa học Cơ thể học, Cốt học, và thực tập giải phẫu, và cũng là cơ quan giảo nghiệm tử thi khi cảnh sát hình sự yêu cầu. Trước đây nằm trên đường Trần Hoàng Quân và có cửa thông sang sân sau của Đại học xá, Học viện vừa mới dời qua Trung tâm Giáo dục Y khoa trên đường Hồng Bàng, cơ sở chung cho cả hai trường y khoa và nha khoa hoàn thành vào cuối năm 1966.

Ngoạn mục nhất là “mục” đi ăn đám cưới “chùa” vào những buổi tối cuối tuần, thằng Túc làm đầu têu với sự phụ họa hăng hái của thằng Thịnh. Thằng Thịnh cười cười,

“Mình đi ăn đám cưới… người ta… mà không được mời. Bữa ăn chín, mười món trong tiệc cưới là cả một thiên đường so với cơm phạn xá mười một tì một vé với gạo trợ cấp của chính phủ. Bỏ qua rất uổng!”

“Đám cưới ở đâu mà lắm thế?” tôi không tin.

“Thiếu gì! Mỗi tuần dân Xè Goòng đua nhau làm đám cưới cả ngàn vụ. Mấy nhà hàng cưới đêm nào cũng đầy nhóc người.”

“Không sợ người ta bắt gặp sao?”

“Khách đến dự tiệc cưới thường đến năm bảy trăm. Họ nhà gái thì ngỡ mình là khách nhà trai; đám nhà trai đinh ninh mình có dây mơ rễ má về phía cô dâu. Tuy vậy, tụi tao kỹ lắm mày ạ. Trước khi dự tiệc, đi một vòng lên các tầng lầu khác xem danh sách các cặp tân hôn, không những để điều tra lý lịch mà còn để chọn thực đơn – đã mất công đi ăn thì phải ăn ngon cho đáng đồng tiền bát gạo! Nếu có người vặn hỏi là khách của ai thì chỉ việc xin lỗi, bảo rằng mình vô ý vào nhầm tiệc: ‘đám cưới họ nhà tôi là cậu X cô Y, con ông bà Z, ở tầng lầu dưới.’ Sau đó kéo sang đám kia, bổn cũ soạn lại, và ăn uống tiếp.”

Thằng Túc nói tỉnh khô như là chuyện thường tình. Tôi cười ngặt nghẽo,

“Tụi mày thật hết chỗ chơi! Đám cưới con người ta đời chỉ có một lần…”

“Ấy thế. Thằng Thịnh văn chương chữ nghĩa bề bề soạn sẵn một lô công thức chúc tụng để anh em tùy nghi xử dụng, khi có dịp ca bài con cá mừng cô dâu chú rể. Ngoài ra tụi tao dành riêng hai bộ đồ lớn kẻng nhất, đưa hấp sấy hàng tuần, để mặc đi ăn đám cưới. Gọi là tỏ lòng kính mến gia chủ! Vì vậy phải bốc thăm, mỗi lần chỉ đi hai đứa.”

Thỉnh thoảng thằng Túc nổi cơn đùa dai khiến thằng bạn đi cùng bị một phen hoảng hồn; thằng Thịnh kể,

“Có lần nhằm đám cưới con của một ông tướng nào đó, thằng Túc thày lay xung phong làm xướng ngôn viên điều khiển chương trình văn nghệ giúp vui và kêu tao lên sân khấu trình diễn màn ngâm thơ. Thế có chết không chứ?”

“Mày ngâm thơ tuyệt cú mèo! Chỉ tiếc là đàn cầm đem gảy tai trâu, và nhà cái có lẽ là tướng sạch, nghèo túng nên cho ăn dở ẹt, lại chơi toàn xá xị Con Cọp uống no cành hông,” thằng Túc cười khà khà.

“Cả buổi tối tao lo ngay ngáy, sợ bị lật tẩy, ông tướng cho lính rượt đánh thì đời mất dzui…”

Thế rồi tôi cũng theo bạn đi ăn đám cưới. Hôm ấy, ở nhà hàng Đồng Khánh trong Chợ lớn, tôi và thằng Túc ngồi cạnh một ông cụ và hai cô con gái quanh chiếc bàn tròn gọi là thồi gồm mười hai người. Ông cụ là giáo sư toán trung học đệ nhị cấp, và hai cô Vân Cẩm và Vân Hương là nữ sinh Trưng Vương. Vẻ đẹp nhí nhảnh và vui tươi của cô em Vân Hương khiến nhà y sĩ tương lai, vốn bặt thiệp và nhanh nhẩu, đờ đẫn nhìn trân trân khiến nàng ngượng ngùng không dám ăn. Cô chị Vân Cẩm vừa nhỏ nhẻ ăn vừa nghe tôi và ông cụ bàn về cõi nhân duyên nhà Phật. Một già một trẻ trò chuyện tương đắc như đôi bạn tâm giao.

Tiệc cưới gần tàn, tôi xin phép đưa hai cô đi uống cà-phê và nghe nhạc ở quán Đa La. Thằng Túc kinh ngạc, giật nảy người, và chắc mẩm thế nào cũng bị mắng vào mặt. Không dè cụ đồng ý cho đi và dặn về trước giờ giới nghiêm. Trên đường ra ngoài, thằng Túc le lưỡi,

“Tao chịu mày, thằng quái bạo mồm bạo miệng hết sảy!”

“Có gì khác nhau nếu mày không hỏi xin và hỏi xin mà không được? Cứ việc xin thử, có mất gì đâu!”

Tôi trả lời lửng lơ và cố dấu nụ cười hóm hỉnh. Nhờ “hoàn thuốc liều” của tôi mà mấy năm sau Vân Hương trở thành bà bác sĩ Túc.

* * *

Hai mươi năm sau, tôi gặp lại vợ chồng thằng Túc ở nam California trong buổi họp mặt gồm nhiều bạn cũ; nó làm bác sĩ tâm bệnh mở phòng mạch ở giữa thủ đô tỵ nạn. Nó kể lại chi tiết cuộc gặp gỡ ngẫu nhiên ngày trước rồi hãnh diện,

“Tôi gặp bả trong trường hợp thật ly kỳ; đúng là duyên số! Thằng Ba-Hoa chứng kiến từ đầu mùa đến cuối mùa.”

Vân Hương, bây giờ là mẹ của ba đứa con, rụt rè nhìn tôi,

“Nhân nói chuyện xưa, em có điều thắc mắc từ bao nhiêu năm nay. Cho em hỏi nhé?”

“Hỏi thì được nhưng trả lời hay không thì anh không hứa…”

“Anh biết chị Vân Cẩm em mến anh lắm chứ?”

“Dạo đó, mỗi khi có thì giờ anh vẫn ghé thăm ông cụ và hai cô.”

“Nghe cụ khen anh giỏi toán, chị em đang học ban A năn nỉ cụ cho đổi sang ban B để anh vui lòng, anh biết không?” Ban A là Ban Khoa học Thực nghiệm, và ban B tức là Ban Khoa học Toán.

“Thỉnh thoảng anh dạy thay cho cụ vài giờ; cụ thương cho anh ăn bánh phỉnh ấy mà!”

“Từ lần đến quán Đa La đến khi chị em mất vì Việt Cộng pháo kích sau biến cố Mậu Thân (1968), chị mơ ước anh rủ đi chơi mà anh không bao giờ làm. Sao vậy?”

Tôi bối rối thở dài, “Cô hỏi khó quá.” Tôi đứng dậy nhìn quanh; may thấy cây kiếm đồ chơi trẻ con dưới sàn nhà bèn cầm lên, đóng kịch như tráng sĩ vỗ gươm hát, và đọc bài “Hồ Trường” của Nguyễn Bá Trác,

… Trời Nam nghìn dặm thẳm,
Non nước một màu sương.
Chí chưa thành, danh chưa đạt,
Trai trẻ bao lăm mà đầu bạc,
Trăm năm thân thế bóng tà dương. …

Có một điều tôi giữ kín tận đáy lòng: Tối hôm ấy, tôi được ông cụ là bác của chú rể mời ăn cưới hẳn hoi, và đúng ra tôi là người kéo thằng Túc đi theo cho có bạn. Tôi đã quen thân với cụ trong lúc dạy học ở các trường tư. Cụ mến tôi và hay đùa,

“Hai đứa con gái của tôi đẹp như hoa, thích đứa nào anh cứ nói. Tôi cho ngay…”

Nguyễn Ngọc Hoa
Ngày 3 tháng Tám, 2016

Trở về đầu trang