![]() |
Loạt truyện "Dạo Vào Đời"
của Nguyễn Ngọc Hoa
7. Đào Hoa Mệnh Số
Sài gòn nắng nhiều, nhưng mưa cũng không ít. Mùa mưa bắt đầu vào khoảng đầu tháng Năm, lúc học sinh nôn nao nghĩ tới ngày nghỉ hè. Cứ buổi chiều, khi nắng tắt trên đường phố, mưa chợt ào ào kéo đến. Cơn mưa mang cả tiếng gió rì rào, tiếng xe vụt lướt qua, tiếng giọt tí tách trên mái hiên, và tiếng đập lộp độp trên mái nhà. Mưa đến bất ngờ, rồi ra đi bất ngờ, làm dịu bầu không khí nóng oi ả, và khiến dân Sài gòn bớt vội vã bon chen.
Tôi đã ở Sài gòn sang mùa mưa thứ hai, ngót nghét gần hai năm học, và thành phố không còn là thế giới xa lạ. Những con đường đầy người và xe cộ đi lại tấp nập và dài hun hút đi hoài không thấy cuối đường không còn khiến tôi ngại ngùng. Cảnh taxi, xe buýt, xe lam, xích lô máy, xích lô đạp, xe lô, và xe đò thi nhau rước khách, chạy ào ào, và phun khói mờ mịt không còn làm tôi ngán sợ. Những căn nhà trong ngõ hẻm nhiều nhánh rẽ có địa chỉ là một lô số xuỵc (“sur” tiếng Pháp nghĩa là ở trên, thí dụ như 123/45/67 – đọc là “123 xuỵc 45 xuỵc 67”) không còn bí mật lẩn tránh khi tôi đi tìm. Không lúc nào tôi cảm thấy lạc lỏng hay đơn độc vì chung quanh là bạn bè thân thiết. Ở lại lớp, tôi làm bạn với cả hai khóa kỹ sư; đi dạy trung học tư, tôi được các anh bạn giáo sư tận tình giúp đỡ. Và tôi gặp lại bạn cũ thời trung học ở Huế và Ban Mê Thuột, cũng như kết giao với nhiều bạn mới ở Đại học xá Minh Mạng.
Buổi tối thứ Bảy, sau cơn mưa, trời mát mẻ dễ chịu, và bầu trời trong và cao. Vừa lãnh được khoản tiền lớn sau gần một tháng bận bã dạy thay cho các anh bạn đi chấm thi, tôi đãi đám bạn Đại học xá ăn nghiêu trên đường Nguyễn Tri Phương. Bên lề một đoạn đường phố chừng ba chục thước, các quán nghiêu vỉa hè luộc nghiêu tại chỗ và bưng từng thau nghiêu nhỏ ra cho khách. Chúng tôi ngồi trên ghế thấp, cầm ngang chiếc vỏ chứa con nghiêu chín và nước dùng, lạng nhẹ trên mặt nước chấm trong tô để lấy vào một ít nước mắm chanh tỏi ớt, đưa vào miệng và xuýt xoa nhai, và thưởng thức hương vị đậm đà của món ăn bình dân khoái khẩu.
Ăn nghiêu xong, đi bộ vài trăm thước trở về quán cà phê lề đường quen thuộc ở Ngã Sáu Chợ Lớn, và ngồi đấu láo đến khuya. Màn “hạ nhau” thường mở đầu bằng cách lôi thằng Hoài, khách hàng thường trực của xóm yên hoa, ra chế giễu. Quê ỏ Nha Trang, sau khi lấy “chứng chỉ” SPCN (Science, Physique, Chimie et Naturelle) tức là lớp Lý Hóa Nhiên ở Đại học Khoa học, nó thi đậu vào dự bị y khoa. Chàng sinh viên trường thuốc ấy có tiếng đào hoa và đổi bồ như thay áo, trong lúc nhiều tên trong Đại học xá thèm có bồ đỏ con mắt mà kiếm không ra. Thằng Trang học Nông Lâm Súc, vốn là “khắc tinh” của thằng Hoài, khai hỏa đầu tiên,
“Tuần trước ở rạp xi-nê Eden ra, tao gặp thằng Hoài dung dăng dung dẻ với con Bích Như ở bùng binh có vòi nước phun trước Quốc Hội. Đáng lẽ phải gọi nàng tiên tóc dài học Nuật của nó là Bách Nha, vì mỗi quả cười duyên của ‘em’ phô bày cả trăm cái răng cửa, xếp hàng đôi hàng ba rất tưng bừng và kém mỹ thuật.”
“Đưa đào đi bát phố đâu phải là cái tội,” thằng Miên giả vờ bênh vực thằng bạn cùng phòng.
“Thằng Hoài cầm đồng bạc cắc năm tiền, chơi trò thảy đồng xu ước nguyện như trong tiểu thuyết Tây. Mắt lim dim, đầu hơi cúi xuống như cầu khẩn thật sự. Trịnh trọng trình diễn một hồi, đợi em bé cảm động chớp chớp mắt mấy phát rồi mới ném đồng bạc cắc xuống hồ nước.”
“Thật phí của trời, năm tiền mua được bốn điếu (thuốc lá) Ruby lẻ chứ đâu có ít!” tôi thừa cơ đánh hôi.
“Tao bèn ngứa miệng phang ra một câu, ‘Tao biết mày nghĩ gì và muốn gì, chỉ không biết mơ với em nào thôi.’”
Thằng Trang vừa cười vừa nháy mắt với thằng Túc học Y khoa. Thằng này tiếp tục, không cho thằng Hoài kịp lên tiếng,
“Về tới Đại học xá, thằng Hoài rượt đánh thằng Trang, cả quyết vì câu nói ấy mà con Bích Như nghỉ chơi với nó.”
“Anh em xúm lại khuyên can, rằng ‘sổ chờ’ của nó còn dài, mất con này thì chọn con kế tiếp. Nó học thuốc chứ đâu có theo ngành Nha mà cần người nhiều răng để nghiên cứu!” thằng Thịnh học Dược bây giờ mới lên tiếng.
“Bấy giờ, thằng Hoài thú nhận nó đau không phải vì mất một dịp học hỏi ngành chỉnh hình nha khoa mà vì con Bích Như đã hứa bao nó đi coi phim Gone with the Wind (Cuốn theo chiều gió). Chưa được xem ‘chùa’ thì cuộc tình tan vỡ!”
Thằng Túc kết luận; thằng Hoài vô phương xoay trở, đành cười ruồi chịu trận. Binh trà miễn phí được tiếp tế đến lần thứ ba khi thằng Trang trở lại cuộc đời tình ái thằng Hoài,
“Trong phim ấy, nam tài tử chính là Clark Gable thằng khỉ này mê như điếu đổ và bắt chước để râu, hai hàng ria mép trông tục không chịu được! Giáng sinh vừa rồi, có cô nàng nào đó tặng chàng cây kéo để tỉa râu…”
“Thôi nghen mày!” thằng Hoài bắt đầu xốn xang.
“Khoảng gần Tết, cũng cô ấy biếu thằng Hoài một gói kẹo Tây – mua tận mẫu quốc Phú Lang Sa. Như lần trước nó hí hởn mang khoe khắp Đại học xá, nhưng không chia cho anh em chiếc kẹo nào – sợ mất hên.”
“Tao thấy thường thôi, ai mà chả vậy,” thằng Thịnh chưa biết chuyện này.
“Không đứa nào để ý thấy điều gì khác lạ cho đến khi họp mặt chia tay về quê ăn Tết. Thằng Ba Hoa mới đi một đường tam quốc chí diễn nghĩa rằng hai món quà ấy tượng trưng cho chữ ‘kẹo kéo’ dai dứt không ra!”
Ở miền Trung, kẹo kéo bán rong màu trắng làm bằng mật mía hoặc đường cuộn đậu phụng rang chín bên trong; kẹo kéo rất dẻo và dễ kéo dài thành thanh nhỏ nên “kẹo kéo” chỉ người hà tiện hay keo kiệt. Thật ra, thằng Hoài không phải là người bủn xỉn; nó chỉ không bao giờ có tiền. Có bao nhiêu đem nộp hết cho các kiều nữ làng chơi, nhiều khi về phòng “ăn cơm tôm,” tức là nằm ngủ cong người như con tôm cho quên đói.
* * *
Mặc dù bận rộn việc học, thằng Thịnh và thằng Túc cũng hăng hái tham gia công tác xã hội. Thằng Thịnh có chân trong Ủy ban Sinh viên Cứu trợ Nạn Lụt miền Tây của Tổng hội Sinh viên Sài gòn, quyên góp tiền bạc và tặng vật để giúp đỡ đồng bào miền Tây lâm cảnh màn trời chiếu đất. Thằng Túc hàng tuần lên Viện Dục anh Thủ Đức thăm viếng các em mồ côi, lạc gia đình, hay bị bỏ rơi, phần lớn vì chiến tranh. Và tôi cố góp phần bằng cách theo thằng Túc đi lên Thủ Đức.
Nhờ đó, tôi quen với Mai Linh, cô sinh viên Văn khoa tóc dài, dáng người mảnh mai, và giọng nói từ tốn, dịu dàng mà thuyết phục, và tín cẩn. Mai Linh quê ở Nha Trang, vào Sài gòn học, và ở trong cư xá nữ sinh viên trên đường Trần Quý Cáp, thường gọi là Đại học xá Trần Quý Cáp. Mai Linh thường xuyên đến Viện Dục anh để giúp săn sóc, tắm rửa, dạy dỗ, và chơi đùa với các em cô nhi, và xem các em như một gia đình thứ hai.
Biết tôi ghiền truyện Tam Quốc Chí Diễn Nghĩa, đọc đi đọc lại nhiều lần đến thuộc lòng, Mai Linh giao cho tôi công tác kể chuyện cho các em nghe. Thế là mỗi sáng Chủ nhật, các em được nghe kể chuyện Đào viên kết nghĩa (ba anh em Lưu Bị, Quan Công, và Trương Phi kết nghĩa anh em), Tam Anh chiến Lã Bố (ba anh em Lưu Bị đánh với Lã Bố), Tam cố thảo lư (Lưu Bị ba lần tìm đến lều tranh để thỉnh cầu Khổng Minh ra phò tá), Triệu Tử Long đoạt ấu chúa (Triệu Vân một mình một ngựa chống cả vạn quân cứu A Đẩu, con Lưu Bị), Quan Vân Trường phò nhị tẩu (Quan Vũ hộ tống hai bà chị dâu, vợ Lưu Bị, trên đường lưu lạc), v.v.
Khi biết quê quán của Mai Linh, tôi hỏi,
“Chị có biết thằng Hoài nhà ở đường Độc Lập Nha Trang, bây giờ học y khoa, và ở Đại học xá Minh Mạng không?”
“Biết chứ! Biết rất rõ là đằng khác…”
“Vậy hai người là bạn với nhau, lâu nay tôi không hay,” tôi vui mừng nhận… họ hàng.
“Không, chúng tôi không phải là bạn...”
“Vậy là sao?” tôi ngạc nhiên.
“Ảnh là… vị hôn phu của tôi,” Mai Linh cười nhẹ.
“Hai người làm lễ hỏi lúc nào mà tôi không biết – bậy quá!” tôi bối rối.
“Chúng tôi đính hôn với nhau từ ngày còn trong bụng mẹ, anh không biết là phải.”
Mai Linh kể, ông nội của hai người quê làng Phương Sài tỉnh Khánh Hòa, là đôi bạn thân từ thuở còn để chỏm, và cùng ra Huế học chữ Pháp ở Pháp tự Quốc học Trường (tức là trường Quốc Học) mới khai giảng dưới thời vua Thành Thái. Cả hai đều lấy vợ người Huế và sinh con trai đầu lòng trước khi trở về lập nghiệp ở quê nhà, bấy giờ là một phần của thị trấn Nha Trang mới thành lập. Tình cờ hai người con trai lấy vợ cùng năm, và hai cô con dâu mang thai cùng thời gian. Hai ông hứa với nhau, nếu cháu nội là một trai một gái thì hai bên sẽ kết thông gia.
Thằng Hoài và Mai Linh sinh cùng tháng và cách nhau một tuần lễ. Nhớ ra chuyện thằng Trang kể, tôi buột miệng hỏI,
“Có phải chị đã tặng cây kéo và gói kẹo cho thằng Hoài?”
“Tôi tặng quà với ngụ ý khuyên răn cho ảnh tự chế và giảm bớt tính chi li. May là ảnh biết điều và không hề giận.”
“Chị cũng biết bạn tôi là người tốt bụng, nhưng có tính hơi lăng nhăng?”
“Điều này thì tôi biết rõ. Ngày ảnh vừa ra đời, ông nội chấm số tử vi nói ảnh có số Đào Hoa, suốt đời được kẻ khác hâm mộ và nhân duyên tốt đẹp và như ý, mặc dù đôi khi phát tác thành háo sắc và không chung thủy.”
“Thật vậy sao?”
“Nhưng ông nội nói nhờ có sao Thái Tuế chế giảm, số Đào Hoa đã mất bớt khả năng quyến rủ và thói đa tình lẳng lơ. Và khi chúng tôi thành hôn, sao Ân Quang và Thiên Quý trong cung Phu của tôi sẽ khắc chế hiệu lực không tốt của Đào Hoa. Ảnh ra trường là tụi này làm đám cưới liền,” Mai Linh mỉm cười tự tin.
* * *
Mấy tháng sau, trong biến cố Mậu Thân (1968), Mai Linh hướng dẫn một số anh chị em sinh viên xung phong ra trận tuyến vùng Chợ Lớn, bắc loa kêu gọi cán binh Cộng Sản buông súng trở về với chính nghĩa quốc gia. Các cán binh này, phần lớn là những chú bé con mười bốn, mười lăm tuổi, bị cưỡng buộc phải chiếm cứ và tử thủ trên cao ốc hay trong nhà dân chúng. Nhờ lòng can trường và tài thuyết phục, toán sinh viên thiện nguyện giúp giảm bớt cảnh máu đổ thịt rơi và khiến cho tài sản đồng bào khỏi bị hủy hoại.
Không may, thiên thần gãy cánh – Mai Linh hy sinh vào ngày cuối cùng của trận đánh. Do một tràng AK-47 bắn ra bởi tên cán binh sau cùng ở “chốt” cuối cùng là ngôi nhà cuối đường Khổng Tử. Theo gia đình đưa xác vị hôn thê về Nha Trang tống táng, thằng Hoài không trở lại Đại học xá. Từ đó, tôi không còn gặp lại và không biết tin tức của nó.
Nguyễn Ngọc Hoa
Ngày 24 tháng Tám, 2016