Trở về trang Mục Lục

Bản PDF để in

Loạt truyện "Dạo Vào Đời"
của Nguyễn Ngọc Hoa

8. Có Duyên, Không Nợ

Đang ngủ lơ mơ, tôi choàng tỉnh khi cô chiêu đãi viên hàng không loan báo bằng ba thứ tiếng Việt, Anh, và Pháp trên hệ thống truyền thanh chỗ đông,

Phi cơ bắt đầu giảm cao độ để đáp xuống phi trường Đông Tác, Tuy Hòa. Xin quý vị trở lại ghế ngồi, buộc dây lưng an toàn, và đừng hút thuốc. Phi trưởng và đoàn viên phi hành xin cám ơn quý vị và mong gặp lại quý vị trong chuyến bay tới của hãng Hàng không Việt nam.

“Quê nhà” đây rồi! Đầu năm 1966, gia đình tôi từ Ban Mê Thuột theo cha dọn ra Tuy Hòa, tỉnh lỵ của Phú Yên, nơi cha đảm nhiệm chức vụ hành chánh và quân sự quan trọng nhất vùng. Lần này nghỉ hè về thăm nhà, tôi đã hăm hở vạch chương trình cho sáu tuần lễ tạm xa sách vở và cuộc sống Sài gòn xô bồ náo nhiệt, tha hồ tắm biển, rong chơi, và viếng thăm những cánh đồng phì nhiêu và những thắng cảnh thiên nhiên tuyệt vời của miền Duyên hải. Nhất là được thưởng thức tài nấu nướng của mẹ, nghĩ tới không thôi cũng thấy thèm rỏ dãi.

Bác Sáu tài xế của cha, trạc ngũ tuần với mái tóc ngả màu muối tiêu, đứng đón tôi ở chân cầu thang chiếc DC-3 đậu trước phi trạm. Thay vì đưa tôi về nhà, bác chở vào văn phòng của cha. Ngồi sau chiếc bàn giấy đồ sộ, cha hơi mỉm cười,

“Đi đường mệt không?”

“Dạ không...”

“Trong nớ học hành ra răng?”

“Dạ cũng được…”

Tôi trả lời đại khái cho xong mà lòng băn khoăn. Hầu như chưa bao giờ cha bộc lộ tình thương thành lời nói hay cử chỉ; tôi không nhớ lần cuối cùng thấy cha cười vào lúc nào. Và cha chỉ có thói quen ra lệnh cho con cái chứ có khi nào hỏi để được trả lời đâu. Tôi không phải ngạc nhiên lâu vì cha vào đề ngay,

“Năm ni mi gần hai mươi tuổi rồi. Con trai lớn lấy vợ, con gái lấy chồng. Tau với mẹ mi đã bỏ công xem xét và kén chọn kỹ càng: con nhỏ con ông Hoàng, Dân biểu Quốc hội tỉnh mình, được cả người lẫn nết. Nhà người ta giàu có, hắn lại là con một nên mai sau mọi của cải về phần hai đứa bây.”

Tôi hình dung cô con gái nhà giàu tỉnh lẻ. Chuyên vòi vĩnh và nhõng nhẽo và chỉ được tài ăn hiếp con bé người làm. Học hành dở dang, ăn mặc quê mùa, và lo ăn ngủ suốt ngày nên khuôn mặt phĩnh phệ đáng ghét. Có vợ như thế thà nhảy xuống giếng tự tử sướng hơn! Không nhìn tôi, cha tiếp tục,

Tau đã đi tu nghiệp bên Mỹ hai lần và quen nếp sống Tây phương nên rất tân tiến và phóng khoáng. Cho mi được lựa chọn, miễn là có sự hướng dẫn sáng suốt và chín chắn của người lớn. Tối mai tau mời ông bà Dân biểu và con nhỏ ăn cơm tối với gia đình mình. Mi sẽ có cơ hội tìm hiểu và quyết định lấy.”

Tôi hiểu quyền tự do lựa chọn của mình rất có giới hạn. Từ nhỏ đến lớn, tôi chưa thấy ai trong gia đình, kể cả mẹ, dám cãi lời cha. Mỗi lời nói của cha là lệnh, là luật, chắc như đinh đóng cột, và không thể đổi dời. Trước khi cho tôi lui ra, cha nhìn mái tóc khá dài của tôi và nở thêm một nụ cười hiếm hoi,

“Chiều ni ở nhà nói chuyện với mẹ mi, khoan đi chơi đã. Tau đã kêu thợ tới nhà, mi hớt tóc cho đàng hoàng và mặc thử bộ com-lê đặt may sẵn, có chi không vừa ý thì biểu thợ sửa lại.”

Cha chu đáo sắp xếp mọi chuyện, ngoại trừ cho tôi biết chi tiết về tên tuổi, học lực, hay nhan sắc của cô… vợ tương lai. Nhưng đấy là tiểu tiết, có quan trọng gì với cha!

* * *

Tối hôm ấy, trong phòng khách nhà ông Dân biểu ở dưới phố, cô Ly Lan được giảng giải tường tận bài học “làm thân con gái, cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy.” Nàng ngồi đối diện với cha, trong lúc bà Dân biểu ngồi cạnh chồng khoanh tay nhìn con gái với đôi mắt ái ngại. Ông nói hùng hồn như đang diễn thuyết trước công chúng,

“Nói về môn đăng hộ đối thì trong toàn tỉnh Phú Yên này, hay khắp cả miền Trung, không thể có nơi nào xứng đáng với gia đình mình bằng gia đình ông ‘Tỉnh.’ Ổng lại là bạn bè thân thiết với Tổng thống và tương lai chính trị rất rực rỡ nên sau này hai con và cả ba má cũng được nhờ. Nẫu lại được ông ‘Tỉnh’ cưng chiều nhất nhà; thương con dĩ nhiên sẽ quý dâu, con có phúc lắm đó.”

“Nẫu” là đại danh từ đặc biệt của vùng Bình Định - Phú Yên, được dùng rộng rãi để chỉ người ấy, bọn họ, hay người ta; thí dụ như trong câu ca dao:

Ai về sông núi Phú Yên,
Cho nẫu nhắn gởi nỗi niềm nhớ quê.

hay

Thương chi cho uổng tấm tình,
Nẫu về xứ nẫu bỏ mình bơ vơ.

Ly Lan lợm giọng nghĩ tới bọn con ông cháu cha ỷ thế ỷ thần hiếp đáp kẻ thế cô, làm điều càn dở. Thằng cha này chắc cũng vậy thôi! Thứ đàn ông vô tích sự, tối ngày đàng điếm ăn chơi. Bọn này đi học thì chạy chọt mua bán bằng biếu và đi lính thì dựa thế cha ông làm lính kiểng lính ma. À, mà nhà này tiền của cũng có, quyền thế cũng có, mà có lẽ thiếu chữ nghĩa nên mới tìm mua cô dâu học thức như mình. Cô sinh viên năm thứ nhất Chính trị Kinh doanh Đà lạt so sánh mình với Huyền Trân Công chúa thuở xưa,

Tiếc thay cây quế giữa rừng,
Để cho thằng Mán thằng Mường nó leo.
(Ca dao)

Nhưng không sao, nàng tự nhủ, thế nào mình cũng có cách để thoát khỏi bàn tay lông lá của con… dê đực này. Cuối tuần mình sẽ gặp ngườI trong mộng: chị Đông Phương hứa sẽ giới thiệu một chàng mà, theo lời chị, mình sẽ không thể chê vào đâu được. Hai đứa sẽ là một đôi trai tài gái sắc xứng đôi vừa lứa nhất Phú Yên, khi đó “ông cha” và “bà má” sẽ sáng mắt ra và công nhận mình là người có mắt tinh đời.

* * *

Thoạt nhìn ai cũng ngỡ bữa cơm thân mật giữa hai gia đình thật là vui vẻ và ấm cúng. Cha và ông Hoàng nói lớn và cười to như chưa bao giờ vui thế, mặc dù câu chuyện trao đổi chẳng có gì tức cười. Mẹ và bà Hoàng ra vẻ tâm đầu ý hợp, kề tai nhau nói nhỏ và cười khúc khích, nhưng mắt thì nơm nớp trông chừng “hai đứa nhỏ” là tôi và Ly Lan. Súng sính trong bộ âu phục mới toanh cùng với chiếc cà vạt màu sặc sỡ, tôi biến thành chàng công tử miệt vườn trong một tuồng cải lương phỏng theo tiểu thuyết xưa của Hồ Biểu Chánh. Đối với ông bà Hoàng, tôi một điều thưa hai điều bẩm và khúm núm lấy lòng cha mẹ… vợ tương lai.

Đúng như tôi tiên đoán, Ly Lan là hiện thân của mẫu người thiếu nữ khó thương nhất – mặt trát đầy phấn quê kệch, môi to son lòe loẹt kém thẩm mỹ, và mái tóc bới cao như tổ quạ. Từ khi được chính thức giới thiệu với tôi, nàng mở máy gắt gỏng, khó chịu, và hợm hĩnh. Chúng tôi được cho ngồi cạnh nhau, “Để hai đứa nó lo cho nhau,” hai ông già đắc chí hề hề. Tôi chiều chuộng nàng rất mực, món gì cũng gắp để vào chén cho nàng. Tôi gợi chuyện hỏi nàng về các chuyện tình cải lương, kép Thành Được, và đào Út Bạch Lan, và còn ý nhị ngỏ lời bằng câu ca,

Tóc em dài em cài hoa thiên lý,
Miệng em cười, anh để ý anh thương.

Không cần nhìn cha, tôi cũng biết ông hài lòng vì đã tôi thực hiện mọi điều ông mong muốn. Ngược lại, Ly Lan tỏ thái độ bất hợp tác thấy rõ. Nàng để riêng những món ăn tôi gắp cho, không thèm ăn. Nàng trả lời nhát gừng, lời nói nhấm nhẳng và khinh miệt. Nàng càng lấn lướt, tôi càng nhún nhường và dịu dàng như kẻ si tình thứ thiệt.

Ông bà Hoàng bối rối và nhột nhạt trước thái độ bướng bỉnh và bất nhã của cô con gái. Cha mẹ cũng mong cho bữa cơm chóng kết thúc để khỏi kéo dài hoàn cảnh khó xử. Khi từ giã, tôi tiễn khách ra tận cửa xe; bắt tay ông Hoàng, tôi chêm thêm tô nước đường,

“Nếu hai bác cho phép, hôm nào con sẽ xin mời em Ly Lan đi xem tuồng Lan và Điệp – gánh Thanh Minh diễn thì hay vô số. Bỏ qua rất uổng!”

“Ai thèm? Đồ cà chớn!”

Đang bước lên xe, nàng ngoái lại xí một tiếng lớn. Tôi hân hoan nhìn chiếc xe chạy ra cổng; tụi bạn Sài gòn mà biết được tài diễn xuất hết sảy con cào cào của tôi tối nay chắc sẽ phục lăn phục lóc. Nhưng tôi cần rời khỏi Tuy Hòa trước khi cha nhắm mối khác!

Sáng hôm sau tôi ra Ty Bưu điện gửi cho thằng Song cái điện tín vỏn vẹn một chữ: “Alarme,” tiếng Pháp nghĩa là “nguy cấp,” một mật ngữ giao hẹn trước. Điện tín viết bằng tiếng Pháp không những ngắn gọn (bưu điện đếm chữ tính tiền) mà còn dễ đọc. Vì hệ thống gửi và nhận điện tín dùng mẫu tự La-tinh không có dấu, người ta phải dùng quy ước Telex do Nguyễn Văn Vĩnh (1882 – 1936) nghĩ ra để đánh tiếng Việt; nếu tôi ghi “Cần vào Sài gòn gấp” thì bức điện văn năm chữ đến tay người nhận sẽ là
CAANF VAOF SAIF GONF GAAPS.

Chỉ một ngày sau tôi nhận được điện tín của thằng Song báo tin trường Điện sẽ gửi sinh viên đi tập sự hè bắt đầu từ ngày thứ Hai sắp tới. Tư dinh của cha không có địa chỉ riêng, thư từ phải đi qua Tòa Hành chánh Tỉnh, và bức điện văn chắc hẳn được trình báo với cha trước khi tới tay tôi. (Trong trường hợp này, viết bằng tiếng Pháp có thêm một điều lợi: nhấn mạnh sự… quan trọng và chính thức của bức điện văn.) Tôi chỉ việc đợi cha ra lệnh trở lại Sài gòn.

Tôi tiếc không gặp được chị Đông Phương như đã hẹn. Chị quê ở Tuy Hòa, học ban Đốc sự trường Quốc gia Hành chánh, quen tôi khi cùng tham gia công tác xã hội của Tổng hội Sinh viên Sài gòn, và đã hứa giúp tôi hội nhập vào các sinh hoạt thanh niên tại tỉnh nhà.

* * *

Ly Lan bị cha mắng một trận nên thân. Nàng khóc lóc, hờn giỗi, và nhịn ăn một ngày. Bà Hoàng phải năn nỉ ỉ ôi mãi ông mới nguôi ngoai và cho phép nàng ra khỏi nhà tham dự cuộc cắm trại của Gia đình Phật tử Tỉnh hội ở khu vực quanh Cây Si gần phi trường Đông Tác. Ông Dân biểu đã biết tiếng và hết lòng tin cậy Huynh trưởng Đông Phương, người đứng đầu đoàn nữ phật tử và làm trưởng trại.

Ly Lan sinh hoạt trại cùng với mọi người như một cái máy. Nàng gặp gỡ và làm quen với một số thanh niên, nhưng không ai có dáng dấp giống như người Đông Phương đã mô tả. Ly Lan thất vọng, trong khi Đông Phương bận rộn với việc quản trị trại, chạy lui chạy tới như con vụ. Mãi đến chiều, Đông Phương mới kéo Ly Lan riêng ra một nơi,

“Chị đành thất hứa với em. Cả ngày hôm nay, chị cũng thắc mắc tại sao người ta không đến. Chính chị cũng mong gặp nẫu.”

Đông Phương lấy ra một phong thư đưa cho Ly Lan xem. Thư viết vội vàng, nhờ người mang tay tới,

Chị Đông Phương mến,
Về Tuy Hòa chưa có dịp hàn huyên với chị thì, vì một lý do bất khả kháng, kẻ lãng du lại phải ra đi. Tiếc lắm, nhưng không thể làm sao hơn chị ơi. Gặp lại nhau ở Sài gòn, sẽ kể chuyện cho chị nghe.
Ba Hoa

Ly Lan nghi nghi,

Ba Hoa nào hở chị?”

“Con ông ‘Tỉnh’ đó, em không nghe tiếng sao? Chị không nói trước với em vì nẫu rất kỵ đề cập tới quyền hành và chức tước của cha.”

“Em đoán ảnh ra đi cũng vì em mà ra…”

Ly Lan thở dài, thuật lại cuộc gặp gỡ, và thắc mắc,

“Trong suốt bữa cơm, ảnh chỉ nói tuồng tích cải lương với em. Bộ ảnh khoái cải lương vọng cổ lắm hả chị?”

“Đâu có! Có lẽ nẫu giả ngây qua ải để khỏi bị ép duyên – giống như em. Câu chuyện của hai người đúng là

Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ,
Vô duyên đối diện bất tương phùng.
(Có duyên thì dẫu xa ngàn dặm cũng thường gặp nhau,
Không duyên dầu có giáp mặt cũng không thấy nhau.)”

Nguyễn Ngọc Hoa
Ngày 29 tháng Sáu, 2016

Trở về đầu trang