![]() |
Loạt truyện "Dạo Vào Đời"
của Nguyễn Ngọc Hoa
9. Tứ Diễm
Kỳ nghỉ hè năm 1967 tôi về thăm nhà ở Tuy Hòa; thị xã nằm dưới chân núi Nhạn và trên bờ bắc sông Đà Rằng, con sông lớn nhất tỉnh Phú Yên. Đà Rằng là tên gọi phần hạ lưu của sông Ba phát nguyên từ cao nguyên Kontum và khi tới Tuy Hòa ngăn ra thành hai dòng sóng đôi là sông Chùa và sông Đà Rằng, cả hai cùng đổ ra cửa Đà Diễn. Trên đỉnh núi Nhạn có tháp Nhạn, công trình kiến trúc cổ của người Chàm nổi bật trên nền trời như bức họa điểm trang cho thành phố.
Tuy Hòa trông khá sầm uất thịnh vượng với đường phố rộng, thẳng tắp, và rất sạch sẽ. Khu thương mại chính tập trung quanh Ngã Năm, giao điểm của đường Trần Hưng Đạo nối đồng ruộng với bờ biển và chạy ngang qua chợ Tuy Hòa, đường Phan Đình Phùng chạy từ bờ sông Chùa về phía ấp Ninh Tịnh; và đường Nguyễn Công Trứ từ Ngã Năm lượn cong như con rắn dọc theo bờ sông.
Cha đảm nhiệm chức vụ hành chánh và quân sự quan trọng nhất vùng này từ đầu năm 1966, tư dinh của cha là một dinh thự rộng lớn xây thành hình chữ Công (工) gần bờ biển. Ở nhà trên, cha ở một mình trong căn phòng lớn nhất trên lầu có cửa thông ra sân thượng lộ thiên, và mẹ và em Bình ở trong một phòng ngủ ở tầng dưới; bọn con trai chen chúc trong căn nhà kho cũ đằng sau, cạnh ga-ra để xe. Cha ăn cơm một mình trong phòng ăn chính, mẹ và anh em tôi ăn cơm trong căn phòng nhỏ cạnh nhà bếp.
Buổi sáng tôi mang sách ra bãi biển trước dinh, đọc sách, và tắm biển một mình; vì lý do an ninh khu vực này không mở cửa cho công chúng dùng. Buổi chiều bác Sáu tài xế đưa tôi xuống phố. Anh em tôi gọi bác là bác Sáu Già vì bác trạc ngũ tuần và mái tóc ngả màu muối tiêu. Bác sinh ra và lớn lên ở Tuy Hòa, làm việc cho Tòa Hành chánh đã mấy mươi năm, chuyện gì cũng biết và người nào cũng quen, và được cha hết lòng tin cậy.
Tôi ra phố ghé qua nhà sách Thiên Ngân trên đường Trần Hưng Đạo, nhà sách duy nhất của thành phố. Xem sách chán chê rồi mua một cuốn mang tới quán cà-phê Hòa Nam trên đường Lê Thánh Tôn vừa uống cà-phê vừa đọc. Trong căn nhà mái tranh với bàn ghế bằng gỗ mun đen vuông vắn, lớn, và chắc chắn, ông chủ quán đưa ra cho khách các ly cà phê lớn, uống cả buổi mới hết.
Thằng Sang, em kế tôi, năm nay học đệ nhị (lớp 11) trường trung học Nguyễn Huệ. Học không giỏi nhưng phá phách nghịch ngợm thì không ai bằng, nó hay chế giễu “tiếng Nẫu” là thổ âm vừa khó nghe vừa khó hiểu của miền này. Nó khoe các cô gái đẹp nhất Tuy Hòa đều học cùng lớp với nó. Một hôm tôi theo nó đến nhà Tứ Diễm, bạn học của nó và con gái đầu lòng của một gia đình thương gia giàu có và quen thân với cha. Nàng có tiếng hát hay, thường trình diễn trong những buổi văn nghệ trong thành phố, và khi cha có dạ tiệc, được mời tới dự và hát giúp vui.
Tứ Diễm đẹp tuyệt vời như tên của nàng – dung sắc đẹp đẻ được (ơn trên) ban cho. Dáng người cao, thân hình thon đẹp, bước đi yểu điệu, mái tóc dài đen mượt, khuôn mặt trái soan trắng ngần, nụ cười tươi tắn với hàm răng trắng và đều đặn, và giọng nói dịu dàng khiến tôi quên mất nàng nói “tiếng Nẫu.” Sau màn giới thiệu vắn tắt, để chứng tỏ tài ăn nói của mình, thằng Sang mở máy nói liên tục bằng những câu chuyện không đầu không đuôi và những câu chọc cười nhảm nhí.
Khi đến giờ về – bác Sáu đến đón, Tứ Diễm đưa chúng tôi ra cửa. Lúc ấy, tôi mới có dịp mở miệng và đi một đường ve vãn bằng câu nói bóng gió tụi bạn Đại học xá Minh Mạng thường dùng,
“Tứ Diễm có biết ở Phú Yên, người ta gọi cô gái đẹp nhất, ngoan nhất, và hiền nhất là gì không?”
“Dạ không…” nàng lắc đầu.
“Là Tứ Diễm đó! Không biết sao?” tôi ngần ngừ một lát rồi ra chiêu, theo đúng “sách vở.”
Ngón đòn tán tỉnh này hình như có hiệu lực vì thấy nàng cảm động chớp chớp mắt. Tối hôm sau tôi đến thăm Tứ Diễm một mình và dặn bác Sáu tôi sẽ đi bộ về nhà, khỏi phiền bác thức khuya đợi giờ đi đón. Cha mẹ Tứ Diễm niềm nở chào hỏi rồi cho phép tôi và nàng lên lầu, ra ngồi ngoài bao lơn, và nói chuyện cho đến gần giờ giới nghiêm.
Tôi tiếp tục đến thăm Tứ Diễm vào buổi tối. Một tuần sau, bác Sáu vui miệng tường trình về các anh chàng rấp ranh bắn sẻ ở nhà nàng. Đầu tiên là anh Thu làm thông dịch viên cho văn phòng Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa kỳ (USAID) và có nhiệm vụ thông dịch khi cha giao dịch chính thức với giới chức Hoa kỳ. Bác nói anh “mạnh thế” vì là là em út cưng một ông tướng chức lớn trong Bộ Tổng Tham mưu mà “dưới cơ” vì chỉ mang lon trung sĩ biệt phái. Vài tháng trước, anh đưa mẹ từ Sài gòn ra hỏi cưới Tứ Diễm, nhưng cha mẹ nàng từ chối, lấy cớ con còn đi học chưa đến tuổi lấy chồng.
Người thứ hai là thằng Chí trưởng lớp Công chánh người Huế học cùng với tôi năm đệ nhất niên đầu tiên. Nó khoảng hăm lăm, hăm sáu tuổi, chuyên lo việc xin giáo sư cho bài rồi đem in thành cua ronéo để các sinh viên khác mua về học. Trước đây anh nó làm trưởng ty Công chánh Phú Yên, nó học ở Qui Nhơn, và khi về nghỉ hè tình nguyện dạy kèm cho Tứ Diễm học. Bác Sáu cho là tình cảm giữa nàng và thằng Chí đã phai nhạt vì từ khi ông anh đổi về Sài gòn, nó không hề về lại Tuy Hòa.
Đáng ngại nhất là thầy Vinh dạy Xxxx ở trường Nguyễn Huệ, hàng tuần đến nhà rủ Tứ Diễm đi uống cà phê hay tham dự các hoạt động văn nghệ ở trường. Thầy cao lớn, trắng trẻo đẹp trai, nhưng bị tật ở chân, đi cà nhắc, và khi bước đi vẹo mình sang một bên nên học trò gọi là ông “Dinh Dẹo” (nói theo giọng Tuy Hòa). Thời chiến tranh, tàn tật lại là lợi thế lớn khi đi nói vợ; bác nói,
“Với cái tật cà dẹo, nẫu được miễn dịch vĩnh viễn. Con nào mà lấy nẫu thì khỏi lo làm vợ lính sống xa chồng và không sợ bị làm quả phụ.”
“Những chuyện bác kể liên quan gì đến tôi?” tôi ngạc nhiên.
“Tuy Hòa giờ ai mà không biết anh sẽ lấy con Tứ Diễm? Má nó đi rao khắp tỉnh, tới tai ‘ông già,’ và ổng cũng chịu con nhỏ đó lắm,” bác cười tủm tỉm.
“Vậy là đời tôi khổ rồi bác Sáu Già ơi!” tôi rên rỉ.
“’Ông già’ dặn tôi nói với anh, nếu khuya không muốn tôi đón thì cứ ngủ lại đêm ở nhà con Tứ Diễm, đừng đi bộ về một mình mà nguy hiểm. Nẫu nói đó là ý kiến của cha mẹ nó.”
Xem ra cha đã chấp thuận và khuyến khích tôi làm rể nhà Tứ Diễm! Mới mười chín tuổi, vừa lên năm thứ hai đại học, chưa có công ăn việc làm vững chắc, còn mơ ước học cao hơn, và đương đầu với tương lai bất trắc trong xã hội chiến tranh, tôi chưa thể bị ràng buộc với những hứa hẹn hôn nhân. Trước mặt là hai con đường để lựa chọn: một là ngưng không đến nhà nàng, quay về các sinh hoạt nhàm chán hàng ngày như trước, và đợi ngày trở lại Sài gòn; và hai là
Cũng liều nhắm mắt đưa chân,
Thử xem con Tạo xoay vần đến đâu.
(Truyện Thúy Kiều)
Dĩ nhiên tôi chọn con đường thứ hai; Tứ Diễm đẹp quá, làm sao có thể bỏ đi dễ dàng như vậy? Cứ thế mà tiếp tục ngày qua ngày. Tuy nhiên, mặc dù gặp nhau hàng đêm và chuyện trò thân mật, chúng tôi không hề ra ngoài đi chơi với nhau và mối liên hệ mang nhiều tình bằng hữu hơn là tình cảm lứa đôi. Nàng vẫn “anh anh tui tui,” và tôi gọi tên và xưng “tui” với nàng. Đôi khi nàng tha thiết nhắc tới anh Thu hay thằng Chí, tôi không thấy phiền lòng. Thầy Vinh rủ nàng đi chơi, tôi không cản trở hay tỏ ý bực mình, coi đó như là chuyện riêng tư của nàng. Trái ngược với lời đồn đại, về chuyện hẹn ước trăm năm thì thực sự chúng tôi chưa có gì với nhau.
Mùa hè qua mau, còn một tuần nữa tôi trở lại Sài gòn. Bác Sáu bất ngờ tiết lộ,
“Cuối tuần tới, trước khi anh đi, ‘ông già’ sẽ mở một dạ tiệc lớn.”
“Làm sao chuyện đó có thể xảy ra?” Cha có bao giờ quan tâm đến con cái đến mức ấy!
“Không phải để tiễn đưa anh mà đón tiếp tướng Lạc trên quân đoàn xuống, và chào mừng cô vợ nhỏ của nẫu là ca sĩ Miên Hảo từ Sài gòn ra.”
“Có phải là thằng cha dòng giỏi vương triều, bỏ bê vợ con, và lừng danh về trò gái ghiếc lăng nhăng?”
Ông tướng tư lệnh hay bay trực thăng từ Pleiku xuống Tuy Hòa thị sát và ở lại đêm để thưởng thức nhan sắc và tài nghệ của gái làng chơi Phú Yên, dù hôm sau gặp lại cô vợ bé từ Sài gòn bay ra. Ông quen tính bình dân thô lỗ nên, thay vì cho gọi các kiều nữ về dinh hưởng lạc một cách kín đáo, nhất định xông xáo vào tận xóm bình khang và nằm giường tre chiếu cói mới vừa lòng. Để bảo vệ an ninh cho ông, địa phương quân và cảnh sát chìm nổi chặn các đầu đường đưa tới Ngã Năm và cô lập cả thị xã. Tôi thở ra,
“May là tôi không gặp mặt thằng cha đó!”
“Sức mấy mà anh tránh được nẫu! Con Tứ Diễm bị ‘ông già’ kêu xuống hát và dự dạ tiệc khiêu vũ,” bác cười bí mật.
“Thì tôi ra quán Hòa Nam uống cà-phê, khỏi đến chơi nhà nó!”
“Ba má con Tứ Diễm cũng dự tiệc, và ‘ông già’ sẽ chính thức giới thiệu anh và con dâu tương lai với ông tướng và quan khách.”
Cha luôn luôn làm theo ý mình và không bao giờ đếm xỉa tới ý kiến của con cái như vậy đó! Phương chi chính tôi là thủ phạm gây nên sự thế này, không thể trách ai.
Trong bữa ăn tối, tôi nói chuyện với thằng Sang về giọng ca khàn đục, nhưng ướt át và hấp dẫn, thiên phú của Miên Hảo qua các bài hát “Mảnh Tình Thương” của Mạnh Giác, “Quen Nhau Trên Đường Về” của Thăng Long, và “Không Bao Giờ Ngăn Cách” và “Chân Trời Tím” của Trần Thiện Thanh. Rồi lang bang nói về tướng Lạc và kiểu chơi gái hạ cấp của ông ta. Bỗng tôi kéo tay thằng Sang, lấm lét nhìn mẹ ngồi đối diện bên kia chiếc bàn tròn, và hạ thấp giọng,
“Kỳ ni về Sài gòn tau có chuyện kể cho tụi bạn Đại học xá nghe; tụi hắn sẽ lác mắt luôn.”
“Chuyện chi rứa?”
“Hay vô số! Tối thứ Bảy ni, dự dạ tiệc của cha và đợi thằng cha nớ ngồi chung với con Miên Hảo, tau sẽ lại gần gợi chuyện rồi hỏi: ‘Răng bác đi chơi gái mà bắt lính và cảnh sát gác đường cả đêm rứa?’ Mi thấy có đã miệng không?”
“Anh dám làm không?” thằng em tôi ngây thơ hỏi.
“Tau sợ lện chi ai mà không dám, anh mi chớ bộ cứt răng? Cùng lắm cha đập cho một trận rồi tống cổ về Sài gòn.”
“Hai anh em mi tính chuyện phá làng phá xóm chi đó?” mẹ lên tiếng nạt.
“Mô có, tụi con nói chuyện Miên Hảo với âm nhạc mà!”
Tôi chối phăng rồi nói lảng qua chuyện khác. Sau bữa ăn, tôi về phòng lặng lẽ thu dọn hành lý. Vì sáng hôm sau cha ra lệnh phải về Sài gòn gấp “cho kịp ngày nhập học, ở đây ăn chơi luông tuồng.”
Hôm sau, tôi và thằng Song ra quán hủ tiếu các chú ở đầu đường Nhật Tảo ăn mừng tôi “hụt hỏi vợ”; nó cười khà khà,
“Mày là thằng khùng số một trên đời! Người ta đẹp như tiên nga, gia đình giàu xụ, và cỗ bàn dọn sẵn như mỡ dâng tận miệng mèo. Vậy mà đang tâm… bỏ của chạy lấy người!”
Nguyễn Ngọc Hoa
Ngày 31 tháng Tám, 2016