Trở về trang Mục Lục

Bản PDF để in

Loạt truyện "Dạo Vào Đời"
của Nguyễn Ngọc Hoa

12. Lạc Nhau Kiếp Nào

Sau hơn hai năm đi về thăm gia đình ở thành phố núi Nhạn sông Đà, nơi đây đã trở thành “quê nhà” của tôi. Tôi mong đến ngày nghỉ, thi cử xong xuôi là vội chạy ra quầy vé Air Vienam ở đầu đường Lê Lai cạnh bùng binh chợ Bến Thành mua vé máy bay. Suốt đêm trước ngày đi, tôi háo hức không ngủ với chuyến về quê gặp lại mẹ và các em sau mấy tháng miệt mài sách vở. Để kịp chuyến bay “sớm,” bốn giờ sáng hết giới nghiêm tôi rời nhà trọ kêu xích lô máy ra Trạm Đi và Đến ở số 1 đường Phạm Ngũ Lão. Ở đây, hành khách đi qua thủ tục an ninh và khám xét hành lý, lấy thẻ lên tàu, rồi lên xe buýt Air Vietnam màu xanh da trời ra phi trường Tân Sơn Nhất. Máy bay cất cánh vào lúc mười giờ sáng.

Hè năm nay về Tuy hòa tôi gặp lại chú Phu, em chú bác của mẹ và em út của chú Thiền. Ngày ở Huế chú Phu ở trong nhà vừa dạy học vừa giúp mẹ lo cho anh em tôi trong lúc cha ở xa. Chú đi xin lỗi thầy cô khi tôi gây ra chuyện phiền phức ở trường. Chú rất nghiêm, không la mắng hay đánh đòn, nhưng anh em tôi sợ khép một bề. Cuối năm tôi học đệ lục (lớp 7), chú nộp đơn xin gia nhập quân đội, đi học Liên trường Võ khoa Thủ Đức. Từ khi chú ra trường và đi nhận nhiệm sở đến nay đã hơn bảy năm. Chú cười ha hả vỗ vai tôi,

Thằng Bé lù đù lụt lịtchừ đã thành trang thanh niên le lói không thua ai.” “Thằng Bé” là tên cúng cơm của tôi thuở ấu thơ.

“Chú đổi về Tuy Hòa khi ?”

Tau về đây sau Tết Mậu Thân, chỉ huy trung đội Pháo binh Lãnh thổ đóng trên núi Nhạn với nhiệm vụ yểm trợ Tiểu khu Phú Yên. Bữa cho mi lên trên núi, ngồi uống bia, và ngắm trăng với tau.”

Chú Phu đã đính hôn với thím Lan, cháu bà chủ tiệm vải Thanh Tâm gần Ngã Năm. Thím Lan và cô em tên Trang ở trong nhà bà Thanh Tâm, phía trước là cửa tiệm, phía sau nhà ở. Trang học đệ nhị (lớp 11) trường Nguyễn Huệ cùng với thằng Sang em kế tôi và có tên trong danh sách “những cô gái đẹp nhất Tuy Hòa” của nó. Nàng thùy mị, nết na, và ít nói nên tôi ngại và không hay chuyện trò, mặc dù chú Phu thúc dục,

“Con em vợ tau đẹp, hiền, và ngoan; mi chờ chi mà không nhào vô cho có đôi có cặp?”

“Dạ con còn đi học, chưa nghĩ tới chuyện vợ con.”

Mi ừ một tiếng là xong, có ai bắt mi phải gởi tạ gạo mô mà lo.” “Gởi tạ gạo” là lối nói đùa chỉ việc góp phần nuôi dưỡng cô dâu tương lai.

“Không được chú ơi, họ cười chết!”

Chú Phu ngạc nhiên hỏi vặn,

Họ mô mà dám cười?”

“Dạ, chú lấy thím Lan thì thím là ‘thím’ của con, phải không?” tôi thủng thỉnh nói.

“Ừ.”

Chừ giả sử con lấy con Trang thì thím Lan trở thành chị vợ của con, tức là ‘chị,’ phải không?”

Răng mi câu nệ rứa?”

“Lúc nớ ví thử có ai hỏi ‘chú Phu mi đi ?” thì con nói làm răng? Không lý con nói ‘chú tui đang ngủ với chị tui.’ Họ sẽ chê là gia đình loạn luân, ‘chú mi răng lại ngủ với chị mi?’”

“Thằng quỷ ăn nói bá láp, đập bể mặt mi chừ!”

Chú Phu hiểu ra, cười lớn, và đưa tay dọa ký đầu tôi, không biết tôi đã học câu khôi hài ấy của chú Thiền, khi thím nêu ra ý kiến đó. Chú Phu không tin lời tôi,

Chớ không phải tại mi đêm cũng tới ngồi đồng nhà con Tứ Diễm, chết mê chết mệt vì hắn à?”

“Tụi con là bạn thôi, chưa có chi khác .”

“Trai gái tối cũng rị mọ ôm nhau mà dám nói là bạn thôi. Răng không nói là anh em ruột cho luôn? ‘Anh em nối ruột,’ tức là lấy cái ‘ruột’ anh nối vô cái ‘ruột’ em, chín tháng mười ngày sau là có kết quả liền.”

“Con là tổ sư cù lần, làm chingon lành tới mức nớ?” tôi cười hì hì.

Một hôm tôi theo chú Phu ghé thăm thím Lan, từ giã ra về, và gặp Mai đứng trước nhà là tiệm Hoàng Ngọc ở bên cạnh. Theo cách nói của dân Tuy Hòa, nàng là “Mai Hoàng Ngọc,” tức là cô Mai trong tiệm Hoàng Ngọc. Cửa hàng này bán máy thu thanh (hay ra-điô) và máy thu băng, khách mua ra vào nườm nượp. Mai đẹp tuyệt vời, khuôn mặt mang vẻ đẹp man dại và hoang đường của tài tử Brigitte Bardot, đôi mắt đen nhánh và sắc sảo, và dáng người hấp dẫn và khêu gợi. Hèn gì nàng là ước mơ của mọi sĩ quan trẻ tuổi độc thân trong tỉnh. Trông nàng thật quen thuộc, nhưng tôi không nhớ ra mình đã gặp lúc nào. Khẻ giơ bàn tay trắng mịn với những ngón thon dài, nàng lên tiếng trước,

“Anh về lúc nào?”

“Anh về lâu nay, trông Mai đẹp như một bài thơ.”

“Đừng cho Mai đi máy bay giấy, làm em tưởng thật tối nay không ngủ được bây giờ,” nàng nở một nụ cười rạng rỡ.

“Nếu vậy, Mai có thêm tám tiếng đồng hồ vào cuộc sống ngắn ngủi để mà sống. Không phải là điều sung sướng sao?”

“Với Mai, anh khi nào cũng đúng!”

Trong một thoáng, chúng tôi khựng lại vì đã buột miệng nói ra những lời quá đỗi thân mật cho hai kẻ vừa quen nhau. Những ngày kế tiếp, các chuyến ra phố đưa tôi tới một nơi duy nhất – tiệm Hoàng Ngọc. Mặc dù luôn luôn bận rộn, hết khách mua ra-điô đến khách “trồng cây si,” nàng cũng dành thì giờ tiếp đón tôi; và chúng tôi công khai bày tỏ những lời trìu mến nghe lạ tai mà rất quen thuộc từ thuở xa xưa nào đó và để lại trong lòng tôi một nỗi tiếc nuối không tên.

* * *

Một buổi tối thứ Bảy giữa mùa hè, chú Phu đưa tôi đi nhậu ở quán Hương Quê trên đường Nguyễn Công Trứ. Trong số năm sĩ quan bộ binh ngồi bàn bên cạnh, ăn nói lớn tiếng, và thi nhau uống bia, tôi nhận ra viên chuẩn úy lớn tuổi nhất là thằng Thiên học đệ nhất (lớp 12) cùng với tôi ở Ban Mê Thuột. Biết nó quê ở Tuy Hòa nên tôi không ngạc nhiên,

“Mày đi lính hồi nào và đổi về đây bao lâu rồi?”

“Tao đi khóa 25 Bộ binh Thủ Đức, về Tuy Hòa vài tháng nay. Mày về đây làm chi, đang ở lại đâu?”

“Tao ra đây chơi, đang ở nhà dưới biển.”

Chú Phu đề nghị thằng Thiên và các bạn sang ngồi chung bàn với chúng tôi. Chuẩn úy Thái trẻ tuổi nhất, mặt non choẹt, nói giọng “nẫu” đặc sệt khó nghe, và lằm lằm nhìn tôi. Bia Budweiser vào thì lời ra, câu chuyện xoay quanh các cô gái đẹp trong thành phố, và dĩ nhiên “Mai Hoàng Ngọc” là đề tài hấp dẫn nhất. Thằng Thiên kể chuyện si tình của một bạn đồng đội,

“Mê con Mai không ai bằng thằng thiếu úy Dũng, khóa 20 Võ bị Quốc gia. Suốt ngày nẫu xuýt xoa, ‘Thiên ơi, đôi cánh tay trần trắng ngần với những sợi lông tơ mịn màng của nó xinh đẹp làm sao!’ Để gặp người trong mộng, tháng nào nẫu cũng từ nơi đóng quân ở núi Sầm về Tuy Hòa mua ra-điô.”

“Để làm chi?” tôi thắc mắc.

Nẫu người nhỏ thó, vô tiệm đứng loạng quạng con Mai không thèm tiếp và bà mẹ khi dể ra mặt. Vì vậy, trước khi đi phép, nẫu đi quanh hỏi bọn lính coi đứa nào muốn mua ra-điô National ba băng, về phố rề rà nói chuyện với con Mai một buổi rồi mới bỏ tiền ra mua, và đem về bán lại cho lính. Mỗi cái ra-điô nẫu lỗ mất mấy nghìn đồng!” thằng Thiên cười ha hả; ra-điô ba băng hiệu National là loại máy thu thanh thịnh hành nhất.

Nẫu hết thời rồi! Trong trận Tết Mậu Thân, tiệm Hoàng Ngọc bị Việt Cộng chiếm cứ, cảnh sát bắt nẫu về đồn, và cha Thông tỉnh trưởng lôi về chơi nát nước . . . ,” thằng Thái lảm nhảm.

Không đợi nó nói hết câu, tôi vung phải tay đấm mạnh vào mặt nó và la lớn,

“Thằng khốn nạn, mi biết tau là ai không mà ăn nói mất dạy như rứa?”

Thắng Thái đau đớn ôm mặt và ra hiệu cho bạn đứng dậy định làm hung, chú Phu mở toang chiếc phiêu ra-két (field jacket, áo khoác ngoài của quân đội Hoa kỳ) màu cứt ngựa để lộ ba bông hoa mai vàng (lon đại úy) trên cổ áo, rút khẩu súng lục ra, và lên đạn,

Tụi bây ngồi yên nói chuyện đàng hoàng, nếu không tau bắn què giò rồi giao cho Quân trấn còng cả lũ. Thằng Ba Hoa, chừ mi giải thích tại sao mi đập hắn; nói không xuôi tau đập bể đầu.”

Tụi bây có biết ông Thông là cha tau không?” tôi hỏi hằn học.

“Tao không biết và cũng không dè nẫu thất tình với con Mai rồi ăn nói bừa bãi động chạm tới ông bác,” thằng Thiên tạ lỗi.

“Tết Mậu Thân tau có mặt ở nhà và biết chắc chuyện đó không thể xảy ra. Hắn là sĩ quan Quân lực Việt nam Cộng hòa mà ngu như chó, tin theo lời đồn thất thiệt của Việt Cộng, nhục mạ cấp trên của mình, và phá hại danh tiết của một thiếu nữ trong trắng.”

Chú Phu bằng lòng, giải hòa, và gọi thêm một chầu bia mới cho cả bọn. Đến lượt chú giải thích,

“Thực ra cảnh sát có mời con Mai xuống Ty để thẩm vấn và thu thập tin tức, nhưng sau đó cho về nhà và không làm khó dễ gì cả.”

Tối hôm sau, cha triệu tôi lên nhà trên gấp. Cha mẹ chờ sẵn; mẹ lo lắng thấy rõ. Vừa trông thấy tôi, cha nạt lớn,

“Đồ con bất hiếu bất mục! Cho mi ăn học tới từng nớ, sắp thành ông nọ ông tê, mà chừ ra đường đập lộn dành gái. Đẹp mặt chưa!”

“Dạ . . . ,” tôi tìm cách giải thích.

“Ngày mai mi phải về Sài gòn, không cho ở đây thêm một ngày nữa. Từ ni, cấm không được gặp mặt con nớ; tau nhục nhã lắm rồi!”

* * *

Cuối năm 1998, ba mươi năm sau, tôi ghé thăm bắc California và ở lại nhà thằng Thiên. Nó cho biết có người khẩn khoản mời tôi dùng cơm tối. Tôi hơi ngạc nhiên, nhưng không ngỡ ngàng, khi Mai đến đón tôi đi ăn. Hai đứa chuyện trò thân thiết và thoải mái như chưa vắng nhau một ngày nào.

Mai đưa tôi đến Palo Alto, một thành phố nhỏ mà dân chúng là thành phần học thức nhất ở Hoa kỳ và là nơi tôi thường đến trong những chuyến công tác vào thập niên 1980. Nàng giữ bàn trước ở một nhà hàng Ý trên đường Hamilton, chiếc bàn cuối phòng nhìn ra sân, và mảnh tường đối diện treo bức tranh hoa súng duyên dáng của Monet. Nàng giải thích,

“Em đi ăn ở Palo Alto nhiều lần, nhưng chỉ thích cái quán ăn này và ngồi ở bàn này. Nó mang lại cho em một cảm giác yên ổn và hạnh phúc không diễn tả được.”

Tôi giật mình; ngày trước tôi cũng cảm thấy như thế và luôn luôn giữ chiếc bàn này để ăn tối. Mai gọi món ăn cho cả hai đứa, tôi đề nghị nàng dùng một ly rượu vang đỏ, và đôi má nàng hây hây đỏ dưới ánh đèn mờ và trong ánh sáng lung linh của ngọn nến nhỏ trên bàn. Mọi thứ đều quen thuộc một cách lạ lùng. Khi ăn món bánh tráng miệng, một phần hai đứa ăn chung, chiếc nhẫn cưới trên tay nàng bỗng kéo tôi về thực tại,

“Mai có điều quan trọng định nói với anh, phải không?”

“Cám ơn anh đã vì em mà bị bác la mắng,” nàng mở đầu.

“Chuyện xưa qua rồi, em nhắc lại làm chi?” tôi nhìn thẳng vào mắt nàng, chờ đợi.

“Em ước nguyện được gặp lại anh một lần cuối trước khi từ giã cõi đời này để minh giải những điều xảy ra giữa hai đứa mình. Từ ngày ‘tái ngộ’ với anh lần đầu tiên ở Tuy Hòa, em thường ngủ mơ thấy trong một kiếp quá khứ nào đó, chúng mình là đôi vợ chồng rất yêu nhau, sung sướng, và hạnh phúc. Vì vậy trong kiếp hiện tại mình mãi vướng vít với nhau; khi gặp nhau, những ý nghĩ, lời nói, cử chỉ, và hành động của mình là dư âm của đời đó, kiếp đó. Anh ơi, cái nghiệp duyên luân hồi làm sao chối bỏ?”

Tôi lạnh mình, mồ hôi toát ra, và tim run rẩy. Tôi đã trải qua những giấc mơ tương tự, và người đàn bà trong giấc mơ – tôi vừa nhận ra – chính là Mai. Trong giấc mơ gần nhất, đôi uyên ương âu yếm dắt tay nhau dạo chơi trong rừng; rồi từ phương bắc đàn sói dữ ùa ra tấn công, hai người chạy thoát thân, buông tay nắm, và đã lạc nhau.

Nguyễn Ngọc Hoa
Ngày 12 tháng Mười, 2016

Trở về đầu trang