![]() |
Loạt truyện "Dạo Vào Đời"
của Nguyễn Ngọc Hoa
13. Trối Trăng[1] Dưới Tháp
Mùa hè năm 1968 là ngã rẽ đáng kể trong đời tôi. Trước hết, cha mẹ gửi thằng Sang vào Sài gòn để tôi trông nom và kèm thêm cho nó học thi Tú tài II và cho hai anh em dọn về căn nhà bỏ trống của cha trong Cư xá Sĩ quan Chí Hòa. Sau đó, cha muốn kết thông gia với một nhà chính trị quyền cao chức trọng nhất nước để tìm cơ hội tiến xa hơn trên đài danh vọng. Khi tôi từ chối lời mời ăn tối để ra mắt gia đình nhà chính trị ấy, cha nổi trận lôi đình từ bỏ “thằng con bất hiếu bất mục” và đuổi tôi đi.
Tôi bỏ nhà đi bụi đời, thằng Sang cũng quyết định bụi theo tôi, và hai anh em vào trong Đại học xá Minh Mạng ở lậu. Tôi đi dạy học nuôi em, và mặc dù vất vả với miếng cơm manh áo hàng ngày, tôi nhất quyết không bỏ dở việc học. Bù lại, về mặt tinh thần, tôi có Tứ Diễm; tình yêu của nàng giúp tôi sống qua những ngày thiếu thốn và những đêm thức trắng.
Cuối mùa thu, Tứ Diễm từ Tuy Hòa vào Nha Trang thi Tú tài II vì Tuy Hòa là tỉnh nhỏ, không có hội đồng thi. Tôi bay ra Nha Trang gặp nàng với một dự định táo bạo: xin hứa sẽ cưới nàng. Với đôi bàn tay này, với bộ óc này, tôi có thừa khả năng mang lại hạnh phúc cho nàng. Tuy nhiên, đề nghị ấy sẽ đặt nàng vào một hoàn cảnh nan giải: Cha mẹ nàng, một gia đình thương gia giàu có nhất thành phố, không đời nào bằng lòng nếu cha không đứng ra cầu hôn. Liệu nàng có dám bất chấp gia đình để nhận lời chung sống với tôi? Tôi dành nguyên một tuần lễ soạn sẵn những điều định nói, phác họa cuộc sống lứa đôi, tiên đoán những câu hỏi của nàng, v.v.
Tứ Diễm đón tôi ở Trạm Hàng không Việt nam trên đường Độc lập với chiếc gắn máy Yahama màu thiên thanh, chúng tôi gọi là con ngựa “Già Mà Hăng.” Nàng đưa tôi về nơi tạm trú, Khách sạn Nha Trang cũng nằm trên đường Độc Lập, do chú Năm nàng làm chủ. Nàng và em trai, thằng Bá, ở phòng đối diện với phòng tôi. Thằng Bá học lớp đệ tứ (lớp 9), đi theo chị cho có bạn; ở Tuy Hòa, nó rất thân với tôi và xem tôi như anh. Lòng vui như mở hội khi nhìn nàng tỉ mỉ gắn trên cửa phòng tấm danh thiếp nàng tự tay đặt in,
Xxxx Ba Hoa
Kỹ sư
Tôi không thể không đùa,
“Bồ tèo ơi, trật lất rồi! Tui mới học năm thứ ba, đã ra kỹ sư đâu! Vả lại, tui là kỹ sư điện, chứ không phải kỹ sư ‘trơn’ như bồ phong cho tui.”
“Bỏ đi Tám! Chàng kỹ sư của lòng tui sao khó tính quá cỡ thợ mộc dzậy kìa?” nàng cười khanh khách.
“Sức mấy mà dám làm khó! Đối với tui, nhất bồ, nhì Trời, thứ ba mới tới tổng thống Thiệu.”
“Xí, có thiệt không đó?” nàng hãnh diện.
Trong gần một tuần lễ, trên lưng con Già Mà Hăng, hai đứa lang thang khắp phố phường, từ Hải học viện Nha Trang ở Cầu Đá đến mộ nhà vi khuẩn học và nhà thám hiểm Alexandre Yersin (1863-1943) ở Suối Dầu. Ngày cuối cùng, tôi đưa Tứ Diễm ra Đồng Đế viếng Hòn Chồng, một đống đá thiên nhiên trên bờ biển chồng lên nhau thành một số hình thù khác nhau. Trên đường về, chúng tôi ghé lại Tháp Bà, di tích cổ của người Chàm nằm trên một ngọn đồi nhỏ, dưới chân đồi là Cầu Xóm Bóng dẫn về thành phố. Tôi đứng ngoài hút thuốc lá; nàng vào trong tháp thờ chính, dâng lễ, và bước ra với đôi mắt đỏ hoe. Tôi chọc cười,
“Bồ vô khấn vái Thiên y Thánh mẫu Ana chớ có phải làm con gái về nhà chồng đâu mà khốc như tố nữ vu quy nhật?”
“Đâu có khóc, trong đó khói hương mờ mịt làm mắt tui cay xè.”
“Mắt bồ chảy nước mắt cũng đẹp, không chảy nước mắt cũng đẹp; để tui ‘mi’ một cái thì hết cay liền.”
“Ê ê đừng ăn gian! Bớ người ta, có ông kỹ sư đòi làm nghề lang băm chữa bệnh cay mắt cho tui nè!”
Nhưng Tứ Diễm cũng đưa má cho tôi hôn. Nàng nở một nụ cười tinh quái,
“Anh muốn ‘mi’ thêm cái nữa ở bên này cho ‘cân’ không?”
“Để tui coi . . . , dễ dầu gì mà bồ cho ‘mi’ chùa,” tôi làm bộ dè dặt.
“Chỉ cần anh hứa nghe lời tui một lần này thôi. Năn nỉ mà!”
“Ừ, một lần thôi nghen,” tôi xiêu lòng.
“Quân tử nhất ngôn, không được nói đi nói lợi.”
Nàng đưa ngón tay ra ngoéo, lấy trong ví tay ra một cái nhẫn kim cương lóng lánh, thoạt nhìn cũng biết rất mắt tiền, và đưa cho tôi,
“Tui xin anh nhận cái nhẫn này.”
“Để làm chi?”
“Anh muốn làm gì cũng được, đem tặng người đẹp nào đó trong Sài gòn tui càng mừng, miễn là đừng liệng vô thùng rác,” nàng đùa.
“Tặng lại cô Tứ Diễm của tui có đặng chăng?”
“Anh nhớ, dù trong bất cứ trường hợp nào, quả tim tui đã thuộc về chàng kỹ sư điện. Suốt đời . . . , cho đến chết . . . , và luôn luôn mong anh được hạnh phúc.”
Tôi mãi bận tâm với những điều muốn nói mà chưa có cơ hội bày tỏ nên không để ý tới giọng nói thoáng nghẹn ngào và đôi mắt hơi ngấn lệ của Tứ Diễm. Tối hôm đó, tôi sửa soạn chờ tới giờ sang đón nàng đi nghe nhạc ở quán cà-phê thì có tiếng gõ cửa rất gấp. Thằng Bá thở hổn hển bước vào,
“Chị Tứ Diễm cần anh ra khỏi phòng này ngay bây giờ.”
Giúp tôi thu xếp quần áo vào cái túi xắc Air Vietnam, thằng Bá nói,
“Chị em nói sẽ giải thích với anh sau. Chị đã lấy phòng khách sạn cho anh ở Đại Khách Sạn mới mở trên đường Duy Tân ngoài bãi biển. Để em lấy xe đưa anh ra đó.”
“Khỏi cần, cám ơn Bá. Nhưng tại sao?” tôi lắc đầu.
“Em không rõ. Hình như để lấy chỗ cho anh Thu ngủ lại đêm nay.”
Tôi lặng người, cắn môi để khỏi bật khóc. Anh Thu là quân nhân biệt phái sang làm thông dịch viên cho văn phòng Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa kỳ (USAID) ở Tuy Hòa và có nhiệm vụ thông dịch cho cha khi ông giao dịch chính thức với giới chức Hoa kỳ. Tôi gặp anh vài lần, thấy anh rất tử tế và nói tiếng Anh giỏi, và nghe nói có lần anh hỏi cưới Tứ Diễm, nhưng cha mẹ nàng không đồng ý. Hiển nhiên, sự tình đã đổi thay, nhưng sao đi mà không bảo gì nhau?
Tôi thất thểu đi dọc theo đường Độc Lập, dốc trọn túi mua hai chai rượu và một bịch thuốc lá, ra bãi biển đi dọc theo đường Duy Tân, và ngẫu nhiên tới ngồi dưới gốc dừa quen thuộc cạnh Quán Số Năm, một trong chín nhà hàng bán thức ăn và các món giải khát cho du khách trên bãi biển. Dưới gốc dừa này, tôi đã cùng Tứ Diễm ngồi nhìn ra biển, ngắm Vịnh Nha Trang và hải cảng Cầu Đá, và tình tự trong mấy ngày qua.
* * *
Không dè tôi gặp lại anh Thu trong một chuyến ghé thăm Houton, Texas vào năm 2000 tại nhà thằng Đình, bạn học thời trung học ở Ban Mê Thuột và cựu sĩ quan Liên đoàn 81 Biệt cách Nhảy dù. Thường được gọi tắt là Biệt Cách Dù, Liên đoàn là một trong bốn lực lượng tổng trừ bị trực thuộc Bộ Tổng Tham mưu Quân lực Việt Nam Cộng hòa; ba lực lượng kia là Binh chủng Biệt động quân, Sư đoàn Thủy quân Lục chiến, và Sư đoàn Nhảy dù. Hơn ba thập niên đi qua, trông anh vẫn như xưa – dáng người dong dỏng cao, khuôn mặt cương nghị, giọng nói từ tốn mà cương quyết. Thằng Đình giới thiệu với tôi,
“Anh Thu ngày trước phục vụ ở Bộ Tư lệnh Lực lượng Đặc biệt ở Nha Trang cùng với tao. Bộ Tư lệnh nằm trên đường Biệt Thự đó, mày biết không?”
“Ờ,” tôi lãnh đạm.
“Lực lượng Đặc biệt là tiền thân của Biệt Cách Dù. Trong cùng một binh chủng, nhưng chú Đình thuộc biệt đội xung kích, còn tôi làm bên ban thám sát, trực thuộc Sở Chỉ huy Hành quân Delta có mã danh là B52, và chuyên lãnh các nhiệm vụ điệp báo,” anh Thu nói thêm.
“Dạ,” tôi ừ à cho qua chuyện.
Không để ý tới thái độ lạnh nhạt và lối trả lời nhát gừng của tôi, thằng Đình nói thêm,
“Nhân viên B52 không mang cấp bậc và không có số quân như quân nhân thường. Và anh Thu làm việc gì tao cũng không rõ.”
“Tôi được biệt phái ra Tuy Hòa; ngoài mặt thì làm việc cho USAID, thông dịch cho ông già chú, và phối hợp với Bộ Chỉ huy Trợ giúp Quân sự MACV Hoa kỳ; nhưng nhiệm vụ thực chỉ một mình ‘ông già’ biết thôi,” anh Thu giải thích.
“Công tác hay nhiệm vụ của anh có liên hệ gì đến tôi?” tôi lạnh lùng gạt ngang.
“Tôi biết chú không muốn gặp tôi hay nhắc lại chuyện cũ, nhưng tôi nhờ chú Đình dàn xếp cuộc gặp gỡ này để giải oan cho một người con gái,” anh nhìn thẳng vào mặt tôi.
“Tứ Diễm là gì của anh?” tôi run run.
“Chú có nhớ làm sao từ Nha Trang chú về lại Sài gòn không? Say quá, chú không thể nhớ! Và không thể biết, vì nhân viên đặc biệt của B52 đã bí mật theo dõi, bảo vệ, và hộ tống chú về Đại học xá.”
Tôi trố mắt, không tin điều anh Thu vừa nói. Anh lại gần đặt tay lên vai tôi,
“Chắc chú nhớ vụ tổng tấn công Tết Mậu Thân đầu năm 1968 của Việt Cộng? Bọn chúng đột nhập vào thành phố Tuy Hòa, và nhà của Tứ Diễm bị tên bí thư thành ủy chiếm cứ. Tên đó vốn là học sinh trường Nguyễn Huệ, si mê cô ấy từ lâu, nhưng bị thẳng tay cự tuyệt. Hắn ta thừa cơ dùng võ lực cưỡng hiếp người thiếu nữ vô tội.”
“Trời ơi!” lòng tôi đau như cắt.
“Trước khi rút lui, tên khốn kiếp hứa sẽ giữ kín chuyện ấy nếu Tứ Diễm chịu hợp tác: cứ yêu thương chú như thường và tìm cách dọ hỏi những bí mật quân sự của ‘ông già.’ Nếu không, nó sẽ cho đặc công ám sát chú.”
“Đ.m. thằng Việt Cộng khốn nạn thật!” thằng Đình lên tiếng.
“Vì sợ chú bị hại, Tứ Diễm chọn con đường hợp tác. Nội vụ không qua mắt được mạng lưới tình báo của ta, tôi được chỉ định hoạt động trong ‘ca’ này, và ‘ông già’ định liệu kế hoạch đối phó.”
Tôi nghĩ ra ngay,
“Vậy ‘ông già’ từ tôi cũng nằm trong kế hoạch phản gián đó?”
“Đấy là cách duy nhất để vô hiệu hóa ‘trạm nghe ngóng’ của địch mà không bị chúng nghi ngờ. Khi cô ấy vào Nha Trang thi Tú tài, bọn Việt Cộng biết chú sẽ ra thăm và dự trù nước bài cuối cùng: bắt cóc chú đưa vào mật khu làm con tin. Tương kế tựu kế, phe ta dùng chước ‘kim thiền thoát xác’ (con ve lột vỏ) để đánh tráo người.”
“Thì ra đêm hôm ấy anh liều mình thế chỗ tôi để bọn chúng bắt đi. Vậy mà bao nhiêu năm nay tôi cứ ngỡ . . . ”
“Cũng nhờ bọn đặc công không biết mặt chú, chỉ nhận diện mục tiêu bằng tấm danh thiếp trên cửa phòng khách sạn.”
Anh Thu kết thúc câu chuyện năm xưa,
“Tôi thừa cơ xâm nhập vào sào huyệt của địch, dùng phương tiện vô tuyến chỉ điểm cho phi pháo và đại quân ta san bằng cơ sở hậu cần của chúng. Kết quả là mật khu Lê Hồng Phong ở phía bắc Phan Thiết trở thành một đống tro tàn, và nhờ đó dân chúng miền Duyên hải được sống yên lành gần hai năm.”
“Tứ Diễm bây giờ ở đâu?”
“Cha mẹ Tứ Diễm nhận lời cầu hôn của ông Vinh, giáo sư trường Nguyễn Huệ, người đã từng theo đuổi cô ấy. Theo dự định, sau đám cưới ông Vinh sẽ đổi về Sài gòn làm việc ở Bộ Quốc gia Giáo dục, và cô ấy sẽ học Kinh tế ở Đại học Luật khoa. Không ngờ, trước ngày cưới, người thiếu nữ đáng phục và đáng thương ấy dùng độc dược quyên sinh.”
Giọng nói buồn tênh của anh Thu trùng hẳn xuống. Tôi nhớ lại buổi chiều cùng Tú Diễm đứng dưới Tháp Bà nhìn Cầu Xóm Bóng in bóng trên dòng sông Cái dưới ánh nắng tà. Hiển nhiên lúc ấy nàng đã quyết định kết thúc đời mình – tặng tôi chiếc nhẫn quý và nói lên lời vĩnh biệt. Tôi vô tâm không biết lời đó là lời trối trăng của nàng. Hai hàng nước mắt, đã cạn khô từ ngày xa nàng, tuôn ra đầm đìa trên má tôi.
Nguyễn Ngọc Hoa
Ngày 26 tháng Mười, 2016
[1] Chú thích của tác giả: theo các tự điển chúng tôi tham khảo, "trối trăng" (dặn dò trước khi chết) viết có "g" là đúng chính tả. Để chứng tỏ điều này, xin gửi kèm thêm bản scan .pdf của trang 1690 trong Tự Điển Việt Nam của Lê văn Đức và Lê Ngọc Trụ (Sài gòn, 1970) và của trang 613 trong Tự Điển Việt-Anh của Nguyễn Đình Hòa (Lincolnwood, Illinois, 1995) trong đó Giáo sư Hòa ghi trối trăng = giối giăng.