Trở về trang Mục Lục

Bản PDF để in

Loạt truyện "Dạo Vào Đời"
của Nguyễn Ngọc Hoa

14. Ước Mơ của Em Tôi

Bỏ nhà đi bụi đời và dọn vào Đại học xá Minh Mạng ở lậu, tôi băn khoăn lo lắng về tương lai của mình và thằng Sang thì ít mà khổ sở đau đớn vì không biết bao giờ mới gặp lại mẹ và các em thì nhiều. Cha tin không chóng thì chầy tôi sẽ trở về nhà, xin lỗi cha, và nhận lời đính hôn với con gái nhà chính trị quyền cao chức trọng như cha ép buộc vì tôi cần khoản tiền trợ cấp hàng tháng của gia đình để sinh sống và đi học. Cha lầm – từ ngày vào Sài gòn học, tôi đã dạy kèm tư gia và dạy thay ở vài trường trung học tư và thù lao tạm đủ cho nhu cầu hàng ngày của hai anh em. Phương chi, tôi là đứa cứng đầu và, như mẹ hay nói, có số được “quới nhơn phò hộ.”

Thật vậy, chỉ một tuần lễ sau, với sự giúp đỡ tận tình của anh Hán và các bạn giáo sư của anh, tôi chính thức trở thành giáo sư trung học, thay thế một giáo sư đệ nhị cấp ở trường trung học tư trên đường Trương Minh Ký Phú Nhuận vừa bị gọi nhập ngũ. Ban ngày tôi chạy tới chạy lui như con vụ, vừa đi học vừa đi dạy. Ban đêm tôi dạy kèm tư gia rồi về Đại học xá, học bài và làm bài trường Điện, soạn bài dạy và chấm bài cho học trò, và chẳng mấy khi được vào giường trước ba giờ sáng. Sáng sớm thức dậy, hai anh em đi ăn sáng vội vàng rồi thằng Sang làm tài xế đưa đón tôi bằng chiếc xe gắn máy cà rịch cà tang, tiện lợi cho tôi mà nó có xe đi trong lúc tôi bận rộn công việc.

Ngày còn bé, gia đình sống nghèo nàn ở Huế, một tay mẹ quán xuyến hết trong ngoài trong lúc cha đi lính xa; trong ba đứa lớn là anh Quang, tôi, và thằng Sang, nó là đứa yếu đuối nhất, hay đau ốm nhất, và có lần té xuống giếng sâu suýt chết. Nó thường bị trẻ con hàng xóm chọc ghẹo và ăn hiếp; tôi liều lĩnh đuổi đánh mấy thằng ăn hiếp rồi về nhà cắn răng chịu ăn đòn. Vì bọn kia biết tính mẹ nên tới nhà mách và tức thì mẹ ra lệnh cho anh Quang “căng nọc” đánh tôi một trận để “chuyện con nít khỏi làm mất lòng người lớn.”

Ở Tuy Hòa, thằng Sang ỷ vào quyền thế của cha và đâm ra biếng nhác học hành mà lại tự cao tự đại, phách lối, vô lễ, coi thường mọi người, và không nể nang ai. Vì vậy, nó bị cha ghét bỏ và hay kiếm cớ đánh đập, nhất là sau khi nó sàm sỡ chọc ghẹo người thiếu phụ người ta đồn có liên hệ tình ái với cha. Cuối cùng, sau một trận đòn kinh khiếp, mẹ gửi nó vào Sài gòn ở với tôi và để tôi kèm cho nó học. Sau khi đậu Tú tài II, nó tuyên bố trước mặt cha mẹ,

“Con là người thông minh. Chỉ không muốn học và không thèm học nữa!”

Từ ngày vào Sài gòn, thằng Sang ngoan ngoãn vâng lời tôi và ít khi đòi hỏi điều gì. Nó ít nói và đơn độc, không có bạn cùng trang lứa, đi chơi với bạn của tôi, và kính phục thằng Song như thần tượng. Thỉnh thoảng tôi thắc mắc, những lúc tôi đi học hay đi dạy, nó lấy xe đi đâu và làm gì cho hết giờ, nhưng không hỏi.

* * *

Chỉ cần xem các bản phúc trình Thực tập Thử Máy Điện bằng tiếng Pháp hàng tuần của sinh viên – trung bình mất từ 16 đến 24 tiếng đồng hồ để hoàn tất – cũng đủ thấy học kỹ sư Điện vất vả đến chừng nào. Hồi đầu năm học, thằng Hiệp trong lớp than với thầy Thu dạy môn Xxxx khi thầy cho một lô bài tập và dự án mới,

“Thầy ơi, bài vở nhiều quá; tụi em thức đêm đến hai ba giờ sáng mà làm không xong.”

“Không xong thì thức đến bốn năm giờ sáng,” thầy nghiêm mặt.

“Như vậy hại sức khỏe quá!” thằng Hiệp tưởng thầy nói đùa.

“Hại sức khỏe mà lợi cho kiến thức! Nếu không kham nổi thì anh bỏ đi để nhường chỗ cho người khác. Về mặt chịu khó học, không lẽ các anh thua kém bọn sinh viên MIT bên Mỹ, nơi tự hào là giật được mảnh bằng gay go hơn uống nước từ họng nước cứu hỏa? Phải rán thu góp kiến thức để mai sau phục vụ đất nước và đền đáp lại những đặc quyền các anh thụ hưởng hôm nay.” MIT hay Học viện Kỹ thuật Massachusetts là trường đại học kỹ thuật nổi tiếng nhất ở Hoa kỳ.

Ở trường, ngoài thằng Song, không ai biết tôi đi giang hồ. Vào lớp, tôi năn nỉ anh Thiện và thằng Hữu chia sẻ các ghi chép và bài giảng trong những giờ tôi vắng mặt; hai người này nghĩ rằng tôi là dân chơi chuyên môn cúp cua đi chơi với đào. Anh Thiện là đại úy Không quân được quân đội chọn gửi tới học mà không qua kỳ thi tuyển như sinh viên thường; anh chăm học và thích tìm tòi sách vở để tham khảo thêm. Thằng Hữu cùng tuổi với tôi và vốn là dân trường Tây học trung học ở Jean Jacques Rousseau nên giỏi tiếng Pháp.

Tuy nhiên, khi gặp toán khó, anh Thiện phải trông nhờ vào tài giải toán của tôi. Anh học bài và làm bài đều đặn, thầy dạy đến đâu anh nghiên cứu đến đó, trong lúc tôi đợi gần đến kỳ thi mới học xả láng. Muốn tôi giúp, anh cất công giảng giải các lắt léo của bài toán cho đến khi tôi theo kịp và hiểu tường tận. Thằng Hữu đứng bên cạnh, bàn ra tán vào, và góp ý. Nhờ đó, tôi tìm ra chìa khóa cuối cùng đưa tới lời giải không mấy khó khăn.

Anh Thiện dành nhiều thì giờ nghiền ngẫm bài Giải tích Mạch Điện, môn học lý thuyết dùng nhiều kỹ thuật toán học, nhưng vẫn không giỏi. Đến kỳ thi cuối lục cá nguyệt, tôi đến trường sớm, ngồi ngoài hành lang ôn bài, và khi có điều gì không hiểu vớ đại bất cứ thằng bạn nào đi qua để hỏi. Anh Thiện chỉ mặt tôi nói đùa,

“Chết rồi! Gi…ờ…ờ này mà mày còn hỏi bài.”

“Mặc tôi, giờ nào thì giờ. Ông cứ chỉ cho tôi rồi sẽ tính,” tôi muối mặt tiếp tục học bài.

Không ngờ khi cho thi thầy ra toán mới, tôi phóng bút viết, trong lúc ở đằng sau anh Thiện ngồi cắn bút. Chừng mười phút sau, anh lấy ngón tay anh khều khều sau lưng tôi để cầu cứu; tôi quay lại cười ruồi,

“Chết rồi! Gi…ờ…ờ này mà ông còn níu kéo.” Nhưng tôi cũng ghi phương pháp giải toán trên tờ giấy nháp và đưa ngang ra cho anh thấy.

Kẹt giờ đi dạy tư, tôi cúp cua hai giờ Yyyy sáng thứ Tư của thầy Đan từ đầu đến cuối. Thầy người Huế, tốt nghiệp Trường Cầu Cống bên Pháp, và đang giữ chức vụ rất quan trọng trong Bộ Công chánh. Cuối khóa, thay vì cho thi viết như các giáo sư khác, thầy dành nguyên buổi sáng gọi sinh viên vào thi vấn đáp. Thầy soạn sẵn chừng ba chục đề thi khác nhau để trong hộp ở trên bàn; sinh viên bốc đề thi từ trong hộp ra và giải đáp, và nếu thầy chưa thỏa mãn với câu trả lời, sẽ bốc đề khác và tiếp tục. Thầy ngạc nhiên nhìn tôi,

“Hình như tôi chưa bao giờ gặp anh?”

“Dạ, con cũng chưa bao giờ gặp thầy,” tôi lúng túng.

Bốc đề thi thứ nhất, tôi trình bày thông suốt; thầy Đan ra lệnh cho tôi chọn đề thi thứ hai rồi thứ ba, lần nào tôi cũng trả lời thỏa đáng. Cuối cùng, tôi nhìn đồng hồ,

“Xin phép thầy . . . , đến giờ con phải đi.”

“Vì răng?” thầy đổi sang nói giọng Huế.

“Cùng một lý do mà con đã vắng mặt trong giờ dạy của thầy.”

“Đầu tóc gọn ghẽ, quần áo chỉnh tề, và cà vạt thắt ngay ngắn, tui biết anh đi dạy học mô đó. Học trò ngoài Huế mình vô đây tội rứa! Thôi đi đi.”

* * *

Một hôm, thằng Sang gặp Xuân Hiền và đưa nàng về Đại học xá thăm tôi. Không ngờ người thiếu nữ có mái tóc dài xinh xắn, dáng đi yêu kiều, và nụ cười duyên dáng xuất hiện trước mặt tôi là cô bé đệ ngũ (lớp 8) ngày trước cùng chị là Xuân Huyên theo tôi đi chơi khắp vùng Ban Mê Thuột. Ngày tôi về Sài gòn, hai chị em Xuân Hiền ra phi trường tiễn đưa, và cô bé đã khiến tôi lao đao với câu nói từ giã,

“Anh phải viết thư cho em, phải về Ban Mê Thuột thăm em, và phải đưa em đi Rừng Lao Xao.”

Rừng Lao Xao là tên tôi đặt cho khu rừng sao, nơi nắm tay dạo bước của mối tình đầu đời đã trở thành kỷ niệm. Xuân Hiền bước lại cầm tay tôi,

“Em đợi anh trở lại gần bốn năm nay. Dù anh trôi giạt ở chân trời góc biển, em cũng nhớ anh.”

“Làm sao biết anh ở đây mà kiếm?” tôi vờ không để ý đến sự thiết tha của nàng.

“Ngày đó em học cùng lớp với Sang, nhờ gặp Sang mà em tìm ra anh.”

“Em về Sài gòn làm gì, ở đâu?”

“Sau khi đậu Tú tài II, em được tuyển vào làm việc cho chi nhánh Tín Nghĩa Ngân hàng sắp mở ở Ban Mê Thuột; ngân hàng gửi về đây dự lớp huấn luyện. Em ở lại nhà bà dì em của mạ trên đường Lê văn Duyệt. Trong tám tuần lễ tới, em sẽ ở bên anh, không cho ai chen vào đâu nhé.”

Gần đây, Tín Nghĩa Ngân hàng được thành lập và phát triển vượt bực, chi nhánh mọc lên như nấm ở Sài gòn và các tỉnh. Sự xuất hiện của Xuân Hiền và tình cảm chân chất của nàng là một ân sủng cho tháng ngày vô liêu của tôi. Buổi tối, thằng Sang đi đón nàng về Đại học xá, chúng tôi đi bộ ra quán cơm bình dân trên đường Nguyễn Tri Phương ăn tối, ra Ngã Sáu Chợ Lớn ngồi vỉa hè uống cà phê, rồi thằng Sang đưa nàng về nhà bà dì trong khi tôi vùi đầu vào sách vở. Ngày nàng rời Sài gòn, tôi không có thì giờ tiễn đưa ra Trạm Air Vietnam, thằng Sang phải đưa giùm.

Tuần lễ sau đó, thằng Sang xin tôi đi Ban Mê Thuột thăm anh Quang và bà con họ hàng. Sau tuần lễ thăm viếng thành phố bùn đỏ bụi hồng, nó phờ phạc trở về và thuật lại,

“Con Xuân Hiền tối nào cũng đi nhảy đầm thâu đêm với mấy thằng Không quân, chuyền tay từ thằng này sang thằng khác.”

Tôi không tin, nhưng tháng sau được tin Xuân Hiền đi lấy chồng. Chồng nàng, ngày trước học sau tôi một năm, là sĩ quan và phi công trực thăng. Tôi để nguyên buổi tối kêu thằng Song ra quán cà-phê Đa La nghe nhạc và ngậm ngùi để tang mối tình vắn số.

* * *

Một buổi tối tôi đi dạy kèm về sớm vì cô học trò bất ngờ bị ốm. Đứng ngoài hàng hiên, tôi nghe thằng Song hỏi,

“Tại sao Sang làm kỳ cục vậy? Em có biết cái vé máy bay đi Ban Mê Thuột tốn hơn nửa tháng tiền cơm của hai anh em không? Thằng Ba Hoa hy sinh cho em đi thăm anh Quang.”

“Đó là chuyện của giả! Tui biết con Xuân Hiền mê tui như điếu đổ mà đi theo giả chỉ vì cái bằng kỹ sư,” thằng Sang tức tối; “giả” trong chữ Hán chỉ người nào hay sự vật gì và khi dùng làm đại danh từ thì có nghĩa là “họ” hay “người ấy.”

“Vì vậy mà Sang lên đó xin cưới con Xuân Hiền?” thằng Song vẫn ôn tồn.

“Ít ra tui cũng can đảm hơn giả và tỏ tình công khai với nó!”

“Anh thật không hiểu.”

“Đi đâu ai cũng nói Ba Hoa làm chuyện này, Ba Hoa làm chuyện nọ mà không có ai đề cập tới tui, kể công lao của tui. Anh nói tui nghe, giả hơn tui ở chỗ nào? Tui mà chịu khó học ngày học đêm như giả thì lấy tới mấy cái bằng tiến sĩ, chớ kỹ sư nhằm nhò chi.”

Tôi lẳng lặng ra Ngã Sáu Chợ Lớn gọi ly cà phê đá ngồi uống một mình. Tôi không thắc mắc tại sao Xuân Hiền đột ngột lấy chồng – chuyện đó qua rồi. Điều quan trọng là tôi vừa nhận ra niềm ước mơ của em tôi: làm sao hơn được anh mình. Sang ơi, anh cũng mong muốn như vậy lắm; nhưng phải làm sao?

Nguyễn Ngọc Hoa
Ngày 7 tháng Mười Hai, 2016

Trở về đầu trang