![]() |
Loạt truyện "Dạo Vào Đời"
của Nguyễn Ngọc Hoa
15. Tài Tử và Giai Nhân
Đối với tôi, những ngày tháng chật vật và khó khăn ở Đại học xá Minh Mạng lại là một quãng đời hạnh phúc và thoải mái. Tôi yêu Đại học xá – nơi đây chúng tôi học hành, thu góp kiến thức, phát huy tư tưởng, kết giao bạn bè, học hỏi lẫn nhau, và hinh thành các thói quen, sở thích, lối suy nghĩ, và thái độ đối với cuộc sống để mai sau ra đời. Tôi yêu chàng thư sinh mô tả trong “Tài Tử Đa Cùng Phú” của Cao Bá Quát, bài phú kể chuyện về cuộc đời “đa cùng” của một người tài tử,
. . . Tươi nét mặt thư sinh lồ lộ, bưng mắt trần toan đạp cửa phù đồ;
Rửa buồng gan du tử nhơn nhơn, giương tay Tạo rắp xoay cơn khí số . . .
Khí phách hùng tráng làm sao! Chàng thư sinh phóng đãng tươi nét mặt, bưng mắt trần chơi trò ú tìm, toan đạp toang cửa chùa; rửa buồng gan chàng du khách cứ trơ trơ, mượn tay Trời định xoay lại vận số. Hinh ảnh hào sảng ấy được biểu hiện trong phong cách của thằng Thiết ở cạnh phòng tôi. Nó học năm thứ ba ở Đại học Khoa học, ngày trước học trung học ở Trần Hưng Đạo Đà Lạt, và nổi tiếng tài hoa. Nhẩy đầm giỏi, chơi xì phé cừ, đánh mạt chược cao, và tán gái hay – môn gì nó cũng xuất sắc, thứ gì nó cũng vượt bực, và chúng bạn ai nấy đều thán phục.
Thằng Thiết đang quen với một cô học Bùi thị Xuân Đà Lạt tên là Ngọc Long, nhưng mối liên hệ chỉ giới hạn trong mấy lá thư úp úp mở mở, chưa ngã ngũ về đâu. Thư từ thì thật dễ giải quyết: tụi bạn Đại học xá đã có sẵn một lô thư tình mẫu, xếp loại theo mức độ thân sơ, tha hồ lựa chọn. Hôm nào hào phóng chi một chầu cà-phê Đa La thì có khối tên thất nghiệp tình nguyện viết thay, cam đoan nét chữ và “tâm sự” y hệt như của khổ chủ. Nếu rộng rãi hơn, vung tiền cho một buổi nhậu nghiêu hấp bên lề đường Nguyễn Tri Phương, là có quyền đòi hỏi thêm tí thơ tí thẩn trong thư cho có vẻ văn nghệ văn gừng với nàng. Thơ Nguyên Sa thường được sao chép lia chia; thí dụ, một trong những lời thư ăn khách nhất là câu thơ trong bài “Gọi Em” – vừa tình tứ vừa kín đáo hứa hẹn,
Tôi nghĩ thầm: nếu còn làm vua ở một triều đình
thịnh trị thời xưa tôi sẽ không ngại ngần
mặc mũ áo cân đai ra đứng giữa cửa thành
bắc loa mời em về làm hoàng hậu.
Chiều thứ Bảy thằng Thiết hay đi bát phố với thằng Lộ học Kiến trúc. Thằng này dáng điệu lù đù và trông đạo mạo như ông cụ tám mươi, nhưng chớ vì thế mà xem thường: Lộ ta là thổ công Sài gòn, không có chuyện gì mà nó không biết. Nó là trung tâm thu thập dữ kiện của Đại học xá, tin tức có tiếng là mau chóng và chính xác nên được mệnh danh là “Minh Mạng Thông tấn xã.”
Một hôm hai thằng lang thang vớ vẩn trong thương xá Tax ở góc đường Nguyễn Huệ và Lê Lợi. Thằng Thiết trông thấy một thiếu nữ chừng mười tám, mười chín tuổi đẹp tuyệt vời ngồi bán hàng trong tiệm mỹ phẩm mới mở. Lập tức Minh Mạng thông tấn xã được tham khảo: Nàng tên là Nhật Hạ, hoa khôi các lớp đệ nhất (lớp 12) trường Gia Long, và học rất giỏi, “dân ban B là ban Toán mà tiếng Anh nói như Mỹ, tiếng Pháp nói như đầm.” Gia đình nàng khá giả, cửa tiệm mỹ phẩm do chính nàng đứng tên làm chủ. Điều quan trọng nhất là Nhật Hạ chưa có ý trung nhân, có lẽ chưa tìm được trang tài tuấn xứng đáng và thích hợp với mắt xanh của nàng. Như con gà non háu đá, thằng Thiết hừng chí muốn thử lửa,
“Để tao nhào dzô thử xem sao!”
“Nếu mày rủ được ‘em’ đi uống nước, ‘ông’ bao chúng mày chầu kem Pôle Nord (Bắc Cực),” thằng Lộ hăng hái không kém.
Quán Pôle Nord có máy lạnh, tường ngoài toàn bằng kính, và nằm ngay góc đường phía ngoài thương xá Tax là địa điểm lý tưởng để trình diễn (có bồ muốn khoe khoang với thiên hạ) hay rửa mắt (ngắm nhìn phụ nữ đi qua đi lại) trong những ngày cuối tuần. Nhưng quán này chém rất kỹ (tính tiền rất mắt) nên bọn tôi thường chỉ dám đi trên hè phố nhìn vào với đôi mắt thèm thuồng.
Thằng Thiết lân la tới trước quầy hàng, làm bộ chăm chú nhìn các món mỹ phẩm bày bán. Quả là danh bất hư truyền, Nhật Hạ niềm nở mời chào; vẻ dịu dàng và sự hoạt bát đi đôi với nhau một cách tuyệt hảo, dễ làm rung động lòng người. Bằng giọng nói êm ái nhất, thằng Thiết hỏi nàng,
“Thưa cô, nếu người bạn trai của cô ở xa lại và muốn tặng cô một món quà nhỏ, theo ý cô thì người ấy nên tặng món gì?”
“Anh hỏi khó quá, tôi không có bạn trai nên không được rõ,” Nhật Hạ cười thật tươi, như đọc được ý nghĩ của người con trai trước mặt.
“Giả sử là có thì cô trả lời như thế nào?”
“Trong trường hợp đó, tặng món gì là quyền của người cho, chứ người nhận đâu có thể đòi hỏi.”
Thằng Lộ đứng phía sau khoái chí cười hinh hích, chắc hẳn đang cố gắng ghi từng câu, nhớ từng chữ để sau này bắt chước. Thằng Thiết mon men hỏi về các loại nước hoa dành cho phụ nữ. Nhật Hạ mang ra mấy chục chai nước hoa mẫu và lần lượt rảy mỗi thứ vài giọt trên lưng bàn tay cho nó ngửi. Cái mũi thằng Thiết được một phen sung sướng mê tơi! Trong lúc nàng giải thích sự khác biệt giữa mùi hương, đặc tính, và giá cả của các loại nước hoa, nó thừa dịp tấn công líu lo, hỏi han về sở thích và gia thế của nàng, và đi một đường tâng bốc,
“Cô còn trẻ – và đẹp – như thế này mà đã làm chủ một cửa hàng sang trọng.”
“Đâu có anh! Cửa hàng của mẹ, tôi chỉ giúp đứng bán hàng cuối tuần.”
“Thế cô có đông anh em?”
“Nhà có ba anh em: Ông anh lớn học trường Dược, thằng em út học Pétrus Ký, và tôi là ‘út giữa,’ khách hàng thường trực của các gánh quà vặt ở cổng bên trường Gia Long, cái cổng trước mặt chùa Xá Lợi.”
“Ồ . . . cô công chúa duy nhất . . . , đáng yêu làm sao!”
“Ấy chết, anh dạy quá lời! Lỡ có người nghe thấy mà tưởng thật thì phiền cho tôi lắm đó.”
Không dò hỏi được sự kiện mới mẻ nào, nhưng lời đối đáp của nàng phù hợp hoàn toàn với bản “tường trình chiến sự” do Minh Mạng Thông tấn xã loan truyền. Rốt cuộc nó chọn mua chai nước hoa Chanel Số 5, lấy ra tấm danh thiếp (do một ‘em’ Trưng Vương có bố làm chủ nhà in in tặng), và ghi ở mặt sau bốn câu thơ bằng tiếng Anh,
Roses are red,
Violets are blue,
Sugar is sweet,
And so are you.”
(Hoa hồng màu đỏ,
Hoa đồng thảo màu tím,
Đường thì ngọt,
Và em cũng thế.)
Nó ký tên và nhờ Nhật Hạ gói chung với chai nước hoa. Quái lạ, thằng Lộ vẫn tiếp tục nhe răng cười tì tì – đáng lẽ phải gọi nó là thằng “Lộ Xỉ” mới đúng! Đưa chai nước hoa cho thằng Thiết, Nhật Hạ mỉm cười duyên dáng,
“Cám ơn anh. Tôi chắc cô ấy sẽ rất vui khi được biết anh dành nguyên buổi chiều thứ Bảy đẹp trời để chọn món quà này.”
Nó cười tủm tỉm không đáp. Lúc ấy cửa hàng trở nên đông khách, đã đến lúc ra chiêu tối hậu. Nó trao chai nước hoa lại cho nàng,
“Món quà nhỏ xin tặng cô. Chúc cô cuối tuần vui vẻ.”
Trái với sự dự liệu của thằng Thiết, Nhật Hạ không ngạc nhiên hay tỏ vẻ cảm động trước “chiêu thức” cực kỳ lợi hại này. Nàng chỉ hỏi lại,
“Tại sao?”
“Chỉ để cô vui, xin cô đừng từ chối.”
“Thôi được! Cám ơn anh rất nhiều. Tôi không dám nhận quà của anh, nhưng chai nước hoa này sẽ đến tay người anh muốn tặng.”
Lúc ấy thằng Lộ Xỉ mới chịu mở miệng. Câu nói pha trò ngượng nghịu của nó như một cú tát vào mặt thằng Thiết,
“Cô Nhật Hạ à . . . Nếu ngôn ngữ và hành động của bạn tôi giống hệt cung cách của tôi tuần trước là vì chúng tôi . . . học cùng thầy. Những ‘chiêu’ ấy đều ghi trong sách . . . ”
“Vâng, sách ‘Cửu Âm Chân Kinh’ của các anh; tôi có nghe qua.”
Hai thằng giật thót người và ngớ ra như bị tẩu hỏa nhập ma (tình trạng kinh mạch đảo lộn, máu huyết chảy ngược, và thể xác tàn phế vì luyện võ công quá độ hay không đúng đường). “Cửu Âm Chân kinh” là tên một bộ bí kíp võ học vô cùng âm độc trong Anh Hùng Xạ Điêu của Kim Dung, bộ tiểu thuyết kiếm hiệp rất được ưa chuộng. Nhật Hạ không những nắm được tẩy (gốc tích hay ý muốn thầm kín) của hai thằng mà còn rành rẽ lối diễn tả theo văn chương kiếm hiệp của nhóm bạn Đại học xá.
Nhưng chúng không phải ngạc nhiên lâu. Thằng Lộ chỉ tay về phía cuối gian hàng; sau quầy là một lọ hoa nhỏ tráng men trắng, trong lọ cắm cành hoa hồng với một đóa hoa duy nhất. Lối cắm hoa này, chiếc lọ này, và hoa hồng nhung màu đỏ sậm này, khắp Sài gòn ngoài thằng Thịnh Đại học xá thì còn ai vào đó nữa? Thằng Thịnh học Dược, chơi thân với cả bọn, nhưng tính tình kín đáo, ít khi chia sẻ tâm sự riêng. Nhìn theo hướng chỉ của Lộ Xỉ, Nhật Hạ gật đầu xác nhận,
“Nhờ vậy tôi biết rõ về hai anh – nhiều hơn hai anh nghĩ.”
“Cô quen với thằng Thịnh làm sao?” thằng Thiết bẽ bàng.
“Anh ấy học cùng lớp và chơi thân với anh tôi, và rất hay lại nhà chơi.”
“Vậy mà cô nói là không có bạn trai,” thằng Thiết tức tối.
“Không phải là bạn trai, thật mà! Ảnh là chồng chưa cưới của tôi; chúng tôi đã đính hôn gần năm nay.”
* * *
Như lời hứa của Nhật Hạ, chai nước hoa Chanel Số 5 đến “đúng” người nhận. Khoảng hai tuần sau, thằng Thiết nhận được thư của Ngọc Long cám ơn về món quà “thật đầy ý nghĩa và thi vị.” Từ đó, bắt đầu “đoạn đường chiến binh,” hai người tiến lại gần nhau hơn, và mấy năm sau Ngọc Long trở thành mẹ của con thằng Thiết.
Trước sau thằng Thịnh vẫn kín tiếng, ít khi nói tới vị hôn thê của mình, và dường như không biết chuyện thằng Thiết và thằng Lộ rủi ro buông lời ong bướm với giai nhân. “Ong bướm” nghĩa bóng là theo ve vãn đàn bà con gái; thí dụ như nàng Kiều khi còn là thục nữ khuê môn đã bỏ ngoài tai những lời tán tỉnh của bọn đàn ông,
Êm đềm trướng rủ màn che
Tường đông ong bướm đi về mặc ai.
(Truyện Thúy Kiều)
Có lần vui chuyện, thằng Thịnh tiết lộ Nhật Hạ ngày trước học ở Bùi thị Xuân, ở đó nàng có một cô bạn rất thân, và hàng ngày hai cô vẫn viết thư cho nhau. Chắc hẳn nhờ đó mà Ngọc Long bất chiến tự nhiên thành.
Nguyễn Ngọc Hoa
Ngày 28 tháng Mười Hai, 2016