Trở về trang Mục Lục

Bản PDF để in

Loạt truyện "Dạo Vào Đời"
của Nguyễn Ngọc Hoa

16. Dại Một Giờ

Ở Đại học xá Minh Mạng, chuyện tình được bàn tán nhiều nhất có lẽ là thiên tình sử của thằng Du và Thu Hồ. Thằng Du học “chứng chỉ” (tức là lớp) cuối cùng trong chương trình Cử nhân Toán ở Đại học Khoa học và, về mặt tài hoa và nhan sắc, được xem là làng nhàng bậc trung (trung bình về mọi phương diện). Thu Hồ học Văn khoa ban Pháp văn; vốn là dân Cút (gọi tắt trường nữ trung học Marie Curie) nói tiếng Tây như gió, và được bạn trường đầm gọi là Brigitte vì vẻ đẹp man dại như tài tử Brigitte Bardot. Do đó, không ai ngạc nhiên khi thấy thằng Du sửng sờ và bị tiếng sét ái tình ngay từ phút đầu gặp gỡ. Sáng Chủ Nhật hôm ấy, thằng Du và thằng Hội học Khoa học cùng với nó rủ tôi lên trụ sở Tổng hội Sinh viên Sài gòn trên đường Duy Tân để tham gia Ủy ban Sinh viên Cứu trợ Nạn Lụt miền Tây quyên góp tặng phẩm để giúp đỡ đồng bào đang lâm vào cảnh màn trời chiếu đất. Thu Hồ và cô bạn Văn khoa Mai Lan bạn gái của thằng Hội cũng có mặt ở đó. Thế là chàng và nàng gặp nhau.

Sau một ngày sinh hoạt bận rộn, cả bọn kéo nhau ra hàng nước mía Viễn Đông ở góc đường Pasteur và Lê Lợi để giải khát mà Thu Hồ tình nguyện làm đầu tàu (kéo các toa khác, nghĩa là đãi mọi người). Dân trường Tây có khác; nàng đấu hót liên tu bất tận, dân Đại học xá chúng tôi cũng phải nhường bước. Thằng Du kể như thân bại danh liệt, nhìn nàng không chớp mắt như muốn uống từng lời nói, nuốt từng tiếng cười của nàng. Thằng Hội mải mê chuyện trò với Mai Lan; tôi ví von dọ hỏi địa chỉ của Thu Hồ,

“Bồ ơi, bồ có biết động hoa vàng của nàng tiên nằm trên đường nào không?”

“Nàng tiên của lòng anh ấy hả?” Thu Hồ chu mỏ hỏi lại.

“Không, nàng tiên trong mộng của chàng Du bạn tôi. Nàng tiên có mái tóc dài dài và khuôn mặt xinh xinh, và mặc chiếc áo vàng tươi y hịch như bồ đó.”

“Nàng tiên được Thượng đế cho phép rong chơi nơi trần thế, nhưng cấm tuyệt không được tiết lộ nơi tạm trú. Nếu vi phạm ngài sẽ triệu hồi về trời, lúc ấy bạn anh có khóc thì đã muộn.”

Tôi nhớ ra mình có một cặp vé mời do một cô học trò tặng và tiến thêm một bước,

“Bạn tôi sẽ sung sướng biết bao nếu nàng tiên cho phép tháp tùng đi dự buổi trình tấu dương cầm ở Học viện Quốc gia Âm nhạc vào thứ Bảy tới. Bồ chịu đi cho bạn tôi mừng.”

“Nàng tiên còn phải xin phép ông bà bô chứ đâu dám tự chuyên.”

“Nhưng làm sao liên lạc với bồ?”

“Anh khéo lo, nàng tiên có cái ‘thiên lý nhĩ’ để mà chi?”

Tôi và thằng Du đang ngơ ngác thì thằng Hội tạm ngưng tâm tình với Mai Lan và giải thích,

“Thay vì cặp tai nghe ngàn dặm của các nhân vật trong truyện Phong Thần hay Tây Du Ký, ngày nay ta có chiếc máy điện thoại, Tây nó gọi là cái tô-lô-phôn!”

“Nhưng số điện thoại . . . ”

“Anh đừng lo. Lúc mới gặp nhau, nàng tiên dùng phép ‘thông thiên đạt địa,’ hiểu rõ việc trời đất, và biết trước sẽ bị hỏi nên đã ghi vào tập vở của bạn anh rồi.”

Thì ra, thằng Du đã lọt vào mắt xanh của cô sinh viên Văn khoa xinh đẹp và bặt thiệp từ lúc nào! Ở Sài gòn, chỉ những gia đình giàu có hay có thế lực mới gắn điện thoại tư gia. Đám “thường dân” chúng tôi muốn sử dụng điện thoại phải ra Nha Bưu điện cạnh Nhà thờ Đức Bà, chỉ ở đó mới có điện thoại công cộng, và trả tiền bằng cách mua đồng giơ-tông (tiếng Pháp “jeton”) bỏ vào máy.

Cuộc tình của hai người nảy nở và lớn mạnh. Hàng tuần gặp nhau ở Tổng hội, họ cùng hoạt động trong các công tác xã hội như cứu trợ nạn nhân bão lụt; giúp đỡ đồng bào chiến nạn; tổ chức thăm viếng, ủy lạo, và tri ân các chiến sĩ ngoài trận tuyến; và sinh hoạt với các em cô nhi ở các cô nhi viện. Thằng Du theo nàng đi chu du các hàng quà vặt khắp phố phường Sài gòn, từ đu đủ bò khô Bưu điện, đến bún ốc hẻm Eden, phá lấu Pasteur, bánh đúc Ngã Sáu Sài gòn, bò viên Nguyễn Thiện Thuật, bún thang Bàn Cờ, thạch chè Hiển Khánh, và bánh tôm Hiền Vương. Một hôm, trên đường về nhà, nàng chúm miệng – như thường lệ – nũng nịu,

“Anh à, anh biết Ti năm nay bao nhiêu tuổi không?” “Ti” là lối tự xưng của nàng.

“Bồ không nói, làm sao anh biết được!” thằng Du nhấm nhẳng.

“Anh đoán thử coi.”

“Vậy thì lớn hơn năm ngoái một tuổi.”

“Anh khỉ quá hà! Cứ đoán đại rồi Ti nói cho nghe.”

“Bồ . . . khoảng độ trăng tròn lẻ, lẻ ba hay lẻ bốn gì đó. Cho là mười chín xuân xanh đi.”

, tuổi ta người ta hai mươi rồi chứ bộ! Năm tới là bắt đầu ‘hâm’ rồi; hâm’ đi ‘hâm’ lại, chẳng mấy chốc mà thiu.”

“Bồ tính nói chuyện chi với anh?”

“Anh biết sinh nhật của Ti nhằm vào cuối tuần này không?”

Thằng Du giật nảy người. Bọn sinh viên trần như nhộng cỡ chúng tôi làm gì có cái vụ sinh nhật sinh nhiếc phiền toái này. Nhưng nó gắng gượng,

“Thì bi giờ anh biết rồi , sao?”

Ông bà bô tổ chức tiệc sinh nhật và cho phép Ti mời bạn đến nhà chơi. Mấy thằng em khoái mở bùm, nhưng Ti không chịu, sợ anh không thích.” “Mở bùm” hay “mở ban” (tiếng Pháp là “bal”) là tổ chức khiêu vũ tại tư gia; chỉ có dân lánggồ ghề thứ thiệt mới ăn mừng kiểu này.

“Anh chưa hề có ý định ngăn cản bồ làm gì cả,” thằng Du nói nhỏ.

Ti muốn anh đến dự và luôn tiện gặp mặt ông bà bô.”

Thằng Du chới với. Ra mắt ba má của Thu Hồ là điều nó chưa mong muốn; công chưa thành danh chưa toại, chưa dám nghĩ xa về tương lai. Như đoán được ý nghĩ của bạn, Thu Hồ nài nỉ,

“Anh đến dự cho Ti vui. Mời anh Ba Hoa đi cho có bạn, bảo Ti có chuyện cần nhờ. Cả anh Hội nữa.”

“Ờ . . . để anh xem . . . ”

“Bảy giờ tối thứ Bảy, anh nhớ,” nàng nhắc lại.

Tôi cùng với hai thằng bạn đến sớm như Thu Hồ căn dặn. Đã biết về thằng Du nên “ông bà bô” nàng, nhất là ông cụ, tuy chào hỏi lịch sự nhưng không thèm dấu thái độ lạnh nhạt. Hai thằng đùn cho tôi cái nhiệm vụ làm thân với ông cụ, có lẽ do ý kiến của nàng. Tôi đánh bạo lân la gợi chuyện; khởi đầu từ một người quen của cụ, người đó lại quen biết với một người khác, người thứ hai lại là bạn của một người khác nữa, và người cuối cùng có một thời làm việc chung với cha ở Ban Mê Thuột. Thế là, theo lời cụ, “chúng ta đều là người quen cả”; câu chuyện dần dần trở nên thân mật và tương đắc. Cụ thích nghiên cứu lịch sử và triết lý Đông phương, mê đồ cổ, và sưu tập nhiều lọ, ché, bộ trà, đồ sứ, tranh, và tượng từ đầu đời nhà Minh đến cuối đời nhà Thanh. Bộ sưu tập quý giá được săn sóc, nâng niu, và cất giữ trong căn phòng riêng cụ tự tay lau dọn và không cho phép người ngoài vào.

Rốt cuộc thằng Du chạm trán thằng Khải, kẻ tình địch đáng ngại nhất nghe nói từ lâu. Thằng này được lợi thế là cha mẹ quen thân với gia đình Thu Hồ từ lúc nàng còn bé và nó rất được lòng ông cụ. Trông mặt mũi cũng sáng sủa thông minh, nó vốn là dân trường Tây, trước học Jean Jacques Rousseau, và đang học Dự bị Y khoa. Hai địch thủ gờm nhau, nhưng cố gượng cười và nói năng lễ độ để tỏ ra mình là chính nhân quân tử, lịch sự có thừa.

Thói thường, dìm người khác xuống là lối hiệu nghiệm và kín đáo để tự đề cao mình; thằng Khải vờ quên lời giới thiệu của Thu Hồ về thằng Du và hất hàm hỏi với giọng kẻ cả,

“Anh còn đi học chứ? Học đến đâu rồi?”

Thằng Du lúng túng vì chưa đoán được thâm ý của đối phương thì thằng kia bồi thêm,

“Đỗ Tú tài rồi chứ hả? Tú tài một hở? Khá lắm!”

Thằng Du giận tím mặt, nhưng vẫn ôn tồn,

“Thưa vâng, tôi đỗ Tú tài một rồi. Cách đây những năm, sáu năm; cùng một lượt với thằng Trang học Nông Lâm Súc trong Đại học xá.”

Thu Hồ cố giảng hòa, quay sang hỏi thằng Khải,

“Anh biết anh Du hồi nào mà Ti không hay? Anh Trang có một dạo dạy kèm anh học, phải không?”

“Thằng Trang là ‘vua’ dạy kèm tư gia của bọn anh. Hắn hay than phiền là vì miếng cơm manh áo mà phải bán cháo phổi cho mấy đứa con nít nhà giàu vừa dốt, vừa lười, lại vừa ngu,” thằng Du dứt điểm không thương tiếc.

Khởi đầu buổi tiệc sinh nhật, ông cụ cám ơn mọi người “đã vui lòng bỏ chút thì giờ quý báu đến chung vui với em” và mời tất cả nâng ly. Người nhà mang ra mấy hũ rượu vang lớn nhập cảng từ bên Pháp, loại hũ mười lít bằng thủy tinh có một lớp rơm dày bện chặt bên ngoài. Rượu vang đỏ lấp lánh trong những chiếc ly pha lê trong vắt, cụng vào nhau âm vang như tiếng chuông nghe thật êm tai. Thằng Du uống ực một hơi, cạn ly rượu đầu tiên; ly rượu trên tay thằng Khải không còn một giọt. Cuộc thi đua bắt đầu.

Buổi tiệc kéo dài đến khuya, ai nấy đều vui vẻ, và Thu Hồ mãn nguyện cười tươi. Thằng Du và thằng Khải tiếp tục đọ sức, tôi và thằng Hội uống theo để cổ võ. Cuối cùng thằng Khải đứng dậy trước tiên,

“Xin phép các anh, tôi phải về sớm để sáng mai đi trực bệnh viện.”

Chưa ra tới cửa thì thằng Khải đã mửa tốc mửa tháo ra cả sàn nhà. Ba đứa chúng tôi cũng say chúi mũi chúi lái, và Thu Hồ gọi taxi đưa chúng tôi về Đại học xá. Ông cụ nàng đưa chúng tôi ra tận cửa; hình như ông cụ giận dữ lắm, giơ tay chỉ mặt chúng tôi, và la lối về chuyện gì đó.

Sáng hôm sau thức dậy, đầu nhức như búa bổ và băn khoăn về việc xảy ra đêm trước, nhưng tôi rán an ủi bạn,

“Mình uống rượu chùa lỡ quá chén, nhưng hai bên thiệt hại không đáng kể. Trời chưa sập đâu mà lo!”

Nằm trên đi-văng, thằng Du và thằng Hội cùng nhau lục trí nhớ, dựng lại chi tiết và diễn tiến của buổi tiệc. Mường tượng là khi say mèm, hai thằng dẫn nhau đi tìm phòng vệ sinh để xả xú-báp. Ồ, sao mà lạ: phòng tắm nhà giàu có khác, rộng hơn cả phòng ngủ thường, và quanh tường toàn là tủ kính. Và chai lọ ở đâu mà nằm ngổn ngang lắm thế! Có một điều lạ nữa: sau khi hai thằng “xong việc,” mơ hồ như ông cụ mở cửa phòng đứng đợi sau lưng. Nhớ đến đây, thằng Du bật người nhổm dậy và ôm mặt rên rỉ,

“Ôi thôi bỏ mẹ rồi!”

“Sao vậy?” thằng Hội hoảng hốt la lên.

“Đời khốn nạn rồi! Đi tè mà vào nhầm phòng chứa đồ cổ của ông cụ . . . ”

Từ đó, thằng Du trốn biệt, nhất định không gặp mặt Thu Hồ. Nàng viết thư khẩn khoản xin gặp và nhờ Mai Lan và thằng Hội khuyên giải giùm, nhưng vô hiệu. Khôn ba năm, dại một giờ; lỗi lầm trong một lúc mà tiêu tan cả một cuộc tình đẹp như mơ. Vài tháng sau, Thu Hồ xin đi Pháp du học.

Nguyễn Ngọc Hoa
Ngày 18 tháng Giêng, 2017

Trở về đầu trang