Trở về trang Mục Lục

Bản PDF để in

Loạt truyện "Dạo Vào Đời"
của Nguyễn Ngọc Hoa

17. Dễ Ở Khó Rời

Trong những tháng ngày lêu bêu ở Đại học xá Minh Mạng, tôi bị khi dể là tổ sư cù lần, cả quỷnh nhất nước, hay quê một cục vì ngoài chuyện đi học hay đi dạy học, tôi không hề biết giải trí vui chơi. Tôi không biết nhảy đầm, không chơi xì phé, không biết đánh mạt chược, và không có tài tán gái. Ngay cả cờ tướng, trò chơi trí tuệ tao nhã thông dụng tôi cũng mù tịt, giỏi lắm là nhận mặt các quân cờ – tướng, sĩ, tượng, xe, pháo, mã, và tốt – nhờ hồi bé lén xem mẹ đánh bài xệp (dùng bộ bài tứ sắc) với mấy bà hàng xóm.

Thằng Đại ở dãy nhà đối diện và học năm cuối chương trình Cử nhân Luật thì ngược lại, các thú ăn chơi thứ gì nó cũng giỏi. Nhất là món cờ tướng, nó hiêu hiêu tự đắc cho mình là “Kỳ thần Minh Mạng”; thằng Hội học Khoa học có tiếng cao cờ cũng chưa dám so tài. Ngoài ra, thằng Đại có tài châm biếm và giễu cợt độc địa khiến nạn nhân vô phương chống đỡ. Thí dụ, khi thằng Du học Khoa học tài hoa và nhan sắc làng nhàng bậc trung cặp bồ với Thu Hồ, cô sinh viên Văn khoa con nhà giàu, xinh đẹp, và bặt thiệp, thằng Đại cười nhạo bằng bài ca dao,

Tiếc cây cội lớn không tàn,
Tiếc vườn cúc rậm có hàng không bông,
Tiếc con gái khôn lấy thằng chồng dại,
Tiếc bông hoa lài đem cặm chỗ dơ.

Khi chúng bạn chúc mừng thằng Hội đính hôn với cô sinh viên Văn khoa Mai Lan, thằng Đại phổ biến bài vè,

Con là nợ,
Vợ là oan gia,
Ông bà già vợ là đôi khỉ già,
Em gái vợ (lại) là tiên nga.

Nhưng đám bạn Đại học xá không chịu bị xỉ vả một cách dễ dàng. Chúng phản công bằng cách nhắm vào tướng tá bên ngoài của thằng Đại: môi dày và dài thườn thượt, mắt ốc bươu vừa lồi vừa to, và bụng phệ như thùng nước lèo, trông như con cá vàng nuôi trong chậu. Tốn bao nhiêu cà-phê, thuốc lá, và nước bọt (để cãi nhau) mới hoàn thành bài thơ “Vịnh Cá Vàng,”

Nghĩ xót xa kiếp số cá vàng,
Ăn no rồi lại lội tung tăng.
Mắt lồi lơ láo nhìn thiên hạ,
Bụng bọ đong đưa giễu thế gian.

Oai phong chỉ tới lưng chậu úp,
Huênh hoang chẳng vượt đám rong tàn,
Chi bằng yên phận hòn non bộ,
Loạng quạng coi chừng bị chết oan.

Và thằng Đại bị gọi là Đại “Cá Vàng.” Ngoài chuyện bị nó trêu ghẹo, tôi nghi thằng Du và thằng Hội còn có lý do khác để hiềm kỵ; tôi thắc mắc với thằng Trang học Nông Lâm Súc,

“Đứa nào nghĩ ra cái tên tượng hình hay ho đó?”

“Mấy thằng gà què ăn quẩn cối xay bên Khoa học thấy thằng Đại là dân trường Luật mà mò sang Khoa học ‘dê’ gái SPCN là con Yên Thu, ức lòng và tức hộc gạch nhưng không làm gì được nên mới nghiển ra để trả thù vặt,” thằng Trang được dịp đá giò lái hai thằng Khoa học; SPCN (Science, Physique, Chimie et Naturelle) là lớp Lý Hóa Nhiên.

“Mày chỉ biết học trồng lúa, nuôi heo, và đốn củi rừng nên không biết tiếc sắc thương hoa, gìn vàng giữ ngọc. Thấy cảnh thằng Đại đi cặp kè với Yên Thu, ngay cả thằng Ba Hoa nhà quê tổ nái cũng chép miệng than thầm huống hồ gì bọn tao,” thằng Hội tức thì trả đũa, một viên đá mà chọi cả hai con chim là tôi và thằng Trang; “tổ nái” là hết sức hay quá lắm.

“Nhưng rốt cuộc là công cốc thôi! Đại Cá Vàng đã cua dính Yên Thu từ hồi nảo hồi nào,” thằng Trang cười hề hề.

Một hôm trong phạn xá, tôi ngồi ăn cơm chung bàn với thằng Đại. Nó gợi chuyện làm thân bằng câu hát ví von,

Ma cà bông,
Ma cà cúi,
Lúi húi vườn hoa,
Ông Tây bắt được hỏi nhà mày đâu.
Nhà tôi ở phố Hàng Dầu,
Số nhà năm bốn, đứng đầu du côn.

Tôi chột dạ, không biết nó ám chỉ điều gì. “Ma cà bông” do tiếng Pháp “vagabond” là kẻ lang thang, bông lông, phiêu lãng, hay giang hồ. Ít người biết chuyện tôi bỏ nhà đi bụi đời vào Đại học xá ở, sao nó lại hay? Nhưng nó mỉm cười,

“Câu hát này do Phạm Duy đặt ra ngày còn là một thiếu niên ở Hà nội, ông nghe bao giờ chưa?”

Sau đó, chúng tôi thường gặp nhau trò chuyện. Thằng Đại kiến thức rộng mà thích khoe khoang, và tôi cứng đầu và tự phụ nên hai thằng hay tranh luận. Một hôm đấu khẩu bất phân thắng bại, biết tôi không biết đánh cờ tướng, nó chọc quê,

“Tôi chấp ông một con xe và một con pháo. Nếu cầm chân được mười nước, kể như ông thắng cuộc.”

“Đấu thì đấu, sợ gì?” tự ái bị va chạm, tôi không ngần ngại nhận lời.

“Thật sao?”

“Để cho công bằng, tôi đánh đồng – không cần chấp – và sẽ cầm cự ít nhất là ba mươi nước. Nếu thua ông chịu gì?”

“Ông muốn gì cũng được,” thằng Đại cho là tôi tháu cáy, ăn nói huênh hoang để lừa đối phương như khi đánh xì phé.

“Từ nay ông sẽ không được bén mảng sang trường Khoa học! Dám đánh cuộc không?”

Thằng Đại mỉm cười khoan khoái,

“Nếu ông thua cuộc thì sao?”

“Muốn gì tôi cũng làm! Tuy nhiên, đánh đồng như thế thắng ông cũng chẳng vinh dự gì. Hay là ông kiếm một thằng đánh cờ ngang tay với ông rồi cả hai thằng cùng đấu với tôi. Vậy mới xứng tay tôi!” tôi vênh váo.

“Ông tự đào huyệt chôn mình, đừng trách tôi nhé! Tôi kêu thêm thằng Hội để cùng đấu với ông.”

“Đồng ý! Ông đưa điều kiện đánh cuộc đi.”

“Trong vòng ba ngày ông phải dọn ra khỏi Đại học xá. Đến chơi thì được, nhưng không được ngủ qua đêm.”

Đám bạn chia làm hai phe và bàn tán sôi nổi. Ai cũng thấy tôi thua đứt đuôi con nòng nọc, nhưng với giá đặt cuộc lớn như thế, nếu không nắm chắc phần thắng thì tôi đã không nhận lời. Mọi người nôn nóng đợi tới ngày “Minh Mạng luận kỳ,” và hai phe “Hắc Bạch giang hồ” tề tựu đông đủ để chứng kiến cuộc tỉ thí. Hai bàn cờ được bày ra: bàn thứ nhất đấu với thằng Đại, tôi chọn quân cờ đen, và bàn thứ hai đấu với thằng Hội, tôi chọn quân cờ đỏ. Hai cao thủ bồn chồn lo lắng nhưng vẫn cười nói oang oang. Bắt đầu cuộc đấu, tôi ung dung hất hàm bảo thằng Đại,

“Nhường ông đi trước đó!”

Không khách sáo, thằng Đại di chuyển một quân cờ đỏ, ra quân nước đầu tiên, và băn khoăn chờ đợi. Tôi quay sang nói với thằng Hội,

“Tao nhường thằng Đại đi trước, bàn này tao ra quân trước. Đồng ý không?”

Hợp lý quá còn gì, thằng Hội gật đầu. Tôi cầm quân cờ đỏ y hệt như quân cờ thằng Đại đã dùng và di chuyển y hệt như nó. Đoạn, tôi khoanh tay đợi thằng Hội đi trả nước đầu tiên. Đến đây khán giả hiểu ra và vỗ tay hoan hô,

“Mưu mẹo thần sầu, Đại Cá Vàng phen này bị hố to!”

Sau đó, tôi chỉ việc “cóp” nước cờ tấn công của thằng Đại sang đánh thằng Hội, và dùng nước cờ phản công của thằng Hội để đỡ đòn thằng Đại. Cứ như thế, ván cờ thực sự do hai thằng kia đánh với nhau; bên tám lạng, bên nửa cân, trong ba mươi nước chưa phân định hơn thua. Vậy là tôi thắng cuộc!

Thằng Đại giữ đúng lời hứa và không léo hánh tới trường Khoa học. Đối với tôi, thằng Đại có phần khiêm tốn hơn, không tỏ vẻ cay cú, và dành cho tôi nhiều thiện cảm. Gần Tết, sinh viên Đại học xá sửa soạn về quê ăn Tết, ngoại trừ một số không có nơi nào để về như tôi hay không đủ khả năng tài chánh để đi xa. Nó đột nhiên mời tất cả bạn bè ăn bữa tiệc tất niên: nhậu nghiêu hấp bên lề đường Nguyễn Tri Phương.

Hôm ấy là tối Chủ Nhật, ngày hăm ba tháng Chạp đưa ông Táo về trời. Thằng Đại cười toe toét xuất hiện với một thiếu nữ duyên dáng có mái tóc thề thả ngang vai – Yên Thu lớp SPCN bên Đại học Khoa học. Đám bạn ngạc nhiên khi thấy Yên Thu bước lại bá cổ tôi,

Anh Bé tệ quá chừng. Ở cách nhau có một bước mà không thèm ‘quá bộ’ tới thăm tui với ba mạ.”

Con Cúi mi ăn nói chi lạ rứa? Tau mắc học và không có thì giờ chớ trong bụng khi cũng nhớ tới mi và cậu mợ.”

Yên Thu là con gái duy nhất của cậu Há, em chú bác của mẹ. Thuở bé, lúc tôi còn là Thằng Bé và nàng là Con Cúi, hai đứa chơi ô làng, đánh thẻ, và nhảy lò cò với nhau, “mi mi tau tau,” và chuyện trò gần gũi suốt ngày. Ngày ở Huế, tôi là đứa cháu ưng ý nhất, nhưng cũng làm cậu bận tâm nhất vì hay gây chuyện rắc rối lôi thôi ở trường. Vài năm trước cậu và gia đình dọn nhà vào Sài gòn, và hiện nay cậu giữ một chức vụ quan trọng trong Bộ Thông tin và Chiêu hồi.

Trong lúc các bạn tôi rộn ràng gọi nghiêu và thức uống, Yên Thu thủ thỉ,

“Tháng trước o ở Tuy Hòa vô thăm ba mạ. O khóc nói anh cãi lời dượng rồi bỏ nhà đi lang thang đầu đường xó chợ, bữa đói bữa no. O nhờ lo cho anh vì chỉ có ba mạ mới không sợ bị dượng ghét lây và làm khó dễ.” “O” và “dượng” là mẹ và cha.

Tau sống nhăn răng đây, có chết thằng Tây ?”

“Có căn nhà trong khu Bàn Cờ cho thuê mới lấy lại, ba mạ hứa kêu anh về ở và trông nom anh cho o.”

“Và cậu mợ phải cậy nhờ Con Cúi – à quên, Yên Thu nhà mình?”

Yên Thu gật đầu hãnh diện,

Tui biết không nài nỉ được anh Bé, con người lì lợm như trâu. Chỉ có cách làm răng bắt anh dọn ra khỏi Đại học xá rồi khi nớ mới kéo anh về.”

Mi có xeo có nạy cách mấy cũng không trục được tau ra khỏi Đại học xá ! Xóm Minh Mạng coi rứadễ ở khó rời!”

, anh mà không dở trò ma giáo mà mắt anh Đại thì tui làm được rồi.”

Té ra mi bày trò đấu cờ cho thằng Cá Vàng!” tôi hiểu ra.

Yên Thu không trả lời và ra hiệu cho thằng Đại tới gần; hai đứa nắm tay nhau đứng lên,

“Tụi này xin tuyên bố lý do buổi họp mặt hôm nay: Ra Tết hai đứa tụi tui sẽ làm lễ hỏi, và thằng Đại này sẽ gọi Ba Hoa bằng anh.”

Con là nợ, vợ là oan gia . . . ,” chúng tôi vỗ tay reo hò.

Tết năm ấy, tôi ăn tết với Yên Thu và thằng em rể tương lai. Đưa nhau đi lang thang khắp Sài gòn, ăn uống ngoài đường, nhắc lại chuyện ngày xưa ở Quảng Bình và ở Huế, và để niềm vui ngập tràn tâm hồn. Hạnh phúc hơn hết là biết rằng rồi đây, qua Yên Thu và cậu mợ, mẹ sẽ hay tin thằng con đi hoang của mẹ vẫn sống còn, học hành đàng hoàng, và luôn luôn cố gắng để không phụ kỳ vọng của mẹ.

Nguyễn Ngọc Hoa
Ngày 1 tháng Hai, 2017

Trở về đầu trang