Trở về trang Mục Lục

Bản PDF để in

Loạt truyện "Dạo Vào Đời"
của Nguyễn Ngọc Hoa

18. Dân Chơi Minh Mạng

Một buổi sáng đầu mùa hè, trời trong sáng và mát mẻ sau trận mưa đêm, tôi chở thằng Sang đến Trung tâm 3 Tuyển mộ Nhập ngũ trên đường Lê Văn Duyệt để trình diện. Nó cầm cái túi nhỏ đựng vật dụng cá nhân và nhảy xuống xe,

Tui đi . . . ”

“Ừ, có chi viết thư về cho tau . . . ”

Tôi quay mặt đi để dấu hai hàng nước mắt. Dù biết thằng Sang nhập ngũ theo lệnh gọi động viên là lựa chọn của nó, tôi vẫn thấy đó là thất bại lớn lao của mình và giận mình đã không làm được gì khác để giúp em. Lâu nay, hai anh em đi đâu cũng có nhau, và nó dự phần vào mọi việc tôi làm. Bây giờ nó ra đi, không còn cần đến tôi, và để lại một khoảng trống và một cảm giác hụt hẫng trong tôi.

Chiều hôm ấy, tôi bỏ ăn tối và vào giường sớm. Ba giờ sáng, tôi thức dậy và xếp hai bộ quần áo, hai cuốn sách, và đồ dùng vặt vãnh vào cái túi xắc Air Vietnam. Hết giờ giới nghiêm, tôi kêu xích lô máy ra Bến xe Pétrus Ký gần bùng binh Ngã Bảy Sài gòn. Mua vé xe đò Hiệp Thành đi Nha Trang, tôi lên xe tìm được chỗ ngồi cạnh cửa sổ và tiếp tục ngủ lơ mơ trong lúc tài xế và lơ xe rộn ràng chào mời níu kéo khách. Tôi đã đến Nha Trang nhiều lần và xem thành phố này như “quê nhà” thứ hai vì cha mẹ có nhà ở đây nhiều năm nay.

Giữa buổi sáng, khi xe dừng lại ở Phan Thiết, tôi tỉnh dậy và nhận ra người bạn đồng hành kế bên là một thiếu nữ duyên dáng, khuôn mặt trái xoan mỹ miều, và đôi môi mỏng thoa một lớp son nhẹ. Cô mua bốn cái bánh ú gói lá chuối, chia làm hai, và đưa mời tôi. Không khách sáo, tôi cám ơn, mở bánh ra ăn, và định bụng sẽ mua lại thứ khác để “trả nợ miệng” vào lần tới xe dừng nghỉ. Trước khi tôi kịp nhắm mắt vờ ngủ trở lại, cô hỏi,

“Nhà anh ở Nha Trang?”

“Dạ không,” tôi chưa thấy hứng thú để trò chuyện.

“Anh học ở Sài gòn?” nàng tiếp tục.

“Dạ đúng.”

“Ở Sài gòn anh ở đâu?”

“Tôi ở trong Đại học xá Minh Mạng; cô biết không?”

“Tôi có người quen ở trong Đại học xá – anh Khanh học kỹ sư công chánh.”

“Khanh người Nha Trang thì tôi biết. Hắn ta giỏi lắm!”

Thằng Khanh học ở Trung tâm Quốc gia Kỹ thuật sau tôi một năm và cùng ở Đại học xá, nhưng hai thằng khác nhau một trời một vực. Trong khi tôi là tổ sư cù lần, với dáng người cao ráo đẹp trai nó đã thành danh là dân chơi thứ thiệt. Bạn bè đồn nó là khách hàng thường trực ở các xóm yên hoa Trần Nhân Tôn, Trần Bình Trọng, Tân Bình, Gò Vấp, v.v. Nó chịu chơi và có . . . uy tín đến đỗi các “bà chị” đặc biệt cho ghi sổ hàng tháng. Lũ bạn Đại học xá vừa nể phục vừa ganh tỵ nên đặt ra bài thơ tứ tuyệt,

Ngồi buồn lại nhớ Đặng Thư Khanh,
Lủng lẳng bao năm trái ngọc hành,
Trưa nắng ra “Chùa” mang sáu chục,
Đêm dài ôm sến suốt năm canh.

“Chùa” ở đây là quán Cái Chùa, tức là nhà hàng La Pagode ở góc đường Tự Do và Lê Thánh Tôn, nơi gặp gỡ của giới ký giả và văn nghệ sĩ Sài gòn mà thằng Khanh thích tới trụ trì, nhưng lần nào cũng chỉ mang theo sáu chục đồng, vừa đủ để gọi một ly trà đá. Chúng tôi giữ một khoảng cách vững dạ cho đến một hôm tình cờ đi cùng chuyến máy bay ra Nha Trang, có dịp chuyện trò, và khám phá ra cả hai thằng đều mê biển và có cùng một sở thích khác thường: tắm biển ban đêm – cởi tuột hết quần áo, chạy nhông nhông xuống nước, và để sóng vỗ lâng lâng vào cơ thể. Từ đó, chúng tôi gần gũi và thân nhau hơn.

* * *

Không khí hiền hòa ở thành phố dừa xanh cát trắng khiến lòng tôi dịu lại, tạm quên nỗi ưu tư của cuộc sống Sài gòn. Nhờ được thằng Hội (học Đại học Khoa học và bạn Đại học xá) và gia đình tiếp đãi thân tình và niềm nở, nỗi nhớ nhà, mẹ và các em, cũng nguôi ngoai phần nào. Tôi lang thang khắp phố phường Nha Trang. Một buổi tối đi chơi khuya và đạp xe tà tà trên đường Yersin, tôi thấy một bóng người cởi trần chạy lom khom phía bên kia đường. Mặc dù người kia cố tránh núp sau hàng cây bàng, tôi cũng nhận ra và chào hỏi,

“À ông Khanh! Đi chơi khuya thế?”

“Tôi chạy tập thể dục. Sức khỏe quý hơn vàng mà!” nó thở hổn hển.

“Ô, thế quần ông đâu?” tôi nhìn xuống thấp, có điều gì không ổn.

“Hồi nãy ở nhà trời nóng cởi ra cho mát, đến lúc chạy tập quên bẵng đi mất. Bậy thật!” nó lúng túng chữa thẹn.

Tôi nghĩ tới những “chiến tích oanh liệt” của thằng Khanh được truyền tụng ở Đại học xá. Chắc hẳn nó lân la xuống xóm chị em ta, cuộc vui chưa tàn thì bị lính kiểm tục bố ráp, và chàng dân chơi hốt hoảng bỏ quần áo chạy thoát thân. Cũng có thể là một vụ giao du bất chính, vầy cuộc nửa chừng thì chồng người đẹp đi trực đêm bất chợt trở về bắt quả tang tại trận. Tôi cởi phăng chiếc áo sơ-mi trên người,

“Ông quấn đỡ, lần sau rán cẩn thận nhé!”

Những hồi tưởng về mối tình đã đi qua thúc dục tôi trở lại Hòn Chồng ở Đồng Đế, một bãi đá lớn nằm bên bờ biển gồm những khối đá lớn nhỏ chồng lên nhau thành một số hình thù khác nhau, nơi đây tôi và nàng đã vui trọn buổi chiều cuối cùng bên nhau. Tôi ngồi trên phiến đá, hướng ra biển, và gục mặt nhớ về người tình đã mất. Bỗng có hai bàn tay bịt mắt tôi và tiếng phụ nữ cười khúc khích sau lưng,

“Tìm anh mãi, giờ mới gặp.”

Tôi bắt gặp nụ cười tươi tắn của cô bạn đồng hành trên xe đò,

“Cô đi tìm tôi? Làm sao biết tôi ở đây?”

“Tìm anh để mời đi ăn tối. Tôi có tai mắt khắp Nha Trang,” nàng chỉ tay lên bãi, thằng Khanh đứng chờ nàng và vẫy tay chào.

“Nếu tôi không đi thì sao?” tôi hỏi với giọng giễu cợt.

“Tôi sẽ đến nhà anh Hội ngồi khóc miết đến khi anh chịu đi. Bảy giờ tối nay nhé!”

Nàng đến đón tôi, đưa tới Đại Khách sạn Nha Trang nhìn ra bãi biển trên dường Duy Tân, và dẫn lên sân thượng. Người đàn ông trạc lục tuần, mái tóc ngả màu, ngồi đợi với nụ cười khoan dung là anh Đá, anh họ tôi. Tôi kính cẩn bắt tay anh,

“Anh mạnh giỏi? Tui về Nha Trang đã mấy ngày mà chưa kịp tới thăm anh.”

“Làm răng tui có thể bắt lỗi chú em họ ưng ý nhất? Nhật Lệ, gặp ôông con đã tự giới thiệu chưa?”

Thì ra cô gái mang tên con sông chảy qua thành phố Đồng Hới tỉnh Quảng Bình, quê hương tôi thuở mới chào đời, là cháu nội anh Đá và cháu họ gọi tôi bằng “ông trẻ,” người Trung nói là “ôông.” Anh Đá, một nhà thầu khoán lớn và nổi tiếng nhất miền Trung, thỉnh thoảng đến nhà thăm cha mẹ mà anh kêu là “chú mự” (chú thím) vì đứng vào hàng cháu. Cha là trưởng tộc nên tuổi tương đối nhỏ mà vai vế trong họ lại rất cao. Trong bữa ăn, Nhật Lệ chỉ ăn lấy lệ và chăm chút tôi từng li từng tí. Anh Đá bùi ngùi,

“Con Nhật Lệ tuổi Sửu, sanh sau chú một năm. Cha mẹ hắn cùng trang lứa với chú mự, không may qua đời sớm, để hắn lại cho vợ chồng tui nuôi dưỡng. Hắn là đứa cháu duy nhất, và sau khi nhà tui mất sáu năm trước, gia đình còn trơ trọi có hai ông cháu.”

Trong lúc ăn tráng miệng và uống cà-phê, anh Đá đề cập tới vấn đề chính,

“Dòng họ Nguyễn ngoài làng mình xưa nay mang tiếng dốt đặc cán mai và bị người ta chê cười mồ mả tổ tiên chôn nhằm ‘ngưu mạch,’ hay mạch con bò. Khi chú đi học, thầy giáo nói chú thông minh sáng láng hơn người, cả họ nuôi hy vọng lớn lên chú sẽ học giỏi, thành đạt, và làm rạng rỡ gia tộc, hết bị người ta bêu diếu.”

“Hồi đó tui có nghe nói,” tôi gật đầu.

“Tháng trước mự ở Tuy Hòa vô đây thăm ông cháu tui. Mự cho biết chú bỏ nhà đi cù bơ cù bất, tui nghe mà rụng rời chân tay.” “Cù bơ cù bất” là bơ vơ hay lang thang, không biết trôi giạt về đâu.

“Rồi răng?” tôi đã đoán ra, nhưng vẫn hỏi.

Mự đề nghị cho con Nhật Lệ thành hôn với chú, vào Sài gòn ở, và lo việc bếp núc và nhà cửa cho chú yên tâm học hành. Mự có dâu hiền, tui có cháu rể thảo, chú học thành tài, và cả họ mừng vui. Chú thấy sao?”

Kế hoạch của mẹ đúng là một công đôi ba việc; trước đây đã nghe phong thanh mẹ nhắm “cưới con cháu của thằng Đá cho thằng Ba Hoa, con nớ đẹp cả người lẫn nết.” Tôi ngập ngừng,

“’Bà già’ tính rứa là chu toàn, phần tui không có chi trở ngại. Nhưng cho tui bàn với Nhật Lệ rồi mới đoan kết chuyện trăm năm.”

Tôi sánh vai Nhật Lệ dạo bước trên bãi biển. Trăng thật sáng, ước gì đây là cuộc dạo chơi thơ mộng của hai kẻ yêu nhau! Chúng tôi dừng lại, ngồi trên cát, và nhìn ra biển. Tôi nắm tay nàng,

“Em còn nhớ chuyện Lưu Bình - Dương Lễ không?”

“Dĩ nhiên là em nhớ: hai người kết bạn với nhau, học cùng thầy, và cùng đi thi. Dương Lễ thi đỗ, ra làm quan, giàu sang, và có vợ đẹp. Lưu Bình thi hỏng và tìm đến nương nhờ Dương Lễ. Dương Lễ thương bạn, nhưng giả vờ làm nhục bạn và ngầm cho người thiếp yêu là Châu Long sang nuôi bạn ăn học. Và Lưu Bình phẫn chí học thành tài. Anh . . . à ôông, chớ có ví em với nàng Châu Long vì em kính mến ôông và mơ ước được làm dâu nhà ôông mụ cố.”

“Cám ơn em vô cùng. Dự tính của ‘bà già’ và ông nội em thật tuyệt vời về ý định và mục đích, nhưng lại thiếu hợp lý về nguyên nhân sự việc. ‘Bà già’ biết rõ, không như Lưu Bình, tôi đủ khả năng tự lo thân mình và sẽ thành công trong việc học. Và trong tích xưa, sau khi Lưu Bình thi đỗ, Châu Long trở về với Dương Lễ; nàng Châu Long đời nay sẽ phải cắn răng sống với người mình không yêu suốt đời.”

Nhật Lệ buông tay tôi,

“Ý ôông là sao?”

“Thú thực với em, con tim tôi đã chứa hình ảnh một người khác, dù người đó đã ra khỏi đời tôi. Và tôi biết có một người yêu em, yêu em nhiều hơn em có thể yêu lại hắn, và hơn ai hết sẽ mang lại hạnh phúc trọn vẹn cho em. Cơ duyên may mắn như vậy, tại sao em lìa bỏ và hy sinh cho kẻ khác một cách vô lối?” tôi cất cao giọng.

Ôông muốn nói anh Khanh?”

“Còn ai vào đó nữa?”

“Thật sao ôông?” nàng chưa tin.

“Nhất định như vậy rồi! Tôi hứa sẽ tận lực ủng hộ tình duyên của hai người và coi em là bạn giống như thằng Khanh.”

“Tâm ý ôông thật bao dung, hai đứa em sẽ đội ơn đến khi đầu bạc răng long,” nàng thở ra nhẹ nhõm.

* * *

Hai năm sau, tôi ra Nha Trang dự đám cưới thằng Khanh và Nhật Lệ. Chú rể tốt nghiệp kỹ sư công chánh, và cô dâu vừa nhận bằng tốt nghiệp trường Chánh trị Kinh doanh Đà Lạt. Sau tiệc cưới, thằng Khanh kéo riêng tôi ra,

“Cám ơn anh đã giúp, nói vô với Nhật Lệ, và nhất là đã không tiết lộ chuyện ‘chạy tập thể dục’ của tôi.”

“Hỏi thực ông, chuyện gì xảy ra?”

“Tối hôm đó tôi xuống biển chơi rồi, như thường lệ, cởi áo quần để trên bãi và chạy xuống nước bơi lội thỏa thuê. Đến lúc lên bờ ra về thì, ôi thôi, mớ áo quần không cánh mà bay.”

“Sao ông không nói cho tôi biết?”

“Anh khéo nói giỡn! Cái danh tiếng ‘dân chơi’ đâu phải dễ dầu gì mà có, khơi khơi thú nhận mình sơ ý để áo quần bị chúng đánh cắp thì còn gì là . . . thể thống quốc gia?” thằng Khanh nở một nụ cười hóm hỉnh.

Nguyễn Ngọc Hoa
Ngày 15 tháng Hai, 2017

Trở về đầu trang