Trở về trang Mục Lục

Bản PDF để in

Loạt truyện "Dạo Vào Đời"
của Nguyễn Ngọc Hoa

19. Chẳng Cũng Khoái Lắm Ru?

Tôi và thằng Lộc nhập học trường Cao đẳng Điện học bằng hai lối khác nhau. Sau khi đậu Tú tài II, tôi vào đệ nhất niên qua kỳ thi tuyển thường lệ, và nó vào đệ nhị niên qua kỳ thi tuyển đặc biệt dành cho các sinh viên đã có “chứng chỉ” (tức là hoàn tất lớp) Toán Đại Cương hay Toán Lý Hóa ở Đại học Khoa học. Kỳ thi đặc biệt này tuyển chọn sinh viên bổ sung vào chỗ của những người đã được học bổng du học, học cầm chừng trong lúc chuẩn bị, và gần cuối năm mới xuất ngoại.

Học cùng lớp đệ nhị niên, nhưng ngoài giờ học hai thằng đường ai nấy đi. Qua bộ dạng bên ngoài, tôi là chú sinh viên lấc cấc và ăn nói ngang như cua, và ngoài việc học và đi dạy học, không biểu lộ tài cán gì đặc biệt. Ngược lại, thằng Lộc quê ở Đà Lạt, một sáng lập viên của Phong trào Du ca Việt nam, và nổi tiếng đa tài – từ lãnh vực văn nghệ đến mọi bộ môn thể thao. Mãi đến cuối hè, trước ngày khai giảng niên khóa sau, chúng tôi mới có dịp trò chuyện với nhau. Hôm ấy tôi ngồi uống cà-phê một mình ở quán Cà-phê Nhân trên đường Lý Thái Tổ, nơi gặp gỡ của mấy người bạn xem thú thưởng thức cà-phê ngang hàng với trà đạo Nhật Bản. Bỗng nhiên thằng Lộc bước vào; nó đi một mình và bước lại ngồi chung bàn với tôi,

“Mày đến đây thường?”

“Ờ, tao mê cà-phê Coffea Robusta Ban Mê Thuột của ông Nhân. Dùng ‘phin’ lọc và pha với sữa đặc, Robusta có hương vị nhẹ nhàng và màu cà-phê sữa đậm đà và bắt mắt, thỏa mãn cả vị giác, khứu giác lẫn thị giác.”

“Vậy có tất cả mấy loại cà-phê?” nó ngạc nhiên.

“Trên thế giới chỉ có bốn giống cà-phê chính; ba thứ kia là Arabica, Liberica,Stenoplylla, tao thử qua nhưng không thích mấy nên ta về ta tắm ao ta, dùng trong dù đục Robusta nhà vẫn hơn.”

Nghề chơi cũng lắm công phu, tao chịu mày!”

Tôi nghe âm điệu miền Trung xen lẫn trong giọng nói của thằng Lộc,

“Mày gốc người Quảng Bình?”

“Tao sinh ở ngoài đó, nhưng ‘ông già’ vào Đà Lạt lập nghiệp lúc tao còn nhỏ.”

Hỏi ra mới biết bác Hảo, ba thằng Lộc, là bạn thân và học cùng khóa Võ bị Liên quân Đà Lạt với cha. Có lần bác có việc đi qua Tuy Hòa và ghé thăm cha nhằm lúc tôi về thăm nhà; tôi nhớ lại,

“Bác dặn tao lên Đà Lạt nhớ ghé thăm bác.”

“Nhà tao ở đường Thi Sách; mày lên Đà Lạt lần nào chưa?”

“Ngày trước anh tao học ở Võ bị Quốc gia, tao lên thăm và ở nhà ông chú họ cũng trên đường Thi Sách.”

“Bác Tôn phải không? Bác ở cạnh nhà tao, hàng xóm láng giềng lâu lắm rồi. Bác mới mở tiệm ăn dưới khu chợ Hòa Bình, lớn và sang nhất thành phố.”

Từ đó, chúng tôi trở thành thân thiết, đi đâu cũng có nhau. Trong những dịp nghỉ lễ nó về thăm nhà, tôi đi theo chơi. Ở đó, ngoài gia đình chú Tôn, tôi có một người bà con khác là Nhật Lệ, cháu họ gọi bằng “ông trẻ” (người Huế nói là ôông) học Chánh trị Kinh doanh và ở trong ký túc xá nữ sinh viên. Hai thằng hiệp lực hay nảy ra ý kiến mới và thích đứng ra tổ chức các cuộc hội hè và sinh hoạt trong trường. Thí dụ như cuối năm đệ tam niên, chúng tôi đề nghị, xin tài trợ, và xếp đặt chuyến "Du khảo Đa Nhim” đầu tiên, tạo thành truyền thống cho các lớp sau noi theo.

Cuộc du khảo thành hình phần lớn nhờ thầy Yên; thầy là giáo sư chính thức của trường và đồng thời nắm giữ một chức vụ quan trọng nhất của Điện lực Việt nam. Thầy điều khiển khóa học theo lối hội thảo, theo đó sinh viên chia thành từng nhóm hai hay ba người; mỗi nhóm được gửi tới một công trình điện lực đáng kể như Trung tâm Phối trí Điện năng ở Thủ Đức, đường dây điện cao thế 66 kV (kilovolts tức là một ngàn volts) vòng đai quanh đô thành Sài gòn, và Nhà máy Nhiệt điện Thủ Đức để nghiên cứu và học hỏi, và hàng tuần phúc trình trước lớp. Thầy cùng các bạn chất vấn và bổ khuyết các chi tiết kỹ thuật, và phê bình và khuyên bảo cách thuyết trình trước công chúng. Chương trình du khảo phù hợp hoàn toàn với mục tiêu khóa học nên không những thầy tình nguyện hướng dẫn phái đoàn mà còn xuất quỹ cơ quan để đài thọ chi phí di chuyển cho học trò.

* * *

Từ phi trường Liên Khương, chúng tôi lên xe về Viện Đại học Đà Lạt. Trong khuôn viên đại học, các tòa nhà dùng làm cơ sở hành chánh và giảng đường rải rác nằm theo hình xoáy khu ốc dọc theo dốc đồi, ẩn hiện trong rừng thông, và nối với nhau bằng những bậc đá hay cầu gỗ và những lối đi quanh co giữa những khóm hoa đủ loại. Giảng đường Thượng Hiền, đã đặt sẵn giường bố và mền mùng nhà binh, là nơi tạm trú cho sinh viên; thầy Yên ngủ trong nhà khách Năng Tĩnh cạnh thánh đường; và chúng tôi được phép dùng cơm trong cư xá Bình Minh của nam sinh viên dưới chân đồi.

Trong buổi tiếp tân chào mừng của Cha viện trưởng với sự tham dự của sinh viên trong các ký túc xá, Nhật Lệ dắt tay cô bạn đến gặp tôi,

“Đây là Trâm Anh học Sư Phạm, cô bạn chung phòng với em. Hắn quê ở Tuy Hòa và hay nghe em kể về ôông nên muốn làm quen.” Tôi nhớ ra Trâm Anh ngày trước học trường Nguyễn Huệ cùng với thằng Sang em kế tôi và có tên trong danh sách “những cô gái đẹp nhất Tuy Hòa” của nó.

“Hân hạnh được biết Trâm Anh.”

Ôông tao nghe tiếng mi từ lâu và hâm mộ lắm đó,” Nhật Lệ thổi phồng để tâng bốc bạn.

“Anh Ba Hoa ở Tuy Hòa ai mà không biết. Sao lâu nay không thấy anh về chơi?” giọng Phú Yên ríu rít và cất cao lên ở cuối câu của Trâm Anh nghe thật dễ thương, nhưng cũng gợi lại cho tôi một niềm nhớ vô vàn.

“Lát nữa mình gặp lại nhé,” tôi nói vội vì thằng Lộc ra dấu cần gặp tôi.

Đêm sinh hoạt cộng đồng theo sau buổi tiếp tân là biến cố được nhắc nhở, mong chờ, và chuẩn bị kỹ càng nhất. Đối với dân húi cua Phú Thọ, đây là cơ hội ngàn năm một thuở để tiếp xúc với nguồn “điện tích khác dấu” là dân kẹp tóc Đà Lạt. Trên đỉnh đồi cao vắng lặng, dưới sự điều khiển điêu luyện của thằng Lộc, từng cặp nam nữ xen kẽ nắm tay nhau di chuyển quanh lửa trại bập bùng và cất tiếng hát hùng tráng vang động núi rừng,

Ta như nước dâng dâng tràn có bao giờ tàn
Đường dài ngút ngàn chỉ một trận cười vang vang
Lê sau bàn chân gông xiềng một thời xa xăm
Đôi mắt ta rực sáng theo nhịp xích kêu loàng xoàng . . .
(Nguyễn Đức Quang – “Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ”

Chương trình văn nghệ gồm nhiều tiết mục vui nhộn và hấp dẫn, nổi bật và duyên dáng nhất là hoạt cảnh “Chùa Hương” do nhóm nữ sinh viên hóa trang và diễn tả với Trâm Anh thủ vai chính, vừa đóng vai cô gái trong truyện vừa ngâm thơ,

Hôm nay đi chùa Hương.
Hoa cỏ mờ hơi sương
Cùng thầy me em dậy.
Em vấn đầu soi gương . . .
(Nguyễn Nhược Pháp)

Thằng Lộc ngơ ngẩn nhìn Trâm Anh như muốn uống từng lời ngâm và ghi khắc từng cử chỉ của nàng vào tâm khảm.

Mục đich chính của chuyến du khảo là quan sát nhà máy thủy điện Đa Nhim và đập nước Đơn Dương, công trình điện lực lớn nhất Việt nam, nằm trên Quốc lộ 11 từ Đà Lạt đi Phan Rang và ngay dưới chân đèo Ngoạn Mục, thường gọi bằng tên tiếng Pháp Bellevue. Con đường đèo uốn lượn quanh co trên 20 cây số với các đoạn cua khuỷu tay rất gấp, xuyên qua các sườn núi thành hình vòng sóng và những tầng đường mà từ trên nhìn xuống thấy xe hơi chạy như món đồ chơi bò ngoằn ngoèo giữa bờ vực dốc đứng và rặng thông xanh um. Chúng tôi dành riêng một ngày để học hỏi và, khi rời Đa Nhim lên xe trở về Đà Lạt, lòng còn luyến tiếc.

Buổi viếng thăm Trung tâm Nguyên tử không có gì hứng thú. Lò nguyên tử (có mục đích nghiên cứu y khoa và nông nghiệp) đã ngưng hoạt động, và bài thuyết trình của vị giám đốc, một kỹ sư điện và nhân viên kỹ thuật duy nhất của Trung tâm, đầy bi quan và chán chường. Rồi đến buổi viếng thăm Ty Điện lực. Nhà máy và hệ thống phân phối điện tương đối nhỏ bé và lỗi thời so với những điều đã học trong sách nên chúng tôi cảm thấy bữa tiệc do Ty Điện lực khoản đãi thú vị hơn nhiều.

Tiệc chia tay với các cô bạn sinh viên mới quen tại nhà hàng Paradis (Thiên đàng) sang trọng là một sự bất ngờ tôi và thằng Lộc dành cho các bạn. Chú Tôn hoan hỉ nhận số tiền nhỏ còn lại trong quỹ tài trợ, sẵn lòng biếu tặng mọi khoản thiếu hụt, và dành riêng cả tầng lầu cho dạ yến của chúng tôi. Chúng tôi được phục vụ như những thực khách thượng lưu của “Xứ Hoa Đào,” và buổi tiệc kết thúc với màn tặng hoa từ giã, bó hoa lớn đã được nhà hàng sửa soạn sẵn. Phe trường Điện nhao nhao đề cử thằng Tảo, một đứa nổi tiếng nhút nhát, đại diện cả bọn. Trâm Anh, ngồi giữa thầy Yên và thằng Lộc, thay mặt phe kẹp tóc nhận hoa. Thằng Tảo ngượng đỏ mặt tía tai, cầm bó hoa đứng dậy, và nói lắp bắp với giọng Quảng Nam,

Qua thì qua không muốn, nhưng mấy đứa tụi nó ép qua quá . . . ”

* * *

Ngày cuối cùng, chúng tôi được tự do thăm viếng thành phố; thằng Lộc đã về nhà tối hôm trước. Trong lúc các bạn rộn ràng ra chợ Hòa Bình mua quà và chụp hình kỷ niệm, tôi xuống cư xá Kiêm Ái đón Nhật Lệ đi thăm chú thím Tôn, ăn trưa trên phố rồi thả bộ xuống Nhà Thủy Tạ bên hồ Xuân Hương uống cà-phê. Ngồi ở bao lơn lộ thiên, chúng tôi ngắm phố Đà Lạt, cảnh trí núi đồi chung quanh, và mặt hồ phẳng lặng với những gợn sóng lăn tăn. Trên hồ thấp thoáng vài chiếc pê-đa-lô (tiếng Pháp “pédalo,” loại thuyền nhỏ có hai chỗ ngồi cạnh nhau, gần sát mặt nước và di chuyển do người ngồi trên ghế đạp quay bánh xe guồng) chở các cặp tình nhân dạo chơi. Bỗng một chiếc pê-đa-lô tiến lại gần, thằng Lộc kêu lớn,

“Mày gọi mua giùm tao hai ly cà phê sữa nóng.”

Thằng Lộc cặp pê-đa-lô vào bờ để lấy cà-phê; nó nhìn tôi cười rạng rỡ. Trâm Anh ngồi bên nó, tươi như hoa, và khẽ cúi đầu chào. Tôi vẫy tay từ giã,

“Cà-phê ở đây cũng ngon gần bằng cà-phê Nhân đó! Hẹn gặp lại mày ở Sài gòn.”

Đợi hai người đạp pê-đa-lô đi xa, Nhật Lệ phụng phịu,

“Vậy là em mất công toi! Ôông biết em đã tính giới thiệu con Trâm Anh cho ôông không?”

Ai ai cũng có duyên phần, bôn chôn cách mấy cũng không khỏi số trời,” tôi an ủi nàng.

“Nhưng thấy ôông ‘ở một mình’ tội quá, em không đành,” nàng ngậm ngùi.

“Lâu nay biết người bạn tài hoa mà phải lẻ loi đơn chiếc; bây giờ thấy bạn gặp được giai nhân đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu và nỗi sung sướng lộ ra ngoài mặt. Chẳng cũng khoái lắm ru?” tôi bắt chước lời Kim Thánh Thán (1608 hay 1610? - 1661) trong bài tản văn “33 Lúc Khoái” kể những phút vui trong đời sống của ông.

Hè năm sau, sau khi tôi và thằng Lộc tốt nghiệp, “lúc khoái” của tôi hiện rõ một lần nữa khi tôi làm phụ rể trong đám cưới của nó và Trâm Anh. Nhật Lệ là một trong bốn cô phụ dâu. Và tôi vẫn “ở một mình.”

Nguyễn Ngọc Hoa
Ngày 8 tháng Ba, 2017

Trở về đầu trang